Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]
Buồn Buồn Phóng Bút
(Đồ Nhiên Thảo - Tsurezure-Gusa)
Urabe Kenkô
Nguyễn Nam Trân dịch chú

***
Phiên Dịch Toàn Văn 

Phần IV 

(Đoạn 183 đến 190)

 
Đoạn 183: Chặt sừng con trâu húc người.
Đoạn 184: Người mẹ của ngài Tokiyori, quan trấn thủ vùng Sagami.
Đoạn 185: Ngài Yasumori, quan trấn thủ vùng Mutsu.
Đoạn 186: Lời của Yoshida, người giỏi cưỡi ngựa.
Đoạn 187: Dân nhà nghề.
Đoạn 188: Có người cha muốn con thành thầy pháp.
Đoạn 189: Chuyện nghĩ là phải làm ngay hôm nay.
Đoạn 190: Người mà ta gọi là vợ.
Đoạn 191:Màn đêm che lấp vẻ đẹp.
Đoạn 192: Đi viếng Thần Phật lúc không có ai.
Đoạn 193: Khi kẻ không biết điều phán đoán người khác.
Đoạn194: Con mắt của người từng trãi.
Đoạn 195:Chuyện người lúc qua con đường Koga Nawate.
Đoạn 196:Kiệu rước thần của Toodaiji.
Đoạn 197:Không chỉ dành cho chư tăng.
Đoạn 198:Không chỉ có chức danh Yômei no Suke.
Đoạn 199:Ngài pháp chủ Gyôzen chùa Yokawa.
Đoạn 200:Lá trúc Kure-take.
Đoạn 201:Hai cái tháp Taibon và Gejô.
Đoạn 202:Tên tháng mười ta là Kannazuki.
Đoạn 203:Cách treo túi tên chỗ nhà kẻ bị cảnh cáo.
Đoạn 204:Khi phạt roi tội nhân.
Đoạn 205:Bản văn chép lời nguyền của đại sư núi Hieizan.
Đoạn 206:Quan Hữu Đại Thần Tokudaiji.
Đoạn 207:Hồi xây dựng điện Kameyama.
Đoạn 208:Cách buộc dây một cuốn kinh.
Đoạn 209:Một người đi tranh đám ruộng thuộc về người khác.
Đoạn 210:Mùa xuân sang có chim Yobukodori.
Đoạn 211:Đừng trông cậy vào cái gì hết.
Đoạn 212:Trăng thu đẹp vô ngần.
Đoạn 213:Khi mồi than vào lò sưởi trước các bậc tôn quí.
Đoạn 214:Khúc nhạc nhan đề Sôfuren.
Đoạn 215:Tuổi già của ngài Taira no Nobutoki Ason.
Đoạn 216:Truyện ngài Saimonji đã xuất gia.
Đoạn 217:Lời bàn của một ông nhà giàu.
Đoạn 218:Chồn cáo là loại thú cắn người.
Đoạn 219:Lời nói của ngài Shijô Kômon
Đoạn 220:Cái gì ở địa phương cũng là vụng, là xấu.
Đoạn 221: Hồi năm Kenji và Kôan.
Đoạn 222: Khi nhà tu Jôganbô ở Takadani đến viếng ngài Tôni-jô
Đoạn 223: Ý nghĩa tên ngài đại thần Tazu.
Đoạn 224: Nhà bói toán Arimune, người đã xuất gia.
Đoạn 225: Chuyện do Ô no Hiasuke kể lại.
Đoạn 226: Dưới thời Thái Thượng Hoàng Go-Toba.
Đoạn 227: Nguồn gốc việc niệm Phật sáu lần một ngày.
Đoạn 228: Về việc niệm Phật Thích Ca ở chùa Senbon.
Đoạn 229: Người thợ chế đồ mộc tinh vi.
Đoạn 230: Ở hành cung Gôjô.
Đoạn 231: Chuyện về ngài Sôn no Betto đã xuất gia.
 Đoạn 232:Nên tỏ ra mình là người vô tài bất tướng.
Đoạn 233:Mọi sự muốn tránh khuyết điểm.
Đoạn 234:Khi có ai hỏi một điều gì.
Đoạn 235:Nhà có chủ.
Đoạn 236:Trong xứ Tanba có nơi tên gọi Izumo.
Đoạn 237:Vật đặt lên trên hòm đan bằng nhánh liễu.
Đoạn 238:Bảy điều ngài hộ giá Chikamoto tự mãn.
Đoạn 239:Ngày 15 tháng 8 và 13 tháng 9 (âm lịch).
Đoạn 240: Cặp mắt của người khác khi mình gặp nhau lén lút.
Đoạn 241:Vẻ trăng tròn.
Đoạn 242: Con người bị chi phối bởi vận hạn..
Đoạn 243: Hồi ta lên tám.

 
Đoạn 183: Chặt sừng con trâu húc người
Chặt sừng con trâu húc người, cắt tai con ngựa ngoạm người để cho thiên hạ biết (chúng là những con vật hung dữ) [842] . Nếu không đánh dấu như thế, nhỡ có người bị vật gây thương tích, lỗi ấy về nhà chủ. Không nên nuôi chó nào đã cắn người [843] . Để xảy ra những chuyện nói trên, đều mang tội. Đó những điều pháp luật ngăn cấm [844] .
 
Đoạn 184: Người mẹ của ngài Tokiyori, quan trấn thủ vùng Sagami

Người mẹ của quan trấn thủ Tokiyori [845]  vùng Sagami là thiền ni Matsunoshita [846] . Có hôm, quan trấn thủ được mẹ mời đến chơi. Trước lúc đó thiền ni tự mình cắt từng mảnh giấy nhỏ để dán lên những chỗ bị rách trên tấm cửa kéo đã ám khói đen (vì đốt hương). Người anh ruột bà tên là Jônosuke Yoshikage [847]  hôm ấy lo việc sửa soạn tiếp đãi, đang chầu chực bên cạnh, mới lên tiếng hỏi : " Xin sư bà để đó, tôi sẽ gọi gã họ Mỗ tới dán hộ cho. Hắn chuyên môn làm mấy việc như thế này ! ". Thiền ni mới trả lời : "Anh ta không thể nào khéo tay hơn bần ni được đâu! " rồi cứ thế hết dán lấy hết ô này đến ô khác. Yoshikage lại thưa tiếp: " Nếu dán một lượt lên toàn thể cánh cửa có phải gọn gàng hơn là dán từng ô như thế không ? Cứ sửa chữa các chỗ một trông cứ lốm đa lốm đốm đâu có đẹp mắt tí nào ạ ! ". Bà giải thích : " Bần ni cũng từng nghĩ là phải thay giấy mới lên cả tấm thì gọn gàng hơn nhưng hôm nay xin phép cố ý làm theo kiểu này. Bần ni muốn kêu gọi sự chú ý của lớp trẻ [848]  để dạy cho chúng biết rằng chỉ cần sửa sang những chỗ nào bị hư hỏng mà thôi ". Thật là trên đời có những câu chuyện hiếm có và cảm động.
Đạo trị nước lấy kiệm ước làm đầu. Vị thiền ni này tuy là phụ nữ, nhưng có cái tâm thấu suốt lẽ thánh hiền [849] . Đúng là người không tầm thường tí nào. Người mẹ mà con đang giữ trọng trách vận mạng quốc gia như bà cũng có khác.


Người mẹ quan trấn thủ vùng Sagami
vá chỗ thủng trên cánh cửa giấy bồi (Đoạn 184).

Đoạn 185: Ngài Yasumori, quan trấn thủ vùng Mutsu

Ngài Yasumori [850] , quan trấn thủ vùng Mutsu là một người cưỡi ngựa giỏi đời này ít có [851] . Khi người ta đem ngựa ra, con ngựa chụm cả hai chân rồi nhẹ nhàng phóng qua khỏi ngạch cửa, ông liền bảo : Đây là con ngựa tính khí còn hăng ! " rồi bảo cởi yên thắng vào một con ngựa khác. Thế nhưng con ngựa thứ hai này lại cứ để chân duỗi thẳng ra và (chưa gì đã) vấp phải ngạch cửa. " Con ngựa này cùn đụt quá, dễ ngã bị thương ". Thế rồi chẳng chịu cưỡi nữa.
Chẳng lẽ người thiện nghệ trong việc cưỡi ngựa mà lại cẩn thận thái quá như thế !
 

Đoạn 186: Lời của Yoshida, người giỏi cưỡi ngựa

Người giỏi cưỡi ngựa tên là Yoshida, từng nói thế này : " Giống ngựa, con nào cũng đáng ngại cả. Phải nhớ rằng người ta không dùng sức mà đấu nhau với nó được. Muốn cưỡi con ngựa nào, trước tiên phải ngắm ngựa cho kỹ, tìm hiểu chỗ mạnh và chỗ yếu của nó. Sau đó xem xét dụng cụ đi ngựa như yên cương và hàm thiếc có gì nguy hiểm cho nó hay không. Nếu có gì thấy không ổn thì đừng thúc nó chạy. Người nào không quên chuẩn bị sẳn như thế này mới đáng gọi là dân biết cưỡi ngựa. Đó là bí quyết của mã thuật ".
 

Đoạn 187: Dân nhà nghề

Trong lãnh vực nào cũng vậy, đã là dân nhà nghề thì cho dù có kém cỏi đi nữa, đem so với kẻ tay mơ giỏi giang chắc chắn vẫn được việc hơn. Lý do là người nhà nghề chuẩn bị chặt chẽ, không hành động khinh suất. Trong khi đó, kẻ tay mơ cứ tự nhiên biết sao làm vậy. Khác nhau ở điểm đó.
Chẳng phải chỉ áp dụng nó trong lãnh vực nghệ thuật hay mọi thứ nghề làm ăn sinh sống mà thôi, mỗi một hành động hay cách xử trí trước các tình huống của con người cũng vậy. Kẻ vụng về mà cẩn trọng thì vẫn thành công, còn như khéo léo mà tùy tiện theo ý mình sẽ chuốc lấy thất bại [852] .
 

Đoạn 188: Có người cha muốn con thành thầy pháp


Có người cha muốn con trở thành thầy pháp mới khuyên con tu học.

Người cha nọ mong con trở thành thầy pháp mới dạy rằng : " Con hãy lo chuyện học vấn, hiểu cái lý nhân quả, biết cách thuyết pháp, để có một nghề sinh sống ! ". Ông con mới nghe lời cha dặn bảo, muốn trở thành thầy pháp biết giảng kinh, bắt đầu học nghề cưỡi ngựa. Anh ta nghĩ vì mình vốn không thuộc giai cấp có kiệu và xe bò, khi nào có ai mời đến nhà tụng niệm, đem ngựa đến đón, chưa đặt mông lên yên đâu vào đấy mà đã để lọt xuống ngựa thì khó coi quá. Sau đó, khi làm pháp sự xong xuôi thí chủ bày tiệc rượu khoản đãi mà mình lại không có ngón nghề nào trình diễn giúp vui thì cũng làm người ta mất hứng cho nên anh ta lại đi học hát Hayauta [853] . Đến khi hai nghề nói trên (cưỡi ngựa và ca hát) thành thạo, đang đắc ý sắp hành nghề được rồi thì mới sực tỉnh là mình đã lớn tuổi, không có thời giờ để học kinh điển để thuyết pháp được nữa [854] .
Nào phải một anh thầy pháp nầy đâu, người ở trên đời nói chung đều có khuynh hướng đó. Trong khi còn trẻ, họ lo nghĩ đến những kế hoạch to lớn cho một tương lai xa vời, đi học hỏi những ngón nghề trong nhiều lãnh vực, mong đạt được một số thành quả trong nghệ thuật, đạo lý cũng như học thức. Thế nhưng vì họ cứ nghĩ cuộc đời dài bất tận nên dễ dãi với mình, sống lơ là, bị chia trí bởi những việc cấp thiết trước mắt. Hết năm nay tháng nọ cứ tiếp tục hành động như thế, họ già mất trong khi chưa nắm vững được một nghề nghiệp, chưa thành tựu một ý nguyện nào cả [855] . Cho dù họ có hối tiếc thì cũng không kéo lại được bước thời gian, cùng với tuổi tác, sẽ suy yếu nhanh chóng như bánh xe tuột dốc.
Cho nên trong một cuộc đời, phải biết suy nghĩ, chọn lựa và quyết định điều mong muốn nào đối với mình là thiết thân hơn cả. Thế rồi phải đoạn tuyệt với mọi chuyện khác và chỉ năng nổ làm mỗi việc ấy thôi. Trong vòng một ngày, một giờ, ta có biết bao nhiêu công chuyện nhưng phải lựa công chuyện có ích nhất [856]  mà chuyên chú vào, ngoài ra vứt bỏ tất, chỉ xem chuyện thiết thân là cấp bách phải làm. Còn như cứ mãi lưu luyến không dám vứt bỏ, đừng hòng thành tựu điều gì !
Thí dụ người chơi cờ vây, một nước cũng không bỏ phí, nhìn trước cách đi quân của địch thủ, thí một quân cờ không quan trọng trong trận thế để giành lấy một quân quan trọng của địch. Bỏ đi ba quân để đổi lấy mười, đó là việc ai cũng dám làm nhưng bỏ mười để được mười một mới là chuyện làm cho họ khó nghĩ. Để có lợi thế, người ta dễ dàng chọn giải pháp chỉ hơn một quân, nhưng đến khi gặp trường hợp phải bỏ ra cả mười quân thì họ lại lưỡng lự vì tiếc. Họ không chịu thí nếu thí mà không tóm hơn quân của địch. Nếu ta dùng dằng không buông ra những gì ta có và đồng thời lại cố gắng chiếm cho được vật trong tay người khác, thì không những ta sẽ không bắt được quân của địch mà còn mất cả quân mình.
Người sống ở kinh đô (Kyôto) có việc phải lên (núi) Higashiyama (ở đằng đông), đến tới nơi rồi mới thấy nếu sang (núi) Nishiyama (ở đằng tây) có lợi hơn [857]  thì đáng lẽ ngay cổng nhà ở Higashiyama, phải quay lại để đi Nishiyama. Thế nhưng nếu lúc đó người ấy lại nghĩ : "Ta đã cất công tới đây rồi, phải lo cho xong công việc ở đây đã. Việc ở Nishiyama không có hẹn ngày giờ nhất định, ta sẽ đến đó lúc khác, sau khi ở đây về ". Chỉ cần một giây phút buông thả là đủ hỏng cả đời. Phải biết kiêng sợ những sự biếng nhác như thế.
Nếu có một việc nghĩ rằng thế nào cũng phải hoàn tất thì có việc nào khác bị hỏng cũng đừng nên tiếc. Đừng để tâm đến tiếng đời cười cợt. Nếu không hy sinh thảy thảy mọi sự, không thể nào hoàn thành một việc lớn.
Một lần nọ, giữa chốn họp mặt đông đảo, một kẻ lên tiếng [858]  : " Người ta bảo không nên nhầm loại cây lau masuho [859] với loại lau masoho [860] , và chỉ một nhà ẩn sĩ ở vùng Watanabe là biết bí quyết làm sao phân biệt được chúng ".
Nhà sư Tôren [861] , có mặt trong buổi họp ấy, sau khi nghe câu chuyện, không ngại cơn mưa rào đang đổ, nói ngay : " Làm ơn cho tôi mượn cái áo tơi lá và cái nón đi mưa ! Tôi xin đi gặp vị ẩn sĩ Watanabe để hỏi về mấy cây lau ! ".
 " Đi đâu mà vội mà vàng ! Để mưa ngớt cái đã ! ". Người chung quanh cản.
" Các bác vô lý thật ! ". Nhà sư trả lời. " Cuộc đời đâu có đợi ta đến khi cơn mưa tạnh ! Nếu bây giờ tôi chết hay vị ẩn sĩ Watanabe mất đi, làm sao mà chúng ta tìm ra được sự thật ".
Thế là ông tất tả chạy đi và cuối cùng có được kiến thức mong muốn.
Đó là câu chuyện người ta đã kể ta nghe. Ta thấy nó kỳ lạ và tuyệt vời.
Cũng nên biết rằng sách Luận Ngữ có câu : " Mẫn thì tắc công " (Nhanh nhẹn thời được việc ) [862] .
Bắt chước nhà sư Tôren nói trên muốn tìm hiểu sự thực về cây lau, hãy dùng ý chí của chúng ta để biết những cơ duyên nào sẽ đưa ta đến giác ngộ [863] .
 

Đoạn 189: Chuyện nghĩ là phải làm ngay hôm nay

Đang có chuyện nghĩ là phải làm ngay hôm nay bỗng có vấn đề khác đến gấp rút trước mắt phải giải quyết mất hết ngày giờ. Người mà ta đợi mắc kẹt chuyện gì không tới được, kẻ ta không trông mong lại ở đâu mò đến. Công chuyện ta đang hướng tới bị thất bại còn cái ta không chú tâm thì trôi chảy suông đuột. Chuyện ta nghĩ là rắc rối chẳng ngờ lại xong xuôi êm thắm, còn những gì cứ tưởng đơn giản thôi thì hóa nhiêu khê, gây cho ta biết bao phiền não.
Những gì ta trông thấy trôi qua trước mắt không giống chút nào với điều ta cứ tưởng chừng. Cả năm như thế, suốt đời cũng thế.
Hầu như mọi sự ở đời đều trượt qua một bên như vậy. Thế nhưng, đôi khi cũng xảy ra một số ngoại lệ khiến ta không còn biết tin tưởng vào một việc gì. Chỉ có một điều lúc nào cũng đúng là phải ý thức rằng ở đời không có gì là chắc chắn cả.
 

Đoạn 190: Người gọi là bà vợ

Đàn ông con trai không nên lấy vợ. Ta thích nghe ai đó bảo : " Tớ vẫn sống một mình [864]  ". Còn như nghe ai học lại rằng : "Anh chàng ấy đã thành rễ nhà nọ nhà kia " hay : " Hắn mới rước cô nào đó về để sống chung ", ta bỗng đâm ra thất vọng vô kể.
Nếu chàng lấy một cô gái tầm thường trên mọi phương diện thì ta sẽ đánh giá anh ta thấp thôi bởi vì anh ta đã đi yêu và ăn ở được với một con người như thế. Còn như vợ anh ta là người đẹp đẽ toàn hảo thì ta lại thương hại cho anh ta phải " thờ bà " như Phật sống, ì ra chiêm ngưỡng dung nhan, đại khái là không biết làm gì hơn là từng ấy việc. Một bà vợ bình thường mà đảm đang quán xuyến việc nhà ư ? Thế còn khổ thân hơn ! Bà ấy sẽ đẻ con rồi mãi lo chăm chút dạy dỗ chúng, có chán không ? Ông chồng chết trước thì bả sẽ vào chùa tu, già và xấu đi, sự việc đó sẽ kéo dài cả khi ông ta không còn hiện diện nữa.
Cho nên dù vợ nhà tốt hay xấu, mỗi ngày cứ nhìn mặt nhau thì có lẽ sẽ đâm ra chán ngán rồi ghét bỏ. Ngay người đàn bà, họ cũng không thích tình trạng bất ổn như thế. Chi bằng cứ sống xa xa, lâu lâu đến thăm, ở lại một thời gian thôi, thì dù năm tháng có chồng chất, tình cảm đối với nhau vẫn còn đằm thắm.Nếu đôi khi người đàn ông bất chợt đến viếng và ở qua đêm thì cả hai đều cảm thấy mới mẻ tươi mát. [865]
 

Đoạn 191: Màn đêm che lấp vẻ đẹp

Nhiều người bảo ban đêm trời tối thì mắt không nhìn rõ vật gì cả. Nói thế thì buồn quá đi mất vì nhất là vào ban đêm , mọi thứ đều đẹp ra, từ vật trang sức trên quần áo, quang cảnh nghi lễ hội hè. Do đó ban ngày cứ việc mặc những thứ quần áo trang nhã, thế nhưng đến đêm chính loại áo xống hoa hòe rực rỡ mới thích hợp hơn cả. Người có khuôn mặt đẹp sẳn nhìn dưới ánh đèn ánh lửa càng thêm đẹp, tiếng nói cười nghe trong bóng tối nghe đậm đà ngọt ngào hơn. Mùi hương, tiếng nhạc cũng thế, trong bóng tối, chúng nâng được phẩm chất của mình lên tuyệt đỉnh [866] .
Thật là thú vị khi thấy có người vào hầu muộn trong cung vào một buổi tối không phải lúc lễ lạc mà lại ăn mặc trang trọng đẹp đẽ. Còn lớp trẻ, vốn luôn luôn để ý dáng vẻ bề ngoài của mình, phải đặc biệt đặt trọng tâm vào cách ăn mặc, bất luận trường hợp lễ phục hay thường phục, kể cả những lúc họ có thể cho phép mình được thoải mái.
Một người đàn ông đẹp trai thanh lịch gội đầu chải tóc khi chiều xuống [867] . Một người đàn bà thấy trời vào khuya bèn rút lui vào một góc, lấy tấm gương con ra và tô điểm lại khuôn mặt trước khi trở về chỗ ngồi cũ trước mọi người. Những cảnh tượng như thế không đáng yêu hay sao ?
 

Đoạn 192 : Đi viếng Thần Phật lúc không có ai

Đối với Thần Phật thì nên đi chiêm bái ngày không có ai. Hay nhất là đến viếng ban đêm [868] .
 

Đoạn 193: Khi kẻ không biết điều phán đoán người khác

Kẻ không biết điều tưởng mình có thể phán đoán người khác và đánh giá được tri thức của họ nhưng có khi nào anh ta đúng đâu.
Giống như người không có tài năng gì đặc biệt, chỉ trỗ được ngón nghề của mình khi đánh cờ vây, khi thấy một người tài giỏi nhưng lại vụng về trong nghề cờ, đã vội vàng kết luận đối thủ của mình trí óc kém cõi.
Như một ông thầy trong lãnh vực nào đó khi thấy những người khác không biết gì về ngón nghề riêng mà ông ta đeo đuổi, đã hợm hĩnh xem mình là tài giỏi hơn mọi người. Sai lầm lớn !
Một nhà sư chỉ biết học nên rành kinh điển nhà Phật và một thiền gia biết cách thức nhập định nhưng yếu kém giáo lý, hai ông so đo với nhau, người này bảo người kia kém [869] . Cả hai đều nhầm lẫn cả.
Nói chung không nên tranh chấp, chê bai về những gì ở ngoài lãnh vực chuyên môn của mình.
 

Đoạn 194: Con mắt của người từng trãi

Con mắt của người từng trãi khi nhìn người nhất quyết không bao giờ lầm lẫn. Ví dụ khi xãy ra việc có người nào bày đặt chuyện dối trá để đánh lừa thiên hạ (chẳng hạn).
Lúc đó sẽ có người ngay thật tin theo và để cho kẻ gian lừa được mình, sẽ có người tán dương chuyện dối trá đó, hay còn thêm thắt vào gây thêm phiền hà mới. Lại có kẻ không để chuyện dối trá đó động đến mình, chẳng mảy may quan tâm đến nó. Ngoài ra, cũng còn hạng người thấy cái gì không ổn đâu đó, bán tín bán nghi và để cho điều ấy ám ảnh. Đó là không kể những kẻ tuy có nghi ngờ nhưng vì thấy ai cũng tin theo nên nghĩ rằng có lẽ đó là sự thực mà cũng không chịu tìm hiểu thêm. Hãy còn có những người tưởng tượng về lời nói dối ấy theo cách của mình rồi gật gù và mỉm cười ra vẻ thấu hiểu nhưng chính ra đương sự không biết mô tê gì cả.
Những người khác thì phán xét rồi tạm chấp nhận nó, nói kiểu " Cũng có thể là như thế nhỉ ? " nhưng vẫn nghi ngờ tự hỏi không biết giả thuyết mình đưa ra có hàm chứa điểm sai lầm nào không. Bên cạnh, còn có hạng người hay nói " Ối chào, chuyện như thế có gì quan trọng đâu ! " và sau đó vỗ tay cười. Thêm vào đấy, có hạng người khám phá được sự dối trá nhưng không chịu nói điều dối trá ấy ra và cũng không hở môi cho biết mình đã khám phá ra sự giả dối. Lại nữa, có người đã thấy được mục đích của sự dối trá ấy ngay từ đầu, lại lợi dụng mục đích của sự dối trá ấy mà đặt điều thêm vào cho có lớp lang, tiếp tay phổ biến lời nói dối ấy nữa.
Đứng trước kẻ có khả năng nhận ra được sự thật, thì dù có núp sau các hình thức thuật chuyện đa dạng, giọng điệu và khuôn mặt khác nhau, những lời dối trá rồi sẽ bị lộ diện, ngay cả những lời nói dối được sử dụng như phương tiện đùa cợt giữa bọn không biết điều. Hơn nữa, dưới cặp mắt của người quan sát sành sõi thì sự thực của cái thế giới tối tăm lầm lạc chúng ta hiện ra rõ trước mắt họ như giữa lòng bàn tay.
Thế nhưng điều phán đoán được đem ra trình bày nới đây không liên quan gì đến kinh điển nhà Phật vốn dùng hư cấu để giảng đạo. Do đó, không nên đồng hóa nó với những câu chuyện dối trá của người thế tục.
 

Đoạn 195: Chuyện người lúc qua con đường Koga Nawate

Có người nọ khi đi qua con đường Koga Nawate [870]  thấy một ông mặc áo lót mình tay hẹp và quần bao rộng [871] , đang chú tâm dầm một pho tượng Phật Jizô [872]  bằng gỗ vào trong nước ruộng rồi rửa ráy lau chùi nó thật kỹ lưỡng. Trong lúc người đi đường ấy còn chưa hết ngạc nhiên vì hành động kỳ quặc, lại thấy hai, ba người cũng mặc áo thụng nhà quan [873]  xuất hiện, bảo với nhau : " Ôi chao, té ra ngài ra chơi đây đấy ! " rồi dắt ông ta đi đâu mất. Người tắm tượng chính là quan Nội Đại Thần Koga [874]  vậy.
Ngài đại thần Koga thuở còn tỉnh trí là một nhân vật phẩm cách phi phàm [875] .
 

Đoạn 196: Kiệu rước thần của Tôdaiji

Khi kiệu rước thần [876]  của chùa Tôdaiji (ở Nara) được rước từ cung Wakamiya chùa Tôji (ở Kyôto) trở về chỗ cũ, đám công khanh họ Minamoto đều tháp tùng để tỏ lòng kính cẩn. Lúc đó, ngài Nội Đại Thần Koga ( đã xuất hiện trong đoạn trước) với tư cách là đại tướng chỉ huy quân cấm vệ đi trước đám rước để dẹp đường. Thấy thế, quan Tướng Quốc Tsuchmikado [877]  mới nhận xét : " Đem quân đi dẹp đường trước đền thần như vậy là nghĩa lý gì ? ". Nội Đại Thần chỉ trả lời : " Cách thức bảo vệ đám rước xin ngài để cho con nhà võ chúng tôi (định đoạt) ! ".
Sau đó, ông ta lại nói : " Quan Tướng Quốc có lẽ đã đọc Hokuzanshô [878]  nhưng ngài không biết còn có những lời bình giảng trong Saikyuuki [879]  nữa. Chư thần lúc nào cũng có bọn ma vương ác quỉ theo làm thủ hạ [880] . Vì e ngại chúng, cho nên vào đền thần, đặc biệt cần phải dẹp đường ".
 

Đoạn 197: Không chỉ dành cho chư tăng

Chữ " jôgaku " (nhân số giới hạn) [881]   không chỉ có trong ngữ vựng của nhà chùa đâu. Cách dùng chữ " jôgaku no nyoju" (số giới hạn nữ quan trong cung) đã thấy trong sách Engishiki [882]  nói về nghi thức rồi. Jôgaku vẫn thường dùng để gọi chung nhân số giới hạn của các công bộc hạng thấp.
 

Đoạn  198: Không chỉ có chức danh Yômei no Suke

Không chỉ có chức danh dự Yômei no Suke [883]  mà còn có chức danh dự gọi là Yômei no Sakan [884]  nữa. Tên chức sau này có ghi trong sách Seijiyôryaku [885] .
 

Đoạn 199: Ngài pháp chủ Gyôzen chùa Yokawa [886]

Nghe rằng câu nói : "Âm nhạc của Trung Quốc có cung bậc theo Ryo " lữ " [887] , họ không có cung bậc theo Ritsu " luật ". Còn nhạc Nhật Bản chỉ theo " luật " [888] chúng ta không có hệ thống âm giai " lữ " là nhận xét của ngài pháp chủ Gyôzen [889] .
 

Đoạn 200: Lá trúc Kure.take 

Lá trúc Kure.take [890]  " trúc nước Ngô " thon trong khi lá " trúc sông " hay Kawa.take to bản. Trong cung, trúc thấy ở gần bờ hào (điện Seiryô = Thanh Lương Điện, Đông đình) là trúc Kawa.take, còn trúc được đem trồng cạnh điện Jijuu (Nhân Thọ Điện, Tây đình) là trúc Kure.take vậy.
 

Đoạn 201: Hai cái tháp Taibon và Gejô 

Có hai bia tháp (stupa) tên gọi Taibon và Gejô [891] . Một trong hai, Gejô là cái dựng ở bên ngoài vòng đền (gần chân núi), còn cái dựng bên trong vòng đền tên là Taibon [892] .
 

Đoạn 202: Tên tháng 10 ta là Kannazuki (tháng không có thần) 

Tháng 10 ta được gọi là Kannazuki (Thần Vô Nguyệt) nhưng không thấy đâu ghi chép phải tránh cúng kiến chư thần. Có thể vì trong tháng này, các đền thần không hành lễ cho nên nó mới mang cái tên như thế.
Nhiều thuyết cho rằng vào tháng 10 ta, các vị thần phải tụ tập ở Thái Thần Cung (ý nói Ise Jinguu, ngôi đền chính trong nước) [893]  thế nhưng không thuyết nào có căn cứ cả. Nếu các thuyết ấy mà đúng thì trong tháng 10 ta, ở vùng Ise, người ta phải tổ chức nhiều cuộc lễ lắm nhưng sao không thấy tập quán đó.Tháng 10 ta là lúc xa giá thường ngự du thăm đền thần đạo. Có điều là luôn luôn xãy ra những điềm gỡ trong dịp đó [894] .
 

Đoạn 203: Cách treo túi tên chỗ nhà kẻ bị cảnh cáo 

Nghi thức treo túi tên trên cánh cổng ngôi nhà của kẻ bày tôi bị sắc lệnh của thiên hoàng cảnh cáo, nay đã rơi vào trong quên lãng vì không còn ai biết cách thực hành nữa.
Khi thiên hoàng lâm bệnh hay khi dịch lệ hoành hành, người ta thường đem treo một túi tên ở đền Gojô Tenjin [895] . Ngoài ra, vị thần Kurama [896]  cũng là vị thần mà ngày xưa người ta cũng treo một túi tên cạnh đền của ngài.
Khi đem treo một túi tên của trưởng quan coi về hình án ở cổng nhà người nào đó, có nghĩa là cấm không ai được phép ra vào ngôi nhà ấy. Ngày nay hình thức cũng đã bị bãi bỏ, thay vào đó, người ta chỉ cần niêm phong nhà mà thôi.
 

Đoạn 204: Khi phạt roi tội nhân 

Khi phạt roi [897]   tội nhân, phải trói hắn vào một cái hình cụ [898]  dùng khi tra tấn. Ta nghe nói ngày nay không còn ai biết hình thù hình cụ ấy như thế nào cũng như cách thức buộc tội nhân vào đó.
 

Đoạn 205: Bản văn chép lời nguyền của đại sư núi Hieizan 

Trên núi Hieizan, bản văn chép lời ước thệ trước Đức Phật tên là Daishi Kanjô (Đại Sư Khuyến Thỉnh) đã được tăng chính (đời thứ 18 là) Jie [899]  viết ra lần đầu tiên để trình lên hương linh ngài Dengyô Daishi [900] . Sở dĩ nó được gọi là Kishômon (Khởi Thỉnh Văn) hay là lời ước thệ bởi vì trong giới phụ trách giáo luật, vốn không thấy có qui định nào cả.
Thuở xưa, dưới triều các vị thánh quân, đâu cần dựa vào lời ước thệ để thi hành mọi sự trong chính trị thế mà từ thời cận đại, hình thức này lại trở thành phổ biến. Lại nữa, luật pháp không xem nước và lửa là vật không tinh khiết. [901]  Nếu bị ô uế, nhất định là do đồ chứa đựng chúng.
 

Đoạn 206: Quan Hữu Đại Thần Tokudaiji 

 
Con bò sổng dây đi rông cả vào trong sảnh đường

Khi ngài Hữu Đại Thần Tokudaiji [902]  còn sống và đang làm tổng tư lệnh các lực lượng cảnh bị, một hôm ngồi trên hành lang của cửa chính lối vào phủ đệ của mình để họp bàn với bộ hạ về vấn đề an ninh. Lúc đó bỗng dưng có con bò kéo xe cho viên quan tên gọi Akikane [903]  cột ở đâu đó lại sổng ra. Bò đi vào bên trong sảnh đường leo lên ngồi cả lên bệ của tổng tư lệnh, nằm dài ra đó mà nhơi cỏ. Các quan cho là điềm hết sức xấu, thì thào với nhau bảo phải bắt con bò này đến cho thầy bói để đoán kiết hung. Người cha của quan tổng tư lệnh, lúc đó giữ chức Thái Chính Đại Thần [904]  nghe thế mới bảo : " Bò là thú vật nào biết phải trái. Có chân muốn leo lên đâu cứ thế mà leo thôi. Sao lại muốn tịch thu làm chi cái còn bò gầy ốm dùng để kéo xe đi làm của anh quan nghèo khổ kia ". Thế rồi, ngài mới bắt đem trả con bò kia cho chủ nó, còn tấm chiếu chỗ bò đã nằm lên thì bảo thay đi. Sau đó, chẳng có chuyện gì gọi là xui xẻo xãy ra cả.
Thế nên " Khi nhìn sự việc kỳ quái mà trong lòng không coi đó là kỳ quái thì những việc kỳ quái ta dự tưởng sẽ chẳng bao giờ xãy ra " [905] .
 

Đoạn 207: Hồi xây dựng điện Kameyama 

 


Người ta thấy có mấy con rắn lớn cuộn lại với nhau thành một đùm.

Khi dân phu đang san mặt bằng để xây dựng điện Kameyama thì bỗng phát hiện một cái gò có vô số rắn lớn cuộn với nhau thành một đùm.Nghi rằng những con rắn đó là thần thổ địa, họ mới đem cớ sự tâu lên Thái Thượng Hoàng (Go-Saga). Ngài phán: "Thế thì làm cách nào bây giờ?" Mọi người đều thưa: "Bọn rắn là chủ nhân của miếng đất ấy từ thời xa xưa, nếu cứ thẳng tay đào lên đem vứt đi thì quả là không tiện!". Thế nhưng một mình ngài Thái Chính Đại Thần Tokudaiji (xem đoạn 206 nói về lai lịch ông) đưa ra nhận xét như sau: " Loài côn trùng một khi đã sống trên đất hoàng đế cai quản làm gì có thể gây tai ách nếu đây là việc kiến thiết hoàng cung. Quỉ thần cũng không thể đi ngược lại với đạo lý. Chúng ta không việc gì phải e sợ cả. Hốt chúng và vứt hết ngay cho!". Do đó, người ta mới đánh sập cái gò, vét hết lũ rắn và thả xuống sông Ôi. Sau đó, chẳngcó tai ách nào xãy ra cả [906] .
 

Đoạn 208: Cách buộc dây một cuốn kinh 

Khi muốn buộc một quyển sách hình ống như cuốn kinh, thường thường người ta nối hai đầu dây từ bên trên và bên dưới để tạo thành một "tasuki" tức là cái gút chéo (ở giữa cuốn), rồi kéo hai đầu giây thành vòng mà cột lại theo chiều ngang cuốn kinh. Thế nhưng khi đem trình bày lối buộc dây này cho tăng chính Kôun (Hoằng Thuấn) [907]  ở Kegon-in (Hoa Nghiêm Viện) thì ngài tháo nó ra và chỉnh lại:
"Đây là cách buộc giây hiện thời nhưng như thế thì quá khó coi. Cách buộc chính thức là quấn sợi dây thành nhiều vòng quanh ống cuốn kinh từ trên xuống dưới rồi luồn đầu mũi dây dưới sợi dây mà thắt lại".
Vị tăng này là một kẻ trãi đời nên mới rành về cách buộc dây cổ truyền như thế.
 

Đoạn 209: Một người đi tranh đám ruộng thuộc về người khác 

Có người kia tranh tụng về đám ruộng thuộc một người khác, bảo nó là của mình. Anh ta thua kiện, hậm hực quá đỗi, mới sai người nhà: "Qua bên ruộng đó gặt cho tao!". Bọn người làm mới ra tay và họ bắt đầu bằng cách gặt hết lúa mọi thửa ruộng họ thấy trên đường đi. Thiên hạ thấy được, mới bảo: "Tại sao các chú làm như thế hở? Thửa ruộng này có phải là ruộng mà nhà chủ các chú tranh chấp đâu nào!" Những kẻ đang gặt mới trả lời: "Nếu chúng tôi gặt lúa trên thửa ruộng chúng tôi nhắm tới, dĩ nhiên phần quấy về phía chúng tôi rồi. Bề gì cũng là nhúng tay vào chuyện bất chính, hơi đâu phân biệt thửa ruộng này với thửa ruộng khác làm chi nữa!"
Lý luận kiểu đó nghe thật nực cười.


Một người đi kiện đòi một đám ruộng thuộc về người khác.
Đoạn 210: Mùa xuân sang có chim Yobukodori 

Người ta truyền tụng loài chim Yobukodori [908]  hót vào mùa xuân, thế nhưng trong sách vở, không đâu nói cho biết Yobukodori là giống chim gì. Chỉ có một quyển của phái Shingon bảo rằng chim ấy hót vào lúc người ta làm lễ chiêu hồn. Trong trường hợp này, Yobukodori phải là con chim Nue [909]  (Nuekodori) nổi tiếng kia. Một bài chôka (trường ca) trong tuyển tập thơ Manyôshuu (Vạn Diệp Tập) có câu :
Kasumi tatsu,
Nagaki haru no...
Sương mờ giăng,
Ngày xuân dài lê thê...
Là để vịnh chim Nue. Nếu như thế thì ta nghĩ rằng hình dạng của chim Nue phải giống chim Yobukodori.
 

Đoạn 211: Đừng trông cậy vào cái gì hết 

Đừng trông cậy vào cái gì hết. Những kẻ ngu ngốc cứ bám chặt lòng tin vào một điều gì đó, mai sau chỉ biết giận dữ và oán hận mà thôi.
Cho dù mình là kẻ có quyền lực, cũng không nên nương tựa vào quyền lực. Kẻ mạnh bạo sẽ bị tiêu diệt trước tiên [910] . Bảo rằng mình giàu có mà dựa vào tài sản cũng không được. Bởi vì của cải sẽ tiêu tan trong phút chốc. Có tài học ư? Chớ dựa vào nó làm gì. Không thấy đời Khổng Tử đó sao? Ông ta nào có thể đem sở học ra dùng được đâu [911] . Có đức mà làm gì, đâu có dựa vào nó được. Nhan Hồi bất hạnh dường nào! [912]  Dựa vào sự sủng ái của bậc quân vương chăng? Không được, có ngày bị buộc tội rồi đem ra giết đấy. Bọn tôi tớ có phục tùng mình đến thế nào, cũng không nên trông cậy vào bởi vì chúng cũng có thể phản phúc, quay lưng bỏ chạy. Không nên dựa vào lòng ưu ái của người khác vì tình cảm của họ nhất định sẽ thay đổi. Đừng trông cậy vào lời hứa hẹn vì ở đời này có mấy ai giữ tròn tín nghĩa.
Nếu không dựa vào mình và cũng chẳng dựa vào người, ta sẽ vui lúc thuận buồm xuôi gió nhưng chẳng hề tiếc hận lúc đứng trước nghịch cảnh. Ta sẽ không bị trói buộc gì cả mà khi giang tay hai bên tả hữu, có thể co duỗi mặc lòng. Vì không có gì chắn sát trước mặt sau lưng ta, ta không cảm thấy tù túng. Ngược lại nếu chung quanh chật hẹp thì ta sẽ bị chèn ép bẹp nát [913] . Cứ như thế, khi tâm hồn ta thiếu sự rộng lượng và mềm dẽo thì không sao tránh nỗi sự đụng chạm, cải vả với người khác và sẽ thiệt thân.
Những ai biết sống bao dung và nhu nhuyễn sẽ không bao giờ gặp chuyện nguy hiểm, chẳng rụng lấy một sợi lông chân.
Con người ta là con vật linh thiêng nhất tồn tại trong khoảng trời đất [914] . Cõi trời đất vốn vô biên cho nên bản tính con người cũng phải rộng rãi khoát đạt (mới được). Khi lòng ta khoan dung, bao la vô hạn thì tình cảm hỹ nộ trong người sẽ không thể làm tổn thương ta và tha nhân cũng không thể nào gây được điều phiền não cho ta.
 

Đoạn 212: Trăng thu đẹp vô ngần 

Không có gì đẹp hơn trăng mùa thu. [915]  Nếu có người nào cứ đinh ninh trăng lúc nào cũng như lúc nào và cho rằng vầng trăng không thay đổi theo mùa thì quả là kẻ đáng chán (vì không biết thưởng thức cái đẹp của trăng thu). [916] .
 

Đoạn 213: Khi mồi than vào lò sưởi trước bậc tôn quí 

Khi mồi than hồng vào lò (sưởi) hibachi [917]  đặt trước mặt thiên hoàng hay thái thượng hoàng, không được dùng đũa bếp để gắp bỏ vào.Phải để ý mà chuyển mồi lửa trực tiếp từ cái thố bằng đất. Bởi làm như thế sẽ giữ được mồi lửa không bắn ra hay rơi rớt mà lại còn có thể nhóm lửa cháy tốt hơn.
Khi thấy các ngài ngự ra cung Hachiman ở đền Iwashimizu với bọn tùy tùng khoác jôe (tĩnh y) tức áo thụng màu trắng dùng vào lúc tế thần, tay chuyền than từ thố đất vào lò, kẻ rành rẽ về nghi thức bèn bàn rằng: "Riêng ngày bắt buộc mặc trang phục màu trắng như thế này thì dù có sử dụng đũa gắp than cũng không sao".
 

Đoạn 214: Khúc nhạc nhan đề Sôfuren 

Khúc nhạc tên gọi là Sôfuren [918]  không có nghĩa là Tưởng Phu Luyến (Thương Nhớ Chồng) như người ta nghĩ đâu.Nguyên lai, tên nó là Tướng Phủ Liên cơ. Người ta theo âm mà ghi lại thành Tưởng Phu Luyến mà thôi. Ngày xưa dưới triều Tấn có quan đại thần Vương Kiệm [919] , trong nhà vốn trồng nhiều sen và ông rất yêu hoa ấy, nhân đó viết ra khúc hát. Chỗ ở của đại thần vì vậy gọi là "liên phủ".
Khúc nhạc Kokotsu ( Hồi Hốt) [920]  cũng vậy. Chính ra phải viết là Hồi Hột, theo tên của nước Hồi Hột, một quốc gia di địch mạnh bạo. Dân tộc này từ khi thần phục Trung Quốc thường lui tới kinh đô và truyền bá âm nhạc nước mình.
 

Đoạn 215:Tuổi già của ngài Taira no Nobutoki Ason 


Cuối cùng tôi tìm ra được trên giàn bếp một cái đĩa còn sót ít tương đậu nành.

Về già, ngài Taira no Nobutoki Ason [921]  hồi tưởng chuyện xưa, có kể:
Một đêm nọ, ngài Saimyôji đã xuất gia [922]  có mời tôi đến nhà chơi. "Thưa, thần xin đến ngay!", nhắn như thế với ngài xong rồi mà tôi vẫn lúng túng không tìm ra tấm áo bào nào cho ra hồn để mặc. Đang lúc đó, người giúp việc cho ngài lại đến nhắc (lời ngài): " Chắc không tìm ra áo bào? Đêm hôm ăn mặc ra sao cũng chớ nề hà, nhớ đến ngay cho!". Tôi mới lấy một tấm áo bào đã sờn dùng ngày thường rồi cứ như thế mặc lên đến hầu ngài. Khi bình rượu và mấy cái chén gốm thô được bày ra, ngài mới phán: "Có rượu mà uống một mình thấy có gì thiêu thiếu nên ta mời ông đến đấy!" Rượu suông thôi chứ không có món nhắm vì kẻ ăn người ở đã đi ngủ cả.Thế thì ông cứ tự tiện kiếm trong nhà có món nào cũng được, mang ra hộ ta". Nghe ngài dạy thế, tôi mới châm lửa que ngo rồi vào đi lục lọi hết xó này tới xó khác. Rốt cục thấy trên một giàn bếp có  cái đĩa gốm trơn còn dính lại ít tương đậu nành.Tôi bèn thưa : "Thần kiếm mãi mới tìm ra mỗi món này!" thì ngài mới phán: "Thế cũng đã đủ!"và cao hứng uống liên tiếp cả chục chén [923]  do ta mời, trông vui vẻ ra mặt".
Ngài Ason mới kết luận: "Thời đó, cách sống của chúng tôi là như thế đấy!" [924]
 

Đoạn 216: Chuyện ngài Saimyôji đã xuất gia 

 
 

Ngài Saimyôji [925]  đã xuất gia sau khi đặt chân đến cung Hachiman của đền thần Tsurugaoka, điều trước tiên là cho sứ giả đến phủ đệ của ngài Ashikaga no Sama đã xuất gia [926], báo tin mình sẽ ghé thăm ông ta ngay. Ngài Sama tiếp rước, trong bữa tiệc thết đãi, tuần rượu đầu mời món bào ngư khô, tuần rượu thứ hai mời món tôm, tuần thứ ba với bánh dày ngọt và chấm hết ở đó [927] . Ngoài vợ chồng chủ nhân, trên chiếu tiệc chỉ có tăng thống Ryuuben [928]  với tư cách người nhà của chủ nhân.
Sau đó, ngài Saimyôji đã xuất gia mới phán: "Năm nay, ta đang trông chờ hàng tơ sợi vùng Ashikaga [929]  mà mỗi năm ông vẫn đem đến tiến.Ngài Sama liền trả lời: "Thưa, đã chuẩn bị hết cả rồi". Trước mắt mọi người, ông sai bọn thị nữ cắt ba mươi tấm đoạn nhuộm đủ màu sắc may thành áo mát. Sau đó ông cho gữi đi ngay. [930]
Câu chuyện này đã được một nhân chứng đương thời thấy tận mắt mọi sự, nay hãy còn sống, kể lại ta nghe.
 

Đoạn 217:Lời bàn của ông cự phú 

Một đại phú gia có lần phát biểu như sau:
 "Con người ta có thể bỏ qua mọi chuyện nhưng không thể nào bỏ qua chuyện làm giàu. Sống trong sự nghèo túng thì cuộc đời vô nghĩa. Chỉ có anh có tiền mới xứng đáng được gọi là người.Nếu muốn trở thành giàu có, trước tiên phải tu luyện tinh thần.Tinh thần đó không gì khác hơn là triệt để xem cuộc đời này như thể vĩnh viễn bất biến. Không bao giờ suy nghĩ, cho dù trong khoảnh khắc, rằng đời là vô thường; Đó là điều tâm niệm số một.
Điều tâm niệm thứ hai là không cho mình được thõa mãn về bất cứ điều gì. Còn sống ở trên đời là còn theo đuổi vô số ước  vọng, cho chính bản thân và cho những người khác. Nếu con người muốn thỏa mãn tất cả ước vọng của mình thì dù là tiền tài trăm vạn, nó cũng sẽ bay đi mất trong phút chốc. Ước vọng vốn vô bờ bến trong khi tiền bạc có lúc cùng kiệt. Đem món tiền có giới hạn nhằm thỏa mãn những ước vọng vô giới hạn là điều không thể thực hiện.Hãy biết e sợ những ước vọng bùng dậy trong lòng ta, hãy cố bảo vệ mình một cách cương quyết trước những hiểm họa muốn hủy hoại ta đó và cố gắng  không tiêu pha cho nó một trinh nào cả.
Tiếp đến, nếu nghĩ mình có thể sử dụng tiền bạc tự do như sai bảo đầy tớ thì sẽ khó mà thoát khỏi cảnh nghèo khó.Phải  kính sợ đồng tiền như ông vua, ông trời, không dám tiêu xài theo ý mình thì mới được.Thêm vào (một điều tâm niệm nũa) là dù cho có chuốc lấy nhục nhã để có tiền, cũng không được tức giận cay cú. Thế rồi còn phải xử sự ngay thẳng và biết giữ lời hứa chắc nịch. Những người nào đi tìm mối lợi mà thỏa mãn được những điều kiện nói trên thì nhất định sẽ trở thành giàu có nhanh chóng như lửa bắt vào đồ khô, nước đổ xuống chỗ trũng [931] . Khi đã ngập trong tiền bạc rồi thì cho dù không tiệc tùng, âm nhạc, nữ sắc, trang trí nhà cửa hay thỏa mãn mọi dục vọng khác, tâm hồn vẫn được an lạc, đầy đủ".
Nguyên lai, con người đi kiếm của cải là để có phương tiện thỏa mãn những ước vọng của mình.Người ta quí trọng đồng tiền như báu vật vì nó thực hiện cho họ điều mong muốn. Thế nhưng nếu có ước vọng mà không thỏa mãn được, có tiền mà không tiêu xài được thì giàu sang có khác chi nghèo hèn. Như thế thì biết lấy gì để làm vui! Điều nhà đại phú đó muốn căn dặn có thể hiểu là con người phải cắt đứt với dục vọng thế gian, không nên cảm thấy khổ sở trong cảnh nghèo. Thay vì thỏa mãn dục vọng để cảm thấy sung sướng, không có của cải lại càng tốt hơn. Những kẻ bị bệnh ung bệnh lở có thể cảm thấy hạnh phúc khi có nước xối rửa chỗ bị thương, nhưng hạnh phúc nào bằng nếu không phải mang bệnh những bệnh đó [932]  .
Đạt được lối sống như nhà đại phú này thì sẽ không còn phân biệt giàu nghèo nữa. Giác ngộ được chỗ cao diệu của  đạo Phật chẳng khác nào không biết gì về đạo lý ấy cả.Cũng như thế, tham dục hay vô dục thảy đều như nhau.
 

Đoạn 218:Chồn cáo là loại thú cắn người 

Chồn cáo là loại thú cắn người.Trong dịnh của ngài Horikawa [933] , có kẻ làm tạp dịch đang khi ngủ bỗng bị chồn đến ngoặm chân.Ở Ninnaji, một chú điệu ban đêm đi ngang qua trước cổng chùa lại bị ba con chồn xông ra cắn xé.Chú ta bèn  rút dao hộ thân ra chống đỡ và chém trúng hai con. Một con chết ngay tại chỗ, còn hai con kia chạy thoát được. Chú điệu cũng bị thương mấy chỗ nhưng an toàn tính mạng [934] .
 

Đoạn 219:Lời của ngài (cố vấn) Shijô Kômon 

Theo lời của ngài (cố vấn) Shijô Kômon [935]  thì: "Trong phạm vi âm nhạc, Tatsuaki [936] là kẻ rất đáng nễ.Hôm trước ông ta đến gặp ta và bảo như thế này: Tôi xin lỗi nếu có phát biểu trước mặt ngài một ý kiến thiếu chín chắn nhưng đầu óc tôi thường bị ám ảnh bởi một câu hỏi: Chắc phải có cái gì kỳ lạ bí hiểm trong cái lỗ Go (Ngũ, lỗ thứ năm) của ống địch (sáo ngang) [937]  chứ? Sau đây là lý do của sự thắc mắc đó:
Lỗ Kan (Can, lỗ thứ sáu) dùng để thổi âm "bình" (Hyôjô) còn lỗ Go (thứ năm) dùng để thổi âm "hạ vô" (Shimo-Mujô). Giữa khoảng hai lỗ có âm "thắng tuyệt" (Katsuzetsujô). Lỗ Jô (Thượng,lỗ thứ tư) để thổi âm "song" (Sôjô). Sau đó, nếu ta bỏ qua âm "phúc chung" (Fushôjô) thì sẽ đến lỗ Saku (Tịch, lỗ thứ ba) vốn phát ra âm chuẩn "hoàng chung" (Ôshikijô). Nếu ta lại bỏ qua âm "loan kính" (Lankeijô), ta sẽ đến lỗ Chuu (Trung, lỗ thứ hai). Lỗ này cho ta âm "bàn thiệp" (Banjikijô); Giũa lỗ Chuu (Trung, lỗ thứ hai) và Roku (Lục, lỗ thứ nhất), hãy còn có âm "thần tiên" Shinsenjô [938] . Như thế , ở giữa hai lỗ một lại có một âm trung gian.Chỉ có lỗ Go là đứng riêng rẽ, và từ lỗ này, ta đi trực tiếp đến lỗ Jô cho dầu khoảng cách giữa các lỗ đều giống nhau. Do đó, nghe âm thanh của lỗ Go thấy không thuận lỗ tai. Khi thổi lỗ này, lúc nào nhạc công cũng  đặt môi xa vè lỗ thổi. Nếu không làm được như vậy thì (khi hòa nhạc) âm thanh sẽ không hòa điệu với tiếng của các nhạc khí khác.Người thành thạo việc sử dụng lỗ Go rất là hiếm".
Lời phát biểu (của Tatsuaki) vô cùng sâu sắc và hết sức thú vị. Lời người xưa bảo "Hậu sinh khả úy. Đáng sợ thay là kẻ đến sau ta" [939]  thật không sai.
Dưới đây là nhận xét của Kagemochi [940]  về sau: "Trường hợp loại sáo bầu như Shô [941] , một khi đã sắp xếp đúng âm thanh của nhạc cụ rồi, chỉ cần cho hơi thổi vào mà thôi. Thế nhưng ống địch (sáo ngang) đòi hỏi một kỹ thuật sử dụng hơi thở đặcbiệt. Mỗi lỗ có một cách thổi riêng, đó là kỹ thuật bí truyền, và hơn nữa, nó còn tùy thuộc vào căn cơ của nhạc công. Điều này không liên quan đến lỗ Go mà thôi. Cũng không phải chỉ cần đặt môi xa vè ống sáo là được. Nếu là tay thổi kém thì tiếng ở lỗ nào phát ra đều nghe không lọt tai. Một nhạc công giỏi phải chế ngự được tất cả các lỗ. Nếu không điều chỉnh với các nhạc khí khác cho đúng âm luật thì đó là lỗi của người thổi chứ không phải lỗi của ống sáo".
 

Đoạn 220: Cái gì ở địa phương cũng là vụng, là xấu 

Khi ta lên tiếng : "Cái gì ở địa phương cũng là vụng, là xấu chỉ trừ nhạc cúng thần (Bugaku [942] ) ở đền Tennôji [943]  thì chẳng thua kém gì chốn kinh đô", một nhạc công của đền ấy mới bảo với ta rằng: "Nhạc ở đền chúng tôi trội hơn nhũng nơi khác vì hòa hợp với âm thanh tiêu chuẩn và các nhạc khí được điều chỉnh khéo léo. Lý do là chúng tôi duy trì được âm thanh tiêu chuẩn đã có từ thời Thái Tử Shôtoku, sử dụng cho đến bây giờ. Âm chuẩn đó là tiếng của cái chuông đặt trước nơi gọi là Rokujidô (Lục Thì Đường). Tiếng chuông ấy nhất trí với âm chủ của điệu gọi là Ôshikijô (Hoàng Chung Điệu) [944] .  Bởi vì tùy nhiệt độ nóng lạnh mà âm thanh của quả chuông (dãn nở) có lúc cao lúc thấp, cho nên phải lấy tiếng chuông trong khoảng giữa các ngày hội Nehane (Niết Bàn Hội) [945]  và Shôryôe (Thánh Linh Hội) [946]   vào tháng hai (ta) làm âm chuẩn. Đó là bí quyết mà đền chúng tôi truyền lại từ xưa. Với  một âm thanh chuẩn này thôi, chúng tôi điều chỉnh tất cả nhạc khí.
Nói chung, âm của chuông bắt buộc phải là âm theo điệu Ôshikijô. Điệu nhạc làm cho ta cảm thấy cái lẽ vô thường, là tiếng chuông của Vô Thường Đường trong Kỳ Viên Tinh Xá [947]  (bên Thiên Trúc). Quả chuông của chùa Saionji (Tây Viên Tự) [948] phải được đúc theo kiểu Ôshikijô nhưng vì đúc đi đúc lại mãi vẫn không xong nên phải đi tìm quả chuông đúng điệu Ôshiki tận vùng xa xôi. Tiếng của quả chuông ở Jôkongô-in (Tĩnh Kim Cương Viện) [949]  cũng theo điệu Ôshiki.
 

Đoạn 221: Hồi năm Kenji và Kôan 

"Khoảng niên hiệu Kenji và Kôan [950] , bọn hômen (hay hôben = phóng miễn) tức sai nha gốc cựu tù nhân được phóng thích, khi tham dự vào cuộc diễn hành ngày hội Kamo, có lối trang sức khác đời.Họ chế ra một con ngựa làm bằng bốn năm cuộn vải màu xanh lam rồi với một mớ bấc tim đèn, họ giả làm bờm và đuôi cho nó. Xong họ cài con ngựa giả ấy vào áo khoác trên đó đã vẽ sẳn hình mạng nhện, thế rồi vừ đi diễu trên đại lộ vừa hát khúc dân ca ngày xưa nhan đề "Ngựa vướng màng nhện" [951] . Cảnh tượng đó trông thật hết sức buồn cười vui mắt mà chúng ta còn nhớ tới bây giờ".
Những lời đó là do các viên chức tùng sự ở phủ cảnh vệ từng được xem hội nay về già kể lại.
Thời buổi bây giờ thì (vẫn các anh chàng hômen đó nhưng) những đồ trang sức trong ngày hội Kamo, mỗi năm mỗi lúc càng huy hoắc xa xỉ, họ thường đeo toàn cái nặng nề quá trớn. Ống tay áo hai bên đã cần có người đi theo nâng lên hộ còn bản thân họ tuy không vác mâu vác kích mà đã mệt nhọc đến thở dốc.Cảnh tượng sao mà khó coi thế! [952]
 

Đoạn 222: Khi nhà tu Jôganbô ở Takedani lên viếng ngài Tô-Nijô 

Khi nhà tu Jôganbô [953]  ở Taketani lên viếng ngài Tô-Nijô [954]  nay đã ẩn cư, mới được bà hỏi thăm: "Để cầu siêu cho người đã quá cố, làm việc gì thì có hiệu quả hơn cả?";Ông mới thưa: "Xin lệnh bà hãy đọc thần chú Hôkyôin darani [955]  và Kômyô Shingon (Quang Minh Chân Ngôn)". Nhân việc ấy, bọn đệ tử [956]   mới hỏi: "Tại sao thầy lại đưa ra ý kiến như thế. Ngoài việc niệm Phật, có cách nào tốt hơn đâu! Tại sao thầy không thưa với lệnh bà như thế?". Ông trả lời như sau: "Niệm Phật là tôn chỉ của chúng ta.Ta muốn thưa với ngài nên niệm Phật nhưng ta không thấy một kinh sách nào đề cập việc niệm Phật như một hình thức lợi ích nhất để cầu siêu cho người chết cả. Do đó nếu ta khuyên ngài niệm A Di Đà Phật, nhất định ngài lại hỏi thêm điều đó có thấy chép trong kinh sách nào không thì sẽ kẹt cho ta. Hơn nữa, (hiệu quả của) việc đọc Hôkyoin Darani và Kômyô Shingon là điều được nhiều kinh sách trưng dẫn bằng cớ" [957] .
 

Đoạn 223: Ý nghĩa tên ngài đại thần Tazu

Đại thần Tazu (viết là Hạc) [958]  khi còn con nít được gọi là Tazugimi (cậu ấm Hạc). Do đó nếu nói vì về sau ngài thích nuôi chim hac (tsuru) nên mới có cái tên như vậy là lầm đấy.
 

Đoạn 224: Nhà bói toán Arimune, người đã xuất gia 

Nhà bói toán Arimune [959]  khi ở Kamakura thượng kinh, có lần tìm đến thăm ta. Hôm đó, ông chưa chịu vào nhà, khuyên ta rằng: "Khu vườn này trông rộng quá đỗi, để như thế là không được. Kẻ hiểu được đạo lý tất phải gắng trồng cho được một thứ thực vật nào đó. Chỉ cần giữ lại một con đường nhỏ; kỳ dư phải dùng đất để làm vườn.
Thì ra, cho dù miếng đất nhỏ tới đâu, không được bỏ hoang để  thành vô ích. Phải trồng ở đó các loại cây ăn được hay là cây thuốc [960] .
 

Đoạn 225: Chuyện do Ô no Hisasuke kể lại 

(Chức quan về âm nhạc tên gọi) Ô no Hisasuke [961]  kể lại rằng ngài Michinori [962]   nay đã xuất gia đã tuyển lựa một số vũ khúc hay nhất và dạy lại cho một người đàn bà tên gọi Iso no Zenji [963] . Vì bà ta mặc áo bào trắng, lưng đeo dao ngắn, đội mũ eboshi [964]  (trang phục đàn ông) nên người ta gọi các điệu vũ này là "vũ đàn ông" (nam vũ). Con gái bà Zenji, nàng Shizuka [965] , thừa kế nghề của mẹ. Đó là nguồn gốc của các con hát shirabyôshi "con hát áo trắng" vậy. Họ thường hát nhũng bài ca kể lại truyền thuyết về thần và Phật. Sau đó có người tên  Minamoto no Mitsuyuki [966]  sáng tác thêm nhiều ca từ, cả thái thượng hoàng Go-Toba [967]  cũng viết nữa. Ngài đem nhũng bài đó dạy cho (người con hát và cũng là thiếp yêu tên) Kamegiku [968] .
 

Đoạn 226: Dưới thời Thái Thượng Hoàng Go-Toba 

Chuyện xãy ra dưới thời Thái Thượng Hoàng Go-Toba.Có quan trấn thủ tiền nhiệm vùng Shinano tên Yukinaga [969]  nổi tiếng học rộng biết nhiều.Thế nhưng khi được mời dự một cuộc thảo luận có liên quan đến nhạc phủ, lại quên mất hai cái đức được nói đến trong bài Thất Đức Vũ [970]  nên bị cười nhạo là "Chú Năm Đức" [971] . Cho là điều nhục nhã bèn gác việc học vấn, lui về ở ẩn. Nhân hòa thượng Jichin (Từ Trấn) [[972]  thường thu phục những ai rành rẽ về một ngành nghề nào đó về làm người nhà, yêu mến giúp đỡ. Do đó khi Yukinaga trở thành nhà sư Shinano rồi, ông ta cũng sống dưới sự che chở của hòa thượng.
Yukinaga, sau khi xuất gia, soạn ra Truyện Heike, đọc lên dạy cho một người mù tên là Shôbutsu.Vì nơi ông sáng tác là ngọn Hieizan cho nên khi nói về chùa Enryaku, ông có hơi ca tụng thái quá.Vốn biết tường tận về tướng Yoshitsune (túc  Kurô Hôgan) [973]  nên kể lại nhiều chi tiết về ông này, trong khi lại bỏ sót các phần nói về tướng Noriyori (Kaba no Kanja) [974]  chỉ vì không biết nhiều nhân vật ấy. Về lối sống của giới samurai và chuyện vũ nghệ thì đã có Shôbutsu [975] , vốn là người  quê quán miền Đông (là nơi xuất thân của giói samurai) nên tìm hiểu rành rẽ, kể lại cho Yukinaga nghe. Cách phát âm cha sinh mẹ đẻ của Shôbutsu cũng đã được các nhà sư đánh đàn tì bà kể chuyện phỏng theo mà trình bày.
 

Đoạn 227: Nguồn gốc việc niệm Phật sáu lần một ngày 

Có nhà tu tên Anraku [976] , học trò của đại sư Hônen [977] , đã sưu tầm các kinh sách đặt được bài yết gọi là Rokuji Raisan (Lục Thì Lễ Tán) [978] và chuyên chú dùng nó sáu lần mỗi ngày. Sau đó vị tăng sĩ ở Uzumasa [979]  tên Zenkanbô mới san định lại thành nhạc phổ với âm điệu cao thấp, đọc lên ngân nga. Đó là nguồn gốc phép niệm Phật A Di Đà của trường phái Ichinen (Nhất Niệm) [980] , bắt đầu có từ thời Thái Thượng Hoàng Go-Saga (1242-1246).
Và cũng chính vị tăng Zenkanbô này là người đầu tiên đã đọc nhưng bài tán đó khi làm pháp sự trong lễ tang.
 

Đoạn 228:Về việc niệm Phật Thích Ca ở chùa Senbon 

Việc niệm danh hiệu đức Phật Thích Ca ở chùa Senbon [981]  phát xuất từ khoảng niên hiệu Bun.ei [982]  và do ngài Nyorin (Như Luân) [983] thượng nhân khởi đầu.
 

Đoạn 229:Người thợ chế đồ mộc tinh vi 

Muốn chế đồ (mộc) tinh vi, người thợ phải sử dụng con dao tỉa hơi nhụt một chút. Bởi vì con dao của (bậc đại sư như)  Myôkan [984]  đâu có bén bao giờ [985]  .
 

Đoạn 230: Ở hành cung Gôjô 

Khu vực điện Gôjô ( ở Kyôto, nơi thiên hoàng Kameyama nhiều lần chọn làm hành cung) có ma. Theo lời kể của Tô-Dainagon (quan tham nghị cao cấp Nijô Tameyo) thì một hôm trong khi các quan ở nội cung đang đánh cờ vây trong điện Kurodo [986] , họ cảm thấy như có ai đang vén rèm lên nhìn mình.Khi họ lên tiếng hỏi "Ai đấy hử?" và hướng về phía đó thì thấy có một người tướng mạo giống con chồn đang quì xuống nhòm vào.Thế nhưng khi họ hô hoán: "Chồn! Chồn!" thì người đó bỏ chạy mất.
Có lẽ đó là một chú chồn hãy còn non tay chăng? [987]
 

Đoạn 231:Chuyện về ngài Sono no Bettô đã xuất gia 

Ngài Sono no Bettô [988]  đã xuất gia, nguyên đại thần phụ trách an ninh cảnh bị cho hoàng gia, còn có tài nấu ăn ngon ít ai sánh kịp.Một hôm có kẻ mang một con cá chép thật đẹp đến khoe trước mặt mọi người. Nhân đó, cả bọn đều muốn xem Bettô trổ tài nấu nướng nhưng còn ngần ngại chưa dám đem chuyện đó thưa cùng.Ngài Betto vốn sáng trí, hiểu ý ngay: "Dạo gần đây, tôi có lời ước nguyện là sẽ mổ cá chép liên tiếp trong vòng một trăm ngày. Hôm nay có cơ hội, lẽ nào tôi lại bỏ qua.Xin cho phép tôi được dùng con chép này."Thế rồi ngài làm thịt con cá.
Người ta đem câu chuyện trên kể cho Thái Chính Đại Thàn Kitayama [989]  đã xuất gia và cho rằng thái độ của ngài Bettô hôm đó là thích đáng và đem niềm vui đến cho mọi người.
Ngài Kitayama mới trả lời: "Theo tôi, ông ta hành động như vậy là không phải. Đáng lẽ chỉ cần nói: "Nếu ở đây không có đầu bếp nào ra tay, tôi xin phép mổ con cá này" có phải nghe được hơn không? Cần chi đưa ra câu chuyện phải mổ cá liên tiếp một trăm ngày [990] ?. Ý kiến của ngài Kitayama được người kể cho ta nghe đánh giá là đúng và ta cũng hết sức cảm phục
Nói chung, thay vì làm bộ làm tịch khó khăn để giúp vui thiên hạ cho được, nên xử sự một cách tự phát đáng yêu. Khi tiếp đãi khách khứa ăn uống cũng thế. Dĩ nhiên có trường hợp cần xử sự hợp tình hợp cảnh để khách vui lòng nhưng việc  mời cơm đơn sơ (có gì ăn nấy) cũng có cái hay của nó.
Lúc muốn trao tặng một món quà không nhằm dịp gì đặc biệt thì chỉ cần nói: "Đây là chút quà biếu" là đã chứng tỏ được lòng thành rồi. Còn như tỏ vẻ xem nó là vật quí báu (vừa cho vừa tiếc rẻ) để tăng thêm lòng thèm muốn của người kia, hoặc giả, nhân lúc người đó thua bạc mà mời mọc hoặc tặng một món quà (an ủi) thì đó là những điều không sao xem cho được.
 

Đoạn 232: Nên tỏ ra mình là người vô tài bất tướng 

Nói chung, trước mặt mọi người, nên tỏ ra mình vô tài bất tướng [991]  là hay hơn cả. Có anh con nhà kia dung mạo không thua kém ai. Cậu ta lúc nói chuyện với người khác trước mặt cha mình lại hay trích dẫn câu cú trong Sử Thư [992]  Tuy điều đó chứng tỏ cậu là người thông minh, có học vấn nhưng thật ra trước mặt bực trưởng thượng cần chi phải làm như thế.
Lại nữa, ở nhà ai đó, trong khi đang đưa đàn tỳ bà cho một thầy tăng đánh đàn kể truyện [993]  để xin nghe thì thấy đàn  thiếu mất một trục [994]  Vừa khi nhà chủ bảo: "Làm cho cái trục mới gắn vào đi!", thì có gã đàn ông trong đám mà phẩm cách coi bộ hơn người lại lên tiếng: "Chứ trong nhà không có cái cán môi nấu ăn bằng gỗ cũ nào sao? [995] ".  Nhìn lại, mới thấy anh ta để móng tay dài như các người thiện nghệ tỳ bà.Dù thế nào đi nữa, đối với cây đàn tỳ bà của nhà sư mù thì đâu cần phải xử trí đến mức đó.Chẳng qua anh ta muốn tỏ ra mình là người rành rẽ ngón nghề nhưng khó coi quá đi mất. Có người bảo: "Gỗ cái cán môi nấu ăn ấy gọi là himono-gi, không (còn) thích hợp để dùng làm trục cho đàn tỳ bà đâu!".
Những người trẻ tuổi, chỉ cần qua một việc nhỏ nhoi, (tùy theo đó) lúc thì thấy họ thật đáng kính phục, lúc thì không chấp nhận nổi. [996]
 

Đoạn 233:Mọi sự muốn tránh khuyết điểm 

Mọi sự nếu ta chủ tâm tránh khuyết điểm thì làm việc gì nhất nhất phải thành thực, đối với bất luận ai cũng lễ nghĩa nghiêm chỉnh, nói năng càng ít càng tốt. Không phân biệt nam phụ lão ấu, hễ người nào đạt được điều này đều đáng kính phục.Đặc biệt những người trẻ tuổi, dung mạo đẹp đẽ, lời ăn tiếng nói đàng hoàng thì họ làm cho ta nhớ mãi và đem lòng ngưỡng mộ. [997]
 

Đoạn 234: Khi có ai hỏi một điều gì 

Khi có ai đặt câu hỏi về một điều gì, ta hoặc có thể nghĩ trong bụng: "Chẳng lẽ anh ta không biết gì về chuyện đó.Nếu ta muốn trả lời cặn kẽ về điều đó hóa ra ta khùng à?" hay tìm cách trả lời mù mờ để cho người ấy chẳng hiểu đâu vào đâu. Thế nhưng xử trí như thế không đẹp.
Cho dầu đã biết chút đỉnh về một điều gì rồi, có khi người ta muốn biết thêm cho chính xác cũng không chừng.Lại nữa, người hoàn toàn mù tịt về một vấn đề gì phải đâu không có trên đời. Mình cứ vui vẻ thẳng thắn trả lời cho họ là phải đạo hơn cả.
Nhân nói về một chuyện gì mình rành mà người khác còn chưa nghe lần nào, có khi ta hay phóng ra một câu thiếu ý tứ như: "Ôi chao, chuyện của cái ông đó thì kỳ cục thật! " để gây sự bối rối cho người phải trả lời cho ta trong khi họ chưa hiểu ta muốn nói đến ai và về chuyện gì. Còn có cả người vô tình không nắm được ý nghĩa các lời bàn về những chuyện mà bàn dân thiên hạ ai ai cũng biết. Ta có mất gì đâu mà không giải nghĩa giúp cho họ thấu đáo.
Những khiếm khuyết nói trên đều đến từ việc thiếu chín chắn trong phép xã giao.
 

Đoạn 235: Nhà có chủ 

Khi nhà có chủ thì không người lạ nào có thể ngang nhiên đi vào. Thế nhưng nếu nhà hoang vắng, khách qua đường có thể tùy tiện ghé lại, cả nhưng loài như chồn cáo, cú vọ, vì không có hơi người ngăn cản, sẽ tự do xâm nhập. Rồi còn thấy nơi đó vất vưỡng những hình thù kỳ quái ghê rợn mà ta gọi là "hồn ma bóng quế".
Lại nữa, trên tấm kính, vì không có sắc và ảnh cho nên nó phản chiếu hình ảnh của các vật thể bên ngoài. Nếu như kính kia có sẳn màu và có ảnh thì không phản chiếu hình ảnh khác được.
Chỗ gọi là hư không có thể chứa đựng rất nhiều vật chất. Trong lòng của ta sở dĩ có thể hiện ra trăm thứ tạp niệm, phải chăng bởi vì cái tâm vốn không phải là một thực thể? Nếu cái tâm mà có chủ thì trong lồng ngực của ta, làm gì tạp niệm tràn vào nhiều đến vậy.
 

Đoạn 236: Trong xứ Tanba có nơi tên gọi Izumo 


Tượng hai con sư tử và chó trước cửa điện
đâu lưng vào nhau, mặt nhìn ra chỗ khác.

Trong xứ Tanba (nay thuộc tỉnh Hyôgo có nơi tên gọi Izumo.Người ta bèn thỉnh linh vị chư thần của Izumo Taisha (đền chính của thần đạo ở Izumo nay thuộc tỉnh Shimane)  về và xây một ngôi đền nguy nga để thờ. Do đó, có một ông nọ tên gọi Shida [998] , hào tộc trong vùng, muốn nhân tiết thu mời cao tăng Shôkai [999]  và nhiều quan khách khác đến. Ông ta bảo: "Nào mời quí vị đến tham bái đền Izumo của chúng tôi đi. Sẽ xin khoản đãi bánh dẽo kaimochi-i [1000] ". Khi cả bọn kéo tới viếng đền, ai nấy đều chiêm bái một cách rất cung kính và tin tưởng.
Trước đền có tượng sư tử và chó đứng chầu hai bên nhưng hai con lại đâu lưng với nhau cho nên cao tăng Shôkai rất lấy làm cảm kích và than rằng: " Ôi chao, thật tuyệt vời. Cái cách đứng chầu của con sư tử này trông lạ quá. Hẳn là cho nguyên do cao siêu nào đây!".Ngài rươm rướm nước mắt nói: "Làm sao quí vị không chịu để mắt đến sự kiện hy hữu như thế này nhỉ? Thật thiếu óc nhận xét!". Cả bọn mới lấy làm ngạc nhiên: "Vâng, quả không giống những nơi khác.Ta đem chuyện này về làm quà cho người kinh đô được đấy!"vv...Lúc đó cao tăng càng muốn tìm hiểu thêm lý do nên gọi ông quan giữ đền đã có tuổi, người ra vẻ biết nhiều và hỏi: "Cách con sư tử đứng chầu trước đền như thế này chắc phải có một cớ sự nào đó, ông có thể tiết lộ chút đỉnh không?" Ông bèn trả lời:  "Vâng, chính thế. Đấy là trò đùa của bọn con nít nghịch ngợm bày ra [1001] , thật không tha được" Thế rồi ông ta đến gần tượng sư tử và chó, xoay đầu sửa lại cho ngay rồi bỏ đi. Giọt nước mắt của ngài Shôkai trở thành phí phạm.
 

Đoạn 237: Vật đặt lên trên hòm đan bằng nhành liễu 

Khi đặt một vật nào đó lên trên cái hòm đan bằng nhành cây liễu [1002] , có phải tùy theo tính chất của vật ấy mà người ta đặt nó thẳng đứng hoặc nằm ngang chăng?.
"Nếu là cuốn hay quyển thì người ta đặt theo chiều dọc và giử nó chặt với những sợi dây xe bằng giấy luồn xuyên qua hòm gỗ. Còn như nó là cái nghiên thì cũng đặt theo chiều dọc để bút lông không lăn". Đó là lời của quan Hữu Đại Thần Sanjô[1003] .
Thế nhưng những bức trướng thư đạo của trường phái Kadenokôji [1004]  không bao giờ treo theo chiều dọc mà lúc nào cũng đặt theo chiều ngang. [1005]
 

Đoạn 238: Bảy điều ngài hộ giá Chikamoto tự mãn 

Quan hộ giá Chikamoto [1006]  có gom góp nhưng điều tự mãn  trong 7 thiên sách để ghi nhớ. Nội dung của nó chỉ là nhưng điều liên quan đến thuật cưỡi ngựa, không có gì đặc sắc. Ta cũng học theo tiền lệ của ông, xin kể ra bảy điều tự mãn của ta:

Một:
Trong khi cùng đi ngắm hoa anh đào với một số bạn bè đông đảo ở quãng chùa  Saishôkôin (Tối Thắng Quang Viện), thấy một gã đàn ông đang phi ngựa nhanh."Nếu gã kia còn phóng thêm một đoạn nữa thì con ngựa (chạy hết hơi) sẽ ngã và hắn té xuống cho coi. Các ông bà cứ xem tôi nói có đúng không!" Ta vừa đứng lại nói xong thì gã kia lại tiếp tục phi ngựa và đến chỗ hắn ta phải dừng lại bỗng con ngựa ngã lăn kềnh còn người cưỡi thì rơi xuống vũng bùn. Thấy lời tiên đoán của ta đúng phong phóc, ai nấy đều thán phục.

Hai:
Đương kim thiên hoàng [1007]  khi còn ở ngôi đông cung thì điện Madenokôji được chọn làm nơi ngự sở cho ngài. Chỗ này khi quan tham nghị cấp cao Horikawa [1008]  ra làm việc công vẫn đến tạm trú. Một hôm ta có việc phải đến hầu, thấy ngài Horikawa đang mở hai chương 5 và 6 của sách Luận Ngữ ra xem: "Mới vừa đây, đông cung ngài có nói là đang muốn xem câu nói bảo là "Ta ghét màu tím đoạt mất màu son đỏ" [1009]  mà không biết nó nằm ở quãng nào trong cuốn sách. Vì ngài dặn: "Ngươi hãy cố tìm thêm giúp ta" nên bây giờ mới phải tìm đây!". Ta bèn thưa: "Câu đó nằm ở quyển thứ 9 chỗ ấy chỗ ấy đấy ạ". "Ối chào, thế gì hay quá còn gì!"và đem đoạn sách đến trình cho đông cung.
Những chuyện cỡ đó thì ngay cả bọn con nít cũng còn biết, thế nhưng, người đời xưa hễ biết chút đỉnh gì cũng làm ra vẻ quan trọng để mà tự mãn. Ví dụ có lần Thái Thượng Hoàng Go-Toba đạt câu hỏi cho (thi hào) Teika [1010] : "Nếu ta làm thơ Waka mà dùng cả hai chữ sode (tay áo) và tamoto (ống tay áo) trong cùng một bài thì có hề gì không [[1011] ?" thì ngài Teika mới tâu: "Thơ người xưa từng có câu:
 

Aki no no no
Kusa no tamoto ka
Hanazusuki
Ho ni idete maneku
Sode to miyu ran [1012]

(Cành lau đồng cỏ thu,
Khác gì ống tay áo.
Trổ hoa như tay áo,
Để vẫy gọi người yêu). [1013]

cho nên (dùng cả hai) không có vấn đề.

Sau đó, ngài Teika cứ nhấn mạnh về giai thoại này, có ghi chép lại như sau đây: "Nhớ được một bài thơ gốc (honka) như thế ngay lúc hoàng thượng đặt câu hỏi thì đúng là có ông thần thơ phò hộ cho mình nắm được dịp may hãn hữu".Quan tướng quốc Kujô no Koremichi [1014]  khi viết tấu sớ để xin một điều gì cũng đem những chuyện không đáng là bao tự tâng bốc mà ghi vào đó.

Ba:
Lời minh văn (bằng chữ Hán) ghi trên quả chuông treo ở đền Jôzaikô-in (Thường Tại Quang Viện) là do ngài Arikane [1015]  soạn ra và ngài Yukifusa Ason [1016]  sẽ viết lên khi chuông đã đúc thành hình.Nhà sư nọ được giao trách nhiệm quả chuông lúc  đó có cho ta xem bản thảo thì thấy trong bài có câu như sau:  Hoa ngoại tống tịch; Thanh văn bách lý (Tiễn chiều khỏi ngàn hoa. Tiếng kêu vang trăm dặm) [1017] . Ta mới thưa rằng: "Bài này viết theo vần dương đường (vần bình thanh) phải không ạ ? Nhưng như thế dùng chữ "bách lý" (vần chỉ chỉ hay vần thượng thanh) có nhầm chăng?" thì người ấy đáp: "May mà tôi đem nó cho ông xem. Chuyện nầy sẽ làm tôi nổi tiếng đấy!" thế xong gửi nhận xét đó cho tác giả (Arikane). Ông ấy trả lời: "Quả là tôi sai. Xin bỏ hai chữ "vạn lý" và thay "sổ hành" (vài bước đi) vào đó.  Thế nhưng "sổ hành" ( vần canh) thì ý nghĩa như thế nào, hay ông ta muốn viết là "sổ bộ"(cũng là vài bước đi). Sao mà chẳng rõ ràng gì cả!
Hai chữ "sổ hành" thật đáng ngờ. "Sổ" (một số) chỉ có nghĩa bốn hay năm  là cùng.Tiếng chuông mà chỉ nghe kêu to trong vòng bốn năm bước  thì không đáng kể. Câu này chỉ muốn nói ở xa vẫn nghe được tiếng chuông đấy thôi.

Bốn:
Ta có dịp tham bái ba ngôi chùa (tam tháp) [1018]  trên ngọn Hieizan, đồng hành với rất nhiều người. Trong điện Jôgyô (Thường Hành Đường) [1019]  ở chùa Yokawa có một tấm hoành phi xưa cũ ghi ba chữ Ryuuge-in (Long Hoa Viện) [[1020]. Một nhà sư trong điện mới giảng giải với một giọng kính cẩn: "Thưa về tấm hoành phi này thì có thuyết cho là ngài Sari [1021]  viết, thuyết khác lại cho là nét bút ngài Kôzei [1022] . Nghi vấn nầy đến nay vẫn chưa có ai giải đáp thỏa đáng". Ta mới nói: "Nếu là của ngài Kôzei thì mặt sau tấm biển thế nào cũng có đề chữ (ký). Còn nếu là của ngài Sari thì mặt sau sẽ không thấy viết gì cả".Thế nhưng mặt sau tấm biển đã ngập bụi và sâu mọt làm tổ [1023]   bẩn thỉu. Sau khi đã phủi thật sạch thì cả bọn mới thấy trên đó có ghi rõ ràng tước vị, tên tuổi tác giả Kôzei và cả niên hiệu nữa.Lúc đó, mọi người đều lấy làm thích thú.

Năm:
Ở chùa Naranda [1024] , có lần nhà sư Dôgen [1025]   đang thuuyết pháp, đến chữ "bát tai" (tám cái tai họa) [1026]  thì ngài quên khuấy, mới cất tiếng hỏi: " Có ai còn nhớ tám tai họa đó là những thứ nào không?"Chúng đệ tử không ai nhớ ra cả, từ trong đám người ngồi (sau rèm trong khu vực đặc biệt cho khách) nghe giảng, ta mới nói vọng ra: [1027]  "Thưa có phải những tai họa này tai họa nọ không ạ.?". Tất cả đều hết sức khen ngợi.

Sáu:
Có hôm ta cùng đức tăng chính Genjô [1028]  đi chứng kiến lễ Kaji Kôzui [1029] , trong khi chưa hết phần nghi thức, ngài đã bỏ ra về, thế nhưng không ai thấy bóng vị tăng đô [1030]  đáng lẽ phải đồng hành với ngài. Các nhà sư tháp tùng tăng chính bèn quay trở lại chỗ hành lễ để tìm ông ta nhưng sau một hồi khá lâu mới quay lại, bảo: "Các vị tăng, hình thù ông nào cũng giống ông nấy mà lại đông quá, không sao kiếm cho xuể!"; Tăng chính mới nói với ta: "Cơ khổ. Thế nhờ ông đi kiếm ông ấy hộ tôi nhé!" Ta bèn trở lại chỗ hành lễ và kéo được tăng đô về ngay.

Bảy:
Ngày 15 tháng hai (âm lịch) [1031] , nhằm đêm trăng tỏ, lúc trời gần sáng, ta đi tham bái Thích Ca Đường ở chùa Senbon (Thiên Bản Báo Ân Tự).Một mình giấu mặt, ta vào đứng sau lưng đám người đang tụ tập để nghe giảng kinh. Bỗng có một người đàn bà mà phục sức cũng như hương thơm có vẻ đài các chen giữa mọi người, rẽ lối đến gần ta.Người ấy ép sát bên chỗ ta quì, sát đến nỗi mùi hương thơm ám vào cả người của ta.Ta ngại ngùng quá [1032]  bèn thu gối và lách người đi như bà ta vẫn cứ sà tới sát bên ta như trước.Ta bèn rời chỗ đó, đứng dậy đi mất.
Sau đó, có một nữ quan có tuổi từng hầu việc ở ngự sở nọ [1033]  có dịp chuyện vãn với ta mới thổ lộ rằng: "Tôi hết còn kính trọng ông như trước kia vì thấy ông là con người chai đá. Nói cho ông biết, có một người đàn bà hận ông là kẻ vô tình đấy". Ta trả lời: "Bà nói mà tôi chả hiểu ất giáp gì cả !"và câu chuyện ngừng lại ở đó.
Về việc này, sau này được nghe mới biết là cái đêm ta đến chùa nghe thuyết pháp có một vị cao quí nhận ra ta từ chỗ mình ngồi.Vị ấy mới ra lệnh cho một bà nữ quan tháp tùng trang điểm lộng lẫy và dặn dò: "Vừa vặn đúng lúc. Thử khéo léo đến bắt chuyện người ấy đi. Kết quả thế nào, về thuật lại ta nghe! Chắc chắn thú vị lắm."
Té ra họ định gài bẫy ta đấy!
 

Đoạn 239: Ngày 15 tháng  8 và ngày 13 tháng 9 

Ngày 15 tháng 8 và ngày 13 tháng 9 (âm lịch) [1034] , là hai ngày thuộc chòm sao Lâu (Lâu tú). [1035]  Trong dịp này, trời thật trong, đêm thật đẹp, thích hợp cho việc ngắm trăng.
 

Đoạn 240: Cặp mắt của những người khác khi mình gặp nhau lén lút 

Khi ( những người tình nhân) lén lút hò để gặp nhau [1036]  thì cặp mắt người khác (như của ngư dân trên bãi Shinobu)  thường gây phiền phức cho họ, cho dù lẫn vào trong bóng đêm để tìm nhau thì người con gái vẫn bị nhiều kẻ (nấp trên núi Kurabu) canh chừng [1037] . Nếu như anh con trai mê mệt đến độ mất cả lý trí tìm cách đi lại với nàng cho được thì (về sau) trong tận đáy lòng anh sẽ nhớ mãi nhớ hoài những kỹ niệm của bao lần gặp gỡ thiết tha. Thế nhưng nếu như đó là mối quan hệ được cha mẹ anh em nhìn nhận, muốn sao được vậy,  anh con trai rước được người con gái về làm vợ đàng hoàng thì đương sự lại không an tâm vì thấy quá êm thắm.
Nếu là người đàn bà lâm vào cảnh khổ, chỉ đắp đổi được qua ngày thì dù gặp được lão pháp sư già không xứng đôi vừa lứa hay một anh (vũ biền thô lỗ) miền Đông, cô ta bị của cải làm mờ mắt, có thể nói kiểu như : "Thôi thì xin để số phận đưa đẩy [1038]  ...", rồi bọn mai mối chúng khéo tô chuốt cái hay cái đẹp của hai bên trai gái làm cho có những người đem những cô gái mà mình chưa biết, chưa hiểu về nhau mà làm vợ. Đó là những điều vô bổ! Trong trường hợp đó, hỏi hai bên biết lấy cớ gì để mà nói. Còn như có những điều cay đắng thì sau bao năm trời, lúc có dịp tâm tình (họ mới nói được) :" Bao nhiêu điều đã xảy ra (cho chúng mình) đấy nhỉ" [1039]  và kể lại thì chuyện sẽ nhiều đến nổi không bao giờ dứt.
Những cuộc kết hôn phải nhờ đến bàn tay của kẻ thứ ba dàn xếp phần lớn chỉ đem đến thất vọng, khó chịu.Ngay cả những khi cô vợ là người đàn bà có giá trị mà gặp phải ông chồng thân phận thấp hèn, tướng mạo xấu xí, già nua thì ông ta sẽ có lúc phải nói: "Vì cái thằng tôi là đứa chẳng ra gì mà bà ta phải lỡ một đời!" rồi cũng đâm ra coi thường người vợ. Ông ta sẽ thấy bà không đáng kính như đã tưởng tượng. Còn về phần mình, ông sẽ có mặc cảm về sự xấu xí và thảm hại của mình trước mặt bà. Đó là một tình huống hết sức chán chường.
Cái cảnh một người đứng đợi chờ bên rào dưới vầng trăng mùa xuân mờ ảo trong khu vườn thoảng hương mơ hay vẹt lối đẫm sương khuya,trở về nhà lúc hừng sáng sau khi đến viếng thăm phủ đệ của người yêu...Ai không trãi qua một kinh nghiệm cá nhân (khổ tâm) như thế thì xin đừng tìm đi tìm làm chi hương vị dịu ngọt của ái tình.
 

Đoạn 241: Vẻ trăng tròn 

Cái tròn trịa của vầng trăng chỉ có thể tồn tại trong một khoảng  thời gian ngắn, rồi chẳng mấy chốc sẽ  khuyết đi. Người không chú tâm thì không thể nào nhận ra sự biến đổi hình dạng của vầng trăng trong vòng một đêm.Lúc con người lâm bệnh nặng cũng vậy, bệnh trạng cũng chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn rồi sau đó cái chết lừng lửng xáp lại gần.Thế nhưng con người thì trong lúc bệnh hãy còn chưa tiến nhanh và chưa phải trực diện với cái chết thì cứ quen nghĩ rằng cuộc đời này là bất biến và mình có thể sống yên ổn hoài hoài, trong cuộc sống, muốn làm cho xong hết mọi sở nguyện rồi sau đó hẵng bình tâm tu hành đạo Phật. Do đó đến lúc vì bệnh tật mà phải giáp mặt với cái chết thì không còn thời giờ để đạt được một điều mong mỏi nào cả.
Lúc đó họ không còn biết gì hơn là hối hận về sự lười biếng trước kia của mình, mới thầm nhủ là nếu sức khỏe hồi phục trở lại thì bất luận ngày đêm sẽ gắng công tu tập, chuyện gì cũng làm  không dám thờ ơ. Nhưng nếu bệnh cứ thế mà nặng dần thì đầu óc hết bình thường, tâm hồn bấn loạn rồi chết.Loại người gặp cảnh nói trên vốn đầy dẫy ở trên đời. Cho nên trước tiên tất cả chúng ta phải đặc biệt ghi nhớ điều đó.
Nghĩ rằng đạt được mọi sở nguyện rồi sẽ rảnh rang tu dưỡng theo con đường của Đức Phật nhưng nhưng sở nguyện có bao giờ hết.Trong cuộc đời huyễn ảo phù du [1040]  , làm được những gì! Bất luận sở nguyện nào  đều chỉ  là vọng tưởng [1041] . Nếu trong lòng nẩy lên một nguyện ước nào thì phải tự biết rằng con tâm ta đang bị rối loạn vẩn đục [1042]  và không được làm gì cả.Liền sau đó phải vứt bỏ mọi sự để hướng về đạo lý nhà  Phật. Như thế thì mọi vấn đề nan giải, mọi bận rộn vô ích đều tiêu tan và tâm thân sẽ mãi mãi an lạc.
 

Đoạn 242:Con người bị chi phối bởi vận hạn 

Con người ta thường lo lắng trước điều may vận rủi vì họ chỉ mong sao thoát cảnh khổ và được hưởng sự sung sướng.Sự sung sướng ấy là tình yêu  và tình cảm gắn bó vào một cái gì và người ta không bao giờ ngừng đi tìm.
Cái mà con người ta muốn đi tìm trước tiên là danh vọng. Danh vọng vốn có hai loại: Danh vọng do hành trạng của mình, danh vọng do học vấn và nghệ thuật đem lại. Điều thứ hai con người muốn tìm là sắc dục. Cái thứ ba là thực dục (lòng tham ăn uống). Tham vọng nào cũng không thiết thực bằng ba thứ nói trên.Lòng ham muốn của con người vốn sinh ra từ sự suy nghĩ lầm lạc cho nên nó kéo theo rất nhiều điều khổ não.Do đó, không có tham vọng, ham muốn gì hết là hay hơn cả.
 

Đoạn 243: Hồi ta lên tám

Hồi ta mới lên tám (tức bảy tuổi tây), có lần hỏi cha ta [1043]  rằng:"Phật là người thế nào?" Cha ta mới dạy: "Phật là đấng trước kia là con người". Ta lại hỏi thêm: "Thế thì con người đã làm gì để trở thành Phật như thế?". Cha ta lại đáp: " Phải đi theo con đường Phật [1044]  dạy!".Ta vẫn thắc mắc tìm hiểu:"Thế thì ai đã dạy cho Đức Phật nhưng điều để ngài đi dạy người khác?"Cha ta tiếp tục: "Thì phải có những Đức Phật đi trước dạy lại cho ngài chứ."Ta còn chưa chịu: "Thế thì Đức Phật đầu tiên ấy là vị Phật như thế nào?"thì cha ta cười mà trả lời: "Hoặc ở trên không đáp xuống hoặc ở trong lòng đất chui ra" [1045]  rồi sau đó khoái trá kể lại cho người xung quanh: "Bị thằng nhỏ hỏi dồn, rốt cục mình chẳng còn cách chi trả lời nó nữa".

     HẾT

(Dịch xong tại Paris ngày 31/08/2007)
Chú thích

[842] - Theo nội dung bộ luật Yôrô (niên hiệu Dưỡng Lão) biên năm 718 và áp dụng năm 757.
[843] - Bô luật nói trên cũng phạt roi người chủ nào không chịu giết chó điên.
[844] - Cùng đề cập đến việc nuôi súc vật như các đoạn 121 và 128.
[845] - Tức Hôjô no Tokiyori (Bắc Điều, Thì Lại, 1227-63, chức Shikken phù tá tướng quân trong khoảng 1246-56). Năm 30 tuổi, xuất gia, lấy hiệu là Dôsuu (Đạo Sùng). Chính trị gia tài đức kiêm bị, trên thực tế là người lãnh đạo nước Nhật bấy giờ.
[846] - Con gái Jônosuke (hay Date) Kagemori, thủ thành Akita, làm vợ của Hôjô Tokiuji (Bắc Điều, Thì Thị). Năm 1230, chồng chết, vào chùa tu. Jônosuke tức là chức phó tướng giữ thành.
[847] - Tức Date Yoshikage (An Đạt, Nghĩa Cảnh, 1210-1253), thừa kế chức của cha là Kagemori giữ thành Akita.
[848] - Phỏng đoán lúc này Tokiyori vừa mới nhậm chức Shikken (khoảng 23-27 tuổi).
[849] - Luận Ngữ, chương Lý Nhân đoạn 4: Tử viết: Xa tắc bất tốn. Kiệm tắc cố. Dữ kỳ bất tốn dã, ninh cố. Ý nói sống xa hoa là không biết nhún nhường. Cần kiệm mới bền chắc. (Theo sách Dã Chùy). Liên quan đến các đoạn 2 và 18.
[850] - Date Yasumori (An Đạt, Thái Thịnh, 1231-85), con trai thứ ba của  Yoshikage (xem chú của đoạn trên), phó tướng giữ thành Akita (1254), được thăng lên chức trấn thủ vùng Mutsu (1282). Sau cuộc loạn năm Kôan (1285), dù đã xuất gia, cũng bị tru diệt với cả nhà.
[851] - Mã đạo (Ngự), một trong lục nghệ, rất cần cho quí tộc.

[852] - Kenkô đánh giá cao tính chuyên nghiệp. Xem thêm các đoạn 51 và 150.
[853] - Hayauta (Tảo Ca) một loại bài hát mà ca từ gồm những câu 5/7 chữ, nhịp điệu nhanh, nội dung buồn cười, xuất phát từ miền Đông Nhật Bản, được quí tộc, vũ sĩ và tăng lữ yêu chuộng.
[854] - Kenkô trách con người không biết phân biệt cái gì chính, cái gì phụ trong khi cuộc đời thì có hạn. Giống như đã trình bày trong đoạn 49.
[855] - Bạch Thị Văn Tập, quyển 17, Túy Ngâm Nhị Thủ, có câu: Sự sự vô thành thân lão dã. (Mọi sự chưa thành, đời đã hết). Đỗ Phủ cũng có câu: Nam nhi sinh bất thành danh thân dĩ lão (Đồng Cốc huyện tác ca).
[856] - Theo ý Kenkô, chuyện thiết thân duy nhất dĩ nhiên là việc tu hành theo đạo Phật.
[857] - Theo C.G., có lẽ Kenkô ám chỉ cõi cực lạc vật chất hơn ở phương đông của Phật Dược Sư và cõi cực lạc tinh thần hơn ở phương tây của Phật A Di Đà.
[858] - Câu chuyện răn đời có chép trong các sách Dã Chùy và Vô Danh Sao (Mumyôshô).
[859] - Masuho no susuki: loại lau có ngù hoa đan xoắn vào nhau (D.K.).
[860] - Masoho no susuki: loại lau có ngù hoa phơn phớt mầu đất nâu (D.K.) nhưng nói chung khó phân biệt được chúng (S.M.).
[861] - Tôren Hôshi (Đăng Liên Pháp Sư), không rõ năm sinh năm mất,  một trong 6 nhà thơ nổi tiếng thời trung cổ. Ông thuộc đám môn nhân của Shun.e (Tuấn Huệ) và có thơ được tuyển vào các tập soạn theo sắc chiếu như Shikashuu (Từ Hoa Tập, 1151-54). Kiến thức về cây lau giúp ông sử dụng chính xác hơn từ ngữ trong thơ.
[862] - Luận Ngữ, thiên Dương Hóa 17. Cũng thấy ở thiên Nghiêu Viết 20.
[863] - Nguyên văn: Nhất đại sự nhân duyên. Chữ trong kinh Pháp Hoa (Hokkekyô), Phương Tiện Phẩm.
[864] - Không có nghĩa là độc thân, chỉ có nghĩa là không sống chung thường xuyên với một người phụ nữ nào.
[865] - Dĩ nhiên nhân sinh quan của Kenkô chỉ thích hợp với bối cảnh xã hội nam tôn nữ ti và đa thê của ông. Khó mà chấp nhận được trong thời đại nam nữ bình quyền.
[866] - Khi nhãn quan bị vướng mắt thì trí tưởng tượng làm việc. Xin xem thêm đoạn 137 nói về sự mỹ hóa đối tượng. Văn hào Tanizaki Jun.ichirô (1886-1965) tỏ ra đồng cảm với quan điểm này trong tập luận thuyết về văn học nhan dề Inei Raisan (Ca Ngợi Bóng Âm) của ông.
[867] - Cũng như trong hai đoạn 43 và 44, Kenkô cũng xúc động trước vẽ thanh tú của đàn ông.
[868] - Cùng với đoạn 4, đây là đoạn ngắn nhất trong toàn văn. Thần Phật chỉ đền chùa. Ngày không có ai là ngày thường, không phải lúc hội hè. Những ngày chùa vắng khách đó hay ban đêm thanh tĩnh mới tiện cho việc trầm tư.
[869] - Sách Ma Kha Chỉ Quán có nói đến "bất tả thế gian văn tự pháp sư cộng diệc bất tả sự tướng thiền sư" , sách Dã Chùy cũng nói đến "tụng văn pháp sư, ám chứng thiền sư" nghĩa là phân biệt hai loại sư: sư giỏi giáo lý và sư giỏi thực hành.
[870] - Một khu vực ngày nay nằm giữa thành phố Kyôto,
[871] - Nguyên văn kosode là một tấm áo lót dài mặc bên trong triều phục. Còn quần muốn nói đến ôkuchi, giống như tấm tạp dề choàng lên trên kosode. Ý nói trang phục tuy mặc không đúng chỗ nhưng là của người quí phái.
[872] - Jizô tức Địa Tạng Bồ Tát, hay cứu giúp trẻ thơ, tượng thường được dựng ở ngoài đồng hay trong sân chùa.
[873] - Kariginu, áo thụng người quí tộc thường mặc.
[874] - Tức Minamoto no Michimoto (Nguyên, Thông Cơ, 1240-1308), cháu nội của Thái Chính Đại Thần Michimitsu (Thông Quang, 1187-1248), người nổi tiếng kiệm ước, đã thấy trong đoạn 100. Koga là vùng có sơn trang của dòng họ ông.
[875] - Kenkô không chủ tâm phê phán Koga, vốn cùng dòng họ với Horikawa, chủ nhân của ông. Ông chỉ tỏ lòng cảm thương cho người điên hiền lành này và chứng minh lẽ vô thường không trừ ai cả.
[876] - Kiệu thần Hachiman (Thần Chiến Tranh) ở Tôdaiji (Đông Đại Tự), một ngôi chùa lớn ở Nara. Hachiman là tổ thần của tập đoàn Minamoto. Chùa Tôji (Đông Tự) ở Kyôto cũng thờ một thần Hachiman khác. Rước kiệu thường là dịp biểu dương thế lực của các đền chùa.
[877] - Quan Tướng Quốc Tsuchimikado tức là Minamoto no Sadazane (Nguyên, Định Thực, 1241-1306), một người anh em họ của Koga, tuổi tác kém một chút nhưng chức vụ lớn hơn. Do đó, hai bên hay bài bác nhau.
[878] - Hokuzanshô tức Bắc Sơn Sao, tập ghi chép các nghi thức cổ xưa do Fujiwara Kintô (Đằng Nguyên, Công Nhiệm, 966-1041) soạn, gồm 10 quyển. Trong quyển thứ 8, ông cho biết việc cấm quân mở đường trước các đền chùa là không cần thiết. Bắc Sơn (Hokuzan hay Kitayama) là nơi Kintô có sơn trang.
[879] - Cũng là một sách nói về các nghi thức đời xưa do Minamoto no Taka.akira (Nguyên, Cao Minh, 914-982) soạn. Thế nhưng, trái với sự khẳng định của Koga, sách ấy chẳng hề nói đến việc sử dụng cấm quân để dẹp đường trong đám rước. Chức vụ của Taka.akira là Tả Đại Thần, vì ông có nhà ở Nishinomiya (còn đọc là Tây Cung) nên sách có tên là Saikyuuki (Tây Cung Ký).
[880] - Theo S.M., sách Kitano Tenjin Enki (Bắc Dã Thiên Thần Duyên Khởi, Sự tích về đền thần Kitano) cho biết ông thần Kitano này cũng có 168.000 ma vương ác quỉ theo hầu.
[881] - Các từ jôgaku (định ngạch), jôgakusô (định ngạch tăng), jôgaku nyoju (định ngạch nữ nhụ) để chỉ nhân số hạn định những chức vụ hưởng bổng lộc từ ngân sách nhà nước. Jôgaku đã được nhắc đến trong bộ luật năm Taika (646).
[882] - Sách Engishiki (Diên Hỷ Thức) là sách nói về nghi thức tối cổ của Nhật, đã được Fujiwara Tokihira soạn từ niên hiệu Engi (Diên Hỷ) thứ 5 (905) và hoàn thành sau đó (927) bởi Fujiwara no Tadahira.
[883] - Chức quan nhỏ ở địa phương, thuộc hạng hai (suke = trợ), chỉ có danh (yômei = dương danh) mà không được cấp bổng lộc.
[884] - Chức quan ở dưới cấp Yômei no Suke, hàng thứ tư (sakan = mục). Còn có hàng thứ ba (jô =duyện).
[885] - Seijiyôryaku (Chính Sự Yếu Lược) là sách nói về pháp luật điển chế do học giả Koremune no Masasuke (Duy Tông, Dận Lượng) soạn dưới triều Thiên Hoàng Ichijô (987-1011), gồm 130 quyển, nay thất lạc, chỉ còn 26.
[886] - Một trong ba ngồi chùa nằm trên ngọn Hieizan, núi thiêng của Phật Giáo Nhật Bản, nằm ở vùng lân cận thành phố Kyôto.
[887] - Nhạc theo âm giai nhạc cúng tế (gagaku), sau dùng trong cung đình, thiên về lý tính, thanh thoát (theo S.M. và Ch.G.).
[888] - Nhạc tuy cũng phát xuất từ âm giai nhạc cúng tế nhưng thiên về tình cảm, thấp thỏm hơn (theo S.M. và C.G.). D.K. cho rằng nhạc Nhật có cả hai nhưng Ritsu chỉ dùng trong nhạc Phật giáo lúc tụng kinh (shômyô).
[889] - Không rõ ông là ai nhưng câu nói của ông do Ton.a, bạn của Kenkô, thuật lại trong Seia.shô (Tỉnh Oa Sao =Ghi chép của ếch ngồi đáy giếng). Câu nói này được Kenkô đưa ra với dụng ý cho rằng có sự khác nhau giữa hai nền văn hóa Trung-Nhật (mà ông đã chứng minh trong nhiều dịp khác).
[890] - Kure.take là một tên của hachiku (đạm trúc). Kure có nghĩa là Ngô (Trung Quốc) , có lẽ trúc ấy được đem từ bên đó qua chăng. Còn gọi là Kara.take (Đường trúc) vì Đường cũng là Trung Quốc. Đặc điểm của trúc Kawa.take là có ban tím trên thân cây (ban trúc), được gọi là trúc Hán. (theo Ch.G.).
[891] - Đại Đường Tây Vức Ký quyển 9 có kể chuyện vua nước Makada là Binbashara đã cho xây một đôi tháp trên đường đi đến Linh Thứu Sơn để nghe Phật Thích Ca thuyết pháp. Tháp Taibon (Thoái Phàm) để đánh dấu chỗ cấm người thường tiến thêm, còn tháp Gejô (Hạ Thừa) để buộc cả các bậc vua chúa phải xuống đất mà đi chứ không người ngồi kiệu hay voi, ngựa.
[892] - Tư tưởng và truyện ký về Thích Ca rất được trí thức thời Trung Cổ chú ý tìm hiểu cho nên Kenkô ghi chép cả những chi tiết nhỏ nhặt như thế này khi đọc sách.
[893] - Chính ra theo các thuyết đó, chỗ chư thần họp là Izumo thuộc tỉnh Shimane chứ không phải Ise tỉnh Mie.
[894] - Sử chép việc thiên hoàng thoái vị, băng hà hay có những trận động đất xãy ra trước sau những cuộc xa giá thăm viếng đền.
[895] - Gojô Tenjin (Ngũ Điều Thiên Thần), ngôi đền quan trọng ở khu Gojô trong thành phố Kyôto, thờ thần gây dịch lệ.
[896] - Kurama là tên khu đồi phía bắc Kyôto có nhiều đền chùa. Thần Ô-Anamuchi là thần y dược, chỗ thờ tên gọi Yugi Jinja (Đền Túi Tên) trong vùng Kurama. Âm yugi có 2 nghĩa.
[897] - Âm Nhật shimoto, chữ Hán viết là si. Si hình (Chikei) cùng với các hình phạt trượng, đồ, lưu, tử là một trong ngũ hình. Thường tội roi phạt từ 10 đến 50 roi, trong khi phạt trượng thì nặng hơn, từ 60 đến 100 trượng.
[898] - Có người dịch là cột (pilori như Ch.G.), người khác dịch là cái giá (rack như D.K.), có người cho là gông (T.S.) nhưng chung qui không ai biết hình thù đích xác.
[899] - Jie Sôjô (Từ Huệ Tăng Chính), còn gọi là Gensan Daishi (Nguyên Tam Đại Sư). Tương truyền ông có viết một bản ước thệ gồm 26 điều.
[900] - Ý nói tăng Saichô (Tối Trừng), biệt hiệu Dengyô Daishi (Truyền Giáo Đại Sư), khai tổ núi Hieizan.
[901] - Câu nói này không rõ nghĩa nhưng có thể ám chỉ chỗ khác nhau hay đối lập giữa luật pháp và lời ước thệ về những điều cấm kỵ chẳng hạn. Khởi thỉnh văn chỉ là qui ước riêng của tập thể chư tăng cũng như vũ gia pháp độ (bu
ke hatto) là luật lệ riêng của samurai.
[902] - Chức danh của Fujiwara Kintaka (Đằng Nguyên, Công Hiếu, 1253-1305) nên nhiều thuyết cho là ông.
[903] - Nakahara Akikane (Trung Nguyên, Chương Kiêm, không rõ năm sinh năm mất), lúc ấy là một chức quan nhỏ trong lực lượng cảnh bị.
[904] - Cha của Kintaka, tên là Fujiwara Sanemoto (Đằng Nguyên, Thực Cơ, 1201-73).
[905] - Thành ngữ Trung Quốc có câu "Nghi tâm sinh ám quỉ". Di Kiên Chí của Hồng Mại đời Tống, quyển 8, cũng viết: Kiến quái bất quái, kỳ quái tự hoại" (Thấy quái mà không cho là quái, cái quái ấy tự nó mất đi) để nói lên sự quan trọng của yếu tố tâm lý trong việc xét đoán mọi sự hằng ngày.
[906] - Hai đoạn liên tiếp (206, 207) nói lên tinh thần hợp lý của Kenkô. Hiện giờ, mỗi khi người Nhật xây cất hãy còn làm lễ Trấn Địa (Chinjisai) để cầu an, huống chi vào thời Trung Cổ, sự mê tín hãy còn nhiều.
[907] - Ông dòng dõi quí tộc Kujô, đứng đầu chùa Tôji khoảng 1320-1323. Kegon-in là một trong nhiều viện (nới các quí tộc đến sống và tu) thuộc chùa Ninnaji (Nhân Hòa Tự).
[908] - Một trong ba con chim được nhắc đến trong tuyển tập thơ Kokin-shuu (Cổ Kim Tập). Nhiều thuyết cho rằng đó là một tên của chim cuốc (kakkô, cuckoo, quách công, hototogisu).
[909] - Một loài chim bí mật, thuộc họ se sẻ, còn gọi là toratsugumi, lưng và ức điểm đốm vàng và trắng như da cọp (tora) , có nhiều ở Nhật Bản và Trung Quốc, cũng hót vào giữa đêm hay tảng sáng cuối xuân, tiếng hót bi thương nên bị xem như báo điềm gỡ.
[910] - Có nhiều cách ngôn Trung Quốc liên quan đến chủ đề này. Ví dụ trong Lão Tử, chương 16 có câu: Nhân chi sinh, dã nhu nhược. Kỳ tử, dã kiên cường. Cố kiên cường giả, tử chi đồ.Nhu nhược giả , sinh chi đồ. Thị dĩ binh cường, tắc bất thắng, bất cường, tắc cộng.Cường đại xứ hạ, nhu nhược xứ thượng. (Do đó kẻ kiên cường là kẻ chết, người nhu nhược là kẻ sống còn). Các sách Tuân Tử, Hoài Nam Tử đều có ý kiến tương tự.
[911] - Sử Ký, Nho Lâm Truyện: Khổng Tử can thất thập dư quân, vô sở ngộ (Khổng Tử tìm đến với trên bảy mươi vị quân chủ nhưng không gặp thời).
[912] - Luận Ngữ, thiên Úng Dã: Tử đối viết: "Hữu Nhan Hồi giả, hiếu học. Bất thiên nộ, bất nhị quá.Bất hạnh, đoản mệnh, tử hĩ" (Khổng Tử trả lời: Ta có trò Hồi là người hiếu học. Không hay giận, không phạm hai lần một lỗi. Chẳng may mệnh yểu, đã chết).
[913] - Kenkô bài bác việc "dựa vào một cái gì" để biện minh rằng phải có những tâm hồn phóng khoáng. Lý do là sự "Nương tựa" đồng nghĩa với sự "tự giới hạn"mình.
[914] - Chữ trong Kinh Thư, thiên Thái Thệ: Duy thiên địa vạn vật chi phụ mẫu. Duy nhân vạn vật chi linh. ‘Riêng trời đất là cha mẹ của muôn loài. Duy con người là linh thiêng trong vạn vật).
[915] - Trong thơ Waka, có khuôn mẫu cố định " xuân hoa, thu nguyệt" để ca tụng vẻ đẹp thiên nhiên.
[916] - Xem thêm đoạn 137 cũng nói về trăng thu.
[917] - Hibachi (hỏa bát) lò sưởi nhỏ chứa than hồng để trước mặt để hơ tay cho ấm vào mùa đông và cũng dùng để đun nước uống. Chế tạo hoặc bằng gỗ, đất hay kim loại.
[918] - Một khúc nhạc cung đình Trung Quốc, âm Trung Quốc đọc là Siang Fou Lien. Xưa có điệu vũ kèm theo nhưng đã bị thất truyền. Trong Bạch Thị Văn Tập, Bạch Lạc Thiên có bài thơ nhan đề Tưởng Phu Liên trong Thính Ca Lục Tuyệt Cú. Không hiểu có phải vì do ảnh hưởng của ông Bạch mà tên khúc nhạc đã được đổi đi không.Truyện Heike có một giai thoại về khúc nhạc này lúc nàng ái phi Kogô ra ẩn cư ở Saga vì bị hoàng hậu đánh ghen.
[919] - Đây nói về đời Đông Tấn (317-419) chứ không phải Tây Tấn (265-316) nhưng thực ra, lúc Vương Kiệm (452-489) ra đời thì Đông Tấn cũng đã bị diệt vong rồi. Vương Kiệm làm chức Thượng Thư Bộ Lại, phụng sự hai triều Cao Đế và Vũ Đế nhà Nam Tề, nổi tiếng là người yêu hoa sen.Vì chỗ ở của Vương Kiệm là "liên phủ" nên về sau, nhà của kẻ quyền quí gọi là "liên phủ hòe môn".
[920] - Tương truyền, có viên đại thần Quý Dưỡng Thành lúc cha chết đánh đàn cầm thì xương người chết như tìm lại được sinh khí, đi ba vòng quanh mộ trước khi chết hẳn nên khúc nhạc ấy có tên là Hồi Cốt. Sau đó, khúc nhạc này trở thành Hồi Hốt (hoảng hốt đi chung quanh) được dùng trong tang lễ; Còn Hồi Hột tức dân tộc Ouigur (Uighur) là một sắc dân Thổ Nhĩ Kỳ, sống ở Tân Cương và Ngoại Mông, cường thịnh vào khoảng thế kỷ thứ 8 và 9.
[921] - Tức Osaragi Nobutoki (Đại Phật, Tuyên Thì, 1238-1323) quan tùng tứ phẩm, phụ tá cho chức Shiiken là Hôjô Sadatoki, cũng là thi nhân waka có thơ để lại trong tuyển tập soạn theo sắc chiếu.
[922] - Tức Hôjô Tokiyori (Bắc Điều, Thì Lại, xem đoạn 184). Saimyôji (Tối Minh Tự) là phủ đệ của ông, trở thành chùa sau khi ông xuất gia. Có thể xem, trước khi đi tu, ông là người quyền lực nhất đương thời.
[923] - Thực ra gọi là vài lượt mời (ken = hiến). Mỗi ken là ba chén (hai = bôi) cho nên có thể trên một chục chén con.
[924] - "Thời ấy" là lúc các nhà lãnh đạo cao cấp như Tokiyori đều sống đạm bạc thanh bần và tấm lòng cũng bình dị khả ái.
[925] - Tức Hôjô Tokiyori, chức Shikken (phụ chính của Tướng Quân).Xem lại chú thích đoạn 215.
[926] - Tức Ashikaga Yoshiuji (Túc Lợi, Nghĩa Thị, 1189-1254), một võ tướng nhiều huân công của mạc phủ, vai dượng của Saimonji. Việc Saimonji sau khi viếng đền Tsurugaoka (tổ miếu của mạc phủ) đến thăm Yoshiuji ngay là để tỏ lòng kính trọng.
[927] - Ý nói tiếp đãi thanh đạm.
[928] - Tăng chính Long Biện, trụ trì đền Iwashimizu, một ngôi đền quan trọng. Cũng thuộc dòng dõi quí tộc.Một nhà thơ waka có tiếng.
[929] - Tên lãnh địa của họ Ashikaga, nổi tiếng về tơ sợi.
[930] - Nói lên sự tận tụy của Ashikaga với họ Hôjô và tình thân ái giữa hai bên.Sở dĩ Kenkô kể lại chuyện này với lòng luyến tiếc vì sau đó, con cháu của Ashikaga Yoshiuji là Takauji đã tuyệt diệt bè đảng của Hôjô Takatoki (con cháu Saimonji) để dựng nên mạc phủ Ashikaga.
[931] - Tỉ dụ lấy từ câu nói trong Kinh Dịch: "Thủy lưu thấp, hỏa tựu táo; Vân tòng long, phong tòng hổ" và sách Mạnh Tử thiên Cáo Tử thượng : " Nhân tính chi thiện dã. Do thủy tựu hạ dã" (theo Dã Chùy).
[932] - Câu này lấy từ Câu Xá Luận, đoạn 22: Thùy hữu trí giả, lịch thủy tẩy ung dĩ hữu thiểu lạc, sinh kế ung vi lạc hĩ" (theo Thập Di Sao).
[933] - Quan tham nghị cấp cao Koga Michitomo (Cữu Ngã, Thông Cụ), nhân vật đã xuất hiện nhiều lần trong những đoạn trước, có ân tình với Kenkô. Nơi đây con cháu ông ta sinh sống.
[934] - Câu chuyện có vẻ tầm thường vô vị nhưng ở đây, Kenkô muốn chỉnh lý cách suy nghĩ của người đương thời, vốn xem chồn cáo là giống vật linh thiêng, có sức thần thông.
[935] - Tứ Điều Hoàng Môn. Hoàng Môn là tên Trung Quốc của chức quan tham nghị bậc trung, còn Tứ Điều là tên chỗ ở. Ám chỉ Fujiwara no Takasuke (Đằng Nguyên, Long Tư, 1292-1352) hay Takakage (Long Âm (1295-1364).
[936] - Để chỉ Toyohara Tatsuaki (Phong Nguyên, Long Thu, 1291-1363) một nhạc công thổi sáo bầu hay khèn (Shô) trứ danh.
[937] - Nhạc khí trong nhã nhạc cung đình, ống dài khoảng 40 cm. Ngoài lỗ để thổi (xuy khẩu), còn có bảy lỗ nhỏ tính từ xa đến gần môi (1) thứ, 2) can, 3) ngũ, 4) thượng, 5) tịch, 6) trung và 7) lục), khi bịt bằng đầu ngón tay có thể cho ra 12 loại âm thanh khác nhau (như kể trên).
[938] - Đoạn này hơi chuyên môn làm mệt mắt người đọc nhưng thật ra nội dung rất bình dị.
[939] - Câu trong Luận Ngữ, thiên Tử Can: Tử viết: Hậu sinh khả úy. Yên tri lai giả chi bất như kim dã.
[940] - Tức Ôga Kagemochi (Đại Thần, Cảnh Mậu, 1292-1376), quan trấn thủ xứ Echizen, tước tùng tứ phẩm, cũng là người sành thổi địch.
[941] - Shô, tên nhạc khí trong nhã nhạc cung đình, gồm 1 7 lóng trúc dài ngán khác nhau gắn vào một cái bầu tròn. Giống khèn của Lào, Việt Nam.
[942] - Nhã nhạc cung đình sử dụng đàn , sáo và các loại trống hợp tấu theo phong cách ngoại quốc.
[943] - Tức Tứ Thiên Vương Tự ở Ôsaka. Ngôi chùa lớn tối cổ của Nhật do Thái Tử Shôtoku (Thánh Đức, 574-622) cho xây.
[944] - Hoàng Chung hay "chuông vàng" là một âm chuẩn từ thời các tiên vương. Người xưa nghĩ âm nhạc dựa theo âm chuẩn giúp an định được chính trị. Cách gọi "hoàng chung" mô phỏng kiểu nói của nhà Đường, dười triều Thái Tông Lý Thế Dân (627-649), một người sành âm luật.
[945] - Lễ Thích Ca nhập diệt.
[946] - Ngày kỵ Thái Tử Shôtoku.
[947] - Đền chùa ở thành Xá Vệ miền trung Ấn Độ.
[948] - Chùa của họ Saionji ở Kitayama, phía bắc Kyôto, tiền thân của Kim Các Tự.
[949] - Chùa xây trên nền cũ của Đàn Lâm Tự,trong điện Kameyama ở Saga (Kyôto)
[950] - Kenji (Kiến Trị, 1275-78), Kôan (Hoằng An, 1278-88)
[951] - Khúc hát không rõ nguồn gốc ý nói: "Cho dầu con ngựa hoang đã bị vướng màng nhện nhưng xin đừng tin chi gã đàn ông chạy (một lượt) hai con đường". Theo hai con đường (futamichi) có nghĩa là "yêu một lúc hai người đàn bà".
[952] - Kenkô không chỉ nói về bọn hômen (phóng miễn)mà phê phán chung cái hoa mỹ xa xĩ trong đám rước nay đã khác xưa.
[953] - Ông húy là Sôgen (Tông Nguyên), sống ở vùng Taketani.Vốn con nhà quí tộc họ Fujiwara, trước tu theo Mật Tông (Chân Ngôn), về sau thành đệ tử hòa thượng Hônen (Pháp Nhiên).
[954] - Bà vốn con nhà quí tộc Saionji, sau nhập cung  thiên hoàng Go-Fukakusa, trở thành hoàng thái hậu. Khi bà nhập cung thì Jôganbô đã mất nên câu chuyện trên có lẽ đã xãy ra lúc bà hãy là một công nương trẻ tuổi sống ở phủ Saionji.
[955] - Có thuyết cho rằng đọc các thần chú này thì người dưới địa ngục sẽ được giải tội đã phạm ở thế gian và vãng sinh cực lạc.
[956] - Đệ tử phái Tịnh Độ của Hônen,khoảng hơn 70 người.
[957] - Quan điểm "nói có sách mách có chứng".
[958] - Ám chỉ quan Nội Đại Thần Kujô Motoie ( Cửu Điều, Cơ Gia, 1203-1280). Ông còn là một nhà thơ có tên trong các tuyển tập soạn theo sắc chiếu. Có lẽ tên mang Tazu để cầu mong cho sống lâu như chim hạc.
[959] - Ông tên Abe no Arimune ( An Bồi, Hữu Tông, không rõ năm sinh năm mất), một nhà bói toán tên tuổi.
[960] - Việc trồng cây ăn được và cây thuốc là mối quan tâm hàng đầu của nhà ẩn sĩ.Xem thêm các đoạn 96, 147, 148, 149.
[961] - Một trong hai vị quan đứng đầu Nhạc Sở (Gakuso).
[962] - Tức Fujiwara no Michinori (Đằng Nguyên, Thông Hiến) trước làm quan trãi 4 đời thiên hoàng, sau xuất gia, đạo hiệu Enkuu (Viên Không) rồi Shinzei (Tín Tây). Tài học cao thâm nhưng chết trong cuộc loạn năm Heiji (1159).
[963] - Một người đàn bà giỏi nghề múa hát đương thời. Tuy hiệu là Zenji (Thiền sư) nhưng không liên hệ gì đến Phật giáo.
[964] - Mũ các cậu con trai đội trong ngày lễ thành nhân (20 tuổi).
[965] - Tức nàng ái cơ của tướng Minamoto no Yoshitsune.
[966] - Trấn thủ đất Kawachi, bầy tôi yêu của Thái Thượng Hoàng Go-Toba.Đáng lẽ đã bị xử hình trong cuộc loạn năm Jôkyuu nhưng được ân xá. Một nhà thơ, học giả đa tài.Từng hiệu đính Truyện Genji và có thể có liên hệ đến việc soạn Truyện Heike. Chết năm 1244, thọ 82 tuổi.
[967] - Thiên Hoàng thứ 82 ( 1180-1239) trong sử Nhật, tài hoa thi phú, có chí trung hưng vương thất và thất bại, bị đi đày.
[968] - Có thuyết cho rằng nàng là một mầm xung đột giữa mạc phủ và vương thất.
[969] - Tên thật là Nakayama Yukinaga (Trung Sơn, Hành Trường), năm sinh và mất không rõ.
[970] - Tên một bài tân nhạc phủ của Bạch Cư Dị dựa theo một vũ khúc cung đình nhà Đường ca tụng bảy cái đức (võ bị) của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, người dùng võ công để thống nhất và đem lại thái bình cho Trung Quốc. Sách Tả Truyện nói về năm Tuyên Công thứ 12 có viết: "Phù vũ cấm bạo, tập chiến, bảo đại, định công, an dân, hòa chúng, phong tài giả dã" (Phàm, võ là phương pháp để 1) trừ bạo ngược, 2) dập tắt chiến tranh, 3) giữ giềng mối lớn, 4) định công lao, 5) giúp dân sống yên lành, 6) hòa hợp mọi người, 7) làm của cải sung túc).
[971] - Nguyên văn Gotoku no Kanja. Gotoku (ngũ đức) tức là năm cái đức, còn Kanja để chỉ một cậu bé mới đến tuổi thành nhân (nhược quán = tuổi đội mũ) tuy Yukinaga lúc đó đã vào khoảng 50. Ý nói tài học của ông bị xem là còn non.
[972] - Còn gọi là Jien (Từ Viên), một nhà tu làm đến chức tăng chính, rất có thế lực.
[973] - Yoshitsune là con thứ 9 của tướng Yoshitomo nên có tên là Cữu Lang (Kurô).Ông còn làm chức Tổng Chỉ Huy An Ninh nên gọi là Phán Quan (Hôgan)
[974] - Con thứ 6 của Yoshitomo và anh em với Tướng Quân Minamoto noYoritomo và Yoshitsune. Cũng bị anh (Yoritomo) giết năm 1193 như em thứ 9 (Yoshitsune, năm 1189) vì bị anh cả Yoritomo tình nghi có mưu phản. Tên Kaba no Kanja do việc ông sinh ở xứ Kama (Kaba còn đọc là Kama).
[975] - Phiên âm chữ Sinh Phật hay Tính Phật, tương truyền ông là người đã tạo ra khúc hát kể dạo của Truyện Heike.Không rõ tên họ.
[976] - Anraku (An Lạc) đẹp trai, đọc kinh thánh thót êm tai nên các cung nữ  đua nhau bỏ nhà đi tu theo. Thiên hoàng Go-Toba thấy thế tức giận, buộc tội khi quân, bắt xử hình năm 1207. Ngài Hônen cũng bị đi đày.
[977] - Tức Pháp Nhiên Thượng Nhân, còn gọi là Enkuu (Viên Không) (1133-1212), khai tổ Tịnh Độ Tông.
[978] - Lục Thì (sáu lần) là sáng, trưa, chiều, đầu hôm, nửa đêm, hừng sáng.Lúc đó những người theo phái Tịnh Độ phải niệm A Di Đà Phật.
[979] - Tên để chỉ chùa Hôryuuji (Pháp Long Tự) do thái tử Shôtoku xây.
[980] - Một chi của Tịnh Độ Tông, chủ trương một đời chỉ cần niệm Phật một lần (nhất niệm) là đủ (C.G.)
[981] - Tức chùa Senbon no Dai-Hôonji (Thiên Bản Đại Báo Ân Tự) ở Kyôto. Thay vì niệm Nam Mô A Di Đà Phật, người ta niệm Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật. Họ bắt chước phái Tịnh Độ nhưng không có kết quả trong dân chúng.
[982] - Văn Vĩnh (126 4-1275).
[983] - Con trai một vị Nhiếp Chính họ Fujiwara, tu ở chùa Dai-Hôonji, học trò một môn đệ của ngài Hônen.
[984] - Theo sách Dã Chùy thì Myôkan (Diệu Quán) là tên người điêu khắc tài danh thời Nara (khoảng năm 786) đã chạm trỗ các tượng Phật Quan Âm và Tứ Thiên Vương ở chùa Katsuo-dera gần Ôsaka. Cũng có thể là người trùng tên và sống đồng thời với Kenkô, đã xây chùa Nyôraiji (Như Lai Tự).
[985] - Nhà phê bình Kobayashi Hideo cho rằng đoạn này rất thâm thúy. "Khi quá khéo tay thì phải cần con dao nhụt" là một triết lý có thể áp dụng trong nhiều trường hợp.
[986] - Đã nhắc đến trong đoạn 176.
[987] - Vùng quanh điện Gôjô có lẽ có nhiều chồn...thật ( chứ không phải hồ ly). Ở đây, chồn được vẽ ra như con vật tinh quái nhưng dễ thương thôi chứ không có phép thần thông như suy nghĩ của người đương thời.
[988] - Có lẽ là Fujiwara no Motouji (Đằng Nguyên, Cơ Thị, 1211-1282)Năm 24 tuổi đã bỏ đi tu, đạo hiệu là Enkuu (Viên Không).Tổ trường phái bếp núc Sono. Có thuyết cho là Motofuji (Cơ Đằng, 1276-1316)) cháu ông.
[989] - Kitayama là nơi có phủ đệ của dòng họ Saionji.Người làm chức Thái Chính Đại Thần mà lại thuộc dòng này chỉ có Kintsune (Công Kinh, 1171-1244) hay cháu chắt ông ta, Sanekane (Thực Kiêm, 1194-1269). Ở đây có lẽ là Sanekane (xem thêm đoạn 118).
[990] - Vãn cảnh một trăm chùa, thăm trăm ngọn núi, mổ cá một trăm ngày vv...ý nói chuyên tâm về một việc gì hay đang theo đuổi công phu rèn tập chuyên môn.
[991] - Cũng đồng quan điểm với đoạn 98: Kẻ trí phải làm như ngu....kẻ có tài phải làm như bất tài vv...Đoạn này bàn về học vấn và tài nghệ.
[992] - Để chỉ các loại sách vở như Sử Ký của Tư Mã Đàm và Tư Mã  Thiên, Hán Thư của Ban Cố.
[993] - Gọi là biwa-bôshi (tỳ bà pháp sư) thường là người mù và  đánh đàn kể truyện chuyên nghiệp.
[994] - Trục treo dây đàn, thường là bốn. Lúc đánh Truyện Heike phải cần đến năm trục.
[995] - Đây là một bí quyết trong nghề tỳ bà ( vì gỗ tùng bách Nhật Bản (loại cây hi và sugi) chế ra môi nấu ăn lâu năm thì se khô, làm trục đàn rất tốt) có chép trong các sách xưa mà chỉ có người trong nghề mới để ý. Tuy nhiên việc dùng cán gỗ như thế về sau không còn hơp thời vì quê kệch, thế mà anh chàng này vẫn phát biểu điều đó để chứng tỏ ta đây am tường.
[996] - Đó là những người có sở học nhưng không đủ khiêm tốn để tự kìm hãm.
[997] - Đoạn 233 này tiếp nối dòng văn của đoạn 232.
[998] - Vì tự dạng giống nhau, có thể đã viết nhầm chữ Hata, tên một thổ hào của vùng, xuất thân từ Triều Tiên, thành Shida.
[999] - Thánh Hải thượng nhân, không rõ là ai.
[1000] - Một loại bánh dẽo làm bằng bột gạo với nhân đậu ngọt.
[1001] - Có thể hai bức tượng này là gỗ hơn là đá (như ngày nay) vì con nít làm sao mà khênh nổi để trở đầu như thế!
[1002] - Yanaibako, hòm (hộp) hình tứ giác đan bằng nhành cây liễu để đựng đồ, về sau chỉ dùng phần trên nắp như một cái giá, có hai trụ chống đằng sau để chưng đồ như nón, bút, nghiên, mực và sách vở.
[1003] - Tam Điều Hữu Đại Thần, nhân vật không rõ là ai.Có thể là Nội Đại Thần, Thái Chính Đại Thần Sanjô Saneshige (Tam Điều, Thực Trọng, 1260-1329) hay một người trong đám con cái của ông.
[1004] - Tên một trường phái thư đạo bắt nguồn từ Fujiwara Kôzei (Đằng Nguyên, Hành Thành), một nhà thư đạo lớn.
[1005] - Tác giả Kenkô muốn giữ gìn truyền thống và phản đối lại chủ nghĩa tùy tiện đương thời.
[1006] - Tức Nakahara Chikamoto (Trung Nguyên, Cận Hữu), sĩ quan hộ giá dưới triều các thiên hoàng  Horikawa và Toba.
[1007] - Có lẽ là Thiên Hoàng thứ 96 Go Daigo (Hậu Đề Hồ, 1288-1339).
[1008] - Có lẽ là Minamoto no Monochika (Nguyên, Cụ Thân, 1294- ?), tức là cháu nội của Monomori (Cụ Thủ), người mà Kenkô từng phục vụ khi chưa xuất gia.
[1009] - Màu tím là một màu pha (gián sắc) trong khi màu son đỏ là màu chính (chính sắc). Ý nói bực mình khi thấy vật giả dối (ngụy vật) lại lấn lướt vật chính tông (bản vật).Nguyên văn: "Tử viết: ố tử chi đoạt chu dã". Câu này nằm ở thiên Dương Hóa, nếu là bản Luận Ngữ 10 chương thì câu nói nằm ở chương 9. Còn như trong bản Luận Ngữ 20 chương thì nó nằm ở chương 17.
[1010] - Fujiwara no Sadaie hay Teika (Đằng Nguyên, Định Gia, 1162-1241).
[1011] - Hai chữ sode (tay áo) và tamoto (ống tay áo) mà để chung vào một bài waka 31 âm là mắc vào một trong những kabyô (ca bệnh) hay là điều khiếm khuyết trong nghệ thuật làm thơ. Bệnh này gọi là dôshin (đồng tâm) hay dôji (đồng sự).Sách Ôgishô (Áo Nghĩa Thư) có bàn:" Văn từ tuy dị, ý nghĩa kỳ đồng, tối bất nghi nhĩ" (Văn từ dù khác, ý nghĩa giống nhau, hoàn toàn không thích hợp).
[1012] - Bài này thấy trong Kokinshuu (Cổ Kim Tập) phần Thu Thượng do Ariwara Muneyana (Tại Nguyên, Đống Lương) viết .
[1013] - Chúng ta đều biết ở Trung Quốc và Nhật Bản, ống tay áo thụng có thể dùng để diễn tả thay lời nói, ví dụ phất tay áo đứng dậy bỏ đi để chứng tỏ sự bất bình vv...
[1014] - Thái Chính Đại Thần Cữu Điều Y Thông (1093-1165), người có tiếng thông minh, học rộng. Còn việc ông tâu xin ra sao thì không rõ.
[1015] - Văn học bác sĩ , chức tham nghị Sugawara no Arikane (Quản Nguyên, Tại Kiêm, 1249-1321).
[1016] - Hành Phòng, Triều Thần, một nhà thư đạo nổi tiếng đương thời. Chết trận năm 1337.
[1017] - Bạch Cư Dị có câu thơ: Trường Lạc chung thanh hoa ngoại tận (Tiếng chuông vọng mãi ra ngoài ngàn hoa cung Trường Lạc). Có nơi cho là thơ Lý Kiểu nhưng Toàn Đường Thi quyển 9 chép tác giả là Tiền Khởi.
[1018] - Tháp Đông, tháp Tây và Yokawa.Yokawa ở xa nhất.
[1019] - Thường Hành Tam Muội Đường.
[1020] - Tên khác của Tứ Quý Giảng Đường của chùa.
[1021] - Tức Fujiwara Sari (Đằng Nguyên, Tá Lý, 944-998), một nhà thư đạo nổi tiếng thời Heian.
[1022] - Tức Fujiwara Kôzei (Đằng Nguyên, Hành Thành, 972-1027), cũng là một nhà thư đạo nổi tiếng nhưng sau Zairi một thế hệ. Kôzei, Sari và Tôfuu ( Đạo Phong) họp thành Sanseki (Tam Tích) tức ba nhà thư đạo lỗi lạc thời Heian.
[1023] - C.G. dịch là màng nhện.
[1024] - Chùa Na Lan Đà thuộc phái Shingon (Chân Ngôn) do ngài Dôgen cất trên chỗ điện Rokuhara bị thiêu cháy, ở khu vực phía đông thành phố Kyôto. Đây không phải là một ngôi chùa lớn. Kenkô đến đây với tư cách khách quí.
[1025] - Tức thiền sư Đạo Nhãn (đã nói đến trong đoạn 179) và không nên lầm với thiền sư Đạo Nguyên (1200-1253) thời Kamakura cũng đọc là Dôgen.
[1026] - Nguyên là Hachisai (bát tai) hay Hachisaigen (bát tai hoạn) nghĩa là tám cái trở ngại trên đường tu thiền. Gồm ưu (lo buồn), hỉ (thích vui), khổ (đau khổ), lạc (thích sướng), tầm (thích tìm tòi), tỳ (thích chi ly), xuất tức (phải thở ra), nhập tức (phải hít vào).
[1027] - Thái độ thiếu khiêm tốn này của bản thân Kenkô tương phản với quan điểm "hãy làm như mình là kẻ vô tài bất tướng" mà ông đề xướng trong đoạn 232.
[1028] - Tăng chính Genjô (Nguyên Chính), đứng đầu chùa Tôji.
[1029] - Gia Trì Hương Thủy, một nghi thức của Mật Giáo Chân Ngôn dùng nước thơm để thanh tẩy.
[1030] - Chúc tăng quan thứ hai, chỉ sau tăng chính .
[1031] - Kỷ niệm Thích Ca nhập diệt.
[1032] - Xem lại đoạn 8 về mãnh lực của làn hương.
[1033] - Thường để chỉ chỗ ở của thái thượng hoàng, thiên hoàng, hoàng hậu, hoàng tử, tướng quân hay các đại thần.
[1034] - Rằm tháng 8 trời có trăng đẹp. Còn ngày 13 tháng 9 cũng được kể là đem trăng đẹp thứ hai trong năm.
[1035] - Một trong 28 ngôi sao dọc theo đường hoàng đạo. Sao Lâu (Lâu tú) ngôi thứ hai trong bảy ngôi nằm ở hướng tây, tượng trưng bằng con chó (Tuất) thuộc hành kim.
[1036] - Nguyên tác dùng chữ "mắt người làng chài trên bãi biển Shinobu" mà chữ Shinobu tuy là tên đất ở vùng Mutsu đông bắc nước Nhật  còn có nghĩa bóng là "ẩn nhẫn, chịu đựng sự đớn đau". Lấy ý từ một câu thơ tình ( câu 1096) trong tập Shin-Kokin.
[1037] - Nguyên tác dùng chữ " sự theo dõi của người canh chừng trên núi Kurama" nhưng chữ Kurama, tên núi ở vùng Yamashiro,  gần Kyôto, với Kurabu (ám bộ = đêm tối tăm) liên quan đến việc người con gái mượn trời tối để thoát sự canh phòng của cha mẹ.
Đây là hai hình thức tu từ mượn một địa danh để nói lên ý khác, đến từ kỹ thuật thơ Waka của Nhật.
[1038] - Ý thơ của nàng Ono-no-Komachi (bài số 938) trong tập Kokin để trả lời cầu hôn của Funya no Yasuhide, quan trấn thủ vùng Mikawa.
[1039] - Ý một câu thơ trong Shin-Kokinshuu (Tân Cổ Kim Tập, chương 1, bài 1013) nói về những lao khổ hai người yêu nhau phải trải qua để có thể lên tới đỉnh núi Tsukuba, một nơi trai gái thời xưa hay làm chỗ hò hẹn.
[1040] - "Như huyễn", chữ trong kinh Duy Ma để nói về cuộc đời.
[1041] - Sở nguyện giai vọng tưởng.
[1042] - Vọng tâm, là cái đối nghịch với chân tâm.
[1043] - Tức là Urabe Kaneaki (Bốc Bộ, Kiêm Hiển), cha của Kenkô, một chức quan giữ đền thần dưới triều Thiên Hoàng Go-Uda.
[1044] - Cha của Kenkô không nói đích xác vị Phật nào mà chỉ nói là lời Phật dạy.
[1045] - Câu này không sử dụng lối viết kính trọng nữa như thể ông bố đã đuối lý. Theo sách Dã Chùy thì đây là lời trong Lễ Ký, thiên Vấn Tang đoạn  35: "Phi tùng thiên giáng dã, phi tùng địa xuất dã.Nhân tình nhi dĩ hỷ" (Tình người chính là cái không ở trên trời đáp xuống, không từ dưới đất chui lên).