9-Viếng Hội Lim 
xem hát Quan Họ
Ngồi tựa cái bên song đào.
Hỏi người người tri kỷ ra vào vấn vương.
Gió lạnh cái đêm đông trường,
Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai,
Ca khúc Ngồi tựa song đào
Ai về thăm Việt Nam đi viếng đất Bắc mà không ghé lại dự Hội Lim đầu xuân là một thiếu sót. Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng giêng âm lịch, Hội Lim được tổ chức trên đồi Lim thuộc xã Lũng Giang, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 20 km. Tương truyền lúc xưa có một ngưòi đàn bà đến tu đắc đạo trên đồi nầy, khi hạn hán biết phép làm mưa thật linh ứng nên được tôn làm thành hoàng. Hội Lim chính là để nhớ ơn bà. Hội Lim là một hình thái sinh hoạt dân gian, tổng hợp âm nhạc, thơ ca, ngôn ngữ, trang phục,...gồm có hai phần lễ và hội. Ngày lễ, các làng Duệ Khánh, Đinh Cả, Lộ Bao, Lũng Giang hội tụ thành một đoàn từ từ tiến vào trung tâm hội để dự tế lễ, có cúng bái với các bà áo quần màu sắc sực sỡ. Ngày 13 mới là chính hội, có ẩm thực với đủ thứ xôi chè cổ bánh vùng Kinh Bắc, giải trí như bình thơ, hát xướng cùng những trò vui như bịt mắt bắt heo, kéo co, đánh đu, đánh cờ, đô vật, đập niêu, bơi lội, dệt cửi...Ngày nay cũng còn tuy giới hạn hơn. Trong một chuyến quanh Kinh Bắc, tôi được đưa viếng Hội Lim, quá lanh chóng để có thì giờ thưởng thức đúng mức. Khoảng gần trưa, khách đã lại đông. Trong nhà thờ các bà lộng lẫy trong các chiếc áo hồng, đỏ, vàng, đang ngồi đợi làm lễ. Không có thì giờ chờ xem lễ, tôi được kéo ra ngoài xem các trò vui. Lần đầu tiên tôi được xem đánh đu trên mấy cây tre giản dị trên cột nhúm lại với nhau, dưới toạt rộng ra làm chân đứng, trai trẻ từng đôi nhún đưa qua lại trông rất đẹp mắt. Bất chợt tôi nghĩ đến những câu thơ của Hồ Xuân Hương " ...Trai đu gối hạc khom khom cật, Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng... " . Tôi đang mãi tìm bốn mảnh quần hồng và hai hàng chân ngọc thì trong máy vi âm vọng lên những câu hát trữ tình từ dưới hồ bên cạnh. Thế là tôi lại được kéo ra hồ.


Hội Lim có một đặc điểm là hát quan họ gọi là để " cầu vui ". Làn điệu dân gian phong phú nầy phát sinh từ lâu, nghe đâu từ đời nhà Lý. Họ hát cả ban ngày, trong nhà hay trên đồi, lẫn ban đêm, dưới thuyền. Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm, quan họ mộc mạc, chân tình nhưng càng nghe càng ngấm càng say và càng về khuya mới càng ngấm. Người ta kể đến ngày hẹn, nhóm chủ nhà đã lo sẵn cơm nước gọi là " cơm quan họ " rồi ra chùa hay cổng làng đợi nhóm bạn. Nhóm bạn mới đến là đã bắt đầu hát chúc, hát mừng, nhất là vào dịp đám cưới, tân gia, nhóm chủ nhà hát đáp lễ rồi mời nhóm bạn vào nhà, cất nón, dẹp dù. Có khi trái lại, nhóm chủ nhà hát chào trước rồi nhóm khách mới hát cám ơn sau. Sau đó cả hai nhóm cùng ngồi đối diện, mời trầu, mời nước và cùng hát cho đến trưa. Ăn trưa xong, họ cùng nhau di xem hội, tối về cơm nước xong lại tiếp tục hát trên thuyền. Đó là chuyện xưa tôi chỉ đuợc nghe kể. Hôm chúng tôi lại Hội Lim, chưa đến trưa mà đã thấy hát ngoài hồ. Các ca sĩ không ngồi trên thuyền nhỏ mà đứng trên hai chiếc đò lớn, một bên nam, một bên nữ. Dân làng đến xem chen lấn nhau vui vẻ trên bờ hồ, bàn cải thoải mái, phê bình giọng hát, lối hát, khen chàng nầy đẹp trai, cô kia hát hay. Ngày nay, văn minh có khác : ca sĩ không cần hét to vi có máy vi âm. Thật vậy, nói chuyện tình, vì quan họ chỉ đề cập yêu thương chứ không bàn bạc đồng án, mà la hét thì còn gì là tình tứ. Họ hát đối đáp, hết bên nầy đến bên kia. Mỗi lần chỉ có một người hát, mấy người kia yên lặng ngồi đợi phiên mình. Tôi mải miết nghe hát, mê man ngắm mấy cô duyên dáng miền Bắc, nhớ lại đôi mắt liến thoắng của cô đóng vai Thị Mầu trong đoàn Chèo qua Paris mấy năm trước, thì những câu hát ví von đưa tôi về lại Hội Lim : " Người ơi ! Người ở đừng về ! Người về em vẫn (í i có mấy) trông theo. Trông (ư, ứ) nước tình chung là như nước chảy (mà nầy cũng có trông a bèo). Trong bèo (là) bèo trôi ". Và đã quá trưa, chuyện trò chưa kịp có lời hẹn ước thì mấy người bạn tháp tùng thúc hối tôi ra về, lòng mang một mối u hoài man mác, tim nặng một nỗi nhớ thương mông lung.


Quan họ là một làn điệu dân ca vùng đồng bằng Bắc bộ rất đặc sắc nên năm 2009 đã được Unesco công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời với ca trù Di sản phi vật thể cần được bảo vệ, sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Dân ca nầy thường được chỉ định là quan họ Bắc Ninh hay quan họ Kinh Bắc (tức Bắc Ninh và Bắc Giang), phát triển rộng rãi ven con sông làm biên giới hai tỉnh nầy là sông Cầu. Dòng sông nầy cùng với những dòng sông Đuống, sông Thương, sông Lục Nam quen thuộc trong dân gian, làm nền tảng cho chất thơ, tính lãng mạn trong làn điệu dân ca. Vì vậy nhiều người tin lối hát nầy bắt nguồn từ nhân dân, trải qua một thời gian nghi lễ trong triều đình rồi trở về lại dân gian chứ không phải vì có chữ quan mà hiểu quan họ phát xuất từ triều đình. Về mặt thể thức, quan họ là một cách hát đối tức là hát giao duyên giữa hai nhóm trai gọi là " bọn nam " hay " liền anh " và gái gọi là " bọn nữ " hay " liền chị ". Khi mới gặp nhau trai gái mời nhau ăn trầu, nhận lời ăn trầu là nhận lời hát với nhau. Nhưng những nhóm nam và nữ không chỉ hát qua hát lại mà thôi. Nếu ăn ý với nhau về lối hát cũng như về cách cư xử, không có quan hệ buông thả, thái độ lả lơi, thì dần dần nảy nở một mối tình cảm nối liền với nhau những " liền anh " và " liền chị ". Sau nhiều năm cùng nhau " ngủ bọn " ở nhà ông (hay bà) Trùm để học câu, luyện giọng, sau nhiều lần trao đổi những câu hát thắm đậm tình ái, ca ngợi thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình, nhưng không bao giờ có ý tưởng tình dục, họ có thế đi đến " kết chạ ", một tập quán xã hội có ý nghĩa tập thể " kết nghĩa quan họ ". Tuy nhiên, dù trìu mến nhau, trước kia họ không đi đến chỗ kết duyên vợ chồng, có lẽ vì sợ lo toan mưu sinh, chăm lo con cái sẽ làm cản trở ít nhiều tình cảm mơ mộng, cảm hứng ca hát. Ngày nay hình như tục lệ có phần thay đổi, quan hệ giữa " liền anh " và " liền chị " không còn nghiêm khắc như xưa. Những bài hát có thể theo một kịch bản soạn truớc tuy cũng có khi được ứng tác tùy khả năng của các ca sĩ.

Nói đến quan họ, không thể không đề cập đến trang phục của các ca sĩ. Các " liền chị " thường mặc ba áo dài lồng vào nhau gọi là mớ ba, có khi bảy áo dài thì gọi là mớ bảy. Trong cùng, các bà trung niên mặc một cái yếm bằng lụa gọi là " yếm cổ xẻ ", màu sắc rực rỡ, phần lớn màu đỏ (yếm thắm), vàng thư (hoa hiên), xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen), hồ thủy (xanh biển) còn các cô thanh nữ thì mặc " yếm cổ viền ". Giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng. Trên yếm là một áo cánh trắng hay vàng bằng vải phin. Ngoài cùng họ mặc áo dài năm thân bằng the, lụa, cài khuy, khác với áo tứ thân thắt hai vạc trước. Màu sắc áo trong thay đổi từ đen qua nâu già, nâu non hay cánh kiến. Áo ngoài được nhuộm nhiều màu hơn : hoa hiên, thiên thanh, cánh sen, hồ thuỷ,... Thắt lưng dùng để thắt chặt cạp váy vào eo làm bằng lụa cũng nhuộm những màu tươi sáng như màu các hoa đào, lựu, hiên tươi, hồ thủy. " Liền chị " mặc váy sồi, váy lụa màu đen, có khi " váy kép " trong bằng lụa, lương, the, đoạn, ngoài bằng the, lụa. Trên đầu, họ chít " khăn mỏ quạ ", đội " nón quai thao ". Dép " liền chị " làm bằng da trâu, trên có vòng tròn để xỏ ngón chân cho dép khỏi rơi khi đi lại, mủi cứng uống cong vừa bảo vệ vừa che dấu các ngón chân. Áo dài năm thân " liền anh " dài tới quá đầu gối, trên một hoặc hai áo cánh bên trong. Thường bằng lương, the, hay bằng đoạn nếu khá giả, màu đen, áo có thể may hai lớp, gọi là " áo kép ", ngoài bằng lương, the, trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ, vàng chanh, Quần trắng dài " liền anh " ống rộng may bằng phin, trúc bầu, lụa truội, màu mỡ gà, có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Thời trước, đầu có búi tó thì phải vấn tóc bằng khăn nhiễu, bây giờ mang " khăn xếp " bán sẵn. Họ đội nón chóp lá hay nón chóp dứa, quai lụa màu mỡ gà, có khi mang ô (dù) đen.


Bửa " cơm quan họ " cũng góp phần hào hứng với " mâm đan, bát đàn" nghĩa là mâm cổ tròn ba tầng bằng gỗ, sơn đỏ, vừa trang trọng vừa thể hiện tình cảm thắm thiết của chủ nhà đối với khách, bát thì tiện bằng gỗ cây bạch đàn. Thường những món ăn riêng của làng chủ được bày trên tầng trên cùng vì mỗi làng có những món ăn đặc trưng, trừ những món dọn trong bát lớn khó chồng mới phải đặt xuống dưới. Dù sao, các món ăn buộc phải có giò lụa, thịt gà, thịt lợn (heo) nạc, trong số những thức ăn khác ít mỡ để tránh hỏng giọng. Cũng như không có dọn rượu nếu có hát sau khi ăn. Theo thông lệ, tôi được nghe kể là khách được mời ngồi ăn trước, chủ hát cho khách nghe rồi mới ăn. Những lời hát bắt đầu nầy thật ra là những lời mời xơi cơm, theo thứ tự chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm, chị Sáu, anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm, anh Sáu là tên đặt trong " bọn ", chứ không gọi bằng tên thật. Ăn nói nhã nhặn, bao giờ cũng nhận mình là em để tôn trọng khách. Lời mời cũng phải lịch thiệp, khiêm nhượng, tao nhã thể hiện trong câu nói dân dã, thức thà nhưng thắm đậm thi ca : "... Năm mới, tháng xuân, đương quan họ liền anh ( hoặc liền chị ) không chê làng nước chúng em nghèo mà sang chơi. Chúng em sắm bữa cơm quê, gọi là mâm đan, bát đàn, đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa dưa, xin mời đương quan họ nâng bát, dựng đũa xơi thật nhiệt tình cho chúng em mừng ạ ! " Thường cả chủ lẫn khách đều ăn rất ít có thể để giữ hơi và giọng để hát cho hay. Nếu thấy khách rụt rè ăn ít thì " liền anh " mời khéo " Cơm hẩm ăn với rau dưa, Quan họ làm khách em chưa bằng lòng, đấy ạ ". " Liền chị " cũng tỏ ra mình không kém lịch sự " Liền anh nói vậy chứ Cơm trắng ăn với thịt gà, Tuy rằng ăn ít nhưng mà no lâu đấy ạ ". Tiếng nói quan họ văn hoa, thấm đậm tình người như con người quan họ thanh nhã, lịch thiệp.


Để ý về cách xưng hô, nhún nhường, quan họ thường tự xưng là em, dù là nam hay nữ, bất chấp già hay trẻ, nhưng tôn trọng, họ cũng gọi nhau là người " Người về em dặn người rằng Đâu hơn người ấy, đâu bằng đợi em " nếu không là chàng " Chăn chiếu ai trải giường này, Đêm qua chàng ngủ đêm nay chàng nằm ". Có khi họ dùng chữ mình rất thân mật" Đêm qua ghé nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu ". Ngôn ngữ, xưng hô ý tứ, tập quán, lề lối cũng phải chu đáo. Khi họ muốn mời bạn về nhà không phải nói năng thế nào cũng được mà phải lựa lời " Mời quan họ liền anh sang chơi bên nhà chúng em, trước là thăm thầy mẹ chúng em, sau là cho chúng em học đòi quan họ vài đôi lối..." Đằng kia họ phải tỏ ra mình không nhận lời dễ dàng " Em đỡ lời chị Hai, chúng em chỉ sợ nắng mưa thì tốt lúa đồng, chúng em năng đi lại thì thầy mẹ lại coi thường chúng em ". Khi đi hát về khuya " liền anh " muốn mời quan họ về nhà giải lao, dù là cần thiết, cũng phải khiêm tốn " Hôm nay bên liền chị sang bên đất nhà em, anh em nhà em có mâm cơm, thì đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa gừng, mâm đan bát đàn, để xin mời đương quan họ dựng đũa, lên chén, để anh em chúng mình được thừa tiếp đấy ạ ". " Liền chị " có khi nói ghẹo " Anh Hai, anh Ba nói mà như sấm bên Đông, chớp động bên Tây, mưa tỉnh Hà Nội mà đây ướt đường đấy ạ ", có khi nói kháy " Dạ thưa anh Hai, biết thì đi chợ xa, còn chị em chúng em không biết thì đi bảy mươi ba cái chợ gần đấy ạ ". " Liền anh " tỏ ra dè dặt " Dạ thưa chị Hai, đã có lòng sang đất nhà chúng em, thì cho anh em chúng em được thừa tiếp dăm ba lối nữa ". Trong khi hát, nếu thấy bạn hát sai thì " liền chị " không ngần ngại " Dạ thưa liền anh, ca bất hợp rồi đấy ạ". Nếu khi bạn đối đúng trong lối hát đối đáp thì " liền chị " cũng lên tiếng ngay " Dạ, thưa liền anh, tương hằng rồi đấy ạ ".

Ở 49 làng quan họ cổ được xác định ở Kinh Bắc, theo truyền thống, quan họ là một lối hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian gồm có những cách hát khác nhau. Lúc trước không có " hát quan họ " mà là " chơi quan họ " trong những lễ hội ở làng, không có đàn đệm, còn gọi là " quan họ làng " hay " quan họ chay ", không có khán giả mà chỉ có người biết thưởng thức những làn điệu tình tứ. Có bốn yếu tố rất đặc trưng trong cách hát quan họ là thể hiện trong tiếng thường được cho là đệm kết dính những âm điệu : " vang, rền, nền, nẩy ". " Vang " là âm thanh truyền mạnh, truyền xa. " Rền" là luyến láy, nhấn nhá. " Nền " là giọng rung liên tục. " Nẩy " là âm thanh bị tắt ở họng được bật ra ngoài. Khi một đôi nam hát đối đáp, đối cả lời lẫn ý, với một đôi nữ thì gọi là " hát hội, hát canh ", một người "dẫn giọng ", người kia " luồng giọng ", cả hai giọng vừa phải ăn ý vừa có sự tương đồng về âm sắc. Khi cả hai nhóm cùng hát đối đáp thì gọi là " hát chúc, hát thờ ". Vì là truyền khẩu nên các giai điệu quan họ rất phong phú, lại có rất nhiều dị bản. Ở Kinh Bắc trong số 400 trăm bài ca, với những giai điệu khác nhau, một số lớn đã được nhiều nghệ nhân hát, ghi âm và lưu giữ ở sở Văn hóa ở hai tỉnh, tính ra có khoảng 300 bài được ký âm và in thành sách. Ngày nay, quan họ mới thay đổi ít nhiều so với quan họ truyền thống và, theo một vài người, còn có phần phong phú hơn. Quan họ không còn cần phải nhất thiết hát ở lễ hội Kinh Bắc, mà bất cứ ở một cuộc gặp mặt nào, nhân dịp Tết nguyên đán chẳng hạn, gọi là " hát hội " trước mặt đông người. Các bọn nam nữ đúng thành hai nhóm riêng, xung quanh chùa, trong sân đình, dưới bóng cây hay trên thuyền. Như vậy, những " liền anh ", " liền chị " không chỉ trao đổi tâm tình với nhau mà còn chia sẻ với khán thính giả dù chỉ một chiều vì khán thính giả trông và nghe mà không được mời vào dự cuộc hát. Đằng khác, thể thức biểu diễn có phần thay đổi : có thề hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có đàn đệm, hát có múa phụ họa, hát trên sân khấu, hát trên đài phát thanh gọi là " quan họ đài ", phù hợp với thị khiếu khách du lịch, nhưng mất ít nhiều tính cách truyền thống, dân dã. Bài hát cũng được cải biên lời hoặc cả nhạc lẫn lời, có khi có bài mới hoàn toàn khéo soạn đến nổi khán giả chẳng biết là bài xưa hay bài mới. Người ta bảo dân ca quan họ có khi đã " quan họ hóa " những tác phẩm, những yếu tố âm nhạc, văn hóa các nơi khác. Đằng khác tập quán xã hội cũng thay đổi rất nhiều : những tục " ngủ bọn " , " kết chạ " , " kết bọn " hầu như không còn nữa. Cũng hết còn " hát thi " lấy gíải làm cho ứng tác các bài ca bị mai một...


Có những việc làm quan trọng cấp bách ngày nay cho dân ca quan họ là bảo quản cẩn thận những bản ghi âm, kiếm cách bảo tồn nguyên vẹn truyền thống trong đà cải cách, phong trào đổi mới, cùng lúc tiếp tục phát huy lan tỏa làn điệu. Cần phải tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, tạo điều kiện để truyền dạy, xuất bản những ấn phẩm, khuyến khích sưu tầm, nghiên cứu, trình diễn, giao lưu cả trong nước lẫn ngoài nước. Báo chí đăng tin mùa xuân năm nay (2012) Hội Lim đã đạt một kỷ lục : 3500 " liền anh" " liển chị " chỉnh tề khăn áo quan họ cùng nhau hát ! Về mặt nước ngoài, cũng vào dịp Tết Nhâm Thìn ở Pháp, những người hâm mộ quan họ sung sướng được dự những buỗi trình diễn của một đoàn từ Bắc Ninh qua. Riêng phần tôi may mắn được nghe lại được những câu hát trữ tình quyến luyến, thấy lại được những bộ mặt xinh tươi, hài hòa tưởng như đã từng gặp ở Hội Lim năm nào.

Người ơi! Người ở đừng về
Người đừng tưởng gió trông mây...
Người về em dặn người rằng
Đâu hơn người ấy, đâu bằng đợi em
Ca khúc Người ở đừng về
Thành Xô Tết Nhâm Thìn ảnh Hội Lim 1995 
– Paris 2012

Đọc thêm

Di sản thế giới tại Việt Nam : Quan họ Bắc Ninh, www.vietnamtourism.com

Unesco công nhận Quan họ Bắc Ninh là di sản nhân loại, Dân Trí (Đại Dương), 01.10.2009

Dân ca Quan họ Bắc Ninh : Nón quai thao, 22.11.2010

Cơm Quan họ (Bắc Ninh): tao nhã, lịch thiệp, 06.12.2010

Trầu têm cánh phượng đặc trưng văn hóa Kinh Bắc, 17.12.2010

Vang, rền, nền nẩy trong kỹ thuật hat Quan họ, 22. 12. 2010

Ngôn ngữ Quan họ, 02.04.2011

Quan họ Bắc Ninh : " Để thương, để nhớ,... để say ", 22.01.2012

Nguyễn Chí Bền, Quan họ Bắc Ninh, nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2012

Ngược dòng quan họ : Giới thiệu quan họ Bắc Ninh, QuanHo.org


[ trang trước ]  /    [ trang sau]