Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]


 
Thử tìm quê hương một giống lúa độc đáo của Thừa Thiên
___________

BS Hồ Đắc Duy

Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) trang 256 ghi ở Thừa Thiên có một giống lúa:"Lúa câu thân ngắn, bông nhỏ, gạo rất đỏ, ưa ruộng cao, từ lúc cấy đến lúc chín chỉ 40 ngày, cơm rắn".

Vậy hiện nay hạt giống lúa câu có còn hay không? Đó là một điều bí ẫn mà những người Huế , những nhà nông học, những nhà nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Thế Giới (IRRI) quan tâm

Từ những tài liệu trong các sách của Dương Văn An nhà Mạc, Lê Quí Đôn nhà Lê, của Trịnh Hoài Đức nhà Nguyễn và đặt biệt là những ghi chú của các sử thần biên soạn sách Đại Nam Nhất Thống Chí được xuất bản dưới thời vua Tự Đức cách đây hơn một thế kỳ rưỡi chúng ta có thể mày mò phỏng đoán được quê hương của giống lúa ưu việt, một loại lúa ngắn ngày nhất của thế giới hay không?

Nguồn gene của nó sẽ trở thành một tài sản vô giá của nhân loại , từ đó các giống lúa mới sẽ được lại tạo như "gạo aerobic” (lúa khí trời) "gạo dream" (lúa mơ) mà các nhà khoa học đã thành công gần đây

Ruộng cao là ruộng thế nào, khả năng có nhiều nhất vùng nào ở Thừa Thiên ?

Trịnh Hoài Đức gọi ruộng núi, gọi là sơn điền, khi mới khai khẩn thì chặt cỏ cây, để cho khô rồi đốt làm phân tro, đến khi mưa xuống cứ thế mà gieo thóc, không cần cày bừa, dùng sức ít mà đạt lợi nhiều, vùng trũng, thấp thì làm ruộng núi, lâu ngày ruộng thành thục và cày bừa như ruộng thấp (thảo điền).

Lê Quí Đôn cũng chia ruộng ra làm 2 loại ruộng cao và thấp. Ruộng cao thường ở vùng trung du thượng du, ở đồng bằng thì ở phần đất cao thì ruộng cao, phần đất thấp trũng, đầm lầy cỏ lát là ruộng thấp, Ruộng sớm thì tháng 5 gieo mạ, tháng 6 cấy, tháng 9 gặt. Ruộng muộn thì tháng 5 gieo mạ, tháng 7 cấy, tháng 11 gặt.

Năm 1853 vua Tự Đức cho hợp tình Quảng Trị vào Phủ Thừa Thiên, phủ Thừa Thiên gồm có một đạo, 11 huyện và 9 châu, phía đông giáp biển, phía tây dựa vào núi, núi rừng chập chùng, vừa giáp biển, vùa gần núi, nên cá tôm , gỗ lạt, ruộng vườn bao la...

Mỗi năm có 2 vụ lúa tháng mười và lúa tháng năm nhằm vào mùa thu và mùa hè cũng còn gọi là vụ mùa vụ chiêm. Vùng đồng bằng phía đông và rừng núi phía tây được phân ranh khá rõ rệt bằng quốc lộ 1A

Địa thế 9 châu phần nhiều là rừng núi, một năm chỉ cấy một mùa, vùng ruộng cao đa số nằm phía tây của quốc lộ.

Địa thế 9 châu thời Nguyễn gồm có :

Phía Tây Bắc có Châu Mường Vang giáp ranh với Ai Lao châu Mường Phong (Tầm Bồn) , châu Na Bôn còn gọi là Sa Pôn
Phía Tây Nam có châu Mường Nong  (Thượng Kế), Châu Mường Bồng (Nam Man), châu Ba Lan, châu Tá Bang, châu Xương Thịnh, Châu Mường Phìn (làng Thìn)

Hiện nay các châu kể trên nay thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông thuộc Thừa Thiên và Hướng Hóa thuộc Quảng Trị
Huyện A Lưới có 19 xã là Hồng Hạ, Hồng Kim, Hồng Trung, Hương Nguyên, Bắc Sơn, Hồng Bắc A, Ngo Sơn, Thủy Phú, Vinh Hồng, Quảng Hương, Phong Nhâm, Hồng Thượng, Hồng Thái, Hương Lâm, A Roàng, Đông Sơn, A Đớt, Hồng Thủy
Huyện Nam Đông có 9 xã : Xã Hương Phú, Hương Lộc, Hương Sơn, Thượng Quảng, Hương Hòa, Hương Giang, Hương Hữu, Thượng Long, Thượng Nhật

Và các vùng đất miền núi phía tây của các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền và Hướng Hóa - Quảng Trị
Trong các sắc dân thiểu số ở vùng Trường Sơn Thừa Thiên Huế - Quảng Trị thì các dân tộc chính là: Cơtu, Tà Ôi, Bru-Vân Kiều. Họ có một bản sắc văn hóa và phong tục khá đặc trưng trong đó có liên quan đến tập tục trồng lúa và thờ cúng
Dân tộc Pa Kôh đông dân nhất với 18.000 người định cư ở huyện A Lưới, huyện Hướng Hóa. Họ sống xen kẻ với người Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều và có nhiều đặc điểm tương đồng với các dân tộc nhóm Môn - Khmer về trang phục, nhà ở, cách thức canh tác

Dân tộc Bru-Vân Kiều cư trú ở miền núi Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Phần đông người Bru - Vân Kiều cư trú trong các làng tương đối biệt lập trên đồi hoặc lưng chừng núi, dọc theo các khe nước

Người Bru-Vân Kiều mỗi năm làm 2 vụ lúa người Bru-Vân Kiều thờ thần lúa (dàng sro) gắn liền với những lễ cúng vào những dịp phát rẫy, trỉa hạt, tuốt lúa, hoặc sau khi thu hoạch.

Dân tộc Tà Ôi phần lớn sinh sống ở huyện Hướng Hóa - Quảng Trị, A Lưới và Phong Điền của Thừa Thiên Huế. Gồm có Tà ôi chính dòng, Pa cô và Pa hi...Nguồn sống chủ yếu của người Tà Ôi là làm rẫy đa canh và du canh theo lối cổ truyền còn sắc dân Pa hi thường sống ở các ngã ba sông vùng chân núi nên nghề làm ruộng có phát triển hơn. Hằng năm họ có lễ cúng hồn lúa (yang sro) và các lễ cúng khác

Dân tộc Cơ tu tập trung chủ yếu ở miền núi phía tây huyện Phú Lộc và tây nam huyện A Lưới. Làng được bố trí theo hình tròn hoặc bầu dục, ở những nơi cao ráo, tương đối bằng phẳng và gần nguồn nước. Lễ đâm trâu có nguồn gốc từ tục hiến sinh cầu mùa xa xưa. Xã Thượng Lộ thuộc miền núi Nam Đông là một xã có 95% dân số là người Ca Tu, xã có lễ hội mừng lúa mới vào tháng 7-10 âm lịch hàng năm

Thời nhà Nguyễn thì 9 châu có hết 5 châu gọi là Mường :Châu Mường Vang, Mường Phong, Mường Nong, Mường Bồng. Mường Phìn

Người Kinh thường gọi các dân tộc miền núi là người Thượng, Mọi, Mường hay Mán

Các dân tộc này có khuôn mặt, sắc da, trang phục, tiếng nói khác với người kinh

Tuy nhiên một số ngôn ngữ của người Mường chỉ về cây lúa, gạo khi phát âm gần giống như tiếng Việt , Trung Hoa hay Thái như : Khâu, Khấu, Khạo, Đạo và một số sắc dân khác.

Đối với sắc dân Bru-Vân Kiều, Tà Ôi thì lúa gạo họ phát âm là Sor như thần lúa (dàng sro) lễ cúng hồn lúa (yang sro)
 Âm Khâu, Khấu người Việt đọc trại thành CÂU, Khạo, Đạo đọc là GẠO

Vào giữa thập niên 1950 vùng cầu Lim, chợ Bến Ngự, chợ An Cựu, chợ Thông , chợ Nong, chợ Truồi, chợ Cầu Hai, chợ Sịa...là những điểm người Thượng thường về xuôi đem theo sản vật miền núi để trao đổi buôn bán với người Kinh, như mật ong, củ mài, trầm hương, khoai sắn, bắp,  lông thú,...trong những sản vật đó có gạo đỏ mà người đương thời gọi là gạo mọi, hạt gạo này hạt nhỏ , dài, màu đỏ thẩm chỉ dùng để nấu cháo, làm bánh đúc hay làm rượu ăn rất ngon, bùi, có mùi đặc trưng

THỬ ĐI TÌM GIỐNG LÚA CÂU KỲ DIỆU

Các sử thần của ĐNNTC cho rằng "Lúa câu thân ngắn, bông nhỏ, gạo rất đỏ, ưa ruộng cao, từ lúc cấy đến lúc chín chỉ 40 ngày, cơm rắn".chúng ta có thể lần ra nguồn gốc của giống lúa này qua các yếu tố ắt có và đủ phù hợp với nhận xét này chăng ?

Gạo có 3 loại : loại gạo trắng, loại gạo đỏ và một loại có vân, sọc.

Trước hết chúng ta khảo sát về danh xưng của nó.

Khâu tên thường gọi của người Mường ở Thừa Thiên để chỉ một giống lúa quen thuộc của dân tộc họ, như người ta thường gọi là lúa của người Thái , người Nhật...

Khâu hay Câu một loại phát âm na ná giống nhau của người Mường và người Việt có thể vì thế mà người Việt gọi lúa khâu là lúa câu có nghĩa nó là một giống lúa của người Mường chăng ?

Loại giống lúa này của người Mường có lẽ nó sẽ được gieo trồng đâu đó ở châu Mường Vang, Mường Phong, Mường Nong, Mường Bồng. Mường Phìn...Nay thuộc huyện A Lưới , Nam Đông, Hướng Hóa phía tây của các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền...

Người dân tộc theo nhận xét của Lê Quí Đôn thì họ khó trồng được lúa nước nên họ lương thực chính của họ là lúa nếp, lúa ngô, khoai sắn, gạo đỏ... là những giống lương thực dễ trồng miền núi và chỉ trồng một mùa

Tìm cho ra gốc gác giống lúa này công việc của các nhà nghiên cứu nông học, của IRRI và của người Huế

Tại sao vậy :

Lúa ngắn ngày và các vụ lúa ngắn ngày đặc biệt là các giống lúa có thời gian sinh trưởng chỉ hơn một đến hai tháng có lợi điểm là tránh được ảnh hưởng các điều kiện bất lợi của thiên nhiên, môi trường như thời tiết, các mùa, giao mùa...như ngập lụt, hạn hán, ngập mặn, rét đậm, nắng nóng, kiệt nước, khô cằn, trũng, ngập nước, đầm lầy...

Các vụ lúa ngắn ngày, đặc biệt là các vụ cực ngắn ngày dưới 2 tháng sẽ có ý nghĩa chiến lược khi gieo trồng vì nông dân sẽ lựa chọn được thời điểm gieo cấy ít bị đe dọa bởi các điều kiện của thiên nhiên như nắng, gió, sương, mưa rào, bảo, lũ, triều cường...

Các giống lúa ngắn ngày và các vụ lúa ngắn ngày sẽ trở thành mục tiêu của ngành nông nghiệp thế giới trong vài thập niên tới vì dân số thế giới gia tăng và đất đai canh tác thu hẹp dần.

Cần nghiên cứu các giống lúa ngắn ngày, lai tạo với các giống lúa cao sản mới có nhiều ưu điểm: ngon thơm hợp khẩu vị của nhiều loại sắc dân bởi tính chất dẽo, xốp , nở cơm hay không, tính khó lên men siu thối của cơm, cháo hay bột , cơm để lâu vẫn mềm, tính kháng sâu rầy cao, chịu hạn hán, dễ trồng, năng xuất cao...để làm thóc giống cho nông dân sản xuất

Lúa câu là một giống lúa ngắn ngày nhất trên thế giới vì thời gian từ khi cấy đến khi gặt chỉ vỏn vẹn 40 ngày mà các nhà khoa học của Viện Nghiên Cứu Lúa Thế Giới biết đến hiện nay

Với tiến bộ của khoa học sinh học phân tử, thông tin sinh học...các nhà nghiên cứu về giống lúa độc đáo này sẽ là niềm hy vọng của nhân loại.

Bác Sĩ Hồ Đắc Duy


Trở Về  ]