Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]

THƠ WAKA TRĂM NHÀ
(Hyakunin Isshu)
*
Thiên nhiên và luyến ái trong cổ thi Nhật Bản
*
Fujiwara no Teika biên tập
Nguyễn Nam Trân dịch chú
II - Nguồn gốc và diễn biến của Hyakunin Isshu.

1) Nguồn gốc:

"Thơ waka trăm nhà" dịch thoát ý 百人一首 Hyakunin Isshu (Bách nhân nhất thủ), nhan đề của một tuyển tập thơ quốc âm Nhật Bản ra đời vào khoảng năm 1235. Tập này tuyển chọn thơ 和歌 Waka (Hòa ca), một loại thơ ngắn, chỉ có 31 âm tiết, của một trăm tác giả Nhật Bản nhưng chỉ lấy của mỗi người có một bài mà ông cho là hay nhất.

Từ đó, loại sách mang tên Hyakunin Isshu chọn lọc thơ hay các đời bắt chước theo kiểu Hyakunin Isshu nói trên có rất nhiều, kể từ thời Kamakura, Muromachi cho đến thời Edo và gần đây, đến hàng trăm tập mà tập đầu tiên được biết đến là 後撰百人一首Gosen Hyakunin Isshu (Hậu tuyển Bách nhân nhất thủ) của thi nhân và học giả  二条良基Nijô Yoshimoto (Nhị Điều, Lương Cơ, 1320-1388). Tuy nhiên, Hyakunin Isshu mà chúng ta sẽ đọc trong phần sau đây, tập ra đời sớm nhất, chính ra phải được gọi là 小倉百人一首O gura Hyakunin Isshu (Tiểu Thương [3]  Bách nhân nhất thủ). Ogura vốn là một địa danh vùng Kyôto. Nhân vì tuyển tập quá nổi tiếng nên người ta gọi tên nó gọn lại thành Hyakunin Isshu.

Với tiêu chuẩn chọn lựa kỹ càng, thơ trong tập này được coi như là những áng văn trác tuyệt mà mỗi lời mỗi chữ đều hàm súc cô đọng. Nội dung của thơ phần lớn dựa vào sự biến đổi của thiên nhiên bốn mùa để diễn đạt những tình cảm tinh tế và sâu lắng trong lòng người. Nói chung, nó tiêu biểu cho ý thức thẫm mỹ của người Nhật Bản và là một di sản quí báu của văn hóa nước này.

Người Nhật cho biết những bài thơ trong tác phẩm phải được đọc bằng nguyên tác và thành tiếng, ngâm ngợi nhiều lần thì mới thấy được cái hay của nó. Bởi vì chữ dùng đều được chọn lọc và mỗi chữ đều có bề dày văn hóa mà người xưa đã chung đúc theo thời gian. Đọc một trăm bài thơ, người Nhật đã bắt gặp tấc lòng thiên cổ của tổ tiên. Là những người châu Á với những tâm tình tương tự, trong khi tìm hiểu những bài "tú ca" (vần thơ đẹp) này, chúng ta cũng có thể cảm thấy có thể chan hòa được với tâm hồn một dân tộc tuy ở xa mà lại rất gần.

2) Teika, Nhà Biên Tập:

Tập Hyakunin Isshu (Bách nhân nhất thủ) được nhiều người cho là công trình biên soạn của Teika, nhà thơ và nhà phê bình vĩ đại thời mạc phủ Kamakura (1183-1333). Ngoài thuyết (1) Teika một mình tự soạn Hyakunin Isshu, còn có các thuyết khác như (2) thuyết Utsunomiya ( thân vương đã xuất gia Utsunomiya Yoritsuna, 1172-1259) soạn, thuyết (3) Sôki ( thi hào Iio Sôki mượn danh Teika) soạn, (4) thuyết Teika soạn, người sau thêm bớt, (5) thuyết thân vương Utsunomiya soạn, Teika chọn thơ và chép lại. Tuy nhiên, trong thuyết nào cũng có hình bóng Teika và hiện nay, thuyết (4) coi như dễ được chấp nhận hơn cả.


Nhà biên tập Teika

藤倉定家 Fujiwara no Sadaie (Đằng Nguyên, Định Gia, 1162-1241), gọi tắt theo âm Hán là Teika. Ông là một nhân vật kiệt xuất của một gia đình đời đời có truyền thống văn học. Sinh vào giữa một thời ly loạn, từ ngày trẻ ông đã rắp tâm đi theo còn được văn học. Như lời tâm sự trong Meigetsuki (Minh Nguyệt Ký), ông dẫn  Bạch Thị Văn Tập để nói chí hướng mình: "Hồng kỳ chinh thú phi ngô sự"( Đánh đông dẹp bắc không phải là việc của tôi). Ông đã nối được chí cha là Shunzei trong việc khai phá thơ Waka, được sự kính trọng của người đương thời từ Thiên Hoàng trở xuống và trọng trấn thi đàn. Ông mất năm 80 tuổi, khi chết đi rồi con cháu còn tiếp nối mở mang 3 trường phái thơ, ảnh hưởng sâu rộng đến văn học Nhật Bản.

Ngoài tập nhật ký Meigetsuki (Minh Nguyệt Ký), ông còn để lại tập thơ cá nhân Shuui-Guusô (Thập Di Ngu Thảo), các thi luận Kindai Shuuka (Cận Đại Tú Ca), Eika no Taigai (Vịnh Ca Chi Đại Khái), Maigetsu-shô (Mỗi Nguyệt Sao). Bên cạnh việc chú thích và hiệu đính văn chương cổ điển như Truyện Genji, Kokin-shuu (Cổ Kim Tập), Nhật Ký Tosa..., ông tuyển chọn thơ cho Shin Koki-shuu (Tân Cổ Kim Tập) và Shin Chokusen-shuu (Tân Sắc Tuyển Tập). Lối viết chữ của ông gọi là Teika-ryuu còn truyền mãi đến đời Edo, được các trà sư tán thưởng.

3) Lý do Hyakunin Isshu ra đời:

Để hiểu duyên cớ nào đã khiến Fujiwara no Teika soạn Hyakunin Isshu, ta có thể dựa vào chi tiết trong Meigetsuki (Minh nguyệt ký) tập nhật ký viết bằng Hán văn của ông về giai đoạn 1180 đến 1235 . Trong mục liên quan đến ngày 27 tháng 5 năm 1235 (Bunryaku thứ 2), thấy chép đại ý như sau:

Ngài Utsunomiya Yoritsuna (Vũ Đô Cung, Lại Cương, hào tộc miền Đông), nhạc phụ của (con trai tôi là) Tameie (Vi Gia) có cậy tôi tuyển chọn các bài thơ hay tự đời thiên hoàng Tenji (Thiên Trí) cho đến thơ các ông Ietaka (Đằng Nguyên, Gia Long), Masatsune (Đằng Nguyên, Nhã Kinh) ngày nay, mỗi người một bài, để chép lên giấy màu dùng vào việc trang trí các cánh cửa kéo (fusuma) trong sơn trang của ông ở vùng Saga, ngoại ô kinh đô.

Như thế, văn bản này cho biết, ông suôi gia của thi hào Teika, thân vương Utsunomiya tên Yoritsuna, người đã xuất gia sau khi bị thất sủng, có một ngôi biệt thự cất ở Saga, một thắng cảnh thuộc ngoại thành Kyôto với núi Ogura (Tiểu Thương), núi Arashi và sông Ôi, nơi mà từ xưa các quí tộc vương hầu xây phủ đệ. Ông ở không xa nhà của người suôi gia nên đi lại dễ dàng. Việc trang trí nội thất (cửa, vách ngăn, bình phong) bằng giấy màu chép thơ waka ( shikishigata) là một phong tục khá phổ biến đương thời.

Một trăm bài thơ được Teika tuyển chọn lúc ấy và trăm bài người Nhật quen thuộc bây giờ trong Ogura Hyakunin Isshu (Tiểu Thương Bách nhân nhất thủ) (Tập thơ trăm bài ở Ogura) tức Hyakunin Isshuu của chúng ta, không hẳn giống nhau như đúc đâu. Bài số 99 của thái thượng hoàng Gotoba bắt đầu với câu năm chữ "Hito mo oshi" và bài thứ 100 của thái thượng hoàng Juntoku với câu "Momoshiki ya" vốn không phải do Teika biên soạn. Thay vào hai bài đó là thơ của những tác giả khác.

Để hiểu tại sao, ta nên biết là thời của Teika có cuộc chính biến gọi là "loạn năm Jôkyuu" mà hai vị thiên hoàng nói trên sau khi cử binh thất bại đã bị Mạc Phủ đày ra ngoài đảo xa. Chọn thơ hai vị ấy là điều không được tế nhị trong hoàn cảnh đó. Thế nhưng đến đời Tameie tức con Teika thì điều đó có thể thực hiện nên đã bổ chính, nhân đó Hyakunin Isshu mới có được nội dung như hiện tại.

4) Các tác giả và thời đại của họ:

Hyakunin Isshu chọn của 100 tác giả, hầu hết là ca nhân vương triều, mỗi người một bài thơ (từ thiên hoàng Tenji (Thiên Trí, 626-671) cho đến Juntoku-in (Thuận Đức Viện, tức cựu thiên hoàng (thứ 84) Juntoku, trị vì 1210-1221) và lấy những bài đó ở các thi tập soạn theo sắc chiếu chứ không chọn thẳng từ 万葉集 Man.yô-shuu dù là thơ đã được đăng lần đầu tiên trong Man.yô-shuu..

Tính ra 100 bài thơ chọn từ các tập thơ waka soạn theo sắc chiếu có:

Kokin-shuu (Cổ kim tập, 24 bài.. Theo thứ tự 5, 7, 8, 9, 11, 12, 14, 15, 16, 17, 18, 21, 22, 23, 24, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36),
Gosen-shuu (Hậu tuyển tập, 7 bài: 1, 10, 13, 20, 25, 27, 29),,
Shuui-shuu (Thập di tập, 11 bài: 3, 26, 38, 40, 41, 43, 44, 45, 47, 53, 55),
Go-Shuui-shuu (Hậu -Thập di tập, 14 bài: 42, 50, 51, 52, 56, 58, 59, 62, 63, 65, 68, 69, 70, 73),
Kinyô-shuu (Kim diệp tập, 5 bài: 60, 66, 71, 72, 78),
Shika-shuu (Từ hoa tập, 5 bài: 48, 49, 61, 76, 77),
Sensai-shuu (Thiên tải tập, 14 bài: 64, 67, 74, 75, 80, 81, 82, 83, 85, 86, 88, 90, 92, 95),
Shin-Kokin-shuu (Tân Cổ kim tập, 14 bài: 2, 4, 6, 19, 27, 46, 54, 57, 69, 84, 87, 89, 91, 94),
Shin-Chokusen (Tân Sắc tuyển, 4 bài: 93, 96, 97, 98) và
Shoku-Gosen-shuu (Tục-Hậu tuyển tập, 2 bài: 99, 100).

Teika không chỉ trích thơ các thiên hoàng mà thôi. Thơ trong tập phần lớn là của 36 thi hào (ca tiên) với như tên tuổi lớn như Kakinomoto no Hitomaro, Ki no Tsurayuki, Ôtomo no Yakamochi, Yamabe no Akahito, Ki no Tomonori, Kiyohara no Motosuke vv...
Như thế, trừ các thiên hoàng Tenji và Jitô hay thi hào Kakinomoto no Hitomaro của thế kỷ thứ 7 thứ 8, phần lớn các tác giả trong tuyển tập này là các nhà thơ waka (gọi là 歌人 kajin hay ca nhân) thế kỷ thứ 10 (thời của Kokin-shuu) cho đến đầu thế kỷ thứ 13 (thời của Shin Kokin-shuu).


Nhà biên tập Ki no Tsurayuki

Nói rõ hơn, về thời điểm xuất hiện của các thi tập thì 古今集Kokin-shuu - tên lược xưng của 古今和歌集 Kokin Waka-shuu (Cổ kim Hòa ca tập) - tập thơ mà thiên hoàng Daigo (Đề Hồ, 885-930) đã giáng chiếu cho ông 紀貫之 Ki no Tsurayuki (Kỷ, Quán Chi, 868?-945?) biên tập - đã ra đời vào khoảng giữa 905 và 914. Sau khi tập thơ sắc soạn (soạn theo chiếu chỉ ) này ra đời, trong vòng nửa thế kỷ đã có thêm 7 tập nữa gồm:

後撰集 Gosen-shuu (Hậu tuyển tập, 951),
拾遺集 Shuui-shuu (Thập di tập, 1005-07),
後拾遺集 Go-Shuui-shuu (Hậu thập di tập, 1086),
金葉集 Kinyô-shuu (Kim diệp tập, 1127),
詞華集 Shika-shuu (Từ hoa tập, 1151?, 1154?),
千載集 Senzai-shuu (Thiên tải tập, 1187) và
新古今集Shin Kokin-shuu (Tân Cổ kim tập, 1201)

Tất cả làm thành 八大集 Bát đại tập nghĩa là tám tập thơ của tám đời. Cho dầu sau đó truyền thống tuyển tập sắc soạn vẫn còn phát triển trong thời kỳ Kamakura đến Muromachi (giữa thế kỷ 13 đến thế kỷ 16) với 十三代集 Thập tam đại tập gồm cả
新勅撰Shin-Chokusen (Tân Sắc tuyển) và 続勅撰和歌集 Shoku-Gosen-shuu (Tục-Hậu tuyển tập) nói trên, tổng cộng là 21 tập tức 二十一代集 Nhị thập nhất đại tập) nhưng tám tập trước của giai đoạn Heian đến đầu Kamakura đã hội tụ được tinh hoa của Waka, dòng thơ quốc âm Nhật Bản vốn có trước Haiku và vẫn được duy trì với hình thức Tanka với 31 âm tiết ngắn gọn.

Một trăm tác giả gồm 79 người nam và 21 nữ. Trong số 79 nam thi nhân có 7 người là thiên hoàng, 1 người là hoàng tử, 13 tăng lữ, và 58 người là quan lại hay giữ một vị trí khác. Còn trong số 21 nữ thi nhân thì có 1 thiên hoàng, 1 công chúa và 19 người giữ vị trí khác.

5) Thứ tự sắp xếp:

Cách sắp xếp theo thứ tự niên đại từ Thiên hoàng Tenji (bài số 1), thiên hoàng Jitô (bài số 2) trở đi, rồi đến các bầy tôi thân cận như Kakinomoto no Hitomaro (bài số 3), Yamabe no Akahito (bài số 4)...Như thế, Hyakunin Isshu đã có thể trình bày phong cách làm thơ của mọi thời theo tuần tự của trên dưới 600 năm lịch sử qua quan hệ giữa các nhà thơ với nhau vậy.

Nội dung của các bài thơ được tuyển tuân theo tiêu chuẩn lý luận về waka của Teika nghĩa là "lời lẽ thì theo xưa nhưng tâm tình phải mới mẽ, dáng dấp cao sang như thơ từ đời Kanpyô (Khoan Bình, 889-898) về sau" tức là thời điểm mà tập Kokin-shuu được cho ra mắt và có cái phong cách mới余情妖艶 yosei yôen dư tình yêu diễm nghĩa là lộng lẫy, man mác.

Do đó không lạ gì trong tập này, thơ tình nhiều nhất vì nó chiếm gần phân nửa (43 bài). Tuy có một số bài gọi là "không nhan đề" (題知らず dai shirazu) nhưng phần còn lại không thiếu gì những bài thơ vịnh những mối tình gặp phải cảnh ngộ khó khăn như "tình âm thầm", "tình trước vầng trăng", "tình gặp gỡ giữa đường", "tình cầu khẩn mà không được", "tình ngăn cách", "tình nuối tiếc trước giờ chết"...

Ngoài ra, còn có 32 bài vịnh cảnh bốn mùa (6 bài vịnh mùa xuân, 4 bài về hạ, 16 bài về thu và 6 bài dành cho mùa đông) , vịnh cảnh biệt ly (1 bài), lữ hành (4) và tạp thi (20 bài với chủ đề đa dạng như thương xót, oán hận, thất ý, khánh hạ hay cảm hoài). Do đó, nhìn chung thì 100 bài nói trên rất phong phú và cô đọng nên Hyakunin Isshu xứng đáng được xem là một tuyển tập tiêu biểu của thơ Waka mọi thời.

6) Chủ đề thiên nhiên bốn mùa và tình yêu trai gái:

Xin nhắc lại, nội dung của Hyakunin Isshu "Tập thơ Waka trăm nhà" lồng trong cái khung lớn là những tập của Hachidai-shuu "các thi tập tám đời" mang chủ đề quan trọng hơn cả là tình yêu nhưng gồm hai phần chính : tình yêu thiên nhiên và tình yêu nam nữ.

Thiên nhiên, khung cảnh sinh hoạt của chúng ta, thay đổi theo thời tiết. Hết sáng rồi chiều, xuân qua hè đến, năm cũ bước qua năm mới. Các nhà thơ cung đình Nhật Bản của thời đại vương triều rất nhạy cảm với những biến chuyển đó.

Họ ngâm vịnh phong cảnh thiên nhiên nhưng không phải thiên nhiên vốn có nhưng là một thiên nhiên đã lọc qua lăng kính tâm hồn. Họ ngâm vịnh tình yêu vì trào lòng con người cũng giống thiên nhiên nghĩa là biến đổi một cách tinh vi không ngừng. Thế nhưng dù với chủ đề thiên nhiên hay tình yêu, các nhà thơ trong "Tập thơ Waka trăm nhà" đã tận dụng những ngôn từ trau chuốt để làm sống lại và vun vén được tâm tình và quan điểm mỹ thuật của người Nhật có tự nghìn xưa.

Có thể nói 97% thơ trong tập này do thi nhân thời Heian viết ra và khi Teika chọn lọc, ông đã chọn theo tiêu chuẩn của mình nên nó mới tạm gọi là thống nhất. Tiêu chuẩn đó là sự lưu loát và diễm lệ của thể thơ gọi là 有心 ushin (hữu tâm) nghĩa là hiểu đối tượng một cách thấu triệt trong thái độ sáng tác (sau đó Thái Thượng Hoàng Go Toba, một nhà thơ lỗi lạc khác, thêm vào hai chữ thành thực), trong một mức độ nào đó gần gủi với đại chúng, không giống thể thơ  優雅 ưu nhã, 幽玄 yuugen (u huyền) bí ẩn mà 藤原俊成 Fujiwara no Shunzei, cha ông, đã đề xướng. Tuy nhiên sự so sánh này chỉ có tính cách tương đối vì không ai, ngay cả Teika, dễ gì nắm được cốt lõi của một bài thơ.

Hyakunin Isshu là sách gối đầu giường của trường phái 二条 Nijô, tức một trong ba trường thơ mà con cháu ông lập nên. Nó đã được các bậc thầy trong làng phê bình đời sau như 宗祇 Sôgi (Tông Kỳ, 1421-1502), 幽斎 Yuusai (U Trai, 1534-1610), 貞徳 Teitoku (Trinh Đức, 1571-1658), 春満 Azuma-maro (Xuân Mãn, 1669-1736), 真淵Mabuchi (Chân Uyên, 1697-1769), 宣長 Norinaga (Tuyên Trường, 1730-1801) giảng nghĩa và chú thích, trở thành sách nhập môn cho người nghiên cứu văn học Nhật Bản.

_____________________________

 [3] -  Địa danh. Nay là một khu trong thành phố Kyôto.
 [4] -  Tiên tiên (san san): chậm rãi, tha thướt.
 [5] -  Lượng: hong, phơi.
 [6] -  Thiều thiều, còn đọc là điều điều: xa xôi, thăm thẳm.
 [7] -  Liêu khoát: mênh mông, bát ngát.
 [8] -  Tình: tạnh mưa.
 [9] -  Y nhân: người ấy, thường thường chỉ nữ giới.
 [10] -  Phiên phiên: nhẹ nhàng, thoăn thoắt.
 [11] -  Hội: tụ lại, ngập.
 [12] -  Chữ thái đầu nghĩa là hái, chữ sau nghĩa là rau.
 [13] -  Chữ Tự câu 2 có nghĩa là giống như, ở câu 4 có nghĩa là tự nguyện.
 [14] -  Bao nghĩa là khen ngợi.



 [  Trở Về   ]