Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về ]

__________________________________________________________________________________
 Thoa (một đời người)
Thế Lữ
Thoa được chừng bốn tuổi thì cả nhà không còn hy vọng gì nữa. Buồn khổ cũng không đến nỗi cay độc lắm, vì họ đã sẵn sàng chịu đựng từ lâu.

Tuy trước đó cha mẹ Thoa vẫn tự nhủ: "Con bé chậm nói cũng nên", nhưng trong tiếng thở dài đã rõ ràng lộ ý chán nản. Họ lấy những trẻ chậm miệng nhất trong chỗ quen biết để làm chừng; đợi thêm tám chín tháng nữa cho già thời hạn; rồi thử lại lần sau chót theo cách đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: nghe gọi thì Thoa chạy đến, bảo làm gì Thoa làm đúng thế nhưng khi hỏi, thì Thoa chỉ bấm be ấm ứ không thành một lời nào. Sau cùng, ông bố nói lên trước nhất cái câu mọi người chỉ dám nghĩ thầm:

- Con Thoa nó câm thực rồi!

Ông nói thêm:

- Nó câm mà không phải vì điếc!

Ông nhớ lại trận ốm của Thoa hai năm trước và nhìn lại chồng sách thuốc ông đánh dấu những trang ông tra cứu về các chứng kinh phong nó làm cấm khẩu người bệnh ở bất cứ tuổi nào. Bao nhiêu phương chữa chạy của ông cũng như bao nhiêu phen cầu cúng của bà tú để cứu đứa con gái cuối cùng, đều vô hiệu cả.

- Nó câm thực rồi!

Họ hàng đều nín thinh, ai giữ riêng nấy những lời có thể bàn ra bàn vào. Cha mẹ Thoa cũng ít khi thở than. Người ta đã cam tâm nhận lấy cái tai họa.

Trong gia đình trước kia sung túc của ông tú Đạt, Thoa từ đó khôn lớn một cách thầm lặng và nhún nhường. Cùng với hai chị và một anh, Thoa vẫn được chăm nom song người ta coi Thoa như một cây cảnh thừa: tiện thể thì tưới bón, nhưng ý săn sóc vẫn là phần những cây khác cùng luống.

Anh và chị Thoa chú ý đến Thoa chỉ vì sẵn có kẻ để trêu ghẹo; nhưng chán rồi cũng để Thoa yên. Không dám tranh giành, lại hay bị bắt nạt, Thoa chỉ thủ thỉ một mình với những vật nhỏ mọn làm đồ chơi: cái nút thủy tinh, những sợi dây gai, lọ dầu quất thần vứt đi, hai cái quai ấm chuyên vỡ. Những thứ ấy, cùng với những mảnh sành hoa, hòn sỏi nhẵn, cũng đủ cho Thoa giải trí được hàng ngày. Thoa đến một góc hiên, xếp hàng cả ra trước mặt, cầm từng cái mà xem, miệng mím, mắt đen láy vui thích rồi vội vàng thu cả lại, lảng đi chỗ khác khi có bóng người. Thoa sợ nhất giờ anh chị đi học về. Lúc ấy thì những bảo vật của Thoa đã giấu kín trong hộp sắt tây, và Thoa ngồi tráo mắt nhìn ra, lo lắng, nhưng quả quyết.

Bà mẹ là người tỏ lòng thương hại Thoa hơn cả thì không mấy khi ở nhà, mải miết công việc buôn bán. Ông tú cả ngày bên án thư cầm sách nho giơ lên dưới tầm mắt kính và như ngượng ngùng mỗi khi nhận thấy có Thoa ở gần. Có lẽ ông coi Thoa như kết quả một điều thất đức nào xa xôi. Dù sao Thoa cũng không bao giờ được bố ngó ngàng tới nữa.

Ông tú không hay nói, lãnh đạm với mọi sự, và mọi người. Từ hồi tiền của trong nhà kém sút và bà tú phải ngược xuôi vất vả, ông bỏ mất tính hào phóng giao du ngày trước, để hết tâm trí mỏi mệt vào tập sách nho và bộ ấm chè tầu. Con cái cùng với người nhà phải lặng lẽ xung quanh ông; ông không để ý đến ai nhưng riêng đối với Thoa, Thoa cảm thấy có một sự kiêng k lạ lùng, mập mờ và dai dẳng. Bà tú về nhà được một đôi ngày ít ỏi nào thì sự vui ấm mới dồn vội cả xuống nhà ngang rồi lại tất tả theo bà đi mất ngay. Thoa lại lùi vào sống trong cái phận im lìm, cuộc đời như lẩn cùng bóng tối.

Đứa bé nhận hiểu nỗi thiệt thòi từ khi khối óc ngây thơ bắt đầu có những điều nghĩ ngợi, nhưng sự thuận quen với số phận đã giũa mòn những ý tủi hờn. Thoa giữ địa vị con cái trong nhà một cách kín đáo, một cách rụt rè, không biết đòi hỏi đã đành, nhưng cũng không tỏ ra chiều mong ước; người ta cho gì thì được nấy. Bữa cơm Thoa không bao giờ đợi cho ai phải tìm gọi. Tắm rửa, người ta giúp Thoa cho đến khi Thoa biết tự múc nước và dùng khăn lấy. Cái lược là một vật châu báu kỳ ảo mà Thoa không hiểu sao anh chị mình lại coi thường. Thoa sớm biết mọi điều giữ gìn săn sóc đến mình, như là để khỏi bận cho người khác. Chung đụng với Thoa trong khi ăn và trong lúc ngủ mà hai chị Thoa với anh Thoa như quên hẳn có Thoa. Đó là do sự cách biệt lạnh lẽo của người trong nhà này, và cũng do thái độ đứa bé thiệt phận. Thoa giống in như sự im lặng: vẫn có đấy mà người ta ít khi nhận ra.

Cái bóng nhỏ bé và lủi thủi kia chỉ quanh quẩn trong khu vườn cây bao bọc lớp nhà cũ ở ngoại ô Bạch Mai. Thoa không bao giờ bước ra khỏi cổng, có ý tránh sự tò mò của người ngoài và cả người hàng xóm. Họ hàng từ lâu đã thưa qua lại. Khi nghĩ tới cái họa hiện đến nhà ông tú, họ chỉ nhớ đứa bé ú ớ cái miệng ngoan ngoãn, hai trái đào đen và đôi mắt sáng - đứa nhỏ kháu khỉnh mà họ từng biết sáu, bảy năm đã qua.

Một lần, mẹ Thoa cùng về nhà với một bà cô lấy chồng tỉnh khác. Bà vừa vào đến cửa đã cất tiếng hỏi, giọng đầm ấm và ngọt ngào:

- Đâu! Nào cháu út ít của cô đâu? Con câm đâu, ra đây với cô!

Bà lên nhà chào ông tú rồi xuống nhà ngang ngồi đợi. Mẹ Thoa giục gọi hai ba lượt mới thấy "con câm" ở chái hiên chậm chạp bước ra, tay buông xuôi người, mắt đen nhìn thẳng trân trân. Gần tới bà cô, Thoa chợt đứng lại.

- Tội nghiệp! Cháu tôi thế kia mà không nói được. Thoa lại đây với cô nào!

Những lời ân cần hồn hậu vuốt ve Thoa cùng với một bàn tay êm dịu. Thoa để yên cho người ta vỗ về.

Lần ấy là lần đầu, Thoa nghe thấy người ta ôn tồn mà gọi tên rõ ràng cái tật của mình ra. Những tiếng "con câm" nói bằng giọng ít nhân từ hơn cũng đã lâu không phật lòng Thoa. Huống chi trong lời chân thật của người đàn bà này lại còn những tiếng khen mà cũng lần đầu Thoa được nghe thấy. Thoa vẫn biết mình gọn gàng xinh đẹp, Thoa hiểu tự bây giờ mình nhan sắc hơn hai chị, hơn cả chị lớn sắp được đi lấy chồng. Nhưng lời bà Đồ vẫn là một điều chứng nhận khiến Thoa tin chắc giá trị mình và lấy làm hởi dạ.

Năm Thoa lên mười hai, ông tú thình lình ốm nặng rồi chết. Trong hồi bận rộn thương khóc ấy, Thoa thản nhiên ngồi xem, riêng hai mắt sáng đen linh động trước một cảnh mới lạ. Rồi theo hai chị mặc tang, theo người thân thuộc đưa ma, bắt chước lễ những bàn cắm hương thắp nến. Thoa vẫn khép nép mà tham dự vào công việc quan trọng đó trong gia đình. Công việc xong, Thoa sẽ lại trở về với nơi câm lặng của Thoa. Cái chết của người cha để những dấu u ám nào trong tâm hồn kia? Có thể Thoa chỉ thấy một sự gì dìu dặt, nhẹ nhàng trong quạnh hiu, có lẽ Thoa chỉ thấy vắng ở chỗ thường ngày cái ông già nghiêm nghị buồn rầu, lúc nào cũng ngồi cạnh khay trà và mắt đeo kính để xem sách.

Những kỷ niệm sót lại trong tâm tưởng Thoa hồi này là sự huyên náo của một nhà đám, những tiếng kể lể ai oán hỗn độn với tiếng kèn trống não nùng ánh ỏi lần lần phai mờ, những người mặc toàn trắng loáng thoáng qua lại với bộ mặt sụt sùi dưới mũ mấn, những con mắt đỏ hoe và thóc mách xoi mói nhìn tận mặt và từng bộ dạng của Thoa... Chị Trâm lấy chồng vào đúng dịp này, nhưng đám cưới chạy tang ấy lẫn lộn vào đám hiếu. Thoa chỉ nhớ có người anh rể mà Thoa đã được trông thấy mấy lần trước, bây giờ khác lạ trong bộ tang phục và tháo vát một cách nghiêm trang.

Những hình ảnh ký ức kia diễn hoạt hàng giờ đăm đắm im chìm của Thoa, cho đến ngày bà tú không buôn bán đường xa nữa. Bà trang trải xong công nợ, dọn một ngôi hàng nhỏ trao cho cô Xuyến, và nghỉ hẳn ở nhà. Lúc ấy bà tú mới nhìn thấy rõ người con gái tội nghiệp của bà và lúc ấy Thoa mới được hưởng sự đầm ấm. Thoa vẫn tinh ý sớm, lòng thương yêu đủ cho hai người tìm được cách hiểu nhau. Bà tú bảo ban Thoa từng điều, dẫn dụ Thoa từng nhẽ, thêm khéo cho cái tay thêu thùa nấu nướng đã sẵn tài. Bà ứa nước mắt thầm nhận thấy con gái mình có đủ cả nết na, đủ thông minh và càng không thua kém ai về nhan sắc. Đôi mắt Thoa quấn quýt mẹ gồm tất cả mọi tình cảm rung động ở đời. Thoa đổi khác hẳn trước. Đôi môi ý nhị của nàng hơi mấp máy đã linh hoạt cùng với vẻ nhìn chí thiết của nàng đủ là những lời, những câu mà bao giờ bà mẹ cũng nghe thấy hết. Bà tú thường vuốt tóc Thoa mà nói không xiết ý:

- Con châu con báu của mẹ đây!

Cái cố tật của Thoa pha những vị chua chát vào nỗi sung sướng của người mẹ khi bà nghĩ xa đến hậu vận của Thoa. Thoa thì không nghĩ ngợi gì, tươi tốt thỏa thuê như cây hoa gặp mùa nắng ấm.

Nhưng hạnh phúc của Thoa không bền.

Bà tú ở nhà chưa được bao lâu cũng lại thụ bệnh rồi mất. Thoa khóc nghẹn đến ngất đi, tỉnh dậy rú lên, những tiếng dứt ruột. Thoa gieo mình ôm choàng lấy quan tài mẹ khi hạ huyệt và trên đường về, người ta phải ghì tay mà xốc nách một người con gái rũ rượi, hai mắt điên cuồng.

Thoa ốm liệt giường năm tháng, ngẩn ngơ mất hơn một năm, hoàn toàn bình phục để thấy gia đình tẻ ngắt với ba chị em mồ côi. Đau thương không khiến cho họ thương yêu nhau và Lạc, người con trai, vừa hỗn xược vừa lêu lổng. Những tiếng tăm người ta nín giữ từ trước được lúc ùa chạy tung ra. Người ta nói đến quả báo từ những tội nợ đâu đâu. Thoa còn nhỏ mà khôn ngoan hơn, lấy thế làm khổ sở nhất, thường chạy đến gục đầu vào chân bàn thờ mẹ hàng giờ. Sự nghèo túng hiện đến mau chóng lạ. Lớp nhà, trước còn đem cầm nợ, rồi sau bán hẳn. Người anh rể, chồng Trâm, không kịp can thiệp để ngăn đón những mưu mô lừa gạt của một người họ xa. Rồi Xuyến theo tình nhân, bạn của em trai cô. Lạc cũng phiêu bạt chẳng biết tới đâu, mang theo số còn lại ở món tiền bán nhà mà hắn đòi giữ. Thoa trở nên cái gánh nặng cho gia đình người chị cả, thanh bạch và đã có hai con.

Thoa như hiểu ngay từ lúc đầu sự gượng gạo của Trâm. Những lời tử tế quá phải lẽ Trâm nói khi đem Thoa về nuôi chỉ là để điểm tô cho một cử chỉ không thể đừng được. Cho nên Thoa cố xếp dọn lấy một đời sống kín đáo nhất trong cảnh ăn nhờ chị. Thoa tìm cách thu hẹp địa vị của mình lại, ẩn náu trong một sự ngừng lặng hết mực, để đỡ vướng bận mọi người. Thoa lựa lọc dần dà cho sự sống của Thoa nhẹ nhàng ăn khớp với cuộc đời mới.

Thoa khâu vá đỡ đần chị, sắm sửa cho các cháu mà Thoa rất sẵn sàng quý mến, nhưng chúng cứ sờ sợ không hay đến gần. Rồi Thoa được người ta đưa đến cho ngày một thêm nhiều những kiểu áo để đan, những mặt gối để thêu với những công việc may cắt nhỏ. Suốt ngày, ngày nọ sang ngày kia, Thoa ngồi ở một góc nhà, cúi đầu xuống kim chỉ, và cũng như xưa ở với cha mẹ, Thoa khiến được người ta không nhắc nhở đến sự có mặt của mình.

Tháng năm qua đi, cùng với cuộc đời hoạt động bên ngoài, người thiếu nữ cặm cụi vẫn ngồi mãi một nơi âm u và điểm vào những ngày lặng lờ của nàng một đôi tiếng thở dài rất nhẹ, rất dịu. Dưới khuôn mặt hòa đối kia, đẹp một vẻ thanh tao trầm tích, ai biết được có những nỗi niềm, những nguyện ước gì?

Thoa mười bảy tuổi rồi. Đôi mắt đen láy khi nhìn ra dưới cái vừng trán trắng mịn, đã làm cho những người vô tâm nhất cũng phải sững sờ.

*
* *

Cái Tết thứ hai sau năm hết tang mẹ, chị Trâm thêm vào số tiền Thoa kiếm được dần trong việc khâu đan, đã mua cho Thoa một chiếc khăn nhung và một cặp áo xuyến. Món quà ấy là một thứ hảo tâm chợt nảy sinh ra, nhưng cũng khiến người cho có thêm một chút quý mến chân thành đối với người nhận. Còn Thoa thì sung sướng rõ ràng. Hôm đưa hàng về, chưa may thành áo, Thoa đã ướm đi ướm lại mãi, miệng rưng rưng phác một nét cười, đôi mắt loáng ướt. Sự vui vẻ của nàng hiển lộ vì biết bao ngày lặng khép đã thấm vào lòng Trâm một thứ cảm động rất ngọt ngào.

Tết năm ấy người ta mới bớt quên Thoa. Một chút điểm trang cũng tôn hẳn nhan sắc nàng lên. Và cử chỉ tử tế của chị Trâm như đưa tới cho nàng một sự vỗ về cùng với những ý sung sướng. Người thiếu nữ sớm trầm ngâm kia như trẻ hẳn lại. Miệng Thoa, mắt Thoa, và cả thân thể của Thoa là sự hớn hở tươi đẹp của tuổi thanh tân. Trâm khen:

- Cô ả khéo làm đỏm tệ!

Trâm mỉm cười để giữ một câu không tiện nói đùa về việc chồng con Thoa. Dưới mắt ngắm nghía của chị, Thoa làm vẻ nũng nịu õng ẹo thêm. Nàng đi ra đi vào, lấy trầu mời Trâm, vẫy Trâm lại sửa khăn cho nàng. Nàng chúm chím miệng và nghiêng đầu liếc Trâm. ồ! Giá Trâm hiểu được sự biết ơn của nàng trong đôi mắt chan chứa!

Lần thứ nhất nàng được Trâm đưa đi lễ chùa, đến nhà một vài người họ gần. Vị ấm ngát của ngày vui cùng với những cảnh sắc linh động, còn lâu mãi sẽ làm câu chuyện hứng thú để nàng rủ rỉ với riêng nàng. Thoa được thấy đời sống đành phận của Thoa không phải chỉ có một màu tối lạnh như xưa nữa. Từ cái Tết đáng yêu đó, một cột tươi hồng như đã đánh dấu cho bước đời về sau.

Thoa dần dần được dự vào việc nhà của chị một cách gần gụi hơn. Mấy cháu Thoa không còn xa tránh nàng, ngoài những lúc khâu vá, đan may, Thoa thường giúp chị công việc bếp nước. Trâm không hay gằn hắt xa xôi như trước nữa và cái bổn phận phải nuôi em, Trâm cũng đã thấy nhẹ nhàng hơn. Rồi xảy đứa con nhỏ của Trâm bị trận ốm nguy kịch, Thoa chăm nom hơn cả bố mẹ nó. Đứa bé khỏi, tình ruột thịt của hai chị em như đậm đà thêm. Trâm thấy nàng săn sóc bé Tuyên và thấy đứa trẻ quấn quýt Thoa, đã nhiều lần bảo: "Thôi đấy, con của dì đấy, tôi cho dì".

Thoa nhếch miệng cười, vẻ mặt lững lờ một ý tự phụ tràn trề hoan hỉ. Chỗ ngồi của Thoa trong góc gia đình ấy không còn cô tịch lắm nữa. Thoa cũng không phải để tâm dè dặt và lo ngại như trước. Có được một chút yên vui bằng phẳng cũng là có hạnh phúc lớn rồi. Nếu đôi khi phải lúc Trâm bực mình thì tiếng da diết của Trâm chỉ để trách hai đứa em về luân thường không biết sống chết ở đâu. Nghe chị nhắc đến Lạc và Xuyến, Thoa nhắm miệng lại nhìn đi, tỏ ra ý ghét Lạc và Xuyến lắm: điều đó rất được lòng Trâm.

Việc buôn bán của người anh rể Thoa gặp được nhiều dịp may: hòa khí của gia đình nhờ sự sung túc mà không sút kém. Thoa có đưa cho chị những số tiền nhỏ mọn là công may cắt người ta trả nàng, thì Trâm từ chối với một ý rất kẻ cả, thấy lòng mình rộng rãi, có độ lượng đối với một cô em số phận hẩm hiu. Trâm lại được thứ tình cảm ngậm ngùi đến vuốt ve lòng như mỗi lần ái ngại cho em: Không! Trâm không thể nào không mến thương nó được.

Cái địa vị bé bỏng của Thoa thế là đã vững chắc. Ngày tháng gắn bó chặt thêm.

Nhiều sự xảy ra bên ngoài, Thoa đã chú ý đến: Thoa lắng nghe kể lại những cảnh đời vui, buồn, ly, hợp, trong lúc nàng trầm mặc đưa mũi kim hay lượn nhát kéo dưới tay. Thỉnh thoảng, người chị sẵn lòng hơn, lại bàn bạc với Thoa về việc sắm sửa cho chồng con hay cả về cách buôn bán. Thoa phần nhiều chỉ chịu chuyện, hoặc năm thì mười họa ngỏ một vài ý kiến thiết thực, bằng những cử chỉ giản lược vẫn là cách biểu đạt của nàng. Thoa rất khéo ra hiệu, vả những điều cần phô diễn cũng không có gì lạ thường, đến cả cháu nhỏ của Thoa cũng hiểu được ngay. Hoặc giả nàng cố ý giấu giữ lấy, trong câm lặng của nàng, những điều không tiện nói, không cần nói?

*
* *

Bốn, năm năm Thoa mới có thêm được bộ áo mới nữa và một đôi hoa tai. Nữ trang vẫn là cái hạnh phúc đằm thắm nhất trong sự sống của nàng. Thoa xếp rất kỹ lưỡng trong cái hòm riêng của mình cùng với những thứ chẳng ai biết là gì nhưng xem chừng Thoa quý trọng, giữ gìn rất cẩn mật. Khi rỗi rãi và yên vắng, Thoa lại lúi húi xếp lại những của báu trong hòm. Sự vui thích trẻ thơ vẫn giống như ngày nào Thoa ngồi bày những nút chai, những mảnh ấm để ngắm nghía. Vậy mà nàng đã trên hai chục tuổi. Thời gian không làm kém cái màu xuân xanh trên khuôn mặt hiền dịu. Nhưng sự lặng lẽ của Thoa với những cử động quá chừng thong thả đã phác sẵn những vẻ đúng mực của ngày già.

Qua một Tết này, Thoa lại kiên tâm đợi đến Tết sau: chỉ có trong dịp ấy Thoa được nhiều xúc động êm ái nhất. Nàng trang điểm quá chừng cẩn thận, ngắm mình trong gương không có lúc ngớt, sửa đi sửa lại vành khăn không bao giờ vừa ý, hay kéo kéo vuốt vuốt mãi mãi cặp áo cho thực sóng tà. Nàng tốn bao nhiêu công phu để lấy hết mực gọn gàng. Nhưng sự gọn gàng ở người thiếu nữ này là một vẻ đẹp lạnh lẽo, Tết năm nay cũng giống Tết năm trước, mỗi năm một khô khan.

Con gái Trâm hồi ấy đã là một học sinh lớn, mới mẻ, bạo dạn và tươi cười. Thoa được cháu đưa đi chơi những cảnh đền chùa xa lạ nhất từ xưa tới nay, trong đó khách đi lễ ngày xuân không phải chỉ là những người thành tín. Thoa trông thấy những thanh niên hớn hở, gặp những đôi trai gái gần nhau mà không hề ngượng nghịu; đôi khi nàng lại bất chợt thấy những con mắt kín đáo đánh giá nhan sắc của mình. Một chút hồi hộp có lẽ đã làm đôi má kia hồng thêm và những Tết năm ngoái năm xưa đưa trở lại những tình cảm phơi phới cũ.

Thoa có nghĩ đến ngày mai của Thoa không? Tình duyên ở đời gợi những tư tưởng gì trong lòng người xấu số? Và những ngày dài nối tiếp nhau đi, Thoa ngồi trong câm lặng, tiếng thở dài của Thoa dịu nhẹ, có còn mang những ước mong tha thiết nào nữa chăng?

*
* *

Mùa rét năm Thoa hai mươi chín, Thoa đem cái áo cánh bông mới may ra mặc. Khi qua chiếc gương lớn, Thoa đứng lại nhìn mãi cái bóng mình. Nàng chậm chạp đưa hai tay áp má, thờ ơ vuốt xuôi xuống rồi ngơ ngác nhìn lại chung quanh. Trở về chỗ ngồi, đường kim của nàng lơ đãng hơn thường. Nàng cặm cụi suốt mấy ngày và nhiều lúc buông tay xuống một vẻ chán mỏi.

Chị Trâm thì hết ngày hết tháng bận về việc cầm cái họ. Thằng Tuyên vẫn là đứa cháu út (Trâm đẻ hai bận nữa đều không đậu) nhưng Tuyên đã đi học và thôi quấn quýt nàng. Gần nàng nhất bây giờ chỉ có Lan, cô cháu lớn nhất. Những ngày nghỉ, Lan hay ở bên dì, học cắt, học thêu rồi lại bảo cho dì những mũi đan lối mới, Lan lại hay đem chuyện bà giáo, chuyện bạn gái trong trường về thuật lại với Thoa. Cả những chuyện riêng và những việc tâm tình nữa. Ngày ngày, Thoa coi chừng giờ tan học của Lan và bước chân Lan trở về; hai dì cháu lại to nhỏ với nhau; Thoa mỉm nụ cười mờ phai và Lan khúc khích phô cả miệng răng trắng muốt.

Đã có lần Lan nhí nhảnh bảo nàng:

- Dì ạ, dì đừng giận cháu nhé, con Phương nó bảo cháu rằng dì đẹp lắm cơ. Nó muốn làm mối cho dì đấy!

Nàng lườm cháu, lấy cái thước đo lại, và ướm mảnh vải áo len lên ngực, tay khe khẽ run. Nhưng nàng biết là câu nói đùa, không giận cháu và cũng không có vẻ tủi thẹn. Nàng thấy Lan vui thái quá, vui vẻ một ý khác thường. Nàng đưa mắt hỏi Lan thì chợt nhận thấy cháu mơ màng xa xôi. Lan lảng chuyện bằng những câu đùa ghẹo Thoa. Nàng lại nguýt cháu và để cho những chuyện mối lái vu vơ kia giỡn cợt.

Sau đám cưới của một người trong họ, chị Trâm một tối kia ngồi lại bàn với nàng về việc nhân duyên của Lan. Có người bạn buôn muốn hỏi Lan cho con trai, học trường thuốc, Thoa lựa chiều bày tỏ ý kiến mình và "nói" đến những áo cô dâu mà Thoa trông thấy ở một vài đám cưới gần xóm. Đêm ấy Thoa để đèn tới khuya, mở hòm xếp lại những cặp áo đẹp và ngắm một vài thứ nữ trang của mình.

Tết năm ấy, Lan ít đi lễ với nàng, nhưng Thoa được cô Phương và mấy bạn trai của Phương chào mình một cách mến mộ quá đáng. ở giữa những người thanh niên lanh lẹn và bọn thiếu nữ giòn giã lộng lẫy kia, Thoa là một bậc nữ lưu cũ kỹ trong vẻ đẹp nhu mì, sự ngượng ngập của Thoa làm khô khan thêm dáng người gọn ghẽ.

Lan về nhà đòi dì thuật lại chuyện mà Lan đã nghe Phương kể từ trước. Lan reo lên cười khi nhận ra được những người mà Thoa mô tả và bình phẩm bằng lối nói riêng của nàng. Lan lại nói đùa đi, để tránh những câu Thoa hỏi về chàng sinh viên. Thoa mỉm cười luôn như mới nghĩ ra nhiều ý ngộ nghĩnh.

Cho đến ngày Lan thôi học, để sắp về nhà chồng, Lan vẫn nhắc lại câu nói Thoa nghe đã quen nhưng không thấy nhàm và cũng không đời nào tin.

Không ngờ, đó là sự thực.

Một hôm Lan ở ngoài hàng chạy vào ghé tai bảo nàng:

- Đấy, cháu có nói dối dì đâu, chả tin rồi chốc nữa dì hỏi đẻ cháu khắc biết.

ở nhà ngoài, chị Trâm đương tiếp chuyện một người khách đàn ông. Lúc Trâm đưa khách lên gác nói chuyện với chồng, nàng thấy một người mặc tây, chừng ba nhăm, bốn mươi tuổi, thong thả đi vào qua mép sân trên rồi dềnh dành vừa trèo lên bậc thang gác vừa ngoảnh nhìn xuống. Lan máy:

- Chú họ Phương đấy, dì ạ.

Rồi Lan khúc khích chạy coi hàng. Thoa bối rối, nhưng nhất định vẫn không chịu tin. Nàng cố điềm nhiên ngồi đan cho hết một đường nữa, tháo ra đan lại mấy mắt lỗi, rồi sau cùng đặt len xuống thúng, giận Lan sao không trở lại. Chị Trâm ở trên gác dẫn người khách xuống. Thoa lại thấy mình bị người ấy chăm chú nhìn. Nàng nghe trống ngực đập mạnh, cau mày cho đến lúc không còn bóng người trong sân. Lâu lắm, Lan vẫn không vào: hình như có tiếng Lan cười sau mấy câu mắng của mẹ.

Không, không có gì hết. Chỉ là câu chuyện đùa thôi. Lan dè dặt mấy hôm liền. Thoa cũng tỏ vẻ thờ ơ và chỉ mải miết với thúng khâu. Một tuần lễ qua nàng với Lan không nhắc đến người đàn ông. Đột nhiên một hôm giữa lúc nàng thử áo cho Lan thì người ấy lại đến.

Lần này Trâm đưa ông ta vào tiếp chuyện ngay ở nhà trong là nơi Thoa ngồi làm việc. Nàng thản nhiên nhưng giữ Lan lại không cho bỏ vội áo mới thử. Ông khách đã đứng tuổi, đầu tóc mượt và thưa, vẻ mặt hiền hậu, không linh hoạt lắm, dáng người vững chãi, nói năng và điệu bộ khoan thai. Thoa cho rằng ông ta là người tử tế - nhưng cái đó có quan hệ gì đến mình? Ông ta nhìn phía Thoa, Thoa không cảm động đâu. Thoa thấy chính ông ta như ngượng ngập thì có. Vả lại người ta đến đây cũng như bao nhiêu khách khứa vẫn đến... Lan nó sắp lấy chồng nên chỉ khéo ỡm ờ đấy thôi.

Chiều hôm ấy Thoa thấy chị Trâm đến nhẩn nha hỏi Thoa về những đồ trang sức cho Lan, rồi lựa lời bảo nàng:

- Này em ạ, ông phán Tấn, cái ông đến nhà lúc sáng ấy mà, ông ấy hiền lành tử tế lắm kia đấy, từ hôm nọ đến hôm nay cầu khẩn mãi anh chị để xin em...

Nàng hiểu rồi, hiểu ngay từ lời đầu tiên của Trâm kia, và không nghe thấy chị nói thêm gì nữa. Tất cả nỗi vui mừng dè giữ, nỗi sung sướng lo ngại, trong giây phút ấy thành hình rõ rệt, và tươi đẹp và đôn hậu đến quấn quýt nàng. Thoa không có một ý gì giấu giếm. Nàng cười bằng cả đôi mắt rất linh động của nàng, miệng hé ra một chút chờ đợi rồi ngậm lại, rồi nàng đưa mắt ý nhị nhìn cái chỗ lúc trước người đàn ông đã ngồi. Nàng thấy một hạnh phúc mới, rạng rỡ nhất, mà có lẽ nàng không bao giờ dám vương qua một chút tơ tưởng đến nay không phải là sự không thể có được cho đời nàng. Thoa ứa nước mắt mà mặt vẫn tươi. Lần đầu tiên nàng tội nghiệp cho thân và hưởng một vị tủi cực thấm đậm.

Thoa biết thêm rằng ông phán Tấn còn mẹ già và góa vợ sớm.

Ông ở vậy để nuôi con nhỏ (Thoa sẽ là mẹ đứa con với hết tấm lòng ấp ủ của nàng). Ông phán vừa chí thú vừa là người quảng đại, tình cảnh của Thoa ông biết rõ và sẽ dành cho Thoa một địa vị chững chạc cũng như đợi ở Thoa một người dâu thảo, một người vợ hiền. Việc hôn nhân này sẽ lặng lẽ thích hợp với cuộc đời hai người. Định hết tang chú ruột ông ta, ông phán sẽ xin cưới.

Ông phán Tấn thỉnh thoảng lại đến chơi, rất lễ phép với nàng, và lời nói điềm đạm của ông sao mà có duyên thế! Thoa thấy ông có nhiều điều đáng quý mến, có một vẻ trang trọng quân tử ít người đàn ông sánh bằng.

Thoa sắm sửa cho Lan và nghĩ đến lúc chính mình về nhà chồng nàng sẽ đem bao nhiêu tâm trí và khôn khéo ra để gây một cảnh gia đình rất êm đẹp. Nàng sẽ dốc sức phụng dưỡng người mẹ già, để cho Tấn không những được yên tâm mà còn vui bụng, còn hãnh diện vì có người vợ khéo chiều chuộng mẹ chồng.

Những câu trêu chọc Thoa từ đấy không ai cần giữ gìn nữa. Trước kia, dù là lời nói của Lan cũng vẫn có nhiều dè dặt để khỏi chạm ý Thoa. Bây giờ, nhiều khi Trâm đã dám nhắc đến cái tật câm của Thoa, khen mỉa một cảnh hòa thuận gia đình ít "điều tiếng". Thoa cũng vẫn sung sướng. Càng có lời chế giễu, Thoa càng được cảm động một tình tứ dịu dàng.

Ngày Lan về nhà chồng, Thoa không từ chối làm một người trong họ nhà gái đưa dâu. Nàng mừng cháu một chiếc nhẫn vàng, công sức của bao nhiêu ngày tháng tằn tiện. Nàng được cháu biếu lại hai hộp phấn. Lan dạy nàng vẽ môi thoa má và ép mãi nàng mới chịu tô điểm ngay trong dịp đó; ý nàng định dành việc son phấn cho ngày khác, quan trọng.

Vắng Lan, Thoa đã thừa cách để khuây buồn. Nỗi lòng chờ đợi nhẹ nhàng, những cảm tưởng quý mến sau những lần Tấn đến chơi; những lúc trí nghĩ nàng tìm đoán cử chỉ người đàn ông trong công việc hàng ngày; bằng ấy ý niệm đến làm cho những giờ cô quạnh của nàng được ấm cúng.

Gần đến tháng đã định, thình lình bà cô Thoa ở Hải Dương chết. Thoa kiên tâm trước, nghĩ đến cái khoảng thì giờ phải đợi chờ thêm.

Chưa đoạn tang cô, Thoa lại được tin bà thân sinh ông phán Tấn ốm nặng. Chị Trâm đi thăm về nói bệnh tình bà cụ trầm trọng lắm, nhưng cũng tìm lời yên ủi Thoa, để nuôi cái hy vọng cho chính mình Trâm. Chị Thoa cũng hết lòng mong cho nhân duyên cô em không đến nỗi trắc trở.

Tất cả sự quan tâm của Thoa cũng như của mấy người trong cuộc, đều dồn về nơi giường bệnh của bà già. Thoa hỏi chị về đường thuốc thang, nhờ chị kêu cầu giúp mình, và một lần chẳng biết nghe ai mách, Thoa gửi bốn chục bạc nhờ người đi mua quế tốt để biếu mẹ Tấn.

Chưa kịp biếu, bà cụ đã tắt nghỉ. Anh rể Thoa đã bàn đến việc cưới chạy tang, nhưng ông phán Tấn còn chần chừ: ông nói là không còn bụng dạ nào để tính chuyện cưới lúc này, vì ông quả thực là một người con chí hiếu. Chị Trâm phiền muộn ra mặt. Thoa thì không thiết nghe thiết nghĩ gì hết. Ông phán Tấn nghe biết chuyện Thoa mua quế, lấy làm cảm động vì cái ý thảo của nàng lắm. Ông thưa đến hơn trước, nhưng mỗi lần có lại những lời ông gắn bó, Thoa cũng được vững lòng thêm.

Tâm hồn Thoa đã quen với sự thua thiệt từ trước rồi. Cái tang mới kia, cũng là cái tang của chính Thoa; nàng lại sửa soạn tính tình để chịu lấy; nỗi trông mong và tin cẩn vẫn được nuôi giữ một bên. Thoa dè chừng trước một đôi cái tang nữa trong họ gần họ xa, để lỡ ra việc xảy đến thực thì nàng có sẵn sức dưới gáng nặng. Nàng cũng dự tưởng cả đến lúc nàng hay ông phán Tấn đau ốm, hoặc quá ra nữa, người đàn ông sẽ gặp tai nạn gì thảm khốc hơn.

Điều nàng không ngờ nhất lại xảy đến.

Ông phán Tấn phải đổi đi Sài Gòn. Đâu thế nhỉ? Nhưng sự cách biệt hẳn xa lắc và nguy hiểm lắm theo vẻ lo ngại của Trâm. Lời ông phán lúc đến chào, đôn hậu và thực thà. Ông nói mấy câu với nàng, tiếng ngượng nghịu và hơi run run khiến cả tâm hồn nàng ngan ngát ảo não.

Hôm ông lên đường, vợ chồng Lan và cô Phương đến rủ nàng ra ga tiễn, nhưng Thoa khe khẽ lắc đầu, tuy mặt nàng lộ hết cả ý muốn. Thoa ngồi ở nhà, tưởng đến đoàn tàu hỏa chạy biến về một phương mù mịt. Nàng nghẹn mãi ở cổ, nuốt khan bọt, và thấy nước mắt nhỏ nóng trên bàn tay.

Bức thư thứ nhất của Tấn gửi về một tháng sau có những lời thăm hỏi riêng, xoa dịu đau thương của lòng nàng. Nàng mượn lấy tờ giấy quý hóa kia để nhìn những chữ mà nàng không biết đọc. Thoa cất thư xuống một góc thúng và chờ lúc vắng vẻ, vẫy gọi đứa cháu nhỏ đến đọc lại cho nàng nghe. Tin tức của người đàn ông về đều được hơn một năm, do những bức thư lời lẽ đơn sơ trung hậu. Rồi có lẽ vì công việc bận - Tấn nói phải coi nhiều việc quan trọng lắm - thư gửi về thưa dần. Sau cùng, chỉ gần Tết, anh rể Thoa mới nhận được một tấm danh thiếp chúc mừng cả nhà.

Chờ đợi hết năm nọ qua năm kia để thấy những lời lễ phép hờ hững, Thoa vẫn không tỏ một thái độ nào khác lạ, sự im lặng của nàng hòa những tháng ngày bình tịch và người đàn bà ấy héo hắt chậm chạp trong một đời lu mờ.

Tin tức của Tấn bẵng hẳn rồi.

Cái tang cay nghiệt đã hết hạn từ lâu.

Trâm đã trở nên bà, và bận lo về việc cưới vợ cho con trai. Anh rể Thoa, giàu có và mỏi mệt, suốt ngày ở trên gác nghỉ ngơi bên cạnh bàn đèn. Nhân duyên trắc trở của Thoa người ta quên cũng đã lâu; đời hớn hở bình yên dễ dàng cởi bỏ những kỷ niệm vướng bận.

Chỉ lòng Thoa còn nhớ.

Đôi mắt trông xa của nàng vẫn còn ánh mong ước.

Nàng bao giờ cũng tuân theo và chịu lấy các nỗi đời khắt khe, nhưng hình như vẫn chờ đợi một sự may mắn vu vơ nào.

Nhưng bước đi thong thả ngày một nặng nề thêm, mắt trông lỗ kim đã không đủ rõ. Thoa đã ngày một yếu, và cái miệng ngậm lại đã phảng phất hai nét hằn ở khóe môi.

Ngày Tết, trang điểm vẫn là một việc êm ái nhất cho Thoa. Vẻ đẹp đã hơi cũ kỹ trên thân hình và trong dáng điệu nàng. Thoa đi lễ một mình, đến chơi với vợ chồng Lan, cho con Lan những áo mũ đan để dành hồi trong năm. Rồi về nhà, Thoa ngồi bên cơi trầu, chúm chím nghe chuyện bọn cháu đến vây quanh mà xem chúng tíu tít nhận tiền nàng mừng tuổi. Mấy năm gần đây, năm nào cũng chỉ thế. Hết Tết nàng lại gọn gàng xếp vào hòm những bộ áo bao giờ cũng còn mới, khóa kín lại với một vẻ trân trọng trong cử chỉ, rồi lại trở lại chỗ công việc đơn điệu của nàng.

*
* *

Tháng hai năm ấy, Thoa đã bốn mươi mốt. Một người bạn ở xa về chơi với vợ chồng Trâm. Mắt Thoa tươi sáng lên khi nghe nói người ấy ở Sài Gòn ra. Nàng nhẹ tay đặt kim chỉ xuống, nhìn ông ta với một cảm tình không che đậy. Không biết chuyện của Thoa, và cũng không hiểu những dấu hiệu riêng Trâm định cản lại, người ấy tình cờ nói đến Tấn, cho vợ chồng Trâm biết rõ cái điều hai người đã ngờ từ lâu. Tấn lấy được một người vợ rất giàu ở Chợ Lớn, đã thôi đi làm để ra buôn bán được mấy năm nay rồi. Chị của Thoa nhìn lại phía em thì thấy nàng hơi cúi đầu, khuôn mặt bình tĩnh nhưng nước da xanh một màu đáng sợ. Trâm vội để chồng ngồi với khách, lại gần hỏi Thoa. Nàng thản nhiên ngẩng nhìn chị, cười một nụ cười lạnh lẽo và đưa tay trỏ cuốn chỉ để Trâm lấy lại giùm. Đêm ấy Trâm thức dậy thấy em còn lịch kịch xếp dọn mãi bên đèn. Trâm không hiểu lo ngại một sự gì mập mờ, không dám ngủ lại nữa. Sáng hôm sau, nàng thấy em hốc hác, ngồi rũ trên góc phản, thúng khâu và những vải sợi ở đó chỉ để làm vì. Mọi người trông thấy Thoa già tọp hẳn đi.

Mười mấy năm vừa qua trong không đầy nửa tháng.

Sự thất vọng ghê gớm của nàng khiến cả nhà kinh ngạc: Thế ra Thoa vẫn mong đợi Tấn thực sao? Thái độ lãnh đạm của Tấn đã cho mọi người biết sự cố nhiên, trừ có riêng nàng. Hay người ta có thể giữ một ảo tưởng đến bực đó?

Dẫu sao, Thoa cũng đã đến lúc biết sự thực. Tất cả sức lực tinh thần của nàng sụp đổ ngay một lúc, cùng với chút nhan sắc còn giữ được ở thân hình nàng. Trong tấm áo bông đen dài, Thoa xo ro và ngơ ngác, không thiết gì đến công việc, hàng giờ ngồi nhìn sững quãng không.

Trâm thương em có lẽ chưa bao giờ bằng hồi ấy. Nàng săn sóc coi chừng từng ly chút, và khi thấy Thoa không gượng dậy được nữa, Trâm lao sức đi lo thuốc thang cho em. Thoa không để nài ép bao giờ, ngoan ngoãn đón lấy sự săn sóc của chị. Nàng mỉm những nụ cười ủ rũ mỗi khi Trâm thăm hỏi, đôi mắt cám ơn. Nàng cố uống cạn những chén thuốc Trâm đưa tới, cố nuốt những bát cháo Trâm dỗ nàng ăn. Lúc nào Thoa cũng dịu dàng, cũng vâng theo, cho đến khi nàng không còn đủ sức để làm vui lòng chị nữa.

Công chạy chữa đã thành vô hiệu lực. Trâm khóc và gạn hỏi, nhưng Thoa không tỏ một ý muốn trối trăng gì.

Nàng phải nằm tất cả tám ngày, bệnh kịch chỉ có nửa ngày và nửa đêm, lúc hấp hối cũng rất mau chóng.

Trong cái rương đồ mà ngày sống Thoa giữ gìn rất cẩn mật không cho ai được động vào, Trâm thấy dưới đám quần áo tất cả vốn liếng của cải của em: tám chục bạc gói trong vuông nhiễu điều, những đồ chơi trẻ con của Thoa hồi xưa gói trong cái khăn tay thêu đầu tiên: cái lược gẫy của Lạc, cái độn tóc của Xuyến; cái ruột tượng đũi của bà mẹ: một hộp con đựng những mẩu mực, tháp bút, cái kính trắng của ông tú vứt bỏ cùng với một quyển sách chữ nho mỏng gập đôi. Kỷ vật của các người thân mà có lẽ nàng vẫn yêu vẫn nhớ suốt đời trong sự lặng lẽ của nàng.

Riêng trong một túi lớn bằng gấm may theo kiểu phong bì, mấy thứ hàng lụa nàng định mặc khi lấy chồng, một cái lược ngà Trâm mua cho nàng, mấy bức thư của Tấn gửi cho vợ chồng Trâm và mấy tấm danh thiếp. Trâm bỗng chú ý đến một tờ giấy gấp nhỏ, màu mực khác, trên có nhiều câu dập xóa trong những hàng chữ sau này:

"Cậu mợ tôi gửi lời hỏi thăm ông được bình yên. Từ ngày ông vào Sài Gòn, cậu mợ tôi vẫn thường nhắc ông luôn. Dì tôi cũng bảo tôi gửi lời hỏi thăm ông và anh bé. Dì tôi gửi vào làm quà cho anh bé hai tá mùi xoa lụa, một cái nhẫn mặt ngọc và một đôi áo len".

Thì ra tờ nháp một bức thư. Nét chữ của Tuyên. Thư đề ngày 12 tháng tư năm 1920; tám năm rồi. Biết bao nhiêu đắn đo, bao nhiêu công phu, bao nhiêu khúc mắc phi thường phải vượt qua trước khi nàng gửi được bức thư ấy.

Nhà xuất bản Đời nay
Hà Nội, 1943.

[ Trở Về  ]