Trở Về   ]


 
JEAN JACQUES ROUSSEAU
*
Văn sĩ - Nhạc sĩ - Triết gia
(1712-1778)
*
PHẦN THỨ NĂM

Từ Vũ biên khảo

SỰ CHỌN LỰA ERMITAGE

Vào tháng 3 năm 1756 Rousseau bị đặt vào một tình trạng chọn lựa khó khăn ; Có hai đề nghị với ông . Y sĩ Tronchin muốn ông đảm trách nhiệm vụ quản thủ thư viện Genève và bà D'Epinay, phu nhân một vị tướng , một người rất khâm phục Rousseau đã đề nghị ông với những lời lẽ như sau : "...tôi có một ngôi nhà nhỏ xin được đặt dưới quyền xử dụng của ông. Ông vẫn thường nói với tôi về Ermitage, ngôi nhà ngay trước lối vào khu rừng Montmorency...Ông là một người bạn thân thiết của tôi, ông là chủ nhân ngôi nhà đó nếu ông quyết định ở lại nước Pháp ". Rousseau vui vẻ chấp nhận đề nghị của bà D'Epinay.

ERMITAGE LÀ VĂN PHÒNG LÀM VIỆC CỦA ROUSSEAU

Kể từ ngày 9 tháng 4 năm 1756, Rousseau cư ngụ tại Ermitage với ý tưởng thực hiện những dự kiến mới. Ông đã làm việc cho chủ đề Contrat Social - Khế Ước Xã Hội , ông mơ ước thực hiện một biên luận về đạo đức biên luận này sẽ được gọi là La Morale Sensitive hoặc là Le Matérialisme de Sage .
Ngay khi vừa đến cư ngụ tại Ermitage, một số bạn bè của ông vì ganh tỵ đã muốn ông rời khỏi nơi đây. Diderot nói với Thérèse và mẹ bà này là ông phản đối việc cư ngụ của họ tại vùng quê , lẽ dĩ nhiên những người đàn bà này vẫn luôn ưa thích nơi thành phố đô hội và họ đã bị ảnh hưởng. Một người nhân tình của bà D'Epinay, Grimm, một kẻ lạnh lùng và xảo trá cũng nhìn Rousseau bằng con mắt không mấy thân thiện vì thấy bà D'Epinay quá thiện cảm và thân mật với Rousseau.

TRANH LUẬN VỚI VOLTAIRE NGÀY CÀNG KỊCH LIỆT

Sự liên lạc giữa Rousseau và Voltaire ngày càng căng thẳng hơn nhất là sau khi quyển thơ "Sur le Désastre de Lisbonne et sur la Loi Naturelle" của Voltaire được xuất bản năm 1756, Rousseau bực mình vì bài thơ đầu tiên của tập thơ chứa chất sự thất vọng và dựa vào định mệnh một cách quá đáng. Rousseau tự cảm thấy đủ khả năng để đem vấn đề tranh luận của hai người trình bày trước công luận bằng cách cho xuất hiện "Lettre sur la Providence" - Là Thư viết về Thiên Định - trong đó ông đã tự khôi phục danh dự cho mình bằng cách minh chứng một cách tuyệt vời để tỏ bầy niềm tin, là một nguyên tắc của ông dưới mắt những người bênh vực cho sự khoan dung tôn giáo .

TÌNH YÊU VỚI BÀ D'HOUDETOT

Đời sống tại Ermitage và cảnh trí chung quanh rất thích hợp với Rousseau, ông làm việc, tiếp khách, duy nhất một vài điểm nho nhỏ làm ông mất vui đó là những tranh chấp với Grimm và Diderot cũng bởi những việc này đã làm bà D'Epinay phải xử dụng tài ngoại giao khéo léo của bà để dàn xếp. Rousseau quyến định ở lại Ermitage mùa đông năm 1756 để làm việc cho quyển tiểu thuyết Julie, một tiểu thuyết về tình yêu trong đó ông tán dương những tình cảm, sự giản dị, những đặc tính cao đẹp của đồng quê. Những nhân vật của ông biến hoá bên bờ hồ Leman. Trong giai đoạn viết phần thứ 4 của quyển truyện Julie, Rousseau đã yêu bà D'Houdetot, em dâu của bà D'Epinay. " Tôi đã say mê với tình yêu không một chủ đích này " Rousseau đã tuyên bố khi đề cập về bà D'Houdetot.

TỪ HERMITAGE ĐẾN MONT- LOUIS

Tình yêu đam mê với bà D'Houdetot và chuyện " hay kể lại " của ông đã gây không ít những sự phiền phức cho chính ông. Những người thân của ông đã liên kết lại với nhau để phản đối ông. Người bạn cũ, Diderot, của ông tham dự vào việc này và đã viết cho ông : " Chỉ có một kẻ hung tợn mới lẻ loi ". Rousseau phản ứng lại bằng một bức thư với lời lẽ khá gay gắt và cắt đứt liên lạc với Diderot. Nhưng, bà D'Epinay đã không tha thứ cho mối tình mới của Rousseau tại Ermitage. Ngày 15 tháng 12, Rousseau bắt buộc phải rời Ermitage để đến cư trú tại Mont-Louis trong một căn nhà nhỏ mà một người bạn ông , J.J.Mathas, kiểm sát trưởng thuế vụ của ông Hoàng Condé, cho mượn. Bà Thérèse Levasseur thì quay trở lại Paris .

ROUSSEAU VIẾT TRẲ LỜI D'ALEMBERT

Chỉ ngay sau khi dọn đến Mont-Louisn Rousseau quyế định trả lời cho D'Alembert, một nhà Bách Khoa, trong một bài báo đăng tại Genève trong vần đề tự điển, dám khẳng định rằng tôn giáo của nền Cộng Hoà tự đối kháng lại giáo lý của 3 Ngôi ( Cha, Con, Thánh Thần ) . " Tôi đã soạn trong vòng 3 tuần lễ lá thư " La lettre à D'Alembert " trên các vấn đề kịch nghệ, Rousseau thuật lại, để bênh vực giới giáo sĩ tại Genève và bảo vệ những lễ hội dân gian đối kháng với nhà hát, biếu tượng của sự tha hoá ,tồi tệ.

CUỘC THĂM VIẾNG ĐÚNG LÚC CỦA THỐNG CHẾ LUXEMBOURG

Rất nhiều lần, ông và bà Thống chế Luxembourg, cả hai đều rất ngưỡng mộ Rousseau, đã mời ông đến ăn tối tại lâu đài Montmorency. Một buổi chiều của tháng 4 năm 1759, đi cùng vài người bạn, Thống chế Luxembourg đến thăm Rousseau, ông này đã quan sát rằng, tại vọng lâu của căn nhà ,nơi Rousseau thường ngồi làm việc, đã không có tiện nghi lại còn trống trải không đủ che mưa lạnh. Ông này đề nghị và mời Rousseau về cư trú tại một lâu đài nhỏ, nằm trong trung điểm một khu rừng cây trong thời gian sửa chữ lại vọng lâu . Khi phải rời Ermitage, Rousseau mất nhiều bè bạn, nhưng nhờ vào Thống chế Luxembourg ông đã có nhiều người bạn mới. Những nhân vật quan trọng muốn được thân cận với ông : Hoàng thân De Conti, M.de Malesherbes, bà De La Tour. Trong suốt thời kỳ này, Rousseau nghĩ nhiều đến bà D'Houdetot và ông đã soạn thảo một loạt " Les Lettres Morales ", những bài nghị luận về vấn đề đức độ và hạnh phúc với chủ tâm trao gởi đến bà này. Rousseau cũng chép lại truyện "La Nouvelle Héloïse " và đích tay viết lời trao tặng đến bà vào ngày 18 tháng 12 năm 1760.

NƠI NƯƠNG NÁU THANH BÌNH MỚI TẠI MONT-LOUIS

Ngay sau khi việc sửa chữa và trang hoàng ở ngôi nhà nhỏ tại Mont-Louis hoàn tất, Rousseau trở lại nơi này cư trú cùng với Thérèse từ Paris trở về. Căn vọng lâu được che hởi mưa lạnh bằng kính và một lò sưởi được xây lên tại đó để Rousseau làm việc. Sân hiên nhà cũng được bố trí lại với dàn cây đọn ( tilleul ), hoa và những băng ngồi bằng đá, nơi đây đích thực là một văn phòng làm việc xanh mát, như chào đón một cách nồng nhiệt người khách đến chơi và cũng chính tại nơi này, Rousseau thích được tiếp đón những người khách của ông. Trong nơi nương náu mới đầy thanh bình giữa cảnh trí thiên nhiên này, ông đã hoàn tất những tác phẩm nòng cốt của ông : La Nouvelle Héloïse, Le Contrat Social và l'Emile.

JULIE VÀ ST-PREUX LÀM RUNG ĐỘNG PARIS (*)

Hoàn tất vào cuối năm 1760, quyển tiểu thuyết La Nouvelle Héloïse xuất hiện vào tháng 2 năm 1761 tại Paris. Sự thành công phải nói là ngay tức thời. Người ta tranh nhau đọc. Những hiệu cho thuê sách đã cho thuê với giá thật "cắt cổ " : 12 xu một giờ. Những người thợ khắc tranh lừng danh nhất của Paris đã khắc những bức tranh về những nhân vật của truyện : chàng trai trẻ Moreau, Gravelot, Prud'homme, Mosian. Rousseau đã làm việc liên tục 5 năm trời quyển tiếu thuyết này, một tuyển thư với một kết nối trữ tình và đầy sự cố.
Đa số những ấn bản chứa đụng nhiều bản khắc đính kèm tường thuật lại câu chuyện . Tiểu thuyết này cũng như một báo hiệu cho phong trào lãng mạng của thế kỷ thứ XIX sau này. Người đọc theo dõi tình yêu đam mê cuả (*) đôi tình nhân Julie và St-Preux qua suốt những bức thư họ trao đổi cho nhau. Đôi tình nhân chấp nhận mọi thử thách để đo lường sự sâu đậm và giới hạn cuả tình yêu đó. Họ đã yêu nhau nhưng họ cũng không tìm được một sự yên tĩnh, hoà bình trong áp lực thường trực của tình yêu đó.

BỚT BẤT CÔNG ! NHÂN DÂN LÀ CHỦ !

Ngay lúc ông còn làm việc tại Đại Sứ Quán Pháp ở Venise vào năm 1743, Rousseau đã có nhiều dịp để suy ngẫm về sự vận hành của các cơ chế của nhà nước. Ông đã ý thức được vai trò chính yếu của chính trị trong sự vận hành thể chế dân chủ. " Le Contrat Social " chứa đựng một sự suy ngẫm phê phán trên những cấu kết chính trị. Một học thuyết mới xuất hiện cho sự che chở tài sản và thân thể con người trong sự tôn trọng sự tự do của mỗi cá nhân. Đối với Rousseau, duy nhất chỉ có một hình thức chính quyền, đó là chính quyền mà Nhân Dân Làm Chủ.
Ngay sau khi được xuất hiện vào năm 1762, những ấn bản được chuyển đến từ Rouen (Pháp ) đã phải bị trả lại cho nhà in ở Amsterdam (Hoà Lan ) bởi vì tác phẩm đã bị cẩm không cho phát hành trước công chúng bằng một sắc lệnh của Pháp.

TỪ VŨ

( ĐỌC TIẾP PHẦN THỨ 6 )


Trở Về   ]