Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về 
Ơn và oán

Vũ Bằng

Đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa biết câu chuyện dưới đây đã xảy ra ở nước nào. Chỉ biết rằng đó là một câu chuyện xảy ra cách đâu lâu lắm. Hồi đó là một hồi thái bình thịnh trị. Người nhà quê nhường cơm sẻ áo cho nhau. Của rơi trước ngõ không ai thèm nhặt. Súc vật thân với giống người như anh em một nhà.

Có một vị quan kia, chán mùi hoạn lộ, xin cáo về nhà để di dưỡng tinh thần. Ông làm bạn với tách trà, giò cúc. Sáng, ông lên trên những đỉnh đồi cao để cho được gần trời; trông ngắm hạc bay, công múa. Chiều thì hoa cỏ thấy ông chống một cái gậy trúc ra đứng trước cổng nhà để nhìn nước nổi tăm, hay ngắm đám thế nhân đi lại ở trước đám bụi.

Những hồi ức thời làm quan của ông trở lại trí não lúc này rất rõ ràng. Ông nhớ lại những lúc ở dinh thự có xe đưa pháo đón. Chao ôi, bây giờ nhìn lại thì còn có cái gì? Chỉ còn một tấm lòng. Ông ngậm ngùi về nỗi hư không của thế sự và đến tận lúc bấy giờ ông mới thật thâm hiểu rằng chỉ có tấm lòng là người bạn chung thủy ở với ta cho tới chết. Tấm lòng mà thư thái, không vẩn điều hối hận là của báu có tiền không mua được.

Ông hưu quan nhìn trước mặt là núi, nhìn sau lưng là núi. ở giữa một dòng suối chảy thanh thanh. Ông nói với ông rằng:

"Sự ưa thích một khi đã đạt rồi thành chán. Trước đây ta giàu, hễ muốn là có tiền. Bây giờ ngồi ngẫm lại hồi đó, thật chẳng khác gì cái suối nó kêu lên một tiếng thì ở trong rừng này hai trái núi nọ đem tiếng vang ngay lại.

Thế sự bao giờ cũng chỉ quẩn quanh có thế thôi. Duy sự khổ não thì bờ bến nào cũng có mà không hề giống nhau bao giờ. Người ta chém giết nhau, người ta lại giả dối với nhau; người ta khinh nhau, người ta lại ghét ghen nhau; người ta biệt ly rồi gặp nhau, người ta lại chia rẽ những đôi lứa không cho nhau sum họp".

Ông hưu quan nghĩ thế và rất buồn cho tâm lý người đời. Ông bèn lên ở trên một am vắng để dốc tìm đạo lý. Dưới chân am có một cái hố rất sâu. Trên cái hố có một cây thông cỗi.

Một hôm, đương mơ màng ở dưới gốc thông, nhà đạo sĩ của chúng ta bỗng thấy một vật gì sa vào cái hố cách chỗ ông ngồi ba bước. Ông bèn đứng dậy xem. Thì ra đó là một nhà đi săn đuổi thú qua đó trượt chân mà ngã. Người đi săn ấy làm ngã luôn cả một con quạ và con rắn đứng bên. Người và hai con vật lăn lộn, nhảy nhót để cố thoát thân, nhưng không được.

Vị đạo sĩ bèn rằng:

- Thôi, các người, đợi đấy. Ta sẽ có cách dắt lên cho.

Nói đoạn, ông bèn tìm một sợi dây thông thả xuống. Ông cho người nắm một đầu dây. Con rắn quấn lấy chân người. Con quạ hé mỏ đớp vào đuôi con rắn. Cả ba đều lên được. Thế là thoát chết.

Cả ba đều quỳ lạy vị đạo sĩ mà nói trong nước mắt:

- Bạch Đại đức, ngài đã cứu chúng tôi khỏi chết. Ơn ấy xin ghi đời! Chúng tôi xin lạy ngài và nguyện sẽ giúp ngài trong khi hữu sự, dẫu chết cũng không dám phàn nàn gì cả.

Vị đạo sĩ nâng cả ba lên. Người chưa kịp nói câu gì thì ông khách săn lại tiếp:

- Đại đức là một người cứu người mà không muốn người đền ân. Chúng tôi đã biết. Nhưng chúng tôi cúi xin ngài khi nào có việc đi qua tệ ốc thì ngài ghé lại để chúng tôi được thết đãi một chút, theo cái phận thấp hèn của chúng tôi.

Con quạ nói:

- Tôi tên là Quạc. Khi nào Đại đức gặp chuyện chẳng may gì thì xin gọi tôi một tiếng để tôi đến hầu.

- Còn tôi, - con rắn nói, - tôi tên là Gầm. Cũng vậy, khi nào Đại đức gặp việc gì khó khăn, xin cứ tên Gầm của tôi mà gọi. Tôi không chắc đã giúp Đại đức những điều gì quá sức tôi. Nhưng tôi quyết đem thân ra làm việc để đáp ơn Đại đức.

Cuộc chia ly rất não nùng. Vị đạo sĩ niệm Phật để đưa người và vật xuống núi về trần, nhưng vật và người đều rớt nước mắt, đi xa tới hai dặm vẫn còn quay trở lại.

Trong vòm cây xanh, một nóc nhà rơm vẽ ra rất lờ mờ. Sương dày rơi xuống biệt hai thế giới. Xa xa, tiếng chầy kinh nện lên. 

Năm ấy, trời làm đói kém. Hổ về ăn khoai. Lúa không còn gặt mà cây cối trên núi bị dơi và chuột cắn nát không còn một trái. Nhà đạo sĩ phải bỏ núi tìm xuống đồng bằng khuyến giáo. Bởi vì dưới đồng bằng thì hoa mầu năm trước người ta còn tích lại được nhiều. Miếng ăn thì thực chẳng có thừa đâu. Nhưng khoai, đậu vẫn đủ cho lợn dùng mà lúa tốt thì những nhà thường thường vẫn có từng trăm hộc để cho người ta ăn đầy đủ.

Vị đạo sĩ của ta đi khuyến giáo hết các làng đều được tiếp đãi tử tế và nhà nào cũng mời đạo sĩ dùng cơm. Một buổi chiều kia, đạo sĩ đến trước cửa một nhà nọ thì trời vừa nổi một cơn mưa bão.

Đạo sĩ dừng chân đứng trú mưa ở đấy. Thì này, chủ nhà nào phải ai xa lạ: chính là ông khách đi săn ngày trước bị ngã lăn xuống hố cùng với con rắn và con quạ vậy!

Người đi săn bèn vội vã mời đạo sĩ vào nhà mình nghỉ chân. Lúc ấy quá Thìn. Mưa đã ngớt. Gió bớt mạnh và sấm không làm dữ nữa.

Anh thợ săn chắp tay trước ngực mà nói với vị chân tu rằng:

- Bẩm Đại đức, xin ngài ban cho chúng tôi một cái ơn: Đại đức nghỉ chơi lại chút nữa để chúng tôi được hầu một bữa cơm dưa muối, chúng tôi lấy làm hân hạnh lắm.

Vị đạo sĩ không chối từ. Anh thợ săn khó nghĩ. Bởi chính bụng anh ta thì anh ta nghĩ thế này: "Xưa kia, mình trót đã hứa với y nếu khi nào y đi qua thì mình sẽ tiếp đãi chu đáo để đền ơn cứu sống. Thì bây giờ đó, y đi qua. Nếu ta không tiếp, y sẽ cho ta là đồ bạc bẽo. Nhưng mà bây giờ mà ngồi tiếp cơm y!...".

Anh thợ săn đã có cách xử rồi. Anh gọi vợ xuống bếp và nói nhỏ: 

- Tôi nói vừa rồi là nói vậy mà thôi. Chứ bây giờ mà thết cơm y thì tốn mà mất thời giờ quá. Âu là mình cứ chậm chậm mà làm. Tôi biết: hễ quá giờ Ngọ thì y không ăn nữa.

Lời nói quả đúng. Giờ T qua, giờ Ngọ đến, vị đạo sĩ không ăn nữa thật. Ngài cáo từ đi ra. Anh thợ săn và vợ tuy vồn vã nhưng lấy làm sung sướng trong bụng lắm. Vị đạo sĩ thật thà ba bốn lần rập đầu cảm tạ người thợ săn tốt bụng. Ông đi một quãng đường dài mà vẫn không thôi niệm Phật cho vợ chồng anh ta.

Chẳng mấy lúc, ông đã về tới núi. Vừa bước chân lên bực, con quạ ở đâu liệng xuống và đậu dưới chân ngài mà lạy:

- Bạch Đại đức, ngài vừa mới ở đâu về?

- Ta đến khuyến giáo và mới ở nhà anh thợ săn ra.

- Vậy chẳng hay anh ta có mời Đại đức thụ trai không?

- Có! Có! Anh ta tốt lắm. Nhưng tiếc vì vợ anh ta làm cơm chậm quá nên ta không đợi được.

Con quạ ấy không rõ tại sao phút chốc bỗng hiểu ngay mọi việc. Nó bèn rằng:

- Đại đức chớ tin. Nó là loài yêu quái đó. Nó không biết lẽ phải. Nó điêu ngoa. Nó không biết trả ơn người cứu sống. Bẩm Đại đức, chúng tôi không có cơm canh hoa quả thết ngài nhưng ngài ngồi đợi. Chỉ một lúc, tôi xin quay trở lại.

Vị đạo sĩ chưa kịp nói một lời thì con quạ đã vỗ cánh cao bay. Nó bay sang một nước láng giềng. Và vào trong cung hoàng hậu. Hoàng hậu đang ngủ một giấc thần tiên trên giường vàng. Bà đeo ở cổ một hạt kim cương sáng ngời. Quạ vỗ cánh đậu bên cạnh và mổ lấy hạt kim cương đó đem về cho đạo sĩ.

Đạo sĩ lấy kim cương làm gì? Có lẽ đó là một vật báu vô giá. Nhưng vô giá với đàn bà. Dùng, đạo sĩ không biết dùng nó làm gì cả. Ngài cho vào bọc và để trong túi chờ một ngày kia...

Trong khi ấy thì khắp trong nước người ta xôn xao bàn tán về việc Hoàng hậu mất kim cương. Bà không biết mất bằng cách nào. Cả nước không ai đoán nổi kẻ gian phi táo tợn đã dùng cách gì lấy được viên kim cương đó. Từ dân đến quan, ai cũng được lệnh đi tìm hạt kim cương. Cả nước mất ăn mất ngủ. Đi đâu người ta cũng thấy yết thị rằng: "Hỡi ai là người tìm được viên kim cương của Hoàng hậu khá đem vào triều mà lĩnh thưởng một ngàn con ngựa, một ngàn con bò, một ngàn cân bạc, một ngàn cân vàng. Ai lưu trữ sẽ bị tru di cả họ".

Một ngày kia, vị đạo sĩ lại xuống đồng bằng khuyến giáo. Cảm cái ân người đi săn đã ở tốt với mình, đạo sĩ lại tìm đến nhà y. Và tặng vợ y viên kim cương mà con quạ đã đem biếu ngài.

Tức thì người đi săn giở mặt. Mắt y đỏ sọc lên như những hòn than, miệng y nóng rẫy chẳng khác gì lửa cháy:

- Tên này gớm thật. Mi không biết rằng vật này là vật mất cắp trong cung? Mi là đạo tặc. Ta phải trói để đem nộp quan bây giờ. Nói thế, y làm liền. Y trói vị đạo sĩ như trói lợn. Y chạy bay đến tâu vua và đứng chờ lĩnh thưởng.

Vua bèn phán hỏi đạo sĩ rằng:

- Gã kia, phải khai cho thực. Viên kim cương này ngươi lấy bằng cách nào và lấy ở đâu?

Nói làm sao? Biết nói làm sao bây giờ? Nếu ta nói thực, chỉ trong giây lát cả loài quạ trong nước đều bị chết. Ta bảo "tôi không lấy" thì vô lý vì viên kim cương rõ ràng tự tay ta đưa cho người đi săn. Còn nếu ta bảo: "Chính tôi lấy đó" lại càng không được. Bởi vì như thế là trái với luân lý kẻ tu hành, trời hỡi!

ở trường hợp khó khăn này, đạo sĩ chỉ ngậm miệng không nói gì là hơn cả. Vua bắt lính đem đạo sĩ ra xử trường. Đạo sĩ không giận ai hết, cứ chắp tay niệm Phật. Vua càng giận tên đạo sĩ gian ngoan. Ngài truyền:

- Quân bay, khá đem lão đạo sĩ yêu ma này ra chôn sống, chỉ để cho cái đầu ló lên thôi. Đến giờ Ngọ ngày mai thì giết.

Đạo sĩ, chỉ còn có cái đầu nhô ra khỏi mặt đất, nhìn trời cao xanh một lần cuối và rớt nước mắt ra. Lá cây rung nhè nhẹ. Hơi nước lòa cảnh vật.

- Dưới gầm trời này, không ai là không khổ! - đạo sĩ kêu lên thế. - Ta đem thân xa lánh chốn phiền ba, tưởng là yên mùi đạo. Nào ngờ lại phải chết một cách thảm khốc như thế này!

Đạo sĩ đã nói đến chữ gầm. Con rắn ở đâu hiện đến. Nó cúi đầu lạy đạo sĩ ba lạy mà rằng:

- Bẩm Đại đức, sao Đại đức lại ra thế này?

Chỉ một phút nó biết hết cả đầu đuôi câu chuyện. Nó khóc mà than:

- Lòng bác ái của Đại đức rộng như trời, sâu như bể. Thế mà còn gặp những tai ương. Vậy không biết thế nhân, lòng thì đục mà đức thì kém không biết còn đau khổ về tinh thần đến như thế nào! Tôi biết ngài có một lòng thương yêu nhân loại mông mênh. Ngài không giận ai hết. Nhưng tôi, tôi chưa đến chỗ cao siêu ấy, tôi phải trả thù mới được. Bây giờ tôi giắt vào khăn ngài gói thuốc này. Mai kia đây, nếu có ai bị rắn cắn ngài lấy thuốc này mà rịt cho người ta, người ta sẽ sống lại và sẽ đền ơn cứu sống. 

Nói đoạn, con rắn bò đi. Đến tối nó vào cung vua và rình lúc vô ý cắn vào chân hoàng thái tử. Thái tử đau nhức và chỉ một lát toàn thân tím lại. Bao nhiêu ngự y đều chịu không thể nào chữa nổi. Nhà vua lại cho rao lên rằng: "Hỡi ai là người biết môn thuốc chữa rắn cắn nào cực hay khá đến chữa cho hoàng thái tử. Thái tử mà khỏi thì nhà vua sẽ chia cho nửa giang sơn và được hưởng sự vinh hoa phú qúy".

Quân đem lời ấy đi rao cùng làng xã. Đạo sĩ bị chôn sống thò đầu ra khỏi mặt đất nghe thấy rao thế bèn rằng:

- Khoan đã! Khoan đã! Bay khá về triều tâu rằng ta có thể chữa được cho hoàng thái tử.

Lập tức vua cho đào đất cho đạo sĩ lên. Đạo sĩ cúi lạy vua và xin phép vào ngay hoàng cung xem bệnh hoàng thái tử. Y lời dặn của con rắn, đạo sĩ lấy gói thuốc của nó đưa mà đem rịt vào chỗ đau. Hoàng tử như tỉnh một giấc mơ, mở mắt dậy mà hỏi:

- Chao ôi, tôi ở đâu thế này?

- Hoàng tử! Hoàng tử đương sống ở trên dương thế đấy! Đạo sĩ đã chữa lành cho thái tử rồi. Thái tử cúi xuống lạy tạ kẻ tái sinh cho mình. Cả nước vui mừng bầy tiệc. Vua cảm động phán với đạo sĩ rằng:

- Ngay chiều nay, ta mời đạo sĩ vào trong cung dự yến. Và ta chia nửa giang sơn cho đạo sĩ. Vàng, bạc, châu, báu, đạo sĩ muốn lấy gì ta cũng đưa.

Đạo sĩ không lấy gì hết. Vàng, bạc, châu, báu mà có lắm chỉ đưa người ta đến sự buồn phiền mà thôi. Ngài chỉ xin với vua cho mình sự yên ổn về tinh thần để đi tìm đạo lý trên đỉnh núi. Vua ngạc nhiên rồi cảm động mà kết luận rằng:

- Bạch đại đức, đại đức không nhận nửa giang sơn và từ chối cả bạc vàng châu báu. Thế nghĩa là ngài không ham giàu. Vậy thì chắc chắn ngài không lấy hạt kim cương nọ. Có đứa đổ oan cho ngài. Ngài trong sạch, đứa nào đã làm cho ngài mang họa xin nói cho trẫm biết.

Đạo sĩ không thể giấu được nữa rồi. Ngài phải đem hết câu chuyện ra thuật lại. Vua thương lắm, ôm lấy đạo sĩ mà nước mắt chan hòa như mưa.

.......

Ngay lúc ấy, anh thợ săn xin vào bệ kiến để chờ lĩnh thưởng. Lĩnh thưởng việc bắt được người đã ăn cắp kim cương. Anh ta hớn hở chờ lịnh thánh.

Vua bèn bảo anh ta rằng:

- Người đã làm một việc tốt, rất vừa lòng trẫm. Ta sẽ hậu thưởng. Nhưng xét ra thưởng một mình người chưa đủ. Người khá về đem cả họ lại đây.

Anh thợ săn chạy bay về và dắt cả họ ba đời lại. Anh ta dắt thêm cả một cụ tứ đại đến đề chờ ơn mưa móc. Giữa lúc ấy, vua phán:

- Sự hung ác và lòng bạc bẽo là hai cái tội to lớn hơn hết ở trên đời. Người đã sa vào hai tội ấy. Quân! Đem tru di cả họ y!

Đến khi đạo sĩ biết cả họ anh thợ săn bị chết chém thì đã chậm không làm thế nào được nữa. Ngài xin phép ngay bấy giờ được thả để đi lên núi, không bao giờ còn trở lại đồng bằng nữa. 

Những sự chém giết, hung ác, và bạc bẽo của người đời nhiều quá đã làm se lòng những kẻ thực yêu đời.

Đạo sĩ, trong một lúc, ngờ rằng người ta không còn phương cách gì để trừ được trong muôn một sự buồn khổ cho nhân loại.
 

Vũ Bằng
Tiểu thuyết thứ bảy,
số 403, ngày 7.3.1942

Trở Về   ]