Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN IV : THỜI TAISHÔ CHO TỚI NAY 

Chương VII : Thể chế 1955 và sự phát triển kinh tế cao độ. 
Tiết 1 - Thể chế chính trị 1955: 
1.1 Nội các Hatoyama Ichirô ra đời:

Trong chương trước, chúng ta đã nhắc đến việc hai lãnh tụ Mỹ (G. W. Bush Senior) và Liên Xô (M.S.Gorbachev) đã gặp nhau tại đảo Malta vào năm 1989 để ra tuyên ngôn chung chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh. Thế nhưng trên thực tế thì kể từ thập niên 1950, sự đối lập giữa 2 trận doanh Đông Tây thấy có những động hướng hòa hoãn và cuộc xung đột đã nhẹ đi phần nào sự gay gắt.

Sự hòa hoãn này thường được gọi là hiện tượng băng tan hay tuyết tan (yukidoke, thawing).

Vào năm 1953, cái chết của nhà độc tài Liên Xô là Stalin đã giúp cho hai bên bớt căng thẳng. Qua năm 1955, ở Genève, đã có một cuộc Hội đàm tay tư của bốn nước lớn: Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô. Tại hội nghị này, các nước đàn anh đã thảo luận về vấn đề tài giảm quân bị cũng như việc gìn giữ hòa bình trên lục địa Âu châu.

Thế rồi đến năm 1958 thì Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô là Nikita S. Krushchev (1894-1971) kiêm nhiệm luôn chức Thủ tướng đã sửa đổi đường lối chính trị (được gọi là chủ nghĩa xét lại, revisionism) và tuyên bố ủng hộ chính sách sống chung hòa bình giữa Đông và Tây. Năm sau, ông qua viếng thăm nước Mỹ và hội đàm với Tổng thống Dwight D. Eisenhower (1890-1969), họp hội nghị thượng đỉnh với ông này. Điều đó càng tăng tốc cho hiện tượng băng tan.

Cũng cần nhắc thêm rằng khi cuộc chiến ở Triều Tiên vừa chấm dứt, quan hệ Mỹ Xô rất căng thẳng.Từ bom nguyên tử (bom A), họ tiến qua làm bom khinh khí (bom H), chế tạo những đầu đạn liên lục địa (ICBM = Inter-continental ballistic missile) là những loại võ khí khủng khiếp có thể dẫn đến sự diệt vong của loài người. Với mục đích khuất phục địch thủ, họ không ngần ngại tiêu những món tiền khổng lồ và các nguồn nhân lực quan trọng cho mục tiêu quân sự. Thế nhưng nếu cứ mãi mãi chạy đua như vậy, họ sẽ trở thành những anh khổng lồ nhưng ngoi ngóp trong một vũng lầy không có cách thoát ra.

May thay, vì có những cuộc hội đàm Mỹ Xô cấp cao như thế mà chiều hướng chính trị thế giới đã bắt đầu có sự thay đổi. Năm 1963, hai bên đã có thể ký một hiệp ước đình chỉ một phần các cuộc thí nghiệm võ khí hạt nhân. Năm 1968 thì có thêm hiệp ước mới để ngăn ngừa, cấm không cho việc chế tạo võ khí hạt nhân trở thành phổ biến. Như thế, việc thương lượng cắt bớt các loại võ khí hạt nhân đã thực sự bắt đầu.

Đến thập niên 1960 thì địa vị của hai đàn anh là Liên Xô và Mỹ, trước đây đủ sức khuynh loát tất cả các nước khác, nay đã thấy có sự lung lay. Riêng ở Phương Tây thì các nước Tây Âu - nhờ sự viện trợ của Mỹ - tiến nhanh trên con đường phục hưng - tổ chức tốt đời sống kinh tế và đi đến chỗ có thể tự lập. Năm 1957, đã thấy xuất hiện một tổ chức mang tên Cộng đồng kinh tế Âu châu (EEC = European Economic Community). Sau đó nó đã phát triển thành một thực thể chính trị và kinh tế gọi là Cộng đồng Âu châu (EC = European Community) vào năm 1967.

Không những thế, quốc gia bại chiến là Đức, nhờ ở hoạt động kinh tế năng nổ của mình đã có những thành tựu kinh dị. Dần dần, nó có đủ sức mạnh kinh tế đủ để uy hiếp cả Mỹ. Nước Pháp của Tướng De Gaulle cũng không điều một điều hai cứ nghe theo Mỹ mà có chính sách riêng, đường lối ngoại giao riêng.

Để tiện tham khảo, xin biết rằng EC kể từ năm 1989 đã bắt đầu chấp nhận các nước Đông Âu vừa mới dân chủ hóa vào tổ chức của mình. Năm 1963, EC mang tên mới là Liên Hiệp Âu Châu (EU = European Union). Đến năm 1999, họ thống nhất đơn vị tiền tệ dùng chung cho khu vực, có tên là là Euro.

Về trận doanh Phương Đông, tình hình cũng đã có sự thay đổi lớn. Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu xa lánh nhau. Năm 1964, Trung Quốc thí nghiệm thành công bom nguyên tử. Hai năm sau, cuộc Văn Hóa Đại Cách Mệnh bùng ra, họ chia tay hẳn với Liên Xô và tự mình đi theo một chiều hướng khác. .

Trong khi đó, ở Đông Âu, vào năm 1968, có phong trào dân chủ hoá ở Tiệp Khắc (Czechoslovakia). Thế nhưng Liên Xô lại gửi quân vào can thiệp và đàn áp kịch liệt để dập tắt nó (Mùa xuân Praha).

Như ta đã thấy, Mỹ và Liên Xô không còn giữ được vị trí trên trước như ngày xưa nữa. Tình thế chuyển biến đã sinh ra một lực lượng thứ ba với một số nước mới nổi lên không thuộc Phương Đông lẫn Phương Tây. Cụ thể mà nói, đó là những quốc gia Á châu và Phi châu, trước kia là các xứ thuộc địa nay vừa được độc lập và hưng thịnh lên. Trong thập niên 1960, những quốc gia này lên đến phân nửa số thành viên trong Liên Hiệp Quốc (UN = United Nations). Tiếng nói của họ bắt đầu có trọng lượng. Thế nhưng thực ra hiện tượng này đã bắt đầu nhen nhúm từ giữa thập niên 1950.

Năm 1954, Chu Ân Lai của Trung Quốc và Nehru của Ấn Độ đã có dịp hội đàm. Hai bên cùng đồng ý với nhau về "Năm nguyên tắc hòa bình". Đó là: 1) Tôn trọng chủ quyền, 2) Nước này không xâm lấn nước khác, 3) Không can thiệp vào nội tình của nhau, 4) Đối xử với nhau bình đẳng để cùng có lợi, 5) Sống chung trong hòa bình.

Năm sau, dưới sự chủ trì của hai nước lớn này, Hội nghị Á Phi tức Hội nghị Bandung (tên một thành phố nghỉ mát gần Jakarta, thủ đô Indonesia, 1955) đã khai mạc. Với mục đích qui tụ những quốc gia đang lên thành một đoàn thể, 29 nước đã gửi đại biểu đến Bandung tham gia. Cùng với 5 nguyên tắc đã thỏa thuận giữa hai quốc gia đàn anh vào năm trước, tại Bandung, các nước đã thêm vào một số nghị quyết để đưa ra tất cả 10 nguyên tắc. Mục đích chính là chống lại chủ nghĩa thực dân và tạo điều kiện để sống chung hòa bình.

1.2 Thể chế 1955 thành hình:

Tình hình thế giới trong hai thập niên 1950 và 1960 có thể tóm lược như trên. Thế nhưng trong lúc đó, riêng ở Nhật Bản, thử hỏi đã có những gì xảy ra trong đường lối chính trị và ngoại giao? Để hiểu, thiết tưởng chúng ta nên kiểm điểm hoạt động của các nội các cầm quyền trong quãng thời gian đó.

Thủ tướng Yoshida Shigeru lập nên một kỷ lục vì đã 5 lần thành lập nội các. Ông đảm đương chính trị Nhật Bản bằng đường lối hòa điệu, đàm phán khéo léo với phía Mỹ. Cùng lúc đó, nhờ có chính sách "lội ngược dòng" của nước này, một số tù phạm chính trị đang bị giam và các viên công chức vì dính líu với chế độ cũ phải đuổi việc, nay có thể trở lại tham gia chính quyền mới. Những người này thì lại tỏ ra không vừa lòng chút nào với lối cai trị của Yoshida mà họ cho là quá độc đoán.


Yoshida Shigeru, năm lần giữ chức vụ thủ tướng

Yoshida là người ương ngạnh. Người ta còn nhớ vào thời kỳ ông lập nội các lần thứ 4, trong phiên họp Ủy ban ngân sách ở Hạ viện, ông đã dám mắng một đại biểu Đảng Xã Hội là "Đồ khốn! (Bakayarô!). Điều này làm cho đảng đối lập giận dữ và đưa ra nghị quyết bất tín nhiệm. Nhân vì quốc hội chấp thuận nghị quyết ấy nên đã đưa đến việc ông giải tán quốc hội. Giai thoại đó đả trở thành đầu mối cho chữ "Vụ giải tán Bakayarô " và chứng minh cá tính mạnh nơi con người ông.
 
Danh sách những thủ tướng đầu tiên thời hậu chiến (1945-1954)
Tên tuổi Thành viên Bắt đầu Chấm dứt Đặc điểm
Higashikuni no miya Naruhiko Hoàng tộc. Đại tướng lục quân 08/1945 10/1945 Ký hiệp ước đầu hàng Đồng Minh
Shidehara Kijuurô Nguyên ngoại trưởng 10/1945 05/1946 Xử lý 5 cải cách lớn GHQ đòi hỏi
Yoshida Shigeru Đảng Nhật Bản tự do 05/1946 05/1947 Công bố Hiến pháp mới
Katayama Tetsu Đảng Xã hội Nhật Bản 05/1947 03/1948 Chính quyền liên hiệp cánh tả
Ashida 
Hitoshi
Đảng Dân chủ 03/1948 10/1948 Chính quyền liên hiệp. Đường lối rung dung.
Yoshida Shigeru Đảng Dân chủ tự do, sau là Đảng Tự do 10/1948 12/1954 Chính quyền đơn độc Dân chủ tự do. Bốn lần cải tổ nội các.
Đến kỳ nội các thứ 5 của Yoshida, đảng Tự Do trở thành đảng cầm quyền và như ta có lần nói đến, tiền thân của nó là đảng Dân Chủ Tự Do, và trước đó nữa, có tên là Đảng Nhật Bản Tự Do. Người thành lập ra Đảng Nhật Bản Tự Do ấy là chính khách lão thành Hatoyama Ichirô (Cưu Sơn Nhất Lang, 1883-1959). [1]

Hatoyama được phép trở lại chính trường vào năm 1952 (Shôwa 27). Ông là người phê phán Yoshida mạnh mẽ nhất. Đến năm 1954 (Shôwa 29) thì đột nhiên, Hatoyama lãnh đạo phái chống đối trong đảng liên kết với Đảng Cải Tiến (Kaishintô) mà thành lập một đảng mới là Nhật Bản Dân Chủ Đảng (Nihon Minshuutô). Nên nhớ Đảng Cải Tiến này cũng qua nhiều lần thay tên đổi họ, từ Đảng Nhật Bản Tiến Bộ qua Dân Chủ Đảng, Quốc Dân Dân Chủ Đảng rồi mới đến tên cuối cùng của nó.

Chính vì Hatoyama rút ra mà thế lực của Yoshida sút đi thấy rõ. Vừa vặn lúc đó xảy ra một sự kiện gọi là "Nghi án về vụ đóng tàu" (Zôsen gigoku = Tạo thuyền nghi ngục) làm cho hy vọng phục hồi vị thế của ông tiêu luôn.

Nghi án nói trên là việc người ta ngờ rằng các chính trị gia trong Đảng Tự Do đã nhận một món tiền hối lộ rất lớn từ các hãng chuyên chở đường biển và đóng tàu. Người sau này sẽ trở thành thủ tướng là Satô Eisaku - lúc đó đang giữ chức Tổng thư ký Đảng Tự Do - cũng mắc míu vào vụ đó. Khi công tố viện yêu cầu Quốc hội cho phép bắt giam Satô thì Tổng trưởng tư pháp Inukai Takeru (Khuyển Dưỡng, Kiện, con trai cựu thủ tướng Inukai Tsuyoshi) đã lấy cớ là Quốc hội đang ở giữa thời kỳ nghị sự để chặn việc ấy lại. Hành động muốn ém sự việc của Inukai đã làm rúng động dư luận. Và cũng chính hành động chính trị thiếu khôn ngoan đó mà Nội các Yoshida không còn được sự tín nhiệm của quốc dân, bị dồn vào thế phải tổng từ chức.


Thủ tướng Hatoyama Ichirô

Cũng trong cùng năm ấy, Hatoyama Ichirô đã cầm đầu Đảng Nhật Bản Dân Chủ lập nội các đầu tiên. Ông hô hào tăng cường sức mạnh quốc phòng, tu chính hiến pháp và tự chủ trong ngoại giao. Vì những ý kiến chính trị có tính chất bảo thủ như thế nên Hatoyama gặp sự chống trả của các lực lượng phía cải cách, vốn có quan điểm trái ngược nghĩa là chủ trương phi vũ trang, trung lập và ủng hộ hiến pháp (giữ nguyên hiến pháp hiện hành).

Trong khi mọi chuyện còn chưa ngã ngũ thì cuộc tổng tuyển cử tháng 2 năm 1955 (Shôwa 30) đã xảy ra.

Kết quả của cuộc tổng tuyển cử này là Đảng Nhật Bản Xã Hội đạt được trên 1/3 số ghế trong Quốc hội. Con số này giúp cho họ có thể chận đứng mọi mưu toan tu chính hiến pháp (cải hiến). Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Đảng Nhật Bản Xã Hội vào năm 1951 (Shôwa 26) đã bị chia đôi vì không cùng chung cách xử trí trước Hiệp ước San Francisco và Hiệp ước Anpo Nhật Mỹ. Cánh tả và hữu đối chọn nhau ra mặt chung quanh việc có nên ký hay không hai hiệp ước này.

Dù sao, hai cánh đều đồng ý về việc ủng hộ hiến pháp hiện hành (Hiến pháp công bố vào tháng 11/1946). Để bắt tay với ngay chống mọi hành vi cải hiến, hai phái lại tái thống nhất vào tháng 10/1955. Chủ tịch (Ủy viên trưởng) của Đảng Xã Hội mới là Suzuki Mosaburô (Linh Mộc, Mậu Tam Lang). Vì có sự hợp tác giữa hai phái xã hội mà mưu toan tu chính hiến pháp của thế lực bảo thủ đã bất thành.

Hatoyama lập nội các lần thứ hai sau cuộc tổng tuyển cử này. Đứng trước sự kết hợp của các thế lực cách tân, giới tài chánh rất lấy làm lo sợ nên yêu cầu các thế lực bảo thủ cũng phải đồng tâm hiệp lực. Vì đòi hỏi thiết tha đó mà vào tháng 11 cùng năm, Đảng Nhật Bản Dân Chủ và Đảng Tự Do đã thực hiện một cuộc hợp nhất để sinh ra Đảng Tự Do Dân Chủ, một đảng bảo thủ có một tầm vóc cực kỳ to lớn (Đó là đảng đang lãnh đạo nước Nhật ngày nay, thời điểm 2013).

Chủ tịch Đảng Tự Do Dân Chủ (Jiyuu Minshuutô, gọi tắt Jimintô) là Hatoyama Ichirô. Ông lại lập thêm nội các một lần thứ 3 sau cuộc kết hợp này với tư cách người lãnh đạo đầu tiên của đảng.
 

Danh sách các Thủ tướng Jimintô dưới Thể chế 1955
Tên tuổi Thành viên Bắt đầu Chấm dứt Đặc điểm
Hatoyama
Ichirô
Đảng Nhật Bản dân chủ 12/1954 12/1956 Ba lần liên tiếp lập nội các. Tuyên ngôn chung Nhật Xô. Jimintô được thành lập.
Ishibashi
Tanzan
Jimintô 12/1956 02/1957 Bị bệnh, ngưng chức 2 tháng sau.
Kishi 
Nobusuke
Jimintô 02/1957 07/1960 Hai lần lập nội các. Đụng phải vấn đề Tân Anpo năm 1960.
Ikeda
Hayato
Jimintô 07/1960 11/1964 Ba lần lập nội các. Ra luật cơ bản về nông nghiệp.
Satô
Eisaku
Jimintô 11/1964 07/1972 Ba lần lập nội các. Đòi lại được Okinawa và ký Hiệp ước Nhật Hàn.
Tanaka
Kakuei
Jimintô 07/1972 12/1974 Hai lần lập nội các. Ký tuyên bố chung Nhật Trung.
Miki 
Takeo
Jimintô 12/1974 12/1976 Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. Giải quyết vụ Lockheed.
Fukuda
Takeo
Jimintô 12/1976 12/1978 Ký hiệp ước giao hiếu Nhật Trung.
Ôhira
Masayoshi
Jimintô 12/1978 07/1980 Hai lần lập nội các. Giải quyết khủng hoảng dầu lửa 2. Chết giữa thời tuyển cử.
Suzuki
Zenkô
Jimintô 07/1980 11/1982 Tái kiến tài chánh không qua việc tăng thuế.
Nakasone Yasuhiro Jimintô 11/1982 11/1987 Dân doanh hoá Công ty quốc doanh đường sắt (JR). Chuẩn bị cho JT, NTT.
Takeshita
Noboru
Jimintô 11/1987 06/1989 Vụ Recruit. Công bố thuế tiêu thụ. 
Uno
Sôsuke
Jimintô 06/1989 08/1989 Dính tiếng xấu về phụ nữ. Đảng đại bại trong tuyển cử.
Kaifu
Toshiki
Jimintô 08/1989 11/1991 Chiến tranh vùng vịnh. Gửi tàu quét dọn của lực lượng tự vệ đến vịnh BaTư?
Miyazawa
Kiichi
Jimintô 11/1991 08/1993 Ra luật PKO , coi trọng việc đóng góp cho quốc tế.
Kể từ đó, Đảng Tự Do Dân Chủ (bảo thủ) và Đảng Nhật Bản Xã Hội (cách tân) trở thành hai chính đảng mạnh chiếm địa vị trung tâm trong đời sống chính trị Nhật Bản. Trên thực tế thì tương quan lực lượng giữa họ là 2 đối 1 với lợi thế nghiêng về Tự Do Dân Chủ so với Xã Hội. Đảng Xã Hội vì thế chẳng bao giờ nắm được chính quyền trong khi phía Tự Do Dân Chủ thì họ hết tổ chức từ nội các này đến nội các khác. Tình trạng "bảo thủ độc đảng" chiếm ưu thế như vậy bắt đầu từ năm 1955 và tiếp nối liên tục suốt 40 năm. Do đó người ta mới gọi thể chế chính trị ấy là "Thể chế 55" (Gojuugonen taisei).


Thủ tướng Ishibashi Tanzan

Thể chế này đã suy sụp vào năm 1993. Lúc đó, Nội các Jimintô của Miyazawa Kiichi chia năm xẻ bảy, hơn nữa, trong kỳ tổng tuyển cử, họ lại không đạt đến phân nửa số ghế ở quốc hội. Sau khi Nội các Miyazawa từ chức rồi, Nhật Bản Tân Đảng của Hosokawa Morihiro đã kết hợp với những thế lực phi-Jiminto và ngoài Đảng Cộng Sản - tất cả là 8 đảng - để thành lập một chính phủ liên hiệp.

Xin tạm ngưng để trở lại với nội dung cụ thể việc làm của 3 Nội các Hatoyama (từ 1 đến 3).

Để tăng cường sức mạnh quốc phòng, Hatoyama đã lập ra một Ủy ban quốc phòng?(như Quân ủy) có tính tư vấn. Ông cũng thiết lập một Uỷ ban tham vấn về hiến pháp nhằm thúc đẩy việc tu chính hiến pháp.

Tuy nhiên, dù nói thế nào đi nữa, bang giao với Liên Xô vẫn là một chính sách ông đặt lên hàng đầu. Năm 1956 (Shôwa 31), chính ông đã sang Moscow phó hội, chính thức thương thảo bình thường hoá bang giao giữa hai nước. Tháng 10 cùng năm, giữa ông và Thủ tướng Bulganin [2], đã có thể ký kết một Tuyên ngôn chung Nhật Xô nhưng không đi đến được việc ký kết hiệp ước hòa bình (mà Liên Xô đã không chịu ký ở San Francisco năm 1951).

Lý do khiến cho hiệp ước ấy vẫn không được ký là vì cuộc tranh chấp biển đảo phía bắc nước Nhật (Người Nhật gọi là Hoppô ryôdo = Bắc phương lãnh thổ) chưa có hướng giải quyết. Trong khi Nhật Bản chủ trương 4 đảo Kunashiri (Quốc Hậu), Etorofu (Trạch Tróc), quần đảo Habomai (Xĩ Vũ). Và Shikotan (Sắc Đan) là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản và đòi Liên Xô phải trả lại thì Liên Xô cho rằng chuyện 2 đảo Kunashiri và Etorofu đã giải quyết xong xuôi, không thể đi ngược lại nữa. Còn như việc trao trả Habomai và Shikotan thì hãy để đó bàn sau một khi hiệp ước hòa bình được ký kết.

Thế nhưng việc Nhật Xô bình thường hoá quan hệ thì đã được thừa nhận ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UN) khi Nhật trở thành một thành viên của nó. Cho đến lúc đó, Nhật không gia nhập được tổ chức này vì gặp sự chống đối của Liên Xô và các nước Phương Đông. Như vậy, sau 23 vắng mặt, Nhật Bản đã chính thức trở lại với xã hội quốc tế.

1.3 Cải tổ Hiệp ước phòng vệ Anpo. Mức thu nhập tăng trưởng mạnh:

Sau thời 3 nội các của Hatoyama, người thắng cử và trở nên chủ tịch của Đảng Jimintô là Ishibashi Tanzan (Thạch Điền, Đam Sơn,1884-1973) [3] đã đứng ra lập chính phủ mới. Tuy nhiên vì bản thân thủ tướng có vấn đề sức khoẻ nên chính phủ này chỉ tồn tại ngắn ngủi có 2 tháng trời. Người thay thế ông là Kishi Nobusuke (Ngạn, Tín Giới, 1896-1987) [4].


Hai thủ tướng Kishi Nobusuke và Satô Eisaku

Mặc dầu có sự chống đối của Nikkyôso (Nhật giáo tổ) tức Tổ chức công đoàn giáo giới Nhật Bản (thiên tả), Kishi cho lập một hệ thống "đánh giá" thành tích của giáo chức. Ông bị phê phán kịch liệt sau đó. Ngoài ra, ông còn đưa ra dự án luật cải tổ quyền chấp pháp của cơ quan cảnh sát để gia tăng sức mạnh cho bộ phận này nên bị phái cách tân trong quốc hội phản bác. Nói chung, Kishi có nhiều chính sách cực kỳ bảo thủ cho nên không ngớt đụng chạm với thế lực cách tân.

Cũng cần nói thêm rằng dự án luật nhằm củng cố sức mạnh của cơ quan cảnh sát theo chủ trương ông đề ra vì gặp sự chống đối quá quyết liệt nên không vượt qua được giai đoạn thẩm nghị trong quốc hội nên đã không bao giờ thành luật.

Thế nhưng phải nói sự kiện chính trị quan trọng nhất dưới thời Nội các Kishi là cuộc đấu tranh của quần chúng năm 1960 chung quanh Hiệp ước Anpo.

Lý do của những biến động chính trị đó là vì Thủ tướng Kishi muốn sửa đổi nội dung Anpo.Trong Hiệp ước (Anpo) ký vào năm 1951 (Shôwa 26) không thấy chỗ nào nói rõ ràng kỳ hạn của hiệp ước sẽ kéo dài bao lâu, hoặc Mỹ có nhiệm vụ phòng vệ quần đảo Nhật Bản hay không. Hơn nữa, trong đó lại có kèm theo điều khoản mà ý nghĩa khó lường như qui định rằng khi ở Nhật phát sinh ra nội loạn thì Mỹ sẽ có quyền sử dụng quân đội.

Chính phủ Nhật lúc đó muốn tu chính lại những điều khoản của hiệp ước mà họ nghĩ là bất lợi cho mình. Vì vậy, Thủ tướng Kishi mới cho họp Ủy ban quốc phòng và định ra những phương châm cơ bản, bắt đầu lập kế hoạch chỉnh đốn sức mạnh quân sự. Một mặt, ông như muốn nói với người Mỹ: "Có thấy chúng tôi nỗ lực tăng cường sức mạnh quốc phòng (theo ý các ông không)?", một mặt chuẩn bị thương thuyết lại Hiệp ước Anpo với họ.

Kết quả là trong văn bản của Hiệp đình Anpo mới, có qui định rằng nếu Mỹ muốn có hành động quân sự nào ở Nhật hay ở vùng Cực Đông thì đều phải bàn bạc trước với Nhật Bản. Cùng lúc, nghĩa vụ phòng vệ Nhật Bản của người Mỹ cũng được trình bày trên giấy trắng mực đen. Kỳ hạn của hiệp ước lại được ghi rõ là có hiệu lực trong vòng 10 năm.

Như thế, vào tháng 1 năm 1960, Hiệp ước mới đã được ký kết. Tên chính thức của hiệp ước mới này là Nhật Mễ (Mỹ) Tương Hỗ Hiệp Lực cập An Toàn Bảo Chương Điều Ước nhưng cũng có thể gọi tạm nó bằng cái tên đơn sơ là là Tân Anpo.

Nội dung chính của Điều ước Tân Anpo

Điều 4: Các nước ký kết tùy lúc sẽ có những cuộc thương nghị về việc thi hành điều ước này. Lại nữa, bất cứ khi nào có những mối đe dọa cho sự an toàn của Nhật Bản hay an ninh và hòa bình quốc tế vùng Cực Đông thì sẽ tổ chức hiệp nghị nếu có sự đòi hỏi của một bên ký kết.

Điều 10: ...... Điều ước này có hiệu lực liên tục trong vòng 10 năm nhưng sau thì nếu một nước ký kết thông báo cho nước kia biết là mình muốn chấm dứt, chỉ cần một năm sau ngày có thông báo ấy, điều ước sẽ tự chấm dứt.

(Theo Tập điều ước)

Đối với việc ký kết điều ước Tân Anpo này, các đảng phái chủ trương cách tân cho rằng nó có thể lôi cuốn nước Nhật vào một cuộc chiến tranh mới. Một cuộc vận động quần chúng đại qui mô để phản đối nó đã xảy ra. Chính vì thế, ở quốc nội bùng lên một phong trào phê phán việc ký kết ấy. Hầu như mỗi ngày những cuộc tụ họp, tuần hành đã bao vây lấy trụ sở Quốc hội.

Tuy nhiên, Nội các Kishi tỏ ra có quyết tâm ký kết cho bằng được.

Chính phủ đem cảnh sát trấn áp cuộc biểu tình. Trong cuộc họp khoáng đại của Hạ viện (Chúng nghị viện) vào tháng 5 năm ấy, vì được hơn phân nửa nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ đảng cầm quyền, chủ trương phê chuẩn điều ước ấy đã được thông qua.

Dù vậy, bên ngoài quốc hội thì ngược lại. Cuộc vận động để phản đối Tân Anpo bùng lên mãnh liệt. Một đoàn thể mang tên Tổ chức toàn dân ngăn chặn sửa đổi Anpo (Anpo kaitei soshi Kokumin kaigi) tụ họp các thế lực cấp tiến như thành viên Đảng Xã Hội, Đảng Cộng Sản, các công đoàn như Sôhyô, tất cả là 134 đoàn thể. Quan trọng hơn cả là Zengakuren (Toàn Học Liên) qui tụ các sinh viên trẻ cánh tả. Tên của nó thực ra là Toàn Nhật Bản Học Sinh Tự Trị Hội Tổng Liên Hợp, nổi tiếng như một lực lượng xung kích. Liên tiếp trong nhiều ngày, có những cuộc biểu tình đại qui mô chung quanh tòa nhà Quốc hội với sự tham dự của tổ chức Zengakuren và các đoàn thể dân chúng khác, lắm hành động quá khích đã xảy ra.

Phong trào quần chúng nói trên có tên là Cuộc tranh đấu chống Anpo năm 1960.

Những cuộc xung đột giữa cảnh sát và dân chúng đã đưa đến đổ máu, nhiều người chết. Vậy mà cuộc tranh đấu đó đã không làm chùn bước Nội các Kishi. Cho dù đề án chuẩn y Tân Anpo không được Thượng viện (Tham nghị viện) thông qua, nó vẫn bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6 cùng năm. Sở dĩ có điều đó vì Thượng viện của Nhật lúc ấy không có quyền hành như Quý tộc viện ngày trước. Chính ra, việc phê chuẩn một hiệp ước đòi hỏi sự chấp thuận của toàn thể Quốc hội. Thế nhưng ở Nhật, nếu đã được sự chấp thuận của Hạ viện thì đã đủ. Dù Thượng viện có thẩm nghị và chống lại đi nữa, một tháng sau ngày Hạ viện chấp thuận, điều họ quyết định sẽ tự động được xem như là ý kiến của cả Quốc hội. Trong trường hợp vừa kể, Thượng viện đã không thẩm nghị và cũng chẳng lấy quyết định nhưng Tân Anpo vẫn được phê chuẩn và có hiệu lực (phát hiệu) sau đó. Giành được thắng lợi một cách khó nhọc như thế nhưng đã thỏa mãn, coi như tròn nhiệm vụ, Nội các Kishi bèn tổng từ chức

Nội các kế tiếp do Ikeda Hayato (Trì Điền, Dũng Nhân, 1899-1965) [5] thành lập.

Thủ tướng Ikeda đưa ra khẩu hiệu: "Hãy nhân lợi tức gấp đôi!" Ông còn chủ trương "khoan dung và kiên nhẫn", do đó tránh né được sự đối đầu trong chính trị của các thế lực cấp tiến. Nói chung, ông xem việc làm giàu cho dân là trên hết, lấy chính sách kinh tế làm trọng tâm.


Thủ tướng Ikeda Hayato

Đối với người Nhật Bản khi ấy thì nhân đôi lợi tức có nghĩa là tăng lương gấp đôi. Thủ tướng Ikeda đã hứa với dân chúng như thế. Và điều đó đã xảy ra cho Nhật khoảng 10 năm sau.

Tuy nhiên tất cả không chỉ do công lao của Ikeda. Điều này còn xảy ra vì kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng nhanh chóng trong giai đoạn đó dựa trên một số điều kiện khách quan khác. Dù sao nó cũng giúp cho Ikeda thực hiện lời hứa của ông.

Riêng phần Ikeda, ông đã có một số nỗ lực không thể chối cãi. Ví dụ để xúc tiến tăng trưởng kinh tế, ông đưa ra những chính sách và đề án xây dựng trong lĩnh vực công cộng. Ví dụ như việc lấp biển tạo mặt bằng (umetate) dọc theo hải ngạn để có thêm đất xây cất và lập khu vực kỹ nghệ, việc mở mang đường sá, việc thành lập khu tổ hợp (kombinat) hoá học dầu khí và hoá học công nghiệp nặng (heavy chemical industry), việc xây dựng và nới rộng các hải cảng, các vùng vịnh.

Thêm vào đó, với chủ trương tách kinh tế khỏi chính trị (seikei bunri = chính kinh phân ly), ông khuếch trương mậu dịch với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đi từ những cuộc làm ăn lẻ tẻ giữa hai bên Nhật Trung trong dân chúng, đến năm 1962 (Shôwa 37) thì đã có quyết định tổ chức mậu dịch bán chính thức giữa 2 chính phủ (Mậu dịch L.T.) [6], làm cho sự trao đổi thương mại giữa hai bên được nới rộng nhanh chóng.

Ikeda làm thủ tướng 4 năm qua ba kỳ tổ chức nội các. Người kế nhiệm ông là Satô Eisaku (Tá Đằng, Vinh Tác) [7].

Satô Eisaku, tuy khác họ nhưng là em ruột cựu thủ tướng Kishi Nobusuke. Ông Kishi gốc Satô, đi làm dưỡng tử ở gia đình Kishi để nối nghiệp dòng họ đó. Satô có lập trường chính trị bảo thủ cứng rắn, rất gần gũi người anh của mình. Ông đã giữ chức vụ 7 năm, dài hơn Ikeda Hayato, người cũng là "môn sinh" của Yoshida Shigeru như ông và đã rời khỏi chức vụ vì vấn đề sức khỏe. Trong thời gian ông làm thủ tướng, chính trị và ngoại giao Nhật Bản thật sự đã có nhiều sự kiện đáng kể.

Đặc biệt trong lãnh vực ngoại giao, Satô đạt được một số thành tích khả quan. Trước tiên là ký kết được Điều ước cơ bản Nhật Hàn (Nikkan kihon jôyaku) vào năm 1960 (Shôwa 40). Chính ra cuộc thương lượng giữa hai nước đã bắt đầu diễn ra từ năm 1952 (Shôwa 27) nhưng những vấn đề như bồi thường về những thiệt hại của Hàn dưới thời thuộc địa cũng như mâu thuẫn quyền lợi ngư nghiệp nên không đi đến hiệp định. Trong điều ước này, đã thấy có sự nhìn nhận: "Chính phủ Hàn quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất ở Triều Tiên". Thêm vào điều ước cơ bản này, còn có 4 hiệp định khác về ngư nghiệp, về quyền thỉnh cầu (claim rights), địa vị pháp lý của kiều dân gốc Hàn trên đất Nhật (gọi là người Zainichi = Tại Nhật), về hiệp lực kinh tế và hiệp lực văn hoá. .

Một thành tích khác của Thủ tướng Satô là vào năm 1968 (Shôwa 43), Mỹ đã trả lại cho nước ông quần đảo Ogasawara. Sang năm sau, trong bối cảnh phong trào đòi trở về với tổ quốc của người dân Okinawa lên cao, hai lãnh đạo Mỹ Nhật là Richard Nixon và Satô Eisaku đã họp hội nghị thượng đỉnh và Mỹ đồng ý trao trả Okinawa lại cho Nhật Bản. Năm 1972 (Shôwa 47), Hiệp định về Okinawa ký kết năm trước bắt đầu có hiệu lực và việc trao trả quần đảo đã trở thành sự thực.

Cuối cùng, trước khi thập niên 1960 đóng lại thì chính trường Nhật Bản đã có một số thay đổi. Năm 1960 (Shôwa 35), khi có phong trào tranh đấu chung quanh Tân Anpo, trong nội bộ Đảng Xã Hội đã có những cuộc tranh chấp. Cùng năm ấy, một số đảng viên đã tách ra thành Đảng Dân Xã (Minshatô, Dân Chủ Xã Hội Đảng).

Lại nữa, năm 1964 (Shôwa 39), có thêm Đảng Công Minh (Kômeitô), chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo nhập thế của tăng Nichiren (Nhật Liên, 1222-1282) và giáo đoàn Sôka Gakkai (Sáng giá học hội). Học hội này dựa trên một giáo nghĩa rất đơn sơ, thu hút tín đồ tầng lớp trung lưu và bình dân bằng những hứa hẹn về vật chất có tính cách thực tế và tức thời, đánh đổi lấy lòng trung thành tuyệt đối của họ. Học hội có một thành công nhất định nhờ tài tổ chức tuyệt vời và vì sự có mặt của họ đã bù đắp một lỗ hỗng do sự thiếu vắng niềm tin tôn giáo vào thời hậu chiến.

Đảng Cộng Sản Nhật Bản cũng chiếm thêm được một số ghế.

Những việc này chứng tỏ phong cảnh chính trường lưỡng đảng với Jimintô và Shakaitô (tục gọi là Ji-Sha hay Tự-Xã) đã bước qua giai đoạn đa đảng hóa. Dù vậy, Jimintô vẫn chưa mất đa số. Có điều là trong nội bộ của nó, đã thấy xuất hiện nhiều phe phái khác nhau, mỗi lần bầu cử chủ tịch là mỗi lần có sự tranh chấp giữa họ.

Mặt khác, các đoàn thể cấp tiến trong dân chúng, sau khi oãi ra với những các đảng phái cách tân, đã tổ chức thành Cánh tả mới (Shin-sayoku), nhân việc chống chiến tranh Việt Nam hay khi đi tìm một thế đứng mới cho lớp người trẻ, thường mở những cuộc biểu tình phản kháng và nhiều khi trở thành phong trào đấu tranh quyết liệt và đầy bạo lực.

Tiết 2 - Nhật Bản trong giai đoạn phát triển cao độ (1955-1973): 
2.1 Phồn vinh nhờ kinh tế đặc nhu. Nông nghiệp Nhật Bản:

Trong chương trước, chúng ta đã đề cấp đến chính trị của các chính phủ kế tiếp trãi qua hai thập niên 1950 và 1960. Trong tiết này, xin đặt trọng điểm vào lãnh vực kinh tế và sẽ trình bày một mạch những biến chuyển trong lịch sử Nhật Bản xảy ra từ đó cho đến thời hiện đại.

Tình hình kinh tế trong giai đoạn này khá phức tạp. Kể từ thời hậu chiến,tổng hành dinh lực lượng chiếm đóng (GHQ) và chính phủ Nhật Bản đã thi hành nhiều chính sách khác nhau với mục đích là vực dậy cho được kinh tế Nhật Bản vốn đang ở trong trạng thái phá sản và kiệt quệ. Năm năm đầu (1945-1950) không thấy một dấu hiệu lạc quan nào. Tự dưng kể từ thập niên 1950 thì đùng một cái, kinh tế Nhật Bản bỗng vùng lên cấp kỳ.

Tại sao có chuyện lạ như vậy? Lý do là lúc ấy, trên bán đảo Triều Tiên đang xảy ra một cuộc chiến tranh với qui mô lớn. Đó là Chiến tranh Triều Tiên (Korean War) mà chúng ta có lần nhắc đến.

Lực lượng Mỹ đã can thiệp trong cuộc chiến tranh này. Cứ điểm của quân đội Mỹ lúc đó, chiếu theo tinh thần của điều ước Anpo không đâu khác hơn là quần đảo Nhật Bản. Để bảo đảm cho việc cung cấp quân nhu quân dụng cần thiết cũng như sửa chữa quân cụ, chính quyền Mỹ phải đặt hàng nơi các xí nghiệp Nhật Bản. Đơn đặt hàng này, khỏi phải nói, cực kỳ lớn. Những nhu yếu đặc biệt đó (tokuju = đặc nhu) là cơ may cho Nhật Bản, tạo nên một thời kỳ kinh tế phồn vinh không ngờ. Người Nhật gọi dịp may đó là "nắng hạn gặp mưa rào" (kanten jiu = can thiên từ vũ)

Kinh tế phồn vinh dựa trên đặc nhu đã kéo dài trong 3 năm liên tục. Đặc biệt là các ngành như tơ sợi, kim thuộc thì cảnh hưng thịnh ấy được thấy rất rõ. Còn như ngành công nghiệp khoáng sản thì khi thập niên 1950 vừa bắt đầu, nó đã đạt ngay đến mức sản xuất của thời trước chiến tranh.

Hơn nữa, từ năm 1951 (Shôwa 26) trở đi, chính phủ ồ ạt rót thêm vốn nhà nước vào các ngành kỹ nghệ quan trọng như điện lực, đóng tàu, gang thép.Nhờ đó, các ngành này đã có thể đầu tư một cách thoải mái vào các thiết bị cơ sở. Tiền họ nhận từ nhà nước được đem ra xây cất cơ xưởng, mua hay mướn máy móc và dụng cụ cần thiết.

Kết quả là sau thời kỳ 3 năm của kinh tế đặc nhu Triều Tiên, Nhật Bản đã chào đón thêm một thời phồn vinh khác gọi là Phồn vinh Jinmu (Jinmu keiki, Thần Vũ cảnh khí) trong giai đoạn 1955 -1957 (Shôwa 30-32). Sở dĩ có cái tên đó là vì người Nhật muốn nói rằng tự hồi Thiên hoàng Jinmu - một hoàng đế trong truyền thuyết - lập quốc tới giờ, chưa bao giờ nước họ có cuộc sống phong lưu như thế.

Trong cuốn sách trắng (Kinh tế bạch thư) năm 1956 (Shôwa 31) do Tổng nha kế hoạch Nhật Bản phát hành, trước cảnh tượng tốt đẹp này, đã thấy nó chép câu nói hoan hỷ đầy chất kích thích: "có thể xem như thời hậu chiến đã xa rồi".

Sự phồn vinh vẫn chưa ngừng lại ngay sau đó. Nhật Bản còn biết đến các giai đoạn Iwato keiki (1958-61, Shôwa 33-36), Izanagi keiki (1966, Shôwa 41) mà lần sau lúc nào cũng rực rỡ hơn lần trước (vì Iwato là động đá nơi Nữ thần thái dương Amaterasu nấp) (còn Izanagi là nam thần tạo thiên lập địa đã sinh ra cả Nữ thần thái dương). Dĩ nhiên cả hai là tổ tiên xa xăm của Thiên hoàng Jinmu. Như thế, sự phồn vinh của Nhật Bản thời hậu chiến coi như đã kéo dài gần 20 năm. Nếu không kể đến 3 năm kinh tế đặc nhu, nó đã bắt đầu từ 1955 (Shôwa 30) cho đến 1973 (Shôwa 48) và mỗi năm với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (economic growth rate) trên 10%. Có thể xem đó như một phép lạ. Hai mươi ba năm sau ngày bại trận, vào năm 1968 (Shôwa 43), tổng lượng sản xuất quốc dân (GNP) đứng thứ nhì thế giới chỉ sau nước Mỹ (dĩ nhiên trong khối tư bản). Chính vì đang ở trong một thời đại hoàng kim như vậy nên thủ tướng Ikeda mới mạnh mẽ hứa với quốc dân là sẽ "nhân đôi lợi tức" cho họ.

Dĩ nhiên việc tăng lương gấp đôi cũng là thành quả từ các cuộc tranh đấu của người lao động. Kể từ năm 1955 (Shôwa 30), Công đoàn Sôhyô (Tổng Bình = Nhật Bản lao động tổ hợp tổng bình nghị hội) [8] bắt đầu mở những cuộc tranh đấu vào mùa xuân gọi là Shuntô (Xuân đấu) để đòi hỏi giới chủ nhân phải tăng lương đồng loạt cho người lao động. Từ khi ấy, Shuntô hầu như trở thành một định chế thường niên.
 

Thăng trầm của kinh tế Nhật Bản hậu chiến
Giai đoạn Đặc tính Mức tăng trưởng
1953-1955 Thời phồn vinh Jimmu Cao nhất khoảng 7,5%
Thấp nhất khoảng 5%
1955-1960 Thời phồn vinh Iwato
Ikeda lập kế hoạch bội thu thu nhập
(tháng 12/1960)
Cao nhất khoảng 14%
Thấp nhất khoảng 6%
1960-1965 Thời phồn vinh Thế vận hội Tôkyô Cao nhất khoảng 13%
Thấp nhất khoảng 5%
1965-1970 Thời phồn vinh Izanagi
Bước qua tỷ lệ hối đoái biến động (tháng 2/1973)
Cao nhất khoảng 12%
Thấp nhất khoảng 4%
1970-1975 Thời kỳ cải tổ quần đảo 
Cú sốc dầu khí đầu tiên
(tháng 10/1973)
Cao nhất khoảng &%
Thấp nhất khoảng -2%
1975-1980 Cú sốc dầu khí lần thứ hai
(tháng 12/1978) 
Trung bình khoảng 4%
1980-1985   Cao nhất khoảng 4%
Thấp nhất khoảng 3%
1985-1990   Cao nhất khoảng 5%
Thấp nhất khoảng 2%
1990-1995   Cao nhất khoảng 4%
Thấp nhất khoảng 0%

Các lãnh vực kỹ nghệ như gang thép, đóng tàu, xe hơi, máy điện, hóa học..., nhờ tích cực đổi mới theo kỹ thuật Âu Mỹ, đã có được những thiết bị tối tân. Các ngành kỹ nghệ mới như hóa học dầu khí, tơ sợi hợp chất cũng trưởng thành một cách nhanh chóng.

Tỷ lệ giữa lãnh vực kỹ nghệ thứ hai và thứ ba đã thay đổi hẳn. Chúng ta đều biết lãnh vực kỹ nghệ thứ hai là chế tạo và gia công trong khi lãnh vực thứ ba là dịch vụ, như giáo dục, chuyên chở và thông tin chẳng hạn. Còn lãnh vực thứ nhất là khai thác nông, lâm, thủy và khoáng sản vv...

Một khi lãnh vực thứ hai và thứ ba tăng trưởng, người ta bảo cấu tạo của kỹ nghệ hoá đi lên (cao độ hoá). Trong lãnh vực thứ hai, địa vị của kỹ nghệ nặng hoá học cũng cao lên và đã chiếm đến 2/3 tổng ngạch sản xuất công nghiệp.

Nhân đây cũng nói thêm là lãnh vực sản xuất thứ nhất mà trung tâm là nông nghiệp cũng không hề bị đình trệ vào thời hậu chiến. Ngược lại là đằng khác.Năm 1961 (Shôwa 36), sau khi bộ luật cơ bản về nông nghiệp đã được ban hành, chính phủ đã hổ trợ bằng cách đổ nhiều tiền vào chi viện việc cải tổ cấu trúc của nó. Do đó phân bón hóa học, nông dược và nông cụ nông cơ đã được phổ biến khắp nơi làm cho nông nghiệp còn mạnh hơn gấp bội so với thời trước chiến tranh.

Cũng nhờ có những hoạt động của Nôkyô (Nông hiệp, hình thức Hợp tác xã nông nghiệp), mà dưới chế độ quản lý lương thực, đã tranh đấu để chính phủ nâng cao giá gạo mà nhà nông sản xuất làm cho mức thu nhập của những người này được ổn định. Xin hiểu rằng "giá gạo" nói đến ở đây là giá gạo từ chỗ sản xuất mà chính phủ qui định khi thu mua gạo của nông dân. Điều đó có nghĩa là lúc ấy, thường thường, chính phủ mua gạo của nông dân với mức giá cao. Hơn thế nữa, những nhà nông sống bằng các phương tiện phụ ngoài việc sản xuất nông phẩm (kengyô nôka = kiêm nghiệp nông gia) cũng đã có được mức thu nhập ổn định. Nói chung, toàn thể tầng lớp nông dân, bất luận người lấy nông nghiệp làm nghề chính hay phụ, cũng đều có cuộc sống ổn định 1à cao hơn trước. Kengyô nôka nói đến ở đây là những người có một nghề ngoài nghề nông làm nghề chính và xem việc canh nông chỉ là nghề phụ. Họ rất đông đảo, theo thống kê năm 1970 (Shôwa 45) đã lên trên 50% tổng số nông dân.

Dù được trình bày một cách lạc quan như vậy, nông nghiệp Nhật Bản không phải là không có vấn đề. Khi lãnh vực kỹ nghệ thứ hai và thứ ba tăng trưởng một cách nhanh chóng và mạnh mẽ thì đã xảy ra hiện tượng thiếu người làm một cách trầm trọng Các xí nghiệp bèn lôi kéo nông dân từ thôn quê lên thành thị để đắp vào cái lỗ hỗng do thiếu thốn lao động đó. Từ những vùng nông thôn chạy theo vòng đai Thái Bình Dương, quang cảnh những ông chủ gia đình rời bỏ ruộng vườn đi thành đoàn lũ - đáp những chuyến xe lửa hay xe khách - lên thành phố lớn kiếm đồng lương cao hơn ở quê nhà, vẫn còn để lại ấn tượng trong đầu của những người già cả thế hệ ấy. Người Nhật gọi đó là shuudan shushoku (tập đoàn tựu chức). Con số nông dân "làm thêm" (kengyô nôka = kiêm nghiệp nông gia) sở dĩ tăng lên cũng vì có cảnh "lên tỉnh kiếm ăn" (dekasegi) như thế.

Lý do đó khiến người ta gọi nông nghiệp Nhật Bản thời đó là sanchan nôgyô. Ý nói nông nghiệp (nôgyô) xốc vác bởi 3 người thân yêu nhưng yếu ớt (sanchan) tức ông già (ojiichan), bà cả (obaachan) và bà vợ (okaachan) của anh chủ gia đình - kẻ có sức lao động nhiều nhất - đã bỏ quê lên tỉnh làm ăn. Chính là 3 thành phần này đã cáng đáng nông nghiệp Nhật Bản. Còn những kẻ khác thì đã đi phục vụ cho các ngành kỹ nghệ trong cơ xưởng cả rồi.


Đoàn lũ người nông thôn thành phố làm việc (cảnh trên sân ga Ueno, Tôkyô)

Năm 1955 (Shôwa 30), số lao động trong nông nghiệp chiếm 40% tổng số lao động. Thế nhưng chỉ cần hơn 15 năm sau -vào khoảng thập niên 1970 - con số ấy sụt xuống còn có dưới 20%. Đã đành rằng thời hậu chiến có hiện tượng cơ giới hoá nông nghiệp và lối sống của người nông dân cũng đã cận đại hoá nhưng những lý do đó không ngăn được hiện tượng con số người lao động nông nghiệp càng thưa thớt và già nua đi một cách nhanh chóng, đúng như cái tên gọi "sanchan nôgyô". Gần đây, ta thấy có hiện tượng những nhà kinh doanh gốc nông thôn đã bỏ công việc ở tỉnh thành để về quê làm nông nhưng về cơ bản thì hiện tượng suy thoái của nông thôn không thể nào quặt ngược trở lại được. Và cũng chính vì hiện tượng đó mà vấn đề bảo đảm việc tự cung cấp nguồn lương thực của người Nhật mỗi năm mỗi khó khăn thêm.

Riêng về bữa cơm, người Nhật vẫn hoàn toàn tự cung cấp được lúa gạo.Thế nhưng cách ăn uống của họ những năm sau này có nhiều thay đổi. Bởi vì họ ăn cả bánh mì, mỳ Ý, miến... lượng gạo tiêu thụ vì thế cũng bớt đi, bắt đầu thành dư thừa. Dù vậy, chính phủ vẫn định giá thu mua cao đối với lúa gạo sản xuất trong nước cho nên khi lúa gạo đến tay người tiêu thụ thì rất đắt đỏ. Kết quả gạo bán được thì cứ bán chứ chính phủ phải chịu lỗ lã. Thấy việc này không lành mạnh cho nên kể từ năm 1970 (Shôwa 45), đã có chính sách gọi là gentan (giảm phản) nghĩa là giảm bớt diện tích canh tác dành cho lúa gạo.

2.2 Bước tiến về một nền kinh tế khai phóng:

Lý do của sự phát triển của kinh tế Nhật Bản trước tiên là, như đã nói, việc các xí nghiệp tư nhân đã đầu tư qui mô vào các thiết bị. Đầu tư kêu gọi đầu tư và đẻ ra nhiều nhu cầu khác nhau.

Tuy nhiên không chỉ có các xí nghiệp tư nhân mới đầu tư vào các thiết bị.Chính phủ vào năm 1962 (Shôwa 37) đã ban hành một đạo luật để thúc đẩy việc xây dựng các thành phố kỹ nghệ mới. Chính phủ đã chỉnh đốn hạ tầng, khai phá và phát triển kỹ nghệ một cách có qui mô. Nào là mở mang hệ thống xa lộ cao tốc, điện khí hoá đường sắt, kiến thiết đường Shinkansen (Tân cán tuyến, trục giao thông đường sắt chính với tốc độ cao), xây dựng sân bay quốc tế mới ở Tôkyô, không biết bao nhiêu là kế hoạch đầu tư công cộng. Có thể xem đây cũng là những đầu tư thiết bị nhưng ở cấp quốc gia.

Một điều nữa đáng nêu lên ở đây là lương bổng cũng được tăng lên rất nhiều. Từ một nếp sinh hoạt chỉ đủ ngày ba bữa, bây giờ người Nhật đã có đủ phương tiện để mua mọi thứ đồ dùng công nghệ, máy móc chạy bằng điện trong nhà (kaden, home electronics appliances) vv... Những loại máy móc gia dụng này cũng như các mặt hàng dùng lâu dài (taikyuuzai, durable consumer goods) khác phổ cấp một cách nhanh kinh khủng trong dân chúng đến nổi người ta nói đến một cuộc "cách mạng tiêu dùng" (shôhi kakumei). Khi sức mua của người dân lên cao, nó sẽ đẻ ra "nội nhu" (nhu cầu trong nước) giúp cho kinh tế tăng trưởng.

Ví dụ từ khoảng sau của thập niên 1950, ba món hàng được phổ biến hơn cả là đài truyền hình đen trắng, máy giặt chạy bằng điện và tủ lạnh dự trữ thực phẩm. Người Nhật gọi chúng là "ba món đồ thờ" (sanshu jingi = tam chủng thần khí), ví von theo 3 món đồ thờ thời cổ đại là kính ngọc và kiếm. Thế rồi đến thập niên 1960, "ba món đồ thờ mới" (shin-shanshu jingi) đã chiếm lấy chỗ của chúng. Đó là xe hơi, đài truyền hình màu và máy điều hòa không khí. Chúng còn được gọi với cái tên 3C, lấy 3 chữ cái của tên tiếng Anh: car, colour TV, cooler).


Máy truyền hình, một trong ba thứ báu vật mới của thời đại tiêu dùng

Như vừa mới nói xong, cái ăn của họ những trở thành xa xỉ. Bớt ăn cơm, họ chuyển qua tiêu thụ những thực phẩm kiểu Âu Tây như bánh mì, sữa, thịt thà. Nếu nói luôn cho trót thì vào thập niên 1970, người Nhật đã biết dùng thực phẩm đông lạnh (frozen foods) và thức ăn chín liền (instant foods). Họ cũng chịu khó đi ăn tiệm (gaishoku) thay vì chỉ ăn cơm nhà. Kể từ thập niên 1980 trở đi, đã có những hình thức cửa tiệm mới như siêu thị (supermarket), tiệm tiện lợi (CVS = convenience store) và những hình thức buôn bán mới mẻ nhất, đâu cũng có, giờ nào cũng mở cửa (24/7 = 24 giờ một tuần, 7 ngày trên 7).

Bây giờ xin được trở lại bàn về những nguyên nhân đã làm cho Nhật Bản phát triển kinh tế trong giai đoạn này.

Có thể nói nguyên nhân quan trọng hơn cả là người tiêu thụ hải ngoại đã yêu chuộng những sản phẩm có nhãn hiệu Nhật Bản (Made in Japan). Nói khác đi, việc xuất khẩu hàng hoá đã thực sự phát triển mạnh mẽ nếu không nói là một sự bùng nổ. Chính sự việc này nó lại có những đầu mối của nó nữa:

Tiến trình phổ cập của những "món đồ thờ" trong các hộ gia đình


Năm
-> 20%
->40%
->60%
->80%
->100%
1975 Máy điều hòa Xe hơi   TV màu 
Tủ lạnh
 
1980          
1985     Xe hơi
Máy điều hòa
   
1990          
1995       Xe hơi
Máy điều hòa
TV màu
Tủ lạnh
(Tài liệu Tổng nha kế hoạch kinh tế)

Sở dĩ việc xuất khẩu hàng Nhật có sự thành công như vậy là vì chất lượng của hàng tốt và giá rẻ. Chất lượng tốt là do nỗ lực của người lao động Nhật Bản. Người Nhật thời hậu chiến tỏ ra rất tích cực trong sự cống hiến cho xã hội. Họ luôn luôn phấn đấu để cải thiện (kaizen) mặt hàng. So với thế giới, tuy họ là những người không giỏi về sáng chế nhưng phải nói rất xuất sắc về mặt mô phỏng và gia công. Trong những món hàng đem bán ra ngoài, lúc nào ta cũng có thể thấy dấu ấn của thiện chí đó từ việc cải thiện phẩm chất hàng hóa, cách thức sử dụng cũng như thiết kế chúng.

Nói về mặt giá cả, sở dĩ lúc đó hàng Nhật có tiếng rẻ thì ngoài cố gắng ép giá của người Nhật (hakuri = bạc lợi = ăn lời ít) còn phải kể đến sự trợ giúp của Mỹ. Trong một thời gian rất dài, Mỹ đã qui định một tỷ giá hối đoái cố định là 360 JPY ăn 1 USD. Với một tỷ giá hối đoái giữ cho đồng Yen được rẻ mãi như thế, ngành xuất khẩu của Nhật đã thắng lớn và thắng nhanh chóng. Chủ lực của xuất khẩu Nhật Bản lúc đó nằm trong các địa hạt như gang thép, thuyền bè, xe hơi..., những món hàng thuộc lãnh vực kỹ nghệ hóa học nặng. Đến cuối thập niên 1960 thì trong cán cân chi phó về mậu dịch, Nhật đã có được thặng dư rất quan trọng.

Trước tình hình đó, các nước Âu Mỹ đã bắt đầu làm áp lực vì không muốn để cho Nhật Bản một mình ăn cả như thế nữa. Họ thôi nâng đỡ mà bắt Nhật Bản từ đây phải cạnh tranh bình đẳng như mọi quốc gia khác trên thị trường quốc tế. Không biết cách nào khác, Nhật phải thỏa mãn đòi hỏi ấy. Năm 1960 (Shôwa 35), họ chấp nhận sự tự do hoá mậu dịch, năm 1964 (Shôwa 39), tự do hoá tư bản và hối đoái. Như thế một thể chế kinh tế khai phóng đã thành hình.

Để trình bày cụ thể hơn, xin nói qua tình hình kinh tế tài chánh thế giới vào thời điểm đó. Số là vào năm 1952 (Shôwa 27), Nhật Bản đã gia nhập Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF = International Monetary Fund). Lúc đầu Nhật Bản là một thành viên theo nghĩa Điều thứ 14 trong Điều lệ của tổ chức. Điều 14 này là một biện pháp để giúp đỡ các nước còn đang yếu kém về mặt kinh tế vì nó cho phép quốc gia đối tượng của điều lệ này, mỗi khi bị thâm thủng trong mậu dịch được quyền quản lý hối đoái (cho phép chính phủ hạn chế hoặc đình chỉ hối đoái tự do). Thế nhưng bước qua năm 1964 (Shôwa 39) thì Nhật Bản không còn nằm trong khuôn khổ Điều 14 mà chuyển qua Điều 8 của IMF.

Điều 8 qui định là thành viên trong khuôn khổ này cho dù cán cân chi phó mậu dịch có bị bất lợi cũng không được quyền quản lý hối đoái mà phải để cho nó được tự do di động theo mức lên xuống của thị trường. Cũng trong năm đó (1964), Nhật Bản là quốc gia Á châu đầu tiên tham gia Cơ quan hiệp lực và phát triển kinh tế (OECD = Organization for Economic Co-operation and Development). Đến đây, Nhật Bản lại cáng thêm một nghĩa vụ mới, đó là tự động để cho tư bản được xê dịch thoải mái. Nói cách khác, họ không có quyền ngăn cấm hay giới hạn vốn ngoại quốc đầu tư vào nước họ nữa.

Trước đó một năm tức 1963 (Shôwa 38), Nhật trở thành thành viên của Hiệp định tổng quát về quan thuế và mậu dịch (GATT = General Agreement on Tariffs and Trade) theo ý nghĩa của Điều 11 trong hiệp định. Thực ra Nhật Bản đã là thành viên của GATT từ năm 1955 (Shôwa 30) nhưng nay, với tư cách là thành viên mới trong khuôn khổ Điều 11 thì cho dù cán cân chi phó có bị thiệt thòi đến mức nào, họ cũng không thể viện cớ ấy để hạn chế nhập khẩu hàng đến từ nước ngoài.

Tóm lại, kể từ thời điểm nói trên, Nhật Bản được và phải cư xử như một nước Âu Mỹ trong lãnh vực kinh tế.

Xã hội Nhật Bản trong hai thập niên 1950 và 1960

Những thành công của kỹ nghệ Nhật Bản lúc này được thể hiện trong ngành dệt và kỹ nghệ nhẹ là những lãnh vực họ đã có thành tích tốt từ trước chiến tranh. Sau đó, họ đã tiến mạnh trong những ngành mũi nhọn như máy ảnh, máy quay phim, xe gắn máy, đóng tàu, điện tử. Những sản phẩm này đòi hỏi một lượng thợ thuyền đông đảo và lành nghề. Công nhân Nhật vừa thạo việc vừa chấp nhận đồng lương thấp nên không có nhà xuất khẩu của nước nào có thể đối địch với họ. Từ từ, danh hiệu Made in Japan không còn có nghĩa là đồ rẻ và xấu. Nó đã có tiếng vì phẩm chất tốt, đáng tin cậy.

Nông nghiệp cũng đã phát triển trở lại từ sau cuộc cải cách điền địa hậu chiến. Thêm vào đó những phương pháp canh tác mới, dụng cụ làm việc, máy móc tinh xảo, thuốc sát trùng và phân hoá học... nhà nông Nhật Bản của những năm 1950 đã bắt đầu có cuộc sống thoải mái hơn xưa. Đến khoảng năm 1955 thì thu hoạch tốt đẹp và mỗi năm tạo thêm những kỹ lục mới và điều này, không chỉ dựa vào điều khiện khí hậu thuận lợi mà thôi.

Trong những năm 1953, 1957 và 1961, Nhật Bản có khuynh hướng lạm phát. Mỗi lần như vậy, chính phủ lại phải tìm những biện pháp để ghìm lại sự phát triển kinh tế. Điều lo lắng khác là có sự mất quân bình giữa lãnh vực kinh tế hiện đại và kinh tế truyền thống. Nông nghiệp dầu có khá ra nhưng không thể bắt kịp bước tiến của kỹ nghệ chế tạo. Thêm vào nỗi một số thị trường hãy còn khép kín với họ vì tình cảm tiêu cực có từ hồi chiến tranh. Không những các nước Á Châu hay Âu Châu, cả thị trường Mỹ cũng lo ngại trước sự bành trướng của kinh tế Nhật. Họ bắt đầu có những biện pháp bảo vệ thị trường (protectionism) quốc nội trước sức tiến công của hàng Nhật.

Bên trong nước Nhật lúc ấy đang có vấn đề không đủ thiết bị hạ tầng, ví dụ thiếu nhiều nhà thương, trường học và hệ thống giao thông... hậu quả của chiến tranh vừa mới đi qua và còn kéo dài suốt những năm bị chiếm đóng (1945-52). Tuy nhiên, họ vẫn vượt qua được những khó khăn đó và đến giữa thập niên 1950, trở lại mức sản xuất của thập niên 1930. GNP Nhật Bản tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm, con số mà một nước khác nếu đặt vào hoàn cảnh của họ sẽ khó lòng mà đạt được cho dù hoá tệ có mất giá vì những đợt lạm phát xảy ra trong giai đoạn ấy.

Về dân số thì áp lực dân số đã giảm đi so với thời "bùng nổ về sinh đẻ" (baby boom) [9] ngay sau chiến tranh. Mức tăng trưởng hàng năm của dân số an định chung quanh 1%, tức là mức độ thấp nhất trên thế giới vào cùng thời điểm. Sự suy giảm tỷ lệ sinh đẻ này bắt nguồn từ sự ban hành đạo luật về sinh đẻ năm 1948 cho phép phá thai và áp dụng những biện pháp ngừa thai. Người Nhật không bị rào cản về tín ngưỡng hay tập tục về vấn đề phá thai. Họ còn được chính phủ và các xí nghiệp khuyến khích. Lại nữa, nhiều bậc cha mẹ muốn có ít con để có thể đủ phương tiện nuôi nấng đứa con đó ăn học đến nơi đến chốn, và như thế, có tương lai hơn khi bước vào đời. Chính vì vậy mà các tiểu gia đình đã bắt đầu đông ra, trong khi đại gia đình truyền thống dần dần biến đi.

Với mức tăng trưởng kinh tế 10% hằng năm, người Nhật có thể đảm bảo sức tăng trưởng dân số 1%. Do đó thu nhập đâm ra thừa thãi làm cho cuộc sống vật chất đầy đủ và tiện nghi hơn. Dân chúng còn có một trữ lượng tiết kiệm đáng kể để bảo đảm việc duy trì các chương trình đầu tư cho dầu các tập đoàn tài chánh tiền chiến đã bị giải thể, trên nguyên tắc có thể gây khốn đốn cho họ. Mức sản xuất tăng cũng làm cho đồng lương của người lao động tăng theo và hiệu quả ấy lan tràn trong mọi lãnh vực kinh tế. Và như thế, dến giữa thập niên 1950 thì người Nhật đã chám đến một đĩnh cao là thời phồn vinh mang tên Thiên hoàng kiến quốc Thần Vũ (Jimmu boom).
 

So sánh phát triển kinh tế Nhật Bản với các quốc gia tư bản (1955-1970)
Quốc gia 1955 
(100 triệu Yen)
1970
( 100 triệu Yen)
Tỷ lệ tăng trưởng (%)
Nhật 86.236 709.849 15,1
Nhật (GNP thực chất, 1970)  16.901 70.635 10,0
Mỹ 1.432.800 3.506.760 6,1
Tây Đức 154.078 671.602 10,3
Anh  194.695 434.497 5,5
Pháp 175.371 531.265 7,7
Ý 86.709 337.815 9,5
Nguồn: Nhật Bản kinh tế sử , quyển 8 (Iwanami xuất bản)

Ngoài việc sự phồn vinh kinh tế như phép lạ của Nhật Bản, sự đảo lộn trong xã hội sau chiến tranh và thời chiếm đóng, sự di chuyển dân cư vì tránh bom đạn trong thời chiến và từ quê lên tỉnh tìm việc làm trong thời bình cũng đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội. Quyền uy của nhà nước và của các đại gia đình đã bị suy giảm. Quốc kỳ lâu lâu mới được phất lên một lần, còn quốc qua chỉ được nghe trong các buổi trình diễn thể thao như sumo trên vô tuyến truyền hình. Cá nhân người Nhật nhờ đọc sách báo và nghe tin tức (trong thập niên 1950 đã có 2 đài truyền hình nhà nước và 5 đài dân sự cạnh tranh nhau) thấy tự tin hơn trong quyết định. Cũng trong thập niên 1950, sự đô thị hoá trở nên nhanh chóng và vào thập niên 1960, Tôkyô đã đạt đến mức 11 triệu dân và đương thời là thành phố đông đúc nhất thế giới. Nếu ta đem gắn thêm Chiba và Yokohama, hai tỉnh lân cận vào nó, thì còn thêm được vài triệu người nữa. Phố phường mở mang, hàng quán mọc ra nhan nhản, đèn xanh đèn đỏ quán rượu, phòng trà, tiệm nhảy ...như sao sa, không khi vui vẻ nhộn nhịp hơn nhiều so với trước, Nhật Bản bước vào thời đại tiêu thụ. Qua phim ảnh và tác phẩm văn chương đương thời người ta có thể gặp lại hình ảnh cuộc sống lúc đó. .

Sự chuyển biến quan trọng của Nhật Bản trong thập niên 1960 là bước ngoặt từ một thời đại mà trọng tâm là chính trị sang một thời đại với trọng tâm kinh tế. Thập niên 1960 ở Nhật sẽ được sao chụp ở Hàn Quốc vào những năm 1970 (Phép lạ Hán Giang như từ ngữ để chỉ sự hưng thịnh kinh tế của Seoul) và vào những năm 1980 tại Trung Quốc khi tư duy cải cách khai phóng được cụ thể hóa.

Mậu dịch lập quốc

Mậu dịch đóng vai trò quan trọng trong kinh tế Nhật Bản của thập niên 1960. Đến nổi người ta dùng chữ "mậu dịch lập quốc" (bôeki rikkoku) để đánh giá tính cách quyết định của giao thương quốc tế trong quá trình tái thiết đất nước. Sau đây là vài con số thống kê năm 1969 do R.Dubreuil [10] đưa ra chứng minh cho tầm quan trọng đó:

Về xuất khẩu, Nhật Bản đã bán ra số hàng hóa với kim ngạch trị giá 15.990 triệu đô la Mỹ. Đối tác của họ là Bắc Mỹ 34%, Á châu 27,7%, Âu châu 12,8%, Phi Châu 6,7%, Châu Mỹ La Tinh 5,9%, Trung Cận Đông 4,1%, các nước Cộng Sản 4,8% và Đại Dương Châu 4,0%. Các mặt hàng chủ yếu theo thứ tự tầm quan trọng phải kể đến sắt thép, tàu thủy, ô tô, sản phẩm do luyện kim, rađiô, sợi tổng hợp, quần áo may sẳn, sản phẩm quang học, máy thu âm, TV, sản phẩm bằng chất nhựa và đồ biển.

Nhật Bản mạnh về xuất khẩu nhưng thiếu nguyên liệu và lương thực nên phải nhập khẩu đến 15.035,5 triệu USD cho năm 1969 nói trên. Đối tác quan trọng hơn cả vẫn là Bắc Mỹ 31,7%, sau đến Á châu 15,9%, Trung Cận Đông 13,4%, Đại Dương Chậu 9,9%, Âu Châu 9,8%, Châu Mỹ La tinh 7,7%, Phi Châu 6,0%, các nước Cộng Sản 5,6%. Mặt hàng gây tốn kém hơn cả là dầu thô rồi mới tới gỗ để xây cất, quặng sắt và các thự quặng khác, than đá, bông vải, len, sản phẩm phu từ dầu thô, lúa mì, đậu nành và bắp.

Vài điểm mạnh của xí nghiệp Nhật Bản

Từ hậu bán thập niên 1950 cho dến thời kinh tế phát triển cao độ, chế phẩm điện nhẹ dùng trong nhà (kaden = gia điện) phát triển rất mạnh và trở thành một đầu tàu của kinh tế xuất khẩu. Những năm đầu là thời đại của Tôkyô Shibaura, Hitachi và Mitsubishi (những nhà chế tạo vật dụng điện nặng) biết kết hợp với các hãng ngoại quốc để khai thác thị trường sản phẩm điện nhẹ. Thế nhưng qua đến thập niên 1990 thì ngôi vị đã đổi khác với những cái tên được yêu chuộng như Sony, Hitachi, Matsushita, NEC, Tôshiba tiến lên đằng trước.


Matsushita Kônosuke

Matsushita Kônosuke (1894-1989) người sáng lập nhóm Matsushita trở thành một trong những nhân vật đóng thuế nhiều nhất trong trên 3 thập niên từ những năm 1950. Bên cạnh đó, Sony với cặp bài trùng Ibuka Masaru (1908-1997) và Morita Akio ( 1921-1999), hai kỹ sư quen nhau trong thời chiến, cũng là một xí nghiệp ưu tú trên thế giới về đồ điện nhẹ. Sáng kiến Walkman của Morita là một thành công vượt bực, đã thay đổi tư duy của người tiêu dùng, đưa họ đi hẳn vào một thời đại nhẹ, gọn và di động.

Một lãnh vực Nhật Bản đáng tự hào là kỹ nghệ ô tô mà sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc tới những cái tên như Toyota, Honda. Toyota Kiichirô ( 1894-1952) đã nối nghiệp cha Sakichi để xây dựng từ 1933 một hãng chế ô tô vào hàng đầu thế giới bên cạnh GM, Ford, Mercedes. Từ năm 1980, họ đã sản xuất được 1 triệu cỗ xe. Phương pháp chế tạo hợp lý của Toyota được biết đến dưới cái tên Toyota Production System (TPS) được xem như một sáng kiến trong kỹ nghệ, giúp các nhà sản xuất chống lại sự phung phí trong chế biến và kiểm soát được chặt chẽ chất lượng của thành phẩm. Còn như Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật Honda do Honda Sôichirô (1908-1991) sáng lập sở trường về xe hai bánh, đã có nhiều thành quả về kỹ thuật và thương mại vượt bực mà không ai là không biết. Đến nổi ở Việt Nam chúng ta, từ "xe Honda" ngày nay đã đồng nghĩa với xe gắn máy.

Tuy nhiên, khi được phỏng vấn thì người Nhật tỏ ra tự hào hơn cả về ba phát minh áp dụng được trong đời thường mà họ xem như ba khám phá lớn nhất của thế kỷ: đó là đài bán dẫn transistor, mì ăn liền và giàn nhạc karaoke.

Trước những khó khăn kinh tế do toàn cầu hóa gây ra, họ đã tìm đường sống bằng cách khai triển những mặt hàng mới như thương phẩm văn hoá (manga, hoạt hình, trò chơi điện tử) và trí tuệ, sản phẩm kỹ thuật cao độ (ánh sáng xanh LED, rô bốt, kỹ thuật sinh học, y học tiên phong) và không ngần ngại lui về thủ công nghệ nếu để làm ra những sản phẩm có giá trị phụ gia cao.


Ba kỹ nghệ gia đầu đàn: 
Honda Sôichirô (Honda), Morita Akio (Sony) và Toyota Kiichirô (Toyota)

Thời đại tiêu dùng

Thập niên 1960, bên trong nước Nhật còn là thời đại tiêu dùng, thiên đường của các bà nội trợ. Tiêu pha được xem như là một đức tính. Người chồng (salaryman) đi làm việc nuôi gia đình, các bà nội trợ (housewife) ở nhà lo bếp núc và chăm con. Một sự phân chia công việc rất rõ ràng. Đích nhắm của người đàn ông thời ấy là một hạnh phúc cá nhân nho nhỏ dưới một mái nhà (my home) bên cạnh vợ (my wife) và có xe đi (my car). Họ làm việc hăng hái để duy trì địa vị trong hãng, để có tiền trả góp mua căn hộ, đóng học phí cho con cái và trang trải các thứ tiêu dùng. Trong các hộ gia đình, người ta có những tiện nghi chưa từng thấy trước đây như máy ảnh, máy giặt, tủ lạnh, nồi cơm điện và bao thứ dụng cụ khác để giúp họ đỡ tốn thời giờ trong việc nhà. Đó là chưa kể máy điều hòa không khí, máy truyền thanh, truyền hình và xe hơi. Chữ leisures (tiêu khiển) đã đi vào ngôn ngữ thời thượng. Số người đi chơi ở những khu thể thao mùa đông, tắm suối nước nóng, xem những trận bóng chày (dã cầu = base-ball) - một trò chơi phổ thông ở Mỹ vốn được du nhập trước chiến tranh) đã đông đảo hơn bao giờ hết. Để diễn tả không khí của thời này, người Nhật dùng tính từ akarui có nghĩa là tươi sáng.

Vùng nông thôn cũng được hưởng lây bầu không khí lạc quan đó. Xe gắn máy, xe chỡ hàng và máy điện thoại đã thay đổi khuôn mặt của nông thôn và đưa họ đến gần với thành thị.

Tuy vậy, sự đô thị hóa cũng đưa đến những mặt tiêu cực như tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường sống, sự mất trị an và sự khủng hoảng tinh thần của một số người không thích ứng được với đời sống đô thị vì những qui luật đặc thù của nó.

Chính trị xã hội

Về chính trị thì chủ nghĩa hòa bình (pacifism) hay đúng hơn sự từ khước trở lùi về quá khứ quân phiệt (militarism) là một nét chính của tâm lý quốc dân Nhật Bản trong những năm 1950. Đó là phản ứng hợp lý của những người đã chứng kiến thảm họa chiến tranh. Hai quả bom nguyên tử cũng để lại những dấu ấn thù ghét chiến tranh trong tâm thức của họ. Điều 9 trong Hiến pháp 1946 tuy là có áp đặt nhưng không phải là không có sự thuận tình. Thực vậy, người trẻ trưởng thành trong thập niên 1950 (Shôwa 2) đã sống trong một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế hệ cha (Shôwa 1) ông (Taishô, Meiji). Đó là chưa nói đến giữa họ với nhau, cũng đã rẽ ra làm 2 nhánh: giới công chức quan liêu và giám đốc hãng xưởng bên cạnh giới interi (intellectuals) gồm nhà văn, nhà báo nhà báo và những người làm nghề tự do.

Một ngăn cách khác đã phát sinh ra giữa nông thôn và thành thị. Nông thôn Nhật Bản trở thành pháo lũy của các đảng chính trị bảo thủ trong khi đô thị là nơi dung dưỡng các trào lưu tư tưởng cấp tiến và xã hội.

Trong các thành phố, giữa giới chủ nhân và thợ thuyền có một bầu không khí nghi kỵ lẫn nhau. Tuy cuối thập niên 1950, nhờ tình hình kinh tế tốt đẹp nên chưa có nguy cơ xã hội như nạn thất nghiệp, chưa có xung đột giữa chủ và thợ. Thế nhưng sự căng thẳng giữa họ thì vẫn tiềm ẩn. Mỗi năm vào mùa xuân, các công đoàn vẫn mở những cuộc tranh đấu cho quyền lợi của người lao động.Nếu ở nông thôn, người ta chấp nhận sự hiện diện của quân đội chiếm đóng vì những chính sách cải tạo điền địa có tính thực dụng của họ đã đem một số hiệu quả tốt đến cuộc sống của nông dân thì ở thành thị, vẫn thường thấy nổi lên những cuộc bàn cãi về thế lực này. Giới thanh niên và trí thức - với một lối tiếp cận có tính cách lý thuyết và Mác-xít hơn - đã tỏ ra không được vui vẻ cho lắm với sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Chủ nghĩa Mác thực ra đã bám rễ ở Nhật từ sau Thế chiến thứ nhất nhưng nó đã bị đè nén bởi chính quyền quân phiệt nên có dạo đã chấp nhận sự thỏa hiệp (chuyển hướng = tenkô). Lúc Mỹ thắng trận và đến chiếm đóng, họ mới cảm thấy dễ thở đôi chút nhưng chẳng bao lâu sau, người Mỹ đã thay đổi lập trường và đặt chủ nghĩa Mác ra ngoài lề.

Chủ nghĩa Mác ở Nhật theo đúng lý thuyết mà Karl Marx đã trình bày trong bối cảnh xã hội Âu châu thế kỷ 19. Nó không sống nổi trong một khung cảnh đặc biệt Nhật Bản, nơi nông thôn và địa phương còn giữ chặt lối suy nghĩ bảo thủ. Hơn nữa, người Nhật lại quá thực dụng để mà cho phép có những cuộc đối kháng thuần túy lý thuyết. Rốt cuộc, họ nghiêng về phía thế giới tư bản thay vì theo đường hướng các nước xã hội.

Tuy nhiên, tình cảm quốc gia không cho phép họ sống mãi dưới bóng ô dù của Mỹ trong lãnh vực quân sự lẫn kinh tế tài chánh. Họ còn e rằng tình trạng này sẽ tiếp diễn lâu dài, đưa đến sự đánh mất chủ quyền. Điều đó khiến cho một bộ phận trong xã hội Nhật Bản, trước tiên là những người theo khuynh hướng Mác xít, đã đứng lên chống đối hiệp ước liên minh quân sự Nhật Mỹ và sự có mặt của quân đội Mỹ trú phòng. Giới bảo thủ cũng không bằng lòng về một số hậu quả tiêu cực do chính sách của người Mỹ mang tới xã hội của họ. Rồi đến lượt người ngoài đường phố vào cuộc. Họ buộc tội, cho rằng sự hiện diện của người Mỹ là nguyên nhân sinh ra những bất ổn trong xã hội.

Khoảng cách sinh ra giữa những thế hệ, sự ngăn cách giữa người trí thức và người quản lý kinh tế, đối chọi giữa nông thôn và thành thị, giữa giới chủ và thợ, giữa tinh thần quốc gia và sự chấp nhận người Mỹ tiếp tục chiếm đóng hay không, là những yếu tố đã gây nên những biến động trong xã hội hậu chiến mà cao điểm là những năm tranh đấu Tân Anpo (1960).

Những hậu quả tiêu cực của sự phát triển cao độ

Ngoài ra, ta còn thấy sự phát triển kinh tế cao độ của Nhật Bản không chỉ toàn đem đến những điều thuận lợi. Hãy còn có những hậu quả tiêu cực. Vai trò chỉ đạo của hệ thống hành chánh nhà nước càng ngày càng mạnh trong một xã hội quan dân hiệp đồng, đẻ ra tệ nạn quan liêu và tham nhũng. Trước đây chúng ta đã đề cập đến việc vùng nông thôn trở thành thưa thớt và thành phố chật chội. Nay phải kế thêm sự gia tăng con số tai nạn giao thông (giao thông trở thành nguyên nhân tử vong lớn nhất về tai nạn), sự tác hại của ô nghiễm môi trường sinh thái, sự gia tăng các gia đình cơ bản (kakukazoku = nuclear family) [11], bệnh hoạn và chết chóc gây ra vì quá lao tâm lao lực (karôshi = quá lao tử, death from overwork)....

Đáng lo ngại hơn cả là vấn đề ô nhiễm môi sinh. Kể từ giai đoạn sau của thập niên 1960, phong trào chống ô nhiễm mà trung tâm là những nạn nhân đã dấy lên. Nhiều vụ tố tụng xảy ra chung quanh vụ trúng độc thủy ngân trên sông Aganogawa (Fukushima-Niigata), vụ bệnh hen suyển do khói độc nhà máy ở Yokkaichi (Mie), bệnh itai-itai (chứng đau nhức không rõ nguyên nhân ở Toyama), bệnh Minamata ở Kumamoto. Đó là vốn vụ kiện lớn về tai hại của ô nhiễm mà bên nguyên cuối cùng đều được thắng tố năm 1973 (Shôwa 48). Chính phủ từ những kinh nghiệm đó đã bắt đầu nghĩ đến chính sách cơ bản để chống ô nhiễm. Đến năm 1967 (Shôwa 42), đạo luật đáp ứng với tai hại công cộng gây ra bởi ô nhiễm đã được ban hành. Đến năm 1971, một bộ trong chính phủ đặc biệt quản lý vấn đề ô nhiễm gọi là Kankyôshô (tức Bộ Môi Trường) đã được thiết lập.

Văn hóa và tư tưởng

Về mặt văn hóa và tư tưởng thì trong thập niên 1960, Nhật Bản đã đón nhận nhiều ảnh hưởng từ bên ngơài mà hai biến cố nổi trội nhất là Cuộc Văn Hóa Đại Cách Mạng với nhóm Hồng Vệ Binh ở Trung Quốc (1966-1977) và Biến Cố Tháng Năm 1968 (Mai Soixante Huit) của sinh viên và học sinh ở Paris. Nói chung, dù đúng hay sai, đó là thời phản kháng của lớp người trẻ tuổi muốn lập lại trật tự xã hội bằng cách đạp đổ những giá trị có sẳn. Ở Nhật, hiện tượng đáng lưu ý là việc ban nhạc Beatles đến trình diễn ở Tôkyô (1966) giới thiệu một phong cách âm nhạc mới (Rock music) và một lối sống mới (Yeh yeh). Phong trào đòi dân quyền ở Mỹ ( với làn điệu We shall overcome some day vang lên trong các cuộc diễn hành trên đường phố Washington), việc anh em nhà Kennedy và Mục sư Martin Luther King bị ám sát, hoạt động cách mạng của Che Guevara ở Bolivia... cũng là những nhân tố kích động để làm nên phong trào phản kháng của sinh viên học sinh Nhật Bản Zenkyôtô (Toàn Cộng Đấu, một tổ chức khuynh tả mới nhưng không đảng phái) vào cuối thập niên này (1968-1969).


Cảnh sát trấn áp đội viên Zenkyôtô Công thủ ở Đại giảng đường Yasuda (ĐH Tôkyô)

Với Thế vận hội Tôkyô (Tokyo Olimpic, 1964) rồi Hội chợ quốc tế Ôsaka (Ôsaka banbaku, 1970) và sự phát triển kinh tế cao độ, người Nhật thế hệ baby-boom trưởng thành trong thập niên 1960 đã lấy lại được tự tin, không nhìn xã hội mình đang sống bằng cái nhìn phân tích bệnh lý và phê phán như Maruyama Masao đã làm mà đánh giá nó một cách tích cực, khám phá những tính cách đặc thù của dân tộc (Japaneseness).


Thế vận hội Tôkyô 1964 Hội chợ triển lãm Ôsaka 1970

Đó là phong trào nghiên cứu gọi là "Nhật Bản nhân luận" (Nihonjinron) thấy qua công trình của những nhà tư tưởng trẻ lúc đó như Nakane Chiaki trong "Xã hội chiều dọc" (Tateshakai), Doi Takeo trong "Cấu tạo của tình cảm muốn được nuông chìu" (Amae no kôzô) và Aida Yuuji với "Nhà tù Aaron - Giới hạn của chủ nghĩa nhân bản Tây Âu" ( Aaron no shuyôjo -Seiô no hyumanizumu no genkai). Tất cả những trứ tác đó như có mục đích là tạo ra một liều thuốc giải độc giúp người Nhật xóa bỏ mặc cảm tự ti của giống nòi mình trước người Tây Phương và giúp họ sống an tâm hơn.Nhưng nhiều khi vài người trong bọn đi quá xa đến độ muốn chiêu hồn quá khứ. Độc giả đã hết sức sửng sốt khi thấy giữa năm 1964-65, một người như Hayashi Fusao (Lâm, Phòng Hùng, 1903-1975) đã xuất bản tập sách dày 2 quyển nhan đề "Đại Đông Á chiến tranh khẳng định luận" (Daitôa sensô kôteiron, Chuô Kôron xb). Trong đó, tác giả biện minh cho chiến tranh Đại Đông Á. Theo ông ta, nó không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược mà chỉ là bộ phận cuộc chiến kéo dài 100 của người Á châu để giải phóng ngưới Á châu. Một trăm năm (bách niên chiến tranh) bởi vì nó đã bắt đầu kể từ 1854, khi Matthew Perry đem pháo thuyền đến Nhật.

Không thể khép lại phần nói chuyện về xã hội Nhật Bản của thập niên 1960 mà không có một câu về Chiến tranh Việt Nam. Như chúng ta đều biết, theo nghĩa hẹp thì cuộc chiến tranh này đã bắt đầu vào ngày 7 tháng 2 năm 1965 khi quân đội Mỹ ném bom miền bắc Việt Nam. Đối với Nhật Bản, họ là kẻ hưởng lợi của một nền kinh tế đặc nhu hậu cần thứ hai kể từ cuộc chiến ở Triều Tiên. Muốn rõ chi tiết, cần phải tìm đọc một cuốn sách chuyên đề như Hiện đại Nhật Bản kinh tế luận (Gendai Nihon keizairon) của bà Imura Kiyoko. Chỉ cần biết sơ rằng nhờ có cuộc Chiến tranh này mà năm 1965, mậu dịch của Nhật đối với Mỹ lần đầu tiên đã thoát khỏi cảnh lỗ lã kể từ ngày bại trận và sang 1966 thì kim ngạch xuất khẩu qua Mỹ của họ đã chiếm đến 30% kim ngạch xuất khẩu nói chung của cả nước. Cũng nên nói thêm rằng đặc nhu Việt Nam là mối lợi đáng kể cho Hàn Quốc của tướng Phác Chính Hi (Pak Chung Hee). Các tập đoàn lớn của Hàn như Đại Vũ, Hiện Đại, Hàn Tín của nước ấy đều đã thành hình trong giai đoạn 1965-1972.

Nhưng giữa cảnh phồn vinh đó, một điều nghịch lý đã xảy ra. Trên nước Nhật đã bùng lên những phong trào phản chiến, không riêng gì do các thế lực Cộng Sản và Xã Hội (cánh tả truyền thống) lãnh đạo mà còn của Nhóm Beiheiren [12] (cánh tả mới, liên hiệp các lực lượng quần chúng không chính đảng). Nó được thành lập theo lời kêu gọi của 38 trí thức và nhân sĩ như hai nhà văn Oda Makoto, Kai Kôken và nhà bình luận Tsurumi Shunsuke...


Phong trào phản chiến Beheiren (1965-1974) trong thành phố Tôkyô

2.3 Nhật Bản, cường quốc kinh tế:

Đồng đô la Mỹ (USD) sau Thế chiến đã trở thành hóa tệ chủ chốt trong mậu dịch thế giới. Các nước trong phe tư bản chủ nghĩa đều xem đô-la Mỹ như trung tâm của mọi hoạt động kinh tế. Thế nhưng vì phải viện trợ kinh tế và quân sự cho các nước đồng minh Phương Tây mà Mỹ đã dùng cạn tiền đô. Hơn nữa, Mỹ cũng phải cho phép hàng hóa của các nước đồng minh Tây Phương, lúc đó trên đà phục hưng, tràn ngập thị trường mình. Thành thử lúc ấy họ đã lâm vào cảnh thâm thủng ngân sách một cách nguy ngập. Hơn nữa, năm 1965 (Shôwa 40), Mỹ vì muốn giúp Chính phủ miền nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) nên đã oanh tạc miền bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) và bắt đầu can thiệp quân sự một cách đại qui mô vào chiến trường Việt Nam. Thế nhưng chiến tranh ở đấy đã trở thành một bãi lầy và người Mỹ sa chân trong đó. Năm 1973 (Shôwa 48), muốn tìm cách rút lui trong danh dự, họ đã ký hiệp định hoà bình với đối phương. Điều này cũng có nghĩa là họ nhận phần thất bại sau khi đã đổ rất nhiều đô-la vào cuộc chiến.

Vì một chuỗi nguyên nhân như thế mà địa vị đồng đô la Mỹ bị lung lay tận gốc rễ. Nó mất đi cái địa vị trên trước cho đến giờ. Và đồng đô khó thể còn được công nhận như hoá tệ chủ yếu duy nhất trong kinh doanh quốc tế.

Để giải tỏa nguy cơ này, vào năm 1971 (Shôwa 46), Tổng thống Richard Nixon (1913-1994) [13] cuối cùng đã tuyên bố đình chỉ khả năng giao hoán giữa đồng đô-la với vàng. Sự kiện lịch sử này có tên là Dollar shock hay "Chấn động do đồng đô-la gây ra". Chấn động là phải vì không ai ngờ một quốc gia lãnh đạo thế giới, một nền kinh tế tư bản hàng đầu lại có thể đưa ra một lời phát biểu bất ngờ và có hệ quả trầm trọng như thế. Cuối năm ấy, một hội nghị 10 Tổng trưởng tài chánh đã được triệu tập, Nhật Bản cũng tham dự. Để duy trì vai trò đồng đô, một chuyện chẳng đặng đừng, họ đã đồng ý lập một thể chế nâng cao giá trị của nó lên. Nhân vì thể chế ấy đã được quyết định tại hội trường của Bảo tàng viện Smithsonian ở Washington nên mang tên nó (Smithsonian system). Theo đó, 1 USD không còn giữ tỷ giá cố định 360 JPY nữa mà là 308 JPY. Thế nhưng khổ nỗi là kể từ đó, đồng đô vẫn không còn thể nào hồi phục phong độ của nó như trước nữa, các nước tiên tiến Tây Phương mới chuyển qua hệ thống tỷ giá di động theo thị trường. Đến năm 1973 (Shôwa 48) thì Nhật Bản cũng nhập bọn với họ mà chuyển qua chế độ tỷ giá di động và điều này kéo dài mãi cho đến ngày nay.

Trong năm 1973, Nhật Bản bị cuốn vào Oil shock 1 hay "Chấn động do việc tăng giá dầu hỏa" (Daiichiji sekiyuu kiki) lần thứ nhất. Giá dầu tăng vọt lên 4 lần so với trước. Cho đến lúc ấy, Nhật Bản đang ở trong một thời đại phồn vinh. Nền kinh tế của họ phần lớn được nâng đỡ nhờ việc nhập được dầu hỏa với giá rẻ từ bên ngoài, đặc biệt từ vùng Trung Cận Đông. Nay thì sản phẩm chủ chốt của dầu hỏa là dầu thô (genyuu = crude oil) tăng giá lên những 4 lần trong một lúc cho nên kinh tế Nhật Bản đã bị một đòn trí mạng.

Sở dĩ có Oil shock 1 là vì các nước khối Ả Rập vùng Trung Cận Đông vốn là những quốc gia sản xuất dầu đang có cuộc đối đầu chính trị với Israel về vấn đề Palestine. Muốn rõ về nó hơn cần phải đọc lại thế giới sử. Tuy nhiên những từ khoá như Chiến tranh Palestine, Israel lập quốc, Vụ quốc hữu hoá kênh đào Suez, Cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 3, chắc không xa lạ cho lắm với người đọc. Tháng 10 năm 1973 là lúc Cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4 bùng nổ. Các nước khối Ả Rập đã kết hợp thành tổ chức gọi là Hiệp hội các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa (OPEC = Organization of Petroleum Exporting Counntries), bày tỏ sự phẫn nộ của họ với các nước Âu Tây (cũng là giới tiêu thụ) vốn có thiện cảm với lập trường của Israel. Vì chỉ có một vũ khí duy nhất có thể gây quan ngại cho Tây Phương là dầu hỏa, trước tiên họ thi hành biện pháp mềm là hạn chế việc cung cấp, rồi sau đó cứng rắn hơn là tăng giá dầu.

Trước đây, các nước tiên tiến Tây Phương cũng như Nhật, đã lợi dụng giá dầu rẻ để phát triển nền kinh tế hậu chiến của họ. Việc tăng giá dầu xảy ra vào năm đó đã phủ một bóng đen lên sự phồn vinh. Qua năm 1974 (Shôwa 49), kinh tế Nhật Bản đã trải nghiệm một cuộc tăng trưởng kinh tế với số âm.

Thêm vào đó, trong khi giá dầu đang tăng lên dữ dội như thế thì Thủ tướng đương thời, Tanaka Kakuei (Điền Trung, Giác Vinh) [14] đã đưa ra chủ trương "cải tổ quần đảo" (rettô kaizôron = liệt đảo cải tạo luận). Ông có ý định phân tán kỹ nghệ vốn tập trung trong các thành phố lớn về các đô thị nhỏ, tạo nên một mạng lưới xa lộ cao tốc và đường xe điện Shinkansen nối các đô thị lớn với nhau. Đáng tiếc là kế hoạch của ông đã châm ngòi một phong trào đầu cơ nhà đất và đưa đến việc tăng giá đất ở những vùng ông định thiết lập các thành phố kỹ nghệ nhỏ. Nó làm cho ở quốc nội, nạn lạm phát bùng lên mạnh mẽ, vật giá không còn kiểm soát nổi. Chính phủ bèn đưa ra những biện pháp siết chặt lại tín dụng nhưng vẫn không chế ngự được. Kinh tế Nhật Bản cứ thế mà bước vào tình trạng suy thoái và những năm sau, mức tăng trưởng kinh tế chỉ qua lại ở giữa khoảng 2% đến 5 %. Xem như kể từ thời này, kinh tế thành trưởng cao độ đã cáo chung.

2.4 Thể chế 1955 sụp đổ:

Sau đây xin trình bày về những gì đã xảy ra cho Thể chế 1955 (còn gọi là Thể chế 55 = Gogo taisei hay Ngũ ngũ thể chế) kể từ thời Thủ tướng Satô Eisaku (giai đoạn 1964-1972) đến thời Thủ tướng Hosakawa Morihiro (1993).

Người kế nhiệm Satô Eisaku là Tanaka Kakuei (giai đoạn 1972-74). Sau khi vừa nhậm chức, ngay năm 1972 (Shôwa 47), Tanaka đã đích thân sang Trung Quốc, cùng ra Tuyên bố chung Nhật-Trung để bình thường hóa bang giao với nước này. Thực ra năm trước, Richard Nixon cũng đã đột ngột sang thăm Bắc Kinh và ra tuyên ngôn chấm dứt tình trạng đối địch với Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Có lẽ một trong lý do của chuyến viếng thăm của Nixon là mong giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam giữa các đại cường với nhau và trên đầu trên cổ người Việt. Việc làm đó cũng là một chấn động dư luận nên được gọi là Nixon shock hay "chấn động do Nixon tạo ra". Còn như trong nội bộ Jimintô lúc ấy thì Thủ tướng Satô Eisaku đã nắm quyền quá lâu (1964-72) đã cảm thấy sự xói mòn của quyền lực. Người ta cho rằng ông từ chức là vì lập trường chống Trung Quốc của ông đã trở thành lỗi thời khi tư duy tiếp cận thế lực đang lên này trở thành luồng chủ đạo trong đảng.

Giai đoạn nằm giữa hai cuộc khủng hoảng về dầu khí (1973-1979) tương ứng với một thời kỳ chính trị có nhiều chuyển biến đột ngột và thăng trầm. Tuy Jimintô vẫn thâu lượm được trên 51% số phiếu trong các kỳ tuyển cử nhưng bên trong thì mù mịt như một đám tinh vân. Các bè phái từ bảo thủ cho đến cấp tiến đấu đá nhau nhằm giành lấy những chức vụ then chốt trong chính phủ.


Ba thủ tướng của thập niên 1970: Tanaka Kakuei, Miki Takeo và Fukuda Takeo

Năm 1974 (Shôwa 49), Nội các Tanaka vì nguồn gốc không rõ ràng của một món tiền ủng hộ cho hoạt động chính trị của ông nên đã phải tổng từ chức. Thủ tướng kế tiếp là chính khách lão thành [15] Miki Takeo (Tam Mộc, Vũ Phu), một người chủ trương "chính trị trong sạch" (clean politics). Dự luật của ông đặt ra qui chế cho các món tiền ủng hộ các hoạt động chính trị nhằm dẹp đi tệ nạn của "chính trị kim tiền" (kinken seiji = kim quyền chính trị) đã được quốc hội thông qua. Dầu có cố gắng làm trong sạch guồng máy chính trị như vậy, đến kỳ tổng tuyển cử năm 1976 (Shôwa 51), trong lịch sử của Jimintô, đảng cầm quyền, đã xảy ra một sự kiện chưa từng thấy là những ứng cử viên được đảng công nhận đã không chiếm được phân nửa số ghế trong quốc hội, khiến cho Nội các Miki phải tổng từ chức. Nguyên nhân chính của sự thất bại này là cựu thủ tướng Tanaka Kakuei lại bị tình nghi nhận hối lộ trong vụ Nhật mua máy bay của công ty Mỹ Lockheed (The Lockheed Scandal, 1976) phát giác ở Hạ viện Mỹ và bị bắt giữ điều tra. Sau đó chuyện này xé ra to từ khi tên của công ty thương mại tổng hợp Marubeni và một nhân vật mai mối có quá khứ cực hữu là Kodama Yoshio (1911-1984, chết trong khi phiên tòa chưa kết thúc) cũng như một số chính trị gia đảng cầm quyền dây dưa vào và bị đưa lên mặt báo.

Phái tả có phần hưởng lợi trong vụ này vì sự bất tín nhiệm Jimintô khiến cho Đô trưởng Minobe Ryôkichi - một người có khuynh hướng xã hội và là con trai của giáo sư nổi tiếng Minobe Tatsukichi thời 1930 - được tái cử một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1972 ở Tôkyô. Dù vậy, chính quyền vẫn nằm trong tay Jimintô vốn nắm được địa phương và nông thôn.

Nội các Fukuda Takeo (Phúc Điền, Củ Phu, 1905-1995) [16] kế tiếp chính trị Jimintô. Thủ tướng Fukuda nỗ lực trong việc khuếch trương nhu cầu tiêu dùng ở quốc nội và giải quyết việc đồng Yen cao giá vốn gây nên suy thoái kinh tế. Năm 1978 (Shôwa 53), ông lại thành công trong việc ký kết Hiệp ước hòa bình Nhật Trung.

Tuy nhiên, cố gắng đó không ngăn được việc đảng Jimintô bị bại trong kỳ tổng tuyển cử và nội các không còn cách nào hơn là tổng từ chức. Người trở thành chủ tịch mới của đảng là Ôhira Masayoshi (Đại Bình, Chính Phương, 1910-1980) [17]. Khi cuộc khủng hoảng dầu khí lần thứ hai (Oil shock 2) (Dainiji sekiyuu kiki) bùng nổ vì tổ chức OPEC tăng giá dầu lên gấp 3, ông đã tổ chức xây dựng lại nền tài chánh trong nước. Thế nhưng trong thời gian tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử lưỡng viện chung một lần năm 1980 (Shôwa 55), ông đột ngột mất vì chứng suy tim. Nội các Suzuki Zenkô (Linh Mộc, Thiện Hạnh, 1911-2004) [18] nhân đó ra đời.


Thủ tướng Ôhira Masayoshi

Tiếp theo là thời Thủ tướng Nakasone Yasuhiro (Trung Tăng Căn, Khang Hoằng, sinh năm 1918) [[19]. Nếu Suzuki là một người ôn hòa và thỏa hiệp thì Nakasone là một chính trị thiên hữu rõ ràng, có đầy bản lĩnh. Đó là một chính quyền khá dài (gần 5 năm) trải qua 3 nhiệm kỳ.Nội các Nakasone đã liên kết chặt chẽ quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn, tăng chi phí quốc phòng quá giới hạn kinh điển 1% GNP, đặt trọng tâm vào các mục tiêu như cải cách tài chính, thuế vụ, giáo dục. Năm 1985 (Shôwa 60) trở đi, ông đã xúc tiến việc tư doanh hoá (privatization) các xí nghiệp quốc doanh ngành đường sắt, điện khí và mậu dịch độc quyền khác (muối, rượu, thuốc lá...). Kể từ đó mới có những tên gọi tắt nổi tiếng như NTT (thông tin), JR (đường sắt), JT (thuốc lá). [20] Nakasone cũng là người đã thắt chặt bang giao với các nước ASEAN và đưa ra giải pháp để giải tỏa xung đột về mậu dịch với Mỹ và EEC.

Nội các Takeshita Noboru (Trúc Hạ, Đăng) [21] thừa kế việc làm dang dở của Nội các Nakasone là đưa được thuế gián tiếp qui mô lớn gọi là thuế tiêu dùng (Shôhizei = Consumption tax) vào Nhật năm 1989 (Heisei nguyên niên). Thuế này tương đương với thuế tăng trị theo cách nói của người Trung Quốc, còn gọi là thuế phụ gia giá trị (VAT =Value added tax) trong thuế chế Tây phương.Tuy nhiên, vì thế, ông đã làm mất lòng các bà nội trợ vốn rất dị ứng với loại thuế đánh lên tiêu dùng này. Nội các Takeshita phải rút lui khỏi chính trường sau khi các nhân vật trong và ngoài chính phủ (Nakasone, Takeshita, Miyazawa Kiichi, Abe Shintarô vv...) của ông bị tình nghi tham ô trong vụ phát hành cổ phiếu của hãng Recruit Cosmos (The Recruit Scandal, 1985-86).

Thời của Takeshita còn được đánh dấu bởi chính sách "làm mới quê hương" (furusato sosei). Ông khuyến khích những con người thành phố (salaryman) trở về xây dựng địa phương và vùng nông thôn, tái sinh nó và tìm lại gốc rễ của mình. Cho đến lúc ấy, dân Nhật tụ tập vào những thành phố lớn và để nông thôn hoang phế. Người dân thành phố chỉ cật lực đầu tư vào chứng khoán nhà đất là những cái phù phiếm, không sinh sản. Tuy nhiên Takeshita không sao ngăn được sự trương phồng của kinh tế bong bóng. Chỉ số Nikkei đã tăng lên 40% chỉ nội trong năm 1988. Người người rủ nhau mua báo kinh tế như Nihon Keizai Shinbun để theo dõi tin tức lên xuống của giá cổ phiếu. Cả nước sống trong một cơn thác loạn, một canh bạc lớn của kinh tế đầu cơ. Mọi thứ tư sản đều bị đánh giá nhiều lần cao hơn giá trị thực sự. Sự ngăn cách của hai giới giàu nghèo trở thành rõ rệt, giai cấp trung lưu cần lao bắt đầu thấy có những triệu chứng băng hoại. Khi thấy dư luận đã buông rơi mình (theo một cuộc trưng cầu ý kiến, mức ủng hộ trong dân chúng chỉ còn 3,4%), thủ tướng Takeshita từ chức vào tháng 6 năm 1989. Trước đó, Thiên hoàng Shôwa băng (mồng 7 tháng 1 năm 1989) và thời đại Shôwa cũng chấm dứt (1926-1989).


Ba thủ tướng của thập niên 1980: 
Suzuki Zenkô, Nakasone Yasuhiro, Takeshita Noboru.

2.5 Hoàn cảnh chính trị kinh tế trong những năm cuối đời Shôwa (từ 1970 cho đến 1989):

Trong những năm cuối đời Shôwa, tâm thức của người Nhật đã thay đổi rất nhiều. Những điều đó dĩ nhiên đã đến từ điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, nhất là trong lãnh vực kinh tế và xã hội. Trước tiên thử tìm hiểu nếp sinh hoạt ấy.

- Tập trung vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế và kỹ nghệ:

Theo R.Dubreuil [22] kể từ đầu thập niên 1970, Nhật Bản đã chịu ít nhất năm cú "sốc" kinh tế. Cũng như hai lần trước (1854 với Perry, 1945 với MacArthur), Nhật Bản đã chuẩn bị cho việc cải tổ nội bộ một cách rốt ráo (kôzô tenkan).

Năm cú "sốc" mà Nhật Bản chịu đựng là:

1) Cú "sốc" Nixon (15/08/1971): Từ ngày này, chính quyền R. Nixon tuyên bố không nhìn nhận giá trị đối hoán của đồng đô la Mỹ với vàng nữa. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Mills (1970) bảo vệ ngành tơ sợi của Mỹ trước sự cạnh tranh của Nhật. Nhật còn phải chịu một thứ thuế 10% Mỹ bội thu trên mặt hàng của mình. Ngoài ra đồng Yen cũng bị Washington gây sức ép bắt tăng giá 16,88% so với tiền đô (1971).

2) Cú "sốc" dầu lửa lần thứ nhất (Oil shock1, mùa thu 1973): Giá dầu lên gấp 4 lần kéo quần đảo vào trong bế tắc với độ lạm phát 24,5% (1974), chưa kể mức thành trưởng mang số âm (-1,1%). Ngoài ra, đây là lần đầu tiên sau thế chiến, Nhật nếm mùi thất nghiệp tuy chỉ có 1,4% trên dân số lao động.

3) Cú "sốc" đồng Yen lần thứ nhất (Yen shock 1): Đồng Yen tăng giá (endaka) đến 24% trên thị trường hối đoái (1976-78). Kể từ 1976, Nhật hết còn được hưởng sự dễ dãi của Mỹ qua việc chấp nhận một đồng Yen yếu giúp Nhật dễ dàng xuất khẩu.

4) Cú "sốc" dầu lửa lần thứ hai (Oil shock 2, mùa thu 1985): Dầu lại lên giá. Nhật đã có kinh nghiệm nên vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình là 4% giữa 1979-1985 tức là gấp đôi con số trong cùng thời gian của các nước OCDE (2,2%).

5) Cú "sốc" đòng Yen lần thứ hai (Yen shock 2): Trong khoảng 1985-1988, để giúp các nhà xuất khẩu Mỹ, Washington đã phá giá đồng đô la Mỹ. Nó làm cho Yen cao lên (endaka) đến 40% và gây khó khăn cho nhà buôn Nhật vốn cũng sống bằng xuất khẩu.

Trước những khó khăn đó, chính quyền Miki Takeo và những chính quyền kế tiếp đã lần lượt đưa ra chính sách như sau:

1) Tiết kiệm năng lượng đồng thời tiếp cận nguồn dầu Trung Quốc (khi việc thương thuyết dầu khí Siberia với Liên Xô không có mòi tiến triển) và vào năm 1974, xúc tiến chương trình phát triển năng lực nguyên tử cho mục đích dân sự bằng cách chọn thêm những địa điểm mới để xây cất lò phát điện hạt nhân, một chương trình vốn đã được lên kế hoạch từ 1955. Nhật Bản đã khéo léo thành công trong việc tiết kiệm năng lượng gấp 5 lần Mỹ (giai đoạn 1973-78).

2) Đầu tư vào những kỹ nghệ dựa trên nghiên cứu công nghệ cao cấp (gọi là công nghệ sử dụng chất xám) về lâu về dài như rôbốt (robot) , hồi lộ điện tử (electronic circuit), vi sóng, gốm sứ tinh chế, kỹ thuật sinh học,vật liệu mới, năng lượng mới, hải dương, không gian, thông minh nhân tạo, vũ khí...) [23]. Bên cạnh đó, MITI (Bộ Kỹ Nghệ và Thương Mại) đốc thúc các hãng đầu tư nhiều vào việc nghiên cứu một số kỹ thuật ứng dụng trong chế tạo để thương mãi hoá được ngay. Cho đến năm 1985, những Hitachi, Nissan, Nippon Electric, Toshiba, Fujitsu, Honda... đã dành ưu tiên cho khuynh hướng nghiên cứu này.

3) Nhật Bản cũng chia sớt công việc cho những quốc gia đang lên bằng cách chuyển bớt sản xuất ra các nước và vùng lân cận ở Á châu như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines, Hongkong một phần công việc kỹ nghệ nặng và một phần kỹ nghệ nhẹ kể từ 1975). Tiếng là "phân công quốc tế" (kokusai bungyô) nhưng việc đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ra nước ngoài nhắm giảm bớt những rủi ro có thể xảy ra do chính sách bảo hộ thị trường bản địa (protectionism) đến từ ma sát mậu dịch (trade conflicts), vốn đã bắt đầu lộ diện. Hơn thế nữa, việc đầu tư lúc ấy gặp hồi thuận lợi vì đồng Yen đang mạnh và mức lãi lại thấp. Nhờ đầu tư trực tiếp ra hải ngoại như thế mà kể từ thập niên 1960, cán cân chi phó mậu dịch của Nhật đã có nhiều thặng dư. Thế rồi trong khoảng 1980-1966, Nhật đã nhân lên được 3 lần giá trị vốn của mình bỏ ra. Được khuyến khích như thế, họ tiếp tục đầu tư thêm nữa.. Duy lần này, Nhật chỉ đặt trọng tâm vào các nước đã phát triển (67% so với 40% hồi 1960) chứ không ở tất cả mọi khu vực như trước. Đó là thời kỳ thịnh vượng nhờ sự thành công của các sản phẩm điện gia dụng giá thành rẻ nhờ lắp ráp (kumitate) ở nước ngoài. Về khâu đầu tư trực tiếp (vào hãng xưởng, năm 1986 chiếm 8% trong tư sản của họ) còn có đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu (35%) tức đầu tư gián tiếp đã khiến cho Nhật Bản trở thành "ông chủ nợ". Nó trở thành nguồn lợi tức quốc tế đáng kể cho các hãng Nhật có tên trên thị trường chứng khoán.

4) Nhật Bản cũng dùng Zaitech nghĩa là đầu tư khôn ngoan và toán học vào một số địa hạt bằng cách sử dụng kỹ thuật (technology) tài chánh (zaisei) tiên tiến. Tuy hình thức này đem lại lợi ích cho một số hãng chứng khoán lớn như Nomura, Daiwa, Nikkô và Yamaichi nhưng về lâu về dài nó đã tạo ra sự căng thẳng giữa họ với các đối tác Âu Mỹ vì giới này nghi ngờ các ngân hàng và hãng chứng khoán Nhật muốn khống chế thị trường. Sau đó, Thống đốc ngân hàng Nhật Bản Maekawa thời đó đã đề nghị kích thích nội nhu (về nhà cửa, bảo hiểm xã hội, giải trí tiêu khiển) để giải tỏa dòng tiền thặng dư.

5) Một vũ khí khác của Nhật Bản để tái kiến kinh tế là vận dụng triệt để nguồn thông tin kinh tế (information mining) mà họ xây dựng được qua các cơ quan như JETRO và JICST (trực thuộc MITI) cũng như các cơ quan nghiên cứu của các GTC (thương xã tổng hợp) [24]. Nhà xã hội học Umesao Tadao xem Nhật Bản nuốt nhanh nuốt mạnh mọi thư thông tin kinh tế như một "cái lỗ đen" (black hole). Theo nhà nghiên cứu Pháp Christian Sautter (1987), các xí nghiệp và trung tâm nghiên cứu Nhật Bản có thể có ngay tin tức nóng sốt từ 500.000 bản tóm tắt tin tức đến từ 11.000 tạp chí chuyên môn của 50 quốc gia, 15.000 báo cáo kỹ thuật và 50.000 báo cáo về bằng phát minh có hàng năm. Đó là chưa kể thông tin đến từ Nihon Keizai Shinbun, nhật báo kinh tế ra đến 3,6 triệu số mỗi ngày cũng như 138 đài phát thanh và kênh truyền hình. Người Nhật trung bình ngồi 3 giờ 19 phút mỗi ngày trước máy truyền hình và 8% trong đám họ xem những chương trình giáo dục.

Kết quả của một chuỗi nỗ lực chấn chỉnh tình thế nói trên từ tháng năm 1974 (sau cú "sốc" dầu hỏa năm 1973) là nó đã thay đổi bộ mặt của kinh tế Nhật Bản trong thập niên 1970, nhưng phải công bằng mà nói Nhật đã thừa hưởng nhiều điểu thuận lợi từ thập niên 1950 (thời kinh tế đặc nhu Triều Tiên) như:

1) Một trữ lượng tiết kiệm dồi dào (Vào năm 1985, nó là 31,4% GDP so sánh với con số 16,5% của Mỹ và 18% của Pháp). Điều này giúp cho Nhật giữ được một lãi suất thấp và không cần gọi vốn từ bên ngoài.

2) Sự ổn định chức nghiệp (có công ăn việc làm cho đến lúc về hưu) và lương bổng cho nhân viên, duy trì được quan hệ giữa các hãng lớn và các hãng con sống bằng cách nhận công việc mình giao cho (keiretsu).

3) Một mức thuế trả khoán (lump sum tax) cho tiền đổ vào đầu tư rẻ vào bậc nhất trong các nước tiên tiến (vào năm 1980, số thuế đó chỉ ngang với 26,1% GDP, trong khi Mỹ là 30,7%, Liên bang Đức 37,4% và Pháp 42,6%).

Kể từ đó các hãng Nhật đã vươn lên mạnh mẽ trong khi cuộc khủng hoảng đe dọa các quốc gia Âu Mỹ. Tuy ngành đóng tàu có sút kém đi kể từ thập niên 1970 nhưng kỹ nghệ ô tô của họ vẫn không ngưng phát triển. Dù Mỹ có hạn chế việc xuất khẩu, từ 1975, Toyota và Nissan đã vượt qua Wokswagen trên thị trường Mỹ. Đến năm 1986, Nhật chiếm đến 27% tổng số sản xuất xe hơi trên thế giới.

Hàng điện tử Made in Japan tràn vào Âu châu khoảng giữa năm 1980-86. Bốn trên bảy các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn tầm cỡ quốc tế là Nhật. Fujitsu đã mua Fairchild của Mỹ để có thể tung vào thị trường New York một loại sợi quang học (optic fiber) cực nhanh.
 

Từ khi Nhật Bản phát động tư nhân hoá (privatization) xí nghiệp quốc doanh khổng lồ trong ngành viễn thông là NTT (Nippon Telegraph and Telephone) vào năm 1985, đã có một cuộc cạnh tranh giữa nó và các xí nghiệp khác (NTT, Dainidenden, Japan Telecom, Mitsui và Mitsubishi) ở quốc nội. Lãnh vực mà họ cạnh tranh với nhau dàn trãi từ vệ tinh truyền thông cho đến hệ thống mạng dây cáp quang học và bộ nhớ quang học.

- Tiến đến một cuộc sống sung túc:

Mức sống của người Nhật trong những năm cuối thế kỷ có thể xem như vào loại cao nhất trên thế giới. Năm 1983, GDP bình quân đầu người của họ đã vượt qua mức của Pháp. Tuổi thọ của họ cũng vậy. Vào những năm giữa thập niên 1980, họ được biết là sống lâu hơn cả người Bắc Âu, cho đến lúc đó xem như những dân tộc trường thọ nhất thế giới. Tiện nghi cuộc sống hàng ngày đã tiến triển hết sức khả quan. Năm 1986, cứ 100 hộ gia đình thì có 106,5 máy giặt, 174,7 đài truyền hình, 114,3 tủ lạnh giữ thực phẩm cho tươi, 88 máy điều hòa nhiệt độ và 56,4 lò vi sóng. [25]

Tuy nhiên, vì thiếu nguồn lương thực (đất trồng trọt ít, sản phẩm giá thành cao) nên thức ăn thức uống của họ đắt đỏ vào bậc nhất so với các quốc gia tiên tiến khác. Để nuôi những miệng ăn trong gia đình, một người Nhật phải làm việc gấp đôi thời giờ một người Mỹ và gấp ba lần một người Úc. Gạo Nhật là gạo cao giá nhất hành tinh bởi vì nhà nông Nhật được những món bảo trợ của Jimintô đánh đổi lấy sự ủng hộ họ dành cho đảng này trong các kỳ tuyển cử. Vào năm 1984, chi phí cho lương thực chiếm đến 27,3% ngân sách trung bình của một gia đình Nhật trong khi ở Pháp, một xứ sở nổi tiếng về ẩm thực, nó chỉ có chiếm 19,7%.
 

Người Nhật làm việc rất nhiều và chúng ta không còn lạ gì về điều đó. Họ chỉ có 1/4 phần ngày nghỉ của người Pháp, nhiều người vì coi trọng việc làm còn bỏ đi không lấy. Khi có dịp, họ thường đi nghỉ ở nước ngoài nhờ đồng Yen mạnh (endaka) làm cho giá cả các cuộc du lịch tổ tức theo kiểu trọn gói (pakku =package tours) được hạ bớt đi nhiều. Các cuộc nghỉ hè trung bình chỉ kéo dài khoảng 6 ngày. Họ hay dành ưu tiên cho các địa điểm như Mỹ (nhất là Hawai, Guam), sau mới đến Hàn Quốc, Đài Loan và Âu châu (đặc biệt Đức và Pháp).

- Cải thiện mối liên hệ ngoại giao :

Từ khi có cú "sốc" dầu lửa đầu tiên (1973), mối liên hệ của Nhật với nước ngoài đã có những thay đổi thường, là trong chiều hướng tốt.

Dầu có lắm đụng chạm xô xát trong mậu dịch với Mỹ trong thập niên 1980 nhưng trước đó, liên hệ Nhật Mỹ đã sáng sủa hẳn ra khi Gerald Ford, một tổng thống đương nhiệm, đến viếng thăm Tôkyô năm 1974. Điều này trái ngược lại với những gì đã xảy ra cho họ vào năm 1960, khi những cuộc biểu tình của quần chúng chống hiệp định Tân Anpo đã khiến Tổng thống D. Eisenhower lo ngại đến nổi bãi bỏ chuyến công du sang Nhật. Nay thì khác. Năm 1975, Nhật hoàng và Nhật hậu được đón tiếp nồng hậu ở Mỹ, và năm 1987, đến lượt Đông cung thái tử Akihito và công chúa Michiko, cũng được đối xử tốt đẹp như thế.

Nếu liên minh Nhật Mỹ bị chống đối dữ dội trong thập niên 1960 bởi một thành phần dư luận Nhật Bản, nó hầu như đã được họ chấp nhận hoàn toàn vào năm 1975 trở đi. Kể từ 1970, phong trào chống Mỹ của các công đoàn như Sôhyô cũng dịu bớt, các đảng phái đứng ngoài chính quyền lúc ấy như Đảng Xã hội (Shakaitô), Đảng Công minh (Kômeitô) đều ra tuyên ngôn (1980) nhìn nhận tính hợp hiến của Tự vệ đội (FAD = Force of Auto-Defense) mà không sợ bị cử tri rút đi sự tín nhiệm.

Năm 1975, Thủ tướng Miki Takeo xác nhận lại chủ trương của cựu Thủ tướng Satô Eisaku trong quan hệ với Mỹ. Chính phủ Miki ủng hộ chính sách phòng thủ bán đảo Triều Tiên của Wahington và tham gia những cuộc thao diễn chung trong khuôn khổ một Ủy ban hỗn hợp phòng thủ Nhật Mỹ. Cũng từ đó, Nhật Bản chịu trả thêm phụ đảm chi phí của mình cho ngân sách trú quân của Mỹ trên quần đảo.

Năm 1983, Tổng thống Ronald Reagan sang Nhật để thúc dục thủ tướng đương nhiệm Nakasone Yasuhiro (nguyên là tổng trưởng quốc phòng từ thập niên 1970) chấp nhận chi thêm tiền cho ngân sách quốc phòng để có thể tự bảo vệ. Đó là thời điểm một máy bay dân sự KAL với màu cờ Hàn Quốc đã bị không quân Liên Xô bắn rơi làm thiệt mạng 269 hành khách.

Quân đội Nhật tuy không được thành lập với mục đích gây hấn như với thời gian, đã trở thành một lực lượng quân sự đáng kể. Từ 75.000 người (1950) thời gian Chiến tranh Triều Tiên, nó đã lên đến 273.000 (1987). Ở thời điểm này, Jieitai Nhật Bản có 570 phi cơ chiến đấu, 170 tàu chiến và 69 tàu P3C để săn tàu ngầm. Được xem như là quân đội mạnh thứ 7 thế giới, trang bị tốt, kỹ luật và tinh nhuệ. Cũng vào năm 1987, Nhật và Mỹ đã cộng tác để chế loại máy bay chiến đấu tối tân FSX và cộng tác với nhau về mặt chiến lược, chiến thuật, để khi hữu sự, Nhật sẽ là một "hàng không mẫu hạm không chìm" chống lại được tiềm thủy đỉnh nguyên tử của địch (lúc ấy ám chỉ Liên Xô) gửi đến trong vùng.

Như đã nói, năm 1980, những xung khắc bắt đầu trong vấn đề mậu dịch giữa hai bên đã lộ diện. Để giảm bớt lỗ hỗng trong cán cân mậu dịch của Mỹ, Nhật đồng ý tự giới hạn xuất khẩu (VER hay voluntary export restraint) những món hàng tiêu dùng đại chúng. Họ gặp khó khăn hơn khi Mỹ muốn Nhật mở rộng thị trường nông phẩm cho các nhà xuất khẩu Mỹ nhưng nếu làm như thế, nông dân và giới phân phối Nhật Bản lại chịu thiệt thòi. Dù muốn cho thấy mình không thi hành chính sách bảo vệ người sản xuất ở quốc nội, Nhật Bản vẫn không thể làm gì khác hơn là tiếp tục dựng lên những rào cản vô hình tức là những rào cản phi quan thuế (NTB hay non tariff barriers). [26]

Đến năm 1985 thì cán cân chi phó mậu dịch của Mỹ càng thâm thủng nặng và chính phủ liên bang Mỹ đành phải nương tựa vào sức mạnh của thị trường tài chánh Nhật Bản. Điều này làm cho những cơ quan đầu tư Nhật Bản (hãng bảo hiểm, ngân hàng, quĩ tín dụng) nhiều lần bất đắc dĩ phải bỏ tiền ra mua từ 1/4 đến 1/2 những trái phiếu chính phủ Mỹ bán ra. Hành động nói trên không có mục đích gì khác ngoài việc giúp cho Mỹ thoát cảnh thâm thủng ngân sách mạn tính.

Với OECD thì Nhật Bản đã có sự gắn bó mật thiết hơn kể từ cuộc họp thượng đỉnh quốc tế ở rừng Rambouillet bên Pháp vào tháng 11 năm 1975. Là thành viên OECD từ năm 1964 nhưng bấy giờ Nhật Bản mới thực sự nằm trong thành phần chỉ đạo của tổ chức kinh tế tự do này.

Riêng đối với các thành viên EEC (The European Economic Community), kể từ khi có cuộc khủng hoảng dầu lửa, thặng dư mậu dịch của Nhật đối với họ càng tăng. Lý do của sự thặng dư đến từ việc Nhật Bản bảo vệ nông nghiệp của nước mình và việc những doanh nhân của họ đôi khi đã sử dụng chiêu thức bán hạ giá bất chính (dumping) một số mặt hàng như máy sao chụp, máy đo lường vv.. ở nước ngoài. Năm 1978-79, xảy ra một vụ lời qua tiếng lại phê phán lẫn nhau giữa một số viên chức ngành ngoại thương [27] và điều này làm cho EEC bực mình. EEC bèn ra lệnh khám xét nguồn gốc đích xác của các món hàng mang tiếng là nhập khẩu từ Nhật (thực ra được lắp ráp ở một nước thứ ba). Họ cũng đã đem những mối bất đồng ra trước cơ quan tài phán của tổ chức GATT để nhờ giải quyết. Thủ tướng Nakasone lúc ấy đã phải gửi Ngoại trưởng Abe Shintarô (cha của Thủ tướng Abe Shinzô) đến họp với họ tại Bruxelles nhằm giải tỏa vấn đề đang căng thẳng bằng cách chấp nhận tự hạn chế xuất khẩu 10 mặt hàng trong đó có ô tô, đài TV và máy ghi hình trên băng từ. Tuy nhiên thiện chí đó vẫn chưa đủ để xoá đi sự mất thăng bằng trong mậu dịch giữa hai bên.

May mắn là từ thập niên 1980, EEC đã xích lại gần hơn với Nhật Bản và có những kế hoạch hợp tác chung dưới hình thức góp vốn nửa anh nửa tôi (JV = Joint Ventures) và như thế, các nước Âu châu đã lần lượt đầu tư trực tiếp vào đất Nhật. Bên cạnh sự tiếp cận về mặt kinh tế, hai bên cũng tiến đến gần nhau trong lãnh vực chính trị, ngoại giao và văn hóa. Chẳng hạn Nhật đã bày tỏ sự ủng hộ lập trường của Âu châu chống lại sự can thiệp của Liên Xô ở Ba Lan (Poland) và A Phú Hãn (Afghanistan). Họ cùng nhau tẩy chay Thế Vận Hội Moscow, đồng thuận về một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp giữa Do Thái và Palestine. Năm 1980, hải quân của Tự Vệ Đội Nhật Bản đã thao diễn với hải quân Hoàng gia Anh, rồi qua năm 1983, đến lượt Hải quân Pháp. Giữa Nhật Bản và NATO cũng có sự liên lạc, trao đổi thường xuyên.

Trong lãnh vực văn hoá, tổ chức Japon Foundation (thành lập năm 1972) đã mở mang về phía Âu châu để giới thiệu ngôn ngữ và văn hoá Nhật Bản. Trước đây, phạm vi của JF hầu như hẹp hơn vì chỉ quan tâm đến Mỹ và các nước Đông Nam Á. Những người biết thưởng thức nghệ thuật cắm hoa (ikebana), trà đạo (sado) và văn hóa Thiền tông (Zen), võ thuật Nhật Bản (judo, aikido, karate, sumo) càng ngày càng đông đảo trên thế giới. Tháng 11/1973, Tôkyô được chọn làm nơi để mở Đại Học Liên Hiệp Quốc (University of the United Nations) và vào năm 1986, Nhật trở thành quốc gia chủ nhà tổ chức Hội mghị quốc tế chống khủng bố.

Đối với Liên Xô, quan hệ của Nhật Bản không được thông suốt cho lắm kể từ cuộc khủng hoảng dầu khí lần thứ nhất. Việc thương thuyết của họ về quyền khai thác trữ lượng dầu lửa và khí đốt ở vùng Siberia gặp phải khó khăn. Ngoài ra, Nhật Bản lại rút lui khỏi dự án làm một tuyến đường sắt thứ hai Xuyên-Siberia vì sợ làm mất lòng Trung Quốc. Đó là chưa kể những xung đột thường trực chung quanh quyền lợi về đánh cá cũng như việc Liên Xô từ chối thương thuyết trao trả lại các đảo miền Bắc Hokkaidô họ đã chiếm lấy năm 1945.Sự xung khắc càng gay go thêm khi nhà nước xã hội chủ nghĩa độc đảng ra đời ở Việt Nam (1975) và Hiệp ước Việt Xô (1978) được ký kết làm dễ dàng sự đi lại của Hải quân Liên Xô trong vùng biển Tây Thái Bình Dương cũng như việc cho phép tàu chiến Liên Xô tạm trú tại các cảng Cam Ranh và Đà Nẵng. Kể từ thập niên 1980, máy bay Liên Xô thường lượn trên không phận Nhật và Liên Xô đã xây cất 2 căn cứ quân sự trên đảo Kunashiri, đảo gần Nhật Bản nhất trong 4 đảo của vùng mà Nhật gọi là Hoppô ryôdo (Bắc phương lãnh thổ) họ đang đòi lại. Nhật cũng e sợ ảnh hưởng tinh thần của Liên Xô đối với giới trí thức và lãnh đạo tôn giáo ở các đảo Nam Thái Bình Dương và kể từ năm 1985, sự lan rộng của cuộc chiến tranh du kích của những phần tử có khuynh hướng thân Cộng ở Philippines.Trong khi đó, Gorbatchev ra tuyên bố tại Vladivostok ngày 28/07/1986 rằng khu vực Châu Á Thái Bình Dương có tầm quan trọng sống còn đối với Liên Xô và ông cũng đề nghị một sự hợp tác chặt chẽ giữa nước ông và tổ chức ASEAN.

Liên hệ thương mại Nhật-Xô không tiến triển gì thêm vào giữa thập niên 1970 mà lúc nào thặng dư cũng có lợi cho Nhật.Năm 1981, trao đổi hàng hoá với Nhật chiếm một tỷ lệ là 63,5% trong tổng số thương vụ của Liên Xô đối với vùng Viễn Đông, trong khi thương vụ với Liên Xô chỉ có 2% trong tổng số thương vụ của Nhật Bản. Tuy vậy, người ta cũng nhận ra rằng sự căng thẳng trong mối quan hệ ấy có dịu đi kể từ cuộc viếng thăm Tôkyô của Ngoại trưởng Edouard Chevardnadze vào năm 1986.

Trong tác phẩm Le nouveau monde sinisé (Khu vực văn hoá Hán mới) ra đời năm 1986, nhà nghiên cứu người Pháp Léon Vandermeersch đã cho rằng từ thập niên 1970, đã có một sự tiếp cận với tốc độ nhanh giữa các nước thuộc khu vực văn hoá chữ Hán: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Singapore.

Đối với Trung Quốc, Nhật Bản - như ta đã biết - từng ký kết được một hiệp ước hữu nghị vào năm 1978 sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh (1972) của Thủ tướng Tanaka Kakuei. Nhật Bản đã chần chờ rất lâu vì Trung Quốc đòi hỏi phải ghi vào đó điều khoản chống bá quyền (ám chỉ Liên Xô). Từ khi Đặng Tiểu Bình thực sự nắm quyền, Bọn Bốn Người (Tứ Nhân Bang) vào tù và Trung Quốc ngả về thể chế kinh tế thị trường (1982) thì quan hệ thương mại Nhật Trung phát triển rõ rệt, điển hình là các công cuộc góp vốn làm ăn chung kiểu JV (Joint Ventures). Hai bên lấp lửng về vấn đề Đài Loan để khỏi phương hại đến việc buôn bán. Riêng Trung Quốc thì tỏ ra ủng hộ Nhật trong việc đòi Liên Xô trả lại các đảo miền Bắc.

Tháng 3 năm 1982, để kỷ niệm 10 năm lập lại bang giao, Tổng bí thư Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) đã viếng thăm Tôkyô. Ba tháng sau, ông tiếp đón Thủ tướng Suzuki Zenkô tại Bắc Kinh. Tổng kết thành tích 10 năm cho ấy trao đổi thương mại đã tăng gấp 10 và du lịch đã tăng gấp 12. Bốn mươi hai tỉnh thành đã kết nghĩa với nhau. Năm 1983, Nhật ngữ đã được giảng dạy trong 90 đại học Trung Quốc. Ngoài ra, năm 1979, hai bên đã ký thêm một hiệp ước thương mại có hiệu lực đến năm 1990. Tuy nhiên vì gặp nạn lạm phát do chưa làm chủ được việc đổi mới trong kinh tế, phía Trung Quốc đã phải hủy nhiều hợp đồng mua nhà máy làm sẳn của Nhật khiến cho sự tin cậy của Nhật với họ có phần nào suy giảm.

Dù sao, năm 1993, Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại số một của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác số hai của Nhật, tuy đứng xa lắc sau Mỹ.

Các nước ASEAN ngày đó (Thái, Mã Lai, Indonesia, Singapore, Philippines) đã cung cấp cho Nhật Bản nguyên liệu và đồ chế biến với tổng ngạch là 56% những gì Nhật nhập cảng từ vùng Đông Á (1986). Kể từ năm 1985, vì đồng Yen quá mạnh (endaka) làm cho các nước vay nhiều nợ của Nhật phải gặp cảnh khó khăn.Về mặt chính trị, Nhật Bản ủng hộ các nước này vốn đang đối đầu với các nước theo khuynh hướng Cộng Sản, nhất là Thái Lan là quốc gia tiếp giáp địa lý trực tiếp với Campuchia. Thủ tướng Nakasone đã khẳng định điều này trong chuyến viếng thăm Đông Nam Á vào năm 1983.

Lịch bồi thường chiến tranh và tái lập bang giao Nhật - Á Châu

Bản chất bồi thường Quốc gia Năm tái lập bang giao Thời gian cung ứng Kim ngạch (100 triệu Yen)
Bồi thường đơn thuần (I) Phi luật tân 1956 1956-76 1.902,0
Như trên Nam Việt Nam

(VNCH)

1959 1960-65 140,4
Như trên Indonesia 1958 1958-70 803,1
Như trên Miến Điện (Myanmar) 1965 1955-65 720,0
    Kim ngạch (I)   3.565,5
Viện trợ kinh tế không phải hoàn lại (II) Lào 1958 1959-65 10
Như trên Campuchia 1959 1959-66 15
Như trên Thái 1962 1962-69 96
Như trên Miến Điện (Myanmar) 1965 1965-77 473,4
Như trên Nam Hàn

(Hàn Quốc)

1965 1965-75 1020,9
Như trên Mã Lai 1967 1968-72 29,4
Như trên Singapore 1967 1968-72 29,4
Như trên Micronesia 1969 1972-76 18,0
    Kim ngạch (II)   1.692,1
    Tổng ngạch   5.257,6

Chú: Các nước không đòi bồi thường có Mỹ, Anh, Ấn Độ, Úc, Hà Lan, Liên Xô, Trung Quốc, Đài Loan. Nguồn tài liệu: Nihonshi Zuroku, Yamakawa xuất bản.

Đối với Hàn Quốc thì quan hệ Nhật Hàn bao giờ cũng tế nhị do những phức tâm lịch sử sinh ra từ lâu đời giữa hai nước nhất là dư vị chua chát của những năm người Nhật đô hộ đất nước Hàn (1910-1945). Theo một cuộc trưng cầu ý kiến vào năm 1985, hãy còn trên 50% người Hàn tuyên bố "ghét Nhật" trong khi đa số người Nhật chê rằng người Hàn "quá nhạy cảm". Trong những năm cuối thời Shôwa này, mậu dịch Nhật Bản vẫn còn có thặng dư đối với Hàn và người Hàn phê bình Nhật Bản không chịu "chuyển giao công nghệ" (transfer of technology) có lẽ vì sợ bị Hàn đuổi kịp và quật ngược. Trong giới chính trị Nhật Bản, lại có những tiếng nói hô hào nên đồng thời phát triển những mối quan hệ thương mại với cả Bắc Triều Tiên.

Tiết 3 - Shôwa khép lại - Heisei mở ra: 
3.1 Chuyển tiếp giữa Shôwa và Heisei:

Ngày 19 tháng 9 năm 1988, dưới thời Thủ tướng Takeshita (nhiệm kỳ 11/1987 - 6/1989), các phương tiện truyền thông đã loan tin Thiên hoàng Shôwa (Hirohito) lâm trọng bệnh (ung thư đường ruột) và thổ huyết.Từ đó cho đến ngày 7 tháng 1 năm sau (1989), lúc thiên hoàng từ trần, người dân Nhật sống trong lo lắm thấp thỏm. Khi ông mất đi rồi, mọi sinh hoạt hầu như ngưng lại một thời gian bởi vì tình cảm sùng bái thiên hoàng vẫn còn in sâu trong tâm thức người dân bình thường. Cái chết của ông đánh dấu việc chôn cất một quá khứ vốn có hai giai đoạn với những ấn tượng hoàn toàn đối nghịch.

Shôwa (Chiêu Hòa) có nghĩa là "hòa bình rạng rỡ" (radiant peace), vốn đến từ câu "bách tính chiêu minh, vạn bang hiệp hòa", chữ trong Nghiêu Điển sách Thượng Thư. Thế nhưng, theo kết quả điều tra của NHK thì khi nhắc đến Shôwa thì 26% người Nhật nghĩ ngay đến... chiến tranh. Chỉ có 11,4% liên tưởng đến hòa bình và tự do, 10,7% nghĩ đến phát triển kinh tế cao độ. Nói về ấn tượng của giai đoạn Shôwa tiền chiến, người ta nhắc đến "sự bi thảm của chiến tranh" (43, 1%), "cái khủng khiếp của chủ nghĩa quân phiệt" ( 37,8%), "tình liên đới giữa láng giềng chòm xóm" (34,6%), "cảnh đói khát bần cùng" (26,6%), "sự vô nghĩa khi phải hy sinh tính mạng cho thiên hoàng" ( 21,6%). Còn như Shôwa hậu chiến thì nó đã đem lại cho họ hình ảnh "những món đồ gia dụng chạy bằng điện và cuộc sống tiện lợi" (80,0%), "niềm vui được đi du lịch và có những thú tiêu khiển" (57,9%) nhưng cũng tạo ra khó khăn như đưa "giá mặt bằng lên cao" (51,0%), "gây ô nhiễm và phá hoại môi sinh" (50,5%).


Thiên hoàng Shôwa (Hirohito, tiền chiến và hậu chiến)

Thời Shôwa (1926-1989) dài hơn cả hai thời Meiji (45 năm) và (15 Taishô năm) cộng lại và Nhật Bản đã sống qua nhiều biến động nên rất phong phú sự kiện. Tuy nhiên ấn tượng rõ nhất là thời tiền chiến với ngòi lửa chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và chính trị quân phiệt, thời hậu chiến là nền hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana) cũng như sự phát triển kinh tế cao độ trước khi những cú "sốc" kinh tế và chính trị ùa tới.

Thời kỳ Heisei đã bắt đầu với rất nhiều khó khăn khi mà vận mệnh của Nhật Bản càng ngày càng gắn liền với những biến chuyển trên thế giới. Chẳng hạn Cuộc chiến tranh vùng vịnh năm 1990. Mượn cớ Kuwait phá hiệp định OPEC và tăng gia sản xuất dầu thô, Irak đã xua quân vào nước này và gặp phải phản ứng của chính quyền Bush Senior nước Mỹ. Chính phủ Kaifu đã phải hưởng ứng Tổng thống Bush Senior và có những chế tài kinh tế đối với Irak. Cùng lúc, Nhật Bản cũng chi viện chiến phí cho Mỹ trong cuộc chiến tranh với Irak và không ngừng bị đòi hỏi đóng góp nhân lực vào hoạt động của đội quân duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc (PKO = Peace Keeping Operations).

Năm 1990, cũng là năm nền kinh tế bong bóng (bubble economy) chủ yếu dựa trên đầu cơ giá cổ phiếu và giá nhà đất bị vỡ toang như một bọc ung nhọt đã chín muồi. Người ta bảo "nếu bán đất cát Tôkyô vào năm đó thì sẽ có đủ tiền mua được toàn thể nước Mỹ" [28] . Từ đó giá đất đã hạ xuống liên tiếp trong vòng 10 năm (1991-2001) và gây ra sự hủy hoại của hệ thống ngân hàng tài chánh vốn nhận trách nhiệm xuất vốn cho việc giao dịch bất động sản. Đặc biệt sự xử lý những món nợ xấu (bad debts) của các tổ chức "phi ngân hàng" (non bank) gọi là Jusen (Trú chuyên) xưa nay vẫn chuyên môn chạy theo việc cho khách hàng vay tiền để mua nhà đất (trú), nay không được khách trả lại và việc này thường được khám phá ra quá trễ. Theo điều tra vào năm 2001 thì trong khi tỷ lệ nợ xấu ở Mỹ là 3,9% GDP của nước họ thì ở Nhật, nó lên đến 11,9%. Nhưng làm thế nào để giải quyết mà không phải sử dụng tiền thuế của dân! Những hãng chứng khoán và ngân hàng như Nomura, Daiwa, Yamaichi, Nikko cũng bị mất tín nhiệm vì bù lỗ một cách vô lý cho các nhà đầu tư lớn (1991) hay bị bắt ép phải thỏa hiệp với các thế lực xã hội đen (1997). Chứng khoán Yamaichi sau đó phải ngưng hoạt động (1997) và Ngân hàng tín dụng dài hạn Chôgin phá sản (1998)

Heisei cũng là thời điểm ngôi vị cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới của Nhật bị Trung Quốc đoạt lấy. Nhắc đến thời Heisei, người ta thường nói đến "thời của giảm phát triền miên" và "mười năm đánh mất" (the lost decade).

3.2 Chính trị Nhật Bản đầu đời Heisei (từ 1989):

Người kế nhiệm Takeshita là Thủ tướng Uno Sôsuke (Vũ Dã, Tông Hựu, 1922-1998) [29], nguyên Tổng trưởng ngoại giao của ông, cũng không tại chức (1989) được lâu vì Jimintô đã bị thảm bại trong kỳ tuyển cử thượng viện cùng năm. Kỳ đó, người ta chứng kiến có một đợt "sóng hồng" khi Đảng Xã Hội giành được 35% số phiếu.

Thủ tướng Kaifu Toshiki (Hải Bộ, Tuấn Thụ, sinh năm 1931) thuộc phái Kawamoto lên thay. Đây là một lựa chọn bất ngờ. Có lẽ cũng như Suzuki Zenkô, Kaifu là ứng cử viên được thắng cử do sự thỏa hiệp của các phe nhóm. Tuy nhiên, ông là thủ tướng đầu tiên sinh ra vào thời Shôwa và đem lại cho chính trường Nhật Bản hình ảnh trẻ trung hiếm có.

Sau hai năm rưỡi tại chức, năm 1991 (Heisei 3), Kaifu không được phái Takeshita ủng hộ nữa vì ông đã dám đưa ra một tu chính án về luật bầu cử. Ông phải nhường chỗ cho Miyazawa Kiichi (Cung Trạch, Hỷ Nhất, 1919-2007) [30], một chuyên gia về tài chánh trong đảng. Lúc đó, nhiều nhân vật từng bị mang tiếng tham nhũng như Kanemaru (phái Takeshita) lại lục tục quay lại chính trường. Thế nhưng hai chuyện ô danh trong quan hệ giữa họ với hãng giao hàng nhanh Tôkyô Sagawa (Sagawa Takyuubin) và hãng thầu xây cất Zenekon (General Contractor) bị lộ tẩy khiến cho quốc dân mất hết tin tưởng vào đảng cầm quyền. Trước đó, phải nói rằng nội bộ Jimintô đã bị phân liệt thường xuyên do nạn bè phái. Qua kỳ tuyển cử năm 1993 (Heisei 5), Jimintô không nắm được quá bán số ghế trong quốc hội. Lần đầu tiên, Jimintô trở thành đảng đối lập. Ngôi vị Chủ tịch Quốc hội rơi vào tay bà Doi Takako của Đảng Xã hội. Tiền bạc cũng như sự lũng đoạn chính giới bởi những nhà kinh doanh, xã hội đen và các chính trị gia đã làm cho tổ chức Jimintô đi đến cảnh tan vỡ.


Ba thủ tướng cuối cùng của thể chế 55: Uno Sôsuke, Kaifu Toshiki và Miyazawa Kiichi

Cuối cùng, 8 đảng phái phi-Jimintô (ngoại trừ Đảng Cộng Sản) đã liên hiệp với nhau để đưa Hosakawa Morihiro (Tế Xuyên, Hộ Hi, sinh năm 1938) lên làm thủ tướng thứ 79 của Nhật Bản, chấm dứt 38 năm cầm quyền liên tục của Jimintô. Như thế cái gọi là Thể chế 1955 (Thể chế 55) coi như đã sụp đổ.
 

Danh sách các thủ tướng từ sau Thể chế 1955 đến cuối thế kỷ 20
Tên họ Thành viên Bắt đầu Chấm dứt  Đặc điểm
Hosokawa Morihiro Nhật Bản Tân Đảng 08/1993 04/1994 Liên hiệp 8 đảng phái ngoài Jimintô.
Hata Tsutomu Tân Sinh Đảng 04/1994 06/1994 Liên hiệp 8 đảng phái ngoài Jimintô.
Murayama Tomi.ichi Đảng Xã hội 06/1994 01/1996 Liên hiệp 3 chính đảng chủ trương cải cách.
Hashimoto Ryuutarô Đảng Tự do dân chủ (Jimintô) 01/1996 07/1998 Liên hiệp giữa 3 đảng bảo thủ và cách tân.

Hai lần lập nội các.

Obuchi Keizô Đảng Tự do dân chủ (Jimintô) 07/1998 04/2000 Nội các thuần nhất Jimintô. Mất vì bạo bệnh khi đang tại chức

Chủ tịch Nhật Bản Tân Đảng (Nihon shintô) - một đảng mới được lập ra năm 1992 - là Hosokawa Morihiro ("Kennedy Nhật Bản") và người kế vị ông, là Hata Tsutomu, Đảng trưởng Đảng Tân Sinh (Shinseitô), không giữ nổi chính quyền non trẻ với tham vọng cải cách của các ông được bao lâu (1993-1994). Hai nội các đều mong manh vì là nơi kết hợp của 8 chính đảng phi-Jimintô. Hosokawa làm thủ tướng được 6 tháng và Hata chỉ được 2 tháng. Hosokawa phải từ chức sau khi cá nhân mình lại bị tình nghi có dính vào vụ vay tiền hãng Sagawa-Kyuubin trong khi ông có tiếng là người trong sạch. Hata thì lèo lái chính trị một cách khó khăn sau khi 2 đảng trong nhóm liên hiệp là Đảng Xã hội và Sakigake (Tiền vệ, đường lối trung dung) rút lui. Ông bị quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 6/1994. Nếu vào năm 1989, có 20% người Nhật cho mình không nhìn nhận mình theo một chính đảng nào cả thì ở thời điểm 1994, tỷ lệ bất tín nhiệm ấy đã lên đến 42%.

Cũng phải nhấn mạnh đến một đặc điểm của chính trị Nhật Bản trong giai đoạn này- dù với Hosokawa hay Hata - là bên trong những kế hoạch lập đảng và thương lượng dựng chính phủ liên hiệp đều có bàn tay của Ozawa Ichirô, người được coi như đứa con tinh thần của Kanemaru và cũng là kẻ thừa kế Takeshita. Ông giỏi về tổ chức đảng và là một chiến lược gia về tuyển cử. Trong những nằm gần đây, ông cũng đã thành công trong việc đưa đảng Dân chủ lên nắm chính quyền (2009-2012) cho dù chính quyền đó cũng như những lần trước đều non yểu.

Để liên kết với phái hữu (một phân nhánh của Jimintô thoát ly thành Nihon Shintô), Đảng Xã hội đã công bố "Hiến chương 93" trong đó họ nhìn nhận tính chất hợp hiến của Jieitai (Tự Vệ Đội, FAD). Sự đi thụt lùi này so với lập trường họ đã lấy lập được một chính quyền liên hiệp gồm 3 chính đảng lớn trong đó có Jimintô. Jimintô ủng hộ ông vì họ không muốn thấy Ozawa - một người đã ly khai Jimintô - ra chấp chánh. Bị ném ra ngoài, Ozawa đã vận động để kết hợp các đảng nhỏ để thành lập Shinshintô (Tân Tiến Đảng) vào tháng 12 năm 1994. Đảng này có đến 214 ghế trong quốc hội, trở thành đảng mạnh thứ hai chỉ sau Jimintô. Chính trị đời Heisei có gì giống như cấu trúc hai tầng (nijuu kôzô) như thời các gia đình Fujiwara (Heian) và Hôjô (Kamakura). Chẳng hạn trường hợp cựu thủ tướng Tanaka Kakuei, sau nhiều nằm xa lánh chính trường, vẫn là một vị Shôgun nấp sau bức màn (Shadow Shôgun). Vai trò giật giây lãnh đạo (kingmaker) của Ozawa trong giai đoạn này xem ra cũng tương tự tuy không có cùng một tầm cỡ.

Với Murayama Tomiichi (Thôn Sơn, Phú Thị), đây là lần đầu tiên kể từ năm 1947, một đảng viên Đảng Xã hội ra giữ chức thủ tướng. Chính quyền của ông dựa trên sự liên hiệp cả 3 đảng. Murayama đã khá cực nhọc để giảng hòa các thành viên nội các bởi lẽ lý tưởng chính trị của họ không giống nhau. Để tham dự chính quyền, Đảng Xã hội mà ông lãnh đạo đã tỏ ra vô cùng nhu nhuyễn. Họ phải thay đối quan điểm của họ về những vấn đề then chốt như Hiệp ước Anpo, lực lượng Tự vệ đội và thuế tiêu thụ. Đó là chưa kể việc chấp nhận trở lại quốc kỳ (Hinomaru) và quốc ca (Kimigayo) mà họ cho rằng có dính dấp với một dĩ vãng không tốt. Trong thời Murayama nắm chính quyền, đã xảy ra vụ động đất lớn ở Kôbe (gọi là Hanshin-Awaji) (1/1995) và vụ rãi chất độc Sarin (3/1995) là hai biến cố quan trọng trong xã hội. Ông đã từ chức để lòng người khỏi phải chia năm xẻ bảy và trao chính quyền lại cho Chủ tịch mới của Jimintô là Hashimoto Ryuutarô (Kiều Bản, Long Thái Lang) vào tháng 1/1996.

Bốn thủ tướng thời chính phủ liên hiệp: 
Hosokawa, Hata, Murayama và Hashimoto

Nội các Hashimoto vẫn là một chính quyền liên hiệp gồm 4 đảng nhưng có màu sắc bảo thủ nhiều hơn cách tân. Cán cân chính trị như vậy đã ngả về phiá hữu thêm một lần nữa. Với tinh thần quốc gia của người Nhật, chính phủ Hashimoto đặt mục tiêu là kiếm được một ghế ngồi thường trực trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Ông đã dẫn dắt Jimintô đến chiến thắng trong kỳ tuyển cử tháng 10/1996 nhưng với một tỷ lệ cử tri tham dự ít ỏi. Có đến 40% không đi bầu và đây là một tỷ lệ bất tham gia lớn nhất kể từ thời Thế chiến thứ hai. Các đảng khác như Sakigake, Xã Hội (đổi tên thành Dân Xã) và Tân Tiến đều bị thối lui.

Thời Hashimoto nắm quyền (1996-98), ông đã ban hành đạo luật xử lý các công ty Jusen (6/1996), tăng thuế tiêu thụ từ 3% lên 5% (4/1997) và ban hành đạo luật cải tổ tài chánh (11/1997). Sau khi đảng Jimintô của ông thất bại trong kỳ bầu cử thượng viện, nội các đã tổng từ chức.

Theo Nakamura Masanori [31], Nội các Hashimoto chủ yếu là một nội các tăng thuế. Ông đã thu được 5 chô (trillion) từ việc tăng 2% thuế tiêu thụ, 2 chô từ việc ngưng các biện pháp giảm thuế và 2 chô từ việc tăng phụ đảm ý tế cá nhân, tổng cộng lên tới 9 chô Yen. Bằng những biện pháp cải cách tài chính, ông còn nhắm việc hạ mức thâm thủng tài chánh địa phương xuống dưới 3% GDP và sẽ không phát hành quốc trái bù lỗ ngân sách nữa ở thời điểm 2003. Chính vì vào năm 1997, Nhật Bản là một nền kinh tế sống dựa vào quốc trái nhiều hơn hết trong các quốc gia tiên tiến (254 chô, tương đương với 90% GDP) trong khi Anh, Mỹ, Đức, Pháp, mức nợ của nhà nước chỉ có trước sau 60% GDP. Bình quân dân Nhật mỗi người đã phải gánh cho nhà nước 2.020.000 Yen nợ. Chính sách siết chặt tài chánh của Hashimoto tuy đầy thiện chí nhưng có lẽ không đúng thời điểm nên đã làm cho kinh tế Nhật Bản suy thoái. Nhân đó, Nhật Bản mất hết sinh khí trong một thời gian dài. Vào năm 2001, Hashimoto, lúc ấy là cựu thủ tướng và ứng cử viên chức chủ tịch đảng Jimintô, đã công nhận đó là một sai lầm về chính sách của ông.

Thủ tướng Hashimoto còn muốn chữa chạy một căn bệnh khác của chính trị Nhật Bản là bệnh quan liêu (bureaucracy). Ông muốn chính phủ theo gương các xí nghiệp cải tổ nội bộ (restructuration) để thích ứng với sự quốc tế hoá. Hashimoto dự định giảm số bộ, nha, sảnh xuống còn phân nửa nhưng ở Kasumigaseki - khu vực hành chánh trung ương của nhà nước giữa thành phố Tôkyô - người ta ù lì hơn ông tưởng. Các công chức tỏ ra không sẳn sàng cho lắm để thực hành chính sách được đề ra.

Thủ tướng Obuchi Keizô kế nhiệm Hashimoto, tại vị gần hai năm (1998-2000). Ông qua đời vì bạo bệnh trong lúc đang thi hành công vụ. Dưới thời ông, lúc đầu chỉ có Đảng Jimintô cai trị đơn độc nhưng từ tháng 10/1999, đã thấy có thêm sự hợp tác của Đảng Kômeitô. Mục đích của nội các Ôbuchi là hồi sinh một nền kinh tế Nhật Bản suy yếu triền miên kể từ khi bong bóng kinh tế vỡ.

Đến đây, thế kỷ 20 khép lại và chính trị Nhật Bản được trao lại cho Thủ tướng Mori Yoshirô, một người vững chãi, được tổ chức tin cậy để kết nối nội bộ trong buổi giao thời nhưng không phải là nhà lãnh đạo có chính sách đặc biệt hay hấp dẫn quần chúng.

Tiết 4 - Chính trị Nhật Bản đầu thế kỷ 21.
Các nhân vật giật dây chính trị hậu trường Jimintô đã chọn Thủ tướng Mori Yoshirô tạm thời thế vào chỗ Obuchi, người đột ngột qua đời vào tháng 4 năm 2000. Mori hai lần lập nội các trong thời gian ngắn ngủi là một năm (2000-2001). Vẫn là một chính quyền liên hiệp giữa Jimintô và Kômei nhưng có thêm sự có mặt của Đảng Bảo thủ (Hoshutô). Ông tiếp tục kế thừa chính sách của người tiền nhiệm nhưng đáng tiếc là tình hình tài chánh nhà nước vẫn không chút cải thiện, bản thân ông lại đánh mất sự ủng hộ của dư luận nên đã phải từ chức.

Người Nhật nhân đó đã đặt hy vọng lớn vào Koizumi Jun.ichirô, chính trị gia đã quả quyết "chẳng có vùng đất thánh nào thoát khỏi sự cải cách", "sẽ cải tổ Jimintô cho dầu phải đập nát nó" ... nghĩa là không để cho các phe nhóm trong đảng tiếp tục giành giật ảnh hưởng, chia chác ghế tổng trưởng và quyền lợi với nhau như trước. Nội các của ông vẫn phát xuất từ một liên hiệp 3 đảng. Chỉ có cái khác là Đảng Bảo thủ trước kia nay đã đổi tên thành Tân Bảo thủ.


Ba Thủ tướng Jimintô Obuchi Keizô, Mori Yoshirô và Koizumi Jun.ichirô

Koizumi giữ được chính quyền khá lâu (2001-2006). Năm năm đó phải nói là một khoảng thời gian dài đối với cái bấp bênh của địa vị một thủ tướng Nhật. Koizumi đã thực hiện được một số chuyện quan trọng như tư doanh hóa bưu điện (10/2005) và tổng cục cầu đường, ra tuyên ngôn chung với Chủ tịch Gim Jong Il (Kim Chính Nhật) ở Bình Nhưỡng (9/2002) cũng như đem được một số người bị Bắc Triều Tiên bắt cóc trở về. Ông cũng khéo léo đi đôi với Mỹ, từng công bố đạo luật chống khủng bố (11/2001) tức khắc ngay sau biến cố hai tòa nhà World Trade Center ở Manhattan (New York) và gửi Jieitai Nhật Bản sang Irak với mục đích dân sự (1/2004). Ông là mẫu người đứng ngoài khuôn phép (henjin), biết thi hành chính trị thực tiễn nhưng không khỏi có lúc bị phê bình là hay chuộng những "cú ngoạn mục" (performance).

Koizumi có vẽ thỏa mãn về thành tựu chính trị đạt được nên đã không ra ứng cử tiếp nhưng thực ra, ông chỉ ra đi đúng lúc. Koizumi đã thi hành một chính sách "chính phủ nhỏ", phó thác kinh tế cho thị trường tự điều chỉnh. Thế nhưng những kẻ yếu (loosers) trong xã hội không còn được che chỡ và cái pha lệch giữa hai tầng lớp giàu nghèo càng lộ rõ hơn. Từ khoá của thời kỳ Koizumi chằng phải là Jiko sekinin (ai cũng phải có trách nhiệm đối với bản thân) là gì?

Koizumi rời chính trường tháng 9 năm 1996 sau khi dọn đường cho một "hoàng tử" của Jimintô là Abe Shinzô. Thủ tướng Abe là con trai cựu ngoại trưởng Abe Shintarô và cháu ngoại cựu thủ tướng Kishi Nobusuke. Ông trẻ trung, thông minh, dễ gây thiện cảm nhưng nổi tiếng là có lập trường quốc gia cứng rắn. Abe vẫn đi theo con đường liên hiệp Jimintô-Kômeitô (vì lúc đó Đảng Tân Bảo thủ đã đánh mất địa vị của họ). Ông kế thừa chính sách của Koizumi và đưa ra tiêu đề "Xây dựng một nước Nhật tươi đẹp" (Utsukushii Nihon). Abe có vài cải tổ trong chiều hướng bảo thủ như đưa Jieichô (Tự vệ sảnh) lên thành Kokubôshô (Quốc Phòng tỉnh) nghĩa là cho một tổ chức từ nha sở lên hàng bộ. Vì vấn đề sức khoẻ và một vài sự bất nhất trong hàng ngũ, ông đã từ chức sớm hơn dự tưởng.


Ba thủ tướng thời Jimintô suy thoái: Abe Shinzô, Fukuda Yasuo, Asô Tarô

Người kế nhiệm ông là Fukuda Yasuo, con trai cựu Thủ tướng Fukuda Takeo. Người cha là nhà chính trị lão luyện, một trong tứ trụ của thể chế 1955 (Gogo taisei) cùng với Satô, Tanaka và Miki... Con nhà nòi nhưng Fukuda Yasuo không phải là chính trị gia chuyên nghiệp. Ông từng sống, làm việc nhiều năm trong giới kinh doanh, kỹ nghệ. Tính ôn hòa, trầm tĩnh, ông nhắm mục đích tạo nên một đất nước mà người dân có thể sống trong sự yên tâm và hy vọng. Tuy nhiên Fukuda tại chức chỉ có mỗi một năm (2007-2008), rồi đột ngột ra đi, có lẽ vì từ bên trong nội bộ Jimintô, đã có những triệu chứng phân rẽ và mệt mỏi.

Sau đó, thủ tướng Asô Tarô - cháu ngoại của Thủ tướng Yoshida Shigeru và anh em họ với Abe Shinzô - cũng chỉ giữ chức vụ được mỗi một năm. Ông coi trọng chính sách chấn hưng kinh tế nhưng tình hình phân liệt trong nội bộ đảng Jimintô đã dẫn đến sự thảm bại trong kỳ tuyển cử hạ viện năm 2009 khiến cho chính quyền Jimintô -Kômeitô rơi vào tay đảng Dân chủ (Minshutô).

Hatoyama Yukio, cháu nội của cựu thủ tướng Hatoyama Ichirô (chủ tịch đầu tiên của Đảng Jimintô), là kẻ chiến thắng, lên làm Thủ tướng nhưng với tư cách là chủ tịch Đảng Dân chủ (Minshutô) đối lập. Tuy nắm được rất nhiều ghế trong quốc hội, nội các của ông vẫn là một nội các liên hiệp với sự góp mặt của một số đảng nhỏ. Chính phủ ông đã có sáng kiến lập ban kiểm tra để rà soát các khoản chi tiêu của chính phủ từ trước đến nay. Mục đích của nó dĩ nhiên là hợp lý hóa chi phí công cộng nhưng có ý kiếm thêm nguồn tiền để chi cho những món trợ cấp xã hội mà đảng của ông đã hứa hẹn (khá táo bạo) với quốc dân. Nhân vì không đào đâu ra tiền để thực hiện lời hứa yuuai (hữu ái) như trong tuyên ngôn chính trị (Manifesto) thời tranh cử và không đủ sức giải quyết vấn đề di chuyển căn cứ quân sự của Mỹ khỏi Okinawa, nội các của ông đã mất uy tín và phải rút lui sau khi chưa ngồi được ấm chỗ (9/2009-6/2010). Thủ tướng Kan Naoto, một nhà vận động xã hội dân sự có tên tuổi, lên thay thế Hatoyama. Ông ở lại địa vị này lâu hơn một chút (6/2010-9/2011) nhưng xui cho ông, vì không khéo xử lý việc đối phó với trận động đất lớn ở vùng Đông Bắc và vụ rò rĩ phóng xạ lò nguyên tử Fukushima, mức tín nhiệm của quần chúng đối với ông và đảng ông rơi xuống rất thấp. Tiếp tục việc làm của ông, thủ tướng Noda Yoshihiko cũng chỉ tại chức được hơn một năm (9/2011-12/2012) trước khi đảng Dân chủ bị đại bại trong cuộc tuyển cử hạ viện (rồi cả thượng viện sau này vào tháng 7/2013), nhường chính quyền lại cho Thủ tướng Abe Shinzô của Jimintô, người vừa tuyên bố đã phục hồi sức khoẻ và sẳn sàng đứng mũi chịu sào một lần thứ hai.

Đảng Dân chủ có thể nói đã " phản bội" niềm hy vọng dân chúng đặt nơi mình. Sau khi nắm được chính quyền, một cơ may hiếm có, họ đã tỏ ra thiếu nhất quán, không nắm vững hồ sơ, có khi như thể chưa quen với việc lãnh đạo dù trong hàng ngũ có nhiều phần tử trí thức ưu tú và trẻ trung. Nhân việc cựu đảng trưởng Ozawa Ichirô bị đưa ra tòa vì bị tố cáo lạm dụng quĩ dành cho bầu cử (mà ông may mắn được trắng án), cũng như cảnh xâu xé nội bộ đã dẫn đến sự ly khai khỏi đảng của đông đảo nghị sĩ. Cuối cùng, Đảng Dân Chủ phải gánh lấy đại thảm họa chính trị như đã trình bày và người ta tự hỏi không biết đến bao giờ họ mới phục hồi được lòng tin của cử tri.


Ba thủ tướng Đảng Dân Chủ: Hatoyama Yukio, Kan Naoto và Noda Yoshihiko

Hiện thủ tướng Abe Shinzô đang thực hiện một loạt chính sách mà báo chí dí dỏm gọi là Abenomics hòng đưa Nhật Bản thoát ra tình trạng giảm phát với một đồng Yen cao giá chưa từng có, rất bất lợi cho một quốc gia sống bằng xuất khẩu. Có vài chứng cứ cho thấy dân chúng và thị trường cổ phiếu đang ủng hộ ông nhưng không biết "tuần trăng mật " này sẽ kéo được đến bao giờ nếu mức sống người dân tiếp tục bị khó khăn vì chính sách đẩy lạm phát lên 2% của chính quyền ông, trong khi để giữ thế quân bình, vẫn chưa thấy có triệu chứng nào về khả năng gia tăng thu nhập của giới lao động.
 

Danh sách các thủ tướng những năm đầu thế kỷ 21
Tên họ Thành viên Bắt đầu Chấm dứt Đặc điểm
Mori Yoshirô Jimintô 04/2000 04/2001 Liên hiệp Jimintô, Kômeitô và Bảo thủ
Koizumi Jun.ichirô Jimintô 04/2001 09/2006 Jimintô, Kômeitô và Bảo thủ tân đảng. Ba lần liên tiếp lập nội các.
Abe
Shinzô
Jimintô 09/2006 09/2007 Liên kết giữa Jimintô và Kômeitô
Fukuda
Yasuo
Jimintô 09/2007 09/2008 Jimintô và Kômeitô
Asô
Tarô
Jimintô 09/2008 09/2009 Jimintô và Kômeitô
Hatoyama
Yukio
Đảng Dân chủ 

(Minshuutô)

09/2009 06/2010 Dân chủ, Xã hội và Quốc dân tân đảng
Kan
Naoto
Đảng Dân chủ 06/2010 09/2011 Dân chủ và Quốc dân tân đảng
Noda
Yoshihiko
Đảng Dân chủ 09/2011 12/2012 Dân chủ và Quốc dân tân đảng
Abe
Shinzô
Jimintô 12/2012 đương nhiệm Jimintô và Kômeitô. Lập nội các lần thứ hai.
Tiết 5 - Xã hội Nhật Bản đầu đời Heisei (1989 đến nay):

Thiên hoàng Heisei (Akihito)

Những vấn đề nổi bật kể từ đầu đời Heisei trong lãnh vực xã hội trước tiên là việc sửa đổi một số luật lệ liên quan đến nhân quyền như Luật về việc sử dụng (Jumin kihon daichôhô, 1999) cũng như bảo vệ thông tin cá nhân (Kojin jôhô hogohô, 2003). Sau đó đến lượt các đạo luật để quản lý tình trạng an ninh khẩn cấp mà họ gọi là lúc hữu sự (Yuuji hôtaisei) như khi có thiên tai (động đất ở Hanshin Awaji năm 1995, rò rĩ lò phát điện hạt nhân Tôkaimura năm 1999), khủng bố (rãi thuốc độc sarin do giáo phái Aoum năm 1995) hay tấn công vũ trang (ảnh hưởng quốc tế của vụ tấn công đồng loạt hai tòa nhà chọc trời ở New York năm 2001) . Mục đích của nó là giúp cho xã hội được an định, sự hợp tác về phòng thủ của hai bên Nhật Mỹ được thông suốt nhưng phải nói nó cũng đã đề cập đến những vấn đề nhạy cảm của người dân: khả năng nghe lén điện thoại hay giới hạn tự do báo chí.

Thứ đến phải thấy rằng có sự băng hoại của giai cấp trung lưu. Nó vốn là nền tảng của xã hội Nhật Bản mà lý tưởng là sự hòa điệu trong nhường cơm xẻ áo. Những từ khóa Nhật Bản của thời gian này là karyuu shakai (hạ lưu xã hội, the lower classes) và kakusa shakai (cách sai xã hội, society of disparities). Từ trên nói về một xã hội bị bần cùng hoá và từ dưới nói về một xã hội phân cực giàu nghèo rõ rệt. J. Kingston đưa ra con số thống kê năm 2007: tỷ lệ người nghèo (thu thập dưới 2 triệu Yen mỗi năm) ở Nhật là 15,7 triệu người hay 29% dân số [32]. Sự chênh lệch như thế đã tạo thành một nổi bất an của thời đại Heisei.

Nét nổi bật khác của xã hội thời này là khuynh hướng độc lập và cá nhân càng ngày càng rõ rệt của giới trẻ cũng như sự giải phóng của phụ nữ. Giới trẻ không còn chỉ nổi loạn trước xã hội người lớn, những salaryman chỉ biết chăm chỉ làm việc và sợ điều tiếng trước xã hội. Người trẻ đi tìm cái độc đáo của bản thân (jibun rashisa) và của thế hệ mình. Có người còn muốn trở thành trong suốt (tômei) để không ai nhìn thấy. Phản ứng đó một phần cũng là vì tình hình kinh tế đã khiến cho những việc làm chính thức, hưởng lương tới già (seishain), không bao giờ bị đổi hãng trở thành hiếm hoi, làm cho con người sống vật vờ hơn. Người ta tính ra có đến 2 triệu freeter [33] và 500 nghìn neet[34], những kẻ hoặc không có công việc ổn định hoặc không cần có nó. Hình thức enjô kôsai (giao du và nhận viện trợ) của người lớn tuổi cũng là một hiện tượng thấy trong giới con gái trẻ. Nó đứng mấp mé giữa mãi dâm và hành vi lương thiện. Còn như phụ nữ thì việc ngoại tình, đồng tính luyến ái, sự từ chối làm công việc nội trợ hay nuôi con... đã không còn là những hành vi động trời như xưa nữa. Huyền thoại người phụ nữ Nhật Bản chỉ biết chiều chồng thương con, trông nhà trông cửa mà chúng ta biết đã tan vỡ cả rồi.Theo Ogura Chikako [35] thì những người con gái của thời đại Heisei không còn chọn chồng theo "tiêu chuẩn 3 Kô" (Sankô shuugi = Chủ nghĩa 3 Cao) là " thân cao" (kô shinchô), ""học cao" (kô gakureki) và "thu nhập cao" (kô shuunyuu) như thế hệ đàn chị. Tiêu chuẩn hiện thời mang tên "3C": biết cung cấp tiện nghi vật chất (confortable), biết thông cảm (communicative) và biết chia sẻ cực nhọc (cooperative).

Những mẫu anh hùng của thời đại này có thể vẫn là các nhà khoa học lãnh giải Nobel như Tanaka Kôichi (2002), Masukawa Toshihide (2008), các phi hành gia không gian như Môri Mamoru (1992), Mukai Chiaki (1994) nhưng lại có thể là các tuyển thủ dã cầu như Nomo Hideo, Matsuzaka Daisuke hay bóng đá như Honda Keisuke, Kawaga Shinji, chạy đường trường như Takahashi Naoko...

Văn chương nghệ thuật

Văn học lúc đó được đánh dấu bằng sự phát triển của khuynh hướng cá nhân, vai trò nổi bật của các nhà văn nữ và tính quốc tế trong một viễn tượng xoá biên cương.

Người ta ít còn nhắc đến Tanizaki, Kawabata, cả Mishima lẫn Ôe. Họa chăng Murakami Haruki (sinh năm 1949) với "Đuổi cừu hoang" (1982) và "Một con voi biến mất" (1985) mà bối cảnh là một thế giới, xa lạ, phi hiện thực qua lời kể của một "boku" (tôi) lơ đểnh. Cũng có thể là một Murakami Ryuu (1952) với "Một màu xanh hầu như trong suốt" đầy bạo lực và dồn dập, có hiệu quả tức thời, một văn phong chịu ảnh hưởng của manga.

Kể từ thập niên 1980, các nhà văn nữ bắt đầu lôi cuốn sự chú ý hơn cả nam giới với Matsuura Rieko (sinh năm 1958), Yoshimoto Banana (1964), Kawakami Hiromi (1958), Ôgawa Yôko (1962) hay Ekuni Kaori (1964).

Tính quốc tế rõ ràng hơn trong tác phẩm của Tsuji Hitonari (1959) định cư ở Pháp và Tawada Yôko (1960) định cư ở Đức. Nhà văn nữ Tawada Yôko có thể viết văn bằng 2 thứ tiếng trong khi bản dịch Le Boudha blanc (Hakubutsu) từ tiểu thuyết của Tsuji đoạt dược Giải văn chương của Pháp. Một người cùng thế hệ với họ, Mizumura Minae cũng viết tiểu thuyết theo phong cách tự thú (shishôsetsu) trong truyền thống của Natsume Sôseki nhưng bằng song ngữ Nhật Anh (1995). Tính quốc tế của văn đàn Nhật còn thấy qua sự tham gia của các nhà văn Zainichi (Korean Japanese) như Yuu Miri và Kaneshiro Kazuki, của hai người Mỹ Levy Hideo (văn thơ) và Arthur Brand (thơ). Giải Akutagawa 2008 về tay Yang Yi, một người đàn bà Trung Quốc đến Nhật lúc đã 22 tuổi nhưng viết văn bằng tiếng Nhật.

Năm trước đó (2007) giải Akutagawa được trao cho Hitoribiyori (Một ngày đẹp để sống một mình) của Aoyama Nanae. Đó là câu chuyện về một bà già một cô con gái trẻ không gia đình tìm đến nhau để sống như bà cháu. Đề tài gia đình vay mượn (post family) như vậy cũng là đề tài của Sensei no kaban (Chiếc cặp của người thầy) do Kawakami Hiromi viết, trong đó một người đàn bà 30 cô độc tìm đến một người thầy 70 để tái tạo một gia đình. Cả hai tác phẩm như muốn nói lên ảo ảnh về một đơn vị gia đình lý tưởng mà người ta đã không tìm thấy trong hình thức gia đình truyền thống. Môt tác phẩm khác nhan đề Nipponica Nippon ( 2001) của Abe Kazushige kể chuyện một thanh niên 17 tuổi âm mưu giết một cặp chim hạc sắp tuyệt chủng. Cặp chim này có một định mệnh kỳ lạ là do người Nhật nuôi nhưng lại có dòng máu Trung Hoa vv... Takahashi Gen.ichirô trong Gurando Finaru (Trận chung kết, 2004) đã tạo một nhân vật chính của tác phẩm mình là một phi-nhân (un-human). Misaki Aki thì kể lại cuộc chiến tranh với những cuộc sát thương giữa hai thành phố lân cận trong Tonarimachi Sensô (Chiến tranh với thành phố bên cạnh, 2005). Kanehira Hitomi từng thành công với "Vòng khuyên cho rắn" (Hebi ni piasu, 2004) lại cho ra đời Amebic (2005) nói về một người cảm thấy đang mất dần hình thù của cơ thể mình [36]. Nói chung, các tác phẩm thời này có nhiều màu sắc mĩa mai, giễu cợt và nghịch ngợm. Chúng giống như những cuốn tranh manga. Tiểu thuyết viết ra như để xem chơi (light novel) và thích hợp với một xã hội tiêu thụ luôn luôn thay đổi thị hiếu. Người ta không mấy khi còn nhắc đến cái thâm sâu của văn hoá Nhật Bản truyền thống mà chỉ đề cập đến những vấn đề nổi cộm xảy ra trước mắt thể hiện mối ưu tư của con người hiện đại. Văn học ngoại biên (periphery) như thể đang chiếm ưu thế so với văn học chủ lưu (mainstream). Tuy thiên hạ vẫn háo hức làm đuôi trước hàng sách để mua tiểu thuyết mới ra của Murakami Haruki và kiên nhẫn chờ đợi ông đoạt giải Nobel nhưng bình tâm mà nói, văn học thời Heisei vẫn chưa thấy bóng dáng một nhà văn lớn nào khác.


Những nhà văn nhiều triển vọng: Takahashi, Abe, Aoyama và Kanehira

Văn hóa ảnh tượng đang được phổ biến. Nói đến Nhật Bản hiện đại là nói đến kỹ nghệ manga. Nhật Bản cũng là nước sản xuất nhiều phim hoạt hình (anime) nhất thế giới (60%) tuy đang gặp phải sự cạnh tranh của manhwa Hàn Quốc, manhua Trung Quốc và la nouvelle manga của Pháp. Từ năm 2006, manga đã trở thành một môn học dạy tại đại học Nhật (Kyoto Seika University, Faculty of Manga). Về âm nhạc Karaoke xuất phát từ thập niên 1970 được lưu hành rộng rãi, cả ở giới trẻ lẫn người lớn tuổi nhờ tạo được cơ hội giao tế vì thường đi đôi với những cuộc hội họp có ăn uống.

--------------------------------

Chú thích:
[1] - Hatoyama Ichirô (1883-1959) quê quán ở Tôkyô, trước Thế chiến thứ 2 thuộc Seiyuukai, làm Tổng trưởng giáo dục.Sau chiến tranh, trở thành Chủ tịch Đảng Tự do. Bị thanh lọc vì là công chức trong chính quyền cũ nhưng khi chế độ này bị bãi bỏ thì trở lại chính trường, làm Chủ tịch Đảng Nhật Bản Dân Chủ rồi Đảng Tự Do. Về chính trị, đối lập với Yoshida. Sau làm Thủ tướng giai đoạn 1954-56. Chủ trương hòa hiếu, phục hồi bang giao Nhật Xô.

[2] - Nicolai Aleksandrovich Bulganin (1895-1975), nguyên soái Hồng quân, sau thời kỳ Staline, đã về cánh với Khruschev, hất chân Malenkov. Thủ tướng Liên Xô giai đoạn 1955-58 trước khi bị thất sủng.

[3] - Ishibashi Tanzan (1884-1979), nhà bình luận và chính trị gia, xuất thân tỉnh Yamanashi. Tốt nghiệp Đại học Waseda xong làm báo kinh tế. Từng giữ chức vụ Tổng trưởng tài chính trong Nội các Yoshida. Trong chiến tranh đề xướng thuyết "Tiểu Nhật Bản" (nhà nước ít can thiệp), biện minh cho chủ nghĩa tự do (liberalism). Thủ tướng giai đoạn 1956-57, tuy ngắn ngủi nhưng đã cống hiến nhiều cho việc phát triển quan hệ Nhật Trung và Nhật Xô thời hậu chiến.

[4] - Kishi Nobusuke (1896-1987), chính trị gia sinh ra ở Yamaguchi. Tốt nghiệp Đại học Tôkyô, quan lại Mãn Châu Quốc. Năm 1941, giữ chức Tổng trưởng công thương nghiệp trong chính phủ quân phiệt Tôjô Hideki. Bị xếp vào loại chiến phạm hạng A và bị bắt giam ở nhà lao Sugamo. Nhưng sau đó, nhờ chính trị Mỹ xoay chiều và chịu cộng tác với họ, ông được phóng thích từ 1948, trở lại chính trường rồi 2 lần làm thủ tướng từ 1957 đến 1960.Năm 1960, cố tình phê chuẩn hiệp ước Tân Anpo, bị quần chúng phản đối vì họ sợ nguy cơ chủ nghĩa quân phiệt sống trở lại. Phải tổng từ chức. Nổi tiếng chống Cộng, có ảnh hưởng lớn trong phái diều hâu.

[5] - Ikeda Hayato (1899-1965) là chính trị gia sinh ở Hiroshima.Tốt nghiệp Đại học Kyôto, làm công chức Bộ Tài Chính. Được Yoshida biết tới, gia nhập Đảng Tự Do (Jiyuutô).Nhiều lần giữ nhiệm vụ Tổng trưởng các bộ, sau đắc cử Chủ tịch Đảng Tự Do Dân Chủ (Jimintô). Thủ tướng giai đoạn 1960-1964. Lấy việc chấn hưng và phát triển kinh tế Nhật Bản làm chính sách quan trọng nhất.

[6] - Mậu dịch LT lấy chữ đầu tên hai nhân vật Trung Quốc (Liêu Thừa Chí) và Nhật Bản (Takasaki Tatsunosuke) đã hiệp nghị để đưa ra thông cáo chung về một hình thức mậu dịch bán chính thức giữa hai nước lúc ấy (1962) chưa lập lại bang giao. Đến năm 1968 thì nó mang hình thức một giác thư (memorandum) và sang đến năm 1974 mới trở thành hiệp định ký bởi 2 chính phủ.

[7] - Satô Eisaku (1901-1975) xuất thân tỉnh Yamaguchi, em ruột Thủ tướng Kishi Nobusuke (ông này đi làm con nuôi nhà khác). Gọi cựu ngoại trưởng Matsuoka Yôsuke (chiến phạm hạng A) là cậu.Tốt nghiệp Đại học Tôkyô, nhiều lần giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ xây dựng ...trong các nội các của Yoshida Shigeru.Từ năm 1964 đến 1972, tổ chức 3 lần nội các Jimintô. Ông có thái độ chống Trung Quốc nên phải ra đi, nhường chỗ cho khuynh hướng làm lành trong đảng do Tanaka Kakuei cầm đầu. Trong thời gian ông nhậm chức, Mỹ đã trả lại quần đảo Okinawa cho Nhật. Giải Nobel hòa bình.

[8] - Tổng bình nghị hội có thể dịch General board of councillors / General conference...

[9] - Thế hệ sinh ra khoảng năm 1946-47, ngay sau khi chiến tranh đông hơn bình thường, như thể con người muốn bù lấp lỗ hỗng thiếu thốn lao động gây ra bởi chiến tranh. Người Nhật gọi là dankai seidai (dankai = a mass, a lump, dankai seidai = baby-boomer generation)

[10] - E.O.Reischauer, R. Dubreuil, sđd, trang 130-131.

[11] - Trong một xã hội truyền thống đại gia đình, đây là một hiện tượng có tính cách phá lẻ.

[12] - Beheiren (Betonamu ni heiwa wo! Shimin bunka rengô dantai) ý nói Đoàn thể văn hóa liên hiệp quần chúng thị dân tranh đấu cho hòa bình Việt Nam.

[13] - Richad Milhous Nixon (1913-1994), tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ, chính trị gia xuất thân Đảng Cộng Hòa. Đã thi hành một chính trị hiện thực giữa thời bá quyền nước Mỹ bị lung lay. Hồi phục ngoại giao Mỹ-Trung, bãi bỏ hệ thống giao hoán đô la với vàng và thúc đẩy giải quyết chiến tranh Việt Nam. Từ chức sau khi nhận trách nhiệm trong vụ nghe lén điện thoại ở Watergate.

[14] - Tanaka Kakuei (1918-1993), chính trị gia Nhật Bản xuất thân tỉnh Nìgata, mẫu người tự lập thân. Ông làm giàu trong ngành thầu những công trình xây dựng cho chính phủ. Đặc biệt được lòng dân chúng địa phương. Thủ tướng Nhật Bản 1972-74. Đã bình thường hoá bang giao Nhật Trung. Chính sách "cải tổ quần đảo" của ông đã đưa Nhật Bản vào trong cơn lốc kinh tế khi nước này phải đối đầu với cuộc khủng hoảng về dầu lửa lần thứ nhất năm 1973. Ra tòa vì Vụ Lockheed, bị xử ngồi tù. Sau đó, tuy rút lui khỏi chính trường nhưng vẫn giữ được ảnh hưởng mạnh qua phe nhóm.

[15] - Miki Takeo (1907-1988), chính trị gia xuất thân ở Tokushima. Tốt nghiệp Đại học Meiji.Năm 1937 đã là nghị sĩ quốc hội (Hạ viện).Sau khi Tanaka Kakuei từ chức năm 1974, nhậm chức thủ tướng . Đã làm sáng tỏ Vụ Lockheed. Vì gặp khó khăn trong nôi bộ đảng mình (Jimintô), phải từ chức vào năm 1976.

[16] - Fukuda Takeo (1905-1995), chính trị gia người vùng Gunma,tốt nghiệp Đại học Tôkyô.Sau khi là công chức cao cấp Bộ tài chánh, đã ra ứng cử vào quốc hội. Trở thành thủ tướng giai đoạn 1976-1978, ký kết Hiệp ước hòa bình Nhật Trung. Tác giả "Học thuyết Fukuda", chủ trương thân thiện với Đông Nam Á.

[17] - Ôhira Masayoshi (1910-1980), chính trị gia người tỉnh Kagawa. Theo đạo công giáo, tính tình lầm lì và nhẫn nại. Tốt nghiệp Đại học thương mại Hitotsubashi. Là thư ký riêng của Thủ tướng Ikeda. Từng giữ các chức Tổng trưởng tài chánh rồi ngoại giao. Năm 1978 trở thành chủ tịch Jimintô. Đang làm thủ tướng thì có lẽ vì làm việc quá sức nên đột ngột mất vì bệnh tim.

[18] - Suzuki Zenkô (1911-2004), chính trị gia người Iwate. Ông vốn xuất thân từ Đảng Xã hội, trong Jimintô, thuộc phái Ôhira. Người của thỏa hiệp. Từng giữ chức Tổng trưởng Y tế và Tổng trưởng Thông tin. Làm thủ tướng giai đoạn 1980-82 sau khi trở thành chủ tịch đảng. Ông đóng vai người tiếp nối đáng tín nhiệm nhưng không để lại dấu ấn đặc biệt.

[19] - Nakasone Yasuhiro (sinh năm 1918) tốt nghiệp khoa chính trị Đại học Tôkyô, xuất thân từ một gia đình giàu có buôn đồ gỗ, từng ở trong Hải quân và Cảnh sát trước khi đắc cử nghị sĩ lần đầu năm 1947 và tái cử 13 lần. Ông có chân trong nội các Kishi, từng phụ trách chương trình phát triển năng lượng nguyên tử. Chủ trương tái vũ trang. Cũng đã từng nắm các chức vụ lãnh đạo quốc phòng, giao thông vận tải và kỹ nghệ (MITI). Đã thành lập nội các 3 lần trong vòng 5 năm (1982-1985). Được sự ủng hộ của phái Tanaka Kakuei cho nên dư luận thường gọi là Nội các Tanaka-Nakasone. Dù sao ông là một thủ tướng có tầm cỡ, đã "thanh toán dĩ vãng chính trị hậu chiến" với Mỹ thời R. Reagan bằng cách chấp nhận trở thành một thế lực trong trận doanh Phương Tây (gọi là đi theo đường lối tiểu quốc chính trị).

[20] - NTT (= Nippon Telegraph & Telephone Company), JR (=Japan Railways), JT (= Japan Tobacco)

[21] - Takeshita Noboru (1924-2000), chính trị gia người Shimane, cầm đầu phái Tanaka Kakuei trong đảng. Tốt nghiệp Đại học Waseda. Chủ tịch Jimintô và thủ tướng giai đoạn 1987-1989. Đã đưa thuế tiêu dùng(consumption tax) vào Nhật. Vì bị tình nghi tham ô trong vụ Recruit phải từ chức.

[22] - O. Reischauer, R,. Dubreuil, Histoire du Japon et des Japonais, tr.140.

[23] - Với sự thành lập Japan Key Technology Center (JKTC) và các khu công nghệ cao như "Đảo Silicium" ở Oita (Kyuusghu)

[24] - JETRO (Japan External Trade Organization), MITI (Ministry of International Trade and Industry), GTC (General Trade Company). Ở Nhật có 8 thương xã tổng hợp (GTC = Shôgô shôsha = Tổng hợp thương xã) nổi tiếng như Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Yasuda, Nissho Iwai, Marubeni...

[25] - R. Dubreuil, sđd, trang 148.

[26] - Được hiểu như việc gây rắc rối về mặt thủ tục hành chánh, qui chế, tiêu chuẩn y tế vệ sinh vv... với mục đích làm nãn lòng đối tác khiến họ phải bỏ cuộc. Cỏn gọi là Invisible barriers (rào cản vô hình).

[27] - Theo R.Dubreuil (sđd, tr.153) thì Ushiba Nobuhiko, thứ trưởng ngoại thương Nhật đã than phiền trong buổi họp mặt của Harvard Club ở Tôkyô (1978) rằng người Âu châu là những "kẻ quái dị" và các nhà lãnh đạo EEC không biết lấy quyết định. Người trách nhiệm ngoại vụ của EEC trả đũa rằng dân Nhật chỉ biết làm việc quần quật như bị trúng độc (workaholics) và sống chui rúc trong nhà cửa chật hẹp (giống như chuồng thỏ).

[28] - Christopher Woods, dẫn bởi Nakamura Masanori, trang 199.

[29] - Uno Sôsuke (1922-1998), chính trị gia gốc gác tỉnh Shiga. Thay Takeshita Noboru làm chủ tịch Jimintô rồi thủ tướng nhưng tại chức chỉ có 3 tháng (6 đến 8/1989)

[30] - Miyazawa Kiichi (1919-2007), chính trị gia người Tôkyô. Tốt nghiệp Đại học Tôkyô.Trước sau giữ vai trò quan trọng trong chính trị bảo thủ. Rành rẽ về chính sách kinh tế tài chính. Chủ tịch Jimintô và thủ tướng giai đoạn 1991-1993.

[31] - Sách đã dẫn, trang 213.

[32] - Kingston, Jeff, Contemporary Japan,Wiley-Blackwell, 2011, trang 84.

[33] - Kẻ không bị ràng buộc, không việc làm cố định.

[34] - NEET : not in education, employment or training (sống vật vờ, không đi làm, không đi học)

[35] - Dẫn bởi Murieol Jolivet trong JF Sabouret, Le dynamique du Japon, sđd, trang 368-369.

[36] - Ellis Toshiko trong Sugimoto Yoshio chủ biên, Modern Japanese Culture, Cambridge, 2009, trang 209-211.