Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]

Chiếc ghe "Ngo"
Sơn Nam
Thiên hạ đồn rằng lục cụ Tăng Liên có phép mầu nghe được tiếng chim kêu, gió thổi và nghe cả đến tâm sự từng giọt nước, từng hạt bụi trong lòng đất.

Ngày hôm qua, theo sự hướng dẫn của cụ, chú phó hương quản Hem đã đào được một chiếc ghe ngo. Không biết ghe này chôn vùi từ bao lâu rồi ; chỉ biết là đất phù sa đã lắp lên gần một thước. Lục cụ Tăng Liên bèn thắp nhang giữa ruộng, đọc kinh lâm râm. Chập sau, cụ quì xuống trân trọng đặt tay lên mũi ghe. Ghe chưa quá mục, thân hãy còn ngời lên màu nước sơn đỏ chói. Cụ lẩm bẩm :

- Lâu lắm rồi... Hồi xưa kia, chừng năm bảy trăm năm qua, vùng này giàu có, sung túc. Cứ xem chiếc ghe kia cũng đủ biết người xưa tài giỏi hơn người nay...

Chú phó hương quản Hem nói :

- Thưa cụ, tìm được di tích này âu cũng là may mắn cho xóm mình. Không hiểu theo tục lệ mình có nên đào chiếc ghe này, đem xác nó về gần chùa mà thờ ?

- Không được. Chiếc ghe ngo dài trên năm mươi thước. Khoảng giữa, cây đã mềm, làm sao đem về chùa nguyên vẹn được. Không khéo, chúng ta hủy hoại công trình người xưa. Thà chúng ta đừng gặp chiếc ghe này còn hơn là gặp mà phá hủy. Chú biết ghe ngo là gì không ? Nó là hiện thân của rắn thần Naga, linh hiển lắm. Hồi đức Thích Ca ngồi thiền bên bờ hồ giữa rừng, rắn Naga là thần ác. Hôm ấy mưa to gió lớn, đức Thích Ca cảm hóa được rắn. Rắn bèn quấn tròn chung quanh và ngẩng đầu lên cao để che mưa gió cho đức Thích Ca. Từ đó về sau, người Miên khoét thân cây sao, theo hình rắn, hằng năm bơi đua trên sông để mừng mùa nước nổi...

Chú phó hương quản Hem đứng nghe, tỏ vẻ thành kính rồi đi theo sau lục cụ mà về chùa. Chuyến về, cả hai im lặng. Nắng chang chang. Thỉnh thoảng, họ quay lại nhìn cánh đồng mênh mông, cỏ non vừa mọc xanh rờn. Nơi ruộng sâu, nước ngập lên khỏi mắt cá, lác đác vài người lo cày bừa. Lục cụ nhìn chú phó hương quản, chú phó hương quản nhìn lục cụ. Linh tính như báo trước vời họ điềm gì. Ðiềm ấy lợi hay hại ? Một chiếc ghe ngo bị chôn vùi từ năm sáu trăm năm, nay bỗng nhiên hiện ra chào ánh mặt trời !

Như thường lệ, lục cụ Tăng Liên vào liêu an nghỉ. Phó hương quản Hem tỏ vẻ bối rối. Chú ngồi không yên. Chú không muốn về nhà khi bao nhiêu lo âu còn chồng chất, xao động trong lòng. Một ý nghĩ thoáng qua, chú lập tức bước qua bên hông chùa, nơi trại lá. Dưới trại, một chiếc ghe ngo dài kê lên cao, sơn phết kỹ lưỡng. Chiếc ghe này liên tiếp bốn mùa nước, đã làm vinh diệu cho chùa ; cứ mỗi kỳ đua là thắng giải nhứt. Chú nhìn chiếc ghe từ mũi chí lái : bề ngang chừng tám tấc nhưng bề dài đến năm mươi thước. Hình ảnh con rắn thần Naga mà lục cụ giảng giải khi nãy hiện ra trước mặt chú. Hai con mắt ghe chớp lên. Toàn thân ghe như rung chuyển, ngời từng đốm xanh đỏ như vảy rắn. Lái ghe, đằng xa kìa, như quơ qua quơ lại. Gió thổi rào rạt vào trại lá. Ào ! Ào ! Hai tai chú nghe lùng bùng tiếng cồn, tiếng trống, tiếng hò reo. Ghe nọ run mình đòi phóng tới, gân cốt chuyển nghe răng rắc. Khiếp quá !

***

Lục cụ ngồi trong liêu, ngóng đợi phó hương quản Hem để ra ruộng nghiên cứu xác chiếc ghe thiên cổ nọ.

Trời quá trưa. Rồi mãi xế chiều, chú phó hương quản mới tất tả bước vào, lạy cụ hai lạy như thường lệ. Ðôi mắt chú phó hương quản sáng lên :

- Vì có lịnh ông Ðốc Phủ chủ quận nên tôi phải đi hầu, về trễ.

Lục cụ sửng sốt :

- Ðòi việc gì ?

- Dạ, ông Ðốc Phủ dạy chùa mình đúng ba ngày nữa phải đem ghe tới chợ Gò Quao mà đua với ghe của mấy chùa khác.

Không tuân thì có tội.

- Tội gì ? Mới tháng này, chưa tới mùa rước nước ! Ðua ghe như vậy trái với tục lệ.

Chú phó hương quản cố suy nghĩ :

- Dạ nghe nói lễ lớn lắm. Lễ của Tây, ngày 14 tháng 7. Theo mọi năm, ở Rạch Giá mới có lễ. Năm nay, quận Gò Quao mình bắt chước phát phần thưởng.

Lục cụ Tăng Liên nghiêm mặt lại. Ðem ghe ngo của nhà chùa để đua, ăn mừng một ngày lễ chẳng liên quan gì đến dân mình nghĩ cũng khó xử thật. Không tham dự là chống lại với nhà nước Lang Sa, còn tham dự thì mất cả ý nghĩa thiêng liêng. Lục cụ bước ra khỏi liêu, đi vòng qua trại lá để ngắm chiếc ghe ngo. Cụ nói :

- Ðua thì cũng được. Ngặt mình không sửa soạn trước. Rủi thua thì mất danh xóm này. Phải bào lại cho láng, sơn hai lớp thật kỹ. Chú phó hương quản biết không ? Ghe không trơn láng đi chậm lắm, dầu mình cố sức bơi. Cẩu thả như thế này...

Chú phó hương quản nói :

- Ðây là chuyện cực chẳng đã. Chùa nào cũng vậy, họ đâu có thời giờ sửa soạn kỹ hơn mình. Dầu muốn hay không, mình cũng phải đua. Nghe nói thì quan trên giúp mỗi người một ổ bánh mì, mười người lãnh một hộp sữa. Ai về nhứt, được giải... thưởng danh dự.

Lục cụ gật đầu :

- Phải, nhưng mà... chú chắc mình thắng kỳ này không ?

Chú phó hương quản cười dòn :

- Dạ chắc. Dân xóm mình bơi giỏi lắm ; hơn nữa, mới tìm được xác chiếc ghe ngo xưa. Ghe có hồn, lục cụ à ! Hồn chiếc ghe xưa giúp chiếc ghe đời nay. Hồi hôm qua, hèn chi tôi nghe chiếc ghe ngo này chuyển mình răng rắc như sung sức lắm.

Thế là sáng hôm sau lục cụ đích thân đọc kinh làm phép cho ghe ngo. Ghe đẩy xuống nước ; bao nhiêu trai tráng trong làng hò reo vang dậy như... lân thấy pháo. Sáu mươi bốn cây đầm nhỏ phân phát ra, mỗi người một cây. Trước mũi ghe, cây lọng đỏ giương lên che một cái khay nhỏ đầy rượu, nhang, trầu, hoa quả và một ông Phật bằng vàng lớn cỡ ngón tay cái.
Chú phó hương quản được hân hạnh lãnh trách nhiệm chỉ huy cuộc chiến đấu sắp tới. Chú lạy lục cụ rồi đến ngồi nơi mũi ghe, dưới bóng cây lọng. Ba mươi cặp thanh niên lực lưỡng từ từ bước xuống, ngồi sắp hàng hai. Bè ghe khẳm, ngang mí nước, tưởng chừng xê xích một phân nữa là chìm. Nhưng không đâu ! Chú phó hương quản đã vấn chiếc khăn nhiễu đỏ lên đầu rồi đánh vào cái cồn nhỏ :

- Môn ! Môn ! Môn !...

Ðoàn lực sĩ hạ dầm xuống khoát nước, nhịp nhàng. Chiếc ghe ngo phóng tới từng bực rồi nổi lên cao khỏi mặt nước. Nước văng trắng xóa hai bên. Ta thấy chú phó hương quản nâng cây dầm lên cao khỏi đầu, bơi trên không khí.

Tập dượt như vậy năm bảy bận, chú phó hương quản bắt đầu yên tâm. Lục cụ mỉm cười, ghé miệng vào tai chú mà căn dặn lần chót :

- Ngày mốt, khi sắp hàng, chú nhớ kỹ : nếu họ sắp cho mình ở phía bờ bên này thì mình phải lấn tới chừng một tấc. Nước ngược chảy bên này mạnh hơn. Chùa Sóc Ven có bùa. Tránh đừng cho bên họ đụng nhằm ghe mình : không khéo ghe mình đứt ra làm hai khúc. Có bề gì chú ngậm ông Phật vàng vào miệng. Nhớ dặn anh em bên mình uống rượu bớt một chút. Mỗi người, phần ba lít là vừa.

Tuy nằm nhà, lục cụ Tăng Liên vẫn theo dõi được cuộc đua ghe. Cụ nhắm mắt định trí, tai lắng nghe tiếng cồn của ghe gho chùa mình. Nó khác hẳn giọng cồn của chùa khác, cao vút hơn, thanh tao hơn.

Từ sáng đến trưa, tiếng "môn, môn, môn" nghe đều đều. Cụ nhướng mắt, cau mày rồi chập sau ngáp dài, thông cảm : ngoài kia, họ "cáp" độ chưa được. Theo thường lệ, khi xuất phát hai chiếc ghe không ở lằn mức nào nhứt định. Sông quá rộng. Hai bên cứ bơi chầm chậm lấy trớn tới. hai vị chỉ huy liếc mắt nhìn nhau, khi nào đồng ý đua thì mới bắt đầu. Họ mãi "so cựa" với nhau như vậy.

Bỗng giữa trưa, tiếng cồn thúc giục rồi im bặt. Lục cụ đứng dậy, đọc kinh lâm râm, đi tới đi lui trước sân chùa. Chao ôi ! Ngoài sông Cái Lớn, hai chiếc ghe ngo đã biến thành hai con rắn thần bay trên mặt nước. Kìa, phó hương quản Hem đỏ rực như cây đuốc : khăn đỏ, mắt đỏ và da thịt đỏ vì rượu, vì máu nóng, vì ý chí bảo tồn danh dự của chùa mình. Kìa ! ghe của đối phương đang liều mạng xắn vào hông ghe bên này để được huề vì hai bên đều chìm. Nhưng người coi lái bên này nhanh tay. lách qua được. Phó hương quản Hem vội chụp lấy cây dầm nhỏ, nâng lên cao, bơi trên gió như thu hút tất cả sức mạnh của trời, của đất. Ghe vượt qua.

Ðoàn dũng sĩ ôm cán dầm sát vào ngực, ngã mạnh tới, chuyển tất cả nhân lực vào mái dầm. Nước bay trắng xóa. Sau cùng, phó hương quản vội cầm ông Phật vàng trong khay, bỏ vào miệng mà ngậm.

Lục Cụ Tăng Liên hình dung cảnh tượng dưới sông Gò Quao như vậy. Nó có thật không ? Mồ hôi tươm xuống lưng, thấm ướt áo cà sa. Cụ chắp tay vái Trời Phật rồi vào trong liêu nằm xuống thở mệt, đợi chờ.

Chiều hôm đó, tiếng hát vang dậy, tiếng cồn nhịp nhàng đưa đến ngày một gần. Lục cụ đoán đó là điềm chiến thắng. Cụ rửa mặt, lên chùa thắp nhang để tạ ơn đức bên trên.

Nhưng phó hương quản Hem bước vào lạy cụ. Gương mặt của chú lạnh như đồng, gợn chút gì buồn bã.

Lục cụ hỏi :

- Sao vậy ? Mình thua người ta à ?

Chú đáp :

- Dạ, mình thắng. Nhưng mà...

- Sao ?

- Nhưng mà được giải thưởng...

Lục cụ trố mắt :

- Ðược giải thưởng, có gì mà chú ngại. Tiền bạc hả ? Vải bô hả ? Nhang đèn hả ? Năm nay, nhà nước cho vật gì ?

Chú phó hương quản Hem im lặng, chập sau mới bước ra ngoài đem vào một gói giấy lớn, từ từ mở ra thì ô hô ! Ðó là một lá cờ tam sắc to tướng.

Chú nói :

- Cái này của ông Ðốc Phủ tặng chùa mình, phần thưởng hạng nhứt.

Lục cụ không nói nửa tiếng, nuốt nước miếng như cố nén chút gì tủi nhục, xót xa. Hồi lâu, cụ lắc đầu, cười xòa rồi đỡ chú phó hương quản đứng dậy. Hai người bước ra sân. Một quang cảnh náo nhiệt diễn ra : bao nhiêu trai tráng đang nằm trên bãi cát, trên đất bùn. Kẻ thì hát nghêu ngao. Kẻ thì ôm ngực mửa ra nào là rượu, bánh mì, kẻ thì vói tay lên như gào thét, đòi thêm rượu nữa.

Chú phó hương quản nói :

- Dạ, bây giờ mình khiêng ghe ngo lên trại, mai mốt sợ không ai rảnh.

Lục cụ nói :

- Phải. Rồi chú ở đây với tôi. Tôi buồn quá. Có chút chuyện cần.

Chú phó hương quản sực nhớ đến chiếc ghe ngo thiên cổ vừa tìm được mấy ngày trước. Nếu hổm rày không bận việc đua ghe này, có lẽ chú xin phép đào nó lên được. Và lục cụ chắc cũng đã dạy chú nhiều bài học hay hơn.

Chú nói :

- Mình ra ruộng, tiếp tục đào chiếc ghe xưa coi thử, phải không lục cụ ?

Lục cụ đáp :

- Thôi. Mình cứ lấp đất lại cho chiếc ghe đó yên thân, khỏi bận hồn người xưa. Nay mai, vài chục năm nữa, chiếc ghe của chùa mình cũng vậy. Vạn vật đều biến đổi. Duy có nụ cười của đức Quan Âm bốn mặt... Bốn mặt của Ngài nhìn bốn phía để cứu khổ chúng sinh, khuyên ai nấy trầm tĩnh vì sự đời mãi đổi thay, thay đổi.

***