Trở Về   ]

Laiquangnam giới thiệu
Xuân vọng
Đỗ Phủ
Đỗ Phủ
杜甫

1-Nguyên tác

春望

國破山河在
城春草木深
感時花濺淚
恨別鳥驚心
烽火連三月
家書抵萬金
白頭搔更短
渾欲不勝簪

2 - Phiên âm

Xuân vọng ,

Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm
Cảm thời hoa tiễn lệ
Hận biệt điểu kinh tâm
Phong hoả liên tam nguyệt
Gia thư để vạn kim
Bạch đầu tao cánh đoản
Hồn dục bất thắng trâm

3 - Chú vài từ và tạm dịch nghĩa

Ngóng xuân

Nước bị phá nhưng sơn hà còn
Thành xuân cây cỏ rậm
Cảm xúc hoa rơi lệ
Hận cảnh li biệt chim kinh động
Khói lửa liền ba tháng
Thư nhà giá ngàn vàng
Tóc bạc càng thêm ngắn
Bối rối không cài trâm nổi

4 - Dịch thơ quốc âm

Xuân vọng

Vương triều mất vẫn còn sông núi
Cỏ xuân len đẩy bụi thành xưa
Lòng hoa xót lệ như mưa
Chim sầu li biệt còn chưa định thần!

Khói lửa triền miên dần ba tháng
Được tin thư mường tưởng ngàn vàng
Càng vò bạc tóc ngắn khan
Muốn cài trâm ngọc, nóng ran mặt mày.

Laiquangnam
Chú :

(1)Quốc phá ,người Tàu đặt nặng tư tưởng trung quân nên coi đất nước thuộc về một dòng họ, một vương triều, nhất là Đỗ Phủ .,
quốc là nước có dân dưới quyền cai trị của vua .Quốc trong bài là chữ quốc này .
quốc là nước, là tổ quốc , đó là chính là sơn hà xã tắc ,núi sông ....

(2.) người đàn ông Tàu xưa bới đầu nên phải dùng trâm để cài cho gọn tóc ,thật gọn để mà còn đội mũ cánh chuồn!.

(3)bài thơ Đường này học sinh phổ thông Ban Văn đọc ngoại khóa.

5-Phần này coi như không có với khách thơ . Đây chỉ là phần giao lưu giữa laiquangnam với các em học sinh phổ thông và thầy cô giáo đang đứng lớp.

Đây là một trong 15 bài thơ Đường mà học sinh hai cấp lớp 7, và 10 phải đọc hiện nay. Trong nền Giáo dục này , thầy cô giáo phải lồng tư tưởng vào văn bản, không biết Quý Thầy Cô có lồng đúng cảm xúc của mình không, lồng kiểu nào, hay là quý thầy cô không thường được tiếp cận lịch sử nước mình vì lý do nào đó ...., nay laiquangnam xin có vài tư liệu gọi là đóng góp .

5.1-Đây là tâm trạng của Đỗ Phủ khi ông theo dòng người tị nạn chay loạn An Lộc Sơn, kẻ cướp nước, vua tôi nhà Đường lạc nhau. Đường Thái Tông phải để cho Dương quý phi bị án treo cổ, vua tôi chạy trốn lên đất Ba Thục vào năm 756. Chính quyền mất về tay ngoại tộc nhưng núi sông của Đỗ vẫn còn đấy. Đặc điểm của người Tàu là tên nước được gọi theo dòng họ làm vua, hoàn toàn khác với nước Đại Việt của chúng ta trước sau chỉ một danh xưng. Do vậy chữ Quốc ở đây xin được hiểu là đất của nhà vua, hay là đất của vương triều.
Khốn nạn thay cho dân tộc nào mà nhà cầm quyền xem đất nước của toàn dân lại là đất đai của riêng dòng họ mình!.

5.2 Thành xuân thảo mộc thâm, [ // Cỏ xuân len đẩy bụi thành xưa.]

Ý thầm kín của Đổ Phủ "xuân vọng" rằng: "một thế hệ trẻ (cỏ xuân) lớn mạnh chèn lớp già "chăng? Nếu không, thì tại sao Đổ Phủ lại lấy tiêu đề là Xuân vọng?. Ông phải giữ cái đầu của ông nên ông phải nói bóng , nói gió chăng?.

5.3-"Muốn cài trâm ngọc " , ngày ấy người đàn ông Tàu phải búi tóc và làm gọn bằng cái trâm, tóc tai phải bới gọn gàng để có thể đội mũ cánh chuồn. "nóng ran mặt mày!" không biết mặt Đỗ Phủ có nóng ran vì mắc cở hay chính khách thơ phải nóng ran thay cho Đỗ Phủ?. Đỗ Phủ một đời cúc cung tận tụy cho một vương triều Đường đang sống và đùa giỡn trên xương máu nhân dân, tiến hành các cuộc chiến tranh cướp nước và tài nguyên của các lân bang. Bành trướng lãnh thổ là một trong các thuộc tính mà Họ không sao bỏ được, dân nước Việt, dân nước Triều Tiên là những nạn nhân, không lâu sau nhà Đường mất về tay nhà Tống. Đỗ Phủ có đủ khôn để thấy ra điều này. "nóng ran mặt mày!". Đỗ Phủ đã trả giá, con ông có đứa chết vì đói. Vì đói dài ngày ngay khi gặp được người thân tiếp cho bữa ăn ngon, ông đã chết vì bội thực, cái chết vì ăn của Đỗ Phủ khiến người Hà nội năm 1945 nhớ là vào lúc ấy đã có rất nhiều người Tàu trong đoàn quân Lư Hán cũng đã chết vì bội thực như ông tại đất Bắc.

Đỗ Phủ đang là danh nhân thế giới, đại diện cho nền văn minh Trung Quốc tại LHQ ngày nay, bên cạnh cụ Nguyễn Trãi đáng kính của Người Việt, người có tấm lòng vị tha, người đã tha chết cho hàng vạn kẻ xâm lăng nước Đại Việt được sống mà trở về với vợ , với con một khi họ đã đầu hàng!

5.4-Bài thơ thuộc thể trữ tình thế sự lẫn trữ tình cá nhân, và tự sự, laiquangnam nghĩ rằng thể văn Song thất lục bát của ta là một thể hoàn toàn có thể đáp ứng được tâm thức Việt qua chữ quốc ngữ.
 

6 - Mời đọc

6a-Một đoạn trong bản dịch theo "Phong cách Nam bộ" của cụ Trần quốc Thảo :
......
Khói lửa tiếp liền ba bốn tháng

Thơ nhà đem đến đáng ngàn vàng
Gãi đầu tóc vắn hoa râm bạc

Dầu muốn cài trâm cũng chẳng màng

(.1*..) Vài giòng tiểu sử

Cụ Trần quốc Thảo, 1888-1967, bút hiệu Quỳnh Diêu người xây dựng "Văn đoàn Cù lao Giêng", Vào thập niên 1930-1945 , cùng thời với ông còn có văn đoàn Tây đô, với nhà thơ Tố Phang (Thuần Phong ). Ông có dịch chơi chừng vài bài thơ Đường. [theo Thẩm thệ Hà ,1995],

6b-Một bản dịch khác theo nguyên thể cho Khách thơ yêu thích lối dịch này do anh Đặng Tiến dịch tặng laiquangnam

Nước mất, sông núi còn,
Thành xuân cây cỏ mơn,
Hoa khóc niềm thế sự,
Chim  đau nỗi lìa tan.
Khói lửa liền ba tháng,
Thư nhà quý vàng ngàn
Tóc bạc ngày mỗi ngắn
Bối rối biếng cài trâm,

DT dzịch, 21- 4- 2009
 


Trở Về   ]