Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]

 
Shiba Ryotaro

Tác gia Hiện đại Nhật Bản

*

Phạm Vũ Thịnh

Shiba Ryotaro (1923-1996) là tác gia bậc thầy trong văn học đại chúng Nhật Bản, tác giả của những bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất ở Nhật. Ông ngưỡng mộ sử gia Trung quốc Tư Mã Thiên nên lấy bút hiệu Shiba Ryotaro (Tư Mã Liêu Thái Lang) hàm ý là một hậu sinh cách xa Tư Mã Thiên theo nghĩa thời gian, địa lý hay tài năng.

Shiba Ryotaro tên thật là Fukuda Tei-ichi, sinh năm 1923 ở Osaka, con thứ của một chủ nhà thuốc. Năm 1940, ông vào học khoa Ngôn ngữ Mông Cổ ở Đại học Ngoại ngữ Osaka (đọc Sử Ký của Tư Mã Thiên vào thời kỳ này). Năm 1943, bị trưng binh, sang Mãn Châu học trường huấn luyện quân sự và trấn đóng với chức tiểu đội trưởng. Năm 1945, trở về Nhật, đóng ở tỉnh Niigata rồi Tochigi.

Từ năm 22 tuổi, bắt đầu viết văn dưới hình thức thư cho chính mình. Sau Thế chiến, vào làm ký giả cho tờ Shin Sekai rồi Nhật báo Sankei, ở đấy đã có nhiều bài viết xuất sắc, và thăng lên các chức vụ cao cấp.

Năm 1955 xuất bản "Meigen Zuihitsu - Sarari-man" (Tùy bút danh ngôn cho các tư chức) với tên thật. Bút hiệu Shiba Ryotaro bắt đầu được dùng từ tác phẩm "Perusha no genjutsushi" (Nhà ảo thuật xứ Ba Tư) năm 1956 được giải thưởng Kodan Club, mở đầu giai đoạn được độc giả yêu chuộng tán thưởng. Cùng năm đó, đã sáng lập tạp chí văn học "Kindai setsuwa" (Cận đại thuyết thoại).

Năm 1959, xuất bản "Fukuro no shiro" (Thành quách của chim cú) được Giải Naoki, giải thưởng Văn học cao quý nhất chung cho các thể loại văn học của Nhật Bản. Hai năm sau, ông nghỉ việc ở toà soạn Nhật báo Sankei, trở thành tác gia chuyên nghiệp.

Thoạt đầu, ông đã viết những tiểu thuyết truyền kỳ và thử viết cả truyện trinh thám nữa, nhưng từ năm 1962, các bộ truyện "Ryoma ga yuku" (Long Mã lên đường), "Moeyo ken" (Kiếm ơi, cháy lên) đã được nhiệt liệt hoan nghênh, mở đầu sự nghiệp lớn của một tác gia truyện lịch sử bậc nhất Nhật Bản.

Năm 1966, được giải Kikuchi Kan; 1972, được giải Yoshikawa Eiji với trường thiên "Yo ni sumu hibi" (Những ngày sống trên đời); 1976, được giải thưởng của Viện Nghệ thuật Nhật Bản; 1981, trở thành hội viên của Viện Nghệ thuật Nhật Bản; 1991, được vinh danh là người có công lao văn hoá đối với quốc gia; 1993 được Huân chương Văn hoá.

Năm 1996, chết vì vỡ động mạch ở bụng, hưởng dương 73 năm. Lễ truy điệu ông đã có 3 ngàn người tham gia, và ông được truy tặng hàm Tòng Tam phẩm. Năm 1997, giải thưởng văn học Shiba Ryotaro được thiết lập, rồi năm 2001, viện bảo tàng Shiba Ryotaro được khánh thành.

Số in tất cả các tác phẩm của ông ở Nhật Bản đã đạt mức vài trăm triệu cuốn.

Nhiều tác phẩm trường thiên của ông: "Kunitori monogatari" (Chuyện cướp nước), "Ryoma ga yuku" (Long Mã lên đường), "Moeyo ken" (Kiếm ơi, cháy lên), "Saka no ue no kumo" (Mây trên đường dốc),... đã được thực hiện thành những bộ phim lớn như loại phim-bộ Taiga Drama (Đại Hà Drama - phim kịch tràng giang, cần nhiều tiền quay và giờ chiếu) trình chiếu trên đài Truyền hình Quốc gia Nhật Bản NHK. Ông còn viết nhiều tiểu luận về lịch sử địa dư được yêu thích, trong đó có bộ sách những tiểu luận du ký "Kaido wo yuku" (Đi trên đường cái quan) đồ sộ, ghi lại những tư liệu, cảm nghĩ, nhận định về các nơi ông đã đến thăm ở Nhật Bản và nước ngoài.

Ông là một tác gia có sức sáng tác mạnh, đọc nhiều hiểu rộng, có quan sát và suy luận tinh tế, đã đưa ra nhiều quan điểm mới có tính thuyết phục về những sự kiện lịch sử Nhật Bản, đặc biệt là các giai đoạn loạn lạc, chuyển biến kinh thiên động địa như thời Chiến quốc, cuối thời Mạc phủ, hay thời Minh Trị Duy Tân.

Trọng tâm của phần lớn các tác phẩm của ông là những anh hùng thời loạn, tự lập thân từ cảnh ngộ khốn cùng, có cá tính mạnh mẽ, đầu óc sắc bén và hành động cách mệnh. Ông mô tả những nhân vật anh hùng ấy với lòng ngưỡng mộ lẫn yêu mến thân cận, truyền nhiễm sang độc giả. Ông chuộng lối dùng sự kiện để mô tả nhân vật chứ không tập trung trình bày tâm lý hay cá tính. Chi tiết chính sử luôn luôn kèm theo những giai thoại dân gian, truyền thuyết, cả những kinh nghiệm và kiến giải sử quan của tác giả giúp cho tác phẩm thêm sống động. Lắm lúc, những chi tiết bên lề hay sự việc xảy ra trong thời hiện đại có dính dáng ít nhiều đến nhân vật hay con cháu của họ cũng được đưa vào, như để giữ sự liền lạc giữa lịch sử và hiện thực. Các địa phương, các dữ kiện địa lý được ông điều tra nghiên cứu thật kỹ để dùng làm bối cảnh rất thuyết phục cho câu chuyện ông kể.

Có thể nói Shiba Ryotaro có sắc thái học giả đậm đà hơn là nhà tư tưởng, bởi ông chuộng việc khảo chứng sự thật lịch sử bằng tư liệu, di tích, di vật, kiến văn, hơn là lý thuyết hay quan niệm về lịch sử. Bất bình với lập trường của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, ông thiên về chủ nghĩa hợp-lý-hoá đối lập với những xu hướng giải thích lịch sử ra dáng triết học theo chủ nghĩa thần bí mà ông cho là phi luận lý và bất hợp lý. Vì thế mà ông ưa chuộng những nhân vật thể hiện được chủ nghĩa hợp-lý-hoá ấy, chẳng hạn trong tác phẩm "Moeyo ken" (Kiếm ơi, cháy lên), tuy cùng là đầu não của Shinsengumi (đội võ trang truy diệt chí sĩ Cần Vương cuối thời Mạc Phủ) cả, nhưng nhân vật chủ tướng Kondo Isami đến cuối đời vẫn còn băn khoăn về sự lựa chọn giữa tư tưởng Cần Vương (phò Thiên hoàng) và Tá Mạc (phò Mạc Phủ Tokugawa), không được Shiba Ryotaro chú trọng bằng nhân vật phó tướng Hijikata Toshizo là người có đầu óc thực dụng triệt để.

Trong một cuộc phỏng vấn của đài ti-vi NHK, ông cho biết thời trẻ đã thấy tình trạng Nhật Bản chiến bại mà mang nghi vấn tại sao người Nhật Bản lại trở nên kém khôn ngoan như thế, hẳn là ngày xưa phải khôn ngoan hơn, do đó từ năm 22 tuổi (1945), đã bắt đầu viết văn dưới hình thức thư cho chính mình, trong cố gắng tìm hiểu bản chất của người Nhật Bản từ những sự kiện và nhân vật lịch sử, từ đó mới có các tác phẩm "Ryoma ga yuku" (Long Mã lên đường), về thời động loạn dẫn đến Minh Trị Duy Tân, hay "Saka no ue no kumo" (Mây trên đường dốc) về chiến tranh Nga Nhật,...

Trước Shiba Ryotaro, tiểu thuyết lịch sử Nhật Bản phần nhiều nhắm vào mục đích mua vui cho độc giả bằng cách cường điệu những chi tiết ly kỳ thậm chí huyền thoại hoá. Shiba Ryotaro đặc biệt chú trọng việc khảo chứng, dùng sử liệu khả tín yểm trợ để tiểu thuyết lịch sử của ông có thể được cả giới độc giả trí thức Nhật Bản tin cậy mà thưởng lãm. Ông được biết là tác gia điều nghiên dẫn dụng một số tư liệu lớn lao cho mỗi tác phẩm của mình. Tác phẩm của ông, nhất là các bộ phim ti-vi tràng giang trên đài NHK, đã khiến độc giả, khán giả ưa chuộng và tin tưởng đến mức dễ đồng lòng với lối giải thích lịch sử nay đã nổi tiếng là "sử quan Shiba". Và mặc dù Shiba Ryotaro đã khẳng định tác phẩm của mình là "tiểu thuyết", nhưng nhiều chi tiết truyền thuyết trong tác phẩm của ông lắm khi cũng được độc giả tin tưởng như sự thực lịch sử, là điều mà các nhà phê bình lên án, nhưng cũng phần nào cho thấy mức độ thành công của Shiba Ryotaro là một tác gia tiểu thuyết lịch sử.

Shiba Ryotaro là tác gia được giới doanh gia Nhật Bản hâm mộ nhất; họ tìm thấy trong tác phẩm của ông sự khích lệ, động viên tinh thần, và nhiều chiến thuật chiến lược có thể áp dụng vào kinh doanh.

Ông là người có tài biện thuyết, thường được mời đến các buổi đàm thoại, hội thảo văn học, lịch sử. Lòng ham mê thu tập tư liệu của ông đã trở thành huyền thoại. Người ta đồn khi nào Shiba Ryotaro tìm kiếm tư liệu về đề tài gì thì sách cũ về đề tài đó biến mất hết từ các nhà sách cũ. Có lần ông đã mang xe tải nhỏ đến tiệm sách cũ, vào trong tiệm lục lọi, đọc loạn lên rồi chất đống lên xe tải mà mua về.

Shiba Ryotaro đã xuất bản hàng trăm tác phẩm, trong đó vài chục tác phẩm đã được quay thành phim-bộ ti-vi và phim chiếu ngoài rạp.

"Ryoma ga yuku" (Long Mã lên đường) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Shiba Ryotaro, viết về con người và cuộc đời của nhà cách mệnh Sakamoto Ryoma (Long Mã), một trong những chí sĩ đã mở ra kỷ nguyên Duy Tân, trong bối cảnh cuối thời Mạc Phủ Tokugawa, áp lực của các nước ngoài khuấy động xã hội và thể chế chính trị của Nhật Bản, khiến nảy sinh hai khối tư tưởng và thế lực Cần Vương Nhương Di (phò Thiên hoàng đánh đuổi người ngoại quốc) đối lập với Tá Mạc (phò Mạc Phủ Tokugawa nhân nhượng ngoại quốc). Ryoma đã là một sĩ phu của phiên trấn Tosa, chuyển từ việc lập thân bằng kiếm thuật sang việc sáng lập tập đoàn mậu dịch tổng hợp Kaientai, qua chuyện kinh doanh mà liên kết các phiên trấn Satsuma, Choshu, Tosa,... xây dựng thành liên minh Cần Vương, cuối cùng đánh đổ Mạc Phủ, chấm dứt gần 300 năm cai trị của nhà Tokugawa, mở đường cho Minh Trị Thiên hoàng bắt đầu công cuộc Duy Tân. Ryoma đã sớm nhận thức được là phải bỏ ý hướng đánh đuổi người ngoại quốc mà mở cửa du nhập học vấn, kỹ thuật Tây phương vào Nhật Bản. Ông dâng "Thuyền trung bát sách" (8 kế sách nghĩ từ trong thuyền) làm nền tảng cho các cải cách chính trị kinh tế thời Minh Trị Duy Tân. Tư tưởng Cần Vương của Ryoma còn hàm ý "vạn dân bình đẳng", dưới Thiên hoàng chỉ có thần dân, không còn sự phân chia giai cấp "sĩ nông công thương" ngặt nghèo thời trước nữa.

"Moeyo ken" (Kiếm ơi, cháy lên) là chuyện đời của Hijikata Toshizo, phó tướng của Shinsengumi là đội võ trang do Mạc Phủ chiêu mộ các võ sĩ mất chủ tướng (ronin) mà lập ra để truy lùng tiêu diệt các chí sĩ Cần Vương mượn cớ đánh đuổi người ngoại quốc để mưu đồ đánh đổ Mạc Phủ, thực tế là đã khuấy động kinh đô Kyoto. Về sau, Mạc Phủ yếu thế phải giao trả chính quyền lại cho triều đình, rồi bị thảo phạt, quân Mạc Phủ thua trận, phải chạy về Edo. Chiến tranh giữa quân triều đình thảo phạt và quân cựu gia thần của Mạc Phủ bùng nổ khắp vùng phía đông Nhật Bản, Kondo Isami, chủ tướng của Shinsengumi đầu hàng và bị xử tử; phó tướng Hijikata Toshizo lưu lạc theo bại binh phe Mạc Phủ lên Hokkaido tiếp tục kháng chiến rồi tử trận ở đấy.

"Yo ni sumu hibi" (Những ngày sống trên đời) viết về thầy trò Yoshida Shoin và Takasugi Shinsaku. Yoshida Shoin là một trong những nhà trí thức nổi danh nhất cuối thời Mạc Phủ, đã mở trường dạy binh học và chính trị, đào tạo nhiều chí sĩ sau này đã góp sức hữu hiệu vào việc đánh đổ Mạc Phủ và đổi mới nước Nhật. Takasugi Shinsaku là học trò cưng của Yoshida Shoin, đã cải tiến quân đội phiên trấn Choshu trong liên minh Cần Vương đánh đổ Mạc Phủ, và khởi đầu việc lập các lực lượng võ trang từ những người chí nguyện không thuộc giai cấp võ sĩ. (Ito Hirobumi 4 lần làm Thủ tướng Nhật Bản, cũng là học trò của Yoshida Shoin).

"Kashin" (Thần hoa) là chuyện đời của Omura Masujiro (Murata Zoroku), con của một thầy lang vườn ở Suo, phiên trấn Choshu, đã theo đuổi y học Hà Lan, sau này vừa dạy kiến thức Tây phương vừa xây dựng, cải tiến binh bị của phiên trấn Uwajima, rồi trở thành phiên sĩ (sĩ phu, võ sĩ có chức vị) của phiên trấn Choshu, làm cố vấn cải cách binh bị theo kiểu Tây phương. Thời Minh Trị, làm đến chức Thứ trưởng Bộ Hải-Lục quân, ông được xem là người khai sáng quân đội hiện đại Nhật Bản.

"Kunitori monogatari" (Chuyện cướp nước) thuật chuyện thời Chiến quốc, Nhật Bản loạn lạc vì nạn các sứ quân tranh đoạt lãnh thổ, Saito Dosan lập thân từ một nhà sư chuyển sang buôn dầu rồi cướp chính quyền xứ Mino, thành Lãnh Chúa một phiên trấn lớn. Sau này con rể của ông là Oda Nobunaga đã thực hiện được giai đoạn đầu của việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời Chiến quốc của các sứ quân.

"Saka no ue no kumo" (Mây trên đường dốc) là chuyện lớp người trẻ Nhật Bản thời Minh Trị Duy Tân đã ý thức được nghĩa vụ xây dựng quốc gia đồng thời xây dựng chính mình, trong hoàn cảnh lịch sử cam go khi nền tảng quốc gia cũ đã đổ vỡ hoàn toàn. Với khí phách của những người tiên phong khai phát, họ đã cần mẫn và dũng cảm đối đầu với mọi khó khăn để khai thông những đường tiến mới, cải cách hải quân, kỵ binh, văn học nghệ thuật hiện đại, đặt nền tảng mới xây dựng một quốc gia Nhật Bản tân tiến. Chiến tranh Nga-Nhật chiếm một phần quan trọng trong tác phẩm, như thực chứng cho thành quả của công cuộc Duy Tân. Những quan điểm của tác giả trình bày trong tác phẩm này (sử quan Shiba) rằng chiến tranh Nga-Nhật thực chất là chiến tranh tự vệ của Nhật Bản; trong trận tấn công Lữ Thuận, sở dĩ quân Nhật thiệt hại nặng đến như thế là vì tướng chỉ huy và các tham mưu bất tài,...... đã gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử.

.........

Nhiều tác phẩm của Shiba Ryotaro đã được dịch và yêu thích ở Hàn quốc, Trung quốc. Một số tác phẩm của Shiba Ryotaro đã được dịch ra tiếng Anh, trong đó có "Drunk as a Lord: Samurai Stories" (2001), "Kukai the Universal: Scenes from His Life" (2003), "The Last Shogun: The Life of Tokugawa Yoshinobu" (2004), "The Tatar Whirlwind: A Novel of Seventeenth-Century East Asia" (2007),...

Shita Ryotaro để lại cho đời một số lượng đồ sộ những tác phẩm dài hơi, xây dựng công phu, vừa có giá trị tư liệu lịch sử vừa có giá trị nghệ thuật, lẫn giải trí, xứng đáng là tác gia hạng nhất của Nhật Bản về tiểu thuyết lịch sử.

Phạm Vũ Thịnh
Sydney 03-2008
Tham khảo :

[1] Shiba Ryotaro - Wikipedia : bản tiếng Nhật

http://ja.wikipedia.org/wiki/%E5%8F%B8%E9%A6%AC%E9%81%BC%E5%A4%AA%E9%83%8E

[2] Ryotaro Shiba - Wikipedia : bản tiếng Anh : http://en.wikipedia.org/wiki/Ryotaro_Shiba

[3] Shiba Ryotaro Dokuhon : Gendai sakka kenkyukai (Hội nghiên cứu tác gia hiện đại - bản Shiba Ryotaro), Tokuma Bunko xuất bản 1996.

[4] Shiba Ryotaro ni aitai (Muốn gặp Shiba Ryotaro - chương trình của đài NHK) :

http://www.youtube.com/watch?v=x1YdaTMJvNo

[5] Saka no ue no kumo - Wikipedia :

http://ja.wikipedia.org/wiki/%E5%9D%82%E3%81%AE%E4%B8%8A%E3%81%AE%E9%9B%B2

 

* * *


Anh hùng
Shiba Ryotaro
Phạm Vũ Thịnh dịch
 
  Nghe người ta bảo thời bây giờ, nếu muốn theo đường học vấn ở Edo[1] thì đến học ở trường của thầy Koga Sakei là tốt nhất, Suzuki Torataro đã từ đất Tsu phiên trấn Ise vào học ở đấy năm 16 tuổi, niên hiệu Ansei thứ 6 (1860).

Torataro là người sau này mê Thiền rời bỏ thế tục, không xuất gia nhưng đã học Thiền theo sư So-en ở chùa Enkaku xứ Kamakura và sư Bokurai chùa Kennin ở Kyoto, lấy danh hiệu cư sĩ là Mu-in (Vô ẩn). Cuối đời, sống ở lô đất số 39 xóm Otsu, thành phố Tsu thuộc tỉnh Mie, đến năm Minh Trị thứ 32 (1899) thì mất. Câu chuyện sắp kể ra đây dựa vào nhiều chỗ trong di cảo của cư sĩ Mu-in này.

Thầy Koga Sakei ấy là một vị quan xuất thân nho sĩ, và là cháu nội của nhân vật lịch sử nổi tiếng Koga Seiri (1750-1817, học giả Nho học). Trong đám nhà nho, ông là một người hiếm hoi học cả Lan học[2] ít nhiều, do đó đã lãnh chức Viện trưởng Viện điều nghiên sách sử trong Phủ Chúa Tokugawa (Mạc Phủ). Quan nhà nho mà lại có mắt nhìn rõ thời thế, lúc bấy giờ, trong khi tư tưởng Jo-i (Nhương Di, đánh đuổi kẻ man di mọi rợ là người Tây phương) đang là cao trào thời đại, ông đã nhiệt thành cổ xướng "ba nhiệm vụ phải làm ngay" là:

-Nước ta hiện nay thì việc binh bị phải dùng súng ống chứ không còn gì khác,

-Việc kinh tài thì phải dựa vào mậu dịch với nước ngoài chứ không còn gì khác,

-Đất nước có biển bao quanh thì phải nhờ vào tàu thuyền mà hành động chứ không còn gì khác.

Ông mở trường, đặt tên là Kyukeisha (Cửu kính xá). Lớp người trẻ có chí ở khắp các phiên trấn ngưỡng mộ danh tiếng của ông, tranh nhau mà nhập học. Cậu Mu-in 16 tuổi cũng là một người trong đám đó. Trường tư này được lập ngay trong tư dinh của Koga, diện tích trường ốc chừng 160 mét vuông.

Thầy dạy là gia thần của Phủ Chúa, lại giữ chức Viện trưởng Viện điều nghiên sách sử nữa, nên 10 ngày mới có một lớp giảng của thầy. Do đó, các buổi đọc sách luân phiên thì trưởng tràng chỉ dẫn, và học trò mới thì bám theo học trò cũ mà học hỏi. Các buổi đọc sách chung, học trò ngồi vào chỗ nhất định, bên cạnh Mu-in luôn luôn là một người lớn tuổi cỡ 30, làm học trò e có phần trễ quá.

Dung mạo anh ta khiến người ta thoáng thấy phải lấy làm thắc mắc chẳng biết là người như thế nào. Lông mày trông giống như lông măng màu nâu trà, tròng mắt lồi ra ngoài, đáy con ngươi sáng loáng. Có lẽ là thứ mà sách tướng viết là "mắt có màu kỳ dị". Mắt to nhưng thỉnh thoảng nhíu lại nhỏ xíu tưởng như đang ngủ. Đến sau cuộc Minh Trị Duy Tân, Mu-in mới nghĩ ra là có thể anh ta bị cận thị không chừng. Mũi to, lỗ mũi thấy thật sâu, miệng cũng rộng hết cỡ nhưng không lắm lời. Nói tóm lại, khuôn mặt có vẻ áp đảo người nhìn đấy.

Người đàn ông này ít nói. Thấy anh ta có dị tướng như thế nên vừa vào học, Mu-in đã xưng tên họ mình, định hỏi về thân thế anh ta ngay.

-"Tôi người xứ Seishu, tên là Suzuki Torataro, hiệu là Mu-in. Xin gọi cho là Mu-in thì tôi vui mừng lắm".

Nghe vậy, anh kia chăm chú nhìn mặt Mu-in rồi bật cười. Lúc anh cười thì khuôn mặt trông có vẻ trẻ con dễ thương khác hẳn với tuổi tác.

-"Cậu Mu-in kia à!".

Có vẻ mới 16 tuổi mà đã xưng là Vô ẩn thì tức cười thật. Nhưng anh ta có vẻ khoái lối chào hỏi ấy, nên nói:

-"Còn ta là Soryokutsu đây. Tên tục là Kawai Tsugunosuke, xuất thân từ phiên trấn Nagaoka vùng Echigo".

Vào học được vài ngày, Mu-in dần dần hiểu thêm được về nhân vật này. Anh ta đường đường là phiên sĩ (sĩ phu, võ sĩ có chức vị) của phiên trấn Nagaoka, phiên trấn nhỏ nên bổng lộc cũng ít, nhưng thuộc dòng dõi một nhà võ sĩ lâu đời. Có vẻ là nhà giàu, tuy là học trò nhưng áo quần sang trọng, hai thanh kiếm dài ngắn cũng chẳng phải là thứ thô tạp. Tuy là thân võ sĩ làm việc ở xứ nhà, nhưng trước đây cũng đã là môn sinh của các danh sư Saito Setsudo, Sakuma Zozan, và đã có thời vào học ở trường Kyukeisha này rồi, nên là môn sinh trở lại học, hơn là mặt mới. Thành tích học vấn thì quá tệ! Không phải là học dốt, nhưng có vẻ chỉ chú tâm nhiệt thành vào môn học nào mình thích mà thôi.

Thật là người kỳ lạ. Mu-in nghĩ thế khi trường ra đề làm thơ. Mọi môn sinh phải làm thơ theo đề chỉ định đấy, nhưng anh chàng Kawai Tsugunosuke đáng tuổi chú bác của Mu-in đã quay sang nói:

-"Cậu Mu-in này, ta đãi cậu 16 xu khoai nướng, cậu làm hộ ta bài thơ này đi!"

Mu-in sửng sốt. Chứ chẳng phải đến trường là để học làm thơ làm văn đó sao? Vả lại, Mu-in chỉ là cậu học trò 16 tuổi, thơ thì mới ra sức học cho thuộc mấy cuốn sơ đẳng như "Thi ngữ túy kim" (Lời thơ vàng vụn) hay "Ấu học tiện lãm" (Bản ghi sẵn cho các em học) đây thôi.

-"Tôi làm hộ không được đâu. Trước nhất, thứ thơ non nớt của tôi mà xưng dối là thơ của anh Kawai, thầy biết được thì là chuyện đáng xấu hổ cho anh đấy. Khoai nướng thì cảm ơn lắm, nhưng tôi phải từ chối thôi".

-"Cậu khờ quá!". Ông học trò ở tuổi chú bác này nháy mắt bảo. -"Cứ vẽ chuyện thơ với văn cho rộn ràng thế, chứ thơ văn có dở đi nữa, cũng chẳng dính dáng gì đến giá trị của con người cả. Đại loại, những kẻ theo đòi Hán học gì đấy, mà cả thế gian này nữa, đều cứ nhập tâm rằng thơ văn giỏi là đủ thành học giả đáng kính nể rồi. Suy nghĩ như thế mà làm chuyện lớn trong thiên hạ được hay sao?"

Có vẻ anh chàng học trò dở này có định nghĩa hơi khác đời về chuyện học vấn rồi. Chẳng làm sao hơn, Mu-in đành làm thơ giúp cho anh ta.

Có lần thấy Mu-in vừa bận rộn lật tìm trong bản chú thích vừa đọc cuốn Tam Quốc Chí, chàng học trò dở cảm thán:

-"Cậu còn nhỏ mà cũng gắng đọc sách kiểu ấy, không thấy chán sao chứ? Thật đáng nể!".

Và vì nể phục quá nên hỏi tiếp:

-"Vì lý do gì mà cậu đọc sách ấy thế?"

-"Vì thích thú đấy mà". Mu-in thành thực đáp. Nghe thế, Kawai nói:

-"Nếu vì thích thú mà đọc sách, thì chi bằng đi xem diễn kịch hay đi nghe kể chuyện cười còn thích thú hơn nhiều".

Anh này nói lạ! Mu-in nghĩ thế. Nhưng gặp nhau mỗi ngày, riết rồi Mu-in dần dần bị thu hút bởi anh chàng học trò dở này, cuối cùng, đã chịu phục mà tôn anh ta làm "thầy". Ở trường này, môn sinh chọn trong lứa đàn anh ra một người hướng dẫn trực tiếp thay thầy. Mu-in là học trò ưu tú hạng nhất trong đám môn sinh nhỏ tuổi của trường, nhưng Mu-in đã chọn anh chàng học trò dở lớn tuổi này làm "thầy" hướng dẫn trực tiếp mất! Ông thầy này lại còn là người viết chữ xấu cùng cực, đến nỗi cả trường đều biết: "Kawai không phải viết chữ, mà là khắc chữ đó!". Quả thật, Mu-in cũng đã thấy Kawai khổ nhọc lắm khi viết chữ, trông thật giống một ông thợ mộc-bản cặm cụi khắc chữ lên bảng gỗ. Vậy mà lại hay viết chữ, và có thói quen hay sao chép lại các cuốn sách.

Quan niệm về học vấn của anh ta là: học vấn phải là thứ tạo nên sức mạnh hành động cho mình mới được.

Có lần trên đầu anh ta có chỗ sưng lớn, rất đau đớn mỗi khi cử động. Mu-in khuyên:

-"Hay là anh nghỉ học ít buổi ở nhà trị bệnh cho xong đi!".

-"Ta muốn thử thách chuyện học vấn của mình đấy mà!",

ra cái điều chuyện đấu tranh với sự đau đớn từ mụn nhọt ấy là học vấn của mình vậy. Còn chuyện giải thuyết chi li về thơ văn, kinh điển thì chẳng phải là học vấn!

Có vẻ anh ta say mê chủ nghĩa hành động của phái "Dương Minh học" (học theo Vương Dương Minh, thuyết Tri hành hợp nhất), cùng một khuynh hướng tư tưởng với Oshio Heihachiro trong biến cố Tenpo-no-ran (Loạn Thiên Bảo 1841-43). Thời bấy giờ, Chu-tử-học là lối học chính quy trong nước, chủ trương trước hết phải tìm hiểu tận tường về lý thuyết rồi mới có thể chuyển sang hành động, do đó, hành động không được trọng bằng tri thức. Ngược lại, tư tưởng Nho học của Vương Dương Minh là: Hiểu biết và hành động là một! Tri thức phải là năng lượng hành động mới được, học vấn chính là để đào tạo chính mình là chủ thể của hành động. Lời dạy của Vương Dương Minh đã lưu truyền rộng rãi đến thành như lời nói bình thường rằng: -"Phá giặc trong núi thì dễ, phá giặc trong lòng mình mới khó".

Có lẽ anh chàng người xứ Echigo này coi việc đấu tranh với nỗi đau đớn từ mụn nhọt trên người cũng đúng là học vấn theo thuyết của Vương Dương Minh rồi. Người xứ Echigo bao giờ cũng có lối suy nghĩ độc đáo về chuyện đời.

Trưởng tràng ở trường này là một ông Odagiri gì đấy. Mặt coi có vẻ hào phóng sẵn sàng đãi người khác, nhưng đến lúc trả tiền thì mằn mò hoài trong túi, không dễ gì mà rút tiền ra. Một hôm, môn sinh 8 người, có cả Kawai và Mu-in, cùng đi xem hoa mai nở ở Ginsekai phía trước phố Shinjuku, rồi vào uống rượu ở quán ăn nhỏ gần đấy. Đến lúc trả tiền, Odagiri lục lọi trong túi một hồi rồi nói:

-"Ủa, chỉ còn hai tiền vàng chẵn thôi! Ai có tiền lẻ sẵn thì trả hộ đi".

Kawai liền nói: -"Thế thì tớ trả cho", rồi gọi cô phục vụ đến chi trả, xong mới nói: -"Nhưng mà, phần của Odagiri thì cậu tự trả lấy đi!". Nói xong, anh dẫn cả bọn về mất, chỉ để Odagiri ở lại đó. Có vẻ đây cũng là cách phán đoán ứng xử theo Dương Minh học đấy.

Càng ngày Mu-in càng hứng thú tìm hiểu về Kawai, may mắn lại làm quen được với một người cùng xứ với Kawai, nên hỏi cặn kẽ thêm. Người kia cho biết: -"Một tên khùng đấy thôi". Nhà ở lô đất số 1 xóm Naga gần thành Nagaoka, bước qua cổng là thấy hai cội tùng cổ thụ bề thế. Anh ta trưởng thành ở đấy. Ông cha ngán ngẩm cho cậu con duy nhất tướng thư sinh da trắng trói gà không chặt, mà lại lười học, nên từ năm cậu 9 tuổi đã bắt tập võ nghệ. Học cỡi ngựa với Miura Jibuhei, học kiếm thuật với Kito Rokuzaemon, đều là những vị thầy tài giỏi danh lừng phiên trấn.

Kawai Tsugunosuke thì khi lớn lên cũng vẫn khinh thị rằng: "Bắn cung, cỡi ngựa, đánh kiếm, đánh thương, những thứ đó chỉ là loại kỹ năng bậc thấp của người võ sĩ mà thôi", nên ngay từ đầu đã chẳng thèm học theo lề lối thầy chỉ vẽ, mà nhất định làm theo cách của mình. Thầy dạy cỡi ngựa có mắng thì cãi là "Ngựa thì chỉ cần cỡi chạy được là đủ rồi", còn đối với Kito dạy kiếm thì diễu cợt mà bảo là "Kiếm thì chỉ cần chém được là quá đủ".

Chẳng qua là người có tính cách chiều theo các thói tật của mình quá mạnh; những lý lẽ ấy hay quan niệm về học vấn cũng vậy, đều được nghĩ ra để biện minh với chính mình đó thôi.

Về sau, Mu-in còn đến viếng phiên trấn Nagaoka, gặp những người quen biết Tsugunosuke, hỏi thăm nhiều chuyện nữa, mà ai cũng nói:

-"Ông ấy, cho đến tuổi trung niên thì chẳng có chuyện gì cả. Chúng tôi cũng chẳng đặc biệt quan tâm đến ông ấy"

Mu-in đã đến thăm cả nhà Kawai nữa. Gặp người cha là Shiroemon, người mẹ Tei, và người vợ Suga, để hỏi chuyện thì biết là năm 18 tuổi, Tsugunosuke đã lập đàn tế theo nghi thức Nho giáo ở trước sân nhà, cắt cổ gà nhỏ huyết mà thề nguyền gì đấy bằng những lời quyết liệt.

Kết cuộc, năm Mu-in 16 tuổi, ở trường Kyukeisha ấy, đã tiếp xúc với Tsugunosuke hiệu là Soryokutsu chỉ trong 6 tháng. Đến tháng 6 năm đó, Tsugunosuke bảo:

-"Ở phiên trấn Matsuyama đất Bitchu có một nhân vật ta rất hâm mộ".

rồi nghỉ học mà đi mất.

Trong đời, chưa có lúc nào Mu-in cảm thấy buồn như hồi đó. Lúc chia tay, Mu-in hỏi Tsugunosuke hai điều.

-"Ở trường này, thầy Kawai đã thu hoạch được những gì?"

-"Ta đã đọc được một kỳ thư".

Một hôm, Tsugunosuke lục lọi trong kho sách của trường Kyukeisha, tìm ra một bộ sách 12 cuốn, ngay cả đề sách cũng hầu như chẳng học giả nào biết, đó là "Tập sách của ông Lý Trung Đỉnh" . Càng đọc, anh ta càng vui mừng đến như điên cuồng, rồi đã bỏ công sao chép trọn bộ trong 10 tháng trọ học ở trường.

Lý Trung Đỉnh là danh thần cuối đời Tống. Những năm cuối đời vua Huy Tông, rợ Kim xâm lược, triều đình bàn tính xin hoà. Nhưng Lý Trung Đỉnh khăng khăng giữ thuyết chủ chiến, thống thiết tâu lên vua rằng chịu hoà mà đầu hàng thì sẽ đưa đến mất nước. Đời vua Cao Tông, ông đã thi thố tài năng hiển hách trong cương vị một nhà hành chính và cả trong chức vụ tư lệnh quân đội dã chiến nữa.

Tsugunosuke thấy mình đang sống trong tình thế náo động cuối thời Mạc Phủ, nên lòng cũng đã quyết rằng: "Cuộc đời ta cũng phải như Lý Trung Đỉnh mới được!".

Người đàn ông này chỉ đọc sách nào hợp với khí chất của mình mà thôi, nhưng có vẻ không có sách nào khiến anh ta cảm động đến như bộ sách ấy cả.

Mu-in còn hỏi thêm:

-"Sau này thì tôi nên học theo vị nào ở trường này?"

-"Tsuchida Shohei thì tốt nhất". Tsugunosuke đáp.

Mu-in sửng sốt.

Tsuchida là người còn học dở gấp mấy lần Tsugunosuke nữa, sắp 30 tuổi rồi mà sách chữ Hán còn đọc chưa được nữa là! Anh ta là người xứ Dewa, đã rời Kyoto năm 25 tuổi, theo học Fujimoto Tesseki về sau này là thủ lãnh của nhóm Tenchugumi (nhóm võ trang Cần Vương cực đoan), nghe đâu anh ta đã bị Tesseki mắng cho là ngu dốt, mới bắt đầu chịu đọc sách.

Tsugunosuke đi khỏi Edo rồi, Mu-in tìm đến Tsuchida, cúi đầu xin hướng dẫn. Khiến Tsuchida sửng sốt:

-"Kawai thật là kẻ quái dị. Cùng học ở trường này nhưng chưa hề nói chuyện với nhau lần nào, vậy mà Kawai bảo như thế thật sao? Nhưng mà, tớ đã chu du thiên hạ các nơi, thấy được đủ loại nhân vật rồi, thế nhưng, người đến như Kawai thì chưa từng thấy bao giờ. Tớ đã thấy ông ấy đánh cờ tướng một lần. Đánh cờ mà hào khoái được đến như ông ấy thì quả thật là chưa từng thấy".

Tsuchida kể rằng lúc đánh cờ, Tsugunosuke hầu như chẳng để mắt gì đến chuyện thắng bại, ngón tay cứ thoăn thoắt di chuyển quân cờ, vậy mà vẫn thắng được nhanh chóng.

-"Không chừng là người anh hùng trăm năm mới có được một người đấy. Thế nhưng, phiên trấn Nagaoka của ông ấy thì chỉ có 74 ngàn hộc [3] ...". Tsuchida suy nghĩ một hồi. -"Quy mô nhỏ quá! Phiên trấn nhỏ mà lại có một nhân vật tầm cỡ đến như thế thì là vận may hay rủi, chỉ có Trời mới biết được".

Tsuchida nói, nghe cứ như là lời sấm đoán trước tương lai. Về sau, Kawai Tsugunosuke đã tạo ra biến động lớn lao đến mức đảo lộn trời đất ở địa phương Hokuetsu, còn Tsuchida Shohei thì không có dịp chứng kiến để xác nhận lời dự đoán ấy, vì đã tham gia vào biến cố Tsukuba-no-ran, lưu lạc chiến đấu ở nhiều nơi, cuối cùng đã chạy đến phiên trấn Nakamura vùng Iwaki mưu đồ tái khởi nhưng đã bị bắt và xử chém vì tội ủng hộ Mạc Phủ.

Nói gì đi nữa, Kawai cũng là người kỳ dị đấy. Anh ta nghĩ gì, định làm gì, Mu-in chẳng làm sao đoán ra được. Thời còn học ở trường Kyukeisha, sở thích của Kawai chỉ là đến xóm Yoshiwara mua gái, và lớn đầu rồi mà thích chơi trò kéo gối thi. Đó là trò hai bên dùng ba ngón tay kẹp hai đầu của cái tráp gối đầu hình hộp mà kéo xem ai giữ được, thế thôi. À, còn trò nhìn đèn sáp nữa chứ. Thắp đèn sáp lên, mở mắt nhìn không chớp vào đèn sáp ấy, ai chớp mắt trước là thua. Nhiệt tâm vào những trò con nít như thế. Mà hai trò ấy, trò nào Kawai cũng thắng tất cả các môn sinh trong trường. Đến nổi tiếng khắp trường rằng Kawai nhìn mặt trời cũng chẳng chớp mắt nữa.

Trong thời gian trọ học, Kawai có lần thình lình thu dọn án thư, đèn lồng, cho sách vở, chăn mền vào hành lý, ra đi. Mọi người kinh ngạc hỏi:

-"Anh bỏ trường mà đi đấy à?"

Kawai đáp: -"À, cũng tương tự thế".

Về sau mới rõ ra rằng năm ấy là Ansei thứ 6 (1860), do vấn đề phê chuẩn hiệp ước bất bình đẳng với ngoại quốc mà quan hệ đối ngoại căng thẳng. Mạc Phủ ra lệnh cho các phiên trấn chư hầu chia nhau canh giữ vùng duyên hải gần Edo. Phiên trấn Nagaoka phải phái quân đến canh giữ cảng Yokohama, và Kawai được cử làm đội trưởng đội quân ấy. Vì vậy mà Kawai phải tạm thời bỏ học. Nhưng chỉ vài ngày sau, chẳng hiểu sao lại thấy xách sách vở, chăn mền, đèn lồng, án thư,... trở lại trường.

-"Sao thế anh?" Mu-in hỏi.

Kawai im lặng không đáp. Sau này, Mu-in hỏi chuyện các môn sinh cùng xứ Nagaoka với Kawai mới biết được sự tình. Khi nhận được lệnh làm đội trưởng đội quân canh giữ cảng Yokohama, Kawai đã nói với quan Gia lão [4] trú nhậm ở Edo rằng:

-"Đã gọi là đội trưởng đội quân canh giữ cảng Yokohama, thì không khác gì phải ra chiến trường rồi. Vậy thì đội trưởng ắt là được giao toàn quyền sinh sát đấy chứ?"

Kawai muốn xác nhận như thế, khiến quan Gia lão kinh ngạc. Thấy ông ngần ngừ, Kawai nói:

-"Vậy thì, xin miễn cho"

rồi trở về trường.

Vài ngày sau, lại được gọi vào dinh trú nhậm của phiên trấn ở Edo. Đến nơi thì quan Gia lão bảo:

-"Lời anh yêu cầu là đúng lắm. Vậy thì ta cho toàn quyền sinh sát đối với đội viên, anh nhận làm đội trưởng đi"

Kawai nhận lời. Cỡi ngựa, dẫn quân sĩ rời dinh phiên trấn ở xóm Atago. Ra đến trước lầu xanh Dozo Sagami ở Shinagawa, Kawai xuống ngựa, đưa cương ngựa cho phu ngựa giữ, rồi bảo mọi người:

-"Ta được giao cho toàn quyền điều khiển đội quân này. Vì vậy, ta truyền lệnh khỏi đi Yokohama nữa. Ai muốn trở về Edo thì về. Còn ta vào lầu xanh này, ai muốn đi cùng thì theo ta".

Nói xong, quay lưng đi thẳng vào lầu xanh ấy thật. Sáng hôm sau, về lại trường Kyukeisha thì thấy có sứ giả của phiên trấn xanh mặt chờ sẵn ở đó rồi. Kawai nạt lớn:

-"Ta đã được giao cho toàn quyền sinh sát rồi kia mà. Giải tán quân sĩ hay không là quyền tự do của ta!"

Có vẻ anh chàng này có cái lý của anh ấy, chủ ý muốn diễu cợt chính sách của Mạc Phủ bên trên phiên trấn nữa.

-"Bọn ngoại quốc chỉ mới hăm doạ thôi chứ chẳng muốn gây ra chiến tranh. Địch không có ý muốn đánh, mà phía mình chỉ mới nghe tiếng gió thổi chim kêu đã run lên, phái ngay binh lính ra trấn giữ Yokohama, thì còn gì là uy nghiêm của quốc gia nữa!"

Cuối cùng, Kawai cũng đã bỏ học ở trường Kyukeisha, đi Bitchu, đến thăm và nhập môn Yamada Hokoku là học giả chủ trương thực học, có tham gia vào chính quyền của phiên trấn Matsuyama vùng Bitchu. Hokoku tên thật là Yamada Yasugoro, vang danh thiên hạ là nhà cải cách thể chế phiên trấn. Xuất thân là con nhà nông, thời niên thiếu đã nổi tiếng khắp nơi về tài học, được Lãnh Chúa Itakura tước Suo-no-kami cấp học bổng du học Kyoto, Edo, về sau nhậm chức Giám học ở trường của phiên trấn, rồi thăng lên chức quan lo về tài chính, rồi Chưởng quản Địa phương, Nhiếp chính, và đã làm giàu cho tài chính của phiên trấn.

Lúc Kawai tìm đến thì Hokoku làm chức vụ nhiếp chính nhưng không ở trong dinh cơ gần thành mà ra ở đất dinh điền Nagase thuộc làng Nishikata, để chỉ huy đám võ sĩ cấp thấp trong công tác khai khẩn. Kawai cùng ở đấy học và làm việc chung hơn một năm. Hầu như chẳng đọc cuốn sách nào. Một ngày nọ, Hokoku hỏi, có vẻ ngán ngẩm:

-"Sao cậu không đọc sách?"

Kawai im lặng một hồi, rồi đáp:

-"Thưa, tôi đến để học cách thầy làm việc".

Về sau này, Kawai làm quan Nhiếp chính ở phiên trấn Nagaoka, đã chuyển biến nền tài chính thâm thủng của phiên trấn Nagaoka thành giàu có, giúp phiên trấn cỡ nhỏ này vũ trang hoàn bị đến như quá mức như vậy được, có lẽ phần lớn cũng nhờ vào những gì đã học hỏi được trong thời kỳ tập việc với Hokoku.

Tổng cộng 3 năm ở lại đất Bitchu, Kawai đã đến xem và học hỏi ở các phiên trấn phía tây như Choshu, Saga,... đã sớm trở thành những xứ có nền công nghiệp hiện đại. Như Choshu là cỡ phiên trấn chừng 30 vạn hộc, mà bấy giờ đã thu hoạch trên 100 vạn hộc rồi. So với các phiên trấn phía tây ấy thì các phiên trấn ở Hokuriku, Kanto, Tohoku,... phía đông vẫn còn giữ nông nghiệp làm trung tâm kinh tế y nguyên như cũ từ thời Chiến quốc, nên tài chính của các phiên trấn này càng năm càng suy thoái, nay đã xuống đến mức chẳng còn sức để làm gì được nữa cả. Sự cách biệt giàu nghèo giữa các phiên trấn phía tây và phía đông như thế đã hiện rõ trong mắt Kawai Tsugunosuke lúc đi tham quan các nơi, đến nỗi Kawai phải kinh ngạc vì sao cùng một nước Nhật Bản mà lại có thể khác nhau đến như thế được! Kawai nghĩ hẳn là sẽ có ngày sự giàu có của các phiên trấn hùng mạnh phía tây sẽ lấn áp các vùng phía đông và phía bắc dưới hình thức võ lực cho mà xem.

Kawai còn đi tiếp đến Nagasaki, thuê người thông ngôn, thường đến thăm các nhà của người ngoại quốc ở đấy để hỏi về tình hình các nước. Những cảm tưởng thu hoạch được trong lần chu du các xứ phía tây ấy, Kawai đã viết cho người anh vợ đang ở gần thành Nagaoka là Nagino Kahee (là anh của Suga, vợ Kawai) như sau:

-Tình thế thiên hạ như thế này thì sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra biến động to lớn, không tránh được. Hiện nay, tình hình thế giới không khác gì thời Chiến quốc [5]. Những nước ngoài như nước Nga đã nảy ra Đại đế Peter chẳng hạn, đang có uy thế khủng khiếp đến không thể tưởng tượng nổi, do đó chuyện Nhật Bản đòi đánh đuổi người ngoại quốc như lối Nhương Di ấy là hành vi ngu xuẩn.

-Quan hệ giữa Kyoto (Thiên hoàng) và Edo (Mạc Phủ) cũng thật đáng lo buồn. Đã thấy bọn hai phiên trấn Satsuma và Choshu len vào giữa với mục đích tư lợi cho phiên trấn họ mà có hành động ly gián, sàm tấu lên Thiên hoàng. Phía Kanto cũng không nên mắc mưu bọn ấy mà đối ứng một cách khinh xuất.

-Thiển nghĩ khai quốc là xu hướng tất yếu rồi. Trong tình thế ấy thì chẳng còn ý nghĩa gì chuyện phân biệt công khanh của Thiên hoàng với võ sĩ của Mạc Phủ nữa. Phải trên dưới đồng một lòng mà gắng sức làm cho nước giàu binh mạnh. Phía Kanto cứ tin tưởng rằng Phủ Chúa Tokugawa sẽ đời đời cai trị thiên hạ được mãi thì là lối suy nghĩ thiển cận cùng cực, thật đáng buồn.

-Phiên trấn Nagaoka thì nói gì đi nữa cũng chỉ là một phiên trấn nhỏ, chẳng thể nào có sức để kéo đại thế của thiên hạ theo được. Từ đây, chỉ có thể chỉnh đốn chính quyền phiên trấn, nuôi dưỡng thực lực, nhận thức tình thế cho đúng, cố gắng tránh sai lầm to lớn, chứ không còn kế sách nào khác.

Đầu mùa hè năm Manen nguyên niên (1860), Kawai thôi học ở nhà Yamada Hokoku. Nghe đâu sau đó, Hokoku đã nói với người khác rằng: -"Người như vậy mà ở phiên trấn nhỏ như Nagaoka thì chẳng hiểu là phiên trấn ấy được lợi hay bất lợi", rồi lắc đầu với vẻ mặt khó hiểu.

Trở lại Edo, Kawai lại vào học trường Kyukeisha lần thứ ba. Cũng chẳng có vẻ gì là ham học. Có hôm cứ ru rú trong phòng riêng, gối đầu lên tráp sách bọc da, suốt ngày lăn qua lật lại. Khiến Mu-in lo lắng, mới hỏi:

-"Anh không trở về nhà ở Nagaoka sao?

Bởi Mu-in nghĩ mà thương cho người vợ của Kawai ở nhà. Kawai lăn đầu trên gối là tráp sách bọc da ấy, nhìn Mu-in chòng chọc mà nói:

-"Bé con không hiểu được đâu".

Ở trường cũng có người bảo là:

-"Nghĩ thân làm vợ của Kawai thật là tội nghiệp!".

Cũng có người kể:

-"Nghe đâu khi ra đi, anh chàng Kawai ấy đã bảo vợ: ta lên Edo tí đây. Người vợ hỏi: Edo thì cách Nagaoka bao xa?. Kawai nói: có gì đâu, cứ đi ngược sông Shinano là đến Edo rồi, khi nào muốn gặp thì cứ lên đấy là được. Vì vậy, người vợ cứ đinh ninh như thế mà an lòng một cách ngây thơ lạ lùng. Thật tội nghiệp!"

và tỏ vẻ vì nghĩa mà giận Kawai.

Có lần Mu-in được bạn học trong trường rủ đi xem hoa diên vĩ (iris) ở Horigi. Nghe đồn là danh thắng ở Edo đấy nên Mu-in định đi xem cho biết. Thấy Mu-in sửa soạn áo quần sắp sửa đi, Kawai từ trong phòng nhìn Mu-in chăm chú mà nói:

-"Xem về thì cho biết ra sao nhé".

Mu-in ra đi theo bạn. Nhưng phương hướng đường sá thì không quen. Trên đường về, Mu-in bị dắt vào khu chơi bời Yoshiwara, lôi vào nhà chứa mà không biết.

-"Đây là chỗ gì vậy?"

Mu-in hỏi thì cả bọn cười ngất. Chúng bạn bảo đây là "bất dạ thành" (thành không có đêm) vang danh thiên hạ đấy.

-"Cậu thì chưa khai bút chứ gì, phải không nào? Lúc như thế này thì phải ngoan ngoãn nghe theo lời đàn anh mới được đấy".

Mu-in mới 17 tuổi, sợ quá. Nỗi sợ hãi ngây thơ của tuổi trẻ đấy, nhưng một phần cũng vì lo sợ không biết người hướng dẫn là Kawai sẽ nói gì nếu biết được là anh đã đến chỗ ác ôn thế này. Mu-in quyết liệt từ chối mà bỏ về. Lập tức vào phòng Kawai báo cáo. Kawai gật gù:

-"Thế thì tốt lắm. Ta thấy bọn này gồm những đứa xấu thì đã định cản cậu đừng đi, thế nhưng nghĩ lại cậu cũng đã 17 tuổi rồi, nên làm thinh đấy. Ta mới mua sẵn nhiều bánh bao lắm, ăn đi"

rồi cho luôn cả bao bánh.

Mu-in được Kawai khen ngợi thì cảm động đến muốn rơi nước mắt. Anh tin rằng người như Kawai hẳn là không đến những chỗ ác ôn như thế.

Nhưng vài ngày sau, Mu-in nghe người ta nói:

-"Không ai đi chơi nhà thổ nhiều bằng Kawai cả".

Mu-in nổi giận, nhân thể còn lại 2, 3 chiếc bánh bao nhận được mấy ngày trước, bèn xách tới trả lại. Kawai vẫn gối đầu lên tráp sách bằng da ấy, chẳng lộ vẻ gì là ngạc nhiên hay lúng túng cả.

Kawai có bộ não lạ lùng. Có vẻ là đã đoán trước được sự việc sẽ xảy ra, giống như đoán được nước cờ tướng (Nhật Bản) vậy. Như chuyện Mu-in đi xem hoa diên vĩ xong thì sẽ như thế nào, ghé lại xóm chơi bời Yoshiwara thì chắc chắn sẽ bỏ về, đoán như thế nên Kawai mới mua bánh bao để sẵn. Mà cả đến việc Mu-in nghe lời đồn, tức mình mà trả bánh lại, có vẻ Kawai cũng đoán được trước nữa.

Kawai chẳng lộ vẻ gì, chỉ vươn tay đón lấy bánh bao cho vào miệng, chầm chậm nhai kỹ, nuốt xuống họng, rồi nhỏm người, bật khoá lưỡi liềm, giở nắp tráp lấy ra một cuốn tập nhỏ.

-"Sách gì thế?"

-"Sách ghi chi tiết xóm Yoshiwara đây".

Mu-in cầm cuốn tập giở ra xem. Thấy in rõ ràng chi tiết giá cả và bình phẩm về từng cô trong số ba ngàn 8 trăm 15 gái làng chơi trong xóm Yoshiwara ấy.

-"Dấu hiệu này là gì thế?"

Mu-in chỉ vào các dấu hiệu bằng mực đỏ mà Kawai đã ghi phía trên tên của các cô.

-"Các cô mà ta đã mua đấy".

Đáng ngạc nhiên là bằng vào các dấu hiệu ấy thì hẳn là Kawai đã mua dâm từ tất cả các cô nổi tiếng ở Yoshiwara rồi, không chừa cô nào.

Dấu hiệu thì có ba loại: hình tam giác, vòng tròn đơn và vòng tròn kép. Có dấu hiệu đã bị xoá đi. Mu-in hỏi về ý nghĩa của các dấu hiệu ấy thì Kawai chỉ mỉm cười nhẹ mà không giải thích rõ ràng. Chỉ nói:

-"Đã mua như thế rồi đấy. Đối với đàn ông, các cô có dấu vòng tròn kép đó chẳng phải là thứ địch thủ dễ thắng. Ta đã thường cho rằng chỉ có những tên đàn ông yếu đuối về tình cảm mới mê say đàn bà mà thôi. Nhưng thật chẳng phải thế. Có thể những tên đàn ông yếu kém thì mê say các cô cỡ dấu hiệu tam giác hay vòng tròn đơn ấy thôi. Còn bậc anh hùng hào kiệt thì mê đắm các cô có dấu vòng tròn kép ấy. Bảo là mê đắm, nhưng chẳng phải vì các cô khéo chiều chuộng, nâng áo khoác vào người cho mình hay vỗ lưng âu yếm mình gì đâu. Cái tình của các cô này có chút hơi hướm gì đấy không thể gọi tên là gì được, thế mà cả lòng lim dạ sắt của người đàn ông phải tan chảy vào đấy lúc nào không hay. Mà bậc anh hùng hào kiệt thì lại càng dễ đắm đuối hơn người thường nữa..."

-"......"

-"Vì thế nên ta đã thử xem cho biết. Và cuối cùng đã đi đến tận chỗ không còn đi thêm được nữa, thì hiểu ra rằng đàn bà là quý lắm đấy. Đến có thể làm tim mình run lên được. Cả đến bây giờ, ta cũng nghĩ như thế".

Màu mắt Kawai chợt biến đổi. Có lẽ chàng ta đang tưởng nhớ tha thiết đến một cô nào có dấu vòng tròn kép ấy rồi.

-"Từ đó, ta ngừng hẳn. Ta là kẻ trù liệu trước đại khái cuộc đời của mình mà sống theo đó. Quả thật nhà ta lãnh bổng lộc không bao nhiêu, phiên trấn của ta chỉ là một phiên trấn nhỏ, nhưng cũng chính vì nhỏ nên phiên trấn sẽ có ngày cần đến ta. Và quả thật, đằng nào cũng chỉ sống được một đời, thì lòng lim dạ sắt có tan chảy vì đàn bà đi nữa, cũng có thể là điều thú vị. Tuy nhiên, con người không thể sống hai cách sống cùng lúc được. Ta phải sống cho đúng với sự trù liệu trước của mình đó thôi".

Sự trù liệu mà Kawai nói đó hẳn là cố gắng xây dựng cốt cách người anh hùng trong con người của anh ta. Giống như lời thơ mà Kawai đã làm:

"Thập thất thiên thệ phù quốc nghĩ"

(17 tuổi, ta thề với trời sẽ mưu tính chuyện giúp nước)

Anh chàng này có lẽ đang tiếp tục cố gắng suy tính nhiều phương cách để đạt tới mục đích ấy.

Không bao lâu sau, Kawai Tsugunosuke trở về quê hương là phiên trấn Nagaoka vùng Echigo. Qua năm sau, Bunkyu thứ nhì (1862), ngày 24 tháng 8, Lãnh Chúa là Makino Tadayuki được lệnh nhậm chức Đại lý cho Mạc Phủ ở kinh đô Kyoto. Tadayuki rời Nagaoka ngày 15 tháng 9, đến dinh của phiên trấn ở phường Nijo, Kyoto ngày 29.

Kawai lưu lại Nagaoka. Một ngày nọ, không hiểu là đã nghe được gì trong thành mà vội vã về nhà gọi vợ:

-"Suga ơi, dọn cơm ra!"

Suga lập tức dọn cơm nước, và hỏi chồng:

-"Lần này, anh đi đâu đấy ạ?"

-"Em hiểu được thế à!"

Đang và cơm, Tsugunosuke chợt ngưng đũa.

Suga im lặng mỉm cười. Sống với chồng lâu ngày thì chỉ cần nhìn dáng điệu chồng cũng hiểu ra được.

-"Đi lên kinh đô đây". Tsugunosuke đáp rồi tiếp tục và cơm.

Suga cười khổ sở, đi chuẩn bị hành lý cho chồng ngay. Từ năm 16 tuổi rời nhà Nagino vào làm dâu nhà này đến giờ, chưa có lúc nào thấy chồng ở yên trong nhà được đến một năm. Tuồng như Suga vào làm vợ Tsugunosuke chỉ để sửa soạn hành lý cho chồng mà thôi vậy.

Tsugunosuke đến Kyoto, vừa vào đến dinh cơ của phiên trấn, đã xin vào gặp quan Đại lý ngay. Tsugunosuke thưa lên rằng quan Đại lý nên từ chức ngay mà về xứ thì hơn.

-"Chức Đại lý này, lúc Mạc Phủ còn có uy quyền thì chẳng nói làm gì, chứ tình thế đã như thế này, thì chẳng còn ích lợi gì nữa cả. Hiện nay, các phiên trấn mạnh là Satsuma và Choshu cử binh canh giữ các cửa hoàng cung, mượn oai triều đình mà chẳng coi Mạc Phủ ra gì, còn trong kinh đô thì bọn võ sĩ mất chủ tướng tha hồ tung hoành coi như chẳng có các sở cảnh sát. Trong thời thế này, muốn trị an kinh đô thì phải có uy thế binh bị của một phiên trấn cỡ một triệu hộc kia. Chứ phiên trấn nhà giỏi lắm cũng chỉ ở mức 74 ngàn hộc thì thấy rõ trước mắt là sẽ sa lầy mà chẳng làm nên chuyện gì cả."

-"Ăn nói vô lễ quá!".

Quan tham chính Mima Yasuemon ngồi bên cạnh đánh cây quạt vào đầu gối mà mắng.

Nhưng Tsugunosuke không thèm để ý. Yasuemon lại càng nạt lớn hơn.

Tsugunosuke quay nhìn, ra vẻ như mới chợt để ý có Yasuemon ngồi đấy, rồi lắc đầu nhẹ mà nói:

-"Chẳng lẽ ngài nghĩ rằng nạt nộ người ta thì lay chuyển được thời thế sao chứ?"

Tsugunosuke lập tức bỏ về phiên trấn.

Quan Đại lý cũng nghĩ ý kiến của Tsugunosuke là đúng nên tháng 7 năm sau đã từ nhiệm mà trở về Nagaoka. Nhưng Mạc Phủ vẫn cất nhắc Tadayuki lên chức quan Lão Trung [6]. Nghe tin ấy, Tsugunosuke đang ăn bữa trưa liền vất đũa, nói:

-"Thật là điên khùng!"

Suga nhặt đũa lên, hỏi:

-"Anh lại sắp đi xa nữa à?"

-"Không, ta lên thành đây".

Vào yết kiến Lãnh Chúa, Tsugunosuke lại thưa:

-"Lúc này, thân làm Lãnh Chúa một phiên trấn nhỏ thì chẳng nên nhận chức quan Lão Trung gì đấy của Mạc Phủ. Thế nào cũng xin từ tạ đi cho".

Ý kiến của Tsugunosuke là thời thế này, việc gắng sức làm sao cho xứ giàu binh mạnh trong phiên trấn của mình mới là việc khẩn cấp nhất. Chứ làm chức quan Lão Trung gì đấy đi nữa, lúc này Mạc Phủ đã đến hồi không còn cựa quậy gì được nữa rồi, thì chỉ tốn công quỹ của phiên trấn vào việc vô ích mà thôi.

-"Nhưng ta đã nhận lãnh rồi mà".

Tadayuki đáp, rồi cho Tsugunosuke đi ra, nhưng ấn tượng mãnh liệt từ gã đàn ông tướng tá kỳ dị ấy vẫn còn lưu lại rất lâu. Tadayuki nhậm chức xong, liền ra lệnh cho Tsugunosuke theo lên làm việc ở Edo, đề bạt cho làm chức vụ Hành khiển cho cả phiên trấn lẫn Mạc Phủ. Việc đề bạt như thế thật hiếm có.

Tsugunosuke vui vẻ lên Edo làm việc, lần này lấy cương vị công vụ mà khuyên Lãnh Chúa từ nhiệm, mỗi ngày vào yết kiến lại thuyết phục như thế. Hàm ý của Tsugunosuke vẫn là: ngày nay Mạc Phủ đã đến lúc không còn sức sống nữa rồi, có giúp vào cũng vô ích thôi. Trong khi đó, việc quan trọng cần kíp là làm sao cho phiên trấn Nagaoka sớm được xứ giàu binh mạnh. Được như thế thì cũng là giúp cho cả nước Nhật Bản vậy.

Cuối cùng, Tadayuki đã chấp nhận ý kiến của Tsugunosuke mà xin từ nhiệm vì lý do bệnh hoạn.

Nhưng Mạc Phủ đoán được rằng đấy là bệnh giả, nên cho Lãnh Chúa Makino Sadaaki của phiên trấn Kasama vùng Joshu, là phiên trấn vệ tinh của Nagaoka, đến dinh Lão Trung ở Tatsunokuchi để viếng bệnh mà thuyết phục Tadayuki bỏ chuyện từ nhiệm. Tadayuki đành phải ngồi nghe thuyết phục, bên cạnh có Tsugunosuke.

Tsugunosuke thì lúc nghị luận, chẳng cần biết ai là ai cả, nhiệt liệt phản luận, đến mức mắng cả vào mặt Lãnh Chúa Makino Sadaaki tước Hầu đất Kasama ấy. Vì vậy Tsugunosuke bị đuổi ra ngoài, tức thì sau đó đã viết biểu xin từ chức mà trở về Nagaoka, chấm dứt 5 tháng làm việc ở Edo.

Suga ra cửa đón ông chồng tiến thoái quá ư bận rộn này. Đêm đó, cha Tsugunosuke là Shiroemon ái ngại nói với vợ là Tei:

-"Con dâu Suga nhà mình thật là tội nghiệp!".

Bởi chồng cứ rời nhà ra đi lúc nào chẳng biết. Nghĩ lại từ lúc hai người lấy nhau, Suga 16 tuổi, Tsugunosuke 23 tuổi, đến nay, chưa có lúc nào Tsugunosuke an vị ở nhà quá 6 tháng.

-"Cứ như thế thì làm sao mà có thời gian để có con cái gì được chứ!". Đã có người trong đám thuộc hạ của Lãnh Chúa nói lén như thế. Mà thật, hai người chưa có lấy một đứa con.

Shiroemon cười khổ sở:

-"Con dâu nhà mình lấy phải thằng chồng như thế thì chịu khổ nạn đã đành, mà cả Lãnh Chúa cũng phải chịu thêm gánh nặng này nữa. Bao nhiêu lần lãnh chức này chức nọ rồi mà chức nào cũng từ nhiệm ngay thôi. Cả đời, định làm gì chẳng biết nữa!"

Nói vậy chứ chẳng phải là ông bất mãn về con mình.

-"Tsugunosuke là người có chủ trương quá mạnh về chuyện phiên trấn Nagaoka này phải như thế nào. Người như thế không thể làm một viên quan nhỏ trong phiên trấn được đâu. Trên mình mà có một người cấp trên thì thế nào cũng xung đột. Tsugunosuke thì chỉ có thể làm chức quan Gia lão cao nhất trong phiên trấn mà thôi".

Lời Shiroemon nghe ra như tự trào. Bởi nhà Kawai xưa nay chẳng phải là nhà làm quan cao. Đừng nói chi đến chức quan Gia lão cao nhất, ngay cả chức quan Gia lão thường đi nữa, cũng chưa có ai trong gia hệ này đạt tới cả. Có lẽ rồi Tsugunosuke cuối cùng cũng chỉ là thứ con mồ côi trong đám thuộc hạ của Lãnh Chúa mà thôi.

-"Vậy cũng xong".

Shiroemon nửa như chịu thua số mệnh về chuyện có được đứa con kỳ lạ này.

Nhà Kawai tuy lãnh bổng lộc ít, nhưng cũng đã được cấp đất phong, và từ đời tổ tiên đã mua sẵn nhiều ruộng đất. Cho dù không có chức vụ gì đi nữa, cũng có gia sản đủ để sống tự lập thoải mái.

-"Cứ để mặc nó muốn gì làm nấy thôi!"

Từ ngày trên Edo trở về, Tsugunosuke đâm ra mê mải chuyện tập bắn súng mỗi ngày. Người này thì ngày trước đã gõ cửa Sakuma Zomon mà học về súng pháo Tây phương, đã có đầy đủ kiến thức rồi, nhưng loại súng ống đó thì khó mà vào tay được ở xứ Nagaoka. Vì vậy, Tsugunosuke đã cho chế tạo khẩu súng có dây mồi lửa bắn đạn 10 mon (chừng 40 g), vác lên vai đến bãi tập bắn của phiên trấn mà tập luyện, cuối cùng bia bắn xa cỡ 90 mét thì không trật phát nào.

-"Tây phương có thứ súng gắn lưỡi lê, nếu ta mà chỉ huy được một đội quân chừng ngàn người cầm súng gắn lưỡi lê ấy thì bất cứ địch quân kiên cố đến đâu cũng phá được".

Tsugunosuke nói như thế với mọi người, và không chỉ nói, mà còn tưởng tượng hình dáng mình đang chỉ huy đội quân ấy, và làm cả thơ nữa:

"Kiếm súng thiên binh phá kiên trận"

(Ngàn binh trời cầm súng gắn lưỡi lê phá tan địch trận kiên cố)

Lời thơ ấy, Tsugunosuke bắt một người giỏi viết chữ trong phiên trấn viết và lồng khung đẹp đẽ mà treo trong thư phòng. Mỗi ngày ngắm nghía mà mộng tưởng hình dáng mình đang chỉ huy đội bộ binh vũ trang theo kiểu Tây phương, trong khói súng mịt mù!

Tsugunosuke bước đi trong các xóm quanh thành, lưng không đeo kiếm mà lại có vẻ đắc ý lắm. Người nào chặn hỏi thì được dịp trình bày thuyết của mình rằng:

-"Võ sĩ thời nay không cần đeo kiếm nữa. Kiếm thì dùng gì được trong chiến tranh từ đây về sau?"

và nói thêm:

-"Người ta còn bảo võ sĩ phải giỏi cung tên nữa. Chừng nào còn nói như thế thì chưa ngóc đầu lên được. Từ nay về sau, chỉ có những người biết cách dùng súng ống đạn dược, biết thuật hàng hải thì mới đáng được gọi là võ sĩ mà thôi".

Chẳng bao lâu sau, Lãnh Chúa Tadayuki từ chức Lão Trung trở về Nagaoka, liền cho gọi Tsugunosuke vào để hỏi phiên trấn này nên có phương châm như thế nào. Tadayuki đã nghe đồn về lời thơ khẩu khí "Kiếm súng thiên binh phá kiên trận" rồi nên đoán trước là Tsugunosuke sẽ khuyên "phải trang bị binh sĩ phiên trấn theo lối Tây phương", thế nhưng Tsugunosuke lại thưa:

-"Trước hết, cần làm giàu cho nền tài chính của phiên trấn. Mọi việc khác thì khi nào có vàng trong tay hẵng nghĩ đến. Thiển nghĩ ngoài việc ấy ra, mọi kế sách khác đều vô ích trong lúc này".

Phiên trấn Nagaoka công xưng là cỡ 74 ngàn hộc, nhưng thực tế thu hoạch được đến 20 vạn hộc. Thế nhưng, tiêu phí vô bổ quá nhiều, đến nỗi nợ nần chồng chất như núi, nền tài chính của phiên trấn bị sa lầy không làm gì được cả. Lãnh Chúa bèn hỏi tiếp Tsugunosuke về chuyện tài chính. Tsugunosuke thưa chuyện thật dài dòng, tỉ mỉ.

Vài ngày sau, Tsugunosuke được cất nhắc lên chức quan trọng yếu là Chưởng quản Địa phương. Lập tức, Tsugunosuke hạ lệnh cho tất cả các quan quản lý ở các địa phương phải nghiêm cấm tham nhũng, không được nhận hối lộ từ các làng xã. Tsugunosuke thực thi nhiều cải cách về kinh tế tài chính và hành chính, trong đó có cả việc bãi chức một số quan lại địa phương đã móc nối với các nhà thầu gạo để đục khoét gạo nạp thuế của dân.

Lãnh Chúa quá đỗi vui mừng về tài năng hành chính có phần bất ngờ của Tsugunosuke nên qua năm sau, Keio thứ 2 (1866), đã cho Tsugunosuke kiêm cả Chưởng quản Thủ phủ Edo ngoài chức Chưởng quản Địa phương, rồi năm tiếp đó, cho kiêm luôn chức vụ cố vấn thâm niên của Lãnh Chúa. Do tay của Tsugunosuke, nền tài chính của phiên trấn được phục hồi nhanh chóng như phép lạ, không chỉ trả sạch được tất cả các món nợ cũ, mà đến cuối năm Keio thứ 3 (1867), trong kho bạc của phiên trấn đã có 99.960 lạng vàng dư dùng, là số vàng mà ban Kế toán của phiên trấn Nagaoka chưa từng được thấy bao giờ.

Ngày trước, Tsugunosuke có lần đã nói:

-"Ta là võ sĩ đấy, nhưng về việc kinh tài vẫn muốn thành một kẻ có khả năng như người quản lý hiệu buôn Echigo kia".

và thực tế, Tsugunosuke đã đến trú ngụ nhà Yamada Hokoku ở phiên trấn Matsuyama vùng Bitchu cũng để học hỏi việc kinh tài ấy. Những điều học được quả thật đã đem lại kết quả tuyệt vời.

Lãnh Chúa Tadayuki đã vui mừng khôn xiết nên tháng tư năm sau, Keio thứ tư, cũng nhằm vào Minh Trị nguyên niên (1868), đã phong cho Tsugunosuke, người đã tạo ra 99.960 lạng vàng dư dùng ấy, chức quan Gia lão, rồi ngay tháng sau, tháng tư nhuận, đã thăng cấp thành quan Nhiếp chính tức là Gia lão hạng nhất của phiên trấn.

Tính từ ngày Tsugunosuke nhậm chức Chưởng quản Địa phương, chỉ chừng 4 năm mà đã thăng đến chức quan cao nhất, thì quả là sự thăng tiến dị thường.

Người vợ là Suga vui mừng nói với mọi người:

-"Dạo này ông ấy không còn đi xa qua các xứ khác nữa, nên cũng đỡ cho tôi lắm".

Tsugunosuke dần dần trở thành nhà độc tài ở phiên trấn Nagaoka. Suga thì vui mừng vì ông chồng ở nhà chứ không còn đi xa nữa, nhưng phiên trấn Nagaoka 74 ngàn hộc thì từ khoảnh khắc ấy, đã chọn cho mình một định mệnh bất tường.

*

Kawai Tsugunosuke nắm chính quyền phiên trấn Nagaoka vào tháng tư nhuận năm Keio thứ tư, nhưng ngay từ đầu năm, khoảng Tết năm đó, đã xảy ra trận giao tranh ở Toba-Fushimi vùng kinh đô, khiến quân chủ lực của Mạc Phủ thua chạy về Edo; đến tháng 2, Thiên hoàng hạ sắc lệnh thảo phạt nhà Tokugawa; tháng 3, Đông chinh Đại Tổng đốc tư lệnh quan quân triều đình đã vào thành Sunpu; tháng 4, tiếp thu thành Edo, rồi đến tháng tư nhuận thì tên hiệu thần-thánh-hoá của Toyotomi Hideyoshi là Hokoku Daimyojin (Phong quốc đại minh thần) bị phế bỏ suốt gần 300 năm Mạc Phủ Tokugawa, đã được phục hồi.

Nhưng Tsugunosuke không nghĩ là thời thế đã thay đổi. Tsugunosuke là một nhà tư tưởng về chính trị giỏi, nhưng có điều không phải là nhà cách mệnh. Bởi lẽ, người đàn ông có thể nói là nhạy cảm nhất đối với thời thế là Tsugunosuke lại không hề nghĩ đến khái niệm chính trị "xây dựng quốc gia thống nhất lấy trung tâm là triều đình ở Kyoto". Tsugunosuke lại nghĩ biến động này chỉ là "âm mưu của liên minh hai phiên trấn Satsuma và Choshu" mà thôi. Sự thực, thời thế đã đến như thế này cũng quả là do hai phiên trấn Satsuma và Choshu đã tận lực thực hiện âm mưu mà ra, thế nhưng âm mưu đó không phải là loại âm mưu của thời Chiến quốc mà Tokugawa Ieyasu đã dùng để diệt nhà Toyotomi Hideyoshi để giành chức Shogun(Tướng quân). Âm mưu thời này chẳng phải để đưa nhà Shimazu (phiên trấn Satsuma) hay nhà Mori (phiên trấn Choshu) lên làm Chúa - Shogun, mà là để xây dựng một quốc gia thống nhất mới.

Tsugunosuke đã không hiểu điều đó. Mà cũng chẳng có gì đáng trách. Bởi ngay cả Saigo Kichinosuke (Saigo Takamori 1828 - 1877, một trong những nhân vật lịch sử nổi tiếng nhất cuối thời Mạc Phủ đầu thời Minh Trị), người chỉ đạo phiên trấn Satsuma, một trong hai phiên trấn thế lực nhất trong khối phò triều đình ở kinh đô Kyoto (đối lập với khối phò chính quyền Mạc Phủ ở Edo) cuối thời Mạc Phủ này, ngay trước giờ ký mật ước liên kết hai phiên trấn Satsuma và Choshu, cũng vẫn chưa dứt được ý nghi ngờ rằng "Phiên trấn Choshu chẳng phải là nhắm đến chuyện lập Mori lên làm Shogun đó sao?". Xem thế thì người ở địa phương Hokuetsu là Tsugunosuke có quả quyết điều đó mãnh liệt như thế cũng phải nói là chuyện đương nhiên đó thôi.

Lại nữa, phiên trấn Nagaoka không chỉ là danh môn đời đời là gia thần của Mạc Phủ Tokugawa, mà ông tổ nhà Makino ấy là Yasunari đã là một trong 17 đại tướng thân tín của Tokugawa; đời con là Tadanori, tức là ông nội của Lãnh Chúa hiện thời, đã là tướng giữ thành Ushikubo của phiên trấn Mikawa là đất khởi nghiệp của nhà Tokugawa nữa. Tự nhiên là rất nhiều phiên sĩ của phiên trấn Nagaoka là hậu duệ của những võ sĩ cùng quê Mikawa với nhà Tokugawa, đến có thể nói là phiên trấn Nagaoka được cai trị bởi một tập đoàn võ sĩ gốc Mikawa đó. Trí não Tsugunosuke do đó cũng bị hạn chế bởi hoàn cảnh như thế. Giá như người đàn ông này mà sinh ra ở phiên trấn Satsuma hay Choshu, Tosa, thì có khi đã làm được chuyện chuyển đổi cả thiên hạ còn hơn Saigo, Katsura, Sakamoto không chừng.

Từ khi nghe tin Đông chinh Đại Tổng đốc thống suất quan quân triều đình rời kinh đô, Tsugunosuke đã trở thành năng động dị thường đến nỗi được gọi là người "mọc cánh sau lưng". Tsugunosuke bảo: "nếu cảng Yokohama lọt vào tay liên quân Satsuma-Choshu thì chuyện giành thiên hạ chấm dứt mất", nên vội vàng đi cả ngày lẫn đêm không ngừng nghỉ đến Yokohama để tom góp súng đạn võ khí Tây phương trước khi quan quân triều đình tiến đến phía đông.

Đương thời, Yokohama đầy những người ngoại quốc đến bán võ khí, từ các nước lợi dụng nội loạn ở Nhật Bản, đặc biệt các nhà buôn nước Anh là nhiều và có thế lực nhất, hơn nữa, công sứ quán Anh quốc còn ngầm chỉ thị kiếm khách giàu có từ các phiên trấn phía tây Nhật Bản mà dẫn đầu là Satsuma, Choshu và Tosa. Còn bán võ khí cho các phiên trấn ở Kanto, Tohoku chủ yếu là Edward Schnell, một nhà buôn quốc tịch Hà Lan gốc Thụy Sĩ.

Tsugunosuke bước vào văn phòng của Schnell bên cạnh Khách sạn Anh quốc. Vẫn chẳng mang kiếm đeo lưng.

-"Tôi là Kawai Tsugunosuke ở phiên trấn Nagaoka".

Tsugunosuke đưa danh thiếp cho người Nhật hầu phòng. Rồi được đưa vào phòng tiếp khách. Vốn là người ưa điều nghiên nên trước khi đến đây, Tsugunosuke đã tra cứu đầy đủ về nhân vật Schnell này. Rằng Schnell đúng là dân Hà Lan rành các thói xấu của quan lại Nhật Bản; nổi tiếng về chuyện giỏi đút lót các quan lo việc thu mua của các phiên trấn, để bán hàng được giá cao vượt bậc; và khó chơi nhất là có thói hễ gặp khách hàng ngây thơ là kiếm cách bán tháo các thứ súng cũ lỗi thời. Nạn nhân loại này là các phiên trấn phía đông hay phía bắc, chỉ trừ vài phiên trấn miền nam, phần đông đã mua nhằm thứ súng Goebel mà lục quân Âu Mỹ đều phế bỏ, không còn nước nào dùng nữa. Khổ là các viên chức thu mua của các phiên trấn này đều chẳng có kiến thức bao nhiêu về binh khí tân tiến, nên dễ thoả nguyện, cứ nghĩ là mua được "súng Tây phương" là đủ để biện minh khi về lại phiên trấn nhà. Thế nhưng kiểu súng Goebel này thì chỉ có khác ở chỗ bộ phận phát hỏa dùng đá lửa thay vì dây dẫn hoả, chứ vẫn nạp đạn đằng đầu, và phía trong nòng súng thì vẫn trơn tuột, chẳng hơn gì loại súng điểu thương Tanegashima cổ hủ cả. Vì vậy thao tác phát hoả rất là mất thì giờ, súng Goebel chờ cho nổ được một phát thì những kiểu súng khác mới hơn đã bắn được mười phát rồi. Tsugunosuke hiểu được chính sự khác biệt này đã là yếu tố quyết định thắng bại trong trận Toba-Fushimi giữa quân Satsuma-Choshu và quân Aizu.

Schnell bước vào phòng. Người đàn ông này biết nói tiếng Nhật. Thêm nữa, đã điều nghiên trước rất kỹ về người khách đến gặp là Kawai: nhân vật như thế nào, tình hình của phiên trấn Nagaoka ra sao, có khả năng chi trả hay không,..., do đó đã biết rằng người khách đang đứng trước mặt mình, lông mày màu nâu này là "thủ tướng" của phiên trấn Nagaoka. Và Schnell căng thẳng lắm vì "thủ tướng" ấy đích thân tìm đến để mua súng.

-"Tôi muốn xem các mẫu súng".

Tsugunosuke nói, không cả mỉm cười nữa.

Schnell lập tức ra lệnh cho người làm bày ra các súng mẫu. Quả nhiên, ông ta không ngu dại đến nỗi bày kiểu súng Goebel ra trước mặt Tsugunosuke. Trước tiên, Schnell trình bày kiểu súng Minier mà quan quân triều đình và liên quân Satsuma-Choshu sử dụng, và nói:

-"Xạ trình súng này rất xa".

-"Tôi biết". Tsugunosuke đáp.

Sau đó, Schnell trình bày các kiểu súng Enfield, Schneiden, Sharps, Shaspo, Spencer,... Schnell hăm hở khuyến dụ mua súng Sharps chế tạo ở Mỹ. Nòng súng ngắn, dễ thao tác, độ chính xác cao, nạp đạn ở cuối nòng súng,...

-"Loại súng này hẳn là giá rẻ rồi". Tsugunosuke nói.

Schnell vội nói: -"Không đâu, giá cao đấy, chẳng phải là thứ rẻ đâu!".

Tsugunosuke tức thì lấy ống mực và giấy mang theo sẵn, vẽ ra địa đồ đại lục Mỹ châu, rồi hỏi:

-"Đây là bản đồ nước nào, ông biết chứ?"

-"Thưa, nước Mỹ". Schnell đáp, có vẻ bị khí phách của Tsugunosuke áp đảo.

-"Đúng rồi. Theo niên hiệu của chúng tôi mà nói thì năm Bunkyu nguyên niên (1861), ở nước này đã xảy ra nội loạn là Chiến tranh Nam Bắc. Nay thì sắp sửa chấm dứt rồi. Những võ khí đã chế tạo ra trở nên dư thừa quá, vì vậy mới tràn ra nước ngoài. Cả thế giới đâu cũng thấy bán vô số. Vậy mà ông cũng nói là giá cao được sao?"

Schnell làm thinh.

-"Hơn nữa, tôi không thích kiểu súng Mỹ này. Nòng súng ngắn quá. Có lẽ ở xứ họ, súng này được dùng cho kỵ binh. Nhưng trong trường hợp đánh cận chiến thì súng phải làm phận sự của thương kích, mà chiến thuật dùng thương kích của Nhật Bản thì xưa nay vẫn là nhất thế giới đấy. Cho nên, súng nòng dài thì tốt hơn. Tôi chọn súng Minier".

Đó là loại súng chế tạo ở Anh mà liên quân Satsuma-Choshu sử dụng, ở Anh thì chính thức không còn dùng trong quân đội nữa nên giá rẻ. Tsugunosuke hứa sẽ mua hàng loạt loại súng ấy. Dự định là sẽ trao cho tất cả các nhà võ sĩ trong phiên trấn, từ võ sĩ cao cấp nhất cho đến bộ tốt, mỗi nhà một khẩu.

Thêm vào đó, Tsugunosuke còn nói đến súng Enfield. Cũng chế ở Anh quốc, là loại Minier cải biến, nạp đạn ở cuối nòng súng, vì là kiểu mới nên giá cao hơn. Mà số lượng có sẵn ở các cảng Yokohama, Thượng Hải, hay Hongkong cũng chẳng bao nhiêu.

-"Lấy cả loại súng ấy nữa".

Tsugunosuke nói số lượng muốn mua. Định dùng loại súng này để trang bị giống như bộ binh của Pháp. Hẳn là sẽ phát huy được uy lực trong các trận đánh quy mô nhỏ.

Tsugunosuke ra giá, ngã ngũ xong liền trao tiền đặt cọc do người tháp tùng mang theo sẵn. Việc mua bán võ khí thời bấy giờ ở Yokohama đều dùng tiền mặt cả.

-"Số tiền còn thiếu thì sẽ trao ngay khi nhận được hàng. Hải cảng chỉ định là nơi nào?"

-"Thưa, Niigata".

-"Được rồi. Chính tôi sẽ đến đấy nhận hàng. Ở hải cảng ấy, mong sẽ gặp ông hoặc là người đại lý của ông".

Schnell bắt tay Tsugunosuke, nói rằng: đến Nhật Bản và Trung quốc lâu nay mới gặp được một "thương nhân" đúng điệu. Theo cách nói của Schnell, "thương nhân" hàm ý tán dương cao quý nhất.

Tsugunosuke còn đặt thêm bốn cỗ đại bác nữa. Schnell thấy người "thủ tướng" của phiên trấn Nagaoka này đặt mua lượng võ khí còn nhiều hơn cả các phiên trấn hùng mạnh nhất ở phía bắc, phía đông bắc Nhật Bản, thì hiểu được rằng đúng như tiếng tăm bao lâu nay, đây là một phiên trấn tuy nhỏ nhưng giàu có; đồng thời Schnell hiểu được chỗ đặc sắc trong con người của Tsugunosuke, nên nắm chặt bàn tay Tsugunosuke mà nói:

-"Trong công cuộc chuẩn bị chiến tranh của quý phiên trấn, tôi sẽ xin hết lòng giúp sức".

-"Không phải chuẩn bị chiến tranh đâu, chỉ là việc cải cách chế độ binh bị. Tôi chỉ muốn thay đủ số thương kích đang dùng trong phiên trấn bằng súng Minier đó thôi".

Tsugunosuke đáp, với vẻ mặt bình thản như chẳng có gì đáng kể, nhưng Schnell chỉ dang rộng hai tay ra mà cười, không nói gì thêm. Schnell là kẻ đã bước đi giữa khói thuốc súng khắp các miền đất Á Châu rồi, nếu không có năng lực đánh hơi trước được mùi thuốc súng đây đó thì chẳng làm nghề buôn súng này được.

Tsugunosuke lập tức trở về Nagaoka. Không bao lâu sau, thuyền của Schnell cập bến Niigata. Thuyền loại schooner có nhiều cột buồm dọc, trọng tải 400 tấn, tên là chiếc Kaganokami, giương cờ Hà Lan. Rồi 2 tháng sau, cũng chiếc Kaganokami này lại cập bến Niigata, rộn ràng bốc giở lên bờ những súng ống, đại bác, đạn dược và các thứ phụ tùng. Sau đó, hầu như cứ cách tháng lại thấy chiếc tàu này cập bến. Schnell không chỉ bán cho phiên trấn Nagaoka, mà còn dùng cảng Niigata này làm căn cứ để bán võ khí cho các phiên trấn ở phía đông bắc nữa.

Cảng Yokohama thì chẳng bao lâu đã bị quan quân triều đình bao vây. Nhưng các xứ phía bắc và đông bắc thì chỉ cần đến Niigata là mua được võ khí từ Schnell nên cũng chẳng bị khó khăn gì. Phiên trấn Aizu đã trả cho Schnell 7.200 đô la, Yonezawa trả 56.250, Shonai trả 52.131,... nhưng hẳn là phiên trấn nhỏ nhất trong bọn là Nagaoka đã trả cho Schnell nhiều nhất rồi.

Để có tiền mua võ khí như thế, Tsugunosuke đã thực thi chính sách thu thuế và tiết giảm kinh phí thật hiệu quả, ngoài ra còn phát huy khả năng kinh tài đến mức thiên tài nữa, khiến cho giới kinh doanh quanh thành Nagaoka phải thán phục mà kháo nhau rằng:

-"Ngài Kawai làm võ sĩ thật là uổng phí!"

Sau khi Mạc Phủ trả lại chính quyền cho triều đình, các chư hầu rời bỏ Edo, Tsugunosuke lúc đó mới bán hết gia bảo đồ đạc trong dinh cơ nhà Lãnh Chúa Makino ở Edo cho người ngoại quốc ở Yokohama, thu được vài vạn lạng vàng; và cho chở gạo trong kho của phiên trấn Nagaoka lên bán được giá ở Hakodate; thêm vào đó, để ý thấy giữa Edo và Niigata, một lạng vàng có giá khác nhau đến 3 tiền, nên đã mua 2 vạn lạng vàng, cho thuyền chở lên Niigata bán cho các nhà buôn chuyên đổi tiền trên đó để lấy được món lời lớn, đến như phiên trấn Nagaoka trở thành nhà thầu đổi tiền vậy.

Tất cả các món lời thu được đều dùng vào việc mua võ khí cả. Và tất cả võ khí mua được là từ Schnell. Chiếc thuyền Kaganokami chạy bằng hơi nước của Schnell bận rộn đi tới đi lui giữa Yokohama và Niigata đến như máy tàu bị đốt hoài sắp cháy tiêu đến nơi.

Trong số võ khí được bốc giở lên bờ cho phiên trấn Nagaoka, có cả một thứ tối tân đáng kinh ngạc. Đó là khẩu đại bác bắn nhanh chế tạo ở Mỹ, loại binh khí xuất hiện vào cuối cuộc Chiến tranh Nam Bắc Mỹ, một khẩu loại tối tân này có uy lực bằng cả 20 khẩu đại bác loại cũ, đương thời ở toàn Nhật Bản chỉ có 3 khẩu, đều do tay Schnell bán vào cả. Trong đó, Tsugunosuke đã mua 2 khẩu, mỗi khẩu 5 ngàn lạng vàng. Đến lúc này thì giấc mộng "Kiếm súng thiên binh phá kiên trận" của Kawai Tsugunosuke đã thực hiện được ở quy mô gấp trăm lần rồi.

Tsugunosuke mê man trong chuyện trang bị cho quân đội phiên trấn. Ngày xưa, chàng thư sinh Tsugunosuke có thuyết trang bị binh lính để chống ngoại quốc, nhưng bây giờ, đã chuyển qua đối phó với địch thủ trong nước. Cũng giống như tay chơi cờ bạc. Đối với tay chơi cờ bạc thì cờ bạc tự nó là mục đích rồi, còn đối thủ là ai thì cũng chẳng sao cả. Đối với chính trị gia, một khi đã mê say chuyện trang bị quân đội rồi thì địch là ai đi nữa cũng chẳng sao cả, chính việc trang bị binh lính tự nó là đối tượng của nhiệt tình chính trị, riết rồi cứ thế mà sa lầy đắm đuối trong việc tăng cường võ trang đến không thể dừng lại được nữa. Tsugunosuke đã tin rằng việc tăng cường võ trang quân đội phiên trấn chính là "nhiệm vụ giúp nước" đối với Lãnh Chúa của Nagaoka.

Ngay sau khi triều đình ban sắc lệnh thảo phạt nhà Tokugawa, Tsugunosuke đã tức thì đặt được phiên trấn Nagaoka vào thể chế sẵn sàng chiến đấu. Có thể nói đây là một khả năng có tính cách mệnh. Quân đội phiên trấn Nagaoka được cải tạo theo cơ cấu ba binh chủng: bộ binh, kỵ binh và pháo binh kiểu Tây phương, đồng thời Tsugunosuke thực thi chính sách bình quân mức lương bổng của quân sĩ. Chế độ binh bị truyền thống đã dựa trên quy tắc thời Chiến quốc định rằng nhiệm vụ quân dịch được bù đắp bằng 100 hộc, nhưng đổi qua binh chế Tây phương thì không còn như thế nữa, mà chuyển thành quy định người lãnh bổng lộc trên 100 hộc thì bị giảm bổng, trong khi người lãnh dưới 100 hộc thì được tăng bổng. Chẳng hạn, người lãnh 2 ngàn hộc thì giảm còn 500 hộc khi thi hành quân dịch, còn người lãnh 20 hộc được tăng thành 50 hộc. Chính sách bình quân hoá lương bổng binh sĩ như thế đã giúp tăng cường sự đoàn kết trong quân đội.

Từ trước, Tsugunosuke đã thiết lập sở Binh học ở xóm Tono gần thành để đào tạo sĩ quan theo kiểu Tây phương, lập bãi thao luyện quân sĩ ở xóm Nakashima phía tây của thành, chọn lọc con cháu của võ sĩ thuộc hạ Lãnh Chúa, sung vào 8 đại đội, bắt tập luyện thật gắt gao các kỹ thuật xạ kích, hành động cá nhân, tập hợp, phân tán, tiền sát, đóng quân giữa trời, đánh trận lúc hửng sáng, đánh ban đêm,... Lập ra đội vận lương, bắt các hiệu bánh quanh thành chế ra loại bánh mì dễ mang đi.

Thuộc hạ của Lãnh Chúa không hiểu rõ tại sao lại phải gắng chịu đựng những cải cách và huấn luyện gắt gao đến mức như thế, nhưng tin tưởng vào Tsugunosuke mà phục tùng y lệnh. Có người còn tâm phục đến nỗi khen Tsugunosuke là "Kenshin tái sinh". Mà quả thật, đất trời vùng Hokuetsu này 300 năm trước đã có danh tướng Uesugi Kenshin, rồi ngày nay lại có Kawai Tsugunosuke. Hai nhân vật này có nhiều điểm chung kỳ dị đáng ngạc nhiên.

Kenshin là người đã thề với thần thánh và Thiên tử là suốt đời dứt bỏ chuyện nữ sắc, bù lại chỉ xin được luôn luôn thắng trận. Và thực tế, đã lao vào chiến đấu không phải vì tham vọng chiếm đoạt lãnh thổ, mà có thể nói là đã chiến đấu vì ý hướng ham muốn nghệ thuật (quân sự), và đã luôn luôn thắng trận. Kenshin là người xem chiến đấu là nghệ thuật hoặc là tôn giáo. Chắc chắn cũng đã có điểm tương tự như thế trong khí chất của Tsugunosuke. Nói gì đi nữa, đất trời vùng Hokuetsu này, 300 năm sau Kenshin, đã lại sản sinh ra được một tập đoàn quân sự tinh xảo tuyệt vời, tuy quy mô có nhỏ hơn. Và đã xây dựng được chỉ trong thời gian ngắn 4 năm.

*

Quan Tổng đốc đạo quân bình định của triều đình theo ngả Hokuriku đã vào thành Takada ngày 7 tháng 3 năm Keio thứ tư (1868). Đến tháng tư nhuận, khi Tsugunosuke trở thành quan Gia lão cao nhất của Nagaoka, thì trên toàn vùng Echigo đã có quân phiên trấn Aizu, đội quân xung phong của bộ đội Mạc Phủ cũ, và binh lính phiên trấn Kuwana xâm nhập và xung đột với quan quân triều đình trên nhiều mặt trận ở các nơi. Vùng Echigo, ngoài một phần là lãnh địa của nhà Tokugawa, còn chia ra thành 11 phiên trấn. Lớn nhất là phiên trấn Takada cỡ 15 vạn hộc của Lãnh Chúa Sakakibara, tiếp đó là phiên trấn Shibata 10 vạn hộc của nhà Mizoguchi, phiên trấn lớn thứ ba là Nagaoka, sau đó là phiên trấn Murakami 95 ngàn hộc của nhà Naito, còn lại là các phiên trấn nhỏ chỉ từ 1 vạn cho đến 3 vạn hộc mà thôi. Phiên trấn Takada đã sớm ngả theo quan quân triều đình, các phiên trấn nhỏ hơn cũng đã hùa theo đó rồi, toàn cõi Hokuriku chỉ còn một phiên trấn chưa giương ngọn cờ nào rõ ràng, đó là Nagaoka, lại là phiên trấn duy nhất có quân đội võ trang theo kiểu Tây phương.

Tsugunosuke vẫn luôn luôn xem đạo quân của Tổng đốc bình định theo ngả Hokuriku thực chất chỉ là bọn liên quân Satsuma-Choshu giả dạng quân triều đình đó thôi, nên 8 giờ sáng ngày 17 tháng 4, đã triệu tập toàn thể võ sĩ trong phiên trấn Nagaoka, dưới sự chứng giám của Lãnh Chúa, để huấn thị cho mọi người thấu triệt chủ trương của mình. Tsugunosuke giải thích rằng liên minh Satsuma-Choshu là "gian thần đã sàm tấu với Thiên hoàng để hãm hại Mạc Phủ", do đó "phiên trấn chúng ta dù nhỏ nhưng vẫn dựng ngọn cờ đầu của phiên trấn chính nghĩa, cố thủ nền độc lập, báo đáp ân điển 300 năm của nhà Tokugawa, đặt sự tồn vong của phiên trấn vào mệnh Trời". Nhưng mặt khác, vẫn không thuận theo lời thúc hối gia nhập vào liên minh Ouetsu của phiên trấn Aizu để cùng chiến đấu chống quan quân triều đình, mà chỉ muốn giữ vững lập trường trung lập.

Điểm này đã bộc lộ giới hạn của Tsugunosuke. Trí óc minh triết của Tsugunosuke quả thật là thích hợp với việc phân tích thời thế, nhưng cuối cùng cũng chỉ ngừng lại ở đấy. Trong khi bộ phận đầu não của liên minh Satsuma-Choshu muốn thay đổi thể chế cho hợp với tình thế mới, thì phiên trấn Aizu chỉ muốn quay lại chính thể có trung tâm là Mạc Phủ Tokugawa. Cả hai bên đều đi từ lý tưởng quốc gia cả, còn Tsugunosuke thì chỉ chú tâm đến phiên trấn Nagaoka của mình, mà ông đã nhiệt tâm mê mải võ trang binh bị cho. Quan niệm về thế giới của Tsugunosuke đã thu hẹp vào việc dựng phiên trấn Nagaoka này lên thành ngọn cờ chính nghĩa duy nhất và cuối cùng trong nước Nhật, truy điệu sự sụp đổ của Mạc Phủ Tokugawa.

Phiên trấn Nagaoka đã tái sinh do bàn tay xây dựng độc sáng của Tsugunosuke về binh bị cũng như hành chính, chính trị; phiên trấn Nagaoka đổi mới chính là tác phẩm độc đáo của ông. Tsugunosuke đã yêu thích cùng cực tác phẩm riêng của mình. Chính vì vậy mà tuy thấy như cùng có chủ trương Tá Mạc (phò Mạc Phủ Tokugawa) với phiên trấn Aizu, nhưng khi phiên sĩ của Aizu là Sagawa Kanpee đem quân đến thành Nagaoka định bắt ép phải gia nhập liên minh Ouetsu kháng chiến, thì Tsugunosuke đã trả lời rằng:

-"Nếu thật tâm muốn chiếm thành Nagaoka, chỉ cần đem quân mạnh từ Aizu-Kuwana đến thì thâu được thành như cơm bữa, chứ có khó gì đâu, xin cứ dùng võ lực mà chiếm thành, khỏi phải khách sáo".

Rốt cuộc, phía Aizu đành phải chấp nhận lập trường trung lập của Nagaoka mà rút quân về. Sau này, Sagawa Kanpee đã nói về cuộc đàm phán này với người cùng phiên trấn Aizu rằng:

-"Tsugunosuke là người có lối nói chuyện khó có ai dám sơ hở".

Lúc bấy giờ, đội trưởng đội xung kích của quân Mạc Phủ là Furuya Sakuzaemon đã thống suất 400 bộ tốt xâm nhập thành Niigata, khuấy động bên trong thành. Tsugunosuke dẫn một bộ hạ, cỡi ngựa đến Niigata, vào phố thì thấy một đám bộ binh Mạc Phủ say rượu đang đập phá cửa chống mưa của một hiệu buôn lớn, định cướp của. Tsugunosuke từ trên mình ngựa trợn mắt trừng trừng, bọn kia thấy mắt nhìn dũng mãnh ấy đâm khiếp hãi mà chạy tứ tán mất. Tsugunosuke cứ thế vào đến lữ quán Kushiya, cho gọi đội trưởng quân Mạc Phủ cũ là Furuya đến mà nói, như ra lệnh rằng:

-"Hãy tập trung binh lính ở xóm Tera, đừng cho vào trong thành"

Furuya thuận thảo làm theo lời.

Đến tháng tư nhuận, các trận đánh giữa quan quân triều đình với quân dưới trướng phiên trấn Aizu dần dần tăng phần ác liệt khắp các nơi trên đất Echigo, và chiến trường lan rộng gần đến phiên trấn Nagaoka. Dưới danh nghĩa "chỉ là việc canh giữ bên trong phiên trấn mà thôi", Tsugunosuke phái đi khắp bốn phía của lãnh thổ phiên trấn, các đội quân mà Tsugunosuke đã gầy dựng và chi vào đấy những món tiền khổng lồ. Trước hết, đặt bộ tư lệnh dã chiến ở làng Setsuya bên ngoài thành, tự mình làm tổng chỉ huy trấn đóng ở đấy. Trận địa trong thành thì có quan Gia lão Yamamoto Tatewaki làm đội trưởng một đại đội có hai khẩu đại bác. Biên giới phía nam là trận địa cảnh bị có một đại đội cùng 8 cỗ đại bác. Làng Kusauju có 2 đại đội và 3 cỗ đại bác, làng Zao cũng 2 đại đội và 3 cỗ đại bác. Ngoài ra còn có quân du kích gồm 3 đại đội và 3 cỗ đại bác. Trong số các cỗ trọng pháo này, ngoài khẩu đại bác bắn nhanh chế ở Mỹ như đã nói đến, còn có 3 khẩu đại bác bắn nhanh chế ở Pháp, đều là thứ đại bác có độ chính xác cao hơn đại bác của quan quân triều đình, trong đó có hai khẩu nạp đạn phía sau đáng gọi là đạt đến tiêu chuẩn quốc tế cao nhất thời bấy giờ.

So với hoả lực đến mức này thì quân phiên trấn Aizu chẳng kể làm gì, ngay cả quân triều đình cũng còn kém xa. Có lẽ quân đội phiên trấn Nagaoka của Tsugunosuke thì về trang bị lục quân đã đạt đến mức cao nhất trên thế giới vào thời đó rồi.

Tsugunosuke có lẽ đã thành tâm tin tưởng rằng với trang bị binh lực như thế này, có thể cố thủ ở vùng Hokuetsu, trở thành thế lực đứng giữa điều đình cho cuộc xung đột đông tây; mà nếu gặp thời thế thuận lợi, còn có thể hô hào nghĩa sĩ khắp thiên hạ khởi nghĩa để tiêu diệt bọn gian thần Satsuma-Choshu kia nữa.

Mà không, cũng có thể Tsugunosuke đã không tin tưởng như thế. Nếu Tsugunosuke chỉ là một tư nhân bình thường, thì đầu óc sắc bén đến như thế, hẳn là đã thấy thời thế biến chuyển mà hiểu rằng không còn cách gì xoay ngược lại được nữa, thế nhưng "sức mạnh võ trang" mà bản thân Tsugunosuke đã nuôi dưỡng gầy dựng lên đã ban phát ra những mệnh lệnh khác hẳn với những gì đầu óc cá nhân Tsugunosuke suy xét. Đó là sức mạnh khẳng định "làm được!". Khẩu đại bác bắn nhanh chế ở Mỹ đã khiến Tsugunosuke tin là "làm được!". Khẩu đại bác lắp đạn phía sau chế ở Pháp đã khiến Tsugunosuke tự tín là "làm được!" như thế. Võ khí đã trở thành đầu não của Tsugunosuke mất rồi.

Tsugunosuke nghĩ: Ngày xưa, Kenshin đã cố thủ ở đất Hokuetsu này để xem chừng động tĩnh trong thiên hạ, vậy mà có sức kiềm chế khiến cho Takeda ở Kai và Oda ở Owari đều không thể chiếm trọn thiên hạ một cách dễ dàng được. Mà lúc bấy giờ, Kenshin làm gì có được hoả lực đến mức như mình đang có?

Suốt tháng tư nhuận, Nagaoka giữ vững lập trường võ trang trung lập được vô sự. Trong khoảng thời gian đó, quan quân triều đình mặc kệ Tsugunosuke suy tính gì, đã bắt đầu chiến thuật bao vây, chia quân làm hai đạo mà hành động. Một đạo là bộ binh 1500 người với 2 cỗ đại bác do Iwamura Sei-ichiro (Takatoshi) chỉ huy. Nhiệm vụ của đạo quân này là trước nhất chiếm thành Koidejima của phiên trấn Aizu, tiến đến Ojiya, vượt sông Shinano, chiếm Enoki-toge rồi tấn công thành Nagaoka. Đạo thứ hai do Miyoshi Guntaro chỉ huy gồm bộ binh 2500 người và 6 cỗ đại bác, cùng hai quan Tham mưu là Kuroda Ryosuke (Kiyotaka, sau này thành Thủ tướng thứ hai của Nhật Bản 1888-89 thời Minh Trị) và Yamagata Kyosuke (Aritomo, sau này hai lần làm Thủ tướng 1889-1891 và 1898-1900 thời Minh Trị) tiến theo đường biển chiếm Niigata. Ngày 21 tháng tư nhuận, hai đạo quân triều đình xuất phát từ Takada. Nửa đường, đạo quân theo đường biển đã đánh bạt quân thuộc phiên trấn Aizu, rồi ngày 28 chiếm đóng thành Kashiwazaki; còn đạo quân theo đường núi do Iwamura chỉ huy thì một ngày trước đó đã chiếm được Ojiya cách 6 dặm (khoảng 24 km) phía bắc thành Nagaoka.

Phía Tsugunosuke cũng đã có quyết tâm sẵn sàng. Ngày 1 tháng 5, Tsugunosuke cho sứ giả đến bản doanh quân triều đình ở Ojiya, thưa rằng quan Nhiếp chính Kawai Tsugunosuke xin gặp vì có điều muốn thỉnh nguyện. Quan quân chấp thuận. Qua ngày sau, Tsugunosuke dẫn một bộ hạ thân tín cùng một phiên sĩ, lên kiệu rời thành Nagaoka. Trong bụng đã có kế sách rồi. Sẽ thuyết phục quan quân về cái hại của việc thảo phạt nhà Tokugawa, và hứa sẽ đứng ra làm trung gian giúp quân triều đình và quân Aizu điều đình với nhau. Chẳng hiểu được Tsugunosuke có thật sự tin rằng phiên trấn Nagaoka chỉ cỡ 74 ngàn hộc mà chen được vào giữa làm trung gian điều đình cho hai thế lực lớn đang hầm hè tóm thu thiên hạ này hay không?

Bản doanh của quân triều đình đóng ngay ở căn cứ cũ của quân Aizu ở Ojiya, tư lệnh là tướng Iwamura Sei-ichiro, 23 tuổi, xuất thân là phiên sĩ của phiên trấn Tosa. Sau cuộc Duy Tân, đã kinh lịch các chức Tỉnh trưởng Saga, Tỉnh trưởng Kagoshima, Bộ trưởng Nông Thương, tuy chẳng phải là người có tài năng gì xuất chúng.

Tsugunosuke tạm dừng ở bờ sông Shinano, thay sang bộ lễ phục bằng vải trên kiệu, rồi đến chùa Jigen là nơi quan quân triều đình đã chỉ định. Iwamura cùng vài người sĩ quan tùy tùng ra nghênh tiếp. Tsugunosuke nhìn Iwamura thấy chỉ là một cậu trai trẻ thì trong bụng có phần khinh thường. Tsugunosuke lại càng tin chắc rằng: cuộc đại loạn lần này càng ngày càng lộ rõ ra là bọn con nít của ba phiên trấn Satsuma-Choshu-Tosa mượn cớ phù lập một vị vua còn thơ ấu để rải binh khuấy động thiên hạ chơi mà thôi.

Về sau, Iwamura thuật lại rằng: -"Kawai đánh tiếng là có điều muốn thỉnh nguyện mà đến, nhưng thái độ thì ngạo nghễ, lời nói có giọng cật vấn về chuyện to lớn bao trùm thiên hạ".

Mà lúc bấy giờ, Iwamura cũng quả thật chỉ là một cậu nhỏ. Đương thời, nếu là người có ít nhiều kiến thức về tình hình các phiên trấn thì hẳn đã biết đất Hokuetsu này có danh sĩ là Kawai Tsugunosuke, thế nhưng cậu nhỏ xuất thân từ chốn thôn làng hẻo lánh ở phiên trấn Tosa ấy hoàn toàn chẳng biết gì về đối thủ cả. Nên đã hống hách ra uy quan quân triều đình.

Kết cuộc, điều Kawai muốn nói là: Xin tạm thời ngưng tấn công. Được như thế thì phiên trấn Nagaoka sẽ thống nhất được ý kiến mọi người thành chủ trương của toàn phiên trấn, đồng thời sẽ thuyết phục liên minh Aizu-Kuwana để có được một kết quả hoà bình tốt đẹp cho mọi phía. Để làm được như vậy, Tsugunosuke ra điều kiện: Hãy ngừng cuộc chinh phạt nhà Tokugawa (Mạc Phủ cũ). Chứ nếu không thì không thể tránh được loạn lạc ở khắp vùng phía đông Nhật Bản.

Phía Iwamura làm thinh. Chỉ nghĩ rằng quan Gia lão nhà quê này hẳn là đang nổi cơn điên khùng với những lời lẽ như thế. Mà quả thật, nếu Tsugunosuke thật lòng định thỉnh nguyện như thế thì đúng là đã nổi điên rồi. Trong văn thư thỉnh nguyện ấy đã có lời lẽ như thế này: "Chĩa mũi giáo vào nhà Tokugawa là đại ác vô đạo!". Cứ như là khiêu chiến vậy! Hơn nữa, còn bảo Iwamura chuyển thư ấy lên quan Tổng Đốc chinh phạt là đại diện của triều đình ở Kyoto nữa!

-"Từ khước!". Iwamura trả lại thỉnh nguyện thư.

Tsugunosuke vẫn còn nhắc lại ý muốn tận lực làm trung gian điều đình cho hai bên, vì vậy xin tạm chờ cho vài ngày. Iwamura nghĩ rằng thỉnh nguyện kiểu câu giờ như thế chỉ là mưu kế để phiên trấn Nagaoka kịp chuẩn bị chiến đấu đó thôi.

-"Dù gì đi nữa, quý phiên trấn cũng đã không phụng lệnh triều đình. Vậy thì chỉ còn cách giải quyết bằng binh mã mà thôi".

Iwamura đã đơn phương chấm dứt cuộc hội đàm sau chừng 30 phút, đứng lên bỏ đi mất. Đối với Iwamura thì đã chẳng có điều kiện gì có thể chấp nhận được cả. Lời thỉnh nguyện của Tsugunosuke đầy những công kích đối với quan quân triều đình, và điều hài hước là quan Gia lão của một phiên trấn nhỏ sắp sửa bị tấn công mà lại đề nghị "để tôi đứng ra giúp điều đình với phiên trấn Aizu". Rõ ràng là quan Gia lão nhà quê này cố tình diễu cợt quan quân triều đình rồi. Có vẻ tự tín quá trớn vào trang bị quân đội hoàn bị nhất Nhật Bản phía sau lưng mình. Ngay cả trong thỉnh nguyện thư cũng đã có câu rằng: nếu quan quân triều đình không nghe theo lời thỉnh nguyện này thì "sẽ chịu thiệt hại to lớn", hàm ý đe doạ võ lực.

Cuộc hội đàm đổ vỡ, Tsugunosuke trở về trận địa của mình. Nửa đường đã cười mà nói:

-"Quan quân triều đình là bọn ngu xuẩn! Sao không bắt trói ta lại ngay tại đấy chứ?"

Trong lòng Tsugunosuke lúc ấy hẳn là đã rộn lên hưng phấn vì chiến tranh, bất chấp thắng hay bại.

Trở về thành, Tsugunosuke tổng hợp ý kiến trong phiên trấn, gửi thông điệp đến các đội quân gia thần của Mạc Phủ Tokugawa là Aizu và Kuwana, tuyên bố cùng nhau chiến đấu, rồi đưa gia đình cha con Lãnh Chúa di tản khỏi thành Nagaoka, và ngày 4 tháng 5, tiến quân chiến đấu.

Đã đến mùa mưa. Hai bên giao chiến trong mưa ở các nơi, phần lớn thì liên quân Nagaoka-Aizu chiến thắng, đánh bạt quan quân triều đình về căn cứ ở Enoki-toge. Rồi ngày 11 đã chiếm được căn cứ địch ở Enoki-toge, ngày 13 đại phá quân triều đình ở trận Asahigawa, giết quan tư lệnh Tokiyama Chokuhachi.

Từ phía Kashiwazaki, quan Tham mưu Yamagata Kyosuke phải vội vã tìm đến, trực tiếp chỉ huy tác chiến. Đại bác của quân triều đình đã phải bắn đến 150 phát mỗi ngày, binh sĩ tận lực chiến đấu, nhưng thế thua vẫn không lật ngược lại được.

-"Tại sao lại không bắt giữ Kawai ngay trong cuộc hội đàm ở chùa Jigen ấy chứ?"

Yamagata lại quở mắng Iwamura như thế vào khoảng này. Tướng tá quân triều đình lúc này đã bắt đầu hiểu ra rằng đang phải chiến đấu với một địch thủ có thiên tài về quân sự. Một sĩ quan của quân triều đình là Nikaido Yasunori đã ghi lại như sau:

-"Tsugunosuke vốn là kẻ sĩ cương ngạnh, chuyên quyền, áp đảo đồng liêu. Phiên trấn Nagaoka nương nhờ vào Tsugunosuke, chỉ một người này mà thôi. Nếu bắt giữ được Tsugunosuke thì chắc chắn là đã chiếm được thành Nagaoka mà không phải mất một người lính nào rồi. Vậy mà đã thả con cọp ấy về rừng mất!".

Trong hồi ký của chính quan Tham mưu Yamagata Kyosuke, sau này viết về cuộc chiến ở Hokuetsu này cũng có đoạn như sau đây:

-"Thắng thì đắc ý, tự hào về mình; bại thì mất khí lực, lo sợ đủ điều, là chuyện hầu như không thể tránh được trong bất cứ quân đội nào. ...... Cá nhân ta đã dựa vào việc đội kỵ binh (của phiên trấn Choshu) vốn đã có ít nhiều kiến thức, nên ngăn cản được quân sĩ bại trận không đến nỗi mất hết khí lực, nhưng các binh sĩ còn lại thì phần đông đã sinh lòng khiếp hãi, đến nỗi ngay cả đội trưởng của quân sĩ Satsuma cũng đã bảo rằng tạm thời rút lui khỏi mặt trận này là đắc sách nhất".

Tsugunosuke đi vòng vòng thị sát trận địa của quân mình mỗi ngày. Binh lính của phiên trấn tất cả đều mặc áo ống tay suông đuột bằng vải màu xanh dưới áo khoác ngắn, quần ống thụng, trên lưng áo có dấu hiệu hình cái thang 5 bậc. Chỉ có Tsugunosuke mặc một lớp áo màu xanh nhạt, quần ngắn, đi guốc gỗ, mưa thì cầm cây dù. Khẩu đại bác bắn nhanh chế ở Mỹ đã nói đến trước đây được cho theo đội quân trấn thủ trận địa phía nam thành Nagaoka dưới sự chỉ huy của Yamamoto Taito. Tsugunosuke mỗi ngày đến bên cạnh cỗ pháo này, sờ tay vào như chào hỏi nó, hoặc tự mình thao tác thử. Cỗ đại bác này hình thù dị thường, có đến 6 họng súng, người ta gọi là "Gatling gun", có lẽ dịch là "súng đại bác máy" thì sát nghĩa nhất.

Tsugunosuke bảo pháo thủ: -"Để ta bắn thử một phát xem sao nhé". Vừa nói đùa như thế, Tsugunosuke vừa lấy ngón tay cà sạch mấy vết bùn bám trên đuôi súng. Lối chăm sóc âu yếm như tuồng đã phát khởi chiến tranh chỉ vì muốn dùng thử cỗ súng đặc biệt này không bằng!

-"Có gì đâu, quan quân triều đình sắp sửa phải chạy trốn ngay đây thôi!"

Theo tính toán của Tsugunosuke, chỉ cần đánh lui được quan quân triều đình ở Hokuetsu này thì các Lãnh Chúa gia thần thân tín của Mạc Phủ Tokugawa trước đây đã quay lưng bỏ chạy khi thấy quân triều đình đến, nay sẽ phấn khởi mà trở mũi giáo chống lại triều đình. Người khác nghe vậy thì có lẽ cho là ảo vọng chẳng thực tế chút nào, thế nhưng đối với Tsugunosuke lúc bấy giờ thì đã là yếu tố chiến lược trọng yếu nhất. Phiên trấn ta có pháo binh hùng hậu vô địch ở toàn vùng phía bắc Nhật Bản, đó là nguồn gốc của mọi suy nghĩ tự tín của Tsugunosuke, từ đó phát sinh ra đủ thứ hy vọng. Nếu người bạn Mu-in ở trường Kyukeisha ngày trước mà nghe thế, ắt hẳn không thể nào tin nổi rằng Tsugunosuke đã mất thăng bằng trí não đến mức như thế được. Tất nhiên, bản thân Tsugunosuke thì không nghĩ rằng mình đã thay đổi. Giống như Napoleon, mà Tsugunosuke đã học được ở Kyukeisha, đã nghĩ đến chuyện chinh phục toàn thế giới từ khi có được đội pháo binh mạnh vô địch, bụng Tsugunosuke lúc bấy giờ hẳn là đã đầy những 27 cỗ đại bác kiểu tối tân nằm chật trong đó rồi. Tất cả các cỗ đại bác trong bụng Tsugunosuke đã suy tính tiền đồ của phiên trấn Nagaoka đó. Đưa tới địch một thư thỉnh nguyện đầy những lời lẽ doạ nạt ấy là đám các cỗ đại bác này, mà đánh bại quan quân triều đình phải trốn chạy đúng như dự tính, cũng là do các cỗ đại bác này đấy.

Thế nhưng, một mặt, đạo quân triều đình theo đường biển do phiên sĩ Choshu là Miyoshi Guntaro chỉ huy đã tiếp tục tiến quân đúng dự định, ngày 15 đã vào được thành Izumozaki. Yamagata định dùng bộ đội ấy để phản công Nagaoka, nên cấp tốc đến gặp Miyoshi để bàn tính. Kế sách này đã lập được kỳ công bất ngờ.

Sáng sớm ngày 19, rủi cho phía Nagaoka là sương mù dày đặc phủ đầy lưu vực sông Shinano. Khi quân Nagaoka chợt để ý đến thì trong sương mù đã đột ngột xuất hiện quan quân triều đình đến cả 2 ngàn người, rồi tiếp đó là đội quân thứ hai sang sông. Bộ đội Nagaoka canh giữ mặt này bị đánh bất ngờ, thua chạy trốn vào thành. Quân triều đình đuổi theo, đột nhập vào dưới thành từ ba mặt, tấn công với binh lực hùng hậu.

Tsugunosuke thống suất đội quân của Yamamoto Taito ra trận, tự mình thao tác khẩu đại bác bắn nhanh, từ 6 họng súng ấy rải đạn cà-nông về phía địch, nhưng rồi cũng bị trúng đạn nát vai bên trái. Tsugunosuke đành phải tạm thời trở vào thành Nagaoka, nhưng đội quân chủ lực lại đang đóng ngoài thành, nên trong thành không đủ sức cố thủ, phải tập họp bại binh chạy khỏi thành, rút về Tochio. Tức thì, quan quân triều đình phóng hoả đốt khắp các xóm quanh thành, cháy đỏ thành một khối lửa, lửa cháy lan vào lầu các trong thành, không bao lâu tất cả thành quách Nagaoka đều chìm trong biển lửa.

Thành Nagaoka mất, nhưng Kawai Tsugunosuke chưa chết, đó là điều được nêu lên để cổ vũ quân sĩ. Vả lại, quân Nagaoka vẫn còn đủ võ khí dã chiến. Kawai trở thành con quỷ chiến đấu đơn độc. Định đem tất cả tài trí của phiên sĩ đất Nagaoka đánh cược vào một trận chiến không thu được lợi lộc gì. Thành bị chiếm ngày 19, Tsugunosuke chạy thoát đến Tochio ngày 20, nhưng ngày 21 đã chỉ huy các đội quân Nagaoka tiến đến Kamo, ở đó, triệu tập các tướng trong toàn quân, mở hội nghị tác chiến; đến ngày 2 tháng 6, bắt đầu tấn công, đánh đuổi quân triều đình, liên tiếp phá đổ các lũy phòng thủ mà Yamagata đã cho dựng lên ở các cửa Yasuda, Hondo, Nakanoshima, công phá bản doanh của quân triều đình ở Imacho, phá cửa Ote mà vào thành.

Trận đánh ở Imacho này, Tsugunosuke đã cho đại bác bao vây, từ ba phía nã đạn xối xả vào, nên nhà cửa trong xóm đã do tay chính quân phiên trấn mình mà trúng đạn đại bác nổ cháy tan nát, bên đường la liệt những xác đàn ông đàn bà lăn lóc, óc não tung toé, banh bụng đổ ruột gan ra ngoài; tán loạn khắp nơi những xác thường dân thiếu tay chân hay đầu cổ. Thấy rõ uy lực của các cỗ đại bác kiểu mới ấy thật sự kinh khủng đến mức như thế nào.

Tsugunosuke tiến quân đuổi quân triều đình đến tả ngạn sông Kariyada, tiếp tục nã đạn đại bác giết địch gần như tuyệt diệt, xong tạm thời trở lại bản doanh dã chiến ở Tochio cho quân nghỉ ngơi, rồi đến ngày 19 tháng 7 lại bắt đầu hành quân, chọn trong quân phiên trấn Nagaoka ra mười tiểu đội lập thành bộ đội tập kích ban đêm. Tsugunosuke tự mình chỉ huy bộ đội này rời Tochio ngày 24, ban đêm tiến đến vùng đất đầm lầy tục gọi là Hatcho-oki phía đông bắc thành Nagaoka, đánh úp quân phòng vệ mà vào thẳng xóm ở chân thành, rồi ngày hôm sau, 25, kịch chiến đánh đuổi quân triều đình mà thu hồi được thành Nagaoka.

Thế nhưng, cuộc chiến đấu này đã khiến Tsugunosuke bị trúng đạn nát chân trái từ đầu gối xuống, không thể tiếp tục chỉ huy chiến đấu được nữa. Vì vậy, sĩ khí quân Nagaoka suy thoái nhanh chóng, ngày 29, thành Nagaoka lại bị quan quân triều đình chiếm lại, Tsugunosuke phải được khiên trên ván gỗ chạy trốn. Sau đó, chạy đến Aizu, ngày 16 tháng 8, Tsugunosuke chết vì vết thương làm độc. Sự đề kháng của phiên trấn Nagaoka chấm dứt theo cái chết của Tsugunosuke.

Ngày trước, có người bạn của Tsugunosuke là Koyama Ryo-un thấy chính sách cải cách chính trị phiên trấn Nagaoka quá ép uổng, đã lo ngại là Tsugunosuke có thể bị ám sát, nên cảnh cáo như thế, thì Tsugunosuke cười mà bảo:

-"Có thể bị ném vào vũng bùn hai ba lần, chứ võ sĩ trong thành thì chẳng có người nào có đủ khí phách để ám sát tớ cả. Nếu có được người nào như thế thì phiên trấn này cũng vui nhộn biết mấy!"

Năm Minh Trị thứ hai (1869), chính phủ mới đã báo thù Tsugunosuke bằng sắc lệnh "Dứt bỏ mãi mãi họ tên nhà kẻ chủ mưu phản loạn là Kawai Tsugunosuke".

Mãi đến năm Minh Trị thứ 16 (1883) mới ban ân điển cho phục hồi nhà Kawai.

Khi thành Nagaoka bị hạ, vợ Tsugunosuke là Suga cùng cha mẹ chồng chạy nạn về làng Muramatsu thuộc huyện Koshi cách thành chừng 2 dặm (khoảng 8 km) về phía nam, sau đó năm Minh Trị thứ hai, được cho phép trở lại xóm cũ gần thành Nagaoka, đã cháy rụi đến không còn vết tích thời trước nữa. Lúc đó, đã đem hài cốt của Tsugunosuke từ chùa Kenpuku ở Wakamatsu phiên trấn Aizu về cải táng ở chùa Eiryo thuộc hệ chùa Bodai (Bồ đề) ở Nagaoka. Danh hiệu pháp giới là Trung Lương Viện Điện Hiền Đạo Nghĩa Liễu Cư Sĩ. Từ khi bia mộ dựng xong, người ta không ngừng đến lấy roi đánh vào bia ấy. Phần lớn là di tộc của những người đã chết trong chiến tranh. Người vợ của Tsugunosuke không thể chịu đựng mà sống nổi ở Nagaoka nên đã nhờ họ hàng giúp dời lên sống ở Sapporo (Hokkaido), đến năm Minh Trị thứ 27 (1894) thì mất ở đấy.

Bia mộ của Tsugunosuke ở chùa Eiryo sau đó đã nhiều lần bị người ta đập nát. Người bạn Mu-in cho đến cuối đời đã thỉnh thoảng đến viếng chùa Eiryo, hễ thấy bia mộ Tsugunosuke bị đập phá thì cho sửa lại, mà nói:

-"Chẳng phải tội ở người ấy. Đối với người ấy thì phiên trấn quá nhỏ mà thành ra như thế".

Có vẻ anh hùng là thứ mà Trời đặt sai chỗ sai thời thì gây hại đến mức kinh khủng như thiên tai.

(Tạp chí Bungeishunju - Văn nghệ Xuân Thu, số Đặc biệt tháng 12 năm 1963)

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 03-2008

t4phamvu@hotmail.com

Chú thích:

[1] Edo : trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo.

[2] Lan học : Rangaku, học theo Hà Lan là nuớc được phép buôn bán với Nhật thời bấy giờ.

[3] Hộc : Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc của võ sĩ, hay lực kinh tế của phiên trấn thì khoảng 150 kí gạo,

khi dùng để tính dung tích thuyền bè thì khoảng 180 lít.

[4] Gia lão : Karo, cấp quan cao nhất giúp Lãnh Chúa cai trị phiên trấn.

[5] Thời Chiến quốc : 1467-1568, các sứ quân cát cứ các nơi đánh nhau hỗn loạn, cho đến khi Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu tiếp nhau hoàn thành cuộc thống nhất, mở ra thời Phủ Chúa Tokugawa.

[6] Lão trung : Roju, cấp quan cao nhất trong chính quyền Mạc Phủ (Phủ Chúa) Tokugawa.

Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn "Eiyuji" (Anh hùng nhi) của Shiba Ryotaro, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ 1 trong tập truyện "Bajo shonen sugu" (Thiếu niên cỡi ngựa chạy qua), bản bỏ túi, do nhà Shincho Bunko tái bản lần thứ 24 tháng 5 năm 1987.

Shiba Ryotaro còn viết một truyện dài về nhân vật Kawai Tsugunosuke đăng từng kỳ trên nhật báo Mainichi từ năm 1966 đến 1968, sau này xuất bản thành bộ truyện "Toge" (Đèo núi).

Chuyện đời Kawai Tsugunosuke đã được quay thành phim bộ ti-vi với tài tử Nakamura Kanzaburo thủ vai chính, năm 2005.

Kawai Tsugunosuke 1827-1868



Trở Về ]