Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Tôi hành nghề tay trái 

Hoàng Đức

Sau gần bốn năm lang bạt kỳ hồ qua các tiểu bang New Hampshire, Kentucky, Indiana, gia đình tôi "mu" về miền Nam California nơi có khí hậu lý tưởng cho những người Việt lưu vong. Nói một cách chính xác là chúng tôi di cư về Quận Cam, sống trong vùng được mệnh danh là Tiểu Saigon mà người dân ở đây quen gọi theo tiếng Mỹ phiên âm ra tiếng Việt Nam là "Lí Tồ Saigon". Đúng là 12 con giáp nghe chẳng giống con nào nên tôi không bao giờ gọi tên này mà cũng không gọi theo văn chương Hán Việt là Tiểu Saigon. Ai hỏi tôi ở đâu, nếu là người ngoài tiểu bang Cali hỏi thì tôi trả lời ngắn gọn Quận Cam nếu là dân Cali hỏi thì tôi nói tên thành phố Garden Grove nơi tôi cư ngụ. Nếu là bà con thân thích còn ở Việt Nam hỏi thì tôi phải bảo là Santa Ana vì không hiểu tại sao dân Viêt Nam ta ở quê nhà chỉ biết duy nhất một tên Santa Ana ở Quận Cam.

Chân ướt chân ráo đến quận Cam, tôi nghe theo lời những người đi trước đưa đường chỉ lối, tìm đến sở xã hội để xin trợ cấp trong lúc chờ kiếm ra được việc làm. Được sở xã hội cấp cho 100 dollars tiền mặt để cứu đói khẩn cấp, tôi thầm cảm ơn chính phủ Mỹ đã chu đáo lo cho dân nghèo hay dân thất nghiệp trong khi chờ thủ tục giấy tờ để được chu cấp Food Stamps hàng tháng.Thế nhưng, tôi nhớ chỉ vài ngày sau đó, một buổi sáng tôi đang còn ngủ nướng trong chăn thì nghe tiếng đập cửa. Giật mình tỉnh giấc kê vàng tôi ra mở cửa thì lù lù trước cửa nhà là một ông Mỹ cao to và một bà Việt Nam tuổi xồn xồn, dáng người thấp nhỏ nhưng mồm miệng thì lớn lắm. Bà ta xỉa cái thẻ hành sự ra như muốn đập vào mặt tôi và thét lớn như trong xi nê: "Nhân viên Biện Lý Cuộc!" Tôi khựng người chẳng biết Ất Giáp gì vì từ thuở Cha sinh Mẹ đẻ đến bấy giờ tôi có bao giờ biết đến cái Biện Lý Cuộc này đâu.Thế là tôi lịch sự mời hai nhân viên của "Ba Toà Quan Lớn" vào nhà. Bà nhân viên đồng hương của tôi hách dịch tra vấn tôi về quá khứ và hiện tại cũng như xuất xứ gần xa của tôi, tại sao lưu lạc sang xứ Cờ Hoa và từ tiểu bang nào trôi dạt đến Cali. Bà ta thật là coi khinh người như rác, chẳng cần biết tôi có nghe và nói được tiếng Mỹ hay không, Bà cứ sang sảng dịch lại lời khai báo của tôi cho bạn đồng sự người Mỹ và răn đe tôi không được man khai, không được làm việc lãnh tiền mặt và nhất là không được lãnh công việc tại các "shop" may. Tôi chẳng hiểu "shop" may là cái gì và bà hách dịch hỏi vợ tôi có làm "shop" may không và trong nhà có máy may không vv... Bà cũng bắt tôi phải cho bà gặp vợ tôi chắc là muốn xem mặt vợ tôi có phong cách của thợ "shop" may không hay là bà ta muốn xem thử vợ tôi có mặt tại nhà không hay là đang hành nghề may vá ở đâu đó.Tôi bực mình về sự hống hách của bà ta nên tôi quay qua nói chuyện thẳng với ông Mỹ và khai rằng vợ chồng tôi đều tốt nghiệp Đại Học và Hậu Đại Học tại Mỹ nên đang tìm một công việc toàn thời gian, phù hợp với khả năng và vợ tôi hiện đang còn ngủ và cần có thời giờ trang điểm trước khi ra chào đón khách đến nhà. Bà nhân viên Biện lý Cuộc của tôi lúc bấy giờ mới dịu giọng và niềm nở với tôi, chỉ dẫn cách thức kiếm "job" và giới thiệu những nơi tôi có thể liên lạc để kiếm "job" và không còn đòi gặp vợ tôi nữa. Ăn tiền trợ cấp xã hội của chính phủ Mỹ không dễ phải không các bạn? Mới hưởng được 100 dollars cứu đói mà đã bị điều tra hạch hỏi như thế đó khiến tôi đâm ra bực mình chỉ mong kiếm được năm đồng, ba cọc gì tiền lương hàng tháng cũng cam tâm chứ không muốn lãnh đồng xu nào của chính phủ nữa.

Thế là sau vài tuần thu xếp nhà cửa, theo đúng phương châm "An cư mới mong lạc nghiệp", hai vơ chồng tôi nỗ lực đi kiếm việc làm qua báo chí, qua cơ quan tư nhân tìm kiêm việc làm (Employment Services) Cơ quan phát triển nhân dụng (Employment Development Department, EDD) và nhờ bạn bè, thân nhân giới thiệu vv... Tôi may mắn kiếm được việc làm trước vợ tôi, chạy được một chân nhận hàng và gửi hàng (Shipping and Receiving Clerk) tại một hãng buôn bán vải vóc của Mỹ. Chủ hãng thì rất dễ thương khi xem Résumé của tôi tuy chẳng phù hợp mảy may với công việc. Nhưng cái ông bạn đồng hương "boss" trực tiếp của tôi thì "đì" tôi sát ván vì có lẽ không thích cái mớ bằng cấp của tôi lấy được ở Đại Học Mỹ mặc dầu tôi không hề kê khai lý lịch với anh ta vì muốn dấu tông tích khi làm một cái nghề chẳng lấy gì làm "vinh quang" dù lao động cật lực suốt 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tôi biết thế vì có hôm anh ta hỏi tôi tại sao không xin việc làm khác theo đúng bằng cấp. Tôi nghĩ là ông chủ Mỹ có giới thiệu sơ về lý lịch của tôi với anh ta nên anh ta mới biết cái "sân sau" (background hay back yard) của tôi. Đáng lý ra anh ta phải thương tôi vì "sa cơ lỡ vận" đàng này anh lại hành hạ tôi cho đến lúc tôi cố nén nhẫn nhục mà không được đành phải quăng dao, quẳng kéo, vụt thước đo, xếp sổ sách nhận hàng, gửi hàng cùng với bao bì vào ngăn kéo rồi tìm gặp ngay ông chủ hãng xin nghỉ việc.Thế là bế mạc một nghề tay trái trên "Tiểu Bang Vàng" (Golden State).

*
Lại tiếp tục đọc báo mờ người, "nghiên cứu" công việc! Lần này tôi không tìm kiếm lang bang nữa mà chỉ tìm việc làm văn phòng cho chắc ăn. Đã bị lừa bịp vì chữ "Clerk" trong chức vụ "Shipping and Receiving Clerk "có chút hơi hướm văn phòng để bị một anh đồng hương xài xễ, nay tôi cẩn thận hơn, chỉ chú tâm vào công việc thực sự văn phòng. Duyên may run rủi, tôi kiếm được một chỗ làm thuộc ngành "Telemarketing" trong một công ty mà chủ nhân là người Trung Đông.Thật là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa! Nhân viên văn phòng gồm 5, 6 người đủ quốc tịch Mỹ, Mễ, Tàu và Việt Nam (là tôi).Tôi chẳng cần xử dụng vốn liếng Anh ngữ của tôi. Suốt ngày chỉ mở niên giám điện thoại, tìm tên người Viêt Nam, đồng hương yêu dấu của tôi và sẵn số phone bên cạnh cái họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn vv... tôi cất giọng oanh vàng, thỏ thẻ đọc vanh vách một bài giới thiệu công ty của tôi và dự án xã hội mà công ty đang theo đuổi để rồi "Xin Tiền".
Bài giới thiệu và lời thiết tha kêu gọi đóng góp tiền bạc và quà cáp đã được viết bằng tiếng Mỹ, tôi dịch lại và thêm văn chương hoa lá cành cho lâm ly, bi thiết để đánh động hảo tâm của những người không may bị tôi gọi đến làm phiền. Ngày nào cũng như ngày nào, ngồi nói ra rả, ca bài con cá nó sống nhờ nước, bên cạnh các đồng nghiệp cũng lao xao tiếng Mỹ, tiếng Tàu, tiếng Mễ. Cuối ngày thì mỗi người trong chúng tôi ghi lên bảng đen những kết quả thu lượm được trong ngày cùng những địa chỉ cần phải liên lạc để nhận tiền hay tặng phẩm. Công việc này do chính giám đốc công ty đảm trách vì thuộc phạm vi tài chánh không thể giao phó cho ai khác được.Tôi thầm phục anh chàng Mỹ trẻ tuổi, chẳng biết hắn ta xoay sở làm sao mà ngày nào cũng kiếm được khá bộn tiền cho công ty. Tôi nghe anh ta đọc bài bản mà tôi có trong tay, giọng đọc, giọng trả lời cũng chẳng có gì hấp dẫn thính giả, thế mà lại kiếm ra tiền mới là chuyện "loạ". Số là công ty Trung Đông này đang có dự án xây một trung tâm cho những nam nữ đã thành niên hay vị thành niên bị xã hội ruồng bỏ và xa lánh gia đình, để nuôi sống họ ăn học và kiếm công ăn việc làm cho họ. Nhìn vào đồ bản treo trên tường thì xôm trò lắm, công trình kiến trúc khá đồ sộ với đầy đủ tiện nghi và phương tiện giáo dục. Mục đích của dự án là làm đẹp xã hội và giúp các cơ quan công quyền cải thiện đời sống của những người vô gia cư, vô nghề nghiệp. Công ty có một mảnh đất đã dựng bảng tên với một đống dụng cụ xây cất có tính cách trình diễn.Tôi chẳng biết lúc nào mới khởi công xây dựng trung tâm từ thiện này. Tôi đánh hơi thấy một sự mờ ám và bịp bơm trong dự án này vì năm thì mười hoạ mới thấy ông giám đốc trẻ tuổi xuất hiện tại văn phòng. Tất cả công việc đều do một bà thư ký già người Mỹ đảm trách gồm việc tiếp xúc với khách, giao chi phiếu trả lưong cho chúng tôi và trả lời điện thoại hỏi han về công ty vv... Công việc của tôi thật là nhàm chán vì nói như vẹt suốt ngày, lui tới cũng chừng đó công việc, trả lời cũng vu vơ về công trình kiến trúc và về dự án xã hội. Đôi khi gọi xin tiền gặp được những người có hảo tâm thì cũng phấn khởi tinh thần khi nhận được tiền đóng góp hay hứa hẹn quà cáp. Nhưng lắm lúc cũng tủi thân, tủi phận vì bị hắt hủi vì vừa mới mở miệng chưa kịp giới thiệu một câu, một chữ đã bị cúp phone đánh rụp, quá bẽ bàng. Công ty đang cần tiền để xây cất, không biết bao giờ thì khởi công và bao giờ thì bắt đầu sinh hoạt.Thế mà một vài ông bà bác sĩ, nha sĩ thay vì gửi tặng vài chục dollars tượng trưng để khỏi nghe tôi ỉ ôi, nài nỉ, lại bảo tôi đến văn phòng để lãnh một phiếu khám bệnh hay một phiếu cà sạch răng miễn phí. Không biết ông giám đốc công ty có nhận những phiếu này không và nếu nhận được thì ông làm gì. Chẳng lẽ cho bà con giòng họ hay xóm giềng đi khám bệnh, đi làm sạch răng. Dùng sao cho hết đây hở Trời!

Lương tiền tuy hai tuần chúng tôi được trả một lần, nhưng gần như lúc nào cũng là ngân phiếu không tiền bảo chứng, phải chờ một vài tuần sau, bà thư ký già cho biết có tiền trong ngân hàng, chúng tôi mới vội vã đi lãnh tiền, sợ chậm trễ thì công ty lại hết tiền. Đôi lúc, chúng tôi phải đi đến những văn phòng của người Mễ để lãnh tiền và mất mấy phần trăm tiền lệ phí để chắc chắn rằng mình lãnh được tiền, áp dụng đúng phương ngôn, "Một con chim trong tay hơn hai con chim nằm trong bụi cây."

*
Tôi nấn ná với công việc có tính cách bất lương và bịp bợm này được hơn hai tháng thì lại xảy ra một việc làm tôi phải mất "job". Một hôm anh chàng Mỹ đồng nghiệp kiếm được nhiều tiền cho công ty bỗng nhiên lớn tiếng nạt nộ tôi khi thấy tôi nghỉ giải lao vì quá chán ngán công việc ngửa tay xin tiền một cách văn minh qua điện thoại này.Tôi thấy hắn ta uy hiếp tôi không có lý do, hơn nữa hắn cũng chỉ là một nhân viên quèn như tôi vì chúng tôi mạnh ai nấy xin tiền chứ không có người điều khiễn như một Team Leader nên tôi cũng sửng cồ lớn tiếng cãi tay đôi với nó. Rồi sau đó, tôi gác phone, bỏ ra ngoài xe ngồi đọc báo, làm nó tức điên người lên.

Hắn hùng hổ chạy ra bãi đậu xe và có ý định hành hung tôi.Tôi lên cửa kính xe vừa đủ để không cho nó thọc tay vào đụng đến tôi và đe doạ nó: "Tao không cần gọi cảnh sát vì với "Kung Fu" của tao, tao thừa sức cho mày đo ván." Có lẽ thằng nhóc con nghĩ rằng người Á Châu nào cũng có "Kung Fu" như tài tử Lý Tiểu Long nên sau một lúc gầm gừ, đỏ mặt tía tai, nó lại quay vào văn phòng.Té ra nó to con nhưng mà lá gan lại nhỏ! Nó bị tôi bịp mà không biết.Thực ra tôi cũng võ vẽ vài miếng Nhu đạo học từ khuya, nay đã quên gần hết.

Tôi chấm dứt công việc tay trái này ngay hôm đó sau khi trình bày câu chuyện của anh nhóc con Mỹ với bà thư ký già và yêu cầu bà gửi tiền lương cho tôi qua đường dây Bưu Điện.

Những tưởng lại là một ngân phiếu không tiền bảo chứng nhưng có lẽ sợ tôi làm lớn chuyện phương hại đến công chuyện làm ăn phi pháp của công ty nên lần này tôi lãnh tiền ngon ơ không trở ngại như những lần trước. Ít lâu sau, tôi tò mò đi ngang qua văn phòng công ty thì thấy văn phòng đóng cửa và miếng đất dự định xây cất trung tâm cư trú cho người vô gia cư, vô nghề nghệp cũng đang bỏ trống và không còn mang bảng tên của trung tâm.

Thế là lại thêm một lần nữa tôi từ bỏ một ngành nghề tay trái, không hợp với khả năng của tôi.Tôi tự hỏi đã có thống kê nào cho biết bao nhiêu người sinh sống trên đất Mỹ phải nhận lãnh một công việc bất như ý, không thuộc lãnh vực chuyên môn của mình. Người Mỹ quan niệm chỗ nào có việc, chỗ đó là nơi cư ngụ của họ.Tôi đọc được một thống kê cho thấy trung bình một người Mỹ trong đời phải dọn nhà 13 lần. Cứ xem như số lần phải thay đổi công việc bằng một nửa số lần dọn nhà.Vậy thì một người Mỹ phải thay đổi công việc 6 lần trong đời và trong 6 lần đó tôi nghĩ ít nhất cũng 3 lần bất như ý tức là hành nghề tay trái. Như vậy thì làm thế nào mà "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" được.Tôi nghĩ rằng thời gian hành nghề tay trái so với hành nghề tay phải thật ra không đáng kể vì vậy dân Mỹ vẫn giàu vì "nhất nghệ tinh" và nước Mỹ vẫn luôn luôn giàu bậc nhất trên thế giới trong tất cả mọi thời kỳ. Đấy cũng là một điểm son đáng ngượi khen trong công việc chuyên môn hoá nghành nghề trong chương trình đại học đào tạo chuyên viên chứ không phải chương trình học phổ thông bao quát nhiều môn như hệ thống giáo dục của các nước châu Âu ngày xưa vì hiện nay châu Âu cũng đang có khuynh hướng áp dụng hệ thống giáo dục của Mỹ để đào tạo những chuyên gia giỏi cho từng ngành nghề.

Nghề tay trái hay nghề tay phải lắm lúc cũng mang đến những lợi tức ngang nhau. Có khi nghề tay trái lại kiếm ra nhiều tiền hơn. Theo tôi, vận may đóng góp khá nhiều trong công việc làm ăn vì thế mới có câu:

"Hay không bằng hên!"

Hoàng Đức


Trở Về   ]