Chim Việt Cành Nam        [ Trở Về  ]            [ Trang chủ
 
 Nỗi đau

Truyện ngắn : Minh Hương

Ùng! Oàng!... Tiếng trẻ khóc thét. Ông Tư đưa tay ôm ngang bụng. "Mình bị thương rồi!". Cảm giác đau xoáy vào ruột ông. Lại tiếng trẻ khóc thét. "Nó vẫn còn khóc, còn khóc được!". Ông càng ôm chặt bụng hơn vì đau quá. "Bị thương sao không có máu?". Ông muốn hét lên nhưng không được, có cái gì đó đè nặng lên người ông.Vẫn tiếng trẻ con ré lên ngằn ngặt. Ông lấy hết sức cố đạp hai chân, miệng há thật to cho đến khi từ trong cổ họng bật ra hai tiếng khản đục: "Không! Không!" mới thấy người nhẹ bỗng. Nhưng sao thế nhỉ? Tất cả là một màu trắng lạnh lẽo. Ông chợt tỉnh: "Ồ! Bệnh viện... Thế là mình lại vừa mộng mị.

Đưa hai tay lên ôm đầu, ông rên rỉ: "Trời ơi! Những ác mộng sao cứ ám ảnh ta?". Cơn đau dữ dội lại xoáy vào ruột khiến toàn thân ông co quắp, quằn quại. Vậy mà trong cơn ác mộng vừa rồi, ông ngỡ mình bị thương. Từ khoa nhi của bệnh viện vọng lên tiếng khóc của con nít làm ông càng co dúm người lại. Ông nhớ đến nó. Nhưng mà ở cái thời khắc nghiệt ngã ấy, nó có được khóc đâu! Dẫu biết rằng không bao giờ nó còn khóc được để ông cũng như cả sự sống trên trái đất này còn được nghe tiếng khóc của nó ...

Từ khi biết mình bị ung thư dạ dày đang ở giai đoạn cuối, ông Tư thường hay hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh, lúc còn ở rừng. Những cảnh thương vong, chết chóc, bom đạn, chất độc... cứ hiện về, đan xen với thực tại. Ông vừa phải chống chịu sự đau đớn về thể xác do con bệnh hiểm nghèo, vừa luôn bị nỗi ám ảnh bởi những cơn ác mộng. Khi tỉnh, ông vẫn rất tự hào về chiến thắng vĩ đại của Dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ và ông đã đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp vẻ vang đó. Ông vẫn thường và sẽ còn nói lại với nhiều người, nhất là với lớp trẻ về niềm tự hào ấy ... Nhưng khi ngủ, ông luôn bị những ám ảnh bởi nỗi kinh hoàng, đau xót về một điều mà ông biết, cho đến chết vẫn không thể nguôi ngoai và cũng không dễ gì nói được cùng ai.

Không còn chịu nổi cơn đau, ông bấm chuông lên phòng trực. Cô y tá xuống tiêm cho ông một mũi thuốc, cơn đau dịu dần, ông thấy mình mệt lả. Nghĩ đến những cơn đau sẽ còn sau đó, ông rùng mình nhắm nghiền mắt lại. Hồi đó, sau mỗi lần máy bay địch rải chất độc vừa rút khỏi là ông cùng mọi người ào ra nương mỳ, bất chấp cả những hạt bụi thuốc còn bám đầy trên cây lá. Dù sợ chất độc nhưng vẫn phải cứu những củ mỳ, nếu không sẽ không có gì để ăn. Phải chặt thật nhanh ngang cây, chỉ để lại những gốc mỳ để thuốc không kịp dẫn xuống củ. Sau đó mới nhổ lên, ngâm, phơi, làm lương thực dự trữ. Những lần như thế, không phải riêng ông mà hầu như tất cả, không ai lường được hậu quả khủng khiếp của thứ chất độc màu vàng nguy hiểm ấy. Gần hai mươi năm sau ngày giải phóng, đã không ít người từng là bộ đội, cán bộ ở rừng về phải từ giã cõi đời trong sự đau đớn, vật vã về thể xác mà trí óc thì hoàn toàn tỉnh táo vì bị khối u ác tính. Nhiều người khác lại gánh chịu số phận khổ đau đến cùng cực, đó là phải làm cha, làm mẹ của những đứa trẻ dị dạng, tật nguyền, ngớ ngẩn, những quái thai không thể tồn tại ở trên đời. Bây giờ thì đến lượt ông ...

Có tiếng ì ầm từ xa của cơn giông. Hừ! Thế mà ông lại nghe ra tiếng ùng oàng của đạn pháo. Ông nhìn ra ngoài, một tia chớp loằng ngoằng chạy ngang trên bầu trời đang sầm sập tối. Hồi ở rừng, một tối nọ, dưới ánh sáng lóa lên như tia chớp của đạn pháo sáng, ông vô tình nhìn thấy sự quấn quýt bên nhau của đôi trai gái bên gốc cây gần lán trại. Lúc ấy ông đã cười một mình: "Quả là tình yêu bất diệt". Sau đó, họ cưới nhau, người con trai được bổ sung cho đơn vị chủ lực, còn vợ anh ở lại trạm giao liên của ông. Một thằng cu ra đời theo quy luật của tạo hóa, bất chấp bom rơi lửa đạn. Nó được đặt tên là Chiến Thắng, như niềm tin và sự mong mỏi của ba má nó cùng mọi người.

Ông Tư cố đứng dậy, chập choạng từng bước đến bên cửa sổ vì lại nghe tiếng trẻ khóc thét. Ông nhìn xuống khoa nhi, nơi có những đứa trẻ đau bệnh đang điều trị ở đó. Ruột gan ông nhói buốt như có ngàn mũi kim châm chích. Ông nhớ đến cái bụng cóc vì bị lãi của nó, những cơn sốt rét rừng làm mắt nó trắng xác, đôi môi nhỏ xúi, tái nhợt. Chẳng có thuốc gì ngoài mấy viên ký ninh, thế mà nó vẫn sống... Ông thấy môi mình mặn đắng. Ừ! Nếu ông có thể gào lên, khóc thét lên như con trẻ để nỗi đau trong ông sẽ dịu đi chăng? Giá như bây giờ ông có thể nói ra được những dày vò, giằng xé về những uẩn khúc oái oăm, oan  nghiệt trong một lần chỉ huy của ông. Ông thắc thỏm chờ bà Tư, sao mãi không thấy về. Ông định quay lại giường nằm nhưng không làm sao có thể nhấc chân lên được, cả người cứ run lên bần bật. Ông khụy xuống và...

*   *   *
Đã khuya, bà Tư chưa ngủ. Bà ngồi trên chiếc ghế bố cạnh giường nằm của ông, dạ nôn nao. Bà cứ nhìn mãi vào khuôn mặt hốc hác, tấm thân chỉ còn da bọc xương của ông, tim bà thắt lại. Hai ngày nay, thần sắc của ông thay đổi quá nhiều. Đã vậy, chiều nay ông cứ nằng nặc đòi bà phải đi đến nhà Ba má nó chỉ để biết có một việc ấy. Bà đi mà chẳng yên lòng chút nào. Bà đã dặn ông không được đi đâu xa giường, mọi thứ bà đã chuẩn bị sẵn, thế mà ông lại ra cửa sổ làm gì, may mà bà về kịp...

Hơn ba tháng rồi, bà kề cận bên ông không rời một bước. Thỉnh thoảng có ai đến thăm, ngồi chơi nói chuyện lâu, bà mới gửi gắm để về thăm qua nhà. Ông bà chẳng còn ai đỡ đần, họ hàng ly tán hồi chiến tranh, đứa con trai duy nhất của ông bà cũng chết từ nhỏ. Sau giải phóng ông về, bà không còn sinh nở được nữa, vợ chồng già chăm chút nhau hết tình vẫn không khỏi có lúc xót xa tủi phận.

Tiếng thở đều đều của ông làm lòng bà phần nào dịu lại. Cái mệt do phải đi lại vội vàng lúc chiều, bây giờ mới ngấm vào tấm thân già gầy guộc làm bà lịm vào giấc ngủ. Một tay bà vẫn nắm chặt vào tay ông, phòng khi ông dậy là bà biết ngay...
Ông giật mình tỉnh giấc, nửa người từ thắt lưng trở xuống nặng trĩu, hai chân không thể co duỗi được. Cả hai tay cũng vậy, hình như lạnh lắm và cũng không còn có cảm giác, vì ông nhìn thấy bàn tay bà đang nắm chặt tay ông mà không đủ sức để lắc cho bà biết. Ông muốn nói chuyện với bà. Nhìn khuôn mặt đã quá nhăn nheo vì tuổi già lại hằn sâu nỗi lo âu vì mình, ông thấy nhói buốt ở ngực. Ông biết mình sắp phải ra đi mãi mãi, để lại một mình bà như chiếc lá đã úa vàng lắt lay trước gió, cũng chẳng biết sẽ lìa cành lúc nào. Đó chính là điều níu giữ  ông cứ ôm mãi niềm tâm sự, âm thầm chịu đựng nỗi đau, không thổ lộ với bà. Ông không muốn những ngày cuối đời cô đơn của bà phải gánh thêm một nỗi đau nào nữa. Ông chắc bà vừa chợp mắt. Thôi! Cứ coi như bà đang thức, đang nghe ông nói. Như thế có lẽ lại hay hơn. Ông vẫn có người để dãi bày mà bà thì ... Hình như cái lưỡi cũng không muốn theo sự  điều khiển của ông nữa. Tuy vậy, ông vẫn thều thào, môi gần như không còn mấp máy. Ký ức về buổi chiều nghiệt ngã ấy đang hiện lại mồn một trong ông.

"Chiều chập choạng đổ ập xuống bao trùm cả cánh rừng. Nhằm phía bờ sông, họ tiếp tục vạch cỏ tranh tìm lối thoát. Mười ba ngày lánh càn, luồn lách trong rừng, lương thực, nước uống đều đã cạn. Mọi người đều quá mệt, họ lặng lẽ bám sát nhau mà đi. Mùi thuốc lá thơm làm người đi đầu khựng lại: "Có địch!". Cứ như vậy, người trước nói thật nhỏ cho người sau. Mọi người dồn lên, ẩn trong thung lũng cỏ tranh ngập lút đầu. Họ nhìn thấy bọn địch lố nhố ngay trên đầu dốc, ai nấy đều như nín thở vì giữa đám cỏ tranh trống hoác mà chúng không phát hiện ra. Hình như chúng cũng đã quá mệt mỏi. Thực hiện "Chiến lược chiến tranh đặc biệt", Mỹ tập trung đánh vào các khu căn cứ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Đợt càn lên Khánh Sơn lần này của chúng với trên một ngàn quân được trang bị vũ khí tối tân, cũng lại vấp phải sự đối phó khôn khéo của ta. Để bảo toàn lực lượng, địch dàn quân đến đâu ta rút vào rừng đến đó. Núi rừng hiểm trở lại không quen địa hình làm cho địch gặp không ít khó khăn...

Trời càng tối dần, bóng đêm loang ra như bức màn vô hình che chắn cho họ. Đành phải chờ đêm xuống khi địch đã ngủ mới có thể rút ra phía bờ sông. Trong đêm tối, tiếng xì xà xì xồ, những đốm lửa thuốc lá lóe lên ngay trên đầu dốc càng làm cho họ thấy địch đang ở gần hơn. Một tiếng động nhỏ cũng làm ai nấy giật thót mình. Nhưng làm sao có thể đảm bảo giữ được im lặng? Sự có mặt của nó, một đứa trẻ lên hai làm cho tất cả mọi người càng lo lắng. Chỉ một tiếng ọ-ẹ vô thức của nó là có thể đổi hết mạng của cả đoàn. Người mẹ cố ôm  chặt con vào lòng, giữ cho nó một trạng thái yên ổn nhất trong giấc ngủ lịm đi vì đói. Chị tìm cách thoát riêng cho hai mẹ con để giữ an toàn cho cả đoàn nhưng không thể, chỉ một dấu hiệu khác thường là hàng loạt đạn sẽ đổ xuống thung lũng này.

Tiếng chân quẫy đạp cùng tiếng "hự! Hự!"  trong cổ họng của thằng bé làm tất cả  hoảng hốt. Tức thì có nhiều bàn tay chồm tới lắc mạnh lên vai, lên tay, lên cả chân ông. Họ sợ thằng nhỏ khóc lớn. Anh mắt của họ lúc chiều đã ngầm nhắc ông về nó làm đầu ông căng ra. Ông bấm bụng: "Ráng thêm chút nữa đi nhỏ, sắp nửa đêm rồi...". Suốt từ chặp tối đến giờ, trong đầu ông cứ lặp đi lặp lại sự  giằng co: "Không được!- Phải thế!", "Không được!- Phải thế"...". Tính mạng của mấy chục con người và sự  sống của nó phải đưa lên bàn cân và ông là người quyết định... Ôi! Nếu không vì mục tiêu bảo toàn lực lưọng của trận chống càn này, nếu được có vũ khí trong tay...

Tiếng quẫy đạp giãy dụa của thằng nhỏ lại dội lên mạnh hơn, những bàn tay bám lên vai, lên tay ông cũng lắc mạnh hơn. Cổ họng ông bật ra một tiếng nói thầm khô khốc: "Phải thế!"... Ai cũng hiểu đó là mệnh lệnh, và...

Người ta nghe những tiếng thở bật ra vì bị kìm nén. Sau đó là sự im lặng rùng rợn. Đúng hơn, đó là sự chết lặng!? Hay là cái gì nữa?... Không ai còn đủ tĩnh tâm để phân định thời khắc đó. Một sự sống nhỏ nhoi thăng hoa vào cõi vĩnh hằng để tồn tại nhiều sự sống khác mạnh mẽ hơn, cần thiết hơn cho cuộc chiến. Cái lý là như vậy!

Không có tiếng thét gào xé lòng của người mẹ mất con, không có sự vật vã, lăn lộn, không có sự giằng lại đứa con đang bị cướp khỏi tay mình. Người mẹ chỉ còn là cái xác không hồn. Nó được trả về tay mẹ khi người đã mềm oặt. Chị ôm chặt nó vào lòng rồi ngất lịm ...

Cho đến bây giờ, ông cũng không biết rõ ai là người trực tiếp thi hành mệnh lệnh của ông hôm ấy, và nó đã phải lìa đời một cách oan nghiệt như thế nào. Chỉ biết: Nó bị ngạt thở mà chết... Ông không thể và không muốn biết gì hơn nữa, chỉ chừng đó đã làm ông quá đau khổ, nỗi đau thấm đến tận cùng gan ruột, ngày càng nhức nhối, âm ỉ trong ông theo thời gian dù sự sống xung quanh đang hồi sinh, dấu vết chiến tranh đang nhòa dần ... Sau trận càn ấy, cũng như ông, không ai muốn nhắc lại chuyện này. Tất cả họ và cả ông đều tự an ủi, xoa dịu mình: Đó là một sự hy sinh... Còn mẹ nó, phải đến cả năm như người dở điên dở dại... Ôi! Chiến tranh! Dù có biết, người ta cũng không thể lường được hết sự hủy diệt tàn khốc của nó. Để chiến thắng, người ta phải chấp nhận mọi đau thương, mất mát, chấp nhận mọi sự hy sinh ... Vẫn biết thế! nhưng với ông, nỗi đau về sự hy sinh của nó, trong sâu thẳm trái tim ông không cho phép được chấp nhận, được tự hào mà ngược lại, đó là một món nợ không bao giờ trả được ...

Tiếng chuông đổ dài vọng từ một nhà thờ gần đó làm bà Tư  tỉnh giấc. Bà hốt hoảng vì thấy tay ông lạnh ngắt.

 - Ông Tư! Ông Tư  ơi! Trời ơi! ...

Ông từ từ mở mắt, ánh mắt lờ đờ vụt lóe sáng lên khi bắt gặp khuôn mặt đang dàn dụa nước mắt của bà. Ánh mắt như ngọn đèn vụt sáng trước khi tắt vừa muốn thu nhận tất cả hình ảnh của bà, vừa như còn muốn hỏi bà một điều? Bà chợt hiểu, vội cúi sát vào tai ông:

 - Bà giám đốc Sở thương binh xã hội nói rằng, còn chờ ý kiến trả lời của Bộ.

Mắt ông vụt tối sẫm, đờ đẫn, vô định, hai hốc mắt sâu hoắm đọng đầy nước mắt. Miệng ông mấp máy nhưng bà không nghe được, rồi bất chợt ông bật lên nói từng tiếng ngắt quãng nhưng rất rõ ràng:

 - Tôi đã đợi quyết định của ... về sự hy sinh của thằng Chiến Thắng gần hai mươi năm rồi, từ sau ngày giải phóng mà vẫn ... Bây giờ tôi không thể ... Một ngày nào đó ... Bà nhớ báo cho tôi ...

* * *
Vào một buổi chiều cuối tháng 7 năm 1996, khi ánh nắng đã nhạt màu, cái nóng như nung, hầm hập của mặt đất dần dần dịu lại. Trước mộ ông Tư, bà Tư vừa cắm nén nhang vừa lẩm nhẩm :

- Ông à! Bộ Lao Động thương binh xã hội người ta đã trả lời, thằng Chiến Thắng không được công nhận là liệt sĩ vì khi chết chưa đến tuổi thành niên. Tuy vậy, từ nay gia đình nó sẽ được hưởng ưu đãi của chính quyền địa phương như đối với các gia đình chính sách khác ...

Gió đồi xào xạc tràn xuống nghĩa trang, thổi bạt tàn làm lộ rõ những đốm lửa đỏ rực trên đầu những cây nhang, khói lên ngùn ngụt rồi phật thành ngọn lửa xào xào, ràn rạt ... bà Tư vội quỳ xuống, hai tay run rẩy chắp trước ngực;

- Ông ơi! Ông ơi! Ông có sống khôn thác thiêng thì phù hộ độ trì cho tôi sớm được gặp ông để có bầu có bạn, khỏi phải âm dương cách trở. Đã hơn ba năm rồi, tôi cố sống vì lời dặn của ông. Hôm nay tôi đã làm tròn lời hứa với ông ... Nỗi đau của ông nơi chín suối cũng là nỗi đau của tôi, của hết thảy những Con Người ... song biết làm sao được, cái lý là như vậy!...
Hoàng hôn xuống dần, bà Tư thắp thêm một nén nhang lên mộ ông rồi ra về. Bóng bà liêu xiêu, đôi vai gầy đổ về phía trước. Tà áo dài của bà nhẹ bay theo chiều gió như những áng mây màu tím phía cuối trời đang cuộn vào lòng đất.

Nha Trang
15/3/99