Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]   
Nhân Gian Một Chỗ
Hoài Ziang Duy
Tôi không biết bắt đầu từ đâu cho một nỗi nhớ. Tôi không biết bắt đầu từ đâu nói lại cảm giác nầy. Đôi khi trong những đêm thức giấc lặng lẽ, tôi nghĩ đến một cái chết thật dịu dàng, chưa biết thế nào, nắm níu người thân rồi cảm thấy sợ hãi. Điều nầy ở thời tuổi nhỏ, hay vài năm trước đây tôi chưa hề nghĩ tới. Phải chăng tuổi già đã đến hay chính tâm tư mình đã luống. Nó chợt đến chợt đi mơ hồ những lúc lòng trống không, không chút gợn đục sau giấc ngủ. Điều đó có nghĩa, khách không mời vẫn cứ thỉnh thoảng lừng lững bước vô trong đời sống tĩnh lặng nầy.
Hôm qua trên xa lộ 495 rẽ vào exit 6 như lệ thường. Khi trở ra đường chính, mở mắt nhìn cảnh vật tưởng như đang vào con đường làng, hai hàng cây rợp bóng ở buổi chiều xuống. Tôi không biết mình ở đâu, mơ hồ không phân biệt chốn nào. Chiếc xe vẫn giữ tốc độ, lướt qua cảnh trường đại học cũ, rồi nhận diện được, lạc đường. Tôi chợt hiểu mình đã thiếp, ngủ đi một thoáng lúc nào không hay trong lúc chiếc xe vẫn tề chỉnh chạy bình thường. Quá khứ như những tàn đọng, như một giấc ngủ không hề có chuẩn bị. Nỗi nhớ thâm sâu một lúc nào đó cơ hồ sống lại.

Tôi nghĩ có thể mình trở lại chốn nầy lần cuối rồi thôi. Nơi nầy tuổi thơ tôi gắn liền ở đó. Nơi nầy mỗi ngày tôi có đời sống bên cha tôi. Ngôi trường được xây cất ở phần trước ngôi miễu Bảy Bà, nơi thờ phượng đã có hàng bao lâu không biết. Mùa hè vắng bóng trẻ nhỏ. Tôi đứng lặng một mình bâng khuâng khi nhớ về ngày cũ. Cái khoảng sân rộng lớn ở buổi đầu, mỗi năm vào mùa nước, những tấm ván nối liền bắt cầu cho học sinh vào đến sân Miễu. Tôi không hiểu sao ngôi miễu to lớn nầy lại nằm khiêm nhường, chấp nhận cho phần tiền đường và hai bên trở thành các lớp học phục vụ cho dân cư quanh vùng. Người dân ít đến đây cúng bái, đa số là dân nghèo sống chung quanh. Do vậy mà phần thu nhập tu bổ, tiếng thiêng liêng đồn xa không có, để thu hút bá tánh thập phương. Nhưng hàng bao lâu ngôi miễu vẫn ở vị thế đó. Tiếng chuông vẫn vọng ngân xa, cái không khí trầm mặc lặng lẽ cô quạnh như để chỉ sống cho chính mình.

Thuở nhỏ tôi theo cha đến trường. Cái cảnh gà trống nuôi con, con gà con như tôi chỉ biết ngồi trên nhìn xuống, những người bạn nhỏ lớn tuổi hơn tôi đang thu mình ở dười, nhìn lên bảng phấn, giơ tay trả bài, cái thước bảng gõ vào tay, đánh vào đít. Ngồi coi buồn chán, tôi trèo xuống chạy vào phía trong. Ở đó là thế giới của riêng tôi thu nhỏ lại. Cái chánh điện rộng lớn lạnh lẽo với nhang khói, mỗi ngày tôi đã nhìn lên biết bao lần. Miễu thờ bà Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Thánh Nương và Thiên Y Ana Thánh Nương cùng năm bà biểu tượng của Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hai bên còn có hai cậu con theo hầu. Những người lập Miễu không phải là ngươì địa phương, nghe đâu đã có từ cuối thế kỷ 17, do người dân Quảng Bình theo làn sóng xuôi Nam định cư lập nghiệp, hình ảnh thờ phượng chính từ di sản tín ngưỡng của người Chiêm Thành. Người dân ở đây có lẽ qua nhiều thế hệ cha ông, cái giọng miền Trung không còn nữa để phân biệt, họ sống hòa đồng, lần hồi trở thành người bản xứ. Không thấy sách vở nào ghi chép để tra cứu, chỉ biết đến ngày mùng bảy tháng bảy mưa ngâu là ngày hội cúng, tổ chức từ bang hội tề, chiêng trống lễ nghi, sắc phong thần, bài văn tế từ các bô lão trong vùng, dân chúng đến cúng bái. Qua rồi những ngày ấy, các phòng học phía trước vẫn ê a giọng đọc. Phía trong tiếng chuông ngân xa, nhang khói quyện tròn lơ lửng. Người gần gũi mỗi ngày trò chuyện phía trong với tôi, chính là vợ chồng ông Từ, bà Từ. Cái danh gọi người coi sóc nhang khói. Đời sống giản dị ở người sống theo chùa, miễu, yên phận với nỗi bình yên ở chính mình nên trông ông bà già đi trước tuổi. Thế giới trẻ thơ tôi thu hẹp ở đó, quanh quẩn một mình. Tôi chỉ theo học cha tôi trên bàn viết, ngồi kề bên mỗi ngày. Tôi học theo cái lớp học cha tôi đang dạy, học theo bọn trẻ đàn anh ngồi ở dưới. Hình ảnh sân trường ngập nước, mấy mảnh ván làm cầu nổi, như một thứ cầu tre lắc lẻo cho bọn trẻ, cho tôi những thử thách bước vào cuộc đời. Tấm lòng tôi, tiếng chuông mỗi ngày, hình ảnh chánh điện phía trong, cái không khí tĩnh lặng, phải chăng ít nhiều đã gieo vào tâm trí mình nỗi lặng lẽ sau nầy.

Tôi bước lên mấy bậc thang, thế đất bây giờ đổ cao hơn trước. Phòng học đã có nhiều đổi thay. Chỗ nầy, cái ghế, vị trí nầy có thể là chỗ ngồi của cha tôi năm xưa. Tôi lướt nhìn chung quanh. Không ai để ý ít nhiều đến mình. Tôi trở ra bên hông cửa. Bây giờ đã thêm phòng thuốc từ thiện, với một vài khách đang đợi đến phiên mình. Người đàn ông đang bốc thuốc, tôi nhận được ngay. Cái khuôn mặt quen thuộc của anh Năm, lớn hơn tôi khoảng năm sáu tuổi..

Thấy tôi. Anh mừng lắm, ngưng khách anh hỏi ngay:

_ Đi đâu vậy? Chú mầy hành nghề theo Tây y, có bao giờ uống thuốc nầy.

Tôi đáp cho đỡ ngượng:

_ Có đâu. Tôi biết anh mát tay mà. Chẳng qua đi ngang đây, ghé thăm chốn cũ. Anh biết chốn nầy, hồi xưa có khoảng thời gian ba tôi dạy học ở đây.

_ Biết chứ, tôi biết thầy mà. Mới đây mà đã mấy chục năm qua rồi.

Câu nói mở đầu khi người ta muốn ám chỉ thân tình ngày cũ.. Tôi hỏi thăm anh khi thấy miếng vải nhỏ màu đen anh cài trước ngực. Ai vậy? Vợ tôi mất rồi, mới đây thôi. Tôi nói chia buồn với anh... Vợ chồng lớn tuổi không con, một tay chị bán buôn gồng gánh cho anh yên phận làm cái nghề thầy thuốc nầy. Đã hơn bảy năm qua anh phục vụ cho người dân nghèo, không mang đến một lợi tức nào cho gia đình. Vợ anh nuôi anh. Anh làm cho bá tánh, lấy đức ở đời. Tôi phục anh lắm, những người thầy thuốc chỉ có tâm nguyện giúp đỡ người dân nghèo quanh vùng. Thuốc uống hết bịnh hay không, chắc cũng đỡ không bổ bề ngang cũng tốt cho bề dọc. Theo anh cái thuốc nam bị rẻ rúng, chính từ cái tính miễn phí, làm thấp đi cái giá trị ở người thầy thuốc. Ở đời mà. Cái gì có trả bằng tiền thì họ mới quí. Những loại lá cây cỏ, khi thì người đi miền núi anh nhờ hái dùm , khi thì chính anh tìm kiếm trong đời sống hàng ngày, được phơi khô, chế biến theo tính cách thủ công, để dành trong các hộc tủ. Với anh, cái nghề nầy, hầu như chỉ thực tập theo tính cách gia truyền hay truyến khẩu, thấy kết quả thì giữ đó mà theo, chỉ có bộ mạch lý thì anh theo học từ chính cha mình. Anh nói mạch là làn sóng của khí huyết, trong mỗi một mạch tức, đều có sự huyền bí của âm dương. Nếu người xét mạch mà tâm thần không lĩnh hội thì làm sao thấu được cái phảng phất đó. Hỏi anh thế nào để nghe hiểu. Anh cười cười nói. Dĩ ý hội, bất khả dĩ ngôn truyền. Nghĩa là tự mình nghe hiểu, khó mà giải thích. Anh nói về ngũ tạng lục phủ, vọng , văn , vấn, thiết. Nào là trời nuôi người ta bằng năm khí, đất nuôi người bằng ngủ vị. Học làm thầy thuốc, trước hết hãy học để chữa mình, chữa cho người nhà mình trước đã. Tôi hỏi về phần chị thế nào. Anh cười buồn. Lực bất tòng tâm mà. Mạng số, không làm gì hơn được. Cứu người chứ không cứu mạng được. Bao năm qua anh đã yên phận làm chuyện theo ý anh, giờ thì không được rồi. Tôi hỏi sao lại không được. Anh cười buồn:

_ Chắc phải nghỉ thôi. Cứu người, giúp đời, nhưng không ai cứu đời sống, thực tế mình. Một thân một mình, dễ thật , nhưng không làm ra tiền làm sao mà sống được. Chỗ nầy đây cái gì cũng miễn phí.

Câu nói của anh, ý định ở anh làm tôi thấy ngỡ ngàng quá. Bài học thực tế ở cuộc sống cho thấy người ta mua danh, làm việc xã hội khi đã có đủ đầy, không vướng bận gì khác, còn những người tâm thành đi nữa, muốn làm cũng không biết làm sao hơn. Thân còn chưa xong nói chi đến chuyện cứu rỗi ở đời. Tôi nói an ủi:

_ Anh được tiếng là người thầy tốt, nhân đức.

_ Có tiếng tốt mà không tiền, làm sao có cơm ngày hai buổi.

_ Thế thì chỗ nầy.

Như hiểu ý tôi muốn ám chỉ gì. Anh chận lại:

_ Coi sóc ở đây bây giờ là ông Từ Con.

_ Ông Từ Con? Là thế nào, tôi hỏi lại.

Ông Từ Con, thật ra chính là con ông Từ. Cái ông năm xưa ở quãng thời ấu thơ là ông Từ cha. Bây giờ đến phần ông kế tục.

Người đàn ông, anh Năm đề cập đến, thật ra không ghê gớm như tôi tưởng. Dáng người gầy ốm, hiền hậu, mừng vui hơn, khi nghe tôi nói về một vài kỷ niệm ở thuở ấu thời tôi còn giữ được về ông bà Từ Cha. Anh nói với tôi. Kể ra chúng ta hiểu biết nhau như một gia đình đi. Nghe anh nói vậy, thật ra trong tâm trí có còn được bao điều để nhớ. Cái khoảng cách làm tôi thấy e dè bởi chính anh là người bộ đội phục viên trở về. Tôi không phải là người đứng chung hàng ngũ với anh. Thân phận chúng tôi khác nhau. Có chăng chỗ nầy nơi tình thân của cha tôi. Cái bàn, cái ghế, theo thời gian đã bao đổi thay. Tôi chỉ nhớ với chút tình ngày cũ, khác với lần đầu trở về nơi mộ người, tâm hồn tôi chùng xuống với nỗi thương tâm. Bao năm qua rồi tôi vẫn nhớ, vẫn tưởng được, hình ảnh người cha, một mình nơi tảng đá nhỏ dưới gốc cây sân nhà. Khi tôi ra đi, người ngồi đó. Suốt khoảng thời gian dài trong trại tập trung, mỗi sáng mỗi chiều, người ngồi đó ngóng trông ngày tôi trở về. Cuộc đời có biết bao nỗi chờ đời biệt tăm vô vọng, nhưng người ta vẫn sống với niềm tin mong manh qua ngày . Tôi còn nghị lực sống ở ngày trở về. Tôi muốn yên phận với đời sống mới, dẫu có buồn khó quên, cũng thế mà thôi. An ủi với chính mình, đời lên voi xuống chó mà. Lên voi thì chưa lên , chứ đạp cứt voi thì suốt thời trẻ nhỏ tôi đã vui chơi đạp mỗi ngày.

Ngôi nhà tôi ở là một khu phố biệt lập cho công chức. Cùng dãy trong khu vực là ty túc mễ. Thời đó chưa có những loại xe tải hạng nặng.Voi được dùng như phương tiện chính để tải gỗ từ miền núi về. Ở bên hông sân ty túc mễ là chuồng voi có bốn con ở đó. Gọi là chuồng, thật ra đó là khoảng sân rộng nền cao, phía dưới thấp bao bọc bởi những cọc thép nhọn, để voi không thể bước ra ngoài được. Trẻ hàng xóm chúng tôi thường tụ tập chơi quanh đó, cho voi ăn mía, ăn bắp. Voi lớn con, sợ con sâu nhỏ lẩn trong thức ăn. Voi nặng, nên voi sợ di chuyển qua cầu bắt ngang sông. Cứ trông thái độ chần chừ dọ dẫm ở bước đầu, voi sợ sập cầu thật tội nghiệp. Voi hiền lành so với tấm thân bồ tượng mốc meo những ngày đi miền núi về, để yên cho người nài tắm rửa, kỳ cọ bằng cái bàn chải xơ dừa.Voi đùa giỡn bằng cái vòi hút nước rồi phun lên thật cao. Voi ẵm con dùm một chút cho các bà mẹ có trẻ khó nuôi. Họ đưa vào, voi dùng vòi cuốn vào bụng ôm ấp một lúc rồi đưa ra trả. Họ tin làm vậy đứa trẻ sẽ khỏe mạnh như voi. Ở đây voi quen mặt chúng tôi. Câu chuyện về voi thời tuổi nhỏ tôi được nghe nhiều, từ người nài voi, có khi gọi là quản tượng. Bên điếu thuốc rê se tròn, liếm nước miếng, quấn bằng hai tay xoa vào nhau. Khói thuốc quyện tròn, thổi đi. là lúc những khi ngươì nài thoải mái nói về những hiểu biết trong nghề nghiệp mình cho chúng tôi nghe. Nói thật nói hơn. bọn trẻ chúng tôi làm sao biết dược. chỉ có nước ngồi nghe, thật cảm phục. Ở rừng voi là con vật hung mãnh sống theo bầy. Khi bị tấn công, cả bầy xông tới phía trước càn phá. Khi một con bị chết đi, cả bầy quật cho cây cối ngã, phủ lấp làm hố chôn, trước khi rống lên thảm thiết bỏ đi sau cả ngày quây quần ở đó. Người ta bắt voi bằng những hầm đào sâu, ngụy trang trên mặt đất, trên đường voi đi qua, thường là những con đi sau cùng, lạc bầy quanh quẩn kiếm ăn, lọt xuống hố không lên được, rồi dùng giây quấn từ chân voi nhà kéo lên áp tải đưa về. Lúc đầu voi rừng bỏ ăn, rống tiếng kêu thương lạc bầy. Lần hồi gần gũi bên voi nhà bầu bạn, thuần tánh nhập bọn. Người nài bảo. Chỉ có cùng loại mơí trị lẫn nhau, như người mới sợ người , ma mới sợ ma, hiểu nhau mới biết cách ứng phó mua chuộc. Họ bảo đạp cứt voi để không bị đau phong thấp sau nầy. Thời đó tôi không biết nhức mỏi phong thấp là gì, chỉ nghe nói sau nầy gót chân mịn trơn không bị nứt nẻ là làm theo, đạp loi choi trên cái bã dơ kia, cũng may nó được thải ra từ con vật tượng trưng cho tình bạn hữu.

Năm tháng qua đi kỷ niệm một thời ấu thơ còn đó. Gặp ông Từ Con dĩ nhiên tôi có chút ngại ngần. Nghĩ kỷ so với tuổi tác bây giờ theo thời gian. Ông bà không còn sống nữa, nhưng không hiểu sao tâm trạng tôi nghĩ ông bà vẫn còn đó, chốn nầy. Anh không phải là người tôi tìm kiếm trong kỷ niệm ngày cũ. Nhưng biết tôi là người có thời gian ở đây. Anh có vẻ thân quen hơn. Ông Từ Con nói với tôi, cái giọng miền nam có hơi hướng giọng Bắc:

_ Tôi trở về đây Ba má tôi đã mất cả rồi.

_ Tôi không hiểu sao anh trở thành ông Từ Con thế nầy.

_ Anh ngại cũng phải, khi tiếp thu tôi cũng đã lãnh đạo cơ quan. Bây giờ có tuổi tâm trạng lại khác. Một người hoạt động như tôi không vợ không con có gì phải cần thiết . Anh không hiểu được tôi , chính tôi tôi cũng nản với chính mình, những điều không thể nói được. Tôi có mấy con bò, miếng đất đàng sau bên kia sông. Tôi muốn họ nhường chỗ nào chả được, chẳng qua gần chỗ nơi mình ăn ở cho thuận tiện. Anh Năm đây, người thân tình của tôi, tôi muốn gần gũi bầu bạn, khi tôi bắt đầu thì anh lại muốn bỏ cuộc.

Tôi nhìn lấy ông Từ Con khi ngồi xuống đối diện. Cái bàn tròn, ly trà, hơi thuốc lá anh bập trên môi. Khuôn mặt xương, hai gò má cao. Tôi thấy gì ở người đàn ông đó. Ít khi ngươi ta nhìn thẳng vào mặt nhau thế nầy. Anh vén áo, chỉ vào mấy vết sẹo ở bụng. Nó đây nầy. Tôi nghĩ cứ nghe anh ta nói. Mỗi người có một quãng đời riêng.. Tôi không hiểu sao anh thích kể lại vào lúc nầy, cho anh Năm nghe hiểu anh , hay cho chính anh, cái tâm tình dấu kín nhiều năm đã dằn vặt, lúc nầy chỉ còn một giọng nói ở anh, cuộc đời của một người con lưu lạc.

..Thuở nhỏ tôi là một đứa trẻ thế cô, bị hiếp đáp nhiều. Sau lần mổ ruột dư từ ông bác sĩ trưởng y tế, trong lòng tôi ông như một ân nhân, một người mà tôi hết lòng cảm phục, Tôi làm việc nhà cho ông, mọi chuyện vặt vãnh từ ông sai bảo. Đôi lúc ông nhìn lấy tôi, khen tôi lanh lẹ trung hậu, thằng nầy có tương lai. Tương lai của tôi là như thế nào? Học hành thì không tới đâu, chỉ là thằng đi ở đợ. Gia đình vợ ông nghe nói ở Sài Gòn, ông chỉ về thăm nên tôi không biết mặt. Kể ra vậy cũng tiện, khỏi ai chia sẻ cái tình thân quen giữa ông và tôi lúc nầy. Ông hay nói với tôi về lý tưởng lập thân. Tôi không hiểu nhiều, đại khái lo cho cái chung trước, giúp đỡ bảo vệ giai cấp nghèo khổ. Tôi không đi chăn trâu, được gần gũi ông bác sĩ là tốt lắm rồi. Cho đến một đêm ông bảo tôi chúng ta phải đi thôi. Đi đâu hả. Tôi hỏi lại. Ông đáp ẩn thân đi cứu nước, bỏ hết đi đừng hỏi nhiều từ từ sẽ hiểu sau. Có người đón chúng tôi chuyển đổi xe nhiều chặng, cuối cùng phải lội bộ vào rừng sâu. Cho đến lúc nghe tiếng pháo binh nổ đâu đóù, càng lúc càng xa khu vực dân cư, lúc nầy tôi mới hiểu là đang bỏ trốn. Muốn quay về cũng không được. Ông nói về là sẽ bị bắt bị tù. Sao vậy. Tôi hỏi. Ông nói chúng ta làm phải, cứu dân cứu nước họ không cho, chống đối là bị tù ngay. Ông bác sĩ là người có học, nói gì không đúng. Tôi đi theo ông từ đó. Tôi tập làm người lớn với mớ lý luận chính trị, tập làm người hùng với sa bàn trận miệng , trước khi đi cầm súng gài mìn. Phải nói là cơ khổ. Quanh năm chỉ là cái quần xà lỏn, lưng trần. Có bộ đồ thì cuộn lại dấu trong nóp chỉ để dành đi họp. Hồi đó họp hành thì tôi khoái lắm chửi đã cái miệng, càng chửi càng nghe hùng hồn. Ở ngoài tôi có chửi được ai bao giờ. Tự do là ở chỗ đó. Tôi có liên lạc với bà mẹ. Bà chỉ khóc, bảo tôi trở về. Lỡ rồi làm sao được, chỉ có nước đi tù. Ra ngoài tôi cũng phải đi lính. Đàng nào cũng rời xa gia đình. Ở đây tôi có sức khỏe. Họ bảo chịu khó vài năm, ngày hòa bình tới bản thân tôi sẽ có tất cả, chung cái chung của dân tộc. Cho đến sau nầy đôi lúc nghĩ lại, gác bỏ mọi chuyện cơ nghiệp ở đời. Tôi thấy mình có lỗi với mẹ cha. Nơi quê nhà, ông bà chỉ quanh quẩn nơi vùng đất nầy, tổ tiên mấy đời vào đây lập nghiệp. Tôi ít khi có dịp liên lạc gia đình, thêm nữa khỏi để phiền phức người ở ngoài. Tôi hoạt động thế nào bây giờ thì dài dòng lắm nói ra chẳng thú vị gì. Một lần, một lần.... Anh dừng lại hỏi tôi:

_ Trước có đi lính pháo binh không?

_ Không có. Tôi đáp.

_ Không lính nầy cũng lính kia, cứ trông cái tuổi nầy. Anh nhún vai.

Tôi có hơi khó chịu một chút. Mấy năm qua rồi ai hỏi gì, cứ nói hồi trước mình làm lính cho tiện. Còn gì để nói, muốn được yên thân thì cứ giả mù sa mưa là qua mọi chuyện. Anh muốn nói gì thì nói.

...Cái hôm đó. Tôi không biết có gì quan trọng mà mãi cứ cái hôm đó. Anh chần chờ nữa như muốn nói, nửa như muốn ngừng lại..

Chúng tôi ba người như người bạn cũ ghé qua thăm ông bạn trung úy pháo đội trưởng pháo binh. Thật ra ông ta là người hoạt động nội tuyến từ trước, nằm yên cho đến ngày hành sự. Cái bọn lính đâu biết gì . Cứ thấy ông thầy cho phép nhậu đãi khách phương xa, thì cứ theo lệnh làm theo. Chắc ăn hơn thì súng cá nhân thu lại, sẵn dịp nói là kiểm tra trước khi có đơn vị sửa chữa vủ khí đến ngày hôm sau. Cho đến lúc giữa chừng buổi tiệc, nội bất xuất ngoại bất nhập. Súng chúng tôi chìa ra uy hiếp. Cả bọn ngơ ngác trước hành động của ông thầy pháo binh. Tất cả nằm úp mặt xuống, chỉ chừa hai tên ra khẩu nạp đạn quay nòng súng pháo 105 ly về hướng tiểu khu. Cùng với tiếng nổ phía ngoài, trong nầy chỉ cần một tràng ria ra là đủ làm sạch. Cái tên tà lọt miệng kêu van ông thầy. Nghe giọng điệu nó mà phát ghét. Tôi hùng hổ phạch ngực xông tới. Nó nhìn lấy tôi ngờ ngợ. Cái vết sẹo ở bụng phơi bày trước mặt, tôi nghe tiếng kêu . Trời ơi anh Phạch, em là Sẻo đây. Tôi chưa kịp định hồn. Nó là con người dì ba của tôi, thì một tiếng nổ sau cùng từ họng súng của ông thầy. Cái đầu nó ngoẻo sang bên , mắt trừng trừng trong cơn co giật. Sự việc bất ngờ quá. Cái loạt đạn đầu tiên chính tay tôi bắn cả bọn mà. Mọi việc phải nhanh gọn. Bắn vào tiểu khu một chốc thế nào cũng bị phát hiện, máy bay thế nào cũng lên quan sát. Kiểm tra xác hình như thiếu một thằng. Có thể nó lợi dụng lúc đi đái mà chuồn. Không kịp nữa rồi, khịa hai tên sau cùng, phá hủy súng trước khi rút đi. Về tới căn cứ hậu cần ở Mo So, lần đầu tiên tôi nằm thao thức, hình ảnh thằng Sẻo chết tức tưởi như một ám ảnh khôn nguôi. Câu ca dao lúc nhỏ mẹ hát ru tôi còn nhớ. Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Trông về quê mẹ chín chiều ruột đau. Tôi không biết cái vết sẹo trong đôi mắt thằng Sẻo lúc nầy làm tôi đau hay cơn đau bao tử hành hạ mình. Mẹ tôi sẽ nghĩ thế nào?. Dì tôi sẽ nghĩ thế nào, một mai khi biết có tôi. Cái nỗi đau, ám ảnh thật ra chỉ giữ trong lòng. Nói ra thì sai quan điểm, đối với địch thì ta phải dứt khoát, kẹt nỗi nó là thằng em mình. Trước đây tôi không vấn vương điều gì. Sau nầy theo thời gian có tuổi, sự đời lắng xuống làm mình nghĩ suy hơn về chuyện đã qua, nhất là chốn nầy khi tôi muốn tìm một chổ yên thân trú nắng mưa, khộng gì tốt hơn quay về cảnh cũ ở thời tuổi nhỏ. Lần hồi tôi mới giác ngộ một điều, ai cũng có nhân tính làm người, chính hành động mình tôi biết, tôi cảm thấy khổ tâm, khi thỉnh thoảng nhìn thấy vợ thằng Sẻo, thấy con nó. Lúc đầu tôi thấy tội nghiệp, lần hồi tôi thấy thương. Có phải là tình yêu không? Tôi không nhận biết, nhưng xa thì nhớ, lại gần thấy vui vẻ hơn. Tôi không biết mở lời thế nào. Nó có trách tôi không? Tôi có cái lý của người chiến thắng. Sống ở đây cũng từ tình cảm. Có gì ngon nó kêu mình một tiếng.. Tôi không có làm gì nó hết nghe anh Năm, thấy vậy mà trong trắng, còn giữ quan điểm lập trường lắm đó. Tôi không dám nói sự thật. Tôi dám nói anh Năm nghe, bởi anh Năm là người lớn, chú em mầy cũng từng thời lính tráng, dễ hiểu thời loạn ly, đâu thiếu cảnh bẽ bàng.

Anh dừng lại ở đó, hỏi tôi biết núi Mo So không? Có ở đó không? Tụi nầy gọi nó là Ma Thiên Lãnh. Cái núi lớn lắm, gần đó là núi Sơn Trà, mọc đầy cây trái thanh trà chín mộng. Rừng hoang, cây hoang , mặc sức mà hái bán, nhưng chốn nầy có ai dám vào. Núi thì là loại núi đá vôi, rất bén ở mấy bề cạnh đá, leo lên bám vào dễ bị cắt chảy máu.. Ở lòng trong núi, chao ôi đứng ở dưới ngó lên cao ngút đầu. Thạch nhũ lơ lửng buông thõng từ trên bám rớt xuống. Mấy cái hồ nước bên trong lạnh hơn nước đá. Rời chổ nầy tao tiếc lắm, nó là căn cứ huấn luyện, là bệnh xá nghỉ chân, như một giang sơn riêng hùng vĩ. Địch bao vây cả năm trời không làm cách nào tiến vô được, bởi chung quanh bao phủ là thế đất lung, càng đi càng quậy, sình càng lún rồi chìm luôn. Cho đến lúc bị bao vây mấy nút chặn tiếp tế từ biển vào, không thực phẩm cuối cùng phải bỏ, mặc cho chúng tràn vào sau cuộc giao tranh. Thế mới biết, thắng tụi nầy chỉ cần chận đường tiếp vận là xong, theo chi hành quân tìm diệt càn quét, chỉ đánh cái ngọn, mà đâu thấy gốc..Tao nghĩ vậy nói vậy, trong ruột dĩ nhiên phải rõ ràng hơn bên ngoài. Lý tưởng bây giờ đạt rồi, đường đi tưởng không đến đã đến. Tao ngồi một mình, cái trước đây không có bây giờ đã có, dĩ nhiên không thể nào buông.

Nghe anh kể tôi thấy buồn quá. Tôi không thích nhắc lại chuyện cũ, bởi đó là nỗi đau nghẹn uất. Nhưng thực tình mà nói, cho dẫu thế nào, cái máu chiến chinh vẫn là gốc rễ bám chặt lấy con người mình. Đó là khoảng thời gian tôi đã lập thân. Tôi nhìn lấy ông Từ Con, nghĩ đến người đàn bà vướng víu trong tâm hồn anh. Kể ra anh cũng có mối tình muộn oan khiên sau cùng. Trái đất tròn, thật ra có duyên cũng dể gặp. Cái núi Mo So mà anh nói..... Tôi nhìn lên trần nhà. Cái giọng ông Từ Con còn đó. Anh Năm ngồi đó chia sẻ cái tình yêu có nên không ở anh. Còn tôi cái cảm giác bồi hồi ngày cũ, cái tình yêu gái trai ở buổi đầu vẫn là nỗi nhớ khôn nguôi của một thời đã xa, tên gọi một người tình cũ, là Thiều, là nơi chốn lập lại trong nhật ký bằng những lãng mạn ở chính tâm tư mình.

Trời đêm mênh mông đằng dặc tối. Cả một màu đen bao phủ, mổi gốc cây trần trụi nhô lên chỉ đủ cho một người ngồi, chung quanh là nước bủa vây. Gió từ biển thổi vào mát lạnh. Gần tuần lể nay ngày tiến đánh đêm ngồi ngủ như thế đó. Bước chân xuống là sình lầy ngang tới bụng. Trước mặt là núi Mo So. Đạn pháo binh ầm ì bắn phá rót vào. Cái miệng hang để đến chân núi, lại có thêm một hòn núi nhỏ chắn trước mặt che lấp. Làm thế nào để bắn đạn cầu vòng lọt giữa hai mặt núi mới là khó. Câu thơ nào đó. Anh rót cho khéo nhé, kẻo trúng lấy nhà em.. Đâu phải nhà em chốn nầy. Lúc đêm xuống lạnh lẽo, mắt nhìn trừng về phía trước, thèm một hơi thuốc cũng không dám hút. Hôm đầu tiên đổ xuống mặt trận. Từ con đường trải đá nhìn vào phía trong xa, cái mục tiêu là đó, bằng mọi giá phải chiếm cho bằng được, để đạn pháo của địch không bắn vào đây, không bắn phá vào công trường xi măng Hà Tiên chốn nầy. Mượn chỗ từ ủy ban hành chánh xã Dương Hòa, trải rộng phóng đồ hành quân, những dấu chấm bằng bút chì mở chỉ điểm mục tiêu. Em ngồi đàng xa ở chỗ bàn viết len lén nhìn. Hơn nữa năm nay, biết bao đơn vị thay đổi nhau thanh toán mục tiêu nầy. Nó vẫn còn đó, người dân ngao ngán ở những điều không chắc thắng được. Địa thế địa hình hoàn toàn bất lợi cho hướng tiến quân. Buổi cơm đơn sơ ăn vội. Buổi làm quen khi em dúi vào tay tôi mấy tờ báo văn nghệ. Anh cầm lấy có buồn thì lấy ra đọc. Tôi hơi bất chợt ở lần em dạn dĩ. Em muốn gởi gấm một điều gì? Không đâu, trận đánh ở đây dai dẳng quá. Em có thằng em ở trong đơn vị anh, may mắn hôm nay nó quay về chốn nầy được gặp, anh giúp dùm coi sóc nó. Em nói ít mong anh hiểu nhiều. Em sống ở đây em biết, khó lắm. Tôi nói mỗi người một số mệnh. Tôi tin điều đó, phó mặc cho trời, xá gì bản thân. Đừng sợ đừng nghĩ đến. Cái chết có kề cận, tin một điều không phải đến phiên mình. Hình như chưa phải đến phiên tôi thật. Lần nào kéo quân ra mặt lộ nhận tiếp tế thực phẩm đạn dược. Thiều cũng đến gởi gấm thằng em.. Khu vực ở đây nhỏ bé chỉ có mấy trục lộ chính, người ở đây hiền lành . Cái tình Thiều đối với tôi cũng mộc mạc dễ biết, không có cái kiểu cách, làm dáng. Thời gian ngắn ngủi gặp gở rồi đi, hứa hẹn gì. Để sau rồi tính.

Cả mấy ngày không giải quyết gì được, khi mà địch cố thủ từ núi, chung quanh là đồng nước mênh mông, càng vào sâu, lung sình làm khó khăn di chuyển. Tiến tới đâu, chỗ trú quân chỉ là mỗi người một gốc tràm co ro trong gió lạnh. Cho đến ngày thay đổi kế hoạch hành quân. Các nút chặn rải đều ngăn đường tiếp tế, cô lập từ biển vào. Sau cuộc họp, mỗi đại đội lấy ra hai người lính cảm tử trang bị mặt nạ ngừa hơi độc, súng cá nhân gọn nhẹ,ï tình nguyện mở đường xâm nhập vào núi trước làm đầu cầu. Trong số nầy có Sĩ, em Thiều xung phong. Tôi chỉ biết lặng lẽ, không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra cho mỗi phận người, kể cả chính tôi..

Đêm tối. Khi những chiếc máy bay vận tải thả từng mảng lưới bung ra, hàng loại phuy săng rơi xuống. Rồi hàng loạt vỏ xe cao su trút xuống. Bốn chiếc trực thăng quầng quầng bắn róc két tiếp theo. Cả ngọn núi bừng lên với lửa. Lửa thắp sáng mịt trời, lửa cháy lan ra theo từng hốc kẹt núi, mùi cao su khét lẹt mù mịt bốc lên. Khung trời gió lộng bây giờ chỉ còn có lửa, đêm yên tĩnh bùng lên với lửa. Không có tiếng súng lúc nầy. Cả đơn vị mang mặt nạ phòng thân nín lặng chờ đợi sự xâm nhập từ toán cảm tử quân. Khi có tiếng súng chống trả. Ở ngoài từ mỗi gốc tràm, ba hướng tiến quân băng qua khoảng sình nước ngang tới bụng tràn vào. Tiếng nổ ầm ì từ pháo binh yểm trợ, từ hướng phòng thủ của địch chống trả. Một người ngã, hai người ngã. Chúng tôi chấp nhận cái khoảng trống trơ trọi bấât lợi từ ngoài xông vào. Thưa mẹ Việt Nam, phút nầy đây không ai còn nghĩ đến bản thân mình nửa, chỉ có tình đồng đội, chỉ có chiến đấu cho sự sống còn đơn vị. Phải trái hai bên, dàn hàng ngang xông vào. Sống hay chết lúc nầy chỉ có một nghĩa như nhau. Màn đêm rực sáng từ đạn hỏa châu, rực sáng từ những ngọn lửa cháy bừng bừng.. Gió biển lồng lộng thổi. Tiếng rên của những ngưởi lính bị thương nằm rải rác ở đường tiến quân, ở chân núi. Tiếng la hét, tiếng đạn, tiếng pháo. Tiếng trực thăng phành phạch hạ cánh bốc thương binh ở phía sau, đèn pha rọi sáng một vùng. Giữa cảnh trời đêm thê lương, sình nước phủ vây trong cảm giác lưng chừng tiến thoái, chưa bao giờ trong đời tôi cảm nhận được trận đánh hỏa công đầy nét hào hùng bi thương, nhưng không kém não nùng nầy.

Cái chết đứng sững ở Sĩ làm tôi đau lòng không ít. Lưng tựa vào vách, quá gần để hai bên cùng nổ súng một lượt. Dĩ nhiên sau nầy tôi không dám gặp Thiều. Tôi biết tôi nợ nàng cái tình thân như cắt nấm rún chia lìa. Biết làm sao hơn . Ngọn cờ trên đỉnh núi Mo So cắm lên. Pháo địch từ đó không còn bắn ra. Làng xóm đời sống dân chúng trở về êm ấm. Thiều vẫn còn ở đó. Có thể mỗi ngày từ con lộ nhỏ nhìn vào ngọn núi sừng sững bên trong. Nàng nghĩ gì? Cái vết đau, niềm oán hận đổ lên tôi, nhen nhúm mối tình như bay mây đi trên đỉnh đầu nàng, trên rừng cây trái thanh trà rộ nở một màu vàng bội bạc. Cũng đành.

Cái vết sẹo của ông Từ Con. Niềm nhớ ở tôi không hẹn mà gặp, cùng dấy lên chung cùng một điểm hẹn. Bao năm qua rồi đời sống cũ một thời chiến chinh, nó tiềm ẩn lặng yên, chực hờ thức dậy khi có người đánh thức.

Có tiếng chân người đi vô cắt đứt giọng nói của ông Từ Con. Tôi nhìn lên, cái màu áo tím điểm mấy chấm bông, dáng người đàn bà có da thịt, khuôn mặt dể nhìn.

_ Về ăn cơm nghe anh Từ. Mấy anh họp ba miền hả?

_ Có đâu khách lâu ngày gặp. Chuyện cũ nhắc lại cho vui mà.

Anh Năm nhìn tôi ngầm ra hiệu vợ thằng Sẻo trong chuyện vừa nhắc đến. Ông Từ Con lảng sang chuyện khác.

_ Dạo nầy mưa nắng bất thường, coi vậy mà thấy nhức mình nhức mẩy, bứt rức.

Giọng anh Năm:

_ Nếu hư và thực đã biết rồi thì thanh nhiệt mát huyết trước đã.

Ông Từ Con nói với tôi:

_ Bả ở gần bên nầy. Trở về đôi lúc có họ hàng chăm sóc đỡ khổ.

Quay sang chị ta, anh kêu:

_ Em nầy, anh Năm tính nghỉ chỗ nầy rồi đó.

Tôi thấy giữa hai người hình như có sự mật thiết gắn bó hơn câu chuyện vừa kể. Cái nhìn của chị về hướng ông Từ Con, đôi mắt đắm đuối như muốn nói bao điều chất chứa.

Chị hỏi:

_ Anh bỏ chỗ nầy làm sao sống?

_ Chứ trước đây tôi có sống từ chỗ nầy đâu. Ông Từ Con thì có phụ cấp nghỉ hưu, còn tôi giỏi lắm chỉ mấy cây trái của thập phương, thật tình mà nói, có chị mới mang qua đây nhiều thôi, chị có tâm thành vậy cũng tốt.

Chị an ủi:

_ ƯØ thôi vậy cũng được, Chỗ nầy thanh tịnh thiếu anh lâu ngày thấy buồn.

_ Có rảnh qua đây cúng bái có anh Từ giúp chị một tay.

Giọng chị nũng nịu:

_ Mốc xì, ảnh làm được gì. Cứ đứng đó mà gõ chuông lấy đức.

Tôi xen vào:

_ Lúc nầy mà làm được việc thiện như anh Năm, anh Từ đây tôi thấy cảm phục. Chỉ tiếc cho anh Năm thầy giỏi mà không có đất thi thố.

Mắt chị ngời lên như hiểu ra điều gì, chị góp ý:

_ Bây giờ thời buổi khó khăn làm cái nghề không vốn, không phải dễ. Hay là thế nầy, theo tôi anh có thể làm cái nghề nầy, nhàn rỗi mà sống được.

Anh Năm hình như thích thú thấy có người quan tâm đền mình. Anh hỏi tới:

_ Chị có kinh nghiệm ở người buôn bán giúp tôi thì hết ý rồi.

Ông Từ Con ngắt lời :

_ Nghề gì nói mẹ ra cho rồi, nói lòng vòng nóng cả ruột. Người ta đang cần, giúp được thì giúp.

Giọng chị:

_ Có tốn hao gì đâu mà nóng vội .

Tôi chờ nghe, biết đâu có thể học theo để có nghề kiếm sống. Ở đời cứ mãi bôn ba. đôi khi có những việc nhỏ mà mình không thấy.

_ Thì làm thầy cúng. Giọng chị nói tỉnh bơ.

Ông Từ Con như chưa hiểu. Anh Năm nín thinh. Giọng chị:

_ Anh chỉ cần sắm cái mõ, cái chuông, học thuộc kinh cầu siêu , cầu an, có đám mời là có việc. Đâu hao tốn bao nhiêu, nó cũng không bó buộc mình nhiều. Anh vẫn sinh hoạt bình thường. trước đây anh làm nghề cứu người , bây giờ độ người là hợp lý. Người ta cũng phải trả tiền công cho anh. Ai bảo thời buổi nầy không cần? Thời nào không cần cái hình thức cứu nhân độ thế, không dạng nầy thì dạng khác thôi, Xét bên ngoài nhiều quá không tốt, thấy vậy mà không phải vậy.

Ông Từ Con hình như vừa cảm phục, vừa khó chịu ở ý chị đưa ra. Anh Năm như sợ mất lòng. Anh ậm ừ:

_ Có ý vậy cũng được, để coi.

Chị kéo ghế ngồi xuống quên hẳn chuyệân kêu ông Từ Con về ăn cơm, vui vẻ với anh Năm:

_ Anh coi mạch lại dùm tôi coi.

_ Trong người chị thế nào vậy?

_ Đêm ngủ cứ nằm mơ hoài.

Chị vén áo đưa cổ tay ra. Cái cườm tay trắng trẻo. Tôi nghĩ chắc chị không vất vả bao nhiêu trong đời sống. Tôi phục chị thiệt, có chút nhan sắc mà vẫn ở vậy nuôi con.

Anh Năm tỉnh tâm một chút, nghe đi nghe lại :

_ Huyết hư sinh bồn chồn. Huyết ứ làm hỏa khí bốc lên nên buồn bực, ngủ hay mơ màng sợ hãi, hay chiêm bao là do trái tim có bệnh. Tâm sinh huyết . Can tàng huyết là thế đó.

Chị cãi:

_ Chắc tôi nóng trong mình thôi, chứ tim đâu thấy gì. Hôm nào có mối chạy hàng nhiều, mới cảm thấy mệt, ngồi nghỉ một chút là khỏe thôi

Anh Năm ậm ừ:

_ Chị uống nước lạnh nhiều cho nó mát trong người. Uống lúc sáng sớm lúc vừa thức dậy, nín thở uống một hơi, cho nó ép xuống đường ruột , giúp tiêu hóa tốt.

Chị hình như đồng ý với lối giải thích đó. Đến lúc nầy ông Từ Con mới giới thiệu tôi. Anh Năm nói tên ba tôi. Chị vui vẻ:

_ Em biết thầy chứ, lúc cái trường dời qua phía bên kia em có theo học. Mình chung xứ sở mà, lòng vòng trước sau cũng biết.

Tôi hỏi thăm gia cảnh chị. Không trả lời tôi, chị còn vướng bận trong đầu mấy chuyện thuốc thang với anh Năm.

_ Anh Năm nè, không phải tôi chê mấy hộc thuốc của anh, thật ra mỗi lần tôi nhìn thấy nó, tôi phát sợ, phát nhớ từ chuyện năm xưa tôi đi nhận xác chồng. Cũng mấy cái thùng dài dài kéo ra từng ngăn để xác ướp lạnh. Nhìn thấy anh nhón lên coi mấy mặt thuốc. Nhớ cái cảm giác hồi hộp có phải là chồng không, rồi khóc trong nỗi đau đớn.

Ngừng lại một chút, chị nói. Mấy anh không biết lúc đó.. Nó trơ trọi bơ vơ đau khổ mọi bề. Có ai chia xẻ nỗi đau cho mình lúc nầy. Anh ấy chết không nhắm mắt, mà linh thiêng thật, khi tôi vuốt mắt cái tình chồng vợ an ủi ảnh phần nào nên mới đi yên. Lúc ấy tôi có mang thằng con bây giờ. Ai nấy nói nó còn nhỏ phá đi, còn lo cuộc đời mình nữa. Nhưng mà nghĩ tới ảnh tôi thấy tội nghiệp, nên nó mới còn đến ngày nay. Vợ chồng coi vậy có gần gũi được bao lâu. Mỗi người được cấp một căn nhà trong khu gia binh mà tôi có ở đâu.

Ông Từ Con nói:

_ Sao ngu vậy, có sẵn nhà cửa ở không tốn mà còn chê.

Chị nói:

_ Thấy thì thấy vậy, nhà nhiều mà đâu có bao nhiêu người chịu ở, bỏ không thôi, ai muốn làm gì thì làm, chứ theo sống thui thủi ở đó mà chờ lương nuôi à, lấy cái gì cho mai hậu, đâu ai chịu bỏ ruộng vườn mắm muối chỗ mình làm ra. Đứng núi nầy mà trông núi nọ cơ khổ.

Tôi thấy chị nói đúng. Đôi khi có những cái đủ đầy đặt không đúng vào hoàn cảnh chỉ bằng thừa. Cái làng cái xóm cái tình thân , mơ hồ vậy mà khó bứt rời. Nhưng tôi không đủ nghị lực ở lại để sống cho chính gia đình mình.. Không riêng gì tôi, nói ra ai cũng có thể đổ thừa cho hoàn cảnh. Tất cả bỏ lại, kể cả mộ phần cha tôi làm thế nào mang đi được. Mưa trên trời đổ xuống chứ có bao giờ chảy ngược, đâu ai tránh được một lần nước đổ xối trên người mình.

Tôi xin phép ra về cùng lúc với anh Năm. Buổi trưa đúng ngọ là lúc người ta cơm nước nghỉ ngơi, cái quyền tự do của mỗi gia đình ít ai dám phiền nhiễu. Đời sống ở dây nhỏ bé hiền hòa như một công thức không đổi. Không ai tiễn ai, một nơi mà đến đi tùy ý tùy lòng. Một nơi mà tâm trạng mỗi người đến với bao điều muốn giãi bày, quyện tròn với nhang khói đức tin. Tôi đến chỉ muốn nhìn lại kỷ niệm, gặp lại ông bà Từ . Tôi đến để sống lại với cha tôi thời tuổi nhỏ. Trong thâm tâm tôi, biết đến khi nào, biết có được còn không cái cảm xúc bất ngờ dẫn dắt nầy. Nói tiếng ra về vậy mà khi ra cửa tôi lại đảo một vòng quanh quẩn phía sau. Mấy bụi cây kiểng, mấy bụi rau thơm, rau đắng mọc lẫn chen chân . Trời nắng gió thổi mát rượi, ước gì lúc nầy gối đầu dưới bụi tre ngủ gục một giấc, có tiếng ru của ngọn cây bụi cỏ..

Hình như có tiếng động xô lệch bàn ghế.. Qua khung cửa lá sách. Một người đàn ông, một người đàn bà cuộn nhau ở thế đứng.. Cái màu áo tím có chấm mấy bông trắng. Cánh tay của người đàn ông đang đẩy một thân thể sát vào tường, Nàng níu kéo rồi ghì chặt xuống, giọng lạc đi :. Đừng mà.. Mới hôm qua đây bây giờ còn đòi nữa, để mai.... Không có tiếng của người đàn ông, Chỉ nghe tiếng thở, hai giọng thở.

Tôi bỏ đi, tự dưng ái ngại khi nhìn thấy. Có thể nào như thế được. Người ta dễ dàng quên mọi điều mọi sự, đánh đổi cái mất, được cái thực tế làm hạnh phúc bám víu, hay cả hai người đàn ông chỉ là hai sinh vật cần thiết. Không thể phê phán vào lúc nầy, ai cũng có quyền tự do sống cho lý trí mình. Tôi nhủ vậy. Mỗi người có một đời sống tâm tình riêng. Không ai phải làm theo những điều mình muốn nghĩ.. Cứ giả dụ sống bên nhau là để trả thù nhau mai hậu, hay ngây thơ tưởng như không biết. Tuồng nhân gian chỉ như câu nói. Thấy vậy mà không phải vậy.

Chắc không từ hình ảnh đó, hay ở đó không có ai cả, chỉ là hình bóng từ trí tưởng mình. Chắc gì người đàn bà đó là vợ thằng Sẻo. Chắc gì ông Từ Con là con ông Từ. Không có tiếng chuông lúc nầy, có nghĩa không ai bận bịu từ tiếng tĩnh tâm, chỉ có mình thấy ở chính mình, một tâm tình gợn đục.

Tôi bước ra cửa trước. Cứ cho là không có gì xảy ra, lấy cái tôi của câu chuyện ra khỏi cái tôi của đời mình. Cái chất liệu nếu có chỉ như một màu vẽ đậm chết, một bức tranh treo trút ngược không hiểu là gì, để lòng thanh thản hơn. Chuyện có thật hay khôngù thật, lúc thoáng qua, bỗng chốc đâu ai ngờ. Phải. Tôi không ngờ mình vẫn yên ổn ngồi đây trên chuyến xe lăn bánh lạc đường nầy. Tôi không nghĩ mình vẫn ngồi đây mỗi sáng, nhìn ra khung kính cửa, lòng trống không. Cha tôi cũng ngồi vậy đó, trên cái bục xi măng dưới bóng cây mỗi ngày mỗi buổi ngóng con về. Chim xa cành còn thương cây nhớ cội. Câu ca dao tiếp theo thôi đừng hát. Không có giọt nước mắt cho lần hạnh ngộ. Bóng chim tăm cá vẫn biền biệt cho đến ngày người nằm xuống.. Năm xưa người ngồi chốn cũ. Bây giờ tôi ngồi đây. Đâu ai chia xẻ, một hình ảnh hai cuộc đời chung cùng nỗi lặng.

HOÀI ZIANG DUY


Trở Về   ]