Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]

Đại Lược Về Quan Chế
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
 
NGỮ VỰNG

(Danh hiệu, chức vụ các quan mỗi triều đại một khác, có khi cùng một danh hiệu mà chức vụ khác nhau, có khi chức vụ giống nhau nhưng danh hiệu lại khác. Ở đây tôi chỉ chú trọng tới văn quan)
 

- Á tướng / Á khanh : (Lý, Trần) đứng dưới Chánh khanh (Tể tướng), tức là Tham tri chính sự. Thời Nguyễn gọi là Cai bạ.

An phủ sứ : (Trần) cai trị địa phương cấp phủ, tương đương với Tri phú sau này.
Án sát sứ : (Minh) coi việc hành chính, kiện tụng, tư pháp, phong hóa, kỷ cương ở các tỉnh, dưới quyền Tổng đốc, Tuần phủ. Thời Nguyễn, quan tỉnh đứng sau Tổng đốc và Bố chính, hàng Tam, Tứ phẩm.

Ấn quyển : đóng dấu vào quyển thi và niêm phong quyển tại các trường thi.

- Ba Ðường (Nguyễn) : Quảng thiện đường, Quảng học đường, Minh luân đường, ba trường chuyên dậy các Hoàng tử, Hoàng tôn nhỏ trong Nội cung, do một Trưởng sử trông coi.

hộ : (Nguyên, Minh) cũng gọi là Bách hộ, quan võ cầm 100 binh ; (Nguyễn) Phẩm hàm cấp cho những người mua quan tước.

Bách quỹ : (Ðường, Ngu) đứng đầu trăm quan, như Tể tướng.

Bạn độc : một chức giảng quan trong Viện Tập Hiền, có vua dự nghe.

Bí thư sảnh : (Trần) giữ kinh tích đồ thư, soạn thư văn của vua, quốc sử thực lục, thiên văn, nhật lịch. Thời Lê gọi là Bí thư các.

Biên tu : sửa chữa, ghi lại văn bản ở viện Hàn lâm, ở Quốc sử quán, soạn sử. Dùng Tiến sĩ, quan hàng Chánh thất phẩm đến tứ phẩm thời Minh-Mệnh.

Biền binh : một hạng lính không thường trực ở các tỉnh và Kinh thành, chia ba ban thay nhau trực trong quân đội.

Biện lý : làm việc ở 6 Bộ, đứng sau Thị lang. Thời Nguyễn gọi là Tá lý (không nên nhầm với Biện lý, công tố uý viên ở các tòa án Pháp).

Bình chương quân quốc trọng sự : như Tể tướng. Nhà Lý gọi là Kiểm hiệu Bình chương sự (Bình chương nghĩa là xếp đặt cho tốt đẹp), nhà Lê lúc đầu gọi là Hành khiển.

Bộ : (Minh) bỏ Trung thư tỉnh, chia việc cho 6 Bộ. Nhà Lý tuy đã có Thượng thư song chưa có các Bộ, nhà Trần lúc đầu chỉ có 4 Bộ (Lại, Hình, Binh, Hộ), thời Nghi Dân mới đặt đủ 6 Bộ. 1465 đổi lục Bộ ra lục Viện, 1476 đổi 6 Viện ra 6 Tự.

Bộ chỉ đề xuất với vua những quyết định cần thiết và nhân danh vua thi hành luật lệ, tâu trình kết quả. 6 Bộ làm việc chưa đúng thì Nội các hạch.

1833 Bộ Lại bổ dụng quan văn, khảo sát tài năng, phong tước, gia cấp ký lục ; bộ Hộ coi phép lưu thông tiền tệ, vật giá đắt rẻ, kho tàng trong cung và kinh thành; bộ Lễ coi nghi lễ triều hội, khánh hạ, tế tự, quy tắc về trường học và thi cử ; bộ Binh thuyên bổ võ quan, tuyển mộ lính (hầu hết do quan văn điều hành, quan võ ít nghiên cứu binh pháp, chiến lược) ; bộ Hình ra chính lệnh về pháp luật, xét lại những án nặng, tội còn ngờ ; bộ Công sửa sang việc thổ mộc, đắp thành, đóng thuyền bè.

Ðứng đầu mỗi Bộ có 1 Thượng thư (như Bộ trưởng), tả hữu Tham tri (như Thứ trưởng), tả hữu Thị lang (Chánh văn phòng), thuộc quan có Lang trung, Viên ngoại, Chủ sự, Tư vụ (giải quyết những việc vặt), Thư lại. 1856 mỗi Bộ có từ 25 đến 50 nha dịch.

Thời Lê, bổng lộc Thượng thư bộ Công kém một bậc, từ bộ Lại chuyển sang bộ Công gọi là giáng chức (CM, XIX, 31).

Bộ Binh trước là Nam khoa, từ 1465 gọi là Binh khoa.

Bồ chính (Hồng bàng) quan Hữu tư coi việc, quan nhỏ.

Bố chính (Nguyễn) coi việc dân chính ở các tỉnh, dưới quyền Tổng đốc, Tuần phủ. 1831 coi thuế má, đinh điền, lính tráng, tuyên đặt mệnh lệnh triều đình cho mọi người biết.

Bộc xạ : là chức Á tướng. Từ nhà Trần dùng Hành khiển, Thượng thư vào chức ấy. Ðời Lê Hồng-đức bãi chức ấy.

Bồi tụng : (1601 / 1606) giữ chức vụ của Tham tri chính sự ở phủ chúa Trịnh, dưới quyền Tham tụng. 1787 Chiêu Thống bãi, đổi lại là Tham tri.

- Cai bạ : (Gia-Long) chức quan thứ nhì ở trấn, coi quân lương, thuế khóa, điền thổ, hộ tịch. Minh-Mệnh đổi ra Bố chánh sứ.

Cẩm y vệ đi tuần cảnh, cấm binh (Nguyễn).

Cần-chánh điện Ðại Học sĩ : một trong "Tứ trụ triều đình" (tổ chức Tư vấn của vua) cùng với Văn minh, Võ hiển, Ðông các Ðại Học sĩ. Không phải chức mà là tước hàm, phong cho những đại thần công lao lão thành. Thời Minh-Mệnh hàng Chánh nhất phẩm.

Cáo thụ sắc phong kèm theo bài chế hay cáo, có trục để cuốn tờ sắc. Chỉ từ ngũ phẩm đến nhất phẩm mới có cáo thụ.

Cáp môn sứ : (từ nhà Lý) coi việc lễ nghi.

Câu kê : Thời các Chúa Nguyễn Ðàng Trong là chức Tá nhị ở Tam Ty (Xá sai, Tướng thần lại, Lệnh sứ), mỗi Ty có 3 Câu kê, chức như Thị lang các Bộ.

Châu mục : (Ðường, Ngu) kẻ chăn dân, chúa một châu, đứng đầu các chư hầu nhỏ.

Chi hậu quan :hầu bên vua, giữ việc truyền lệnh, đưa người ra vào.

Chiêu văn quán : (Lê Thánh Tông) sao chép, hiệu đính tứ khố đồ thư Hàn lâm viện.

Chủ sự : Thời Nguyễn phụ trách một phần việc chuyên ngành ở các Bộ, Viện, Nha, hàng ngũ, lục phẩm

Chưởng : (1721, theo luật Hồng-đức) chức cao coi việc thấp.

Chưởng ấn : giữ ấn của vua ở Môn hạ sảnh. Thời Nguyễn, đứng đầu một cơ quan, được giữ ấn triện quyết định mọi việc.

Chuyển vận sứ : (Trần) như Tri huyện. Thời Nguyễn chỉ huy đoàn vận tải lớn chuyển hàng hóa cho nhà nước trong những trường hợp cấp bách, hàng Chánh nhị phẩm.

Cơ mật viện, còn gọi là Khu mật viện, Xu mật viện : (Lý, Trần) bàn bạc các việc cơ mật. Ðời Lê đổi ra Nội mật viện, Minh-Mệnh đổi lại là Cơ mật viện, trụ sở ở Tả Vu điện Cần-chính. Tính chất Tư vấn, coi bí mật quân sự, quốc sự, quan tam phẩm trở lên.

(Nguyễn) Những việc 6 Bộ làm chưa đúng thì Nội các hạch, Nội các chưa hợp lệ thì Cơ mật viện hạch để đình thần có thì giờ làm chức vụ không phải mỗi ngày túc trực và tránh việc Nội các một mình nắm hết quyền chính.

Công (bộ) : trước là Bắc khoa, 1465 đổi ra Công khoa, giữ việc thổ mộc, đóng thuyền bè, đắp thành cờ cho quan về hưu, thi Ðình làm hòm gỗ, bảng vàng, mũ áo, cành hoa cho Tiến sĩ...

- Di phong : ghi ký hiệu lên quyển thi, rọc phách, niêm phong hòm đựng quyển tại các trường thi.

Doanh : tức "dinh". Có Tiền phong, Hổ oai, Thần cơ, Hùng nhuệ doanh... mỗi doanh có 5 vệ, mỗi vệ có 10 đội.

- Ðãi chế : (Lê) trong viện Hàn lâm, cho ý kiến về văn từ trong bài chế của vua.

Ðãi chiếu : trong viện Hàn lâm, hiệu đính văn sử, cho ý kiến về văn từ, chiếu chỉ của vua. Thời Minh-Mệnh hàng Tùng cửu phẩm.

Ðại Hành khiển : trước là hoạn quan, từ 1267 (Trần) mới dùng quan văn. Ðời Lê thì đứng đầu văn ban, như Tể tướng : sau đổi là tả hữu Tướng quốc Bình chương quân quốc trọng sự.

Ðại Học sĩ : một chức quan hàng nhất, nhị phẩm, là cố vấn của vua trong những việc trọng đại. Thời Minh-Mệnh, bốn chức Văn minh, Võ hiển, Ðông các, Cần chính điện Ðại Học sĩ hàng Chánh nhất phẩm. Hiệp biện Ðại Học sĩ hàng Tùng nhất phẩm. Từ 1833 không được làm việc ở Nội các.

Ðại lý tự : (1831) xét lại các án nặng, những nghi án, gửi kết quả cho bộ Hình để tâu vua, xin quyết định. Nằm trong Tam Pháp Ty (Ðại lý tự, Ðô sát viện, Bộ Hình) do Ðại lý tự khanh điều khiển, hàng Chánh tam phẩm thời Minh-Mệnh.

Ðại phu : (Trung Quốc) chức quan to, thần thuộc của chư hầu.

Ðăng văn : trống dùng để đánh khi cần kíp khiếu oan. Ðời Trần, Ðăng văn viện coi luật pháp, 1341 đổi ra Ðình úy viện.

Ðằng lục : sao chép lại quyển thi của thí sinh.

Ðề điệu : Chủ khảo trường thi thời Lê, thường là quan văn, sang thời Nguyễn là quan võ, phụ trách việc kiểm soát trường thi.

Ðề lĩnh : tuần hành xem xét các địa phận trong thành, xét hỏi những vụ kiện do Ngự sử đài khám đoán cuối năm trình bầy về chính sự hiện thời.

Ðiền bảng : viết bảng.

Ðiển bạ : (Hàn lâm viện) chuyên giữ sổ sách, coi phát nhận văn thư. Thời Nguyễn, sưu tầm tài liệu, giúp biên soạn sách, hàng bát, cửu phẩm.

Ðiển tịch : làm ở các Bộ, Viện, sưu tầm, khảo sát thư tịch, giúp biên soạn lịch sử, giảng tập. Hàng cửu phẩm.

Ðiện tiền Ðô chỉ huy sứ : (Lý) coi các ban trực ở trước điện.

Ðình úy viện : (Trần) tra xét hình án tình nghi tội nặng, vốn là Ðăng văn viện. Ðời Lê thuộc Cẩm y vệ, sau đặt riêng làm một Ty, không thuộc Cẩm y vệ nữa. Ðời Trung-hưng bỏ Ty ấy, những án ngờ thuộc Ngự sử đài.

Ðô cấp sự trung : (Lê) đứng đầu mỗi Khoa (như Bộ).

Ðô Chỉ huy sứ : Thời Nguyễn là tướng chỉ huy vệ Cẩm y, hàng Chánh nhị phẩm.

Ðô hộ phủ Sĩ sư : (Ðường) coi phiên quốc, sau cải là Tiết độ sứ. (Lý) xét án còn ngờ.

Ðô Ngự sử : can gián vua, đàn hặc các quan, đứng đầu Ngự sử đài, nhà Nguyễn đổi ra Ðô sát viện.

Ðô sát viện : giữ việc đàn hặc, giám sát các quan, can gián vua. Có các chức Ngự sử, tả hữu Ðô Ngự sử... Quan ở kinh hoặc phái đi điều tra các nơi. Thời Nguyễn nằm trong Tam Pháp Ty, cơ quan quan trọng về pháp luật, chỉnh đốn pháp luật để nghiêm phong hóa. Quan hàng Chánh nhị phẩm thời Minh-Mệnh.

Ðô thống Thượng tướng quân : (Lý) quan ngoài, coi việc binh.

Ðô thống ngũ quân (tiền, hậu, tả, hữu, trung) : (Nguyễn) quan võ, bảo vệ vua, hoàng tộc và kinh thành. Chỉ huy 5 binh chủng : Bộ binh, Thủy binh, Pháo binh, Tượng binh, Kỵ binh. Dưới có Thống chế, Ðề đốc, coi các doanh (dinh), mỗi doanh có 5 vệ, mỗi vệ có 10 đội.

Ðô tri : đứng đầu Nội thị sảnh.

Ðốc đồng : (đầu đời Trung-hưng) quan ở trấn, khám xét việc kiện tụng ở trấn đó, hàng tứ, ngũ phẩm trở xuống.

Ðốc học : đứng đầu Học quan một tỉnh. Dùng Tiến sĩ, quan hàng Chánh tứ phẩm. Thời Minh-Mệnh quan hàng Chánh Ngũ phẩm.

Ðốc phủ sứ : (Nguyễn) chức quan ở Nam kỳ, tương tự như Tổng đốc, Tuần phủ.

Ðốc thị : (Trung-hưng) riêng có ở Nghệ-an, dự coi việc biên cương. Quan tam, tứ phẩm.

Ðốc trấn : giữ yên địa phương.

Ðối độc có 2 người, một người đọc, một người soát lại, đối chiếu quyển Ðằng lục sao chép cho đúng với quyển văn của thí sinh trước khi đưa cho khảo quan chấm.

Ðông các Ðại Học sĩ : Thời Lê Thánh Tông, sửa chữa chế, biểu, văn thơ, tiến cử quan lại ở triều đình. Ðứng đầu là Ðông các Ðại Học sĩ, rồi tới Ðông các Học sĩ, Học sĩ, Hiệu thư. Thời Nguyễn, Ðông các Ðại Học sĩ là một trong Tứ trụ triều đình, cố vấn của vua, lo những việc trọng đại, hàng Chánh nhất phẩm

Ðồng bình chương sự (Ðường) như Tể tướng.

Ðồng khảo : Sơ khảo, những khảo quan thi Hương, thi Hội chấm trước nhất.

Ðồng Tri phủ : đứng dưới Tri phủ, hàng Chánh lục phẩm.

Ðường quan : từ tùng 3 phẩm trở lên. Thời Nguyễn là Trưởng quan các cơ quan ở Kinh và ở ngoài, quan từ hàm Hồng lô tự thiếu khanh hàng ngũ phẩm trở lên, dưới là thuộc quan.

- Giám thí : Phó chủ khảo các trường thi Hương, thi Hội thời Lê.

Giám sát Ngự sử : làm nhiệm vụ của viên Ðô sát ở tỉnh, hàng Chánh ngũ phẩm thời Minh-Mệnh.

Giáo thụ : Học quan ở một phủ coi việc học chính, dùng Cử nhân, quan hàng lục, thất phẩm. Thời Minh-Mệnh, quan hàng ngũ, thất phẩm.

- Hàm (Hư hàm) Phẩm danh dự, không có chức việc, không lương.

Hàn lâm viện (Lý) soạn thảo chế cáo, chiếu chỉ, đạo dụ thay vua, luật, sử, văn kiện với ngoại quốc, thảo luận kinh điển, đứng đầu là Hàn lâm viện Học sĩ. Ðời Trần đặt Hàn lâm viện Phụng chỉ thì dùng Thái sư, Mật viện chức trọng, giỏi văn học. Ðời Lê sơ có Hàn lâm viện Ðại Học sĩ, Thị độc Học sĩ, Thị giảng Học sĩ, Ðãi chế, Hiệu lý, Kiểm thảo... Từ Thánh Tông còn chỉ đạo 3 quán Sùng văn, Chiêu văn, Tú lâm cục, đứng đầu là Hàn lâm viện Thừa chỉ... Ðời Nguyễn có các chức Chưởng viện Học sĩ, Trực Học sĩ, Hàn lâm viện Thị độc, Hàn lâm viện Thị giảng,Hàn lâm viện Thừa chỉ, Trước tác, Tu soạn, Biên tu, Kiểm thảo ; Ðiển tịch, Ðiển bạ, Cung phụng, Ðãi chiếu... Quan hàng Chánh tứ, ngũ phẩm trở xuống.

Hành (1721, theo Hồng-đức) là phẩm cao làm việc của chức quan phẩm thấp.

Hành khiển : (Lý) dùng hoạn quan, tức trung quan, gia thêm danh hiệu "Nhập nội Hành khiển đồng Trung thư môn hạ Bình chương sự", chức đứng sau Tể tướng. Nhà Trần có Hành khiển ty ở Thánh từ cung (của Thượng hoàng) và Hành khiển ty ở Quan triều cung (của vua) đều gọi Mật viện, sau đổi ra Môn hạ sảnh. Từ 1267 mới dùng người có văn học. Nhà Lê đặt Ðại Hành khiển và Hành khiển 5 đạo, đứng đầu văn ban, như Tể tướng. Thánh Tông bỏ chức ấy.

Hành khiển 5 đạo : (Lê) giữ việc quân dân 5 đạo ở ngoài, trên các quan phủ, huyện ở các lộ. 1465 bãi.

Hành tẩu : thư ký ở các Bộ, Viện. Thời Nguyễn, thực tập công việc trong bộ máy hành chánh, hàng lục phẩm.

Hậu bổ : trường hành chính, đào tạo nhân viên bước vào chức vụ chính thức.

Hình (bộ) : trước là Tây khoa, 1465 đổi ra Hình khoa, 1833 ra chính lệnh về pháp luật, xét lại những án nặng, tội còn ngờ.

Hiến sát sứ : coi việc án trong một tỉnh.

Hiến ty : (Trần) là An phủ Phó sứ. 1473 định rõ chức vụ của Hiến ty là dò xét, đàn hặc các nha môn, kiểm xét các quan trong hạt, khảo khóa, tuần hành.

Hiệp trấn : Thời Gia-Long, coi việc quân dân các tỉnh, đứng dưới Tổng trấn. Thời Minh-Mệnh, hàng Chánh tam phẩm.

Hiệu quan : khảo hạch các sinh đồ, rèn tập học sinh.

Học chính : chức quan dậy và quản lý ở Quốc tử giám, thường chuyên dậy các Tôn sinh. Thời Minh-Mệnh, hàng Tùng lục phẩm.

Học sĩ : Nhà Lý đã đặt Học sĩ các điện, nhà Trần đặt thêm Kinh diên Ðại Học sĩ, Nhập thị Học sĩ. Thời Lê Thái Tổ, Học sĩ thuộc Hàn lâm viện, Thánh Tông lại đặt lại Học sĩ các điện, quan hàng Chánh tứ phẩm.

Hộ (bộ) : trước là Hải khoa, 1465 đổi ra Hộ khoa, 1833 giữ việc lưu thông tiền tệ, giá vật đắt rẻ, kho tàng trong cung và kinh thành, thuế má, thưởng bạc tiền cho các quan đi Bắc sứ về, phát cờ thêu, câu đối cho các quan về hưu, thi Hương, thi Hội thì cắt đặt cai lại viết bảng, đằng tả, đối độc, giữ cửa...

Hộ lý / Thự lý : phẩm cấp thấp, làm việc một ngạch cao hơn.

Hỏa đầu : (Lý, Trần) như đội trưởng, cấm quân.

Hồng lô tự khanh : quan đứng đầu Hồng lô tự, coi nghi tiết triều hội, khánh hạ, sắp xếp trật tự ban thứ, ngôi vị, lễ nghi tiếp đón sứ giả nước ngoài, lễ xướng danh thi Ðình... Thời Minh-Mệnh hàng Chánh tứ phẩm.

Huân công : có công lớn, được phong hàm Huân tước (Công, Hầu, Bá...).

Huân quan quan có hàm, không có chức.

Huấn đạo : Học quan của một huyện, quan hàng thất, bát phẩm.

Hữu nhai Tăng thống : (Lý) quan đứng đầu Tăng quan.

- Khâm sứ (Résident supérieur, người Pháp) : ở Huế, trước là Tổng Trú sứ (Résident général), từ 1886 đổi ra Khâm sứ, coi việc cai trị Trung kỳ.

Khanh (lục khanh) : (đời Chu) giúp vua xử lý chính vụ, đứng hai bên tả hữu vua.

Khoa : có từ Lê Nghi Dân, thanh tra 6 Bộ. 1465 đổi Trung thư khoa thành Lại khoa ; Hải khoa thành Hộ khoa ; Ðông khoa thành Lễ khoa ; Nam khoa thành Binh khoa ; Tây khoa thành Hình khoa ; Bắc khoa thành Công khoa. Ðứng đầu mỗi khoa là Ðô cấp sự trung.

Khởi cư trú : Thời Nguyễn, phục vụ trong buổi giảng tập ở Kinh diên. Nhiệm vụ tạm thời kiểm điểm, giữ sổ sách. Thường lấy quan Hàn lâm viện Trước tác, Tu soạn, hàng Tùng lục phẩm.

Khu mật sứ : (Lý) quan võ đứng đầu viện Khu mật, trong triều coi việc cơ mật, nắm quyền binh. Ðối lập quan văn Trung thư sảnh. Nhà Lê đổi ra Nội mật viện (gồm một số quan thân cận vua), nhà Nguyễn gọi là Cơ mật viện (xem Cơ mật viện, Xu mật viện).

Kiêm : (1721, theo Hồng-đức) giữ chức này nhận thêm chức khác.

Kiểm thảo : quan Hàn lâm viện, thời Minh-Mệnh, kiểm soát văn tự, giúp biên duyệt sách.

Kim ngô : (Lý) cấm quân, túc trực ở Ðại nội, bảo vệ cung cấm.

Kinh diên : Khóa giảng sách cho vua ở điện Kinh diên gọi là Tập Hiền, dài 9 tháng, mỗi tháng định kỳ 6 ngày. Giảng quan có Thi độc, Thị giảng giúp việc, lại co nhiệm vụ tra xét những việc tố cáo của các xã dân tùy thuộc nội điện, hàng Chánh nhị phẩm, thời Nguyễn.

Kinh lược sứ : có nhiệm vụ đi xét qua việc trị an trong hạt. Thời Nguyễn, đặt ở Bắc thành và Gia định thành, thay mặt triều đình liên lạc với các quan cai trị người Pháp (thực sự là để nhận chỉ thị và thừa hành những việc người Pháp giao cho). Toàn quyền Paul Doumer bãi bỏ chức này.

Kinh sư lưu thủ : ((Lý) Thân vương đại thần giữ kinh sư khi vua ra ngoài.

Ký chú tào : Thời Nguyễn là một trong 4 tào của Nội các, có nhiệm vụ ghi chép những lời tâu vua, những sắc chỉ vua phán truyền khi thiết triều cũng như khi ngự giá.

Ký lục : Lê Thánh Tông đặt ra chức này để thi các tướng siêng năng hay lười biếng, dũng cảm hay nhút nhát (tâu lên) khi ra quân. Thời các chúa Nguyễn Ðàng Trong là quan đứng đầu Xá sai ty, sau đổi làm đứng đầu bộ Lại. Thời Gia-Long, là quan ở công đường các quân doanh, giúp việc Ðô tri, Cai bạ.

Kỳ mục : (Nguyễn) Ðứng đầu các làng, xã là Tiên chỉ, Thứ chỉ, có quyền quyết định việc làng, Hội đồng kỳ mục gồm các cựu Chánh tổng, cựu Lý trưởng, dưới là Lý dịch (Lý trường, Phó Lý) bàn việc làng : thuế má, binh lương...

- Lạc hầu : (Hùng vương) tướng văn.

Lạc tường : (Hùng vương) tướng võ.

Lại (bộ) : trước là Trung thư khoa, 1465 đổi ra Lại khoa, 1499 là Thuyên tào, 1833 tuyển dụng quan văn, khảo sát tài năng, gia cấp kỷ lục, phong tước, làm sổ tên các quan, tập ấm.

Lang trung : (Lý, Trần) đều thuộc Trung thư, Môn hạ, dùng Hành khiển sung chức ấy. Nhà Lê đặt đủ Lang trung 6 Bộ nhưng chức thấp, không trọng như đời Trần, quan hàng Chánh lục phẩm. Thời Minh-Mệnh, đứng đầu các Ty trong 6 Bộ, hàng Chánh tứ phẩm.

Lãnh : phẩm cấp cao, nhận việc một ngạch thấp hơn.

Lãnh binh : (Nguyễn) võ tướng, chỉ huy quân đội cấp tỉnh, hàng Chánh tam phẩm.

Lễ (bộ) : (Trần) là Ðông khoa, 1465 đổi ra Lễ khoa, 1499 Nghi tào, 1833 coi nghi lễ, khánh hạ, tế tự, quy tắc trường học, thi Hương thì tổ chức yến tiệc, chuẩn bị áo mũ, ấn dấu, giữ các sắc chỉ, thi Hội thì thu quyển thi, thi Ðình và thi Ðông các thì làm bản kê đãi yến, cho tiền thưởng Tiến sĩ, tiền áo ban cho Tiến sĩ...

Lệnh :(Hán) mỗi quận chia ra nhiều huyện, một vạn nhà thì đặt quan lệnh. Nhà Ðường gọi là huyện lệnh. Việt-Nam thường gọi là quan huyện.

Lính khố đỏ : lính đánh trận, quấn xà cạp ở chân bằng vải đỏ,

Lính khố xanh : lính phòng giữ các tỉnh, quấn xà cạp xanh ở chân.

Lính lệ : làm tạp vụ ở huyện, mặc quần trắng áo the thâm.

Lộ : sau đổi ra "phủ".

Lưu thủ : như Ðốc trấn, Trấn thủ. 1721 đổi gọi Ðốc phủ, Nghệ-an gọi Ðốc suất.

- Môn hạ sảnh : (Trần) vâng theo lệnh chỉ của vua.

Mục doãn : (Ðường) cai trị một phủ.

- Ngũ kinh Học sĩ : (Lê) dậy ở Quốc tử giám, hàng Tùng bát phẩm.

Ngự sử : (Lý) giữ việc đàn hặc.

Nhiêu học :(Nguyễn) đỗ kỳ sơ tuyển ở tỉnh, được miễn dao dịch để yên tâm chuẩn bị thi Hương.

Nội các : Gia-Long gọi là Thị thư viện, Minh-Mệnh cải là Văn thư phòng, từ 1829 gọi là Nội các, là văn phòng vua, ghi chép tấu, sớ các nha dâng lên, khởi thảo chiếu, chế, sắc ban ra các cơ quan, thi Ðình thì đằng lục các chế sách và cấp quyển thi.

1831 Dụ : Phàm những việc 6 Bộ làm chưa đúng thì Nội các hạch, Nội các làm chưa đúng thì Viện Cơ mật hạch khiến cho rằng rịt lẫn nhau mới mong thịnh trị.

1833 Ghi chép những tấu sớ, chiếu chỉ, chia việc ra từng Tao chuyên trách. Dùng các quan tam, tứ phẩm ở các Bộ sung vào, Ðại học sĩ không được làm ở Nội các.

Nội nhân quan : (Lý) để sai bảo trong cung.

Nội thị sảnh : hầu vua, tuyên chế lệnh.

- Phiên : (Trung hưng, 1718) như "Bộ". Có các chức Thiêm sai, Tri phiên (dùng Tiến sĩ), Phó tri, Thiêm tri (dùng Giám sinh). 1787 Chiêu Thống bỏ, giao việc cho 6 Bộ.

Phiêu kỵ tướng quân : (Trần) chức dành cho Thái tử, Hoàng tử.

Phò mã : Thời Hán là quan võ, trông coi ngựa của xe vua, từ Ngụy Tấn thì người lấy công chúa được giữ chức ấy. Ở Việt-Nam Phò mã cũng trỏ người lấy công chúa.

Phòng ngự sứ : (Trần, Lê) quan cai trị ở biên giới, miền núi, tựa như Tri châu.

Phủ (Ngũ phủ) : (Lê Thánh Tông) quân đội toàn quốc đặt dưới quyền thống lãnh của 5 phủ (Trung quân phủ, Ðông, Tây, Nam, Bắc quân phủ). Mỗi phủ có 5 vệ, mỗi vệ = 5, 6 sở, mỗi sở = 10 đội, mỗi đội = 20 quân. Cai quản cả 5 phủ là Thái úy, đứng đầu mỗi phủ là Ðô đốc, người trực tiếp điều khiển 5 quân.

Phủ doãn : (Trần) đặt Kinh thành bình bạc ty, sau đổi ra Kinh sư Ðại an phủ sứ, rồi Kinh sư Ðại doãn, Trung đô doãn. Ðời Hồng-đức đổi ra Phụng-thiên phủ doãn, hàng Chánh ngũ phẩm. Phủ doãnđàn áp cường hào, xét những vụ kiện do huyện quan xử mà kêu lại ở bản hạt, khảo xét thành tích quan lại, khảo luận sĩ tử kỳ thi Hương. Thời Minh-Mệnh là quan đứng đầu phủ Thừa-thiên và kinh thành, hàng Chánh tam phẩm.

- Quan Lang (Hùng vương) con trai vua. Thời Nguyễn : quan cai trị người Mường (như Tuần phủ).

Quân : (Chu) một quân gồm 12 500 lính, nước lớn có ba quân = 37 500 người. Thời Hàn Phi, Quản Trọng thì ba quân gồm : tráng nam (1 quân), tráng nữ (1 quân), những người già yếu (1 quân, giữ việc chăn nuôi). Luận Ngữ, 103 - Hàn Phi, 74.

Nhà Lý : 1 quân = 200 người. Nhà Ðinh (974) định nước có 10 đạo quân, mỗi đạo = 10 quân, 1 quân = 10 lữ, 1 lữ = 10 tốt, 1 tốt = 10 ngũ, 1 ngũ = 10 người. SKTT, I, 156.

Quốc tử giám thành lập từ 1076, đời Trần đổi là Quốc tử viện rồi cải là Quốc học viện, nhà Lê đổi lại là Quốc tử giám, rồi nhà Thái học, Gia-Long gọi là nhà Quốc học, Minh-Mệnh cải là Quốc tử giám. (Thời Pháp thuộc, ngoài Quốc tử giám còn có trường Quốc học là trường Trung học đệ nhất cấp, tức Cao đẳng tiểu học, cấp bằng Thành chung (Diplôme), dậy toàn chữ Pháp, không dậy chữ Hán).

Quốc tử giám thoạt đầu để dậy các hoàng tử và hoàng thân, sau mở rộng cho con quan, từ 1253 con nhà thường dân mà xuất sắc cũng được vào học, giữ việc rèn tập sĩ tử để gây dựng nhân tài cho nước.

Ðời Lý, tên các chức quan chưa rõ, đời Trần có Tư nghiệp đứng đầu Quốc tử giám, đời Lê đứng đầu là Tế tửu, rồi Tư nghiệp, Trực giảng, Bác sĩ, Giáo thụ, đời Trung hưng bãi chức Ngũ kinh Bác sĩ. Quan hàng Tùng tứ phẩm trở xuống.

Quyền : (1721) phẩm thấp tạm coi việc của chức cao.

- Sắc thụ : có sắc phong nhưng không có bài chế, cáo, kèm theo như Cáo thụ. Quan từ Chánh lục phẩm trở xuống, thời Nguyễn. Khi chết được một tên thụy hiệu kèm sắc thụ.

Sảnh : Nhà Lý chưa có, nhà Trần mới có hai sảnh Thượng thư và Môn hạ, thời Lê sơ đặt 5 sảnh :

1- Thượng thư sảnh / Thượng thư tỉnh giúp Tể tướng điều khiển trăm quan liên lạc với Thượng thư các Bộ. Ðời Trần đứng đầu là Thượng thư lệnh, cũng gọi là Hành khiển Thượng thư, là Á tướng. Lê Thánh Tông trực tiếp liên lạc với Thượng thư các Bộ, bãi sảnh này.

2- Trung thư sảnh / Trung thư tỉnh giúp vua những việc trọng đại, đứng đầu là Trung thư lệnh. Thời Lê sơ thường giao cho Tể tướng kiêm nhiệm, Thánh Tông đổi gọi là Trung thư giám, giảm bớt quyền hành.

3- Môn hạ sảnh / Môn hạ tỉnh có từ đời Trần. Thời Lê sơ giữ ấn của vua, chuyển lệnh vua đến các quan, tâu vua việc các quan thi hành lệnh vua, điều khiển lễ nghi trong cung. Thánh Tông bãi.

4- Hoàng môn sảnh / Hoàng môn tỉnh : thời Lê sơ giữ ấn của vua.

5- Nội thị sảnh / Nội thị tỉnh : Thời Lê sơ quản đốc công việc trong cung, ban bố chế lệnh cho quan võ.

Sĩ sư : (Ðinh) coi việc hình án ở kinh sư, đứng đầu tư pháp trong nước.

Soạn hiệu : biên số hiệu trên quyển thi trước khi rọc phách, trong các kỳ thi Hương, thi Hội.

Sùng văn quán : (Lê Thánh Tông) lo về sách vở đồ thư, cung cấp tài liệu, chỉ bảo học sinh.

- Tam cô / Tam Thiếu (Thiếu sư, Thiếu bảo, Thiếu phó) : (Chu) giúp đỡ Tam Công / Thái.

Tam Công / Tam Thái (Thái sư, Thái bảo, Thái phó) : thầy, nuôi nấng, dậy dỗ vua, ba chức lớn nhất. Từ nhà Chu chỉ bàn xét việc nước không dự việc hành chánh. Nhà Lý bắt đầu làm danh hiệu gia thêm cho đại thần, sau mới giao cho chính sự, có lúc kiêm Tể tướng. Ðời Trần coi cả việc quân dân,không phải như xưa chỉ có trách nhiệm bàn về trị đạo. Ðời Lê, quan hàng Chánh nhất phẩm, nhưng chỉ là danh chức gia thêm cho đại thần.

Tam pháp ty : (1832) gồm bộ Hình, Ðô sát viện, Ðại lý tự. Những ngày 6, 16, 26 các đường quan ba ty ngồi nhận đơn khiếu oan, những ngày khác có thuộc viên thường trực. Cần kíp thì cho đánh trống Ðăng văn để nộp đơn minh oan. Vu cáo càn bậy thì xử nghiêm. Không cần kíp mà đánh trống Ðăng văn thì gông 10 ngày, mãn hạn đánh 100 trượng.

Tam Tư là Tư đồ, Tư mã, Tư không. Thời Lý chưa có, Trần mới gia thêm cho các Tôn thất đại thần.

Tam ty viện : (Trần) xét án còn ngờ, trước là Ðô vệ phú.

Tán lý : quan văn giúp việc quan võ khi dẹp giặc, Tham tán.

Tản quan : quan có hàm mà không có thực chức.

Tăng thống (Lý) đứng đầu Tăng quan.

Tào : 1829 bắt đầu đặt 4 Tào : Tào Thượng bảo giữ các sổ ấn triện quan phòng, phó bản các chỉ dụ, hồng bản các sắc dụ ; Tào Ký chú giữ nghiên bút thượng phương (vua dùng) ; Tào Ðồ thư giữ thi văn ngự chế ; Tào Biểu hạ giữ hồng bản châu phê.

Tập hiền viện : giữ việc giảng sách, bàn đạo trị nước để vua, quan từ Tham tri trở lên nghe. Khóa giảng hàng năm có định kỳ, mỗi tháng 10 ngày. Có lễ khai giảng, bế giảng trọng thể theo triều nghi.

Tế tửu : đứng đầu Quốc tử giám, coi nghi lễ khi tế. Thời Lê hàng Tùng tứ phẩm, thời Minh-Mệnh hàng Chánh tứ phẩm.

Tể tướng : đứng đầu trăm quan coi hành chính.

Ở Trung quốc, lúc đầu gọi là Bách quỹ, (Hạ, Thương) gọi là Trủng tể, (Hán) là Thừa tướng), (Ðường) là Ðồng Bình chương sự.

Ở Việt-Nam : (Ðinh) Tổng quản (995 Lê Ðại Hành) ; (Lý) Tướng công, Phụ quốc Thái úy, Ðồng bình chương quân quốc trọng sự ; (Trần) Thượng tể, Thái tể, thêm tả, hữu Tướng quốc Bình chương sự ; (Lê) Tướng quốc kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự, Tỏng quản tri quân dân sự, (Trung Hưng) Tham tụng).

Thái bộc tự : giữ xe vua và hoàng tử, chuồng ngựa của vua, kiểm soát mục súc trong nước.

Thái chúc ty : (Trần) thuộc bộ Lễ, coi lễ nhạc, lo việc cầu đảo.

Thái sử cục : (Trần) vốn là Tư thiên giám.

Thái tể / Thượng tể : (Trần) như Tể tướng.

Thái thú : (Tần) coi dân chính một quận.

Thái thường tự : giữ hình thức lễ nghi tế tự.

Thái úy : (Tần) coi binh quyền, quân sự. Ðầu đời Lý, Phụ quốc Thái uý là Tể tướng, Thái uý là chức quan tổng thống việc binh. Ðời Trần là chức gia thêm cho các thân vương vẫn giữ chức quan của mình mà kiêm chức hàm Tể tướng phụ chính. Ðời Lê là quan hàng Chánh nhất phẩm, đời Trung-hưng chỉ làm hàm gia thêm cho võ tướng và thân thần.

Tham hiệp trấn : thời Minh-Mệnh là Phó Trấn hàng Chánh tứ phẩm.

Tham tri chính sự : (Lý) Á tướng, quyền như Tể tướng. Thời Minh-Mệnh, đứng dưới Thượng thư trong một Bộ (như Thứ trưởng), hàng Tùng nhị phẩm.

Tham tụng : (1606) như Thủ tướng, ở phủ chúa. 1787 Chiêu Thống bãi, đặt lại là Bình chương sự.

Thẩm hình viện : (Trần) định tội khi tụng án đã thành.

Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ : (Lý) coi việc cung cấm và ban trực trước điện. "Thân vệ" là vệ binh của vua.

Thập đạo tướng quân (Ðinh) đứng đầu quân đội.

Thị độc Học sĩ : chức cao nhất trong Hàn lâm viện, phụ trách việc đọc sách, tham khảo, biên soạn chỉ dụ, chế cáo giúp vua. Thời Minh-Mệnh, quan Hàn lâm viện giữ việc giảng dậy, biên soạn sách ở Tập Hiền, Quốc tử giám, ba Ðường (Quảng học đường, Quảng thiện đường, Minh thiện đường), hàng Chánh tứ phẩm, Thị độc hàng ngũ phẩm.

Thị giảng Học sĩ : dậy vua, giải thích, bình luận các văn thư, thơ ca, chế biểu... Thời Hồng-đức dùng Trạng nguyên, quan hàng Chánh lục phẩm. Thời Minh-Mệnh, quan Hàn lâm viện, dưới Thị độc Học sĩ, hàng tứ, ngũ phẩm.

Thị lang : Nhà Lý chưa có các Bộ, chưa đặt đủ các chức Thị lang 6 Bộ, nhà Trần mới đặt đủ ; đời Lê, quan hàng Tùng tam phẩm ; (Nguyễn) đứng dưới Thượng thư, Tham tri trong một Bộ (như Chánh văn phòng). 1826 trật Chánh tam phẩm.

Thị nội : chầu hầu trong cung.

Thị thư : biên chép văn bản. Thời Hồng-đức dùng Bảng nhãn, quan hàng Tùng lục phẩm.

Thiêm sai : (Lê) thuộc Mật viện, quan hàng Chánh ngũ phảm, xét lại việc kiện tụng, trước xét ở Ngự sử đài.

Thiếu úy : Ðầu nhà Lý là chức quan tổng thống việc binh, coi cấm quân ; đời Trần chỉ là hư hàm, không làm việc gì ; đời Lê, quan hàng Chánh nhị phẩm.

Thông chính ty : (Lê Thánh Tông) tuyên bố đức hóa của vua, đề đạt tình dân bên dưới.

Thông phán : (Lý) coi tạp tụng. Ðời Nguyễn là thư ký văn phòng, hàng Tùng lục phẩm (như trưởng phòng).

Thống sứ : (người Pháp) đứng đầu Bắc kỳ.

Thu chưởng : giữ quyển thi tại các trường thi.

Thư gia : (Lý) theo Lê Quý Ðôn là lại điển. Thời Trần là quan trong nội, hầu cận vua, "Nội hỏa thư gia" là quan giữ việc ngự thiện (ăn uống của vua).

Thứ sử : (Hán) giám sát, coi việc hành chính đứng đầu một quận quốc, hay một tỉnh. Mỗi quận đặt một Thái thú ; (Ðường) đứng đầu việc hành chính một châu (mỗi châu gồm nhiều quận).

Thự / Thự lý / Hộ lý : (1721, theo Hồng-đức) phẩm cấp thấp, tạm làm việc một ngạch cao hơn ở bản nha.

Thừa chỉ : biên soạn, trước thuật. Thời Lê Thánh Tông, đứng đầu viện Hàn lâm, thời Minh-Mệnh, đứng hàng thứ ba trong viện, hàng Tùng ngũ phẩm.

Thừa tướng : (Tần, Hán) như Tể tướng.

Thừa ty : hàng năm trình lên luận xét thành tích các quan.

Thượng thư : đứng đầu một Bộ trong lục Bộ (như Bộ trưởng), hàng Chánh nhị phẩm thời Minh-Mệnh.

Thượng thư sảnh : (Trần) vâng lệnh chỉ của Thượng hoàng.

Tiết độ sứ : (Ðường) là Ðô hộ phủ. Thời nhà Ðinh là võ quan chỉ huy, thống lĩnh đạo quân cả nước.

Toản tu : Quốc sử quán, chuyên lưu trữ sử liệu, nghiên cứu, biên soạn sách, sửa chữa lịch sử. Thời Nguyễn, hàng Tùng nhị phẩm.

Tôn nhân phủ : 1833 ghi chêp họ xa gần, việc cấp dưỡng trẻ mồ côi, việc hiếu hỷ của hoàng gia...

Tổng đốc : Thời Gia-Long có Tổng trấn đứng đầu nhiều trấn, Minh-Mệnh bỏ Tổng trấn đặt Tổng đốc đứng đầu một tỉnh to, coi việc quân dân, khảo hạch quan lại, sửa sang bờ cõi hạt mình. Hàng Chánh nhị phẩm, như Thượng thư.

Tổng quản Lê Ðại Hành đã đặt Tổng quản kiêm hàm Tri quân dân sự, tước Hầu, ngôi ở trên Thái uý. Nhà Lý là chức đứng đầu quân đội, nhà Trần lúc đầu bó chức ấy, sau là chức phòng giữ một địa phương. Nhà Lê lúc đầu có các chức Ðại Tổng quản (đứng đầu ban chỉ huy 5 đạo vệ quân), Ðô Tổng quản... đời Hồng-đức bãi chức ấy.

Tổng quản tri quân dân sự : (Tiền Lê) như Tể tướng.

Tổng tài : chủ biên một bộ sách lớn. Dùng đại thần có uy tín, hàng nhất phẩm. Ðứng đầu Quốc sử quán.

Tổng trấn : Gia-Long chia nước ra 23 trấn và 4 doanh. Các trấn đặt quan Trấn thủ. Bắc thành gồm 11 trấn (từ Ninh bình trở ra) thì đặt Tổng trấn, hàng Chánh nhị phẩm (Gia định thành cũng gồm nhiều trấn, đặt Tổng trấn). Minh-Mệnh ngại Tổng trấn nhiều quyền hành nên bãi chức Tổng trấn, đặt Tổng đốc, chỉ đứng đầu một tỉnh.

Tổng Trú sứ : (Résident général) từ 1886 đổi ra Khâm sứ, đại diện chính phủ Pháp ở Huế, liên lạc với triều đình Huế.

Trấn thủ : như Ðốc trấn.

Tri : (1471) quan bản nha coi việc thuộc quyền mình.

Tri cống cử : quan kiểm tra, lập danh sách thí sinh thi Hội.

Trung quan : hoạn quan.

Trung thư giám : chọn thuộc quan ở Giám chép tờ kim tiên (giấy rắc vàng chép lời phong trong kim sách), ngân tiên (lời ngân sách), chế sách và các bài biểu, gián, quan lịch, văn tế ở điện, miếu.

Trung thư khoa : (Lê) như bộ Lại.

Trung thư sảnh : (Lý) chuyên nghĩ mọi việc tâu vua, truyền mệnh lệnh vua, định luật lệnh, tuyển bổ các quan. Ðời Trần : vâng lệnh chỉ của Thượng hoàng. Quan văn, đối lập với Khu mật sứ, quan võ.

Trung thư tỉnh : đề nghị lên vua, vâng truyền mệnh lệnh. (Thời Tống, như Tể tướng).

Trủng tể : (Hạ, Thương) Tể tướng coi việc hành chánh.

Trực Học sĩ : Hàn lâm viện, thời Minh-Mệnh hàng Chánh tam phẩm, ngang Chưởng viện Học sĩ.

Trước tác : (Viện Hàn lâm) viết các văn bản, quan hàng Chánh lục phẩm.

Tu soạn : biên khảo, dùng Hoàng giáp, quan hàng Tùng lục phẩm.

Tú lâm cục : (Lê Thánh Tông) thuộc Hàn lâm viện, trông nom, dậy bảo con các quan.

Tuần sát : dẫn đầu đội quân tuần phòng trường thi.

Tuần vũ / Tuần phủ : (1831) cai trị một tỉnh nhỏ : chính trị, giáo dục, giữ gìn phong tục...

: Theo quan chế nhà Trần và Lê sơ, có việc vui mừng đều cho các quan được thăng một tư, chưa đủ để thăng đến phẩm trật cao.

Luật Hồng-đức Thông tư của các tước và cấp bậc từ cao xuống thấp cộng là 24 tư : Quốc công là Thượng trật, 24 tư ; Quận công là Thượng giai, 23 tư ; Chánh nhất phẩm là Thượng tuyển, 18 tư ; Chánh nhị phẩm là Trung trật, 16 tư... Tùng cửu phẩm là Hạ liệt, 1 tư. Từ Thượng trật đến Hạ liệt có 18 "thông". QCC, 64 - CM, XI, 74-82.

Tư đồ : (Nghiêu, Thuấn) coi giáo dục, nông thương.

Tư khấu : (Hạ, Thương) coi hình phạt, kiện tụng, như bộ Hình.

Tư không : (Ðường, Ngu) phụ trách địa lợi, thiên thời, khuyến khích công nông.

Tư lễ giám : đóng ấn vào sắc mệnh, chiếu chỉ ban ra các công vụ, chuyển đệ các ngự định của vua.

Tư mã : (Hạ, Thương) thống suất 6 quân, như Thượng thư bộ Binh.

Tư nghiệp quan giảng dậy ở Quốc tử giám, dưới Tế tửu. Thời Lê, hàng Tùng ngũ phẩm, thời Minh-Mệnh, hàng Tùng tứ phẩm.

Tứ sương quân : (Lý) quân đóng bốn mặt thành. SKTT, I, 336.

Tư thành (Thời Khổng Tử) đứng đầu kinh thành.

Tự trước là Viện để giải quyết những việc không thuộc 6 Bộ, thừa hành công việc 6 Bộ giao cho.

Từ Lê Thánh Tông có 6 Tự là :

Hồng lô tự : tổ chức, sắp xếp thể thức lễ nghi tiếp đón sứ giả nước ngoài, lễ Xuớng danh thi Ðình...

Quang lộc tự : cung cấp, kiểm tra rượu lễ, thực vật trong các buổi tế tự, triều hội, yến tiệc.

Ðại lý tự xét lại các án còn ngờ.

Thái thường tự : trông coi đền chùa, thi hành thể thức lễ nghi, điều khiển ban âm nhạc.

Thái bảo tự : đóng ấn quyển thi Hội.

Thái học tức là Quốc tử giám.

Ðứng đầu là Tự khanh, rồi đến Thiếu khanh, Tự thừa, Viên ngoại, Chủ sự, Tư vụ, thư lại. Hàng Chánh ngũ phẩm trở xuống.

Tứ trụ triều đình (Nguyễn) : bốn đại thần đầu triều : Văn minh điện Ðại Học sĩ, Võ hiển, Cần chánh, Ðông các Ðại Học sĩ, hàng nhất phẩm.

Tướng công : (Lý) đứng đầu quan văn, sau mới gọi Tể tướng.

Tuyên huy viện : (Trần) giữ sổ sách các Ty, Ban, trong cung, việc tế tự, triều hội.

Ty Niết : cơ quan làm việc của Án sát sứ.

Ty Phiên : cơ quan làm việc của Bố chánh sứ.

- V : (Lý) cấm quân, bảo vệ quanh vua.

Vị nhập lưu : chưa vào chính ngạch.

Viên ngoại lang : (Lý) sung sứ bộ đi cống, dự chính sự Thượng thư sảnh ; (Trần) thuộc Trung thư sảnh. Thời Lê quan hàng tùng lục phẩm, thời Minh-Mệnh, quan hàng Chánh ngũ phẩm, chuyên gia đầu ngành cho nhiều nghề khác nhau, đứng đầu những tổ chức chuyên môn ở các Bộ, Viện. Ðứng dưới Thượng thư, Tham Tri, Thị lang trong một Bộ.

Viện : trước là Bộ, từ 1476 đổi 6 Viện ra 6 Tự (Hồng lô, Quang lộc, Ðại lý, Thái thường tự...)

Vũ vệ : (Lý) quân hộ tống khi vua đi ra ngoài.

- Xá sai ty : một trong ba Ty quan trọng nhất của chúa Nguyễn Ðàng Trong, chuyên lo việc văn án, tư pháp. Ðứng đầu là Ðô ty và Ký lục, thuộc viên có 3 Câu kê...



 Trở Về