Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
 
Hội thảo "Doanh nhân và Phật Giáo" 
(Việt Nam - 2009)
Một vận hội mới ?

Nguyễn Tường Bách

Kính thưa Ban Tổ Chức,

Kính thưa Chư vị tăng ni,

Kính thưa Quí vị,

Trước hết tôi xin cảm ơn Ban Tổ Chức đã mời tham dự và cho tôi vinh dự được phát biểu trước Quí Vị. Đứng trong lòng một quê hương của Phật giáo Việt Nam và đứng trước Quí Vị, trước tinh hoa của chư vị tăng ni, trí thức và doanh nhân thủ đô, tôi cảm nhận có một lòng kính sợ to lớn. Tôi càng kính sợ hơn khi cảm thấy rằng dường như đất nước chúng ta sắp qua một vận hội mới, trong đó nguồn mạch tâm linh của dân tộc sẽ được khơi mở. Cũng vì cơ may khó gặp này, sau đây tôi sẽ mạnh dạn nêu lên vài nhận thức và sẽ rút tỉa vài hệ quả trong hành động của chúng ta. Câu chuyện của tôi muốn nêu ra là: "Những chuyển biến tâm linh hiện nay trong xã hội có ý nghĩa gì".

1. Sự vật chất hóa: Từ "Không" đến "Có"

Hãy tưởng tượng ta có ý định viết thư cho một người bạn. Nếu ý định đó đủ mạnh, nếu ta có thì giờ, có giấy có mực, lá thư đó sẽ thành hình. Khi đó ý định của ta được vật chất hóa thành lá thư. Lá thư có thân, có tâm hẳn hoi. "Thân" của nó là giấy là mực. "Tâm" của nó là thông tin chứa trong lá thư.

Hãy lên cao hơn một tầng nữa và xét thân thể chúng ta. Thân thể chúng ta, theo quan niệm Phật giáo, cũng là một sự vật chất hóa của một dòng năng lực có tính cá thể. Dòng năng lực đó, điều mà Phật giáo gọi là dòng nghiệp lực hay dòng tâm thức, cũng cần đủ mạnh, đủ tinh cha huyết mẹ, đủ nhân duyên, đủ điều kiện, mới tái sinh trong thế giới loài người này. Đó cũng chính là cơ chế vật chất hóa, dĩ nhiên nó phức tạp và bí ẩn hơn sự thành hình của lá thư gấp bội. Dù vậy, con người chúng ta cũng chỉ là sự vật chất hóa của một dòng tâm thức vô hình vô ảnh. Con người có thân, là thể xác chúng ta; có tâm là tập hợp của cảm nhận, cảm giác, tư duy. Tập hợp thân tâm đó được gọi là "ngũ uẩn".

Hãy lên cao hơn một tầng nữa và hãy xét toàn thể thế giới vật chất quanh ta. Theo quan niệm Phật giáo, đó là toàn thể "Pháp giới", tức là toàn bộ sự hữu hiện, nhưng nó hiện lên theo cách thấy, cách cảm nhận của loài người chúng ta. Sắc tức thị Không. Đó cũng là sự vật chất hóa của một thực tại. Thực tại đó nằm ngoài khả năng suy tưởng của chúng ta. Ta hãy tạm gọi thực tại đó là Thực tại tâm linh. Dạng xuất hiện của nó trong thực tại ba chiều là dạng vật chất, dạng đó hiện lên theo mức nhận thức của chúng ta. Tất cả chúng ta là người nên chúng ta thấy thế giới vật chất như nhau và tưởng nó tồn tại độc lập. Chúng ta quen nhìn thế giới vật chất là thế giới duy nhất, chúng ta chú mục nhìn nó và không hề ngờ rằng nó chỉ là một phần của thực tại.

Nói một cách thật đơn giản, từ lá thư đến toàn bộ thực tại vật lý đều hình thành theo một cơ chế như nhau, tức là tất cả đều là sự vật chất hóa của những vận hành tâm linh. Nói tóm tắt, khi những vận động đó đủ cường độ, đủ điều kiện để hiện diện trong thế giới ba chiều thì chúng bị vật chất hóa và chiếm chỗ trong thế giới của chúng ta để trở thành sự vật hay biến cố mà ta cảm nhận được bằng năm giác quan.

2. Mối quan hệ giữa thế giới vật chất và thực tại tâm linh

Như đã nói, thế giới vật chất có thể được xem là sự thể hiện của thực tại tâm linh trong khả năng cảm nhận của loài người, hay nói một cách khác là sự vật chất hóa của thực tại tâm linh đó trong thế giới vật chất ba chiều. Có thể dùng một hình ảnh khác giản đơn để minh họa điều này: ta hãy xem thế giới vật chất là bóng chiếu của vũ trụ tâm linh trên thế giới ba chiều của chúng ta, cũng như bóng chiếu của một ngọn cây trên mặt đất hai chiều.

Hãy xem một ngọn cây cổ thụ chiếu bóng của nó trên mặt đất. Bóng của nó tuy không đầy đủ như bản chính nhưng vẫn phản ánh phần nào cành lá sum sê của bản chính. Khi cây lay động, bóng của nó cũng lay động theo. Nhìn bóng cây ta đoán được phần nào sức sống và sự vận hành của bản chính. "Thấy khói biết lửa, thấy sừng biết trâu", thì cũng như thế, thấy bóng cây nghiêng ngả ta biết có gió lớn trong không gian. Nhưng ta không thể biết hết. Nếu có một con chim bay vào tàng cây và hót líu lo thì đó chỉ là một điều bình thường. Nhưng nếu ta chỉ chú mục nhìn mặt đất và bóng cây thì chỉ thấy một chấm đen di động. Sau đó nếu có nghe tiếng chim thì ta không thấy có mối liên hệ nào giữa chấm đen và tiếng chim mà cho đó là một sự "ngẫu nhiên".

Tương tự như thế, thế giới vật chất chỉ là bóng chiếu của thực tại tâm linh lên thế giới ba chiều. Nhìn thế giới vật chất ta có thể suy đoán được phần nào sự vận hành của một thực tại khác nằm ngoài tri kiến của chúng ta. Nhưng mặt khác cũng có nhiều biến cố, nhiều sự vật chúng ta không biết được mối liên hệ của chúng và cho là ngẫu nhiên.

Dù có sự hạn chế đó ta vẫn có thể tin được, thực tại tâm linh là một biển thực tại vô tận, bất khả tư nghì, nằm ngoài khả năng tư duy của chúng ta. Trong thực tại đó có lẽ có những vận động, những năng lực, những khuynh hướng, một khi chúng đủ cường độ và qui tụ đầy đủ điều kiện thì trong thế giới ba chiều xuất hiện những con người, sự vật, biến cố....liên hệ. Chúng ta có thể phần nào đọc trong thiên nhiên và xã hội những dấu hiệu của những cuộc vận động trên bình diện tâm linh.

Ngược lại, mỗi con người chúng ta là một sinh vật mà gốc của nó cũng lại là những thực tại tâm linh nên hoạt động của con người lại tác động, đóng góp, tham gia vào thực tại tâm linh chung. Thực tế là chúng ta đang sống trọn trong thực tại đó nhưng chúng ta chỉ cảm nhận một phần của nó, ngang tầm với khả năng của chúng ta. Vũ trụ tâm linh là một thực tại siêu việt, một đặc tính của nó được miêu tả trong kinh Hoa Nghiêm là "một trong tất cả, tất cả trong một". Thực tại đó bao gồm vô số thế giới mà thế giới loài người chúng ta được xem là nằm trong Dục giới.

Mối liên hệ giữa chúng ta với thực tại đó là một mối liên hệ hỗ tương, trực tiếp, chặt chẽ, phi tuyến mà rất ít chúng ta ý thức đến. Chúng ta như những con người ngồi nhìn bóng cây trên mặt đất và tin chắc thực tại chỉ có như vậy. Chúng ta không chịu ngẩng đầu lên để thấy cây cổ thụ ba chiều mà chỉ chú mục vào cái bóng của nó.

Tuy nhiên cần nói thêm là nhìn vào thực tại tâm linh không phải là điều đơn giản. Nhìn vật chất ta dùng con mắt thịt, muốn thể nhập vào tâm linh ta phải dùng tâm để nhìn tâm. Muốn vậy ta phải tập luyện, thí dụ phương pháp thiền định Phật giáo.

3. Vài suy nghĩ về tình hình Việt nam

Những tiến bộ về khoa học trên thế giới cho thấy ngày nay người ta đã dần bỏ quan niệm thế giới vật chất là một thực tại tồn tại tự nó. Người ta đã thừa nhận vai trò quan sát của con người, thấy con người tương tác trực tiếp và phi tuyến với thực tại. Ngành vật lý đã thấy ý định của con người là quan trọng trong mọi thí nghiệm vật lý.

Tại nước ta đời sống tâm linh của dân tộc Việt nam vốn rất phong phú. Tiền nhân chúng ta luôn luôn xem con người là một bộ phận trong trời đất. Tuy nhiên chúng ta có một thời kỳ đặc biệt của lịch sử, trong đó chúng ta phủ nhận hoàn toàn tất cả những gì thuộc về tâm linh, tôn giáo. Thêm nữa, đó cũng là thời kỳ mà sự hy sinh thân mạng lên tới cực điểm, số lượng chiến sĩ của hai phía, của thường dân, thương vong mất tích là không kể xiết, kể cả binh sĩ người nước ngoài. Họ muốn được thừa nhận công lao, muốn được tìm kiếm và chôn cất. Những vị tăng sĩ Phật giáo hay những ai có cảm nhận về tâm linh đều biết, không chóng thì chầy sẽ có những bức xúc tâm linh xảy ra, hiện rõ trong thế giới ba chiều. Ngược lại những người sống, bản thân họ cũng phát những sóng tâm linh đi mọi hướng mà họ không tự mình hay biết, họ cũng tưởng nhớ về những người thân đã chết lưu lạc trong góc núi xó rừng. Họ không đành lòng quên. Những bức xúc của hai bên gặp nhau, cường độ ngày càng tăng và cuối cùng đủ nhân duyên để thể hiện trong thế giới ba chiều thông qua các hiện tượng ngoại cảm. Tuy chỉ một số nhỏ đã được tìm thấy nhưng trong thời kỳ phát triển ngoại cảm, phải nói là cả chính quyền lẫn nhân dân đã kinh ngạc thừa nhận thế giới tâm linh dù không rõ "tâm linh" là gì. Chỉ ngần ấy thôi đã làm cho biết bao oan hồn uổng tử bớt uất ức, bớt cảm thấy bị phủ nhận. Phải nói thêm, các vị có khả năng ngoại cảm thường là những người đã được tập luyện, đã tự nguyện nhận lãnh vai trò này. Công đức của các vị thật đáng tán dương.

Ngày nay khi hiện tượng ngoại cảm đã lắng bớt thì một hiện tượng to lớn hơn xuất hiện. Đó là từ Bắc vào Nam, đâu đâu người ta cũng thấy có khuynh hướng thờ cúng, phát triển niềm tin tôn giáo, xây chùa đúc tượng, lễ nghi cúng bái. Trên mặt văn hóa rất nhiều sách báo xuất hiện khôi phục lại niềm tin nơi đạo lý của Phật giáo, của tôn giáo cổ truyền, của niềm tin về nghiệp lực, nhân quả v.v...Số người đi Ấn Độ chiêm bái các thánh tích thiêng liêng của Phật đã lên đến hàng nghìn hàng vạn người. Nhưng ấn tượng nhất chính là buổi hội nghị ngày hôm nay trên một nơi mà cách đây gần nghìn năm, ngài Từ Đạo Hạnh đã đắc đạo. Hôm nay là một buổi hội nghị với sự hiện diện của các cấp cao nhất về mặt lý luận của Đảng lãnh đạo, của chư vị tăng ni, của hàng trăm doanh nhân, trí thức nước nhà. Thú thực với Quí vị, tôi kinh ngạc về sự kiện này hơn hẳn về hiện tượng ngoại cảm của những năm trước. Do đâu mà có cơ may này? Ở đây ta chỉ có thể suy đoán. Bóng cây trên mặt đất tuy lờ mờ nhưng cho thấy hoa trái đang bắt đầu nở.

Trên đất nước chúng ta, người dân đã cảm nhận một điều: dường như trên đời không phải chỉ có vật chất đang vận động một cách lạnh lùng vô cảm. Phải có một năng lực nào đó đứng đằng sau, dù không ai biết rõ là gì nhưng chắc chắn có tác động. Người ta gọi đó là "thánh thần tiên phật", hay "ơn trên, trời đất". Người ta ngờ rằng có một cái được gọi là "âm đức" hay "nhân quả", tin nơi một mối liên hệ nằm đằng sau mà mắt người không thấy tới.

Tôi nghĩ rằng, đất nước ta đang chuyển về mặt tâm linh. Sau một thời kỳ xây dựng đời sống vật chất thành công, sau một thời kỳ có những bừng tỉnh tuy thô sơ nhưng gây sốc của hiện tượng ngoại cảm, người Việt Nam chúng ta dường như đi vào một thời kỳ dày dặn hơn về tâm linh, đó là có một lòng tin nơi những qui luật đạo lý chung trong vũ trụ.

Dường như sự vận hành của thực tại tâm linh mà ta nói ở trên đang thể hiện tại Việt nam. Một đặc tính của thực tại đó là luôn luôn vận hành để thiết lập sự quân bình. Mỗi khi một xã hội quá thiên về bạo lực và sự vô cảm, thực tại đó sẽ thể hiện tính chất đạo đức của nó. Một đặc tính khác là thực tại tâm linh đó chiếu sáng như mặt trời không hề phân biệt ai được chiếu. Khi mây đen đã tan thì cả xã hội từ vị lãnh đạo đến kẻ thứ dân bỗng nhiên đều cảm nhận trong tâm một điều gì đó như nhau.

Dù vậy chúng ta đang ở thời kỳ đầu của một vận hội mới. Niềm tin của dân chúng còn được thể hiện một cách thô sơ, có khi sai lạc, rất dễ rơi vào tình trạng tin tưởng nhảm nhí, điều gì cũng tin, không phân biệt đá vàng, dễ bị lợi dụng. Mọi vận hành đều có qui luật và thời gian của nó, không ai có thể nóng vội. Nhưng mỗi người chúng ta đều có thể tham gia vào tác động vào quá trình vận động này.

4. Chúng ta có thể làm gì?

Một đề tài lớn của ngày hôm nay là đạo lý trong kinh doanh với sự hiện diện của hàng trăm doanh nhân tại thủ đô Hà Nội. Từ hơn 20 năm qua, nền kinh tế và doanh nhân Việt nam đã có những bước đi thật sự là đáng khâm phục. Từ một nước thiếu ăn, chúng ta đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Doanh nhân là người đã đem lại công ăn việc làm cho hàng triệu người Việt Nam, thật đáng trân trọng.

Trong bối cảnh nói về một vận hội tâm linh mới của dân tộc, vai trò của kinh tế và doanh nhân không hề nhỏ bé đi mà ngược lại, quan trọng hơn rất nhiều. Vì nói cho cùng. chúng ta vẫn sống trong thế giới ba chiều và trong thế giới đó, sự vận hành của kinh tế là trung tâm nhất. Trước sau, nhà doanh nhân vẫn là người quyết định thu nhập của người dân, công ăn việc làm và hạnh phúc hằng ngày của họ. Vì nhà lãnh đạo chính trị và nhà doanh nhân là người quyết định xã hội trên mặt vĩ mô nên thực tại tâm linh cũng tác động lên Quí vị là chính. Vì vậy tôi vui mừng khi đứng trước hội nghị này vì một tập thể doanh nhân ngồi lại mà không nói về làm ăn hay hội nhập, mà lạ thay, nghe nói chuyện về tâm linh và đạo lý kinh doanh.

Như đã nói ở trên, thực tại tâm linh có một đặc điểm mà Kinh Hoa Nghiêm đã miêu tả là: "một trong tất cả, tất cả trong một". Rất khó hiểu nghịch lý này trên mặt tuyệt đối nhưng trong thế giới của chúng ta, nguyên lý này hiện ra trong dạng "tự lợi, lợi tha". Đó là hãy sống và hành động trong nguyên tắc có lợi cho mình và cùng có lợi cho người khác. Dù thương trường có lúc căng thẳng nhưng thực ra ta luôn luôn có thể hành động vừa mang lại lợi ích cho mình và để cho người khác cùng sống. Như thế gốc mới vững, đạo lý mới lâu bền, con cháu mới hạnh phúc, mới phù hợp với đường đi của tâm linh. Trong pháp giới vô tận không có gì mất đi cả, mọi hành động, mọi ý định đã qua của chúng ta đều còn đó, nó chỉ đợi đủ cường độ, đủ điều kiện để vật chất hóa, trở thành sự vật hay biến cố đến lại với tác nhân sinh ra nó. Mọi thứ, dù thiện hay bất thiện, đều như thế cả. Đó là một qui luật mà nhân gian gọi là âm đức, mà kinh sách gọi là nhân quả.

Đạo lý trong kinh doanh là hoạt động làm sao cho phù hợp với qui luật của sự vận hành chung trong vũ trụ. Một trong những đặc tính của qui luật chung đó là sự quân bình trong mọi quan hệ. Nhà kinh doanh biết tôn trọng luật lệ của Nhà Nước, giữ gìn giới luật của người Phật tử, kiên quyết thực hành "Chính mạng", tức là không làm những nghề có hại cho xã hội. Nhà kinh doanh "có tâm" thiết lập sự quân bình trong quan hệ chủ/thợ, hài hòa trong sự tập trung tài sản và quyền lực, quân bình trong đời sống chung/riêng. Nhà kinh doanh "có tầm" biết rằng mọi thành công, tiền bạc, tài sản...là sự vật chất hóa của khả năng của mình, của phước báu cha ông, của nhiều tích lũy từ đời kiếp nào xa xưa, của nhiều năng lực vô hình khác mà mình không hề ý thức đến. Tất cả đều năm trong trong kho báu của pháp giới, ai xứng đáng sẽ được hưởng lợi ích lâu dài, ai không xứng đáng sẽ sớm bị mất đi. Nhà kinh doanh minh triết biết rằng tất cả của cải và địa vị đều do "trời đất" tạm ứng cho, mình chỉ là người quản lý hộ để thực hiện một sứ mạng nào đó trong đời.

Trong hội nghị đáng nhớ ngày hôm nay, tôi nhớ tới đến các bậc tiền bối của chúng ta, thầm mong anh linh các ngài hỗ trợ cho dân tộc. Tôi đặc biệt nhớ đến Từ Đạo Hạnh, một vị tăng mà thơ của nhân gian đề tặng là "trong một đời mà thành phật thành tiên". Ngài là người đã vì cha mà báo thù, không ngại khai sát giới. Và cũng trong cuộc đời đó, Ngài đã tu hành đắc đạo. Đời của Ngài dường như thể hiện số phận của đất nước chúng ta.

Xin kính chào và trân trọng cám ơn sự chú ý của Quí vị.



 [  Trở Về  ]