Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Sơn Nam, Việt Nam

Đặng Tiến

Sơn Nam nhà văn, tác gia hàng đầu trong nền văn học Việt Nam đương đại, vừa qua đời trưa xế ngày 13 tháng 8, 2008, hưởng thọ 82 tuổi. Báo chí loan tin thường gọi ông là nhà văn Nam Bộ, vô hình trung, giới hạn tầm cỡ của một tác gia lớn ; cách gọi như vậy, là ưu ái, vô hình trung khoanh vùng văn hóa, tạo nên một thứ văn học da beo da báo, trên một đất nước đã hao xương tổn máu nhiều để đi đến thống nhất.

Sơn Nam sinh ngày 11.12.1926, tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang. Tên thật là Phạm minh Tài, nhiều tài liệu ghi Tày, có lẽ vì trên khai sinh ghi Phạm Anh Tày. Chữ Tài đúng hơn vì ông có người em tên Trí. Bút hiệu Sơn Nam là do kỷ niệm người vú nuôi gốc Miên, họ Sơn. Còn là một địa danh lịch sử, có từ đời Trần.

Ông học tiểu học tại quê, đến trung học lên Cần Thơ. Gia đình là nghiệp chủ khá giả, ông sống tuổi trẻ thong dong ; giàu óc quan sát và trí nhớ, ông đã ghi tạc nhiều nếp sống thổ ngơi : hình ảnh nông thôn Nam Bộ trong truyện ngắn Mùa len Trâu, nổi tiếng vì được dựng thành phim, là những kỷ niệm ấu thời trong tâm cảnh Sơn Nam.

Tham gia kháng chiến Nam Bộ suốt chín năm chống Pháp, ông di chuyển nhiều, có thêm cơ hội thâm nhập sâu vào thiên nhiên và đời sống nông thôn, nhất là Miền Tây, như Miệt U Minh. Ông giữ nhiều chức vụ từ cấp tỉnh, đển quân khu và xứ ủy. Làm báo, viết văn, ông được giải thưởng của Ủy Ban kháng chiến Nam Bộ 1951-1952, với truyện Bên rừng cù lao Dung, nay thất lạc, và ký sự Tây đầu đỏ được giải nhì 1953-1954.

Sau hiệp đình Genève 1954, Sơn Nam tự ý ở lại Miền Nam, rời quê Rạch Giá lên sinh hoạt tại Sài Gòn. Tại đây ông sống vất vả bằng ngòi bút, viết cho bốn nhật báo, và viết truyện, phần nhiều đăng trên tuần báo Nhân Loại, thân kháng chiến, tồn tại được hai năm 1956-1958. Sơn Nam xuất hiện như là một nhà văn mới, và được chú ý ngay, như tập truyện Chuyện xưa tích cũ, 1957. Cùng năm đó nhà Trùng Dương của những người kháng chiến cũ có in mấy tập truyện mỏng, Chiếc ghe Ngo, Đóng gông ông thầy Quít, trong loại truyện tin yêu đất nước, ngoài bìa không ghi tên tác giả, nên giới biên khảo không để ý và trích dẫn.
 

Ông bị chính quyền Sài gòn bắt giam tại Phú Lợi trong non hai năm, 1960-1961. Ông rất sợ chuyện chính trị và thường né tránh. Ra tù ông tập hợp 18 truyện thành tập Hương Rừng Cà Mau, đưa in ở nhà Phù Sa, 1962, là cơ sở xuất bản do ông và Ngọc Linh chủ trương. Thời đó, các tác giả thường có nhà xuất bản.

Tập truyện được nhiệt liệt hoan nghênh. Tạp chí Bách Khoa số 130, ngày 1.6.1962, có bài giới thiệu nồng hậu :

" giọng kể chuyện của tác giả thường khi rất giản dị, không có chút gì trau chuốt (...) nhưng chỗ tài tình của Sơn Nam là sau cái bề ngoài giản dị như vậy, ông vẫn tỏ ra là người hóm hỉnh, và sắc bén, diễn tả được sự thực tâm lý tế nhị ".

Tác giả lời bình này là... Võ Phiến, nhất định không phải là " đồng chí " với Sơn Nam - nếu quả là ông này nằm vùng.

Đến 1975, vấn đề lại được nêu ra : Sơn Nam được đề cao, hay phê phán vì cái huy chương hai mặt này. Riêng Võ Phiến thì trước sau vẫn công bằng và chung thủy. Năm 1993, ông còn viết :

" Nói gọn thì chính trị Việt Nam chỉ có hai phía, mà đời ông lại chia làm ba phần : đoạn đầu và đoạn chót thuộc phía cộng sản, đoạn giữa thuộc phía quốc gia (...). Tính ra thời gian ông ở bên quốc gia ngắn, mà thành tích thời ấy chiếm phần quan trọng hơn cả trong đời văn của ông " [1]

Nói cho có đầu có đũa tách bạch, chứ trong chuyện văn chương không ai tranh cờ tranh quạt làm gì. Ngoài ra, định mệnh viên mãn của một trái cây, là lúc chín muồi, ngon ngọt chớ không phải lúc đơm hoa kết nụ hay số phận về sau.

*

Sơn Nam là nhà văn điệu nghệ. Trong Văn Minh Miệt Vườn, 1970, ông có nói ở chương cuối : điệu nghệ là do chữ đạo nghĩa. Ở Sơn Nam hai chữ này đồng hóa.

Đạo nghĩa là nhân ái, thủy chung. Nhân ái không những với đồng hương Miệt Vườn, đồng bào Việt tộc, đồng loại nhân sinh, mà còn nhân ái với cảnh vật, kể cả con cá sấu khó thương.

Truyện Sông Gành hào kể việc chú Tư Đức phải gian nguy mới triệt hạ được con cá sấu vô cùng hung hiểm, tu luyện hằng trăm năm ; nhưng triệt nó rồi thì Tư Đức tha cho con thứ hai đi đôi, vì giết một con đủ rồi, giết hết mình có tội với Trời Đất.

Ông Năm Hên có tài Bắt sấu rừng U Minh hạ : bắt hằng năm mươi con, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau, chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình ... Con này buộc nối con kia, đen ngòm như khúc cây khô...

Năm Hên vừa bơi xuồng vừa hát, giọng nghe ảo não, rùng rợn :
Hồn ở đâu đây
Hồn ơi ! hồn hỡi...
(...) U Minh đỏ ngòm
Rừng tràm xanh biếc !
Ta thương ta tiếc
Lập đàn giải oan

Loài cá sấu cũng là chúng sinh, giết nó rồi thì giải oan, thờ cúng. Nhưng đến chiếc xe đò cũ, cà tàng cà rịch cà tang, cũng được ưu ái, người lái xe già nua than vãn : con ngựa này già quá rồi. Vài năm nữa cho nó vô nhị tì xe hơi của Chệt ve chai. Còn tôi thì về vườn xuống lỗ (...) nhưng khách bộ hiền sẽ về đâu ? Họ cúi đầu nhìn xuống, hình dung cái lúc mà xác chiếc xe này hóa ra quỉ vô thường, từng bộ phận của nó sẽ trở thành những mảnh sắt vụn, cái đục, con dao yếm, như khi con trâu chết thì phân thây ra làm con cờ, lược chải đầu, mặt trống... Sanh kế sẽ đưa đẩy họ về đâu ? (...) Hoặc họ lê gót khắp đô thành, ăn gởi nằm chờ, nhìn lá me rụng bên vệ đường, nhìn bóng mát cây trứng cá nhà ai, rồi hững hờ dang tay hái trộm thử một trái để tự an ủi

Truyện Đường về quê này, Sơn Nam viết, và Võ Phiến đọc, vào năm1955, khi cả hai mới từ kháng chiến về thành. Bốn mươi năm sau, 1993, Võ Phiến từ Los Angeles còn vọng về quê cũ : " chao ôi, bùi ngùi thương cảm biết chừng nào cái hình ảnh bàn tay dang ra hững hờ hái thử một trái trứng cá " nhà ai ". Xin thú thực là ngót bốn chục năm xa làng xóm quê nhà, tôi vẫn bị hình ảnh nọ ám ảnh dai dẳng " (sđd, tr. 1353).

Trong văn chương, độc giả tri kỷ và lý tưởng là người đồng cảnh, đồng thời, đồng tuổi, cũng viết văn gần nhau.

(Ngoài đề, và chủ quan : nếu Sơn Nam nằm vùng, ắt Võ Phiến biết, và sẽ khó viết một lời cảm khái như vậy, vào 1993)

Tinh thần đạo nghĩa ở Sơn Nam vượt địa giới Nam Bộ rất xa. Nội dung chính trị trong Hương Rừng Cà Mau, những chuyện xảy ra khoảng 1930-1940, chủ yếu là tinh thần chống thực dân Pháp. Nhưng người Pháp, trên tư cách cá nhân, không phải ai ai cũng xấu. Thậm chí có người thật tốt, nhân hậu như ông Tây kiểm lâm tên Rốp trong Sông Gành Hào.

Ca ngợi phong cảnh, phong tục quê hương, dĩ nhiên là hoài cổ. Quê hương, nơi nào cũng vậy, là cái đang tàn phai. Nhưng đặc điểm của Sơn Nam là, trong mộng tưởng và hồi tưởng, ông không níu kéo dĩ vãng. Chống Pháp, không thể múa roi đi quờn như chúa Đảng Cánh buồm đen. Ông tin vào khoa học, lịch sử, cộng đồng và hướng về tương lai.

Sơn Nam kết luận VănMinh Miệt Vườn : văn hóa là sức sống luôn luôn hiện đại hóa (tr. 218). Về mặt này, ông khác với Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Tuân, Võ Phiến, Tô Hoài. Trên cơ bản, sự khác biệt nằm ở bản chất : bốn tác giả kể trên có tinh thần hoài nghi, chất hoài nghi này không có, hoặc ít có hơn nơi Sơn Nam. Nhưng kết với Sơn Nam, họ họp thành Ngũ Nhạc trong địa đồ văn học Việt Nam.

Sơn Nam là nhà văn Việt Nam, không riêng cho Nam Bộ. Dù cả đời ông mới nhích từ Cà Mau lên tới Sài Gòn, phong cảnh và tâm cảnh của ông chỉ xê dịch trên sông nước Miệt Vườn. Trong  Người Việt có dân tộc tính hay không (1969) Sơn Nam  " khẳng định  " : không có người Việt Miền Nam mà chỉ có người Việt Nam.

Sơn Nam dung dị, từ tốn. Ông có viết : Thái độ ôn hòa khiến nhiều người lầm tưởng rằng dân Miệt Vườn quá bở, không sâu sắc. Bất cứ đạo nào, triết lý nào đem phổ biến thì cũng có người theo. Nhưng người Miệt Vườn chỉ theo với thái độ
" ba phải " cầu vui.

Nhìn dưới một góc độ nào đó, nhất là bề ngoài, thì Sơn Nam cũng thuộc dạng ba phải cầu vui. Điều này khiến ông không dấn thân vào một cuộc đấu tranh chính trị dài hạn. Trên dòng lịch sử ông như một mảng lục bình bập bềnh bấp bênh vào cơn nước lũ, nhưng trước sau vẫn thủy chung, sống chết với một lòng sông. Đọc lại, đọc kỹ văn ông suốt nửa thế kỷ, ta sẽ gặp niềm chung thủy đó. Mà thương cho những oan khiên.

Thoạt kỳ thủy, dường như dòng đời đẩy đưa ông trôi dạt đến văn chương, chứ ông không cao vọng. Bút hiệu Sơn Nam dựa trên tên họ người vú nuôi gốc Khmer, họ Sơn. Bút hiệu từ tốn, không tham lam như Phú Đức, không cao đạo như Biểu Chánh, không bay bổng như Phi Vân, không thâm thúy như Bình Nguyên Lộc. Nhưng ông vẫn là khách tài hoa bậc nhất.

Đạo nghĩa, Sơn Nam là tay điệu nghệ. Có những đoạn văn ông viết thật hay. Như trong Gia Định Xưa, 1984, sách nghiên cứu, nghiêm túc, uyên bác, viết đều tay, văn nghị luận xen vào hình ảnh thi vị :

Mùa lụt, cá nước ngọt trôi theo nước ra khá xa vàm biển. Ngược lại, tới mùa khô, cá biển và cá nước lợ lại theo thủy triều mà vào sâu trong lòng sông. Cá rô với vảy cứng có thể lóc đi trên bùn đất khô. Cá trê, rùa, lươn có thể sống trong bùn mà không ăn uống trong vài ba tháng nắng. Cá sặt đẻ trứng trên khô, mùa nắng trứng bay tung theo gió rồi đáp xuống như hạt bụi để nở ra trong vùng nước đầu tiên của cơn mưa đầu mùa. Con cò quắm, nhan sen, trích ré, trích cồ là chim trời nhưng đậu và ngủ trên bùn. Chim bồ nông, già sói ở mũi Cà Mau quen bay từng đàn đến tận Biển Hồ đất Campuchia để ăn cá mùa lụt rồi trở về rừng cũ (tr. 11).

Sơn Nam đã sống thấm thía ý văn rồi mới viết ra được một câu súc tích như vậy. Rung cảm phải sâu lắng lắm, câu văn - tình cờ - mới đưa đến chữ cuối cùng : rừng cũ. Lời văn dài tả cảnh, đọng lại hai chữ cuối cùng, trìu trĩu tâm tư. Tấm lòng Sơn Nam, đâu đó, là rừng đợi chim về như đâu đó, trong thơ Nguyễn Trãi.

Sơn Nam ưa nhắc những món ăn quê kiểng, cá dứa nấu với trái bần chín : vùng nước lợ, gần cửa sông, cá dứa lớn lên nhờ ăn trái bần chín rụng xuống, rồi khi làm canh chua người ta lại hái trái bần chín mà nấu trở lại (tr. 83).

Không biết món canh bần cá dứa này ngon đến mực nào, nhưng nó chứng tỏ cấu trúc thi pháp trong Sơn Nam, cái ngôn ngữ thơ tiềm ẩn trong tư duy. Không có tư duy thi nhân thì không viết được Hương Rừng Cà Mau, ví dụ như truyện Con Bảy đò đưa.

Balzac (1799-1850) là nhà văn Pháp, lừng danh về sự nghiệp tiểu thuyết đồ sộ. Gần đây, các nhà dân tộc học còn nhận ra nơi ông một đồng nghiệp đi tiên phong. Bậc thầy của ngành dân tộc học thế giới, Claude Levi-Strauss đã tham chiếu Balzac để dẫn nhập cuốn La Pensée Sauvage, Tư duy hoang dã (1962) kinh điển. Giới dân tộc học lắp ráp những dữ kiện rời rạc - những văn liệu rải rác - đưa đến kiến thức tổng quát và hữu cơ về xã hội, về văn hóa một dân tộc, chủng tộc, như Sơn Nam mong ước khi viết khảo luận về phong tục, nếp sống trong Văn minh Miệt Vườn ,
Nghiên cứu về xã hội, về văn hóa, đòi hỏi một tinh thần rộng rãi, khách quan, gạt ra ngoài những thành kiến chánh trị vụn vặt).(tr99)

Khổ nỗi, cái anh chàng thành kiến chánh trị, đã là thành kiến, đã là chánh trị, thì mấy khi chàng tự biết mình là...vụn vặt !

Ở Việt Nam, Tô Hoài từng được một nhà phê bình Nga đề cao những đóng góp vào dân tộc học.

Mai kia mốt nọ, sẽ có người khai thác được giá trị xã hội, văn hóa mà Sơn Nam lưu trữ qua khoảng 300 tác phẩm và hằng vạn trang bản thảo chưa được in ấn.

Một nhân vật của Sơn Nam , ông Từ Thông, sống một mình trên hoang đảo, hòn Cổ Tron, trong vịnh Xiêm La ; một hôm nhớ cảnh nhớ người, ông về đất liền, bị bắt giam vì không có giấy tùy thân ; được thả, ông trở về đảo. Người lục địa thỉnh thoảng nhớ ông già quái dị - như người hôm nay, và mai sau dù có bao giờ, biết đâu sẽ có người còn nhớ Sơn Nam :

Chiều khi ra bờ biển câu cua, đẩy xịp, người ta nhớ ông Từ Thông như nhớ một cái vỏ ốc xa cừ ngũ sắc tấp vào bãi bùn. Như nhớ vài trang sách Phong Thần tình cờ lượm được trong ngăn tủ bỏ quên, những trang sách rách nát hơi khó hiểu vì thiếu hồi thứ nhứt và không có hồi sau phân giải.

Câu văn này, Sơn Nam viết năm mươi năm trước, tiên tri cho một văn nghiệp.

Và một kiếp người.

Đặng Tiến
20-8-2008
Phụ chú : Giữa người Việt với nhau, nói chuyện gì cũng khó.

Nói chuyện gì rồi, rồi cũng buồn.

_________________________________________

[1] - Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Truyện 2, tr. 1344, nxb Văn Nghệ, 1999, California.



Trở Về  ]