Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]

Buồn Buồn Phóng Bút
(Đồ Nhiên Thảo - Tsurezure-Gusa)
Urabe Kenkô
Nguyễn Nam Trân dịch chú

***
Phiên Dịch Toàn Văn 

Phần I 

(Đoạn 1 đến 46)

 
PHẦN I (ĐOẠN 1 ĐẾN 46)

Lời mở đầu
Đoạn 1: Sinh ra ở đời.
Đoạn 2: Các bậc vua hiền xưa.
Đoạn 3: Dù cho được đủ mọi điều.
Đoạn 4: Chuyện kiếp sau
Đoạn 5: Kẻ chìm đắm trong nỗi buồn bất hạnh.
Đoạn 6: Nếu thân danh ta cao quí.
Đoạn 7: Không khô như sương trên cánh đồng Adashi.
Đoạn 8: Cái làm rối loạn lòng người.
Đoạn 9: Mái tóc đẹp.
Đoạn 10: Sự hài hòa của nơi cư trú.
Đoạn 11: Nhân "tháng không thần".
Đoạn 12: Bạn đồng tâm.
Đoạn 13: Đối bóng ngọn đèn.
Đoạn 14: Về thơ Waka.
Đoạn 15: Cho dù cất bước đi đâu.
Đoạn 16: Nhạc tế thần.
Đoạn 17: Náu mình trong chùa trên núi.
Đoạn 18: Cam cảnh thanh bần.
Đoạn 19: Bốn mùa thay đổi.
Đoạn 20: Người ấy tên gọi là chi nhỉ?.
Đoạn 21: Vui là khi ngắm vầng trăng.
Đoạn 22: Mến mộ đời xưa.
Đoạn 23: Thời buổi suy vi.

Đoạn 24: Truyện công chúa đi tu thế ra ở cung ngoài đồng.
Đoạn 25: Đất lở đất bồi trên sông Asuka và đời vô thường.
Đoạn 26: Gió dầu không cuốn, lòng cũng đổi thay.
Đoạn 27: Lễ nhường ngôi.
Đoạn 28: Trong năm Thiên Hoàng cư tang.
Đoạn 29: Lặng lẽ suy tư.
Đoạn 30: Nỗi buồn khi một người qua đời.
Đoạn 31: Buổi sáng tuyết rơi.
Đoạn 32: Khoảng ngày 20 tháng 9.
Đoạn 33: Hoàn thành cung mới.
Đoạn 34: Kaikô, một loại ốc loa.
Đoạn 35: Người viết chữ xấu.
Đoạn 36: Lâu ngày không đến thăm nàng.
Đoạn 37: Người hết sức thân quen.
Đoạn 38: Chạy theo danh lợi.
Đoạn 39: Có người hỏi đạo ngài Hônen.
Đoạn 40: Truyện ở xứ Inaba.
Đoạn 41: Hội đua ngựa đền Kamo mồng năm tháng năm.
Đoạn 42: Truyện con ông tướng Karahashi.
Đoạn 43: Tiết cuối xuân.
Đoạn 44: Từ bên trong phên trúc.
Đoạn 45: Người anh quan nhị phẩm Kin.yo.
Đoạn 46: Ven vùng Yanagihara

 
Lời Nói Đầu

Những lúc rỗi rảnh đến nhàm chán [92] , từ sáng đến chiều, ta đối mặt với nghiên mực, đang nghĩ chuyện này bắt sang chuyện khác, mặc cho ý tưởng trào ra đầu ngọn bút. Thấy mình thật vớ vẫn!
 

Đoạn 1:  Sinh ra ở đời.

Chao ôi, con người [93]  từ khi sinh ra ở đời, đương nhiên ai mà chẳng  ước mong được thế này thế nọ. (Thế nhưng) trước hết, nói về địa vị, riêng cái ngôi thiên hoàng thì không ai dám. Các hoàng tử cho đến hoàng tôn cũng được kể vào hàng cành vàng lá ngọc [94] , khác với dòng giống phàm tục, cần phải kính trọng. Người xuất thân nhà các quan đệ nhất đương triều [95]  là dòng dõi cao sang thì đành rồi, nhưng ngay cả con cái cỡ bậc quí tộc được cấp kẻ để sai bảo đều vượt người thường. Đến đời con cháu các vị ấy, dù có sa sút [96] , vẫn còn phong vận. Riêng những người cấp thấp hơn ở trong triều, ví dụ vì nhờ gia thế, tài năng hoặc thời buổi mà được mở mày mở mặt thì đó là hạng không đáng kể cho dầu họ nghĩ mình tài giỏi.
Như địa vị tăng lữ thì chẳng mấy ai thèm ước mơ. Thầy tu là loại người mà bà Sei Shônagon [97]  từng viết: "trơ như khúc gỗ" [98]! Quả đúng thế! Việc đạt danh vọng cao hay được người đời tán tụng, các nhà tu không biết đó là vinh dự. Cao tăng Sôga [[99] có lần cho rằng đối với kẻ xuất gia, tiếng tăm chỉ đem đến ràng buộc vô ích, làm họ đi ngược lại điều Đức Phật dạy. Còn như nếu vượt khỏi thế gian, sống đời ẩn dật, dốc lòng tu niệm, thì tuy có bị người đời khinh thường nhưng điều mong ước của mình đã đạt được rồi.
Người thường coi chuyện hình thù, vóc dáng tuyệt vời mới chính là điều đáng mong mỏi. Gặp kẻ có cách ăn nói êm tai, gãy gọn, dáng dấp dễ yêu một chút là ta sẽ ngồi tiếp họ không biết chán. Nhưng nếu con người nom thanh lịch kia bỗng nhiên một ngày lộ bản tính đê tiện thì đáng thất vọng.
Gia thế hay cái dáng bên ngoài là những gì thừa hưởng từ lúc sinh ra, ta đành chịu. Nhưng tâm hồn thì nếu cố gắng trau giồi, càng ngày nó sẽ trở nên cao đẹp. Ngược lại, những ai dù hình thù dễ coi và tốt bụng chăng nữa, nếu thiếu tài nghệ, học vấn, khi phải bon chen giữa đám thân phận thấp hèn, nhân cách tồi tệ, chắc chắn sẽ bị khuất thân dưới tay người. Đó cũng là điều đáng tiếc cho họ.
Nên học cái gì đây? Theo ta đó là cái vốn văn hóa gồm các kinh điển, thơ chữ Hán, thơ quốc âm waka, âm nhạc...Thêm nữa, về mặt kiến thức lễ nghi, chế độ, tổ chức hành chánh trong triều [100]  nếu mình trở thành mẫu mực cho mọi người thì không còn gì hơn. Chữ đẹp mà văn lưu loát, giọng tốt và bắt trúng nhịp [101] , khi được người mời nâng chén thì tuy ngoài mặt tỏ vẻ muốn từ chối nhưng thật ra không phải rượu không hào. Thế mới đáng mặt nam nhi.
 

Đoạn 2:  Các bậc vua hiền xưa.

Những ai [102]  kênh kiệu, chỉ giỏi tiêu xài hoang phí xa xỉ, không chút để ý đến tiếng dân ta thán và cảnh đất nước suy vong, quên hết đường lối cai trị lý tưởng của vị vua hiền đức thời xưa [103] , là kẻ không còn biết phải trái.
Ngài Kujô [104]  từng răn con cháu: "Từ áo mũ đến xe cộ [105] , có thế nào thì cứ thế mà dùng. Đừng đi tìm cái hoa mỹ". Cựu hoàng Juntoku [106]  khi viết về chuyện trong cung cũng có câu: "Về vật dụng áo xống của thiên hoàng, giản dị đơn sơ là hợp nhất".
 

Đoạn 3: Dù cho được đủ mọi điều[107] .

Dù cho được đủ mọi điều, đàn ông mà chưa có kinh nghiệm luyến ái thì coi như vẫn còn thiếu sót [108] . Nhìn người đó, thấy anh ta không khác gì cái chén rượu thật đẹp nhưng lại thủng đáy [109] .
Tức cười cho cái anh chàng cứ để quần áo ẫm ướt sương khuya, quanh quẩn đi tìm mà không ra bóng người con gái, tâm hồn rối như tơ vò, không lúc nào được bình tâm vì cha mẹ can ngăn, thiên hạ đàm tiếu. Tính hết kế này tới kế khác mà không xong, nhiều lúc cứ phải ngủ một mình và không ngon giấc [110] .
Có ham muốn tình yêu [111]  đi nữa nhưng không nên hoàn toàn chìm đắm trong đó, phải để cho đàn bà biết mình không phải dễ bị họ chinh phục.
 

Đoạn 4: Chuyện kiếp sau[112]

Người đáng ca ngợi [113]  là kẻ biết nghĩ tới kiếp sau, luôn luôn quan tâm sâu sắc với con đường tu Phật.
 

Đoạn 5: Kẻ chìm đắm trong nỗi buồn bất hạnh.

Kẻ chìm đắm trong nỗi buồn vì chuyện bất hạnh [114]  không nên vội vàng làm những chuyện như cắt tóc đi tu mà phải về nhà ngày đêm đóng cửa sống một mình, không cho ai biết mình còn đó hay không. Phải có cái tâm tình giống như là trong cuộc sinh hoạt này, mình không còn mong đợi điều gì nữa.
Quan tham nghị bậc trung Akimoto [115]  có lần nói: Ta muốn nhìn vầng trăng sáng nơi bước lưu đày mà không cảm thấy có gì tội lỗi [116] ". Ta nghĩ có thể thấu hiểu được lời ông.
 

Đoạn 6: Nếu thân danh ta cao quí.

Trường hợp thân danh ta cao quí, chứ không nói đến kẻ thân danh tầm thường, thì cứ ở như vậy, đừng có con cái.
Các ngài Tiền Trung Thư Vương [117] , thái chính đại thần Kujô [118]  , tả đại thần Hanazono [119]  tất cả đều mong cho họ mình tuyệt tự. Đại thần Sômedono [120]  cũng nói: "Không có con chả sao đâu. Có đứa con chẳng ra gì là chuyện bực không chịu được!". Giai thoại này là đề tài cho một truyện trong tập "Ông già Yotsugi" [121] . Thái tử Shôtoku [122]  khi cho xây sinh phần của mình có bảo: "Phải xén chỗ này. Phải chặt chỗ kia!" . Ta hiểu hình như ngài muốn đoạn tuyệt đường con cái [123] .
 

Đoạn 7: Không khô như sương trên cánh đồng Adashi

Sương trên cánh đồng Adashi [124]  khô ngay, khói núi Toribe [125]  mới nhìn đã không thấy nữa thế mà con người không muốn mình biến mất như giọt sương, ngọn khói. Tuy nhiên, nếu cuộc đời cứ kéo dài vĩnh viễn thì còn gì đáng để xúc động [126]  nữa. Chính vì đời vô thường nên nó mới tuyệt vời.
Thử nhìn sinh vật muôn loài xem, có giống nào sống lâu hơn loài người. Phù du sáng sinh ra chiều đã chết đi [127] , ve sầu sống chỉ nội mùa hè, nào có biết xuân thu [128], chúng là những con vật mà cuộc đời thật ngắn ngũi. Sống mà biết sống vui thỏa thì cho dù một năm thôi cũng đã thấy cuộc đời dài lắm rồi. Còn như cứ muốn mình sống mãi sống hoài, không sao thấy đủ thì nghìn năm chỉ thoáng qua như giấc mộng một đêm. Cuộc đời này sẽ phải biến mất đi lúc nào đó thôi, bám víu làm chi khi để thấy cảnh già nua xấu xí. Sống càng thọ càng mang nhục [129] . Cùng lắm thì nên chết lúc chưa tới bốn mươi là vừa đẹp [130] .
Sau đi qua cái tuổi đó rồi, con người không còn biết mắc cỡ vì hình dung xấu xí nữa, lại thích nhập bọn với người khác. Lúc đời xế bóng, họ muốn kéo dài tính mệnh để gần gũi con cháu [131] , cầu mong sống thêm để chứng kiến tương lai của chúng lúc thành nhân. Họ chỉ đeo đẳng mỗi cái lòng dục mà quên phải sống cho ra hồn người. Những cảnh tượng như vậy thật không sao coi cho được.
 

Đoạn 8: Cái làm rối loạn lòng người.

Ở đời, cái làm cho cái tâm của người đàn ông rối loạn là dục vọng của họ đối với phụ nữ. Lòng người ta quả là ngu muội vậy. Cái hấp dẫn gây ra bởi giác quan nào có thực, ví dụ hương thơm [132] xông quần áo [133]  chỉ là cái nhất thời, thế mà khi ngữi mùi lan xạ là không thể nào con tim không bấn loạn. Nhà ẩn tu [134]  ở chùa Kume [135]  đất Yamato thấy bắp chân trần trắng muốt của người con gái đang giặt đồ mà mất phép thần thông (nên đang bay bỗng) rơi xuống đất. Thật vậy, khác với hương phấn (không thực và không lâu dài), tay chân và làn da người con gái có cái đẹp màu mỡ của da thịt thiên nhiên, chả trách nhà tu hành kia đâm ra mê loạn.
 

Đoạn 9: Mái tóc đẹp.

Nơi người đàn bà, mái tóc đẹp [136]  là cái thu hút tia nhìn của đàn ông hơn cả. Còn tính tình và phẩm cách của nàng, thì qua lời ăn tiếng nói, cho dầu mặt khuất sau bức mành [137] , cũng có thể đoán biết được.
Nhân một dịp nào đó, nếu dáng vẻ tự nhiên của họ chiếm được trái tim đàn ông, hầu như cô nào bà nào cũng sẽ thao thức mất ngủ, chẳng nề hà trước khổ cực, nhiều khi chịu đựng được cả những điều thường ngày không kham nổi, cũng chỉ vì họ đang tràn trề tình yêu.
Thật vậy, dục vọng yêu đương của trai gái vốn có nguồn cội rất sâu xa. Con người ta nhận nhiều kích thích do lục trần [138]  thành ra sinh nhiều điều ham muốn.Tất cả ham muốn đều có thể vứt được tất chỉ trừ tình cảm đối với người khác phái thì khó mà bỏ.Về điểm này dù cho già, trẻ, hiền, ngu, không ai khác ai cả.
Cũng vì lý do đó nên mới có truyền thuyết là sợi dây thừng xe bằng lọn tóc của người đàn bà có thể cột được con voi khổng lồ [139] , mà ống tiêu đẽo từ gỗ đôi guốc của người đàn bà có thể làm cho con nai mùa thu động tình đi tìm nai cái lần đến gần [140] . Cho nên phải tự răn mình, cẩn thận không nên lầm lạc mắc vào dục vọng đáng sợ đó.
 

Đoạn 10: Sự hài hòa của nơi cư trú.

Nơi cư trú của còn người thường hài hòa và thích hợp với người sống trong đó. Vì thế, dù ngôi nhà chỉ là nơi ở tạm trong cuộc đời biến ảo, ta thấy nó cũng có khi đem lại cho ta nhiều nguồn vui và cảm tưởng thích thú.
Chỗ một con người thanh cao sống trong cảnh an nhiên tự tại thì ngay ánh trăng chiếu vào trong nhà cũng có cái gì nên thơ hơn một bậc. Nhà không cần loại trang trí bóng lộn thời thượng mà là nơi có những lùm cây hoang dại, cỏ trong sân mọc theo thiên nhiên, với những tấm mành tre và rào dậu để lơi là đầy phong vị cổ kính, làm cho mình cảm thấy thoải mái và lắng dịu khi nhìn.
Nhiều người cho thợ mộc tận lực tu bổ nhà cửa, đặt những đồ chưng bày quí hiếm thu thập trong nước hoặc đến từ Trung Quốc, sửa sang nhân tạo cả những cây cỏ đã có, làm khung cảnh thành ra nhức mắt và không khỏi gây bực mình. Ai mà có thể sống mãi trong căn nhà đó, và ý tưởng đầu tiên đến với ta là nó có thể bị thiêu rụi một cách dễ dàng trong phút chốc. Tóm lại, chỉ cần nhìn một ngôi nhà, ắt biết chủ nhân của nó là người thế nào.
Nơi phủ đệ của quan Tả Đại Thần Gôtokudaiji [141] , vì không muốn cho diều hâu đến đậu, ngài đã cho giăng giây thừng trên mái tẩm điện. Tăng Saigyô [[142] thấy thế mới bảo: "Diều hâu đến đậu thì đã có gì bất tiện! Ông quan này quả thật hẹp lượng". Thế rồi từ đó nghe nói người không đến thăm đại thần nữa. Còn Hoàng tử Ayanokôji [143]  thì trên nóc điện Kosaka [[144]là nơi ngài ngự, một hôm cũng có giăng giây thừng. Nhân đó, khi ta nhắc đến chuyện xưa thì người ta có giải thích lý do như thế này: "Bởi vì lũ quạ tụ tập thành bầy trên đó có thể sà xuống ao giết hết ếch nhái. Hoàng tử thấy thế nên đem lòng tội nghiệp chúng". Nếu như vậy thì hoàng tử thật là người đáng quí.
Trường hợp của quan Tả Đại Thần Gotokuji thì không hiểu ông có duyên cớ gì đặc biệt chăng?
 

Đoạn 11: Về "tháng không thần[145] .

Tháng không thần (tháng mười âm lịch), nhân có việc đến thăm người ta, phải đi ngang qua cánh đồng Kurusu [146] , vào tận một thôn làng ven núi. Khi đang vẹt lối bước đi trên con đường mòn xanh rêu và trải về xa tắp, ta thấy một cái am nhỏ quạnh hiu. Chỉ nghe tiếng nước giọt tí tách từ máng tre bị lá mục che phủ, ngoài ra chung quanh hoàn toàn tịch mịch.Vì có một cái giá bày biện sơ sài mấy nhánh hoa cúc và lá phong đỏ để cúng Phật, mới đoán chừng chắc có ai sống đâu đây.
Ta lặng người nhìn không khỏi cảm kích. nghĩ thầm sao lại có người sống được nơi thanh vắng như thế này. Bên kia khu vườn, có một cây cam cành trĩu những quả to. Chung quanh thân cây được rào giậu kỹ lưỡng. Điều đó bất giác làm ta mất đi hứng thú. Phải chi không có cây cam này thì hay biết chừng nào [147] .
 

Đoạn 12: Bạn đồng tâm.

Với những người có tâm hồn đồng điệu với mình, nếu ta có dịp được ngồi nói chuyện với nhau một cách thân mật, chia sẻ về điều gây hứng thú hay chuyện dâu bể cuộc đời, thực lòng tâm sự an ủi nhau thì không có gì vui sướng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế thật khó tìm được kẻ như thế, thường là ta cứ phải giữ ý giữ tứ với người nói chuyện trước mặt mình.Những giây phút đó, ta cảm thấy buồn và cô đơn.
Đối với những việc thế nào cũng phải làm cho ra lẽ, ta mong được có những người chịu khó lắng tai rồi nói "Không lẽ thế sao!" và cho những ý kiến tinh tế. Với họ, ta có thể tranh cãi: "Vì thế này nên nó phải thế kia!" hay ra sức thuyết phục họ và nhờ đó, đỡ ấm ức. Nhưng trên thực tế có rất nhiều người trước một việc gì không đồng ý, họ tỏ ra thuận thảo với ta đấy nhưng lòng vẫn mang nặng hiềm nghi. Đối với những kẻ ấy, trong lúc có mặt nhau, có thể nói chuyện cho xuôi tai, nhưng họ không phải là bạn thật của ta đâu. Thế mới đáng buồn làm sao!
 

Đoạn 13: Đối bóng ngọn đèn.

Mở trang sách dưới ngọn đèn, như được làm bạn với người muôn năm cũ, không có gì cảm thấy được an ủi cho bằng.
Về các tác phẩm tuyệt vời đó hay phải kể đến những trang gây xúc động của Văn Tuyển [148] , lời lẽ trong Bạch Thị Văn Tập [149] , sách Lão Tử [150] , thiên Nam Hoa [151] . Về trứ tác của các quan bác sĩ [152] nước ta, trong số sách các bậc tiền bối, nhiều cuốn đọc cảm khái vô hạn.

Một mình đối bóng ngọn đèn (Đoạn 13)
 

Đoạn 14: Về thơ waka[153] .

Dù ai bảo thế nào đi nữa, thơ quốc âm waka là cái gây được xúc động trong lòng. Ngay khi lấy kẻ bần dân hay người kiếm củi làm đề tài thì qua lối diễn đạt bằng thơ, cũng thành đậm đà thi vị. Nói về con heo rừng hung hãn mà viết với từ ngữ thơ như "Ổ cỏ khô nơi heo rừng ngủ" [154]  thì bỗng thấy hiền lành tao nhã.
Gần đây, đôi khi ta được đọc một số bài khá thú vị nhưng đều không có cái phong vị của thơ xưa nghĩa là nói lên được điều khó nói, những tình cảm thấm thía đọng lại được cả bên ngoài câu chữ. Ví dụ như câu thơ [155]  của Tsurayuki [156]  " Dù chúng ta nào có phải như tơ quấn lại" đã bị bao đời xem chỉ là một bài thơ tạp nhạp trong cuốn Kokinshuu [157] , nhưng thử hỏi thời nay có ai làm nổi một câu thơ như vậy! Thời xưa, loại thơ có âm điệu hay chữ dùng như bài nói trên thực ra hết sức nhiều. Riêng bài thơ này, ta không hiểu lý do gì người ta xem nó là xoàng xĩnh. Hơn nữa, câu thứ hai [158]  "Dù đâu có phải" của bài mà Tsurayuki làm đó sau cũng đã được trích dẫn trong Truyện Genji [159] .
Trong Shin-Kokinshuu [160] , cái câu "Duy còn lại thông buồn trên đỉnh núi" [161]  cũng bị đời coi là thơ không ra gì. Nếu thế thì nó đã không được độc giả cảm nhận một cách đầy đủ, bởi vì bài đó khi được đem ra để đánh giá trong buổi bình thơ, mới đầu các người bình đã xem là thơ thuộc loại khá rồi, sau đó đến khi thượng hoàng [162]  duyệt, lại dạy rằng nó có ý nghĩa thâm sâu. Đó là điều mà (chức quan trong Viện Thi Ca) Minamoto no Ienaga [[163] đã chép lại trong nhật ký của ông.
Người ta bảo nguyên lý làm thơ xưa giờ vẫn không khác, thế nhưng rốt cuộc thử hỏi nguyên lý đó là gì? Cũng cùng một ngôn ngữ thơ, cũng cùng một gối thơ [164] , thế mà thơ người xưa hoàn toàn khác. Thơ người xưa trung thực, không làm cho ra vẻ, mà hình thức lại đẹp và tình ý nồng đượm.
Ta nghĩ lời thơ của tập dân dao Ryôjin Hishô [165]  có nhiều câu làm rúng động lòng người. Tác giả của nó là những người đời xưa đấy, thế nhưng những lời nói không kiểu cách, không văn hoa thốt ra từ miệng của họ, tất cả đều trở thành tuyệt vời.
 

Đoạn 15: Cho dù cất bước đi đâu.

Dù lên đường đi chơi những đâu, nội chuyện được ra khỏi nhà ít lâu là trong người tỉnh táo hẳn.
Được đi dạo chỗ này chỗ nọ chung quanh nhà mình đến tạm trú ví dụ nơi đồng ruộng thanh u hay xóm làng trong núi, chắc chắn mình sẽ khám phá những điều mới lạ.Từ nơi lữ thứ, có dịp gửi thiệp chào thăm về kinh đô và nhắn: "Chuyện kia chuyện nọ, cứ tùy tiện mà làm đi! Chớ có quên nghe !" [166]  thì đó thật là những câu nhắn nhủ đáng yêu.
Khi bước chân đi xa như thế, người ta thường nhạy cảm [167]  hơn về bất cứ chuyện gì. Cho đến cả những vật mang theo bên mình, đều thấy đáng quí hơn ngày thường, đối với những người tài năng hay có dung mạo đường đường, ta nhận ra dễ dàng hơn.
Nếu được cơ hội viếng các đền chùa [168] , đóng cửa ở đó ít lâu để khấn nguyện thì cũng là một điều thích thú.
 

Đoạn 16: Nhạc tế thần[169]

Nhạc kagura [170]  để tế thần vừa vui tai lại vừa tao nhã.
Nói chung, trong đó các loại nhạc khí tiếng nghe hay là sáo ngang và khèn. Riêng ta thích đàn tì bà và đàn Nhật wagon [171] .
 

Đoạn 17: Náu mình trong chùa trên núi.

Lui vào làm Phật sự ở chùa trong núi [172] , mình sẽ hết buồn chán, tâm hồn được xóa sạch mọi phiền não.
 

Đoạn 18: Cam cảnh thanh bần.

Sống một cuộc đời giản dị, kiệm ước, không đua đòi xa xỉ, chẳng màng của cải, không bắt chước người đời là điều tốt hơn cả. Xưa nay, cứ xem hiền nhân có ai giàu đâu [173] .
Bên Trung Quốc [174] , ông Hứa Do [175] , trên người chẳng có lấy một thứ vật dụng, đến nỗi lúc khát phải lấy tay bụm nước mà uống. Có kẻ thấy thế mới tặng ông ta một quả bầu khô. Một hôm ông treo nó trên cành cây, quả bầu bị gió đánh lanh canh rầy rà, ông ta bực mình vứt quách. Rồi cứ tiếp tục vốc nước trong lòng bàn tay mà uống, thế nhưng ông cảm thấy mát rượi tận đáy lòng.
Người tên là Tôn Thần [176]  thì mùa đông không chiếu đắp cho ấm, chỉ có mỗi bó rơm, tối trải mà ngủ, sáng ra cuốn lại.
Người Trung Quốc xem những chuyện này là bài học có ý nghĩa nên ghi chép gìn giữ, truyền cho đời sau [177] . Còn ở (Nhật Bản) ta, chẳng thấy ai kể lại những sự việc như thế này cả.
 

Đoạn 19: Bốn mùa thay đổi.

Bốn mùa tiếp theo nhau thay đổi, tùy theo phong vật, mỗi mùa đều đem lại những cái thú đặc biệt.
Hình như mọi người đều đồng ý: "Mùa thu, ta dễ cảm thông với đất trời". Có thế thật, nhưng ta nghĩ mùa xuân mới làm cho tâm hồn dễ dao động hơn cả [178] .Trước tiên, trong tiếng chim kêu [179]  cảm thấy sự đổi mới, dưới ánh nắng hiền hòa của ngày xuân, cỏ mọc dưới chân bờ giậu cũng nẩy xanh. Thế rồi mùa xuân dần dần lộ rõ ra, sương mờ giăng mắc, hoa anh đào bắt đầu hé nụ.Tiếc là lúc đó lúc đó, thường thì hết mưa rồi gió dập vùi chúng tan tác. Cho đến khi anh đào xanh lá, đời hoa kia đã gây cho người biết bao nhiêu cái não lòng [180] .
Chuyện hoa quít đánh thức lòng hoài cựu thì ai cũng biết nhưng, ngoài ra, hương thơm của hoa mơ cũng gợi lại bao nhiêu kỹ niệm, thương nhớ xa xưa. Hoa chùm vàng [181]  nở tươi tắn, hoa tử đằng [182]  buông rũ mơ huyền, vẻ đẹp nào cũng làm ta khó quên [183] .
Có người bảo: "Vào dịp lễ Tắm Phật [184]  hay lễ thần đền Kamo thì trên ngọn cây, lá non xum xuê khoe sắc, thế nhưng lúc này là lúc mình thường nghĩ về sự đổi thay của cuộc đời và về những người thân thương một cách thấm thía và sâu sắc nhất". Quả thật như vậy. Tháng năm, khi hoa xương bồ [185]  tô điểm bên hiên nhà, cũng là lúc phải đi nhổ mạ, ai mà chẳng chạnh lòng buồn khi nghe một tiếng gà nước [186]  kêu lên bất chợt [187] . Đến tháng sáu, bên mái tranh nghèo, nhìn màu hoa bìm [188]  buổi tối nở trắng nhờ nhờ dưới làn khói của lửa đốt đuổi muỗi tan loãng dần, thấy thật thú vị. Lễ tẩy uế cuối tháng sáu trông cũng hay hay [189] .
Lễ Thất Tịch (với ả Chức chàng Ngâu) hết sức dễ thương[190] . Sau đó, khi trời đã trọng thu thì ban đêm cảm thấy lạnh dần, ngỗng trời từ đâu đến vừa bay vừa kêu quang quác, những ngọn lá nấp dưới bụi cây hagi [191]  đỏ dần. Lúc đó người ta đi gặt lúa đầu mùa về phơi. Mùa thu thực là lúc bao nhiêu là cảnh tượng thú vị muôn màu muôn vẻ như hiện ra cùng một lượt. Ngoài ra, sáng hôm sau ngày cơn bão quét qua cũng là một cách đáng yêu [192] . Nếu cứ nói thêm về những quang cảnh này nữa e lại trùng với những gì đã thấy chép trong Truyện Genji [193]  và Ghi Nhanh Bên Gối [194]  rồi nhưng ta nghĩ có nói lại cũng không sao.Bởi vì không nói ra thì bụng còn ấm ức cho nên cứ để mặc ngọn bút đưa đẩy.Thế nhưng những gì ta viết nguyên chỉ là để giúp mình giải buồn, có xé đi vứt đi cũng được, không phải phiền đến ai phải để mắt.
Ta nghĩ cảnh vật tiêu sơ của mùa đông chẳng có chỗ nào làm nó thua kém mùa thu đâu. Vào một buổi sáng, thấy bên bờ ao nước trong vườn, lá đỏ rụng đầy lên cỏ được phủ bên trên bằng một lớp sương trắng tinh, có hơi nước bốc lên từ dòng suối giả, thật thích. Trong những ngày cuối năm, nhìn thiên hạ bận bịu tất bật thì không có gì cảm khái cho bằng. Thế nhưng trên bầu trời đêm, vầng trăng tàn đã qua ngày hai mươi không người buồn ngắm, với quầng ánh sáng lạnh lẽo, leo dần lên không, đủ đánh thức trong lòng nỗi u hoài lặng lẽ. Nghi thức niệm Phật [195]  và cảnh các sứ giả lên đường về địa phương để cúng tế lăng mộ [196]  gợi trong ta một niềm tôn kính. Thời điểm này, trong cung có rất nhiều lễ lạc, thêm vào đó còn các nghi thức để chuẩn bị đón chào năm mới nên cảnh tượng trông thật bận rộn. Từ Lễ Đuổi Quỉ [197]  đến Lễ Bái Vọng Tứ Phương [198]  đều thấy hay hay. Tối ba mươi, từ nửa đêm trở đi, giữa khi trời tối mịt, người ta đốt đuốc gỗ thông lên, vòng quanh gõ cửa các nhà hàng xóm, không biết hò hét cái gì nhưng không khí hết sức nhộn nhịp, chân họ chạy thật nhanh thiếu điều không chạm đất.Khi trời hừng sáng thì hàng phố bỗng yên ắng một cách lạ lùng. Lúc đó mình mới tiếc nuối, thấy năm cũ sao mà qua quá nhanh.
Đêm giao thừa cũng là lúc những người đã khuất trở về nhà [199] . Chính ra phải làm lễ để đón rước linh hồn họ nhưng lúc sau này, ở kinh đô người ta cũng bỏ mất tập tục đó. Ngược lại, thấy ở vùng Kantô [200]  thiên hạ hãy còn gìn giữ tục lệ ấy. Thật cảm động.
Như thế, khi ngày nguyên đán bắt đầu, bầu trời tân xuân trông nào khác chi so với ngày hôm qua nhưng mọi người đều cảm thấy thay đổi hoàn toàn.Ngoài các đường phố chính, người ta trang hoàng những bụi tùng đón xuân trước cửa nhà, nơi nơi tràn ngập niềm vui và sức sống. Cảnh tượng đó cũng thật thích.
 

Đoạn 20: Người ấy tên gọi là chi nhỉ?
Con người lánh đời đó [201] , tên gọi là chi nhỉ? Người ấy từng nói: "Tấm thân mà cuộc đời này không có mảy may điều gì đủ lôi cuốn nữa". Chỉ bảo: "Hãy còn tiếc mỗi khung cảnh bầu trời [202] ". Ta cảm thấy đồng tình với câu nói đó.
 
Đoạn 21: Vui là khi ngắm vầng trăng.

Dầu sao, khi ngắm vầng trăng, ta bao giờ cũng tìm thấy nguồn an ủi. Có người bảo: "Không có gì dễ thương bằng vầng trăng". Người khác lại bảo: "Nhìn sương thấy xúc động hơn". [203]   Ta thích thú nghe họ tranh luận với nhau. Nhận xét thích hợp nhất có lẽ là mọi vật đều có vẻ đẹp riêng của nó.
Hoa và nguyệt thì khỏi phải bàn đến. Làn gió thực là cái làm ta dễ rung động hơn cả [204]  . Cảnh dòng suối trong bắn nước vào bờ đá, bất luận mùa nào, đều đáng yêu.
(Về sông) ta có đọc bài thơ với nội dung:
Nguyên, Tương sao cuộn về Đông mãi,
Chẳng nể lòng sầu, chậm chút cho! [205]
Lấy làm vô cùng cảm khái. Kê Khang [206]   cũng nói: "Lúc đi chơi chỗ núi non, hồ đầm, thấy chim thấy cá, trong lòng vui thích". Không có gì an ủi tâm hồn bằng khi có dịp lửng thửng dạo một vòng quanh nơi nước biếc cỏ xanh không lấy bóng người.
 

Đoạn 22: Mến mộ đời xưa.

Bất cứ việc gì, người ta hay hâm mộ cung cách đời xưa. Thời mới bây giờ, mọi sự hầu như xuống dốc quá đáng. Cứ lấy đồ gỗ của chuyên gia dụng cụ văn phòng trong cung khắc biết: kiểu càng xưa thì nom càng khéo.
Nghệ thuật viết thư cũng vậy. Văn từ theo lối cũ, nhìn mấy bản nháp, thấy nhiều cái hay. Lời ăn tiếng nói hằng ngày sau này đổ đốn ra.
Ngày xưa phải nói: "Nâng càng xe lên!", "Khơi ngọn bấc lên!" thì bây giờ gặp trường hợp như thế chỉ nghe họ hô (cộc lốc) : "Nhấc!" "Khơi!". Ở cơ quan bảo vệ trong cung, thay vì ra lệnh: "Chuẩn bị dàn chào!" họ lại nói (nôm na): "Đuốc đâu, thắp mang tới đi!". Chỗ mà thiên hoàng nghe giảng kinh Tối Thắng Vương [207]   ngày xưa có danh hiệu là Ngự Thính Văn Sở thì ngày nay họ chỉ tóm lược lại thành Phòng Giảng. Bậc cố lão nhiều người cho những việc đó là "Không tha thứ được!"
 

Đoạn 23: Thời buổi suy vi.

Trong thời buổi tàn mạt [208]   của thế gian như ngày nay mà nơi cung cấm vẫn còn giữ được không khí trang trọng thiêng liêng, không bị ố nhiễm thế tục, thật là một điều đáng nễ.
Nghe cách đặt tên như "Đài Sương" (Rodai) [209]  , "Gian Ngự Thiện Ban Mai" (Asagarei no Ma) [210]   và tên gọi những điện này, môn nọ [211]   trong cung làm cho ai cũng thích. Thật là êm tai khi thấy người ta gọi Kojitomi, Koitashiki, Takayarido, (những cái tên thanh bai) đặt cho mấy bộ phận tầm thường như cánh cửa sổ nửa vời, hành lang lát gỗ hay cánh cửa lách, một khi chúng là vật ở trong cung.
"Hãy chuẩn bị cho "trận" tối!", hiệu lệnh đó gây ấn tượng khi nghe nó ở gian phòng hội nghị [212]  . Còn khi sửa soạn đèn đóm cho tẩm điện của thiên hoàng thì họ hô "Mau điểm hỏa lên!", nghe cũng thấy hay. Dáng điệu các bậc công khanh cấp cao điều hành hội nghị trong phòng họp, ra chỉ thị như thế nào thì đã đành rồi, nhưng ngay cả tiểu lại thuộc các ty sở khi làm việc ai nấy đều cũng mặt mũi vênh váo và đều tỏ ra mình thành thạo. Cảnh tượng này thật vui mắt. Vào những đêm đông lạnh giá, lác đác đó đây cái dáng họ ngủ gà ngủ gật [213]    thấy mà tức cười.
Nghe nói có lần quan Thái Chính Đại Thần Tokudaiji [214]   nhận xét: "Những tiếng chuông trong Naishi-dokoro [215]   nghe thanh nhã êm tai!"
 

Đoạn 24: Truyện công chúa đi tu thế ra ở cung ngoài đồng .

Ta nghĩ thật không có gì tao nhã, gây bồi hồi trong lòng hơn cảnh tượng cô công chúa chưa chồng đi tu thế ở đền thần (người gọi là Saiô) [216]  , phải ra tạm trú cung ngoài đồng [217]   (chỗ gọi là No no Miya). Để kiêng những chữ (nhà Phật) như "Phật" như "kinh", người ta dùng các từ đặc biệt (Thần Đạo) thành ra "Vị thần đặt giữa khám thờ" (nakago), "giấy nhuộm màu" (somegami) [218]  , nghe qua cũng hay hay.
Hầu hết các đền thần đều có những phong vị khó quên. Dù rằng cảnh núi rừng tự nó cũng đã đem lại dáng dấp cổ kính thanh u rồi, thế nhưng những vòng rào gọi là tamagaki [219]   và những tấm yufu [220]   sợi tơi ra treo rủ trên cành cây thiêng sakaki [[221]   đã tạo cho nó thêm một thi vị đặc biệt.
Những ngôi đền đáng chú ý hơn cả là đền Ise, Kamo, Kasuga, Hirano, Sumiyoshi, Miwa, Kifune, Yoshida, Ôharano, Matsu no O, Umenomiya [222]  .
 

Đoạn 25: Đất lở đất bồi trên sông Asuka[223] và cuộc đời vô thường

Cuộc đời này thảy đều vô thường cũng như vực sâu hóa ra con lạch [224]   trên dòng sông Asuka mà những bài thơ xưa bao lần nhắc tới.Thời cuộc thay đổi, bao nhiêu điều may mắn và nỗi bất hạnh đến với chúng ta cũng trôi đi theo dòng đời biến dịch [225]  . Trong khoảng thời gian ấy, những cuộc đất đẹp đẽ đã biến thành cánh đồng hoang, dù nhà hãy còn đó nhưng đã thay chủ khác, đào lý trong sân vẫn y như cũ nhưng là vật vô tri, chúng nào biết thổ lộ điều gì [226]  . Vậy thì, ai có thể kể cho ta nghe chuyện xưa tích cũ? Huống chi, đứng trước những nơi mà các vị tôn quí ngày xưa ta chưa hề biết mặt đã từng sinh sống thì lòng cảm khái thương cho cuộc thế đổi dời lẽ nào không có.
Khi ta nhìn điện Kyôgoku [227]   và chùa Hôjô [228]   chẳng hạn, chỉ thấy dấu vết của ý chí [229]   con người còn sót lại chứ nào thấy hình bóng sự nghiệp hưng thịnh của những năm tháng trôi qua nên lòng không khỏi chạnh niềm thương cảm. Ngài Midô [230]   ra lệnh kiến tạo chúng đẹp đẽ, cúng tiến vào đó lợi tức của một số trang viên, cũng vì ngài nghĩ chỉ có dòng họ nhà mình đời đời làm kẻ phò tá vương thất và nắm quyền bính vinh hiển mãi mãi. Lúc đó làm gì ngài có thể dự đoán trong tương lai gần hay xa, chúng có thể trở thành hoang phế như thế này đâu. Đại môn và tòa kim đường [231]   của chùa Hôjô hãy còn tồn tại cho đến gần đây thế nhưng nam môn đã cháy tiêu hồi năm Shôwa [232]  . Rồi lúc sau này, tòa kim đường cũng sập nát trơ ra đó, không nghe ai nói đến chuyện trùng tu. Vỏn vẹn có Vô Lượng Thọ Viện là còn sót lại [233]   như để nhắc nhở đến một thời xưa. Tượng Phật [234]   cao một trượng sáu gồm có chín vị, uy nghiêm ngồi xếp hàng cạnh nhau. Thật vô cùng cảm khái khi ta nhìn thấy nét bút của quan Dainagon Kôzei [235]   trên hoành phi hay chữ viết của ngài Kaneyuki [236]   bên cửa vẫn chưa mờ. Những nơi như Pháp Hoa Đường [237]   hình như cũng còn đó. Thế nhưng kéo dài được đến lúc nào đây! Những di tích còn được như ngôi chùa này chẳng có là bao. Có khi chỉ còn trơ mỗi viên đá xưa đặt làm móng, mà người ta cũng không biết chính xác di tích ấy tên gì.
Do đó, bất cứ việc gì mà để tâm lo liệu cho cả đến lúc sau khi mình nhắm mắt đi rồi thì thật là vô nghĩa.
 

Đoạn 26:  Gió dầu không cuốn, lòng cũng đổi thay.

Người ta bảo lòng của con người còn mong manh hơn cả hoa anh đào tan tác khi gặp làn gió cuốn.Khi nghĩ về những tháng ngày vì quá tin ai nên đã đem tình yêu trao gửi, ta không thể nào quên được những điều nàng nói mà một lần mình đã cảm động lắng nghe. Việc người bạn của ta dần dần lãng ra, sống trong một thế giới càng ngày càng xa lạ với ta thì cũng là chuyện thường tình ở đời. Thế nhưng nỗi buồn sinh ly này còn gây đau đớn cho ta còn hơn sự tử biệt.
Vì cuộc chia tay gây đau thương như thế, nên ta tin chắc rằng chuyện cái người đàn ông buồn bã khi thấy ai đem chỉ trắng nhuộm đủ màu [238]   và một người khác than thở vì con đường bỗng đâm ra thành ngả rẽ, đều là có thật.
Trong số trăm bài thơ đem trình lên cho thái thượng hoàng Horikawa có bài như sau [239]  :

Mukashi mishi
Imo ga kakine wa
Ararenikeri
Tsubana majiri no
Sumire nomi shite

Hàng dậu anh từng thấy,
Xưa bao quanh nhà em.
Nay hoàn toàn đổ nát.
Chỉ còn hoa tím chen,
Trên đồng gianh trắng lớp.

Cảnh tượng như thế quả là buồn và tác giả bài thơ chắc đã từng trải qua kinh nghiệm ấy.
 

Đoạn 27: Lễ Nhường Ngôi

Không có cảnh nào đau lòng [240]   hơn là lúc cữ hành nghi thức nhường ngôi, khi (cựu hoàng) trao cho tân quân [241]   ba thứ báu vật truyền quốc là lưỡi kiếm, tấm kính và viên ngọc.
Mùa xuân năm ngài thoái vị, cựu hoàng [242]   đã vịnh bài thơ [243]  như sau:

Tonomori no
Tono no miyakko
Yoso ni shite
Hawanu niwa ni
Hana zo chirishiku

Bọn phục dịch trong cung,
Ngay cả hàng thấp kém,
Cũng đổi lòng, dửng dưng.
Vườn ta bỏ không quét,
Hoa [244]   rụng phủ đầy sân.

Vì bận rộn với công việc đình đám mừng vua mới, không còn ai vãng lai đến chỗ ở của cựu hoàng nữa. Những cơ hội này mới thấy bộc lộ lòng dạ của người đời [245]  .
 

Đoạn 28: Trong năm Thiên Hoàng cư tang[246]  .

Năm thiên hoàng cư tang [247]   là khoảng thời gian gây ra nhiều cảm xúc sâu xa. Ở nơi ngài thiên cư ra để chịu tang (chỗ gọi là iro) [248]  , người ta hạ thấp mặt sàn ván xuống [249]  , rũ màn kết bằng cỏ lau, phủ qua loa vải bố ra bên ngoài rèm. Đồ dùng thảy đều phải đơn sơ thô phác. Cái cảnh quần áo, thanh đao cho đến giải lưng mang đao của mọi người đều khác trước gây cho ta cảm giác nặng nề u ám [250]  .
 

Đoạn 29: Lặng lẽ suy tư.

Lúc lặng lẽ suy tư, kỷ niệm đáng yêu lại hiện về xâm chiếm hồn mà ta không sao cưỡng nỗi. Sau khi mọi người ngon giấc cả rồi, và để giết thời giờ trong đêm (thu) dài [251] , ta có thể làm vài việc trong tầm tay như sắp xếp lại đồ dùng văn phòng, xé mấy thứ giấy tờ thấy không cần giữ nữa. Tình cờ lúc đó ta bắt gặp những mẫu thư đạo, bút tích của người bạn nay đã qua đời hay những tranh vẽ do người đó phác thảo. Ta có cảm tưởng như sống lại quãng ngày xa xưa ấy.
Bức thư của người hiện còn sống cũng gây xúc cảm, nếu là thư nhận được từ lâu rồi thì nó khơi cho ta nhớ lại thư đó đã viết trong dịp nào, hồi nào, năm nào. Những vật dụng đã quen tay cũng vậy, cái thân người dùng [252]   đã thay đổi rồi mà chúng vẫn vô tình, trơ trơ như xưa. Ôi, buồn làm sao!
 

Đoạn 30: Nỗi buồn khi một người qua đời.

Không có cảnh nào buồn hơn là những gì xãy ra sau cái chết của một con người.
Trong thời gian gọi là Chuu.in [253]  , bà con thân quyến dọn ra một vùng như thôn làng ven núi [254]  , nơi thường là chật hẹp và bất tiện cho việc tụ họp một số người đông đúc, để cử hành tang lễ [255]   cho người chết. Lúc ấy, lòng họ còn tràn đầy xúc động. Mấy hôm đó trôi qua rất nhanh, đó là điều không nói cũng hiểu. Đến ngày thứ 49 là ngày cuối thì người ta đã hết quan tâm và giữa họ không còn gì để thưa gửi nữa. Họ chuẩn bị thu dọn mọi thứ chung quanh mình rồi chia tay tản mác ai về nhà nấy. Từ khi về đến nơi, nếu họ có đâm ra buồn trở lại nhiều hơn trước thì cũng là sự tự nhiên. Họ sẽ trách nhau bằng những câu như: "Không chấp nhận được. Ăn nói không biết giữ gìn giữa chỗ ma chay như vậy làm cho người sống xúi quẩy đấy!". Cách phát ngôn không chút tình cảm kiểu đó trước cảnh tang tóc buồn bã này làm cho ta thấy con người quả là đáng chán.
Sau đó, năm tháng trôi qua. Tuy không phải chẳng ai còn nhớ đến người đã khuất nhưng rõ ràng là "mỗi ngày hình ảnh của người ấy nhòa nhạt dần" [256]   như cách nói của người xưa. Không biết có phải vì nỗi buồn không còn được thống thiết như những ngày người ấy vừa mới nằm xuống hay sao mà người ta đã bắt đầu nói khôi hài, cười cợt khi bàn về người đã khuất.
Về phần kẻ quá cố, người ta đem xác anh ra chôn vùi ở một chỗ núi non nào đó và chỉ ghé đến thăm trong những dịp lễ đặc biệt. Thế rồi bia mộ của anh cũng bị rêu ăn mòn và lá rụng lấp lên, chỉ còn cơn bão buổi chiều và vầng trăng khuya ghé đến làm bạn với anh.
Lúc những người thương tưởng đến anh hãy còn sinh tiền thì chưa đến nỗi, nhưng chẳng bao lâu họ cũng nối gót theo anh thôi. Con cháu của anh dù có nghe nói đến tên tuổi ông cha mình nhưng không hề gặp, chưa từng quen, làm sao truy điệu anh mãi được. Dĩ nhiên sau khi những buổi lễ bái cúng kiến không còn được cử hành nữa thì ai còn biết đến ngôi mộ ấy xưa là của người nào. Khi mùa xuân đến, mồ kia xanh cỏ [257]  , người có chút lòng còn nhìn nó mà chạnh niềm hoài cảm. Chứ về sau, khi năm tháng chồng chất thêm lên, lúc những cây tùng từng gào thét bi ai trong cơn bão tố, chưa sống hết nghìn năm đã biến thành củi chụm, thì những ngôi mộ cũng sẽ bị cày xới đi và nơi đó thành ruộng thành đồng [258]  . Rốt cuộc chẳng còn chút gì đâu dấu tích của người ấy [259]   nữa. Không buồn sao cho được!
 

Đoạn 31: Buổi sáng tuyết rơi.

Buổi sáng sau khi thích thú ngắm cảnh tuyết rơi, nhân có việc cần mới viết thơ gửi cho một người [260]  , nhưng trong thơ không hề đả động đến tuyết. Thư họ [261]   trả lời như sau: "Viết một bức thư mà không lấy một lời hỏi thăm người ta đã cảm xúc thế nào trước cảnh tuyết rơi, quả là vụng về. Thế thì tôi đâu phải hoài công để tâm vào điều ông dạy bảo. Càng nghĩ càng buồn người gì mà thiếu ý tứ."
Câu nói đó thấy có dễ thương không?
Người viết câu đó giờ đây đã mất. Câu chuyện thật ra chẳng có gì mà cũng khó quên.
 

Đoạn 32: Khoảng ngày 20 tháng 9[262]

Khoảng ngày 20 tháng 9, có lần ta được một người quí phái [263]   rủ đi bộ ngắm trăng cho đến khi hừng sáng. Vị ấy, như chợt nhớ ra, mới dừng chân ghé lại một ngôi nhà [264]  , lên tiếng xưng danh rồi được đưa vào bên trong. Khu vườn hoang vu, đầy sương móc nhưng chung quanh đó một làn hương tự nhiên chứ không phải do ai cố tình đốt lên, thơm dìu dịu như phong cách của một kẻ sống tĩnh mịch lánh đời, gây nên một xúc cảm hết sức đậm đà.
Người quí phái sau khi nán lại một ít lâu thì bỏ ra ngoài. Riêng ta, bị lôi cuốn vì phong cảnh tao nhã nơi đó, vẫn còn đứng trong một chỗ khuất ngắm nhìn thêm một chốc nữa. Bỗng thấy chủ nhà tay mở hé cánh cửa, dường như để ngắm vầng trăng. Vừa tiễn khách ra ngoài liền trở vào trong, đóng bít cửa thì sẽ khiến người ta thất vọng biết bao nhiêu. Lẽ nào người này cảm thấy dù khách đã đi rồi nhưng vẫn còn có ai đó đang đứng nhìn mình được. Cử chỉ (tự nhiên) như thế chỉ có nơi những người ngày thường đã sẳn có tấm lòng nhân hậu mà thôi.
Ta nghe nói người ấy đã qua đời sau đó ít lâu. [265]
 

Đoạn 33: Hoàn thành cung mới[266]

Sau khi cung thất mới đã cất xong, những nhà chuyên môn (sành về nghi thức, qui trình), được vời tới xem xét, đều thấy không có điều gì đáng góp ý cả. Cho đến lúc gần đến ngày thiên hoàng [267]   nhập cung thì có bà Genkimon.in [268]   đến viếng. Người ta kể là bà có nhận xét rất tinh tế như thế này: "Cánh cửa sổ làm theo hình cái lược (bán nguyệt) trong điện Kan.in [269]   (trước kia)không giống như cửa sổ ở đây. Nó tròn hơn và không có đường viền".
Trên cánh cửa sổ của cung mới, người ta đã chạm khắc và ghép thêm một đường viền bằng gỗ. Đó là một điều sai lầm, sau đã được sửa lại cho chính xác [270]  .
 

Đoạn 34: Kaikô [271 , một loại ốc loa[272]  ?

Vỏ con ốc tên là kaikô (dùng để làm hương) có hình thù giống ốc loa horagai nhưng khổ nhỏ hơn, chỗ miệng hơi dài, mím lại và chìa ra phía ngoài. Ta có tìm được một con như vậy trên bãi Kanazawa trong vùng Musashi [273]   và dân sở tại gọi nó là henatari [274]  .
 

Đoạn 35: Người viết chữ xấu.

Người viết chữ xấu không cần ngần ngại làm chi, thư từ cứ thế thoải mái mà viết là tốt. Cho chữ mình là xấu rồi nhờ người khác viết hộ thì phiền lắm. [275]
 

Đoạn 36: Lâu ngày không đến thăm nàng

Bẵng đi ít lâu không thăm nom [276]   một người đàn bà. Trong lòng biết nàng hận mình là chừng nào và cũng cảm thấy mình sống thiếu thành thật, nên không biết lấy lời gì để biện hộ. Vừa lúc ấy thì từ phía nàng lại có tin nhắn [277]  , kiểu như: "Làm ơn gửi cậu tớ trai đến giúp việc cái đi! Một người cũng đủ!" [2[278]   Thật chuyện không dè. Nghe sướng quá đi thôi. Ta thích người đàn bà tính khí (dễ thương mà sắc sảo) như thế.
Chuyện này người khác kể lại [279]   nhưng ta cũng đồng cảm với anh ấy.
 

Đoạn 37: Người hết sức thân quen.

Khi người sáng chiều hết sức thân quen, không có gì ngăn cách [280]   bỗng một hôm lại làm mặt lạ và có cử chỉ khác thường, chắc hẳn có kẻ sẽ bảo: "Sao xưa thế kia mà bây giờ lại thế khác?" . Theo ta, thái độ (lạnh lùng) đó chứng tỏ người ấy hết sức đàng hoàng và thành thật.
Mặt khác, kẻ không thân tình [281]   mà khi thổ lộ chuyện gì, cứ thẳng thắn trung thực trình bày với ta thì chắc chắn ta cũng đánh giá họ là người tốt .
 

Đoạn 38: Chạy theo danh lợi.

Khi ta đã vướng vào vòng danh lợi rồi thì tâm hồn không còn giây phút bình yên, tấm thân một đời khổ sở. Có phải ngu không!
Nếu ta có nhiều của cải, cả ngày cứ phải bo bo với nó, sẽ  lơi là việc bảo trọng tấm thân [282]  . Như thế là chuốc lấy nguy hiểm, rước tai họa vào mình [283]  . Sau khi mình chết đi rồi, dẫu có vàng mười chất cao đụng cả sao Bắc Đẩu [2[284], ta chỉ gây ra sự phiền nhiễu cho lũ con cháu còn sống. Hơn nữa, những thứ của cải làm rộn ràng lòng kẻ ngu si chỉ là vật vô nghĩa. Xe lớn, ngựa béo [285]  , đồ trang sức bằng vàng hay châu ngọc dĩ nhiên là những thứ mà người có tâm hồn coi thường và lãng tránh. Vàng bạc phải đem quăng trên núi, châu ngọc phải đem vứt xuống vực [286]   mới phải. Kẻ mù quáng vì cái lợi thật là kẻ ngu ngốc vậy.
Để cái danh bất hủ [287]   lưu truyền lâu dài cho đời sau là điều đáng mong muốn chăng? Này nhé, người có địa vị cao chưa hẳn đã là bậc tài năng lỗi lạc. Có nhiều trường hợp kẻ ngu ngốc đần độn được sinh ra ở chốn danh gia vọng tộc, thừa thế nhà mà leo lên được địa vị cao, sống xa hoa rất mực. Lại có trường hợp những bậc hiền nhân quân tử tài đức hơn người có khi chỉ vui lòng với chức phận thấp kém, hay vì không gặp thời mà uổng hết một đời [288]  . Do đó, việc gắng gỗ để có địa vị cao sang thì cũng chỉ là điều ngu muội giống như việc chạy theo cái lợi.
Còn những kẻ muốn để lại danh tiếng là người học thức và nhân cách (cao cả) hơn thiên hạ thì xét cho cùng, cái danh mà họ cầu không gì khác hơn là sự vui thích được mọi người nói tốt về mình. Tuy nhiên, người khen ngợi, kẻ bài báng [289]   cũng không sống mãi sống hoài. Còn ai kia vừa được nghe tiếng đời ca tụng một chút thì cũng nối gót họ lìa bỏ cõi đời. Thế thì, với ai ta ngại lời chê và những ai ta đợi tiếng khen? Phải biết là cái danh sẽ kéo theo lời chê bai và nếu danh tiếng đến sau khi ta chết, nó chỉ là cái danh vô ích [290]  . Kẻ trông đợi nó cũng ngu muội như kẻ chạy theo địa vị.
Tuy nhiên, đối với những kẻ không màng danh tiếng mà chuyên tâm cầu học để trở thành hiền nhân, xin có một lời ngõ với họ: Tri thức cũng có thể đẻ ra những điều lầm lẫn lớn nữa [291]  . Tài năng thường làm sinh sôi bao nhiêu phiền não. Những gì ta nghe ông thầy truyền lại hay do học hỏi mà có, chưa chắc đã là trí thức chân thực. Thế nào là tri thức chân thực đây? Người đời bảo cái này phải [292]  , cái kia không phải, nhưng hai điều phải trái [293]   đó rất khó phân biệt. Cái gì mới đáng gọi là điều thiện ? Người đạt đến chỗ ngộ lại là người không có những cái gọi là tri thức, đức độ, sự nghiệp, danh tiếng gì cả [294]  . Ai làm sao biết đến và đi truyền bá những thành tích của họ? Những người này vốn không dấu diếm đức độ của mình và cũng không giữ rịt cái ngu của mình [295]  . Nguyên lai, chỉ vì họ đã vượt lên khỏi sự so sánh tương đối hiền, ngu, được, mất.
Khi suy nghĩ về bản chất tham danh tham lợi vì sự mê lầm của lòng người, ta phát hiện ra những điều đó.Vạn sự thảy đều hư không [296]  . Không cần phải bàn luận mà cũng chẳng cần phải chạy theo danh lợi làm gì.
 

Đoạn 39: Có người[297 hỏi đạo ngài Hônen[298]  .

Có người đến gặp đại sư Hônen, thưa rằng:
- Trong khi miệng đang niệm Phật mà cơn buồn ngủ kéo đến, việc niệm Phật thành ra bị trở ngại Làm cách nào để khắc phục khuyết điểm đó.
Vị thánh tăng mới đáp:
- Thế chỉ chỉ niệm Phật lúc nào mắt còn mở nổi thôi.
Thực là lời dạy đáng kính phục.
Ngài lại nói:
- Về chuyện vãng sinh cực lạc, nếu mình nghĩ thực hiện được thì sẽ được. Nếu mình nghĩ không có khả năng, thì sẽ không được.
Đây cũng là một lời dạy đáng kính phục.
Thế rồi, ngài còn thêm:
- Dù lòng còn hoài nghi nhưng hể đã niệm Phật, thế nào cũng được vãng sinh.
Đáng kính thay! [299]
 

Đoạn 40: Truyện ở xứ Inaba[300]  .

Ở xứ Inaba có một một người về già mới xuống tóc đi tu[301]  . Con gái ông ta dung nhan thật mỹ miều. Nghe tiếng đồn, nhiều kẻ đến cầu hôn. Thế nhưng cô ấy chỉ thích ăn hạt dẻ, hoàn toàn không động tới cơm gạo hay ngũ cốc gì cả. Ông thân sinh mới bảo:
- Cái con bé quái gỡ như thế thì thôi, gả bán sao được!
Và không cho cô kết hôn với ai cả[302]  .
 

Đoạn 41: Hội đua ngựa đền Kamo ngày mồng năm tháng năm.

Hôm mồng năm tháng năm, lúc đi xem đua ngựa ở đền Kamo [303]  , vì đám đông dân chúng đứng dàn ra trước chiếc xe bò kéo của bọn ta [304]  ngáng tầm mắt nên cả bọn mới bỏ xe đi xuống, đến bên cạnh hàng rào trường đua. Thế nhưng chính chỗ đó người ta lại tụ tập kín mít, không cách chi chen lấn vào cho được.
Lúc đó thấy một nhà sư leo lên cái cây xoan phía đối diện, ngồi trên một cái chạc mà xem trò. Ông ta cứ bám vào thân cây như thế mà coi bộ đang ngủ gật [305]  , chỉ lúc tưởng sắp rơi xuống đất thì mới choàng tỉnh. Có người thấy thế mới cười ngạo và mắng cho:
- Ông sư này ngốc ơi là ngốc! Leo lên chỗ trên cây nguy hiểm như thế mà yên tâm ngủ cho được!
Ta làm như không có chuyện gì, trả lời:
- Chuyện chết chóc thì chúng mình ngay tức thời cũng có thể chết. Thế mà mình quên khuấy chuyện đó, bỏ cả ngày cùng đi xem trò. Như vậy nói về ngu ngốc thì giữa chúng mình với ông sư kia, ai đã ngu ngốc kém ai!
Nói xong thì một người đứng trước mặt mới trả lời:
- Ông dạy chí phải. Chính bọn mình mới là kẻ ngu.
Rồi ngoảnh lại, nói với những người khác:
- Mời các bác vào đây thôi!
Và bọn họ để chỗ trống cho những người khác cũng vào được.
Sự thực nhỏ nhặt ta vừa phát biểu, đâu phải mọi người không từng nghĩ tới. Nhưng có lẽ trong trường hợp nầy, vì lời ta thốt ra đột ngột không ngờ nên đi thẳng được vào lòng của họ.
Con người đâu là gỗ đá [306]   cho nên tùy trường hợp, phải có lúc cảm động trước những lời như vậy.
 

Đoạn 42: Truyện con ông tướng Karahashi Chuujô[307]  .

Pháp chủ Gyôga Sôzu [308]   nguyên là con trai của chức võ quan (ngự lâm quân cao cấp) Karahashi Chuujô. Ông chuyên dạy về giáo lý [[309]   cho ai muốn học Phật. Ông mắc bệnh máu xông lên đầu [310]   mãn tính. Càng về già, mũi bị tắt nghẽn, thở không ra. Đã thử chữa trị bằng nhiều cách nhưng bệnh càng ngày càng nặng. Mắt, mũi, trán đều bị sưng phù lên, hết còn thấy đường. Mặt giống như mặt nạ vai hề Ninomai [311]   trong tuồng hát. Sau đó nó lại biến dạng như là mặt quỉ, trông khiếp sợ vô cùng. Cuối cùng, mắt ông ta vêu lên phía đỉnh đầu còn mũi thành ra mọc ngay giữa trán. Từ đó không rời tăng phòng để ra ngoài gặp ai nữa. Ông sống như cấm cố, rồi chẳng bao lâu chứng trạng càng ngày càng nặng ra và chết.
Mới biết ở đời có những chứng bệnh [312]   (quái ác) như thế này.
 

Đoạn 43: Tiết cuối xuân.

Lúc ấy vào tiết cuối xuân, một ngày trời bầu êm ả gây nhiều xúc cảm, ta tìm thấy được ngôi nhà thanh u. Đó là một ngôi nhà đâm vào trong sâu, có những khóm cây làm nó đượm màu cô tịch. Hoa anh đào tàn rụng lả tả ngoài vườn xui chạnh niềm hoài cảm. Đi ngang đó mà không dừng chân lại thì lấy làm tiếc nên thử bước vào khuôn viên. Ta mới thấy về phía nam, những căn phòng để ở [313]   đều sập liếp cửa lại cả làm cho khung cảnh thật tịch mịch. Duy phía đông hãy còn một cánh cửa mở khá rộng và qua chỗ thủng của bức mành, ta nhìn thấy một thanh niên tuổi trạc đôi mươi mặt mày tuấn tú đang ngồi khoan thai, dáng hết sức bình yên vui thỏa. Người đó đang đưa mắt đọc một cuộn sách đang mở ra trên cái bàn con trước mặt.
Chàng ta là người thế nào ấy nhỉ, cứ muốn gặp ai để hỏi thăm [314]  .
 

Đoạn 44: Từ bên trong tấm phên trúc [315]
Từ bên trong tấm phên trúc [316]   đơn sơ, có một người đàn ông hãy còn hết sức trẻ bước ra. Vì ở dưới ánh trăng nên không rõ màu sắc y phục chàng ta cho lắm. Chỉ nhìn cái áo khoác ngoài [317]   lấp lánh và cái quần tím than chàng mặc, ta thấy tóat ra một vẻ con nhà đài các. Có một chú tiểu đồng đi theo chàng và cả hai cất bước theo con đường hẹp giữa những đám ruộng trãi dài về phía xa. Chàng vẹt một lối đi ướt át giữa những chòm lá lúa đẫm sương và đắm mình trong tiếng sáo. Biết rằng giữa chốn này không có ai biết thưởng thức tiếng sáo của chàng, ta muốn dò thử xem chàng đang đi đến nhà ai đây. Trong khi ta tiếp tục theo dõi thì bỗng thấy chàng ngừng thổi sáo dừng chân và bước vào bên trong cánh cổng lớn một phủ đệ nằm kề chân núi. Cảnh chiếc xe mà càng xe đang được đặt hạ xuống đặt trên cái bục đỡ làm ta thêm chú ý vì đây là cảnh trong núi chứ không phải ở giữa kinh đô. Ta bèn hỏi một người đầy tớ đang đứng gần đó thì anh ta bảo "Vâng, đây là một vị hòang tử nào đó trong triều đang ghé qua". "Có lẽ để làm một số Phật sự [318]  ".

Trên điện thờ trong dinh đã thấy các nhà sư đang tụ tập. Mùi hương thoang thoảng thơm lên trong đêm lạnh càng thấy thấm thía niềm xúc cảm. Từ tẩm điện bên trong cho đến điện thờ, cái cảnh bọn thị nữ đi qua đi lại bên hành lang để hương bay theo gió [319]   làm cho ta không ngờ nơi đây lại là một vùng núi non không người lai vãng.

Trong khu vườn mà cây trái đơm ra xum xuê một cách tự nhiên như trên cánh đồng mùa thu, cả mặt đất như chìm dưới một tầng sương móc. Tiếng côn trùng bi ai, tiếng suối dẫn nước chảy róc rách bên tai. Chung quanh chỗ này, có cảm tưởng mây trời như bay mau hơn ở kinh đô, làm cho vầng trăng kia hết ẩn mặt rồi lại hiện ra.
 

Đoạn 45: Người anh của quan nhị phẩm Kin.yo[320]

Người anh của quan nhị phẩm Kinyo là một tăng quan tên là Ryôgaku Sôjô [321]  . Ông ta là người rất dễ cáu giận. Bên cạnh phòng tăng, có một cây tàm ma [322] . Thiên hạ nhân đó gọi ông là "Hòa thượng tàm ma". Thấy tên không tiện cho mình, ông chặt mất cái cây ấy. Thế nhưng cây bị chặt mất mà rễ vẫn còn. Người ta lại đặt tên ông là "Hòa thượng rễ cây". Ông càng lộn ruột, bắt đào cả rễ đem vứt. Chỗ rễ cây bị bứng đi còn để lại một cái hố lớn như cái ao. Thiên hạ lại gọi ông với cái tên mới: "Hòa thượng hố ao".
 

Đoạn 46: Bên cạnh vùng Yanagihara [323]

Cạnh vùng Yanagihara có một vị sư có hiệu là Gôdô no Hôin (Giáo Chủ Bọn Trộm Cướp) [324]  . Bởi vì trộm thường đến "viếng" [325]   ông quá thường xuyên cho nên mới bị người ta gán cho cái tên (lạ lùng) ấy.

HẾT PHẦN I (CÁC ĐOẠN 1- 46)
------------------------------------------

[92] - Tsurezure naru mama ni: lúc cứ chán mà không biết làm gì. Câu mở đầu của tập sách và thành tựa đề.
[93] - Trong văn mạch này, ngụ ý nói về "người đàn ông".
[94] - Nguyên văn là "vườn trúc" (trúc viên) chỉ dòng dõi vua chúa, chữ xuất phát từ điển cố về gia đình Lương Hiếu Vương, con Hán Văn Đế Lưu Hằng (179-157 TCN) . Miki Sumito chuyển ra tiếng Nhật là "dòng dõi chư thần" .
[95] - Ý nói con cái năm bậc quan lớn thời Kamakura như gia đình Tể Tướng Nhiếp Chính Fujiwara no Michinaga chẳng hạn.
[96] - Thời Kenkô, giới vũ sĩ hưng thịnh và nhiều quí tộc trở nên nghèo khó. Tuy vậy, ta thấy Kenkô rất kính trọng giới quí tộc. Cả đời ông không đi xa hơn được trên hoạn lộ vì không xuất thân từ tầng lớp này.
[97] - Nữ quan đời Heian, sinh và mất khoảng 965-1010, hầu hạ hoàng hậu Teishi tức Sadako của thiên hoàng Ichijô (987-1011). Rất thông minh, hiểu biết nhiều và tinh tế. Tác giả tập tùy bút "Ghi nhanh bên gối" (Makura no Sôshi,1000?)
[98] - Trong tùy bút Makura no Sôshi, bà Sei Shônagon xem các sa môn là hạng người "không còn tình cảm".
[99] - Sôga Shônin (Tăng Hạ thượng nhân, 917-1003), còn đọc là Zôga, con nhà quí tộc họ Tachibana. Là một cao tăng có hành tung kỳ dị, trước theo phái Thiên Thai chùa núi Hieizan, sau chán ghét đường lối dấn thân chính trị của phái này, ẩn cư trên ngọn Tô-no-mine.
[100] - Kenkô rất chú trọng về lễ nhạc.
[101] - Ở đây nói về gõ phách trong việc diễn tấu các loại nhạc.
[102] - Chỉ giới thượng lưu trong xã hội đương thời.
[103] - Cụm từ thường dùng để chỉ các bậc vua chúa lý tưởng như Nghiêu, Thuấn bên Trung Quốc hay ba thiên hoàng Nhật Bản là Nintoku (303-399), Daigo (898-930) và Murakami (947-967).
[104] - Hay Kujôdono, tên gọi tôn kính quan Tả Đại Thần Fujiwara no Morosuke (Đằng Nguyên, Sư Phụ, 908-960). Dinh ông ở khu phố Kujô (đường số 9) trong thành Kyôto nên gọi là ngài Kujô. Có để lại một tập gia huấn, răn dạy con cháu về cách xử thế.
[105] - Jissha (ngưu xa): xe bò kéo, chỉ xe của giới quí tộc.
[106]  - Juntoku.in, thiên hoàng thứ 84 hiệu là Juntoku (Thuận Đức, 1197-1242), sau cuộc biến loạn năm Jôkyuu buộc phải thoái vị (1221), bị đày ra đảo Sado rồi chết ở đó. Một nhà thơ hàng đầu và là người hiểu rõ về nghi thức các triều truớc. Có tập Kinpishô "Cấm Bí Sao" (1218-1221) chép về lễ lạc và lề lối làm việc trong cung.
[107] - Đoạn này bổ sung ý của đoạn 1, bàn về giá trị của người đàn ông.
[108]  - Cũng là nhân sinh quan thấy trong bài thơ của thi hào Fujiwara no Shunzei ( trong tập Chôshuu Eisô, Trường Thu Vịnh Tảo), một người lớp trước của Kenkô.
[109] - Câu nói có chép ở Văn Tuyển (Monzen) nếu đọc theo âm Nhật, ở bài tựa Tam Đô Phú: Ngọc chi vô đương, tuy bảo bất dụng "Chén ngọc thủng đáy, tuy quí chẳng dùng được".
[110] - Xem thêm cách miêu tả về "đêm ngủ một mình cho đến sáng" trong đoạn 137.
[111] - Hàm ý phê phán kẻ ngoại tình hay yêu ngoài vòng lễ giáo như vương tử Ariwara Narihira trong Truyện Ise. Tuy ca ngợi tình yêu nhưng quan điểm của Kenkô không đồng ý sự buông thả.
[112] - Một trong những đoạn ngắn nhất của quyển sách nhưng có liên lạc với đoạn 3.
[113] - Theo S.M., nhân vật mà Kenkô nhắc tới ở đây có thể là quan tả đại thần Minamoto no Arihito (Nguyên, Hữu Nhân, 1103-1147), người mà ông ca tụng trong Hosshinshuu.
[114] - Gặp chuyện thất vọng hay bị đè nén.
[115] - Minamoto no Akimoto (Nguyên, Hiển Cơ, 1000-1047), bầy tôi yêu của thiên hoàng Go-Ichijô. Giữa lúc tiền đồ xán lạn, bỗng dưng năm mới 37 tuổi, bỏ triều đình đi vân du khi thiên hoàng vừa mất. Pháp danh Enshô (Viên Chiếu). Chính Kenkô cũng đã bỏ đi tu khi Thiên Hoàng Go Nijô, người mà ông hầu hạ từ năm ông mới 19 tuổi,  qua đời.
[116] - Ước mơ lãng mạn của nhiều trí thức đời trung cổ đặt mình vào hoàn cảnh của các thi nhân đã ngắm trăng nơi đất trích (Lý Bạch, Bạch Cư Dị vv...). Hành động có vẻ tự bế, tự ngược nhưng cũng là cơ hội giúp họ tự quan sát cho thấu rõ mình hơn.
[117] - Tức hoàng tử Kaneakira (Kiêm Minh, 914-987), tước vương giữ chức Trung Thư Khanh. Gọi là Tiền để phân biệt với Hậu Trung Thư Vương Tomohira (Câu Bình). Cả hai đều học rộng tài cao, lo việc soạn sắc chiếu văn thư. Ông có 2 con.
[118] - Theo S.M, đó là Fujiwara no Nobunaga (Đằng Nguyên, Tín Trường, 1022-1094). C.G. cho là Fujiwara no Koremichi, chết năm 1165, thọ 73 tuổi và có nhiều con, trong đó một gái làm hoàng hậu.
[119]  - Tức Minamoto no Arihito, đã chú ở đoạn 4. Ông là người đẹp trai, giỏi thi ca lẫn âm nhạc. Có phủ đệ ở vùng Hanazono gần chùa Ninnaji nên gọi là Tả Đại Thần Hanazono. Chết năm 41 tuổi.
[120] - Tức quan Nhiếp Chính Thái Chính Đại Thần Fujiwara no Yoshifusa (Đằng Nguyên, Lương Phòng, 804-872). Somedono là gọi tên theo phủ đệ.
[121] - Yotsugi còn có nghĩa là "nối dõi". "Ông già Yotsugi" là tên nhân vật đóng vai người kể truyện trong cuốn sử truyện "Gương Lớn" Ôkagami. Truyện có một đoạn nói về Yoshifusa nhưng nội dung không đúng như Kenkô trình bày. Có thể ông nhớ sai.
[122] - Tức Thánh Đức thái tử (574-622) , nhà chính trị lỗi lạc và đạo đức, cha đẻ của nhà nước Nhật Bản thời cổ. Ông muốn xây cất kiệm ước để cơ nghiệp đến đó thì ngừng chứ không truyền tử lưu tôn. Tuy nhiên, theo C.G., tương truyền ông có 14 người con.
[123] - Kenkô không con nên đứng trên lập trường "con cái là đồ vô dụng". Đoạn này viết ra và nêu nhiều tên tuổi lớn là để ông biện hộ cho chính ông chăng?
[124] - Cánh đồng Adashi ở ngoại thành Kyôto, có chùa và là nơi phong táng nghĩa là "chôn theo gió", có thể là chỗ rãi tro người chết. Chữ Hán viết Adashi là "Hóa Dã" nghĩa là "cánh đồng biến hóa", từng gợi hứng cho nhiều vần thơ waka về cuộc đời vô thường.
[125] - Vùng gò núi phía đông Kyôto, cũng là nơi hỏa táng. Khói núi Toribe cũng là đề tài cho nhiều vần thơ nói về cái chết và sự hóa thân.
[126] - Tạm dịch "cái đáng để xúc động" từ thành ngữ nổi tiếng và khó dịch: mono no aware.
[127] - Câu trong Hoài Nam Tử: Phù du triêu sinh nhi mộ tử.
[128] - Câu trong Trang Tử, thiên Tiêu Dao Du: Triêu khuẩn bất tri hối sóc, huệ cô (hạ thiền) bất tri xuân thu. Huệ cô là con ve sầu nhỏ.
[129] - Câu trong sách Trang Tử: "Nghiêu viết: Đa nam tử tắc đa cụ,phú tắc đa sự, thọ tắc đa nhục. Thị tam giả sở dĩ vi dưỡng đức dã".
[130] - Quan niệm thời trung cổ là đời người chỉ có 50 năm.
[131] - Theo sách Quan Tâm Lược Yếu Tập: Triêu lộ chi để tham danh lợi. Tịch dương chi tiền ái tử tôn.
[132] - Xưa nay sắc và hương vẫn thường đi đôi.
[133] - Thơ waka lãng vịnh trong tập Wakan Rôeishuu của Nhật có ghép với Hán thi của Bạch Cư Dị: Vị quân huân y thường, Quân văn lan xạ bất hinh hương (Tân Nhạc Phủ Đại Hành Lộ, Bạch Thị Văn Tập). Quí tộc Nhật xưa có tục lệ xông hương quần áo.
[134] - Nguyên tác sennin (tiên nhân) nhưng ở đây có nghĩa là người tu hành có pháp thuật chứ không có nghĩa nhà tu đạt dược lý tưởng của Đạo gia.
[135] - Nhà ẩn tu Kume tương truyền là một người biết bay. Truyện của ông có chép trong "Truyện giờ đã xưa" Konjaku Môngatari. Kenkô cũng nhắc đến ông trong Hosshinshuu với ngụ ý chê bai.
[136] - Mái tóc đen và buông dài là tiêu chuẩn thẩm mỹ của người Nhật thời trung cổ.
[137] - Bức mành bằng cói thưa hay tấm màn mỏng để người phụ nữ dấu mặt trước người lạ nhưng vẫn giúp họ quan sát được chung quanh.
[138] - Sáu giác quan (mục, nhỉ, tỵ, thiệt, thân, ý) khi tiếp xúc với ngoại giới (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sẽ sinh ra lòng ham muốn.
[139] - Các nhà chú thích thời Edo (dẫn bởi S.M.) cho biết trong kinh Đại Uy Đức Đà La Ni và kinh Ngũ Khổ Chương Cú có chuyện con bạch tượng khổng lồ hung dữ phá phách nhưng bị người ta trói được bằng sợi thừng xe bằng lọn tóc (không nói rõ là tóc đàn bà). Theo C. G. , trong các đền chùa ngày nay như đền Kuruma, các kiệu thờ còn có dây kết bằng tóc đàn bà.
[140] - Điển cố không rõ lắm nhưng có ghi trong một tập sách nói về nghi thức của gia đình samurai thời Muromachi tên là Tựu Cung Mã Nghi Đại Quan Văn Thư. Theo đó, người thợ săn khi thổi ông tiêu đẽo từ gỗ loại guốc ashida của người kỹ nữ có thể dụ được nai đực trong mùa động tình.
[141] - Tên thật là Fujiwara no Sanesada (Đằng Nguyên, Thực Định, 1139-1191). Cũng là một nhà thơ waka. Gotokuji là tên phủ đệ của ông trên ngọn núi Kitayama.
[142] - Saigyô (Tây Hành, 118-1190) tên thật là Satô Norikiyo trước làm võ quan thuộc đội ngự lâm quân, đi tu năm mới 23 tuổi. Ông là nhà văn hóa quan trọng thời trung cổ Nhật Bản. Giỏi thơ waka. Gia đình ông đời đời giúp việc cho phủ Gotokuji cho đến khi có biến cố gây ra sự đoạn tuyệt này. Xem ở đây thì thấy Kenkô có hơi chỉ trích Saigyô tuy về văn học, ông chịu ảnh hưởng của nhà thơ lớn này.
[143] - Hoàng tử đi tu (Hôshinnô), con trai Thiên Hoàng Kameyama, tên nhà Phật là Shôe (Tính Huệ) nên thường được gọi là Shôe Hôshinnô.
[144] - Cũng là biệt viện của một ngôi chùa, gọi là Myôhôin (Diệu Pháp Viện) thuộc phái Thiên Thai, trước ở trên Hieizan sau dời về Higashiyama (1184). Hoàng tử Ayanokoji ra đó ở vì đây là chùa riêng của một dòng họ, đời nào cũng có một người trong họ ra đó tu. C.G. cho biết gần đây, tục lệ ấy vẫn còn.
[145] - Người Nhật gọi tháng mười âm lịch là kaminazuki (thần vô nguyệt). Theo một thuyết thì tháng này các thần đi dự hội, không còn vị nào cả.
[146] - Địa danh gần Kyôto.
[147] - Cây cam rực rỡ được rào kỹ lưỡng để tránh trộm cắp có tác dụng "sát phong cảnh", chứng tỏ chủ nhân (một người ẩn tu) không phải là một ẩn sĩ đích thực..
[148] - Văn Tuyển của Chiêu Minh Thái Tử nhà Lương biên tập, gom góp một nghìn năm thơ văn từ cuối đời Xuân Thu, đã truyền bá đến Nhật dưới đời Thái Tử Shôtoku. Rất phổ biến trong giới trí thức.
[149] - Bạch Thị Văn Tập gồm 75 quyển (nay chỉ còn 71) thu thập văn thơ của Bạch Cư Dị đời Đường. Truyền đến Nhật dưới triều Heian, rất được ái mộ.
[150] - Lão Tử. Ý nói Đạo Đức Kinh tương truyền của của Lão Đam, 2 quyển.
[151] - Ý nói Nam Hoa Kinh của Trang Chu. Nam Hoa là nơi ông ở ẩn.
[152] - Chức Hakase (Bác Sĩ) nghĩa hẹp chỉ các học quan ở nhà Quốc Tử Giám, nghĩa rộng chỉ tầng lớp trí thức, học giả cung đình. Sei Shônagon, trong Makura no Sôshi của bà, có lần trích dẫn một số sách Hòa Hán mà trí thức thời Heian yêu thích nhưng ở đây, Kenkô không nói rõ là loại sách nào.
[153] - Thể thơ quốc âm truyền thống 31 âm, xếp theo thứ tự 5/7/5/7/7. Không những viết tuy bút, Kenkô là một thi nhân có hạng. Cùng với 3 tăng sĩ cùng thời từng được xem là tứ trụ của thơ waka.
[154] - Nguyên văn: Fusu i no toko. Tương truyền heo rừng ngủ bảy ngày bảy đêm trong ổ cỏ khô của nó (theo Waka Iroha, tên một quyển sách nhập môn về thơ waka).
[155] - Ito ni yoru / mono naranaku ni (Được tơ quấn lại / Nào đâu có phải). Về câu thơ của Tsurayuki, ông đã viết như sau:
Azuma e makarikeru toki / Michi nite yomeru : Ito ni yoru / mono naranaku ni / Wakareji no / Kokorobosokumo / Omohoyuru kana.
Ý nói: Khi đi về hướng đông, trên đường ta có ngâm câu thơ sau: Dù tình cảm chúng mình nào đâu phải như tơ quấn. Ở ngã rẽ chia tay, lòng bao nhiêu lo lắng.
Trong bài, chữ hosoi trong thành ngữ kokoro-bosoi (lo lắng) làm liên tưởng tới con đường hẹp (hosoi) dần cũng như sợi tơ mỏng dần.
[156] - Ki no Tsurayuki (Kỷ, Quán Chi, ? – 945), nhà thơ cự phách thời Heian, tác giả Nhật Ký Tosa và là người vâng lệnh thiên hoàng biên soạn tập thơ Kokin-Wakashuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập , 905).
[157] - Tên tắt của Kokin Waka-shuu nói trên.
[158] - "Mono to wa nashi ni" cũng đồng nghĩa với "Mono naranaku ni" (Dù đâu có phải)
[159] - Genji Monogatari, cuốn tiểu thuyết tâm lý miêu tả cuộc sống cung đình do bà Murasaki Shikibu soạn khoảng năm1001-1008.
[160] - Tập thơ Waka do Fujiwara no Teika (Đằng Nguyên, Định Gia) soạn theo chiếu chỉ năm 1201, hoàn thành năm 1206.
[161] - Thơ Hafuribe Narihige (Chúc Bộ, Thành Mậu) Nguyên văn:
Fuyu no kite / Yama mo arawani / Ko no ha furi / Nokoru matsu sae / Mine ni sabishiki.
Ý nói: Mùa đông đã đến. Lá rụng và núi hoang sơ. Duy còn một cây thông xanh nhưng đơn độc đứng buồn tênh trên đỉnh.
Không rõ ai đã gọi nó là thơ xoàng xỉnh, không giá trị!
[162] - Thiên hoàng Go-Toba (1180-1239), người rất giỏi văn chương.
[163] - Minamoto no Ienaga (Đằng Nguyên, Gia Trường, 1170-1234). Chức vị đứng thứ nhì trong Viện Thi Ca (Waka-dokoro).
[164] - Phong cảnh nổi tiếng tạo thành ước lệ cho người làm thơ.
[165] - Tên Hán là Lương Trần Bí Sao.Tuyển tập các bài ca gọi là Eikyoku (Dĩnh Khúc) "Những bài ca đất Dĩnh". Dĩnh (có người đọc là Sính), kinh đô nước Sở ngày xưa, một nơi hành lạc trong thiên hạ. Eikyoku dân dã, thông tục, được hát trong chỗ hội hè đình đám hay xóm ăn chơi. Không thuộc loại waka. Tập thơ trên do thái thượng hoàng Go-Shirakawa biên soạn.
[166] - Câu này nhiều người dịch khác nhau chỉ vì vị trí một dấu chấm câu.
[167] - Phải chăng Kenkô muốn bảo trên đường du lịch, người ta thường dễ xúc cảm hơn, hiếu kỳ hơn và ý thức rõ về mình hơn?
[168] - SM cho rằng các đền chùa ngay trong thành phố cũng là một thế giới riêng biệt. Vào đó giống như đi chơi xa!
[169] - Dòng liên tưởng đưa Kenkô dù đoạn 15 (chùa, đền thần) đến đoạn 16 (nhạc cúng tế).

[170] - Thần Nhạc (kagura) tức nhạc chơi trong buổi lễ tế thần đệm cho  điệu múa. Được trình đấu trong cung lẫn trong dân.
[171] - Wagon (Hòa cầm), một loại đàn 6 dây thô sơ,đặc biệt Nhật. Câu này nói lên lòng hoài cựu của Kenko đối với vẻ đẹp cổ truyền dù ở trong cung hay ở chỗ quê mùa, nhất là vì ông vốn sinh trong gia đình phục vụ tế lễ.
[172] - Các nhà nghiên cứu phỏng đoán Kenkô muốn nói riêng về chùa Yokawa trong núi Hieizan vì đó hầu như là một qui ước của các văn nhân Nhật Bản khi dùng chữ "sơn tự".
[173] - Xem Shasekishuu (Sa Thạch Tập) của tăng Mujuu: Tư học đạo, học bần "Muốn học đạo, trước phải biết sống trong cảnh nghèo". Sách chú thích Tsurezure-gusa của tăng Huệ Không lại trích dẫn câu: Cổ ngữ vân: Hiền giả vị tất phú.Phú giả vị tất hiền.
[174] - Nguyên văn Morokoshi (Đường thổ) ám chỉ Trung Quốc nói chung chứ không riêng gì nhà Đường.
[175] - Sách Mông Cầu có chép truyện Hứa Do Nhất Biều "Quả Bầu ông Hứa Do". Hứa Do là người hiền trong truyền thuyết, được vua Nghiêu sai sứ giả đến mời về để nhường ngôi cho nhưng ông xem đó là chuyện nhơ bẩn nên xuống sống Dĩnh rữa tai rồi lên núi Kỳ Sơn ở ẩn không ra nữa. Việt Nam ta cũng quen với điển tích Sào Phủ Hứa Do. Sách Mông Cầu là sách giáo khoa gồm 3 quyển với 596 câu 4 chữ do Lý Hàn đời Đường thu thập gương các danh nhân để dạy nhi đồng.
[176] - Truyện hiền nhân cổ dại từa tựa truyện Hứa Do. Sách Mông Cầu cũng có ghi lại tích Tôn Thần Cảo Tịch "Chiếu rơm của Tôn Thần".
[177] - Trong chính sử Trung Quốc kể từ Hậu Hán Thư đều có mục Ẩn Sĩ Liệt Truyện. Kenkô ca tụng Trung Quốc để phê phán Nhật Bản.
[178] - Từ xưa vẫn có "xuân thu tranh ưu luận", qua đó người ta bàn xem mùa nào đáng thích hơn.
[179] - Có khi hiểu là gà (gáy sáng) hay chim oanh (còn gọi là momochidori, bách thiên điểu, con chim tượng trưng cho mùa xuân).
[180] - Thơ Vương An Thạch: Xuân sắc não nhân miên bất đắc. Nguyệt di hoa ảnh thướng lan can. Trong thơ Nhật cũng có những vần waka của vưuowng tử Ariwara no Narihira và tăng Saigyô chia sẻ ý kiến này (theo S.M.)
[181] - Yamabuki (Japanese rose, kerria rose) hoa họ hồng màu vàng hay trắng.
[182] - Fuji (wisteria, glycine), còn gọi là đậu tía, hoa buông chùm màu tím nhạt.
[183] - Hai loại hoa này nở vào cuối xuân. Trong tập Wakan Ryoeishuu có câu: Trù trướng xuân qui lưu bất đắc. Tử đằng hoa hạ tiệm hoàng hôn. Cho nên tuy không nói "Cuối xuân" gì cả mà chỉ cần đưa tên hoa tử đằng (wisteria, glycine) ra cũng có thể ngầm hiểu là tiếc xuân.
[184] - Lễ Kanbutsu (Quán Phật) vào thượng tuần tháng tư (ta), còn gọi là Sinh Phật Hội, một nghi thức liên quan đến ngày đản sinh của Đức Thích Ca Mâu Ni. Lúc đó, người ta dùng nước thơm để rưới lên tượng ngài.
[185] - Ayame (iris) hoa màu tím hoặc trắng, lá hình lưỡi kiếm, mọc trên thảo nguyên, thường được trồng bên hiên nhà.
[186] - Kuinaga (water rail, râle d’eau): gà nước, lưng màu xám có ban đen, bụng chấm trắng. Trong Waka, nó là giống chim tượng trưng cho mùa hạ.
[187] - Khoảng thời gian này, gà nước thường kêu từ chiều đến nửa đêm làm người ta nghĩ về người mình yêu có thể đến thăm.
[188] - Yuugao (moonflower, liseron nocturne), tên chữ Hán là tịch nhan, một loại hoa bìm, gốc vùng nhiệt đới, lá hình quả tim, thân dây, bò như rau muống, ăn được, hoa màu trắng nở vào buổi tối. Dùng cữ "bìm" nôm na tuy không sát nhưng hợp với ngữ cảnh hơn.
[189] - Nghi thức thần đạo cuối mùa hè, cử hành ban đêm bên bờ nước.
[190] - Vào dịp này, trong triều cũng như nơi nhà dân đều làm lễ "khất xảo" để cầu khéo tay trong việc nữ công. Quang cảnh rất vui.
[191] - Hagi (Lespedeza Bicolor) một loại cây như cây oải hương (lavender) nhưng hoa trắng. Sự kiện lá nhuộm màu đỏ đối với thi nhân là dấu hiệu báo tin mùa đông sắp tới. (D.K.).
[192] - Cảnh lá đỏ rụng bời bời sau cơn bão. Chú ý đến cách thưởng thức thiên nhiên của Kenkô khác người thường và tương phản với cách nhìn của Sei Shônagon. Ví dụ Kenkô thích cả mùa đông trong khi bà Sei cũng như bao người khác rất sợ mùa đông (D.K.).
[193] - Ví dụ trong Truyện Genji đã có chương thứ 28 nhan đề Nowaki (Bão Mùa Thu) nói về cảnh giông tố rất nổi tiếng.
[194] - Makura no Sôshi của Sei Shônagon.
[195] - Nghi thức niệm Phật (Obutsumyô) có lẽ là hình thức đàn tràng để trừ tà cử hành ở điện Seiryô (Thanh Lương) hàng năm trong cung trong vòng 3 hôm từ ngày 19 tháng chạp.
[196] - Nghi thức Nosaki no tsukashi, thiên hoàng cho người về cúng các lăng mộ của dòng họ vào giữa tháng chạp.
[197] - Tsuina : Nghi thức đuổi quỷ, trừ dịch lệ, cử hành vào cuối tháng chạp. Đã bị bãi bỏ từ thời Muromachi (thế kỷ 14). Mỗi tục ném đậu đuổi quỉ ra vào ngày xuân phân là còn được giữ lại mà thôi.
[198] - Shihôhai: Lễ bái vọng bắc đẩu thất tinh do chính thiên hoàng chủ lễ vào ngày đầu năm.
[199] - Hôonki tức sách Báo Ân Ký viết thời Edo cho biết mỗi năm người chết về nhà 6 lần, trong đó có đêm Vu Lan và Giao Thừa.
[200] - Tức miền Đông so với Kyôto. Nay là vùng Tôkyô.
[201] - Có thuyết cho rằng Kenkô muốn nhắc đến Kamo no Chômei, tác giả Hôjôki vì Chômei từng phát biểu một câu tương tự: Tất cả tham vọng một đời là được ngắm cảnh vật thay đổi theo bốn mùa (xem "Cảm Nghĩ Trong Am, đoạn 11). Cũng có thể là một ẩn sĩ khác mà nhà sư Shinkei (Tâm Kính) đã nhắc đến trong Hitorigoto (Nói Một Mình). Tuy nhiên, việc xác định ai là nhân vật ở đây e có hơi khó.
[202] - Nhiều lối giải thích khác nhau: một là sự vần chuyển của thời tiết bốn mùa, hai là vầng trăng (như trong đoạn 21 tiếp theo đó) , ba là phong cảnh của bầu trời.
[203] - Trong Wakan Rôeishuu, đã thấy nhắc lại câu thơ nói về sương và trăng: Khả liên cửu nguyệt sơ tam dạ. Lộ tự chân châu, nguyệt tự cung.
[204] - Đề tài gió thu rất phổ biến trong Waka của Kokin hay Shin-Kokin (thơ Saigyô chẳng hạn).
[205] - Hai câu trong bài Tương Nam Tức Sự của Đái Thúc Luân đời Trung Đường: Lô quất hoa khai, phong diệp suy. Xuất môn hà xứ vọng kinh sư. Nguyên, Tương nhật dạ đông lưu khứ. Bất vị sầu nhân trú (chỉ) thiểu thời. (xem Tam Thể Thi do Chu Bật biên). Khuất Nguyên từng viết trong Ly Tao: Tế Nguyên Tương dĩ đông chinh hề. Hoàng thân Kaneakira cũng có câu: Nhiễu Nguyên Tương nhi thương Sở. Đây Kenkô nói về cảm xúc (nhớ kinh đô, thương người hiền như Khuất Nguyên bị vua đuổi đi không dùng) mà cảnh sông mang đến cho ông.
[206] - Tự là Thúc Dạ, một trong Trúc Lâm Thất Hiền nước Ngụy đời Tam Quốc. Câu ông viết trong bức thư tuyệt giao gửi Sơn Đào: Du sơn trạch, quan ngư điểu, tâm thậm lạc chi (Văn Tuyển).
[207] - Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh, kinh cầu cho quốc thái dân an, do các cao tăng dược mời tới giảng ở một căn phòng trong điện Seiryô (Thanh Lương).
[208] - Ảnh hưởng tư tưởng "mạt pháp" của Phật Giáo.
[209] - Âm Hán là Lộ Đài, một cái đài cao không có mai nối hai điện lớn là Tử Thìn và Nhân Thọ, là chỗ hội họp kín đáo trong cung. Ngày lễ có tổ chức múa hát. Theo C.G., còn có đấu vật và đá cầu.
[210] - Âm Hán là Triêu Hướng Gian, nơi thiên hoàng dùng bửa điểm tâm.
[211] - Có thể kẻ ra vài cái tên như Tử Thìn Điện, Thanh Lương Điện, Chu Tước Môn, Kiến Lễ Môn chẳng hạn.
[212] - Nguyên văn Jin (Trận) hay Jin no Za (Trận Tọa) trong nghĩa "trận mạc" tức chỗ các công khanh bàn luận về chính trị, nghi lễ. Còn viết là "Trần" như "trình bày".
[213] - Thế là người Nhật đã thích ngủ gật từ ngày xưa rồi!
[214] - Tên gọi Fujiwara no Kintaka (Đằng Nguyên, Công Hiếu, 1253-1305), thái chính đại thần từ năm 1302, chức của ông ngang với thủ tướng ngày nay. Có thể có quen biết với Kenkô, người mà từ năm 19 tuổi đã làm một chức quan nhỏ lo việc nghi lễ trong cung. Đoạn này nói về những hồi ức về cuộc sống trong cung mà Kenkô đã từng trãi.
[215] - Nội Thị Sở, nơi giữ một trong 3 quốc bảo là cái kính thần (Yata no Kagami). Khi thiên hoàng ngự đến đấy khấn nguyện, các nữ quan rung chuông nhỏ.
[216] - Saiô hay Itsuki no Miko, âm Hán là Trai Vương, chữ dùng để chỉ cô công chúa chưa chồng, thay mặt thiên hoàng ra tu ở đền thần. Thể nghiệm bản thân của Kenkô có lẽ là chuyện xãy ra năm 1306, ông 24 tuổi, lúc công chúa Shôshi (Trang tử), con gái Thiên Hoàng Go-Uda (trị vì 1267-1324) ra ở No no Miya trước khi vào đền thần.
[217] - No no Miya hay Dã Cung là nơi công chúa được chọn làm Saiô được đưa đến. Công chúa sẽ phải cách tuyệt người đời để trai giới sạch sẽ trước khi phó nhậm đền Ise. Cung này là nơi ở tạm dùng cho giai đoạn chuyển tiếp giũa đời tục và đời tu. Di tích hãy còn ở cánh đồng Saga, gần Kyôto và cuộc sống ở đây đã được mô tả trong chương Kikaki truyện Genji.
[218] - Engishiki, tập nghi thức Thần Đạo đã chuyển hết ngữ vựng Phật giáo dưới dạng ngôn ngữ Thần đạo để phân biệt hai tôn giáo.
[219] - Tuy tama nghĩa là ngọc nhưng chỉ là một từ tu sức, hàm ý cao quý. Hàng giậu này, theo Truyện Genji cho biết, làm bằng tre.
[220] - Giây tua bằng sợi tướt từ vỏ cây.
[221] - Một loại lá cây luôn luôn xanh, các nhà tu thần đạo hay làm động tác phất qua phất lại để tẩy uế. Tên khoa học là cleyera ochnacea thuộc họ trà (camellia) (theo D.K.)
[222] - Những ngôi đền chính trong số 22 ngôi có truyền thống và nổi tiếng ở Nhật. Ở đây, cách liệt kê của Kenkô có vẻ giống kiểu viết của Sei Shônagon.
[223] - Sông Asuka gần Nara, nơi có kinh đô xưa là một hình ảnh quen thuộc trong thi ca Nhật Bản. Tập Kokinshuu có câu thơ như sau: Yo no naka wa / Nani ka tsune naru / Asukagawa / Kinô no fuchi zo / Kyô wa se ni naru. Ý nói: Ở đời này có gì vĩnh cữu đâu! Sông Asuka hôm qua là vực sâu nay là con lạch.
[224] - Fuchi: vực sâu. Se: con lạch (cạn).
[225] - Câu này cũng lấy ý từ bài tựa Kokinshuu. Xuất xứ từ Trường Hận Ca Truyện của Trần Hồng: Thời di, sự khứ, lạc tận, bi lai.
[226] - Ý câu thơ chữ Hán của Sugawara no Fumitoki (Quản Nguyên, Văn Thì, 899-981) thấy trongWakan Ryôeishuu.: Đào lý bất ngôn, xuân kỷ mộ. Yên hà vô tích, tích thùy thê (Đào lý không nói gì, đã mấy chiều xuân rồi. Đi vào khói sóng không để lại dấu vết, hỏi xưa chốn này ai ở) . Sử Ký cũng có chép: Đào lý bất ngôn, hạ tự thành hề (Đào lý không nói gì, dưới chân tự thành lối đi, Lý Tướng Quân Truyện).
[227] - Điện Kinh Cực do Fujiwara no Michinaga cho xây trên đại lộ cùng tên. Cháy năm 1054.
[228] - Pháp Thành Tự, nơi Michinaga vào tu năm 1018 khi từ giã chính trường. Ông chết ở đây năm 1027.
[229] - Đối lập giữa ý chí con người và sự việc. Sách Monzui (Bản Triều Văn Túy) có câu: Lạc tận ai lai, chí lưu sự biến. Đây nói về ý chí sắt đá của quyền thần Fujiwara no Michinaga không ngăn nỗi sự tàn phá của thời gian.
[230] - Tên tôn kính để gọi quyền thần Fujiwara no Michinaga.
[231] - Nơi đặt tượng Phật chính trong chùa.
[232] - Niên hiệu Chính Hòa (1312-1317). Không biết chính xác nam môn cháy năm nào.
[233] - Muryôju.in (Vô Lượng Thọ Viện) chính ra cũng đã bị cháy năm 1331, chứng tỏ Kenkô đã viết đoạn này trước biến cố đó.
[234] - Mỗi tượng tượng trưng cho một cõi trời. Trượng sáu (jôroku) hay 4,85m là hai lần chiều cao truyền thuyết của Phật A Di Đà (tám thước ta).
[235] - Quan tham nghị cấp cao Fujiwara no Yukinari (Đằng Nguyên, Hành Thành, 972-1027) còn có thể đọc theo âm Hán cho trang trọng là Kôzei (Hành Thành). Chữ Gaku (ngạch, cai trán) có nghĩa là hoành phi hay trướng.
[236] - Minamoto no Kaneyuki (Nguyên, Kiêm Hành), trấn thủ vùng Yamato, giỏi viết chữ. Năm sanh năm mất không rõ, phỏng đoán là người hoạt động khoảng 1053-65. Theo học giả Inenaga Saburô, ông ta chỉ viết chữ lên cửa sau này thôi.
[237] - Còn gọi là Tam Muội Đường, thờ Phổ Hiền Bồ Tát.Tòa nhà dùng cho tăng phái Thiên Thai tụng kinh Pháp Hoa.
[238] - Sách Mông Cầu có viết: "Ông Mặc Tử buồn cho sợi tơ. Ông Dương Chu khóc khi thấy ngã rẽ" Mặc Tử bi ti, Dương Chu khấp kỳ. Hai sự tích này từng được nhắc trong thiên Thuyết Lâm, sách Hoài Nam Tử: Ông Mặc Tử thấy người ta nhuộm tơ mà buồn vì biết nó sẽ hết trắng mà biến thành vàng hoặc đen. Ông Dương Chu thấy ngã rẽ mà khóc vì con đường có thể về Nam hay về Bắc. Ý thương xót cho những thay đổi làm mất sự trinh nguyên buổi ban đầu cũng như nỗi khổ tâm của con người trong cuộc sống khi phải đứng trước sự chọn lựa.
[239] - Bài này là một trong 100 bài tuyển từ 1600 bài viết giữa 1099-1103 do 16 nhà thơ viết, được dâng lên Thiên Hoàng Horikawa vào năm 1104.
[240] - Cảm xúc của Kenkô trước cảnh thất vọng của cựu hoàng Hanazono vì sự thay bậc đổi ngôi ngoài ý muốn của mình. Năm đó (1318) , cựu hoàng mới 22 tuổi và tân quân Go-Daigo 31 tuổi (hai người thuộc hai dòng vua khác nhau). Sách chép hôm ấy buổi lễ đã diễn ra trong mưa.
[241] - Ý nói Thiên Hoàng Go-Daigo (Hậu Đề Hồ, trị vì 1318-1339), người cho chí đánh đổ mạc phủ, trung hưng vương thất.
[242] - Ám chỉ Thiên Hoàng Hanazono (Hoa Viên, tại vị 1308-1318) Ông đóng vai cựu hoàng (shin.in) từ 1318 đến 1333.
[243] - Bài thơ này không thấy chép ở đâu cả. Người ta ngờ nó phát xuất từ một bài khác của Minamoto no Kintada (Nguyên, Công Trung, 889-948) có từ xưa, đã đăng trong Shuuishuu (Thập Di Tập, 995): Tonomori no / Tomo no miyakko / Kokoro araba / Kono haru bakari / Asagiyomesu na.
Ý nói: Hỡi những người làm việc tạp dịch trong cung (miyakko) ơi! Nếu các ngươi có một chút lòng. Thì nội mùa xuân nầy thôi. Hãy nhịn đừng có quét vườn vào buổi sáng.
Dĩ nhiên bài này có một hàm ý khác (xin đừng quét lối hoa anh đào rụng để giữ vẻ đẹp đáng yêu của mùa xuân) và được sử dụng như một honka (bài thơ gốc) cho bài của cựu hoàng Hanazono vốn chỉ có nội dung cay đắng.
[244] - Khi người Nhật chỉ nói hana (hoa) thôi thì phải hiểu là hoa anh đào.
[245] - Kenkô muốn phúng thích sự bỏ chủ cũ để chạy theo chủ mới của người đời trong một thời đại có nhiều biến động. Sau đó, Nhật Bản sẽ bước vào thời phân ly thành hai triều đình Nam (đóng ở Yoshino) Bắc (đóng ở Kyôto).
[246] - Dòng liên tưởng tiếp tục đoạn này với các đoạn 23, 24 và 27 ở trên, nói về các tập tục nghi thức trong cung.
[247] - Thời gian gọi là ryôan (lượng ám) nghĩa là "thành thực trầm ngâm suy xét". Thiên hoàng cư tang cha, mẹ mình hay bậc trưởng thương ngang vai họ. Thời gian thường là một năm.
[248] - Cung giả nơi thiên hoàng tạm trú, xa cách mọi người. Ngày xưa, thời gian ra ở đây kéo dài 13 tháng, nay rút ngắn, chỉ ở tượng trưng có 13 hôm.
[249] - Có ý nghĩa là gần với mặt đất và người chết hơn.
[250] - Vì dùng những màu chìm và tối như màu sơn đen, màu nâu hạt dẻ.
[251] - Nguyên văn là nagakiyo (đêm dài) mà thôi. Thế nhưng, nhân vì trong tập Wakan Ryôeishuu có câu "Thu dạ trường, trường dạ. Vô miên, thiên bất minh" và "Mạn thảo, lộ thâm, nhân định hậu". nên các nhà dịch qua kim văn thường nhận định đó là "đêm thu dài "(thu dạ trường) , "sau khi mọi người đã ngủ yên" (nhân định hậu)
[252] - Có thuyết cho rằng người "dùng vật đã quen tay" này không phải bản thân tác giả mà là một người đã mất hay vắng mặt.
[253] - Âm Hán là Trung Ấm, còn đọc là Chuu.u (Trung Hữu), thời gian tính từ một niệm (60 đến 90 sát na) đến vĩnh viễn nhưng thường được ấn định là trong vòng 49 ngày (shijuuku.nichi) , để kẻ chết thác sanh vào kiếp khác. Cứ mỗi bảy ngày, họ có một cơ hội để đầu thai, mau hay chậm là tùy công đức của mình.Gia đình sẽ tụng niệm để người chết thác sanh vào nơi hạnh phúc.
[254] - Thường thường đền, chùa và nghĩa trang nằm ở những nơi xa vắng như ven núi.
[255] - Những việc như nhập quan, tống táng, đọc kinh, cúng tế vv...
[256] - Câu trong Văn Tuyển: Khứ giả nhật dĩ sơ. Lai giả nhật dĩ thân.Xuất quách môn trực thị. Đản dĩ khâu dữ phần (Cổ Thi Thập Cửu Thủ).
[257] - Thơ Bạch Cư Dị: Hóa tác lộ bàng thổ.Niên niên xuân thảo sinh.(Tục Cổ Thi Thập Thủ Đệ Nhị. Bạch Thị Văn Tập).
[258] - Cũng là câu trong Văn Tuyển: ...Cổ mộ lê vi điền. Tùng bách thôi vi tân. Bạch dương đa bi phong. Tiêu điều sầu sát nhân.Tư hoàn cố lý lữ. Dục qui đạo vô nhân. (Cổ Thi Thập Cửu Thủ).
[259] - Thơ Bạch Cư Dị: Cổ mộ hà đại nhân. Bất tri tính dữ danh. (Tục Cổ Thi Thập Thủ Đệ Nhị. Bạch Thị Văn Tập).
[260] - Theo truyền thống, người Nhật hay nhắc đến thiên nhiên trên đầu bức thư để hỏi thăm. Hơn nữa, cảnh tuyết rơi dễ xui nhớ bạn. Trong phần nhan đề "Giao Hữu" (Kôyuu) trong tập thơ Wakan Ryôei-shuu có hai câu thơ chữ Hán của Bạch Cư Dị (772-846) và một bài waka của Taira no Kanemori (?-990). Câu thơ của ông Bạch như sau: Cầm thi tửu hữu giai phao ngã, Tuyết nguyệt hoa thì tối ức quân" (Bạn rượu, đàn, thơ đều bỏ tớ. Bên hoa, tuyết, nguyệt, nhớ mình ai). Thơ Kanemori: Trong núi tuyết rơi đầy. Lấp hết cả đường đi. Một mình ngóng hình bóng. Người ngỡ đến hôm nay. (Shuu-I shuu, Đông. Bài Yamasato wa / Yuki furitsumite / Michi mo nashi / Kyô komu hito wo / Aware to wa mimu).
[261] - "Người nào đó" có sác xuất lớn là một ông bạn cũ nhưng nhiều thuyết ngờ rằng đây là một người đàn bà vì văn từ trong thư trả lời rất cung kính kiểu văn phụ nữ. Hơn nữa, xưa vẫn có câu nói: "Nếu sáng tuyết rơi nhớ đến người đàn bà thì tối sáng trăng sẽ cất bước tìm nàng". Dù trong đời Kenkô rất ít thấy hình bóng đàn bà nhưng qua đoạn văn này, ông dùng lối tu từ mitate nghĩa là đặt mình vào trường hợp người khác.
[262] - Ngày 20 tháng 9 âm lịch nhằm tiết vãn thu, lúc mà đêm tàn trăng vẫn còn treo trên trời (ariake no tsuki). Mùa của luyến ái.
[263] - Có lẽ là một nhà quí tộc (như đại thần Horikawa Tomomori), người mà lúc chưa xuất gia, Kenkô từng phục vụ.
[264] - Có thể phỏng đoán là nơi cư trú của một người đàn bà.
[265] - Người con gái biết thưởng thức cảnh tuyết rơi (đoạn 31) và người con gái lịch sự còn nhìn theo sau khi tiễn chân khách (đoạn 32 này) là hai hình ảnh đối xứng nhưng cùng chia sẻ một số phận hẩm hiu (chết sớm). Nó cũng nói lên sự mong manh, vô thường của cái đẹp, đúng theo quan điểm của Kenkô: hể đẹp thì mong manh nhưng vì mong manh nên mới đẹp.
[266] - Vì hỏa tai xãy ra liên tiếp, người ta phải xây cất cung thất mới, mô phỏng theo mẩu điện Kan.in (Nhàn Viện Điện).
[267] - Thiên hoàng Hanazono (Hoa Viên). Nhà vua đã dọn vào cung mới năm 1317.
[268] - Bà Genkimon.in (Hoàng thái hậu Huyền Huy Môn), tên thật là Fujiwara Inko, mẹ của Thiên Hoàng Fushimi và như thế, vai bà nội đương kim thiên hoàng (Hanazono). Mất năm 1329, thọ 84 tuổi.
[269] - Cung điện cũ của 8 đời Thiên Hoàng. Bà Genkimon.in đã từng ở đó tới năm 14 tuổi (lúc bà là phi tần trẻ của Thiên Hoàng Go Fukakusa), và rất quen thuộc với kiến trúc của điện này. Nhất là cửa sổ điện Kan.in là cái lổ hổng hình bán nguyệt, cửa thông duy nhất để từ trong cung cấm bà có thể nhìn ra thế giới sinh hoạt của các triều thần bên ngoài.
[270] - Kiến trúc ngày xưa đơn sơ không chuộng đẽo gọt, hoa hòe. Câu chuyện này không những muốn ca ngợi trí nhớ bền bĩ và sự thông hiểu của hoàng thái hậu mà còn nói lên tinh thần phục cổ của Kenkô.
[271] - Âm Hán viết là Giáp Hương. Ngày xưa người Nhật hay nghiền vỏ sò để làm hương từ vỏ ốc hình miệng loa và gọi đó là "loại hương làm từ vỏ ốc, vỏ sò" (bối hương) và cũng đọc là Kaikô. Chữ Bối (ốc sò) và Giáp (vỏ, mai) đều đọc qua âm Nhật là Kai.Hương đạo cũng là một nghệ thuật của Nhật được đưa lên hàng đạo như trà đạo, vũ đạo, cung đạo, kiếm đạo, hoa đạo... Xem chương 32 Umegae  (Cành Mơ)  nói về  "Cuộc Thi Hương Thơm" trong Truyện Genji thì hiểu.
[272] - Horagai, âm Hán là Pháp Loa Bối. Một loại sò lớn, dài khoảng 40cm, thường dùng làm loa hoặc tù và được các nhà sư hay quân đội dùng như một phương tiện thông tin thô sơ.
[273] - Kanazawa đây không phải là thành phố lớn cùng tên phía tây Nhật Bản mà là một thị trấn nhỏ niền đông gần Yokohama, ngày xưa tên đọc là Kanesawa. Đồng bằng Musashi ám chỉ khu vực quanh Tôkyô bây giờ.
[274] - Chưa truy nguyên được ý nghĩa của chữ này nhưng theo S.M. các nhà chú thích cho rằng đây là một tiếng lóng của dân sở tại vùng Tôkyô, có liên quan đến tính dục và không được thanh nhã. Cái tên henatari thông tục tương phản với việc người ta dùng nó để chế tạo hương thơm, một sản phẩm có tính văn hóa và được dùng trong giới thượng lưu xã hội ở Kyôto. S.M. còn tự hỏi tại sao đoạn này lại nằm giữa 3 đoạn trên và 3 đoạn dưới có vẻ nói về phụ nữ.
[275] - Kenkô nổi tiếng là người viết chữ đẹp đã đành nhưng ở đây, có lẽ ông phê bình thái độ phụ nữ hơn là phê bình cách viết chữ của họ. Ông cảm được thái độ ngây thơ, thành thật (câu trên) và thái độ khách sáo, không thành thật (câu dưới) của người đó. Không có gì "phiền" hơn khi những điều thầm kín viest trong thơ phải qua tay một người thứ ba!
[276] - Trong tiếng Nhật cổ, từ "thăm" (otozuru) không chỉ là "đi thăm" mà còn hàm ý "thư từ thăm hỏi, cho hay tin tức".
[277] - Ban cho một cơ hội làm lành?
[278] - Dĩ nhiên làm gì cần cậu giúp việc nào ngoài "kẻ bạc tình" và một kẻ ấy mà thôi. Dùng chữ jichô (người giúp việc, kẻ làm tạp dịch) là đã đủ để "trả thù" rồi.
[279] - Có thuyết cho rằng Kenkô chỉ giả thác như thế thôi chứ nhân vật nam trong đoạn này chính là ông.
[280] - Hai chữ quan trong trong câu này là chôseki (sáng chiều) và  hedate-nashi (không ngăn cách). Tuy không nói rõ người thân này là đàn ông hay đàn bà nhưng các nhà chú thích e rằng đây là một nhân vật nữ, có liên hệ vừa tinh thần vừa thể xác với người trong cuộc. Có lẽ tình cảm hai người đã "lờn" đi vì thời gian chăng?
[281] - Theo văn mạch, cũng có thể hiểu là phụ nữ.
[282] - Hậu Hán Thư: Vị tôn, thân nguy, tài đa, mệnh đãi (Chức lớn, thân nguy hiểm, lắm tiền, dễ tiêu mạng).Thơ của tăng Hàn San đời Đường cũng có câu : Tài đa mệnh đãi.
[283] - Trong Monzen (Văn Tuyển) bài Hồng Hộc Phú có câu: Bất hoài bảo chỉ cổ hại hề. Bất sức biểu chỉ chiêu lụy. (Không giữ của để rước hại chừ. Không diện bên ngoài để mua vạ),
[284] - Ý thơ Bạch Cư Dị: Thân hậu đồi kim trụ Bắc Đẩu. Bất như sinh tiền nhất tôn tửu (Khuyến Tửu. Bạch Thị Văn Tập).
[285] - Ý nói giàu có sang trọng. Sách Mông Cầu nói về Tư Mã Tương Như có câu: Đại xa phì mã.
[286] - Trang Tử, thiên Thiên Địa: Tàng kim ư sơn, tàng châu ư uyên. Thế nhưng, câu trong Văn Tuyển: Quyên kim ư sơn. Trầm chu ư uyên, thì gần ý đó hơn.
[287] - Cái danh không chôn vùi mục nát. Bạch Thị Văn Tập: Long Môn nguyên thượng thổ. Mai cốt bất mai danh.
[288] - Văn Tuyển (trong Thơ tuyệt giao Sơn Đào tức Sơn Cự Nguyên), Kê Khang viết: Lão Tử,Trang Chu, ngô chi sư dã. Thân cư tiện chức. Liễu Hạ Huệ, Đông Phương Sóc, đạt nhân dã. An hồ ti vị. Ngô khởi cảm đoản chi dã.
[289] - Sách Trang Tử (thiên Đức Sung Phù) có viết: Khí dự, cơ khát, hàn thử, thị sự chi biến, mệnh chi hành dã.
[290] - Sách Liệt Tử: Dương Chu: Sở hiếu tử hậu danh. Phi sở thủ dã. Trong Tấn Thư, truyện Trương Hàn: Sử ngã hữu thân hậu danh. Bất như tức thời nhất bôi tửu.
[291] - Ý trong sách Lão Tử Đạo Đức Kinh: Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa. Trí tuệ xuất, hữu đại ngụy.
[292] - Tư tưởng "khả" và "bất khả" trong Trang Tử, thiên Tề Vật Luận: Phương khả phương bất khả. Phương bất khả phương khả. Nhân thị nhân phi, nhân thị nhân định. Thị dĩ thánh nhân, bất do nhi chiếu chi vu thiên.
[293] - Quan niệm "nhị trí" trong kinh Phật: bày tỏ được chân lý là thực trí (tri thức tuyệt đối) , những hiện tượng bộc lộ ra và được dùng như phương tiện gọi là quyền trí (tri thức tương đối).
[294] - Sách Trang Tử Nam Hoa Kinh, thiên Tiêu Dao Du có câu: Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh". Có ba điều kiện này tức là bậc chân nhân (con người lý tưởng).
[295] - Ma Kha Chỉ Quán (594) , sách Phật đời Tùy giảng giáo lý phái Thiên Thai có nói về thái độ người đi ở ẩn là "thu cái đức, để lộ tì vết, khoe cái khùng, dấu cái thực" (súc đức, lộ hà, dương cuồng, ẩn thực). Tuy nhiên, Kenkô cho rằng làm như thế cũng không đúng.
[296] - Thơ Đổ Phủ: Thán tức nhân gian vạn sự phi. ( Cú Giải dẫn). Vạn sự giai phi đăng hạ lệ. Nhất sinh bán mộ nguyệt tiền tình (Bàn Trai Sao dẫn).
[297] - Sách Hòa Luận Ngữ cho người đến hỏi đạo ngài Hônen là Sasaki Shirô Takatsuna, một vũ sĩ đã tham dự trận đánh nổi tiếng bên cầu Uji, sau lánh đời trên núi Kôyasan.
[298] - Ngài Hônen tức Pháp Nhiên thượng nhân (1133-1212) khai tổ phái Tịnh Độ. Ông chủ trương chỉ cần niệm Phật A Di Đà sẽ được vãng sinh cực lạc.
[299] - Kenkô kính trọng Hônen đến nỗi sau mỗi câu Hônen phát biểu chỉ biết tấm tắc "đáng kính thay". Bao lần Tịnh Độ tông của Hônen bị đàn áp nhưng lúc nào nó cũng bền vững vì biết đi sâu vào lòng dân. Là một học giả vô song nhưng Hônen thấy cần bài trừ giáo điều phiền toái, giản dị hóa cách tu hành đến mức tối đa. Ông lại rộng lòng cưu mang mọi người, khuyến khích cả những tín đồ còn thiếu căn cơ.
[300] - Xứ Inaba nay thuộc phía đông tỉnh Tottori, miền Tây Nam đảo Honshuu.
[301] - Ông bố xuất gia này được mang danh xưng nyuudô (nhập đạo) thì không phải thường dân, ít nhất là người trong hoàng tộc hay quan từ tam phẩm trở lên. Có lẽ ông là một hào tộc có danh vọng trong vùng.
[302] - Thời trung cổ đã có nhiều chuyện "Ông bố xuất gia và cô con gái". Các ông bố xuất gia như hai quyền thần Fujiwara no Michinaga (966-1027) và Taira no Kiyomori (1118-1181) rất tích cực trong việc gả chồng cho các con gái là Shôshi và Tokushi (lấy hai Thiên Hoàng) để thỏa mãn tham vọng nới rộng thế lực dòng họ và kết tinh tình thương của họ nơi các cô. (Đã xuất gia mà còn tham luyến như thế đấy). Chuyện ông bố xuất gia xứ Inaba này xảy ra hai ba trăm năm về sau (thế kỷ 14), lúc thời thế đã khác, có thể làm cho nhiều người liên tưởng đến chuyện xưa (thế kỷ 11, 12) mà cười nụ nhưng cùng lúc, thương cảm cho nỗi thất vọng của ông già.
[303] - Cuộc đua ngựa từng cặp ở đền thần đạo Kamo (Kyôto) vào dịp mồng năm tháng năm để tìm hiểu tính năng của ngựa chứ không hẳn lấy nhanh. Thật ra thường được tổ chức vào mồng 1 tháng năm và có tên là Umahase.
[304] - Đây là một trong một số đoạn ít oi (như đoạn 238 Tự khen mình) mà tác giả Kenkô xuất hiện như vai chánh.
[305] - Đọc đoạn này, cảm tưởng của người Nhật (như S.M.) là thấy hiện ra khung cảnh và không khí của một ngày sơ hạ, lúc người ta dễ buồn ngủ. Ngồi trên cao, nắng ấm, gió mát, chả trách!
[306] - Bạch Thị Văn Tập: Nhân phi mộc thạch giai hữu tình. Bất như bất ngộ khuynh thành sắc (Tân Nhạc Phủ bài Lý Phu Nhân). Truyện Genji chương Kagero (Chuồn chuồn) cũng lặp lại với ý tương tự.
[307] - Chuujô (Trung Tướng) là bậc thứ hai trong cập chỉ huy ngự lâm quân. Tướng Karahashi tên thật là Minamoto no Masakiyo (Nguyên, Nhã Thanh, 1182-1230). Còn là một nhà thơ waka, đã xuất gia ở ẩn trên ngọn núi Tônomine năm mới 43 tuổi.
[308] - Âm Hán là Nhã Hành tăng đô. Tăng đô (Sôzu) là hàng thứ tư trong giáo phẩm đạo Phật thời ấy (D. K.). Chuyện này không thấy đâu chép và việc ông là con của tướng Karahashi cũng chưa chắc chắn.
[309] - Nguyên văn kyôsô (giáo tướng). Phật giáo Mật Tông phân biệt giáo tướng (kyôsô, phần lý luận ) và sự tướng (jisô, phần áp dụng thực tiễn).
[310] - Nguyên văn "ki no agaru byô" , S.M. giải thích là bệnh xông máu, mặt mày đỏ ửng. C.G. dịch "xung huyết não (congestion). D.K. hiểu như bệnh xây xẩm, mất thăng bằng (dizzy spells).
[311] - Mặt nạ cho người đóng vai hề trong bugaku, điệu múa đền thần. Mặt nạ vai hề nữ già gọi là Hareomote (Thũng Diện) hay "mặt sưng phù".
[312] - Đoạn 41 vừa nói cái chết có thể xãy ra lúc nào không biết, đoạn 42 này nói về một thứ bệnh quái ác, có chung dòng liên tưởng. Ông không phê phán gì Gyôga Sôzu hay người cha của ông ta (tướng Karahashi cùng họ với gia đình Horikawa, nơi mà Kenkô có thời giúp việc). Hình như ông chỉ muốn đưa ra một ví dụ thực cụ thể nhằm chứng minh một người đạo đức và dòng dõi cũng có thể vướng lấy cảnh khổ (nghiệp bệnh) như bất cứ ai?
[313] - Phòng phía nam thường dùng cho khách đến thăm.
[314] - Đây là một đoạn văn đặc biệt trong đó Kenkô đưa ra hình ảnh một người đàn ông đáng yêu. Tác giả tỏ ra đã đi xa hơn sự hiếu kỳ thường nhật.
[315] - Đoạn 43 vừa nói về một cậu công tử trước cảnh cuối xuân thì đoạn 44 này lại nói về một cậu công tử trong cảnh sáng mùa thu. Không phải là giũa hai đoạn không có sự liên tưởng. Và cả với đoạn 31 (Sáng tuyết rơi) và 32 (Ngày 20 tháng 9) về hai người con gái cũng có một gạch nối nào đó.
[316] - Trong văn chương thời trung cổ "phên trúc cửa tre" tượng trưng cho lối sống thoát tục của người ở ẩn. Trúc biên, thảo am, sài hộ, tùng môn... là những ước lệ. Thơ Fujiwara Kintô có câu: Thảo sáng chủ nhân vân ngoại hậu. Trúc biên khách xá vũ trụy thì. (Tân Soạn Lãng Vịnh Tập).
[317] - Nguyên tác Kariginu, áo thụng khoác ngoài của quí tộc mặc hằng ngày.
[318] - Có thể hiểu như cúng dường hoặc truy điệu vong linh.
[319] - Gió tỏa mùi hương áo xống các nàng?
[320] - Tên tắt của Fujiwara Kin.yo (Đằng Nguyên, Công Thế, ? - 1301). Quan tùng nhị phẩm và là nhà thơ waka. Giỏi đàn tranh. Ông là một người mà Kenkô rất kính trọng và quí mến.
[321] - Âm Hán là Lương Giác tăng chính. Chức sôjô (tăng chính) đứng đầu hàng giáo phẩm một tôn phái.
[322]  - Nguyên văn là Enoki (Hackberry). D.K. dịch là Nettle-tree. C.G. dịch là Micocoulier. Dù sao, theo từ điển, Enoki là một loại đại thụ, cao từ 10 đến 20m và đường kính thân cây từ 1 đến 3m, vỏ dùng làm thuốc. Đó là một loại cây có tính thiêng liêng, và cũng là nguồn gốc của những câu chuyện ma quái.
[323] - Một khu vực trong thành phố Kyôto.
[324] - Nguyên văn Gôdô no Hôin, âm Hán là Cường Đạo Pháp Ấn, Pháp Ấn (Hôin) là cách gọi tắt của Pháp Ấn Đại Hòa Thượng Vị, ngang hàng với Pháp Chính (Sôjô), chức vị đứng đầu hàng giáo phẩm.
[325] - Đọc câu thứ hai mới hú hồn. Tuy trong thời đại loạn lạc ấy không thiếu gì tăng nhân đi theo giặc cướp nhưng nhà sư của chúng ta chỉ là nạn nhân của bọn trộm chứ không nhập bọn với chúng. Không biết ông có gì để chúng lấy mãi, chứ người đời sau như tăng Ryôkan (1758-1831) thì đã có câu thơ: Trộm chôm hết của ta. Chỉ chừa trăng cài cửa.