Trở Về   ]
Kỷ niệm 100 năm ngày mất của thi nhân 
Nguyễn Khuyến (1835-1909)

laiquangnam giới thiệu một bài thơ chữ Hán độc đáo của cụ 

珷 玞 堆 1

Vũ phu đôi

( Đống đá cuội )

 
01-Sơ lược tiểu sử :

Nhà thơ Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng [1], hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835 (tuổi Ất mùi), tại quê ngoại làng Văn Khế (tục gọi là làng Nghi ), xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà. Quê nội của ông ở làng Và (Tên chữ là Vỵ Hạ), xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà. Mất ngày 5 tháng 2 năm 1909 tại Yên Đổ.

Thuở nhỏ, ông cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, Nam Định, đỗ Tam Nguyên năm 1864 -1865) là bạn học ở trường cụ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cử nhân (tức Giải nguyên) trường Hà Nội. Năm sau (1865), ông trượt thi Hội nên phẫn chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám. Đến năm 1871, năm 37 tuổi ta, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (Hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Nguyễn Khuyến từ quan về ở ẩn lại Yên Đổ năm 1884 và qua đời tại đây,  mất nhằm ngày 5 tháng 2 năm 1909 tại Yên Đổ.

Nguyễn Khuyến hầu như chứng kiến trọn vẹn giai đoạn lịch sử thương đau của dân tộc ta. Từ năm 18 tuổi (năm 1853 ) làng ông bị dịch thương hàn, cha mẹ ruột, cha mẹ vợ, họ hàng đều chết. Năm 1858 Pháp tấn công Đà nẵng và giai đoạn mất nước chính thức bắt đầu. Năm 1904 Pháp chính thức thiết lập chương trình Pháp Việt tại Bắc kỳ. 1905 vỡ đê sông Hồng, Hà Nam quê ông lại bị lụt lớn. Ông từ giã cuộc đời 1909.
 

02-bài thơ chữ Hán độc đáo :"Vũ phu đôi"

Đến thời cụ Nguyễn Khuyến qua thơ nôm của ta, ngôn ngữ Việt đã đẹp lắm rồi, nhất là thế hệ chúng ta đã từng làm quen thời còn trung học. Ngôn từ trong thơ Cụ vốn là bóng bẩy có tiếng, đôi bài ngôn từ thật hóm hỉnh, nhất là với ai từng đọc qua các câu đối, và các giai thoại "hơi hoang" một chút của Cụ. Giòng thơ văn chữ Hán để lại cho đời sau có trên dưới 350 bài  nhưng nay chỉ có 23 bài do chính cụ tự dịch lại thơ mình ra quốc âm (thơ nôm).  Thật là kinh ngạc khi ngôn từ trong thơ chữ Hán thì hoang lắm, mạnh dạn lắm để mình có thể gởi toàn văn đầy chất cay và  chất đắng đến khách thơ, vậy mà khi tự mình dịch sang quốc âm thì lại "hiền khô", các từ chỉ sinh thực khí nam nữ cụ né một cách tài tình. Bài thơ dưới đây, laiquangnam dịch sang song thất lục bát gởi cho quí bạn cùng thưởng thức dưới đây, laiquangnam dịch "rõ hơn "  bởi nghĩ rằng phải như thế mới hé được cái hay của nguyên tác ra một tinh thần khác, mà vai vế cụ ngày ấy không cho phép "ông già nho học" được nói thứ ngôn ngữ trần trụi như hiện nay. Do thấy nhu cầu ghi lại nguyên tác chữ Hán và phiên âm không thật cần thiết cho khách thơ tài tử, bởi các từ Hán cho dù laiquangnam có ghi theo nguyên tác chữ Hán hay phiên âm thì đa phần thẩy đều xa lạ với tiếng Việt chúng ta đang xử dụng ngày nay nên laiquangnam xin tạm gác.

Xuất xứ bài thơ :

Bài thơ khởi đầu bằng bốn câu :

do chính cụ Nguyễn Khuyến giới thiệu bằng bốn câu thất ngôn sau

Đầu đường ngang có một chỗ lội
Có miếu ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đó vén quần lên
Chỗ tời đến háng, chỗ đến gối

Nay laiquangnam viết sang Song thất lục bát

Đường ngang hư bỏ lâu xuống cấp
Đá Cuội xưa núi lấp đường đi ..
Làng bên phụ nữ lắm khi
Xoắn quần tới háng lầm lì bước qua...

Con đường ngang hư cũ  trong câu đầu là con đường nối liền quốc lộ vào quê hương ông (làng Vị Hạ ,Vị Thượng), nếu dân muốn đi tắt về nhà thì phải lội qua một vũng nước sâu. Đây là một con đường băng ngang qua cánh đồng của làng Phú Đa.   Dọc đường có những nấm mồ vô danh. Người ta đắp hay vun đá cuội lên thành gò, gò mả nằm bên đường. Mả bấy giờ được gọi là "mả cuội", "đống ông cuội". Nếu khúc đường có "mả cuội" mà có lời đồn là linh thiêng, người ta sẽ thắp nhang trên mả ấy, lâu ngày ai đó xây một cái am nho nhỏ, mả trở thành "miếu ông cuội", và ông Thần Cuội ra đời. Làng Phú Đa, nơi có đống đá Ông Cuội, sản sinh ra ông Tổng (làng) là viên chức cấp cao, chính "y "là người nói láo siêu hạng.

 Mời khách thơ đọc bản dịch của laiquangnam trước khi đọc nguyên tác của Cụ Nguyễn Khuyến.

2.1 Bản dịch của laiquangnam

Vũ phu1 đôi
珷 玞 堆 1
( Đống đá cuội )
Đường ngang cũ bỏ lâu xuống cấp
Đá Cuội xưa núi lấp đường đi ..
Làng bên phụ nữ lắm khi
Xoắn quần tới háng lầm lì bước qua...

Ông Cuội thấy cười xòa khóai chí,
Mầy giấu chi:" trắng hếu trong quần2"
Quý bà xanh mặt vái khan
"Vô tình sơ sẩy,  mong Thần bỏ qua!."

Cuội cười phán: " lòng Ta... chớ lọ 3 ,
Chỉ giận Mầy,  thằng nhỏ cứng ngay4  ,
Mầy về bảo cả làng mầy,
Sắp hàng lấy giống "ông Thầy" ...nghe chưa!

5Giờ đây, làng nước.... cú lừa!
Cháu con mầy cuội?.  Cuội "ừa!" . Hơn Qua ! ,

Chú :
1: "Vũ phu" (珷 玞) thứ đá giống như ngọc. đôi là đống, Vũ phu đôi là các từ Hán xa lạ. Đừng lầm từ đồng âm Vũ phu  (武夫), người chồng (đàn ông ) hay hành hạ vợ con.

Cụ Nguyễn Khuyến chơi chữ;  Mình cầm viên "đá Vũ phu" tưởng là ngọc mà đâu phải ngọc, nghe lời Cuội nói tưởng là lời nói thât mà có bao giờ đúng sự thật đâu .  Trong  tiếng Việt ta viết dưới dạng chữ quốc ngữ thì vũ phu là người đàn ông hung bạo với vợ của mình. Quả  thật cuội không đánh vợ nhưng cuội ta cấy giống cuội cho người phụ nữ mà y chung đụng còn tàn nhẫn hơn triệu lần là Cuội ta hành hạ vợ . Một nỗi đau ám ảnh đến cuối đời người đàn bà khiến họ không thể yên tâm nhắm mắt;  nhìn giòng giống này do chính mình sinh ra nay đang bị thoái hóa mà mình là kẻ vô tình tiếp tay. Mình đã bị lừa?. Cuội con là con của mình, bọn chúng đều do mình đẻ ra cả. Biết nó là Cuội, hại giống hại nòi vậy mà họ không nỡ nhẫn tâm bóp mũi nó ngay từ khi bọn nó lọt lòng. Đau quá, và tội nghiệp cho giống nòi này quá ! Với người đàn bà, tụi nó là con mình. Với người Việt, bọn cuội đang là đồng bào của mình.  Đau quá! và Nan giải quá! .

2 - Mầy dấu chi:" trắng hếu trong quần"
dịch từ câu thơ nguyên tác là
Nhĩ hữu hà vật như thử (如此) tố ()
tạm dịch :
Mầy có cái gì mà trắng nõn như thế !

3 - lọ là không cần phải ...

Mộc mạc ưa nhìn lọ điểm trang ( Nhị độ mai )
Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người ( Kiều )

4 - Chỉ giận Mầy thằng nhỏ cứng ngay .
dịch từ câu thơ nguyên tác là
怒尒(爾) 何 亢 我 陽 具
Nộ nhĩ hà cang ngã dương cụ
tạm dịch :
Chỉ giận mầy làm ta cứng cả dương vật
cang ( còn đọc là kháng, là quá  (trong chữ quá sức) ,cương )
dương trái với âm , dương cụ (陽 具 ( là " cái nớ của đàn ông )
Dương cụ trái với âm vật, cụ nghĩa như trong từ côngcụ ,nông cụ ....
cụ NK rất khéo khi dịch ra quốc âm dùng hai từ "Con cúi" và " con buội " [dấu nặng ]

5- Giờ đây, làng nước.... cú lừa!
Cháu con mầy cuội ?. Cuội "ừa!" . Hơn Qua ! ,
dịch từ câu thơ nguyên tác là
Cổ kim thử () hương sinh xuất nhân
Khẩu thoại nhất ngôn thiêm( ) loại vũ
tạm dịch
Xưa nay làng ấy sinh ra hạng người
Mở miệng mỗi lời đều như Cuội

2.2 Bản dịch ra thơ quốc âm của chính cụ

Nguyên tác dưới đây do cụ Nguyễn Khuyến dịch ra thơ nôm có tên là Vũ phu đôi   (nguồn : Quế Sơn thi tập tục biên......)

1. Đầu đường ngang có một chỗ lội
2.  Có miếu ông Cuội cao vòi vọi
3.  Đàn bà đến đó vén quần lên
4.  Chỗ tời đến háng, chỗ đến gối
5.  Ông Cuội ngồi trông mỉm miệng cười
6.  "Cái gì trông trắng giống con cúi?"
7.  Vội vàng khép nép đứng liền  thưa:
8.  "Trót dại hở hang xin xá tội!"
9.  Ông rằng :"mầy cũng chẳng tội gì!... "
10. Chỉ tội làm ông cứng con buội
11. Muốn tốt mày về bảo làng mày:
12. " Ra đây  ông cho giống ông Cuội"
13. Cho nên làng ấy sinh  ra người
14. Sinh ra rặt những thằng nói dối! ".
Tài tình bản dịch của ông là ông dùng thất ngôn vận trắc . Sinh vật khí nữ nam là "con cúi?" và "con buội".
 
3- Đọc chơi cho biết :

bản nôm TAM SAO THẤT BỔN

Bài của Hoàng thiếu Phủ;  laiquangnam trích lại dưới đây thấy trên mạng là tam sao thất bổn. Hoàng thiếu Phủ, là bút hiệu của Hoàng phủ ngọc Phan là cử nhân văn khoa ĐH Huế ? . laiquangnam thử tìm lại trong khi Việt văn  độc bản lớp 10 ,11 trước 75  không thấy có. Đây là bài "Chỗ lội làng Ngang" của HTP , ( HTP, Truyện cười, NXB Trẻ, 2007, trang 323)

"Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà qua đấy xắn quần lên
Chỗ thì đến háng, chỗ quá gối
Ông Cuội ngồi trên mỉm miệng cười
Cái gì trăng trắng giống con cúi
Đàn bà khép nép liền đứng thưa
Con trót hớ hênh ông xá tội
Không không! Con có tội chi mà
Lại đây ông cho giống ôngCuội

Từ đấy làng Ngang đẻ ra người
Đẻ ra rặt những phường nói dối".
              HOÀNG THIẾU PHỦ

là một bài tam sao thất bởi vì :
bởi ngay câu đầu( câu 1 )  là
Hoành lộ phế cửu bất thành lộ
tạm dịch :
Con đường ngang hoang phế không ra con lộ (đường )  nữa ..
( không có từ Làng Ngang trong này ... )
Câu đầu dịch "Đầu làng Ngang có một chỗ lội" là không đúng với từ Hoành lộ  .
Câu áp chót  "làng Ngang" không đúng với câu nguyên tác "Cổ kim thử (?) hương sinh xuất nhân"
và nguyên tác gồm 14 câu , của HTP có 12 câu .

Rất đau là bài giả của Hoàng thiếu Phủ lại phát tán rộng rãi trên mạng Internet và lớp trẻ 8x,9x rất thích nên các em mang về trang website của các em ....
 

Tham khảo

1- Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Thi hào Nguyễn Khuyến đời và thơ, NXB Giáo Dục,1994 có hai bài viết đề cập đến  bài thơ này:
a)Bài "Hai loại chân dung phụ nữ" của PGS Trần thị Băng thanh, và PGS Phạm Tú Châu, (sđd(1), trang 203, có tên là  "Vũng lội đường Ngang ". Rất tiếc là không biết nguồn của hai giáo sư tên tuổi trên trích từ đâu, lại có tên là "Vũng lội đường Ngang" lại là tên mà nhiều người biết ..
b) Bài "Ngòi bút tả thực đột xuất", Nguyễn phương Chi, (sđd(1), trang 263, Đống ông cuội
2- Trần văn Nhĩ, Tuyển tập thơ chữ Hán  Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, 2005
3- Vi-Wikipedia .
4- HTP, Truyện cười, NXB Trẻ, 2007, trang 323)

 -o0o0-

 SG cuối tháng tám 2009, viết lại từ bản ban đầu đăng trên trang
http://www.art2all.net/tho/laiquangnam/lqn_nguyenkhuyen_vuphudoi.htm

laiquangnam