Chim Việt Cành Nam         Trở Về  ]           [ Trang chủ ]        

Ngư nhàn có phải là thơ 
của Dương Không Lộ

Ths. Đỗ Phương Lâm

Nguồn :http://dolamdhhp.blogspot.de
Bài viết này là một vài ý kiến trao đổi của chúng tôi về một vấn đề đã có hoài nghi từ khá lâu nay. Đó là xuất xứ một bài thơ được cho là của nhà sư Dương Không Lộ ( ? - 1119) đời Lý: bài Ngư nhàn.

萬里清江萬里天,
一村桑柘一村烟
漁翁睡著無人唤,
過午醒来雪满船.
 

Vạn lý thanh giang vạn lý thiên

Nhất thôn tang giá nhất thôn yên

Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán

Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.

Dịch thơ:

Trời xanh nước biếc muôn trùng

Một vùng sương khói, một vùng dâu đay.

Ông chài ngủ tít ai lay

Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền.

(Kiều Thu Hoạch dịch)

Phải nói rằng đây là một bài thơ tứ tuyệt xuất sắc, được Đinh Gia Thuyết công bố lần đầu tiên trong bài "Một vị Thánh tăng của Ninh Bình" đăng trên tờ Đuốc Tuệ số 75. Sau đó, Viện Văn học chính thức đưa vào phần văn học sử thời Lý-Trần. Và cứ thế, trong nhiều tuyển tập nghiên cứu, phê bình, lí luận về văn học Lý-Trần khác, bài thơ này đã được giới thiệu, công nhận như một bài thơ của Dương Không Lộ. Ngay cả sách giáo khoa Ngữ Văn mới xuất bản gần đây cũng đưa bài thơ này vào chương trình giảng dạy [4, 105-106] không hề có một chú thích về xuất xứ đáng ngờ của nó. Tuy nhiên, xuất xứ "ít nhiều đáng nghi vấn" [3, 386] của bài thơ vẫn khiến chúng tôi trong quá trình tiếp xúc với các văn bản Hán văn luôn lưu tâm, chú ý, may ra tìm được một cứ liệu xác đáng. Và gần đây, chúng tôi đã phát hiện một bài thơ giống gần như tuyệt đối với Ngư nhàn.
Đó là bài 醉著Tuý trước của tác giả Hàn Ác韓偓. Hàn ác ( ? - ? ), tự Chí Quang, người làng Vạn Niên, Kinh Triệu, là một nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường. Năm 889, ông đỗ tiến sĩ, trải giữ nhiều chức quan: Chiêu bái Tả thập di, Gián nghị đại phu, Trung thư xá nhân, Binh bộ thị lang, v.v. nhưng rồi bị biếm trích làm Tư Mã ở nhiều nơi: Bộ Châu, Đặng Châu, v.v.. Toàn Đường thi, bộ vựng biên đầy đủ nhất về thơ Đường, do công sức của rất nhiều nhà sưu tầm, phụng sắc vua Khang Hy biên soạn, có 4 quyển chép thơ Hàn ác (từ quyển 680 đến 683), với tổng cộng 314 bài thơ. Bài thơ Tuý trước nằm tại quyển 680, bài thứ 29. Ngoài ra, bài thơ này còn được chép trong các tuyển tập thơ thiền, như Thiền thi tam thập thủ.

Đối chiếu hai bài thơ Ngư nhàn Tuý trước của hai tác giả Việt Nam và Trung Quốc, có cách biệt khá lớn cả về không gian và thời gian (khoảng hơn hai trăm năm) lại chẳng thấy có khác biệt nào đáng kể ngoài nhan đề và một chữ duy nhất, chữ thứ 3 trong câu thứ 3:

- "Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán" (Ngư ông ngủ say không ai gọi - Ngư nhàn)

-"Ngư ông tuýtrước vô nhân hoán" (Ngư ông say rượu không ai gọi - Tuý trước)

Những khác biệt về hình thức này tưởng như không làm nên khác biệt lớn về nội dung của hai bài thơ. Nhưng thực ra không phải như vậy. Ngay nhan đề đã hướng người đọc đến hai chủ đề hoàn toàn hoàn toàn khác nhau: Ngư nhàn (Cái nhàn nhã của làng chài) và Tuý trước (Say mèm). Xem xét kĩ lưỡng nội dung bài thơ, ta có cảm giác như bài Ngư nhàn là một sự sửa chữa cẩu thả từ bài Tuý trước. Có hay không điều đó ? Dầu sao, chúng tôi cũng mong muốn chuyển đến bạn đọc vài suy nghĩ của riêng mình.

1. Thử ngược lại thời gian theo tiến trình công tác sưu tập thơ văn Lí-Trần, ta thấy có hơn 500 năm lịch sử, chia làm 3 thời kì rõ ràng. Thời kì đầu: thế kỉ XV với một số công trình tiêu biểu như: Việt âm thi tập (Phan Phu Tiên - 1433), Tinh tuyển chư gia luật thi (Dương Đức Nhan), Trích diễm thi tập (Hoàng Đức Lương - 1497). Thời kì thứ hai: thế kỉ XVII-XVIII với các công trình Khoá hư lục, Thiền uyển tập anh, v.v. Thời kì thứ ba: nửa đầu thế kỉ XX với một số lượng rất khiêm tốn các tác phẩm được sưu tầm và đặc biệt là trong đó lại có khá nhiều sai sót. Nguyên nhân là do qua thế kỉ XVIII việc phát hiện tài liệu mới hầu như không còn. Người ta đành bằng lòng sao đi chép lại những thứ đã tìm ra từ trước, để rồi kết quả là các văn bản càng thêm sai lạc. Thế nhưng, việc giới thiệu thơ văn Lí-Trần đột nhiên dấy lên thành phong trào vào những năm 30-40 của thế kỉ XX. Chủ yếu là các bài viết của các tác giả: Đinh Văn Chấp, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Lợi, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Thi Nham Đinh Gia Thuyết, v.v. trên một số sách báo như Nam Phong tạp chí, Đuốc Tuệ, Tri Tân, v.v. Đương nhiên, trong tình hình muộn mằn của thế kỉ XX, mà những mảnh tài liệu còn sót lại sau năm, sáu trăm năm không những đã sai lạc quá nhiều mà còn phân tán, muốn giải đáp thấu triệt vấn đề thì còn phải mất nhiều thì giờ. Một ít cố gắng bước đầu chưa thể nào thoả mãn được điều mà mọi người mong đợi, nhất là những cố gắng này phần lớn không dựa trên những phương pháp khoa học chặt chẽ. Không lâu sau, một trong số đó đã dần để lộ những khe hở nghiêm trọng. Chẳng hạn, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến cho đăng trên Nam Phong tạp chí (số 40, 7-1921) bản dịch tiểu thuyếtLĩnh Nam dật sử kèm theo lời giới thiệu rằng đó là tác phẩm của Ma Văn Cao, một nhà văn người dân tộc Dao ở vùng núi tỉnh Hoà Bình ngày nay, sáng tác bằng chữ dân tộc vào cuối đời Lí (thế kỉ XI) và đã được Trần Nhật Duật dịch ra chữ Hán từ năm 1297. Một "phát hiện" thật bất ngờ nhưng cũng để lại nhiều ngờ vực! Sau đó, trên các sách báo, Lĩnh Nam dật sử liên tục được giới thiệu trên các sách báo và nghiễm nhiên được coi là một tác phẩm "có niên đại" vào đời Trần. Nhưng cuối cùng thì các nhà thư tịch học đã giải quyết xong vấn đề gốc gác của tiểu thuyết này: đó là một tác phẩm nguyên của Trung Quốc, có tên là Hội đồ Lĩnh Nam dật sử, ra đời vào cuối thế kỉ XVIII! Sở dĩ có sự nhầm lẫn này của ông Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến là vì sách Hội đồ Lĩnh Nam dật sử đã bị ai đó "chế biến" lại, thay đổi tên tác giả, tác phẩm, sửa chữa chút ít về nội dung và bài tựa, rồi bán cho Thư viện Viễn Đông Bác cổ để kiếm hời. Đông Châu chỉ mới xem được có một bản sao kém cỏi này đã vội đưa ra kết luận, khiến suýt nữa tác phẩm này lại trở thành mối hoài nghi của nhiều thế hệ sau. Thật đáng buồn khi mà trong xã hội thực dân, "đồ cổ" văn chương cũng trở thành vật mua bán khiến cho xuất hiện không ít các tác phẩm giả mạo. Thêm vào đó, những sai sót về mặt phương pháp của một số người sưu tầm, nghiên cứu -mà những người này đến nay đều đã quá cố- đã dẫn đến những ngờ vực khó làm sáng tỏ. Phải chăng Ngư nhàn cũng có chung một số phận phiêu diêu kiểu Lĩnh Nam dật sử vì nó cũng được công bố trong cùng "trào lưu khai quật" các tác phẩm văn học Lí-Trần thời gian này ? Ngày nay, chúng ta không ai biết Đinh Gia Thuyết đã dựa vào nguồn tư liệu nào mà ông có thể khẳng định Ngư nhàn đích thị là của Dương Không Lộ để lại cho hậu thế!

2. Dương Không Lộ, có một tiểu sử khá mờ mịt, tên thật và năm sinh đến nay vẫn chưa rõ. Quê ở làng Hải Thanh, thuộc lộ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Tổ tiên ông vốn làm nghề chài lưới, đến đời ông mới bỏ nghề ấy đi tu. Ông từng tu ở các chùa Nghiêm Quang ( ? ), Chúc Thánh (trên núi Phả Lại), Hà Trạch ( ? ), và là vị sư trụ trì khai sáng chùa Keo (Thái Bình). Ông là một nhà chân tu, chuyên nghiên cứu Thiền Tông và Mật Tông. Có một số giai thoại kể rằng ông tu luyện đạt đạo tới mức có thể đi trên nước, bay giữa trời, đánh chết hổ và vật ngã rồng! ? (theo Lĩnh Nam chích quái Lịch triều hiến chương loại chí). Ông cùng Thiền sư Giác Hải du ngoạn những nơi danh lam thắng cảnh, sống gần gũi với thiên nhiên, hoàn toàn thoát tục, chuyên tâm tu luyện để thành chính quả. Ông đã từng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Chắc hẳn ông còn là một nhà sư rất giỏi thơ văn thời bấy giờ (đa số các nhà thơ thời Lý đều kiêm nhà thơ). Tác phẩm của ông sưu tầm được không nhiều, chỉ vẻn vẹn có hai bài tứ tuyệt: Ngư nhànNgôn hoài (Tỏ nỗi lòng).

Thật đáng tiếc cả hai bài thơ này đều đang để lại cho con cháu những dấu hỏi ngờ vực! Riêng về xuất xứ của bài thơ Ngôn hoài đã từng là đề tài tranh lụân sôi nổi đối với các nhà nghiên cứu. GS. Hà Văn Tấn là người đầu tiên đã chỉ ra rằng tác phẩm này rất giống với một bài thơ của Lí Cao ? đời Đường [2] và hoài nghi: "Không Lộ đã chịu ảnh hưởng của Lí Tường (GS. Hà Văn Tấn đã phiên âm chữ là "tường") hay có người nào đó đã chữa bài thơ của Lí Tường rồi gán cho Không Lộ". So sánh Ngôn hoài với bài thơ của Lí Cao thì có tới 14 chữ giống nhau, tức 60%, riêng câu thứ 3 hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh những ý kiến quả quyết rằng Ngôn hoài không phải của Không Lộ, còn có khá nhiều ý kiến của các học giả có uy tín[3] cho rằng đó chỉ là một sự vận dụng thơ cổ vào trong các sáng tác thời xưa. Những tranh luận đó vẫn chưa đến hồi ngã ngũ, thì bây giờ lại đến lượt bài thơ còn lại Ngư nhàn sắp phải đặt lên bàn để các chuyên gia xem xét. Nhưng với mức độ chỉ sai lệch một chữ, Ngư nhàn liệu có phải chỉ là "sự vận dụng thơ cổ" như Ngôn hoài ?

3. Theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, Tuý trước là một nhan đề có lô gíc và hợp lí hơn Ngư nhàn. Chính vì đặt trong mối quan hệ với nhan đề của bài thơ mà từ "thuỵ" (ngủ) là một sự câu nệ bất đắc dĩ. Trong khung cảnh thanh bình ở làng chài, giữa cái bát ngát rộng dài của sông nước, của trời cao, tác giả Ngư nhàn không thể tả một ông già vô tâm say rượu tuý luý, nên đã bỏ "tuý " mà chọn "thụy": một ông già... "lười", ngủ quên công việc thì mới lột tả hết cái "nhàn" chăng ? ! Hai câu thơ cuối cho ta thấy những sự bất hợp lí:

Ông chài ngủ say quá không ai gọi,

Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền.

Trong cái giá lạnh của băng tuyết phủ đầy, một ông già rất khó có thể ngủ say tới mức quên cả không gian, thời gian, công việc. Đành rằng vẫn hiểu hình tượng thơ chỉ có tính ước lệ, và sự ước lệ nào cũng có giá trị của nó. Cho rằng có như thế mới lột tả được cái "nhàn" thì thật khó chấp nhận. Nhưng nếu là một ông già say mèm thì hợp lí. Vả lại cái cảnh tuyết rơi, dù là một ngàn năm trước cũng khó có thể xảy ra ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nước ta. Về điều này, sách giáo khoa Văn học 10 có chú thích: "Nước ta làm gì có cảnh tuyết xuống đầy thuyền như thế này. Có thể xem đây là một cách tả của thơ xưa; ý nói ông chài thức dậy thì thấy thuyền mình đã đổi khác" [4,106]. Chúng tôi nghĩ, nếu như đây đúng là một không gian nghệ thuật được hư cấu theo chủ định của tác giả thì hình ảnh "tuyết" cũng không thật "đắc địa" để nói tới sự "đổi khác". Không gian trong bài thơ dễ gợi trí ta hình dung ra một vùng quê nào đó ở phương Bắc hơn là ở Việt Nam. Vậy lẽ nào Không Lộ Thiền Sư lại viết Ngư nhàn trong một dịp ông du ngoạn đến tận phương Bắc xa xôi ? Tuyết là một hình tượng nghệ thuật thường gặp trong thơ văn Trung Quốc với ý nghĩa biểu trưng cho cái đẹp thanh tĩnh của tâm hồn, sự cao thượng, trong sáng không vướng bận bụi trần, v.v. nhưng rất hy hữu xuất hiện trong thơ văn Việt Nam (nhất là thơ văn tả cảnh).

Chúng ta không loại trừ khả năng Tuý trước của Hàn ác, hoặc đã bị sửa chữa, hoặc do một nguyên nhân nào đó đã bị gán cho Dương Không Lộ. Biết đâu, Đinh Gia Thuyết giữa buổi "tranh tối tranh sáng", vì muốn ca ngợi nhà sư có nhiều phép thuật màu nhiệm mà ông đã gọi là "Thánh tăng" của quê hương Ninh Bình nên đã thay nhan đề, đổi một chữ thành ra Ngư nhàn của Dương Không Lộ ?

Mọi giả thuyết đều cần phải được xem xét kĩ lưỡng. Từ giả thuyết đến kết luận là một chặng đường dài. Nghiên cứu văn học sử là một công việc đầy chông gai. Chúng tôi mạnh dạn "đan giỏ giữa đường", đề cập vấn đề này, kính mong các bậc cao tài bác nhã rộng lòng chỉ giáo.

(Bài đã đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 4 (53) - 2002, tr. 56-60 dưới nhan đề "Đi tìm xuất xứ một bài thơ". Trong lần in lại này, chúng tôi có sửa chữa một vài chỗ.)

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1.      Toàn Đường thi全唐詩(bản điện tử, các nhà xuất bản: Dương Châu thi cục揚州詩局, Thượng Hải đồng văn thư cục 上海同文書局, Trung Hoa thư cục 中華書局, Trung Châu cổ tịch 中州古籍)
2.     Thiền thi tam thập thủ襌詩三十首 (bản điện tử) Viện Văn học, Thơ văn Lí-Trần,  tập 1, Nxb. KHXK, H., 1977.

3. Nguyễn Đình Chú - Nguyễn Lộc (chủ biên), Văn học 10, tập 1, (sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000), Nxb. Giáo dục, H., 2000.

[2] Trong bài "Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam", Tạp chí Văn học, số 4-1992.

[3] Như: Nguyễn Khắc Phi, "Quanh nguồn tư liệu có liên quan đến bài Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư"; Nguyễn Phạm Hùng, "Dương Không Lộ: thiền sư-thi sĩ", Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 4-1996, v.v.