Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [   Tác giả  ] 
 
Thăm Viện Bảo Tàng Louvre. Paris, Pháp
Sóng Việt Đàm Giang
Viện Bảo Tàng Louvre, là một cung điện đồ sộ cấu trúc gồm ba cánh: Devon (phía Nam), Sully (phía Đông), và Richelieu (phía Bắc), chứa cỡ 35,000 tác phẩm gồm nhiều loại phân phối vào 7 phân bộ. Mỗi phân bộ gồm nhiều phòng với những sưu tập khác nhau. Mỗi lầu trong mỗi cánh có thể có khu phòng triển lãm khác nhau như: Hội Họa; Nghệ Thuật Trang Trí; Nghệ Thuật Ấn Họa; Cổ Ai Cập; Cổ Đông Phương; Điêu Khắc; Cổ Hy Lạp, Nghệ thuật Etruscan (vùng Bắc Ý Đại Lợi và Corsica), và Cổ La Mã. Kim Tự Tháp kính (Pyramid) nẳm ở giữa ba cánh.

Để vào Viện Bảo Tàng Louvre, hầu hết du khách đều đi vào qua cửa của Kim Tự Tháp bằng kính. Kim Tự Tháp kính do Kiến trúc sư Ieoh Ming Pei vẽ kiều và hoàn thành vào năm 1989 dưới thời Tổng Thống Francois Mitterand. Qua Kim Tự Tháp bằng kính, ánh sáng chiếu xuống sáng rõ những phòng ốc phía dưới. Dưới nhà kính Kim Tự Tháp này, mỗi cánh đều có cửa riêng dẫn đến phòng triển lãm. Mỗi cánh đều có 3 tầng trên mặt đất và một tầng ở dưới mặt đất. Những báu vật của Cổ Ai cập, Etruscan, Hy-lạp, và La mã nằm trong phòng triển lãm ở cánh Devon và Sully, kể cả Trung đông và Hồi giáo. Lầu 1 của cánh Richelieu triển lãm Nghệ thuật Trang Trí Âu châu từ Trung cổ đến thế kỷ thứ 19, kể cả những phòng trưng bày đồ đạc huy hoàng tráng lệ của Napoleon III.

Trong những bức họa và điêu khắc đã tốn giấy bút và làm rung động lòng người phải kể:

Những điêu khắc nổi tiếng: tượng Venus de Milo, tượng Winged Victory of Samothrace, tượng Slaves , The Three Graces, Cupid and Psyche, The Marly Horses, v.v...

Một số tranh vẽ nổi tiếng rất có giá trị hoặc tuyệt mỹ: Mona Lisa của Leonardo da Vinci, The Wedding Feast ở Cana của Veronese, The Coronation of Napoleon của Jacques-Louis David, TheOath of Oratii cũng của Jacques-Louis David, La Grande Odalisque của Ingres, The Raft of the Medusa của Géricault, The Liberty Leading thePeople của Delacroix, The Ship of Fools của Bosch, the Rape of the Sabine Women của Poussin, The Intervention of the Sabine Women của David, The Lacemaker của Vermeer, The Gypsy của Hals, v.v... (Ghi chú: ngoài cửa vào qua Pyramid, du khách có thể vàoVBT từ cửa phố Rivoli).

Để việc thăm viếng được có tổ chức và đỡ mất thì giờ, lộ trình tự đi thăm được ấn phẩm của VBT Louvre đề nghị như sau.

Vào qua cửa Pyramid, đi hướng về cánh Sully, dùng thang máy D hay E (bên tay phải) đến mezzanine. Vào cánh Sully, hướng về Medieval Louvre, rẽ trái ngay cửa vào rồi lấy thang máy G lên lầu 1. Ra khỏi thang máy, rẽ tay phải, bước vào phòng Bronze. Đi thẳng đến phòng số 74. Quay tay phải thì sẽ thấy thang máy C ngay bên phải khi rời phòng 74. Đi vào thang máy C, xuống tầng ground dẫn đến khu đồ cổ Hy-Lạp(cánh Sully). Tác phẩm đầu tiên nhìn thấy là Venus de Milo nằm bên trái khi bước vào phòng #7.

The Venus de Milo, hay Aphrodite of Melos (tên đặt theo hòn đảo Greek đã khám phá ra được tượng vào năm 1820), là một nguyên bản. Khuôn ngực trần của bức tượng đã được nhà khảo cổ xác nhận đó là nữ thần Hy lạp Aphrodite , hay nữ thần La mã Venus. Từ tượng điêu khắc Venus de Milo khám phá ra này mà người ta được biết những tượng điêu khắc bên trời Tây âu đã dùng làm tiêu chuẩn để tạc đàn bà khỏa thân. Họ phỏng đoán tượng được tạc vào thời kỳ 323-31 BC. Khuôn mặt thụ động trung dung, khác hẳn với đường cong mềm mại uyển chuyển của thân hình, điển hình khuôn mặt Hy lạp. Chiêm ngưỡng hình Venus de Milo là chiêm ngưỡng một sắc đẹp rất thần thoại.

Tử lầu trên mặt đất này, dùng thang máy C lên lại lầu 1, rẽ trái hai lần qua một vòng vòng dến Galerie d'Apollon. Đi đến cuối phòng, nhớ hỏi một nhân viên BTV mở cho vào Salon Carré. Đi thẳng vào Grande Galerie. Khi nhìn thấy tượng Diana the Huntress, rẽ tay phải thì sẽ thấy Mona Lisa của Leonardo Da Vinci (lầu 1, cánh Denon, khu phòng Hội họa).

Mona Lisa hay La Gioconde thực hiện cỡ 1503-1507, đã hiện diện từ năm 1518 nhưng ít được chú ý. Chỉ đến sau khi một loạt biến cố xẩy ra như sự phiêu lưu mất trộm (1911-13), bị vảy acid, ném đá (1956), triển lãm từ USA (1963), qua Tokyo Japan và Moscow (1974) thì mới được nổi tiếng như cồn hơn cả giá trị của bức tranh.

Kỹ thuật hội họa của Da Vinci rất thần kỳ với những lớp mỏng từng lớp sơn, chơi với ánh sáng và hiệu nghiệm của bóng đậm bằng cách làm như có lớp mờ mờ, tạo ấn tượng di chuyển từ mầu nâu đến mầu xanh, làm như có đất và nước của một phong cảnh trừu tượng. Rất tiếc là thời gian qua vài trăm năm đã làm mầu của bức họa đậm dần như tay áo của người mẫu từ mầu vàng đã chuyển sang mầu nâu. Lý lịch của người mẫu cũng là một đề tài bàn cãi đến độ có người cho rằng người mẫu có thể là đàn ông và họa sĩ đã vẽ như thể chính mình trong đó. Tuy nhiên thời gian ồn ào cũng đã lắng đọng và hiện nay bức tranh có lịch sử là vẽ trong khoảng năm 1503-1507 ở Florence, và người mẫu là một người đàn bà, không phải trong lớp người trưởng giả, với y phục bình thường, mang tên Mona Lisa Gherardini del Giocondo.
 

Venus de Milo
Venus (photo SV)
La Joconde

Bức tranh được gọi là La Giocondo (nghĩa là vui vẻ) cũng từ tên người mẫu. Bức họa cũng cho thấy người mẫu không có lông mày và lông mi phản ảnh sự chú ý của thời Phục hưng nghiêng về sắc đẹp của tâm hồn.

Nhìn quanh quẩn sẽ thấy bức họa Tiệc đám cưới ở Cana của Veronese.
 
 

The Wedding Feast tại Cana bởi Veronese

Bức họa khổng lồ này trước được treo ở thánh đường San Giorgio Maggiore ở Venice, Ý. Veronese đã linh hoạt hóa bức tranh với rực rỡ của áo quần, nữ trang vàng bạc, và kiến trúc huy hoàng thời đó.

Quay trở về với Mona Lisa, ở cuối phòng là tranh của Titian và Tintoretto. Đi thẳng đến phòng 74 (Hội họa Pháp) hướng đến phòng đỏ ở bên phải là bức họa nổi tiếng The Coronation of Napoleon của Jacques-Louis David treo ở vách bên trái.

Phải nói bức tranh này có trộn lẫn giữa nghệ thuật và lịch sử. Bức tranh của David không hoàn toàn đúng sự thật trong ngày lên ngôi của Napoleon. Như David đã xác định, ông vẽ theo ý của Napoleon, và tranh ông có mục đích đánh dấu ngày lịch sử mà không phải là phản ảnh trung thực với ngày lễ Tôn Vương (hay lễ Đăng Quang) của Napoleon cử hành ở Nhà thờ Notre Dame ngày mùng 2 thánh Mười Hai, năm 1804 (Consecration of the Emperor Napoleon I and Coronation of the Empress Josephine in the Cathedral of Notre-Dame de Paris on 2 Dec 1804). Trong bức họa chúng ta thấy Đức Giáo Hoàng ngồi phía sau Napoleon (đang đứng) và ông đang giơ tay ban phép lành. Hoàng đế Napolen mang những biểu tượng của quyền lực. Cạnh Hoàng đế ở bên trái là những anh chị em của Napoleon. Tranh cũng cho thấy Mẹ của Napoleon ngồi ở trên bục nhìn xuống, dù sự thật bà Mẹ không có mặt trong buổi lễ. Giữa tranh là Josephine quỳ gối trước Napoleon. Bức họa với hơn 200 người, có chiều ngang 32 ft, chiều cao 21 ft, được bắt đầu vẽ từ năm 1805 và hoàn tất vào năm 1808.

Ngoài bức họa Lễ Đăng Quang của Napoleon treo ở VBT Louvre, còn có một bức họa thứ hai giống như bức họa nguyên thủy treo ở cung điện Versailles. Bức họa thứ hau này đã được bắt đầu vẽ từ năm 1808 và được hoàn tất vào năm 1821-22 trong thời gian David bị lưu vong ở Bruxelles, với sự cộng tác vẽ đắc lực của George Rouget, một học trò của David. Bản nguyên thủy đã được treo ở điện Versailles cho đến năm 1889 thì được chuyển về Louvre. Sự khác biệt hiển nhiên nhất khi so sánh hai tấm họa là áo của Pauline Borghese (người đàn bà thứ hai từ bên trái) đã được tô màu hồng trong khi ở bản nguyên tác áo của Pauline vẽ mầu trắng. Anh chị em của Napoleon, từ trái qua phải: Joseph, Louis, Caroline, Pauline, Elisa, và vợ Louis (Hortense), vợ Joseph (Julie).Cũng có sách nói rằng David thích bức họa thứ hai ở Versailles hơn.

Lễ Tôn Vương Napoleon (Louvre)
Lễ Tôn Vương Napoleon (Versailles). Photo Lê T. Xuân

Gần đó là tượng Winged Victory of Samothrace với đôi cánh xòe ra đằng sau.

Tượng được tìm thấy vào năm 1863 trên đảo Samothrace, đông bắc của Aegean. Tượng tìm thấy chỉ có một cánh bên trái. Cánh phải của tượng là một copy của cánh tay trái được thêm vào. Khảo cổ gia cho rằng tượng (tên là Chiến thắng hay "Nike" của Samothrace) đặt ở mũi trên tầu. Với tấm lụa tạc bay theo gió với những đường nét điêu khắc tuyệt mỹ, dù không có đầu, điêu khắc này đã được coi là hình ảnh bất diệt tượng trưng Nghệ thuật Tây âu.
 

Victory có cánh, hay nữ thần Nike là con của Pallas và thần sông Styx. Tượng bằng đá Parian có lẽ làm từ 220-190 trước Công nguyên và được Charles Champoiseau tìm thấy vào năm 1863 gồm nhiều mảnh vỡ vụn. Sau đó, một phần của cánh tay tìm thấy vào năm 1950, được lưu trữ trong khung hộp kính ở gần tượng.Tượng cao 3.28m.

Rời mắt khỏi tượng Chiến thắng của Samothrace, chúng ta quay trở về với bức họa The Oath of the Horatii của Jacques-Louis David, ở bức tường đối diện với bức The Coronation of Napoleon.

Bức họa cho thấy ba anh em La mã nhà Horatii thề trung thành trước người cha của họ trước khi đi chiến đấu với nhà Curatii ở thành phố Alblonga. Trong ba anh em, chỉ còn một sống sót và người này đã giết nguời em gái tên Camille là vợ của một người đàn ông thuộc Curatii. Bức tranh vẽ như một dàn cảnh trên sân khấu với đàn ông tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh, có màu sắc rõ nét và ấm, tương phản với nét uyển chuyển và nhẹ nhàng hơn ở nhóm đàn bà đang người buồn bã cam chịu. Bức tranh với những nét vẽ rõ chi tiết như hình chụp là điển hình cho những tranh vẽ thời đó. Đây mới là bức tranh để đời của Jacques-Louis David.

Trở về gần cửa mới vào giữa hai cánh cửa là bức họa La Grande Odalisque của Jean-Auguste Dominique Ingres

Bất cứ một người nào nếu không nhìn vào bức tranh La Grande Odalisque với đôi mắt trừu tượng đều thấy nó kỳ kỳ vì sự dài quá khổ của cái lưng và vị trí lạ lùng của bộ phận của người mẫu như cái chân trái bắt chéo không biết vị thế ra sao, và vú phải đặt sai chỗ. Ingres vẽ mà không để ý đến sự cân đối cơ thể học của người mẫu, mà lại trú trọng đặc biệt đến ngoại cảnh quanh người mẫu. Tấm màn màu xanh đậm, và những vải vóc quanh người mẫu đã được chăm sóc kỹ lưỡng với màu sắc rất tỉ mỉ và nghệ thuật. Tác phẩm này đã là đề tài cho rất nhiều chỉ trích khi được trình diễn từ năm 1819.

Rời phòng 75, bước thẳng sang phòng 77 (Romantic paintings), ngay ở bên trái lối vào là bức họa The Raft of the Medusa, của Théodore Géricault.

Géricault đã vẽ bức họa qua sự kể lại của hai nạn nhân sống sót sau vụ đắm tàu Medusa, một tầu thuộc Hải quân Hoàng gia Pháp khởi hành rời bến năm 1816 để đến thuộc địa Senegal. Người thuyền trưởng của chiếc tàu thuộc Chế độ cũ là một người đã không lái tầu trong hơn hai chục năm và đã nhậm chức thuyền trưởng do liên hệ chính trị mà được. Khi tầu đắm, thì vì không đủ tầu nhỏ cứu nguy nên những người bị bỏ rơi lại đã phải dựng một cái bè để chở 150 người. Bè trải qua 10-13 ngày kinh hoàng và rốt cục chỉ có 10-15 người sống sót. Sự kinh hoàng ở mức độ khủng khiếp đến độ tàn bạo và ăn thịt người vì quá đói.

Bức họa đã làm xôn xao mọi người vào thời đó vì tính chất đương thời khi bức họa được trình bày trong phòng hội họa vào năm 1819. Nó nói lên cái xã hội bất công, kẻ bất tài trong chính quyền. Bức họa cho thấy sự chết chóc, sự tuyệt vọng, sự hy vọng mỏng manh một chiếc tầu ở xa tít có thể thấy họ, bóng dáng chiếc tầu The Argus mà sau đó đã cứu họ. Chiếc bè nhỏ nhoi bị sóng biển quần vập, trên bè mang hình ảnh một người bố ôm một thanh niên đã chết, những người đang cố gắng níu lấy cái sống, một bộ ngực của một người đàn ông có lẽ đã bị người trên bè ăn thịt. Khía cạnh nhân tính của bức họa đã chuyên chở thông điệp tượng trưng cho sinh mạng con người bị bỏ rơi theo số phận.

Nhìn sang bên phải cũng trên bức tường đó là bức họa Liberty Leading the People, của Eugène Delacroix.

Tác phẩm của Delacroix miêu tả tình hình xáo trộn ở Pháp vào cuối tháng 7 năm 1830, với nhiều tầng lớp dân chúng qua những y phục khác nhau của người trong tranh. Một phần chính trị thể hiện qua người đàn ông đội mũ cao, một đứa trẻ tinh ranh tự quyết định lấy số phận mình mặc dù tuổi còn rất nhỏ. Người ta cho rằng đứa trẻ mang tên Gavroche trong tác phẩm của Victor Hugo, một tác phẩm viết cỡ 30 năm sau đó, được truyền bá qua vở kịch Những kẻ khốn khổ - Les Miserables, từ năm 1980, là nhân vật được Hugo lấy hứng từ tấm họa . Trong hình cho thấy nhà thờ Notre Dame nằm đằng sau dàn cản đã có người chết nằm la liệt.

Và Tự Do hướng dẫn Dân chúng, người đàn bà đội mũ Phrygia, (một loại mủ vải mềm hình chóp nón của dân Phrygian ngày xưa) trong tranh, được Delacroix miêu tả tượng trưng cho Dân chủ, Cách mạng 1789 như một sự thật không màu mè che đậy, đầy dũng cảm và nổi loạn, quần áo dản dị, phơi ngực trần, cánh tay phải dơ lên-với dạng thiên nhiên còn dưới cánh tay - cầm cờ ba màu đỏ trắng xanh. Người phụ nữ trong tranh với khuôn mặt có nét và một bộ ngực đẹp của những tượng nữ thần cổ Hy-lạp, là một tượng trưng đặc biệt cho Tự do qua sự tương phản trong lối dấn thân, một giải phóng cho phụ nữ (?), và lá cờ không thấy trọn vẹn phải chăng là một thông điệp như ngầm thông báo một điều gì đang tiếp diễn?


Liberty Leading the People (28-7-1830). Delacroix.

Trở lại phòng 74, lấy thang máy K hay L đi xuống ground floor, đi đến phòng triển lãm Điêu khắc YÙ, chúng ta sẽ thấy hai tượng Slaves của Michelangelo.
 

Dying Slave
Rebel slave

 Hầu hết tác phẩm của Micheangelo không rời Ý, nhưng đặc biệt Louvre sở hữu 2 tượng này do Florentine Roberto Strozzi tặng vua Pháp, sau khi Micheangelo tặng Strozzi. Cũng như một số tượng khác của Michelangelo, hai tượng này cũng ở trong tình trạng chưa hoàn tất vì nhiều lí do liên quan đến thời kỳ Pope Julius II ở Florence. Đặc điểm của Michelangelo là điêu khắc không cần người mẫu và ông thường khắc trên tấm đá từ mặt trước đến mặt sau. Trong tượng Rebel slave, tay người trong tượng còn nằm trong khối cẩm thạch.

Ngoài ra ở khu điêu khắc có một số tác phẩm khác nên xem như điêu khắc Cupid của Chaudet, của Bouchardon; Cupid- Psyche của Canova, và Psyche của Pajou.
 

Cupid. Chaudet
Cupid & Psyche. Gerard
Cupid. Bouchardon
Cupid-Psyche.Canova
Psyche. Pajou

Nếu có thời gian thì có một số tranh khác cũng đáng xem trong nhiều phòng tranh.

Ship of Fools của Hieronymus Bosch cho thấy tác giả như muốn kêu lớn lên rằng nhân loại đã phung phí đời sống một cách vô tội vạ thay vì sống một cách hữu dụng hơn. Bosch tưởng tượng rằng loài người đang du lịch qua biển thời gian trên một cái tầu nhỏ tượng trưng cho nhân loại. Buồn thay những đại diện này chỉ là những người hề. Hãy nhìn xem, đây là cách người đời sống-ăn, uống, tán tỉnh, dối trá lừa gạt, chơi trị ngu xuẩn, theo đuổi những mục đích không đạt được. Trong khi đó chiếc tầu cứ dập dềnh và người đời chẳng bao giờ đến được hải cảng. Bosch nhạo báng cả những kẻ mặc áo tôn giáo như ông sư và bà sơ. Sự kêu gào của Bosch qua tấm tranh có mục đích để thức tỉnh con người. Con tầu của những người điên không nói về người khác mà chính là nói về chúng ta.

Cupis-Psyche. Canova
Ship of Fools. Bosch
The Laecmaker. Vermeer
Marly Horse. Coustou

The Lacemaker (La Dentelliere. Johannes Vermeer)
Người làm ren là bức họa của Vermeer vẽ một người đàn bà mặc quần áo thường đang chăm chỉ cặm cụi làm ren. Cái gối cắm kim và hộp nhỏ như để cuốn sách Thánh kinh thấy rõ, được vẽ với màu sắc đậm phía trước pha trộn nổi bật trên một phía sau nhạt màu. Bức họa đã được coi là một trong những tác phẩm đẹp nhất hiện diện trong BTV Louvre.

The Rape of the Sabine Women của họa sĩ Poussin, và The Intervention of The Sabine Women của Jacque-Louis David
 

The Intervention of the Sabine Women.
Jacque-Louis David
The Rape of the Sabine Women. 
Poussin

"Sự cưỡng bắt phụ nữ Sabine" ở đây là một chuyện đã được ghi chép bởi những sử gia La-mã từ ngày xưa. Chữ rape dịch từ chữ latin rapere có nghĩa là cưỡng đoạt, chiếm đoạt hay bắt cóc.

Theo nhà viết sử La-mã nổi tiếng Livy (Titus Livius, sinh cỡ 59/64 BC ở Patavium, Venetia, Italy, chết năm 17AD tại Patavium) đã ghi trong cuốn Lịch sử thành Rome thì Romulus, sau khi đã gây dựng thành phố cùng có một số quân lính đáng kể thì rất quan tâm về chuyện thiếu đàn bà để làm vợ cho dân chúng của ông. Sau nhiều lần tìm cách hỏi vợ cho dân mình từ những gia đình ở các bộ lạc hay thành phố khác không thành công thì Romulus đã bày mưu để cưỡng đọạt phụ nữ bộ lạc Sabine dưới quyền lãnh đạo của Titus Tatius. Sự cưỡng đoạt này là một tính toán và đã được thực hiện nghiêm nhặt. Những phụ nữ bị bắt cóc này đã được Romulus đối xử rất phân minh, và được cho hưởng nhiều quyến lợi như dân sự và tài sản khi làm vợ dân thành Rome. Romulus là một tướng tài, một nhà vua rất kỷ luật (kỷ luật đến nỗi em ruột Romulus là Remus vì phạm luật do Romulus đặt ra mà đã bị Romulus chém chết ngay). Lẽ đương nhiên là Titus giận giữ và gây chiến với Romulus. Việc chiến tranh sau cùng đã kết thúc bởi chính những người đàn bà Sabine vợ của người Roman nay đã sinh con và thích ứng với đời sống mới, cầu khẩn xin Titus giải hòa.( Titus Livius.The History of Rome. Translated by Rev. Canon Roberts. Everyman's Library. London: J.M. Dent and Sons, 1912).

Câu chuyện cưỡng đoạt phụ nữ Sabine đã được nhiều họa sĩ chú ý đến và là đề tài cho tranh vẽ, đáng kể nhất là bức họa của Nicolas Poussin (1637-38) để ở viện bảo tàng Louvre-France, của Peter Paul Rubens (1635-40) ở tại National Gallery-London, hai bức tranh này minh họa cảnh cưỡng bắt. Ngoài ra cũng nổi tiếng là bức tranh của Jacques-Louis David "Sự can thiệp của phụ nữ Sabine-1799" trưng tại Louvre- France minh họa cảnh vợ Romulus (Hersilia, con gái lãnh tụ Titus Tatius của Sabine) đứng dang tay ngăn cản chồng và bố đánh nhau, ở trên mặt đất có trẻ em nằm, bò lổn ngổn. (Du lịch Italy. Sóng Việt Đàm Giang).
 

La baigneuse của Fragonard
The Gypsy. Hals
Suger's Eagle

Tranh của Fragonard thường rất lãng mạn, điển hình là bức La Baigneuse. The Gypsy của F. Hals vẽ chân dung rất sống động.

The Marly Horses là đôi tượng nguyên thủy đã được chuyển từ lâu đài Marly đến Place de la Concorde, rồi đến Louvre vào năm 1984 (phòng 61, lầu 2, cánh Sully). Một ấn bản đôi ngựa này hiện diện ở Place de La Concorde.

Và sau cùng, trong phòng Nghệ Thuật Trang Hoàng có "Suger's Eagle", một cái bình mang hình dạng giống con ó của Abbot Suger. Đó là một cái lọ bằng vân ban thạch (porphyry) thời Cổ đại Ai cập hay Hoàng Triều La Mã mà ông Abbot Suger của nhà thờ St Denise đã ra lệnh cho gắn một cái đầu con ó, đôi cánh, và phía dưới là chân và đuôi ó, làm bằng bạc vào năm 1140. Toàn tác phẩm và bình cao cỡ 43 cm (lầu 1, cánh Richelieu)

Những tác phẩm hội họa, nghệ thuật phẩm cùng điêu khắc kể trên là giới hạn chiêm ngưỡng của người viết với thời gian cho phép. Mỗi người vào VBT Louvre có thể có những ưa chuộng và sở thích khác biệt. Đi xem tất cả những tác phẩm trên cũng mất cả ngày. Một lối ra là lấy thang máy M đi xuống Entresol level, rời cánh Devon theo lầu mezzanine tới thang máy D hay E để đến Pyramid rồi đi thang tự động ống để ra ngoài.

VBT Louvre mở cửa ngày Thứ Hai, Thứ Năm, Thứ Bảy, Chủ Nhật: 9am-6pm.

Thứ Tư và Thứ Sáu: 9am-10pm. Đóng cửa: Thứ Ba.

Ghi chú.

Hình ảnh và hầu hết tài liệu trích từ trang nhà chính thức của Viện Bảo Tàng Louvre. http://www.louvre.fr/llv/musee/alaune.jsp?bmLocale=en

Sóng Việt Đàm Giang