CHAMPA MỘT THUỞ

VIẾNG THÁP CHĂM TRONG TẦM TAY

B - Từ phong cách Mỹ Sơn A1 qua phong cách chuyển tiếp Mỹ Sơn - Bình Định

Bài và ảnh Võ Quang Yến

- Bằng An, Pô Nagar, Chiêng Đàn, Bánh Ít, Bình Lâm,: phong cách chuyển tiếp Mỹ Sơn - Bình Định (thế kỷ XI-XII)

V- Tháp Bằng An

Được xây dựng vào khoảng hai thế kỷ IX và XII, Bằng An là một trong những tháp Chăm cổ còn lại ở tỉnh Quảng Nam. Tọa lạc gần Quốc lộ 1A, thuộc huyện Điện Bàn, khu Bằng An gồm có một tháp độc nhất hình linga thẳng đứng trong số ba tháp song song trước kia. Trước tháp có hai tượng sư tử và voi. Hình bát giác, mỗi cạnh 4m, tháp có chiều cao 21,5m kể cả thân tháp và mái hinh chóp. Riêng thân tháp 12,7m bọc kín, không có các cột ốp tường, không có cửa giả và rất ít hoa văn. Cấu trúc gồm có tiền sảnh hình vuông giữ vai trò cổng tháp và điện thờ hình dáng linga cùng với toàn bộ tháp thể hiện bộ ngẫu tượng sinh thực khí Linga-Yoni. Người ta đã tìm thấy trong tháp một tấm bia có niên đại cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 mang nội dung tôn kính sức mạnh vĩ đại của Thần Siva, có dạng hậu thần. Trước kia H.Parmentier, gần đây Ngô Văn Doanh cho niên đại của bia là niên đại của tháp. Nhưng P.Stern thì xếp Bằng An vào phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định (đầu thế kỷ 11- giữa thế kỷ XII), Theo Trần Kỳ Phương thì Bằng An thuộc phong cách Bình Định (giữa thế kỷ XII). Dù sao, các thủ pháp kiến trúc sử dụng ở thân tháp (hình bát giác gần với tiết diện trụ tròn chịu lực tốt nhất) vừa tăng vẻ đẹp vừa giúp cho ngôi tháp có khả năng chịu lực cao hơn.


VI – Tháp Pô Nagar

Quần thể Tháp Bà hay Pô Nagar, thế kỷ VIII bằng gỗ, được xây lại bằng gạch, ở phia bắc sông Cái, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, trên một quả đồi đá kim cương. Quần thể xưa gồm có, ngoài các công trình phù trợ, sáu ngôi tháp thờ, nay chỉ còn bốn và hai hàng cột lớn ở dưới chân đồi, phân bối thành ba tầng kiến trúc. Trên cùng là hai dãy tháp gồm có ngôi tháp chính đỉnh nhọn cao 23m thờ bà Pô Nagar, ngôi tháp dài hình cong như yên ngựa thờ hai người con Bà. Tầng hai là hai dãy 10 cột đường kính hơn 1m, hai hành cột nhỏ thấp hơn, bằng gạch hình bát giác, trên một nền gạch hình chữ nhật cao hơn 1m. Một dãy cầu thang dẫn đến tầng dưới cùng, có một tháp cổng nay đã mất. Tháp chính thờ nữ vương Pô Nagar (hay Yan Pu Nagara, Pô Ino Nagar hay Bà Đen tức Thiên Y Thánh Mẫu Ana), vị nữ thần của Ấn Độ giáo. Tượng nữ thần cao 2,6m tạc bằng đá hoa cương màu đen (đầu bị mất, lắp vào một cái đầu Việt), ngồi trên đài sen, tựa phiến đá hình lá bồ đề. Nguyên là tượng thờ nữ vương Jagadharma tức công chúa Tchou Koti, được Prithi Indravarman cho tạc lại để thờ nữ thần Bhagavati, không có quần áo. Trang phục hiện nay là của người Việt  Các tháp nhỏ thờ những thần Siva, Sankhara, Ganesa. Năm 774, đền Pô Nagar bị quân Java phá hủy, Satvavarman cho dựng lại bằng gạch, mười năm sau hoàn thành. Sau nầy, đền còn bị hủy hoại nữa, được quốc vương Harivarman I và con trai Vikrantavarman III sửa sang và xây dựng thêm tháp. Theo một tấm bia, những tháp nhỏ có thể có niên đại thế kỷ X, tháp chính muộn hơn, thế kỷ XI.



VII- Tháp Chiên Đàn

Chiên Đàn là một nhóm tháp được xây dưới thời Yan Pu Ku Vijava ở làng Chiên Đàn, xã Tam An, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trong số ba tháp sát cạnh nhau song song theo trục nam-bắc, lớn nhỏ theo thứ tự Nam, Giữa, Bắc, chỉ ngôi Giữa còn tương đối toàn vẹn thân và tầng trên. Cả ba tháp có đế vuông, dong dỏng cao, có tầng mái cân đối, giống nhau về hình dáng, cấu trúc, trang trí : các cộp ốp nhô ra, các vòm cửa giả co lại và vuốt nhọn lên như các mũi giáo. Mỗi tháp có 3 cửa giả và một cửa ra vào, phía trên các cửa có vòm uốn cong và nhọn lên trên thành hình lá đề. Cuộc đánh giá niên đại ngôi tháp rất phức tạp. Trong cuộc khai quật năm 1989, bên cạnh tympan sa thạch thể hiện đề tài Mahisasuramardini (Nữ thần giết quỉ đầu trâu), những tuợng động vật voi, sư tử, nai, rắn Naga, ngỗng Hamsa, chim Garuda,…cho thấy các tác phẩm điêu khắc không thuần túy thuộc phong cách Chánh Lộ như đã tin từ trước vì lẽ tháp được xây dựng trong một thời gian dài, từ cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII. Năm 2000 lại được phát hiện bức chạm nổi liên tưởng đến Đản sinh Brahma, một nữ thần trên một tympan sa thạch có điệu bộ tựa Lakmi, tượng một nam thần mặt mày và vật cầm tay giống Visnu, một tượng nam thần hơi có phong cách Trà Kiệu,… Nói chung, phần lớn các tác phẩm điêu khắc thể xếp vào phong cách Chánh Lộ, tuy vậy vẫn có những tác phẩm mang tính tiếp nối phong cách Trà Kiệu, và có những bức chạm thể hiện sự chuyển tiếp từ phong cách Chánh Lộ sang Tháp Mẫm. Một phái khác lại xếp Chiên Đàn vào nhóm tháp thuộc phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn và phong cách Bình Định !



VIII-Tháp Bánh Ít
Còn gọi Tháp Bạc, cụm tháp Bánh Ít tọa lạc trên ngọn đồi thuộc thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Soi bóng sông Tân An, một nhánh của sông Côn, ba tháp còn lại trong số bốn ngôi được xây vào thế kỷ X, cạnh quốc lộ số 1, nhìn từ xa trông như nhưng chiếc bánh ít miền Bình Định. Ngôi tháp chính cao nhất, 22m, nổi trội trên đỉnh đồi, đồ sộ, chỉnh chạc với những cột ốp, những đường gồ dọc các mặt tường, thanh tú, lịch sự với những cảnh vũ nữ trên các vòm, các mái. Trên đỉnh tháp nầy có hình tượng thần Siva bằng đá như trên đỉnh hai tháp nhỏ kia. Từ chân đồi muốn đạt đến tháp chính phải đi ngang qua tháp cổng phía đông bằng gạch đá ong, mở ra hai cửa thông nhau theo hướng đông-tây, hai cửa giả chiếm hai mặt kia, bao quanh là những cột ốp cao vút, nhẹ nhàng. Phía nam là tháp mái cong hình yên ngựa, rất linh động với hình hoa lá, chim chóc, thú vật, đặc biệt những hình người ở chân tháp uỡn ngực, khuỳnh chân như ra sức nâng cao tòa tháp. Hai tháp nầy có thể xem như là di tích một vòng đai bao quanh khu tháp, hiện chỉ còn những đống gạch vô hình. Nhờ được xây trên đồi cao, khu tháp được thấy từ xa, uy nghi, hoành tráng hơn các tháp khác. Cụm tháp được kê vào phong cách chuyển tiếp phong cách Mỹ Sơn qua phong cách Bình Định



IX- Tháp Bình Lâm

Không tọa lạc trên đồi cao như những tháp Chăm khác, tháp Bình Lâm nằm ngay ở đồng bằng, giữa vườn tược như một ngôi chùa trong làng, tại thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Như vậy, khách đến xem không cần phải trèo núi, nhưng trái lại vì tháp không nằm gần đường cái nên khách phải vượt đồng ruộng, xuyên làng xóm.…Ngôi tháp độc nhất bình đồ vuông, cao đẹp khoảng 20m, gồm có ba tầng bằng gạch, mỗi tầng điều đặn thu nhỏ hơn tầng dưới. Tuy rất điêu tàn, tháp còn giữ dáng cân đối và có vẻ mảnh dẻ. Tháp chỉ có một của chính phía đông, ba phía kia là ba cửa giả nhô ra ngoài mặt tường. Mỗi cửa giả gồm có ba thân nhỏ dần từ trong ra ngoài, mọc lên từ một mặt bằng vuông. Mỗi thân lại có hai phần, cột ốp bên dưới, hòm hình mũi giáo phía trên, trang điểm với những hình sư tử và hoa lá. Hoa văn không còn thấy trên mặt tường bên ngoài, trên các cột ốp, trên đài bao quanh khung trang trí giữa các cột ốp. Cảnh tuợng xơ xác ngày nay là do tháp bị quên bỏ từ lâu. Tháp được xây làm kinh đô tạm thời cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, vào lúc các vua Chăm rời bỏ Quảng Nam vào Bình Định, thành Đồ Bàn được xây dựng, Bình Lâm hết còn là trung tâm hành chính. Như nhiều tháp khác trong vùng, tháp Bình Lâm được xếp vào phong cảnh chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định.

Chim Việt Cành Nam 63 15.06.2016

 [ trang trước ]  /    [ trang sau]