Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Cây Đại Thụ Toan Ánh
Phần 1
LaiQuangNam

Ảnh chụp năm 2008, khi Cụ đã 94 tuổi
đang ngồi uống cà phê cùng bè bạn vong niên
tại Bình Thạnh (ảnh tư liệu của NVA)

Ba khuôn mặt lớn về dân tộc học của đất nước tôi đã để lại trong lớp hậu bối "tỉ như chúng tôi" nhiều ngưỡng mộ đó là các ông Toan Ánh ( miền Kinh Bắc ), Sơn Nam (miền sông nước Nam bộ ), Nguyễn Văn Xuân ( đất Quảng nam ). Nguyễn Văn Xuân, Sơn Nam thì đã ra đi, nay chỉ còn mỗi cây đại thụ Toan Ánh lặng lẽ ở tuổi 95 như một chứng nhân.

Bắc Ninh là một tỉnh thuộc miền Bắc nước Việt Nam, Đời Hồng Đức ,triều Lê gọi là Kinh Bắc. Miền đất Kinh Bắc là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Kinh Dương Vương và tám đời vua Nhà Lý, nơi hội tụ của kho tàng văn hoá dân gian, nơi có làng tranh dân gian Đông Hồ; nơi đó là quê ngoại của thi hào Nguyễn Du.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc từ khi lập quốc cho tới cuối thế kỷ19, vùng đất văn vật này đã cống hiến cho đất nước 17 trạng nguyên và 622 tiến sĩ . Toan Ánh là người con xuất sắc của quê hương này.

Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán, bút hiệu này là do nói lái hai chữ "Anh Toán", một cách chơi chữ.  Ông sinh năm 1914, tại làng Thị Cầu sđd(1),thuộc tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình có truyền thống nho giáo, sớm được thủ đắc một nền văn hóa nho học vững vàng, song hành với kiến văn Pháp ngữ tương đối. Vào năm 1934 thì ông đã học lớp đệ tứ tại trường Trung học tư thục Gia Long tại phố Phủ Doãn Hà Nội. Sau, ông đậu bằng thành chung.

Ông làm thơ rất sớm , vào năm 1934 ông đã làm bài thơ đăng báo Loa, ký tên là Đào Vân, đến bây giờ là năm 2009 thì không biết ông có còn làm thơ nữa hay không, nhưng khi vào tuổi trên dưới 70 thì ông vẫn còn làm thơ tình. Thành thực mà nói, thơ của ông không hay, đó là lối thơ xưa, lời thơ của thế hệ sinh trong thập niên 20 thuộc thế kỹ trước, thấm đẫm phong cách trữ tình quan họ; lời thơ thuộc loaị hát trêu ghẹo đưa tình, tương đối chân chất dễ hiểu..., khác xa với lối thơ mới thuộc thế hệ Huy Cận ,Xuân Diệu, càng xa với thế hệ trẻ bây giờ.

Năm 1935, Ông đã trở thành ông Phán, ngạch thư ký tòa sứ, nên ông càng có dịp đi nhiều, chơi nhiều, và là cơ hội vàng để ông càng gần gủi hơn với các "liền anh liền chị" cùng đi hát quan họ khắp vùng Kinh Bắc; chính nhờ vậy mà khi tìm về các tác phẩm viết về lãnh vực folklore thì ông là cây đại thụ. Khi phát biểu về lý do nào khiến ông đã thành công tương đối nhờ viết kỷ các sách thuộc về thể loại quan họ, về cầm ca Việt Nam, ông cười, "_ là nhờ thời trai trẻ bay bướm quá"! . Vốn học giỏi, mà làng Thị Cầu của Ông chỉ có các liền anh( vai nam ) hát quan họ mà không có liền chị (vai nữ ) hát quan họ, nên ông luôn là cây "đinh " trong số các chàng trai ấy. Sống thật thì viết thật,cảm xúc thật,dĩ nhiên là hay thật. Trai tài thì gái sắc là chuyện xưa nay. "_Thích nhau là một việc, yêu nhau lại là một chuyện khác, lấy nhau lại là một chuyện khác nữa!" sđd(1) nhưng một khi đã lập gia đình thì ông cắt hết..., và cũng nhờ những cái lãng mạn tình cờ như vậy mà ông đã có kinh nghiệm sống khi viết về quan họ Bắc Ninh quê mình. Năm 1936 ông lãnh 10 $ nhuận bút về các bài về dân ca quan họ đăng trên Trung Bắc Tân Văn, khi mà lương tháng ông Phán tòa sứ vào năm ấy (1937) là 27$. Bài này được đánh giá rất cao về tính dân tộc. Từ các bài báo trên, ông tập hợp lại làm cái sườn cho hai tập sách nổi tiếng về sau đó là Hội hè đình đám và Cầm ca Việt Nam.

Người đàn ông bay bướm như vậy mà một khi đã lập gia đình thì lập tức sống cuộc đời tình cảm nghiêm túc, đúng như ông nói "_Thích nhau là một việc,yêu nhau lại là một chuyện khác, lấy nhau lại là một chuyện khác nữa!" sđd(1). Năm 1939, Ông lập gia đình, vợ ông là người đẹp nhất tại quê nhà, bà nhỏ hơn ông 9 tuổi. Họ sống với nhau được ba mươi năm, có mười một người con. Vào năm ông 55 tuổi (1969) thì người vợ yêu quý của ông qua đời, lúc ấy bà 46 tuổi. Tính đến nay, 2009, đã 40 năm qua, ông sống đời góa bụa. Ông sống vui, sống khỏe, sống thọ là nhờ sự thương yêu và săn sóc của người con gái rượu, chị là một bác sĩ. Vào năm 1971(?), ông viết tập hồi ký mang tên là "Nhớ thương" nói về những ngày sống bên người vợ yêu quý của mình. Viết với hai mong ước, một là quà cho các con ông , các cháu ông biết rằng chúng đã có một người mẹ, một người bà đáng yêu và đáng kính như thế, hai là mong ước rằng nếu tập hồi ký "Nhớ thương" mai này mà trở thành tác phẩm văn học, thì người vợ yêu của mình sẽ sống mãi cùng tác phẩm. Bàng Bá Lân là một người bạn thân của ông có lúc hỏi ông rằng: " _sự nhớ thương trong lòng Anh tưởng như thế đã đủ, Chị mồ đã yên, mả đã đẹp, thế mà Anh còn chưa hài lòng sao mà lại xây thêm cho bà một ngôi mộ tinh thần bằng nhớ và thương ?". Ông trả lời nhanh "_có lẽ là do nền giáo dục của cả hai gia đinh chúng tôi đã khiến chúng tôi tôn trọng nhau, biết quên cái dở, nhớ điều hay, suy cho cùng yếu tố bình yên trong gia đình đa phần do người phụ nữ nắm giữ cả" "tại bà nhà tôi mất sớm, chứ "nàng" mà còn ở trên cõi đời này thì tôi yêu "nàng" hơn thế nữa!",tâm tình này của ông được thố lộ khi ông đã 72 tuổi. Tình ơi là tình!. Riêng với những người "nói móc họng " ông, khi họ được đọc tác phẩm "Nhớ Thương " này, thì dè bỉu "_ vợ của Toan Ánh cũng tầm thường như bao phụ nữ Việt khác, có gì nổi trội đâu mà Toan Ánh cũng bày đặt viết hồi ký.!" Ông chỉ cười và rằng : " _vâng, vợ tôi thì bình thường lắm!, chỉ có những người sống một vợ, một chồng mới có tình yêu như thế, chứ mấy người chồng đôi vợ ba làm sao mà hiểu được!". Một lớp già truyền thống có lối suy nghĩ cực kỳ nhân bản. Một "Nếp cũ " quá đẹp của người Kinh Bắc!

Những tác phẩm về phong tục vùng đất và con người Kinh Bắc của ông nói riêng, và miền Bắc Việt Nam nói chung theo phong cách xưa vô cùng quý giá trong kho tàng văn hóa cổ kính của dân tộc ta. Ông đã trọn đời theo đuổi, đã kịp ghi thành sách giúp cho thế hệ mai sau biết những phong tục tập quán của tiền nhân một cách tương đối rõ ràng từ khi trẻ mới sinh ra, lớn lên học hành, thi cử, cư trú, tang lễ, mồ mả ra sao ....mà điển hình là tác phẩm "Nếp Cũ Con Người Việt Nam" trong đó đã ghi rõ các khoản mục như một cuốn tự điển. Vẫn còn kịp trước khi ông đã quá già!, ông đã ghi lại , đã viết lại thành sách các thú vui chơi của ông bà ta tại vùng Kinh Bắc, các câu hát quan họ, các hội hè, thú thăm viếng chùa chiền vào các ngày lễ hội.

Kiến thức về folklore của Ông bao quát trên một diện rất rộng, lớp hậu bối như chúng tôi biết có đó, quý giá lắm đó mà không làm sao đọc nổi, cho nên không dám lạm bàn. Lãnh vực này xin dành cho các nhà nghiên cứu , các nhà dân tộc học uyên bác hơn tiếp tục cuộc hành trình.

Các Tác Phẩm Nổi Tiếng của Ông là :

. Bước đầu 
. Người Việt đất Việt, 
. Cầm ca Việt Nam, viết kỷ về hát quan họ vùng Kinh Bắc 
. Hội hè đình đám , 
. Hồn muôn năm cũ, 
. Trong họ ngoài làng, 
. Ta về ta tắm ao ta...
. Miền Bắc khai nguyên, 
. Cao nguyên miền thượng
. Trong lũy tre xanh (viết năm 1957) , là truyện làng quê thời Ông 
. Phong lưu đồng ruộng (1958) 
. Bó hoa Bắc Việt (1958) nói về gười phụ nữ Việt 
. Tiết tháo một thời (1957) nói về giới sĩ phu Việt Nam xưa . 
. Hương nước hồn quê (1999) dùng ca dao trữ tình minh họa. 

-Riêng tập truyện ngắn"Những truyện ăn trộm và Nghệ thuật bắt trộm, " đọc rất thú vị

Vào Năm 2004, năm Ông 90 tuổi, Ông nhường quyền khai thác 124 tác phẩm đã in và chưa in trong thời hạn 10 năm (2004-2015) cho nhà xuất bản Trẻ .

_________________________________________

Tham Khảo 

01 -Toan Ánh, Hồi ký Toan Ánh Vào làng cầm bút, nxb VHTT ,1993 
02- Các tư liệu khác truy cập trên mạng internet. 
03-Introduction à la littérature vietnamienne ( collection Unesco, 1969 )


 [  Trở Về  ]