Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ
Ông - Cháu
Đàm Trung Phán
Ðã lâu lắm rồi tôi chưa ngồi xuống để viết bài. Hôm nay trốn việc trông cháu (baby-sitting), tôi định ra bờ hồ ngồi hóng mát mùa hè và suy nghĩ, trời bỗng đổ mưa. Ở xứ lạnh như Canada mà gặp được một cơn mưa hè, tôi cảm thấy như vừa trúng xổ số vậy. Tôi bèn vớ cái dù, xỏ chân vào đôi dép Nhật rồi  ra đường "đội mưa mà đi" để nhớ lại cái thời còn học Trung học tại Việt Nam hơn một nửa thế kỷ trước.

 Vừa đi trong mưa, vừa nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên cái ô đen của "cụ Lý Ðình Dù đang hưu trí", tôi miên man liên tưởng tới 3 khuôn mặt và ánh mắt thơ ngây của các cháu nội, ngoại. Thấm thoát, cháu nội đích tôn của tôi đã được 3 tuổi (2008) rồi. Trước khi cháu ra đời, con trai lớn của tôi gọi điện thoại báo tin:

- Bố sắp có cháu nội trai rồi đó. Cháu sẽ sinh vào cuối tháng 5, 2005.

Tôi im lặng trong cái nghịch ngợm bẩm sinh và tôi trả lời hắn:

- A ha, Bố rất mừng cho vợ chồng con sẽ có con trai. Bố sẽ dậy cho cháu nội của Bố những "bí kíp" để nó "chơi" lại bố nó, giống như những "đòn" mà ngày xưa con đã từng "chơi" với Bố khi con còn nhỏ.

Bên kia đầu giây, tôi thấy im lặng. Mãi sau mới nghe con trai tôi trả lời gọn lỏn bằng tiếng Anh:

- You bet, Dad! (Thì Bố cứ thử xem sao!)

Tôi cười rộ vì đây là cơ hội tôi đang mong chờ từ khi con trai tôi lấy vợ và tôi đang mong có cháu để "diễn lại tích xưa". Bây giờ tôi chỉ đóng vai phụ: vai ông nội đang ngồi xem cảnh bố con chúng nó bồng bế nhau!

Ngày cháu nội đầu lòng Edward của tôi ra đời, tôi cảm nhận được một niềm vui lâng lâng rất khó tả. Cháu có khuôn mặt và đôi mắt giống bố và cái miệng giống mẹ của cháu. Nhìn đôi mắt cháu nội, cả một thời dĩ vãng hơn 35 năm trước đã trở về. Cũng là hai đứa bé trai mới sinh ra đời với khuôn mặt và đôi mắt giống nhau như đúc nhưng lại sinh ra cách nhau hơn 30 năm. Nhìn con trai tôi bồng con của hắn, tôi nhớ lại cái thuở hắn mới sinh: đêm đầu tiên sau khi mang hắn về nhà, tôi đã thức trắng đêm để hâm sữa cho con và phụ giúp mẹ cháu vì thằng bé khóc gần như suốt đêm. Rồi hắn lớn dần và cũng bụ bẫm như cháu nội của tôi bây giờ. Sáu tháng sau, mẹ cháu phải đi làm trở lại và tôi trở thành "bà vú thứ thiệt"! Như một cái đồng hồ báo thức, cứ khoảng 8 giờ đêm, thằng bé nhớ mẹ và đòi bú tí nhưng tiếc nỗi là bố của nó "không có dụng cụ hành nghề" để hắn "đỡ cơn ghiền". Thế là cu cậu tiếp tục khóc oe oe làm ông bố phải bồng bế nó đi quanh nhà, mỏi cái lưng và muốn...bạc cái đầu.

Tôi nhoẻn miệng cười khi thấy cháu nội tôi đang ngáp ngủ và bố nó xoa lưng cho nó ngủ tiếp. Hóa ra đây là một hình ảnh trong cuốn phim "Dòng Ðời" mà hai bố con tôi đã từng đóng vai chính và giờ dây tôi chỉ là một khán giả đang rung đùi ngồi thưởng lãm cuốn phim này! Lòng tôi thấy nhẹ nhàng một niềm yêu thương với con, với cháu: dòng đời không hề ngừng nghỉ từ đời này sang đời khác!

Ngày xưa, khi nuôi cho các con khôn lớn, tôi chỉ thấy bận rộn đầu tắt, mặt tối vì có quá nhiều thứ để làm và để lo nhưng giờ đây, trong cương vị của một ông nội, tôi thấy an vui, yêu thương và không còn thấy bị vất vả như ngày xưa nữa. Cuộc đời thay đổi như một cái đồ thị (graph), biến đổi theo các chu kỳ (cycles) khác nhau. Tôi đang vô hình chung dang tay đón chào các sự thay đổi này và nhất là đón chào các cháu nội, cháu ngoại. Tôi hy vọng những vấp ngã trong cuộc đời của chính tôi sẽ giúp tôi tránh được ít nhiều những "ổ gà trên đường trần gian" dùm cho con, cho cháu tôi về sau này.

Cháu tôi lớn dần và tôi mê chụp hình cho nó, cho em nó và cho bố mẹ nó luôn. Tôi "mê" chụp hình, chẳng qua chỉ là vì tôi muốn ghi lại những hình ảnh ngay lúc đó để hai, ba chục năm về sau, tôi muốn đem ra kiểm chứng những khác biệt của đời cụ, đời ông, đời cha và đời cháu của đại gia đình chúng tôi mà thôi.

Dòng đời tiếp diễn với sự ra đời của một cháu ngoại gái Julie và một cháu nội trai thứ hai Norman của chúng tôi. Julie ra đời sau Edward hơn 1 năm. Julie sinh ra đúng vào lúc tôi đang mong chờ có một đứa cháu gái. Cháu có đôi mắt và cái mũi giống mẹ Việt Nam, và cái miệng giống Tây Phương của bố cháu. Hồi còn trai trẻ, tôi đã từng say mê đi kiếm đôi mắt "nửa Âu, nửa Á" của một cô gái có hai dòng máu Á và Âu nhưng rất tiếc là "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" cho nên cuối cùng tôi đã có duyên nợ và ghé bến với "đôi mắt người Sơn Tây"!

Ai mà chẳng có những cái đam mê khác nhau trong lúc trẻ tuổi? Giờ dây, trong đời về hưu, tự dưng tôi lại có cháu ngoại có hai giòng máu, phải chăng đó là một cái "bonus duyên trời" vừa nhẹ nhàng, vừa thích thú mà Ông Trời / Thượng Ðế đã ban cho tôi? Từ ngày có Julie, thuyền đời của tôi dường như đang nhẹ nhàng ghé bến trong một nhịp điệu rất êm dịu. Mẹ cháu chỉ được ở nhà trông con có một năm (đó là may mắn lắm rồi trong xã hội Bắc Mỹ). Qua những kinh nghiệm nuôi con vất vả ngày xưa, giờ đây trong vai ông bà, chúng tôi quyết định trông cháu ngoại Julie trong những ngày làm việc của cha mẹ cháu để cháu không phải đi đến nhà giữ trẻ, nhất là trong những ngày bão tuyết mùa đông.

Tôi đã có nhiều kinh nghiệm cho con nít ăn uống, ru ngủ, đọc sách, đi dạo... với các con tôi. Bây giờ, tuy tôi đóng vai "thợ vịn" trong việc trông cháu nhưng tôi đóng vai "thợ vịn thứ xịn" làm cô cháu nhiều lúc cười như nắc nẻ và chạy theo ông như một cái đuôi!

Càng lớn, Julie càng nghịch ngợm, nghịch như con trai vậy. Rồi bỗng dưng, ông trở thành một thủ môn (goal keeper) để Julie tập đá banh (soccer) khi cô nàng mới 20 tháng tuổi đời. Thủ môn già chạy đi nhặt banh muốn hụt hơi trong khi cầu thủ tí hon luôn miệng la to:"More!" ("Chơi tiếp!"). Julie còn có sở thích khác: cô nàng hay thích trèo vào lòng ông để "chấm bài" giúp ông mỗi khi thấy ông ngồi chấm môn Toán và Anh Văn cho học trò. Có lần cô nàng vớ đâu ra được một cuốn sách Toán của học trò và dùng cây bút chì viết tứ tung gần cả một trang giấy. Tôi chỉ biết vui vẻ ngồi cười trừ và nhớ lại thuở xa xưa, hơn 25 năm về trước khi con trai út của tôi cũng đã từng "hành xử" như vậy!

Nhớ lại hồi đó, một hôm tôi phải ở nhà trông Út lúc cu cậu mới hơn hai tuổi. Vừa trông con, tôi vừa phải chấm bài thi cho học trò vì tôi đang sắp phải nộp điểm cuối khóa học Mùa Thu (Fall semester) cho nhà trường. Xế trưa, tôi để con trong phòng ăn và ra bếp hâm đồ ăn cho con. Tôi thấy nhà im lặng một cách khả nghi, bèn chạy vội vào phòng ăn để xem anh chàng đang làm gì. Hóa ra cu cậu đang ngồi trên bàn ăn miệt mài "chấm bài dùm bố" và nhe răng cười với tôi trong khi tay vẫn còn cầm cây bút mầu đỏ "mài" trên xấp bài thi của học trò. Cũng may, đó chỉ là trang sau cùng của một bài thi, chưa "thiệt hại" gì! Cu cậu cũng thích ngồi trên lòng tôi những khi tôi ngồi chấm bài, nhất là loại bài "True" and "False", anh chàng thường hỏi tôi câu nào sai, câu nào đúng để cho điểm giùm tôi .
 
 

Julie cũng ít khi để cho tôi được ngồi yên vì cô nàng hay bắt ông phải "xếp bút nghiên theo việc ra chơi"! Tôi đâm ra ít còn có được thì giờ để mà ngồi viết lách như ngày xưa nữa! Khi nào cô nàng thấy tôi ngồi xuống trước máy computer, "cô chủ tí hon" bèn bắt tôi đi lấy chổi quét nhà: ông một cái chổi dài, cháu một cái chổi dài gấp hai người cháu. Lấy chổi xong, cô chủ không quên dắt tay ông đi lấy cái gầu hốt rác. Cô nàng oai lắm: luôn luôn chỉ nhiều chỗ bắt ông phải quét luôn chân, luôn tay làm ông không còn có thì giờ "ngừng chổi đứng chơi" được nữa. Thông thường, ông là người mệt trước cháu, ông bèn nài nỉ xin cô chủ tí hon để ông tạm "về hưu non với việc quét nhà" trước. Ông bèn lén ra cái Computer. Ông đang chờ máy PC cho vào Internet, cô chủ bèn kéo tay ông ra cái giá sách và chỉ trỏ vào cuốn tự điển súc vật bằng tranh mà ông đã mua cho cháu. Julie chỉ chỗ cho ông ngồi để trèo vào lòng ông rồi chu môi, há miệng: "Ooong"! Có nghĩa là ông phải giở sách ra cho cháu chỉ trỏ từ trang nọ đến trang kia. Ông vừa ngồi nghỉ vừa hỏi cháu chỉ cho ông xem con hổ, con trâu...

Những lúc ngồi giở sách, đọc sách ngày xưa cho con, bây giờ cho cháu, tôi thấy vui vẻ, thoải mái nhất là được nghe tiếng trẻ thơ nói và cười. Nhiều đêm tôi nhớ lại hồi còn nhỏ, tôi đã thường giở mấy cuốn sách chữ Hán của thân phụ ra xem như thể một thứ đồ chơi vậy. Tôi chẳng hề biết một chữ nào hết nhưng tôi rất thích thú ngồi xem những nơi bị con mọt đục lỗ và tôi thường thò tay lấy ra những lá khô được kẹp giữa những trang sách. Tôi rất mê giở xem những hình vẽ trong cuốn Tự Vị Larousse tiếng Pháp nữa. Hình ảnh thân phụ tôi nhẫn nại và tươi cười ngồi bên cạnh giở sách cho tôi xem, tôi vẫn còn nhớ được. Không ngờ, giờ đây, đó cũng là hình ảnh của tôi với đời con, đời cháu của tôi. Thời gian không bao giờ ngừng lại và các chu kỳ vẫn nối tiếp nhau!

Julie có đôi mắt của một cô đầm lai: mí mắt Việt Nam nhưng lông mi và mầu mắt Tây Phương. Nhìn vào mắt của cháu, nhiều lúc tôi lại nhớ đến đôi mắt của Nicole, cô bạn gái người Pháp có một phần tư gốc Việt Nam của tôi khi tôi còn là một sinh viên đang du học. Tôi đã mê mẩn với đôi mắt đó và tôi cũng khó quên được những lần Nicole cầm đũa ăn bát mì thập cẩm với tương, ớt cùng tôi hơn 40 năm về trước. Nicole theo gia đình về Pháp. Tôi ở lại Sydney với những đêm dài mênh mông và học hành chối chết! Ðã có nhiều lúc tôi tự hỏi giờ này Nicole đang ở đâu, có gia đình chưa, đang làm gì ...? Hỏi để mà hỏi nhưng chẳng kiếm được câu trả lời! Qua cháu ngoại Julie, tôi đã kiếm ra đôi mắt người xưa, thật là nhẹ nhàng, dễ thương và bàng bạc.
Tôi yêu hình ảnh lúc Julie ăn trái cây Việt Nam như nhãn, vải, na (mãng cầu): đây là hình ảnh của sự giao thoa hài hòa giữa Phương Ðông và Phương Tây. Ăn xong, cô nàng dẩu mỏ ra nói với ông bà: "Ði, đu!" Ông bố Tây Phương trố mắt nhìn chúng tôi:

- Julie nó gì vậy, grand pa, grand ma?

- Nó nói tiếng Việt, đòi đi ra ngoài Park chơi để đánh đu đó!

Tôi mỉm cười vu vơ: "Cháu tôi đang Việt Nam hóa ông bố Tây Phương của nó!" Cả bố lẫn con chỉ thích ăn phở mà phở phải do chính tay bà ngoại nấu! Bà ngoại tuy bận rộn nhưng rất vui khi thấy con rể, cháu ngoại cầm đũa ăn phở giống như người Việt thực sự vậy!

Trong đời hưu trí, chúng tôi không còn phải quá lo lắng cho các con nữa vì chúng đã trưởng thành, có công ăn, việc làm và có gia đình, con cái rồi. Riêng anh chàng Út ("thợ - chấm- bài - không - công" của bố) vẫn còn đơn thương độc mã mải mê làm việc tại New York City. Theo thông lệ, đại gia đình chúng tôi từ ông, bà đến các con, các cháu đều "tham dự" bữa cơm Tầu mỗi lần Út về thăm gia đình. Chú Út tha hồ mà bồng bế các cháu và chơi trò chạy đuổi với các cháu. Ðối với riêng tôi, đây là những giây phút thần tiên nhất mà tôi đang được hưởng trong lúc tuổi già.

Cầu mong cho thế giới được an bình và tránh đưọc các hiểm hoa của chiến tranh, thiên tai để cho nhân loại và các con, các cháu của chúng tôi được sống trong tự do, công bằng, bình an, thoải mái hơn cuộc sống ngày xưa của nhiều thế hệ trước. Mong lắm thay!

Ðàm Trung Phán
Aug 4, 2008
Canada


Trở Về   ]