Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Đã chớm gió chướng non thổi rong con nước lớn. Đồng ruộng bạt ngàn lúa mùa no đòng lác đác trổ bông bung xuống mặt nước quanh gốc lúa loang loáng cánh sữa lúa - là món đặc sản của họ hàng nhà cá.
Mưa rước cá Cát Hoàng Khi ngọn chướng mạnh dần đi cùng với những đợt mưa cuối mùa, kích thích bao hàng so đủa trổ bông từng chùm trắng muốt hình trăng khuyết, chính là lúc các lang quân (đang tự do tìm chả); mệnh phụ (đang hoài thai tượng trứng); công tử; tiểu thư (đang thăm dò tìm hiểu tiến tới hôn nhân) rô - trê - lóc giung giăng giung giẻ say mồi, tích trữ năng lượng chuẩn bị cho mùa động tình - cưới - sinh mới.
Bổng nhiên một ngày Bà Tạo giật mình đoái thương họ hàng nhà cá. Bà khiến sấm chớp vang rền kín đất kèm một trận mưa đêm thiệt là bự mà bà con nông dân mình quen gọi là mưa rước cá.
Gọi là mưa rướt cá có lẽ do sau trận mưa nầy là "Tổng kết một mùa mưa bão"; hoạ hoằn lắm mới có vài cơn mưa nhỏ lẻ tẻ vì ảnh hưởng khí áp. Và phải chăng sấm chớp động rền nhằm thức tỉnh bản năng sống của loài cá? (Muốn sống phải chuồn nhanh, chậm đuôi là cầm chắc hổng bị xẽ khô cũng kho dừa sả).
Trời muốn cứu bấy nhiêu thì ngược lại là chừng ấy Người muốn diệt. Họ chọn hướng đào thoát của cá để đào hầm ngăn bắt. Những cái hầm loại nầy thường rất sâu cá lọt vào là vô phương, chỉ còn nước bó đuôi chịu trận. Lòng hầm được người ta nhận khạp tương, mái đầm bên dưới. Miệng hầm được đấp đất chà láng (mấy cha có kinh nghiệm còn rà nhớt cá cho cá lầm tưởng con đường quen, an toàn đã lắm cá qua) và nguỵ trang cây cỏ bên trên dẫn dụ cá tự chui vào.
Những con cá sẩy được, tìm đường ra sông rạch tự tìm kiếm hang ổ ẩn cư chờ mùa mưa tới để quay lại đồng ruộng làm mới cuộc sống bằng mùa cưới - sinh mới.
Những thập kỷ 50, 60 thế kỷ 20, quê tôi chiến tranh ách liệt đạn pháo đau thương mất mát, nhưng thú vui săn cá vẫn đủ sức cuốn hút nhiều người dự phần. Vui hơn nữa là thích dự phần của nhau - anh lén bắt cá hầm tôi, tôi lén bắt cá hầm người khác, người khác lại lén bắt cá hầm của anh. Lòng vòng lẩn quẩn khích bác thế. Song, không ai giận nhau lâu. Cùng thua quạo lắm thì trật quần ị xuống một bãi, lỡ tay xuống bốc nhầm thúi rình chỉ dám chưởi thầm trong bụng (Chứ hổng lẽ chửi lớn tụi nó biết cười cho thúi mũi).
Nay, nhớ lại nghĩ thiệt tiếc thiệt uổng, vì đồng ruộng bây giờ... may mắn lắm mới còn. Đồng ruộng còn đã nhiểm tràn ứ thuốc trừ sâu cá nào ở nổi. Nhảy vô vuông tôm bị dây thuốc cá; nhảy vô hồ nuôi bị thằng câu vịt; thà nhảy đại vô trại giống... chết còn sướng hơn.
Bà nội thương đứa cháu đích tôn lặn lội khắp chợ quê mua được con lóc cửng đuôi dài (nghe đồn cá đuôi dài là cá đồng, tin đại hổng biết đúng không?) mừng muốn nhảy cửng. Bà ngoại chăm chỉ rỉa từng chút từng chút thịt cá chắt mót mớm cho trẻ mà vui... lệ rơm rớm.
Người viết một hôm về Cần Thơ được bạn chiêu đải cá trê trắng nấu chua cơm mẽ bắp chuối, cũng mừng muốn tửng, khi về Bến Tre khoe kể hết mửng.
Mấy đêm nằm chờ mưa rước cá chợt nẩy tứ thơ:
Nhớ ruộng đồng quá, ăn tạm cá nuôi thịt bở nhạt nhẻo, mà nghĩ còn may mắn, biết đâu sẽ đến một ngày chẳng còn cá đồng nuôi ăn cho đở nhớ ruộng đồng, nhớ mưa rước cá!Đêm vật vả mưa rước cá
Ai rước ta qua vũng đời?
[ Trở Về ]Cát Hoàng
Bến Tre