Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Tác giả ]

Suy nghĩ thêm về các cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược
ở Nam Kỳ nửa sau thế kỷ XIX
Trần Viết Ngạc *
* Thành Phố Hồ Chí Minh
Việc nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX còn chứa đựng nhiều sai lạc và ngộ nhận. Có những sai lạc do vô tình, có những ngộ nhận do thiên kiến, có dụng tâm.

Về loại thứ nhất, có thể nêu trường hợp "Chiếu Cần vương" của vua Hàm Nghi là một thí dụ. Vua thì có thể ban bố nhiều văn bản khác nhau: chiếu, dụ, sắc, chỉ... Mỗi loại có những thể thức văn bản khác nhau. Ví dụ mở đầu một tờ chiếu bao giờ cũng là cụm từ: Thừa thiên hưng vận, Hoàng đế chiếu viết... hoặc Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết...(1) Đối với dụ, mở đầu bằng hai chữ đơn giản: Dụ viết... Thế nhưng ít ai nhận ra sự mâu thuẫn trong nhan đề và nội dung văn bản của bản văn quan trọng này.

Các tác giả sách Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (Nxb Văn học, Hà Nội, 1970) in văn bản này với nhan đề Chiếu Cần vương nhưng không lưu tâm đến chữ đầu là Dụ (trang 463). Cũng từ một nguồn tư liệu duy nhất là Trung-Pháp chiến tranh tư liệu, Lê Thước đã dịch và in trong phần phụ lục cuốn Bài ngoại liệt truyện của Phan Trọng Mưu dưới nhan đề "Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi" với hình thức mở đầu văn bản là "Dụ rằng..."

Dụ, hay Dụ viết là hình thức mở đầu của một dụ (sắc lệnh của vua), chưa bao giờ là mở đầu của chiếu (tuyên cáo, thông báo cho toàn dân),(2) như đã trình bày ở trên. Các nguồn tư liệu gốc đều khẳng định là duï như Đại Nam thực lục ("Dụ Thiên hạ cần vương, "Dụ Cần vương"), Dậu Tuất niên gian phong hỏa ký sử, Đại loạn năm Ất Dậu:

"Tôn Thất Thuyết lánh thân trốn khỏi
Tống dụ ra giục hối thân hào"
                  (Dậu Tuất niên gian...)

"Dụ Hàm Nghi mới tống đạt các nơi,
Mưu Tôn Thuyết đã vẽ bày đủ lối."
                   (Đại loạn năm Ất Dậu)

Trong bài viết ngắn này chúng tôi chỉ giới hạn về những sai lạc khi viết về các cuộc kháng chiến ở Nam Kỳ nửa sau thế kỷ XIX:

- Truyền thuyết "Trương Định đề cờ".

- Bài "Ngự chế" được một số nhà nghiên cứu cho là của vua Tự Đức.

- Các cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ mà tiêu biểu là cuộc kháng chiến của Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực có chống lại triều đình nhà Nguyễn không?

1. Truyền thuyết "Trương Định đề cờ Phan Lâm mại quốc, triều đình khí dân" là không đáng tin.

Dù đã có kết luận của cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản năm 1994 ở Vĩnh Long rằng sự kiện Trương Định đề cờ "Phan Lâm mại quốc, triều đình khí dân" là không đáng tin, trong tọa đàm về Phan Thanh Giản năm 2003 tại TPHCM vẫn có nhiều diễn giả dùng sự kiện này như chứng cứ để kết tội Phan Thanh Giản.(3)

Ngay khi dẫn câu này, các tác giả cũng dùng sai chữ. Vũ Ngọc Khánh gọi ông là kẻ "mãi quốc" (bán nước) (Sic).(4) Thực ramãi là mua, mại mới là bán.

Nếu quả thật có sự kiện đề cờ như trên, câu hỏi đặt ra là tại sao:

- Các tài liệu gốc như Lãnh binh Trương Định truyện của Nguyễn Thông, Châu bản triều Nguyễn về Trương Định,(5) truyện Trương Định trong Đại Nam chính biên liệt truyện đều không hề ghi nhận sự kiện này.

- Còn có thể dẫn các sự kiện phản chứng như vua Tự Đức đã ra lệnh cấp tuất cho vợ Trương Định và cho lập đền thờ Trương Định ở Bình Sơn, Quảng Ngãi. Việc tiểu sử Trương Định được đưa vào Đại Nam chính biên liệt truyện cũng minh chứng Trương Định không chống lại triều đình.

Vua Tự Đức cũng đã phái Đỗ Thúc Tĩnh vào Nam để bí mật khuyến khích và ủng hộ các cuộc kháng Pháp. Khi Phan Thanh Giản yêu cầu vua Tự Đức xuống dụ yêu cầu Trương Định giải binh, chính Tự Đức đã bảo Phan Thanh Giản rằng sự phản kháng của Trương Định có lợi cho mưu đồ khôi phục lại giang sơn của triều đình! Chính vua Tự Đức đã sai thị vệ Thi đem một kim khánh tặng cho Trương Định.(6)

Người đương thời hiểu Trương Định không ai bằng Nguyễn Đình Chiểu. Tương truyền Nguyễn Đình Chiểu khuyên Trương Định tiếp tục chiến đấu hơn là tuân lệnh triều đình đi nhậm chức Lãnh binh An Giang. Trong 12 bài thơ khóc Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu nhiều lần khẳng định tấm lòng trung trinh với vua:

Chí dốc ra tay nâng vạc ngã,
Trước sau cho trọn chữ quân thần.
(bài 3)

Năm dài những mảng ngóng tin vua,
(bài 5)

Dâng hộ nước Nam về một mối,
Ngàn năm miếu vũ rạng công tôi.

Trong bài Văn tế, Nguyễn Đình Chiểu cũng viết:
Từ Bến Nghé mây mưa sùi sụt,
Thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân;
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê;
Cảm niềm thần tử hết lòng trung ái.
2. Về bài thơ được gắn nhan đề là "Ngự chế" mà nhiều người cho là của vua Tự Đức nhưng không dẫn được xuất xứ.

Cũng trong cuộc tọa đàm "Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản", tháng 8/2003, GS Trần Văn Giàu và PGS Vũ Ngọc Khánh đều dẫn bài thơ "Ngự chế"(7)

Khí dân, triều đình cửu,
Mãi quốc, thế gian bình,
Sử ngã, chung thân điếm,
Hà gian nhập miếu đình.
Nghĩa là:
Bỏ dân, triều đình lỗi,
Bán nước, miệng đời chê,
Một đời ta nhục nhã,
Mặt mũi nào vào miếu đình.
Bài thơ trên có mấy điều đáng ngờ:

- Về nhan đề, "Ngự chế" không phải là nhan đề của bài thơ. Bài văn, bài thơ, chiếu, dụ nào của vua lại không được gọi là ngự chế?

- Phải chăng bài thơ này lấy ý từ câu "Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân"? và rõ ràng đã lặp lại lỗi từ ngữ mãimại. Có điều "mãi quốc" không còn gán cho Phan Lâm mà được đặt vào miệng của Tự Đức!

- Chúng tôi, ngay tại buổi tọa đàm, đã yêu cầu dẫn xuất xứ của bài "Ngự chế" nhưng chỉ được đáp lại bằng sự im lặng. Sau đó, tại hội thảo về phong trào Duy Tân được tổ chức ở Quảng Nam, cùng năm 2003, PGS Vũ Ngọc Khánh cũng không thể trả lời về xuất xứ của bài "Ngự chế".

Trong dụ "Tự biếm", vua Tự Đức đã nhận lỗi lầm về việc để mất đất và dân Nam Kỳ cùng nỗi vô vọng cùng cực trước cuộc xâm chiếm của thực dân Pháp mà nhà vua không có một kế sách nào để chống lại.(8) Nhà vua chẳng những tự nhận lỗi mà còn công bố cho toàn dân thiên hạ biết: "Để mất đất và dân Nam Kỳ là lỗi của tiểu tử này". Nhưng "mại quốc" (không phải là mãi quốc) là điều không thể gán ghép cho Phan Thanh Giản và vua Tự Đức. Những chứng cứ không có thực, tùy tiện bày đặt ra như thế sẽ chẳng tồn tại mãi được.

3. Có phải Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân chiến đấu dưới ngọn cờ quân chủ ?

- Nguyễn Trung Trực lúc đốt tàu Esperance là Quyền quản binh đã cùng với Phó quản binh Huỳnh Khắc Nhượng và Võ Văn Quang chỉ huy. Vua Tự Đức đã tưởng thưởng cho những chỉ huy và binh sĩ lập nên chiến công Nhựt Tảo và cấp tuất cho 4 người hy sinh.

- Nguyễn Trung Trực được bổ làm Thành thủ úy Hà Tiên. Sau khi bị tử hình, vua Tự Đức đã sắc phong cho Nguyễn Trung Trực làm Thành hoàng làng Vĩnh Thanh Vân (tỉnh lỵ Rạch Giá). Cử chỉ này của nhà vua tương tự như đã cho lập nhà thờ Trương Định ở Tư Cung, Bình Sơn, Quảng Ngãi.

- Trương Định là Phó lãnh binh và sau khi đại đồn Chí Hòa tan vỡ, ông trở thành thống lãnh quân đội của 3 tỉnh miền Đông. Lệnh của triều đình buộc Hiệp tán quân vụ Thân Văn Nhiếp và Khâm phái quân vụ Nguyễn Túc Trưng phải hội quân với Trương Định để chống giặc.

Những cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ "là để giúp đỡ cho trào đình" như của Trương Định gửi cho các nơi.(9)

Phải chăng đã đến lúc chấm dứt những suy nghĩ áp đặt chủ quan đối với các cuộc kháng chiến chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX trên vùng đất mà các chúa Nguyễn đã dày công xây dựng và là đất khởi nghiệp của Nguyễn Phúc Ánh.

Tư tưởng trung quân ái quốc ở Nam Kỳ vẫn còn sâu nặng vào đầu thế kỷ XX. Các học sinh Đông Du của Nam Kỳ đã lấy lễ quân thần mà bái yết Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và khi Phan Bội Châu cải tổ Duy Tân hội thành Việt Nam Quang Phục hội theo tư tưởng cộng hòa dân chủ đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của các thành viên Nam Kỳ.(10) Phan Bội Châu đã kết luận:

"...Tôi mới đề xuất nghị án giữa công chúng là đổi chủ nghĩa quân chủ [lập hiến] làm dân chủ. Đầu hết tán thành là ông Đặng Tử Mẫn, Lương Lập Nham, Hoàng Trọng Mậu cùng đồng chí Trung Bắc hai kỳ, thảy đại tán thành; chỉ duy một vài người Nam Kỳ phản đối. Nhân vì đồng bào trong Nam đối với Kỳ Ngoại Hầu tín ngưỡng rất sâu, não chất ấy chưa bỗng chốc mà đổi được...".(11,12)

Hoàn cảnh lịch sử Nam Kỳ có thể giải thích tại sao tư tưởng quân chủ còn được bảo lưu lâu dài tại Nam Kỳ so với Bắc và Trung Kỳ. Quá trình lâu dài chống xâm lược Pháp đã làm phân hóa sâu sắc từ triều đình đến nhân dân. Những thất bại liên tiếp của nhà Nguyễn từ năm 1873 đến kinh thành thất thủ (1885) đã không tác động mấy đến nhân dân Nam Kỳ vì từ năm 1867, Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm và hòa ước 1874 thừa nhận đất Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp! Hình ảnh một triều đình bạc nhược với vua Hiệp Hòa, với Hồng Tham, Hồng Phì, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải... chỉ tác động đến sĩ phu và nhân dân Trung và Bắc. Nhân dân Nam Kỳ còn lưu giữ trong tâm trí mình một hình ảnh triều đình Huế với Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân... Ngọn cờ quân chủ ở Nam Kỳ chưa đến độ rách nát tả tơi như ở Trung và Bắc sau khi phong trào Cần Vương thất bại và cũng không chịu ảnh hưởng của các ông vua "xằng" chễm chệ trên ngai vàng ở Huế như Đồng Khánh, Khải Định. Ở Nam Kỳ chỉ có hạng tiểu nhân đắc chí như Huỳnh Công Tấn, Trần Bá Lộc... chứ chưa sản sinh ra những Cần Chánh điện Đại học sĩ, ba lần được tặng Bắc đẩu bội tinh như Nguyễn Thân, Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải...

Nghiên cứu lịch sử Nam Kỳ trong thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX phải thấy được độ "chênh" giữa Nam Kỳ với Trung và Bắc để khỏi phải áp đặt những tư tưởng của Văn thân Nghệ Tĩnh như Trần Tấn, Đặng Như Mai hay của sĩ phu Bắc Hà đầu thế kỷ XX đã gọi vua là "dân tặc"- khi bắt đầu chịu tác động của tân thư-(13) cho sĩ phu và nhân dân Nam Kỳ.

T V N
CHÚ THÍCH

(1) Xem Tự Đức thánh chế văn tam tập, nguyên văn chữ Hán, bản dịch của Bùi Tấn Niên, Trần Tuấn Khải, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa (Sài Gòn) xuất bản, 1973.

(2) Trong một dịp khác, tôi sẽ trình bày các văn bản Chiếu Cần vương 2 do Vũ Văn Tĩnh giới thiệu (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 140, 1971) và gần đây Chiếu Cần vương do nguồn của Argenlieu cung cấp là hoàn toàn giả mạo.

(3) Vũ Ngọc Khánh. "Quần chúng cảm thông để lịch sử đỡ phần nghiêm khắc". Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb Đồng Nai và Tạp chí Xưa và Nay, 2006, trang 101.

(4) Tlđd, trang 100.

(5) "Tình hình ba tỉnh Nam kỳ". Tập san Sử địa, số 3, trang 7- 9, 1966.

(6) P.Vral. Les premières années de la Cochinchine, q.II, 1874, trang 261. Dẫn theo Phù Lang Trương Bá Phát, Tập san Sử địa, số 3, 1966, "Nén hương hoài cổ, Trương Định".

(7) Vũ Ngọc Khánh, Tlđd, trang 102.

(8) Trần Viết Ngạc. "Góp phần tìm hiểu về vua Tự Đức qua dụ Tự biếm và một số châu phê", Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2(73). 2009.

(9) Nguyễn Thông. "Lãnh binh Trương Định truyện". Tô Nam và Bùi Quang Tung dịch, Tập san Sử địa, số 3, 1966.

(10) Tiêu biểu là Nguyễn Thần Hiến.

(11) Tự phán. Nxb Anh Minh, Huế, 1956, trang 146. Tiểu La cũng từng nhận xét "Kim tiền nước ta là ở Nam Kỳ mà khai thác ra Nam Kỳ là công đức triều Nguyễn làm..." (Tự phán, trang 35).

(12) Mà vận động Nam Kỳ tất nhờ ở nơi nhân dân nhớ cũ (Tự phán, trang 72).

(13) Theo tài liệu của Pháp từ "dân tặc" đã xuất hiện từ trường học cụ Cử Can, năm Giáp Thân (1904) nhân có khoa thi Hội năm đó. Notes sur l'agitation antifrancaise de puis dix ans et le parti nationnalis de annammite, trang 19.
TÓM TẮT

Do tính cách phức tạp của bối cảnh lịch sử Việt Nam cận đại (từ 1858), nhiều ý kiến sai lạc và ngộ nhận của một số nhà nghiên cứu đã tồn tại rất lâu và vẫn còn tiếp tục tồn tại nếu chúng ta không chịu khó gỡ dần. Ví dụ "Dụ Cần vương" của vua Hàm Nghi vẫn được gọi là "Chiếu Cần vương", "Hàm Nghi đế chiếu", dù là hai chữ mở đầu văn bản này ở các tài liệu gốc đã là chứng cứ cải chính hùng hồn.

Trong bài viết ngắn này, tác giả kiểm chứng lại hai sự kiện "Trương Định đề cờ" và bài thơ "Ngự chế" (sic) được nhiều người cho là của vua Tự Đức. Cuối cùng tác giả khẳng định các cuộc chiến đấu của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực ở Nam Kỳ nửa sau thế kỷ XIX "là để giúp đỡ cho trào đình".



  Trở Về   ]
 
 

2 trang mở đầu của một DỤ và một CHIẾU  trích trong Tự Đức thánh chế văn tam tập, nguyên văn chữ Hán, bản dịch của Bùi Tấn Niên, Trần Tuấn Khải, PQVKDTVH (Sài Gòn) xuất bản, 1973