Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Thư Paris
Sứ Mệnh Cao Quý Của 
Thế Hệ Việt-Nam Tương Lai Ở Nước Ngoài
***

An-Tiêm Mai Lý Cang

Văn hóa xã hội Tây phương đã sắp xếp cho hội họa có một chỗ đứng trân trọng nằm ở trong bảy môn nghệ thuật. Và từ lâu bức tranh độc nhất vô nhị "La Joconde" từng được coi như là một tác phẩm siêu nghệ thuật của ngành nầy, mà cũng là kho tàng vô giá của nước Pháp may mắn được quyền thừa hưởng. Ấy thế mà dạo nào vẫn có một nhà văn không tên, cao hứng cho rằng cũng còn có một bức tranh sống động, truyền cảm và giá trị không kém. Đó là bức tranh hiện thực xã hội dân gian, mang hình ảnh của một bà mẹ đang bồng đứa con nằm ở trong nôi đem ra cho bú. Một kiệt tác không thể diễn tả ra cho hết bằng lời, mà ngoài ý nghĩa của nét đẹp nói lên mối tình thiêng liêng, nó còn có chứa đựng thêm ở bên trong một biểu tượng đánh dấu cho sự hiện diện về mầm sống sau khi ra mắt chào đời của một thế hệ tuổi thơ.

Trong đời sống ngắn ngủi của con người, tuổi thơ lúc nào cũng được xã hội đặc biệt lưu tâm. Tuổi thơ có đầy đủ hạnh phúc thì tương lai mới có cơ hội khởi sắc, phát triển rạng rỡ. Tuổi thơ được gắn liền với thời gian hiện tại, là của hôm nay, là hạt nhân đâm chồi nẩy lộc tạo ra thành quả sau nầy.

Tôi biết có một thế hệ tuổi thơ Việt-Nam ra đời cách nay ba mươi năm ba mươi ngày, hoặc trước sau không lâu cùng thời điểm đó ở tại nơi hải ngoại. Cha mẹ của các em có kẻ già, người trẻ và hiện đang sinh sống yên lành trong vòng trật tự của luật pháp xã hội quốc gia cư ngụ. Tôi đã có dịp chứng kiến và nghe kể chuyện đau khổ của chiến tranh, phúc họa tại trời và chia sẻ tâm tình với những đồng bào, đồng hương ở Tây-Âu, và nói riêng là ở ngay trên đất Pháp. Một đời người hai thế hệ, đã hơn một phần tư thế kỷ thì dù chưa thấy rõ cảnh tượng bao la như vật đổi sao dời, nhưng cũng phải có xảy ra biết bao nhiêu là những tấn bi kịch lẻ tẻ cá nhân trong gia đình, cũng như ngoài cộng đồng xã hội ở bất cứ nơi đâu. Do vậy, nếu người ta thường bảo nghệ thuật sân khấu là phản ảnh giá trị thực tế của cuộc sống ở ngoài đời, thì câu chuyện phim trường của quái kiệt Charlot hằng ngày muốn kiếm được ổ bánh mì lót dạ, thì cũng phải cần tới khả năng hợp tác lanh lợi của một thằng nhỏ đi liệng đá bể kiếng cửa sổ nhà của thiên hạ để cho mình có được việc làm.

Trong lịch sử cận đại, xã hội Tây-phương trên đường phát triển văn minh đã xuất hiện ra nhiều tầng giai cấp tư bản cao hơn. Và từng có những hành động lươn lẹo, mánh mung che giấu nhiều hiện tượng bất công xã hội mà câu hỏi được đặt ra cho thời đại ấy, là có hay không về trường hợp người bóc lột người qua các hình thức vẽ vời, trung gian hợp lý khác nữa? Tiếp đến ngày nay, với khả năng ưu tiên về sức mạnh kinh tài do lợi nhuận đầu tư của ngành khoa học, kỹ thuật mang lại, và kế thừa gia tài chủng tử di truyền. Cho nên, trí óc chủ trương kế hoạch đầu tư nhân lực quốc gia là một đường lối khôn ngoan của những nhà làm chánh trị tài ba, lỗi lạc ở tại các xứ sở nầy, song song với lập trường của chính sách ngoại giao thực thi áp dụng chiến lược đô hộ về kinh tế (Néocolonialisme) đối với các nhược tiểu. Chính bởi lẽ đó mà tài năng của tuổi thơ thuộc bất cứ sắc dân nào, một khi đã sinh ra và trưởng thành trên quê hương của họ, thì cũng đều ưu tiên thuộc về quyền sở hữu của quốc gia họ về mặt pháp lý. Các thế hệ trẻ em Việt-Nam thuộc thành phần lý lịch, căn cước của thế hệ di dân nói trên sinh trưởng ở tại đây, dù nếu không hoàn toàn chia sẻ về quan niệm nầy, nhưng ít ra cũng phải ý thức được đó là niềm tâm sự tận đáy lòng của bậc cha mẹ với cái nhìn theo góc cạnh chủ quan khi nghĩ về trường hợp của tương lai con cái dưới mái gia đình.

Là con người may mắn sanh ra ở xứ giàu, các em được thụ hưởng nhiều hạnh phúc vật chất hơn những trẻ thơ ra đời ở xứ nghèo. Thật các em rất khó có thể tưởng tượng ra nổi chỉ vì sự công dụng của một cái vỏ chai Coca-Cola mà đã phải làm cả một bộ lạc nằm sâu ở trong rừng núi Phi-Châu tranh nhau giành giật, gây thành thảm họa xóm làng. Lẽ dĩ nhiên, suốt trong đời sống của người ta, có những bài học thực tế mà muốn hiểu được thì cần phải có một sự nhận thức đúng đắn bằng giá trị kinh nghiệm chiều sâu cuộc sống, hoặc yếu tố nhân chứng của thời gian. Chẳng hạn như mới ngày nào còn thơ ấu, các em chỉ biết có hình ảnh của con gà đông lạnh mỗi khi vẽ hình. Các em nhìn thấy xã hội quanh mình nâng niu, chìu chuộng chó mèo như là người bạn ở trong nhà, mà không hề mảy may hay biết rằng ở một nơi xa nào khác thì những loại thú vật nầy, khi cần, thì lại chính là một món ăn hạp khẩu. Lần lớn lên với trí khôn, thế hệ các em lại học hiểu nhiều hơn về hình ảnh của vị nữ anh hùng Jeanne d'Arc hơn là Trưng-Vương, biết nhỏ giọt nước mắt xót thương cho định mệnh phũ phàng của công nương Lady Diana ngay tại thành phố Paris nhiều hơn là câu chuyện tình cảm động của Huyền-Trân công chúa tại cố đô Đồ-Bàn. Các em say sưa, thích thú với những điển hay tích lạ đầy thú vị của nước ngoài ờ tự cổ thời. Thí dụ như là câu chuyện "Lưỡi kiếm của Damoclès" (L'épée deDamoclès), mà các em nào ngờ có thể tưởng tượng ra cho hết được là một khi hình ảnh của sợi lông treo kia bị đứt, thì đó cũng chính là lúc mà tai họa thực tế, thảm thương đã giáng xuống cho gia đình cha mẹ của các em khi đang vui hưởng một cuộc sống thanh bình nơi cố quốc.

Để rồi ngày nay, một nhân chứng có giá trị lịch sử cho một thế hệ trẻ em bất hạnh đã cùng màu da, tiếng nói với các em là bà Phan-Thị-Kim-Phúc. Bà đã một lần mang theo thông điệp hàn gắn vết thương chiến tranh đến Paris. Trong một buổi lễ long trọng tại trụ sở của Tổ-Chức Văn-Hóa Khoa-Học Giáo-Dục Liên-Hiệp-Quốc (Unesco), bà được tuyên dương coi như là "đứa con biểu tượng của Việt-Nam" còn sống sót sau thời kỳ chiến tranh Mỹ-Việt. Và bà chính thức đã được tổ chức phi chính trị nầy trao tặng cho một danh dự cao quý là Sứ-giả Hòa-Bình, và bổ nhiệm làm Đại-sứ Thiện-Chí.

Sở dĩ tôi muốn gợi lại cùng với các em về hình ảnh của em bé Kim-Phúc trần truồng thoát chạy, khi bị bom Napalm đốt cháy cả lưng tại Trảng-Bàng (Hậu-Nghĩa, nay trực thuộc tỉnh Tây-Ninh). Lý do, là vì tài liệu sống động nầy từ mấy chục năm qua, đã được báo chí và đài truyền hình quốc tế phổ biến bao lần, gây nên nhiều phản ứng xúc động trong tâm hồn yêu chuộng Hòa-Bình của con người trên thế giới. Và cũng muốn cho các em có dịp hiểu thêm rằng ngọn lửa khi xưa đốt cháy thân bà khi còn niên thiếu, thì nay, đã được chính bà dập tắt không còn để lại những ấn tượng nào ở tâm hồn với ý nghĩ đớn đau, thù hận. Hơn thế nữa, bà lại đã có lòng bao dung, nhắn gởi lời chân thành tha lỗi cho chính thủ phạm gây ra thảm họa cho mình...Nhưng trước đó, thì bà lại đã có một thái độ quyết định chọn lựa ngoạn mục khác. Là dứt khoát tư tưởng, để trao trọn tâm hồn trong sáng của sức sống con tim chứa đựng tình yêu nhạy cảm thiết tha vào hồn thiêng chân thực của con người theo ý thánh. Tuy nhiên, với bản tính thủy chung thì bà thổ lộ là cũng không bao giờ quên được hình ảnh nghĩa tình đầy ấn tượng của nhân dân trên đảo quốc Cuba đã từng có một thời cưu mang đón nhận bảo trợ cho bà du học thành tài. Đồng thời, đó cũng là một dịp để cho bà có cơ hội hội nhập thích nghi, quyện lấy cuộc đời trên bước đường xa quê hương. Và nguyện cầu, cho không bao giờ còn có những ngọn lửa chiến tranh bạo tàn kế tiếp vô tình xảy ra tương tợ ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Do vậy, qua những cuộc tiếp xúc thân mật với lời phát biểu đầy thiện cảm về sự kiện có mặt của mình ở tại Âu-Châu suốt trong thời gian ấy, bà đã khéo léo chinh phục được nhiều tình cảm của mọi người bằng một ước vọng tầm thường.

...Đó là ước muốn đơn giản được trở về với hình ảnh của một em bé nhân chứng đau khổ, mang thương tích của chiến tranh Việt-Nam còn sống sót cho đến bây giờ.

Trở lại thế hệ của các em là lớp người sinh sau đẻ muộn Và nếu các em may mắn không phải là nạn nhân trực tiếp của khói lửa chiến tranh xảy ra trên quê hương của mẹ cha, thì ngày nay, dù muốn dù không cũng phải đến phiên của các em đứng lên để tiếp nối làm nhân chứng cho hình ảnh sinh hoạt cộng đồng, và còn có thêm phần trách nhiệm nữa. Do vậy, giá trị đôi mắt chứng nhân của các em bây giờ quả thật là tế nhị khác thường, mang theo nhiều ý nghĩa suy tư không kém. Đó là một niềm suy tư, luôn luôn trăn trở khôn nguôi về hình ảnh chập chờn của nạn mất gốc bản sắc văn hóa dân tộc ở xứ người. Tâm trạng người xứ nào cũng vậy, có đi xa đất nước quê hương thì mới thấy tình cảm của đồng bào là quý và nhớ nhung phong tục, tập quán giống nòi.

Có một dạo cách nhau khá xa về thời điểm không gian, hai cố nghệ sĩ tài danh của Việt-Nam là Thanh-Nga và Hùng-Cường lần lượt trước sau đều có đến kinh thành Paris, để trình diễn nghệ thuật sân khấu cải lương và tân nhạc vào những đêm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng hải ngoại tại đây. Sự hiện diện bên cạnh cộng đồng của các nghệ sĩ dân tộc đó tuy với thời gian ngắn ngủi, nhưng đã mang lại cho kiều bào chúng ta một niềm an ủi lớn, là được dịp để nhìn lại bản sắc văn hóa của dân tộc ở tại nước ngoài. Đây chính là điều mà tôi cần nhấn mạnh, để cho tâm hồn của các em sau nầy có ý niệm nhiều hơn về trách nhiệm bảo tồn di sản tinh thần theo như ước nguyện của mẹ cha.

Nhưng chắc chắn có lẽ con tim vô tình của các em sẽ bị đập nhịp nhiều hơn, nếu các em biết rằng từ lâu bên cạnh mọi hậu quả của tai ương chiến tranh đó, thì cha mẹ của các em lại còn có thêm những niềm ưu tư thực tế không kém nỗi xót xa, mỗi khi hồi tưởng lại quảng đời của các em lúc tuổi còn thơ ấu. Chính mỗi tiếng nói bập bẹ ngoại ngữ của các em vô tình thốt ra thay thế cho tiếng nói mẹ đẻ ở trong nhà, là một bước đi xa dần của các em đối với mọi sinh hoạt quan hệ bản sắc văn hóa dân tộc dưới mái gia đình. Nếu cuộc đời người ta, ai cũng có những phút giây vui buồn lẫn lộn làm vướng bận tâm hồn, thì sự băn khoăn của cha mẹ các em qua những cơn mê, lo sợ cho con mình mất gốc là một hiện tượng thực tế sau mỗi chuỗi ngày lao động dai dẵng, về nhà gặp lại hình ảnh của con cái mình vui giỡn với những thái độ, cử chỉ hồn nhiên. Cha mẹ các em dù thông thạo tiếng nói của người bản địa hay bị trở ngại về ngôn ngữ địa phương, thì cũng đều cũng có mang chung những tâm trạng u sầu giống nhau của kẻ lạc loài xa xứ ở trong lòng. Và buồn tủi nhiều hơn, khi nhìn thấy qua hành tung của con em mình ngày càng biểu lộ ra mọi sự khác biệt trong đời sống, từ thời tuổi thơ cho tới lúc trưởng thành. Đó chính là lúc mà các em đã vô tình bị lột xác, đổi thay hoàn toàn về quan niệm sống trẻ không còn giống như trường hợp của mẹ cha ngày trước.

Do vậy, hình ảnh nụ cười hãnh diện về chân dung của những dòng máu thế hệ từng tự hào làm rạng danh cộng đồng người VN tại Pháp hiện nay không còn được tự nhiên nở ra từ ở trên môi như trước nữa. Trong thực tế, hoàn cảnh xã hội tại đây bây giờ là một môi trường dễ dàng nảy sinh ra tánh nết cho những đứa con bất hạnh đứng bên lề giáo dục của gia đình. Đầu óc của chúng luôn luôn tích trữ sẵn những tư tưởng ngầm chống đối lại mọi tập quán của mẹ cha, một khi chúng khẳng định cho rằng cha mẹ của chúng vốn không có công lao khai sơn phá thạch gì để cống hiến nhiều vào phúc lợi cho xã hội, quốc gia nầy. Và không thể nào có thể hiễu được nhu cầu đương đại trong tâm hồn của chúng. Thêm vào đó, với tỉ lệ con gái có chồng là người bản xứ nhiều hơn là con trai có vợ gốc kẻ địa phương, điều nầy, đã làm cho cán cân tập quán dân tộc VN nơi hải ngoại bị mất dần bản sắc vốn là tiềm lực bảo vệ cho sự hiện hữu lâu dài của cộng đồng. Mặt khác, sự hội nhập nào cũng còn phải trả thêm một giá rất đắt.

Ngược dòng thời gian, khi thế hệ của các em vừa mở mắt chào đời trên xứ lạ, thì ở tại ngoại ô thành phố Paris đã có xảy ra một thảm kịch đau lòng. Một cặp vợ chồng già nắm tay nhau nhảy qua cửa sổ từ lầu sáu xuống đất để đi tìm cái chết, để trốn chạy sự nhục nhã do mọi hành động đối xử của con cái gây ra. Đó là một tội trạng xấu hổ của những phần tử đứa con sống lâu ngày xa quê hương xứ sở nên mất gốc, quên dần tình nghĩa của đấng sinh thành. Và có những hành vi lỗi đạo với cha mẹ vừa từ ở VN mới qua chưa trọn niềm vui theo diện đoàn tụ gia đình. Còn ngày nay, dẫu sao thì sự xung khắc trong trường hợp tương tợ nếu có xảy ra, thì cũng ở vào một dạng thức khác nhau và tương đối tế nhị hơn. Thế hệ của các em luôn luôn được sống cận kề bên vòng tay của cha mẹ với bao tiếng khóc, tiếng cười quen thuộc ở tâm hồn. Có em lúc tuổi thơ, may mắn được cha mẹ còn thư thả thì giờ chăm sóc. Có em mang hình ảnh bơ vơ, vì cha mẹ làm lụng mệt nhọc không gìờ giấc cả ngày, thiếu thì giờ âu yếm và răn dạy con thơ. Đó chính là những hình ảnh nhân chứng, kỷ niệm quảng đời tuổi thơ của các em ngày nay đã trưởng thành. Các em đã nhận diện ra được thân phận của mẹ cha trong quá khứ, và của cả chính mình trong hiện tại. Do vậy, có nhiều em hối hận, tỏ ra có lòng hiếu thảo, biết nghe lời cha mẹ chăm chỉ học hành và giờ đây đã đỗ đạt thành danh.

Tiếng nói và sự suy nghĩ của các em bắt đầu có nhiều trọng lượng, và uy tín khi còn sống chung cùng với cha mẹ trong gia đình...Nhưng rồi vào một buổi bình minh đẹp nắng, các em như con chim non đủ lông, đủ cánh bắt đầu cất bước bay xa lìa tổ ấm để sống cuộc đời tự lập. Có những bước chững chạc, có những bước sẩy chân làm đau lòng cha mẹ mong chờ trông đợi ở trong nhà. Và cũng có những thảm kịch nước mắt ly hôn bắt nguồn từ mối tình ngắn ngủi, éo le kéo theo nhiều lo lắng cho thân tộc. Tuy nhiên, sau những phút giây buồn bã dành cho sự liên hệ tình cảm gia đình, thì ai nấy cũng đều nhìn thẳng vào đời bằng cặp mắt tự nhiên, bình thản trước những sự kiện mà hoàn cảnh được coi như là tìm thấy hằng ngày trong xã hội, quốc gia nầy. Do vậy, nhà ai có con em thành lập gia đình cùng với đồng hương, đồng bào trong cộng đồng, thì trường hợp nào cũng được kể như là diễm phúc, cha mẹ có thể ngủ yên, không còn cái cảnh âm thầm, phập phồng xót dạ khi tiễn con cái mình lên xe hoa với người bản địa đi về phía một chân trời tương lai khác.

Về phần các em sẽ nghĩ thế nào, nếu mai nầy khi thế hệ con em của chính các em lại đặt ra những câu hỏi Tại Sao, giống như trường hợp mà các em đã từng đặt ra ra cho mẹ cha ngày trước? Nhất là thêm một thế hệ nữa, thì tai họa mầt gốc sẽ gần kề mà đôi mắt của các em sẽ có dịp còn là những chứng nhân sáng giá hơn. Chính vì lẽ đó, mà các em cần phải nên luôn luôn trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ, để làm điểm tựa nồng cốt bảo vệ cho giá trị nhân cách nguồn cội của mình. Và như vậy, các em sẽ được kể như là vừa đã tự tìm ra một cái áo giáp mặc vào, để đề phòng những mũi tên nguy hại. Đó mới chính thật là một lá bùa hộ mạng cần thiết, hữu hiệu, như có sẵn trong tay chiếc nỏ thần mầu nhiệm để trấn giữ thành quách Cổ-Loa. Đồng thời, cũng để cho các em có quyền tự hào về tư cách là một thành viên mẫu mực của cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài. Hơn thế nữa, người Việt-Nam của chúng ta hiện nay đã có mặt sinh sống rải rác trên toàn nước Pháp. Và hiện tượng dân bản xứ Âu-Châu từng có thiện cảm với cộng đồng cũng như có lòng biết lưu tâm đến quê hương, đất nước của chúng ta, nay, họ đã trở thành những con người biết viết và nói rành tiếng Việt là có thật. Và một trong những trường hợp ngoại lệ, đó là hình ảnh của cô TIM (Tim Aline Rebeaud). Người mà đã được hầu hết cộng đồng người VN ở nước ngoài và trong nước đều biết đến vì trái tim nhân ái. Là sáng lập viên của ngôi "Nhà May Mắn" ở cạnh nghĩa trang Bình-Hưng-Hòa, thành phố Hồ-Chí-Minh. Cô đã bỏ ra cả cuộc đời thanh xuân tuổi trẻ ở trên quê hương ruột thịt của chính mình (Thụy-Sĩ), để sang đến tận Việt-Nam dấn thân vào làm việc phúc thiện xã hội, cứu giúp những trẻ em khuyết tật, bụi đời, lầm than khốn khổ.

Ngày nay, hơn các bậc làm cha mẹ, các em là những người hiểu biết nhiều về hoàn cảnh cuộc sống tranh đua của xã hội Tây-phương. Ở đây, mọi người đều hiện hình ra là những động vật chiến đấu không ngừng trong một môi trường không gian mở rộng, và cũng đầy xảo thuật mánh mung, mà giá trị hơn thua hoặc thành bại là do bộ óc sáng tạo có tính toán của con người. Sự kiện gài bẫy, đuổi xua hàng ngàn người Albanie vượt biên (đã đến bến bờ tự do, xin tị nạn chính trị tại Ý-Đại-Lợi) về nguyên xứ vào cuối mùa Đông, khoảng trung tuần tháng 3 năm 1991 là một trường hợp điển hình, nói lên hình ảnh trái tim nhân ái của con người Âu-Châu tại đây đã từ từ khép lại, hoặc lại mở ra tùy thời lúc. Những ngành nghề kinh doanh lớn nhỏ ở khắp nơi vùng đất khác của lục địa Âu-Châu cũng vậy thôi! Vòng trật tự của luật chơi kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh phát triển và phát huy sáng kiến nghề nghiệp của xã hội Tây-phương, giờ đây, gần như đã trở thành một tập quán lâu đời. Vậy thêm một lần nữa, các em đừng nên bao giờ có ý nghĩ gì sai trái về những nguyên nhân gây nên mặc cảm về hình ảnh thân phận của thế hệ mẹ cha, là đến đây để ăn nhờ, ở đậu.

Vì chính thế hệ của các em bây giờ, cũng có đôi khi, không hoàn toàn thoải mái hưởng trọn được niềm vui.

Là một công dân thừa hưởng đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ trong một quốc gia, các em có bổn phận phải tham gia đóng góp tài hoa, năng sức vào trong lãnh vực sở trường dù gọi là khiêm tốn, nhỏ nhen của mình. Với con số tròn trèm là hơn hai trăm ngàn người Pháp gốc Việt ở tại đất nước bản địa. Và với con số cũng tròn trèm ước độ 2% lá phiếu cử tri, sức mạnh của cộng đồng người VN tại đây nếu kết hợp khả năng được thành một khối ủng hộ thuần nhất, thì mọi quyết định nào cũng đều có ảnh hưởng (nhẹ) để làm xê dịch cán cân trọng lượng đối với một thành phần tổ chức đảng phái chính trị ở tại quốc gia, xã hội nầy. Ước nguyện nầy, thế hệ của mẹ cha sẽ không bao giờ còn đủ yếu tố thời gian làm được, và chỉ dám mong chờ vào tâm huyết của thế hệ con em mình có ý thức, biết giữ gìn uy tín cho tiếng nói của cộng đồng, để đi tìm cơ hội thực hiện ở mai sau.

Còn bây giờ nói xa hơn về triển vọng tương lai của các em, là nếu có lòng muốn trở về cống hiến bộ óc, tài năng cho quê hương gốc gác của mẹ cha, thì trước hết, các em có bổn phận phải góp phần nghĩa vụ của mình để đáp đền công ơn của đất nước, xã hội đã cưu mang hình hài của các em vừa từ khi còn tấm bé. Trong tinh thần đó, thì cũng trước hết, thực thể của cộng đồng dân tộc ở hải ngoại tại đây, phải được coi như là một hình ảnh thủy chung không thể thiếu vắng sự có mặt của các em trong mọi hình thức sinh hoạt tập thể. Vì, cộng đồng nầy có lành mạnh, thì các em mới được tiếng thơm. Nếu, cộng đồng đổ vỡ, tồi tệ, thì các em sẽ bị người dân bản địa quanh mình khinh rẻ. Tóm lại, dù sống trong xã hội giàu sang hay lầm than, thì đôi mắt nhân chứng của mọi người và của cả các em cũng đều nhìn thấy được rõ ràng, thế nào là ảo ảnh phù du trong số kiếp của thế nhân in tợ như ý nghĩa của giọt sương tan trên ngọn cỏ bồng. Hi vọng rằng, sự dấn thân làm đẹp cộng đồng của các em ngay bây giờ và cho cả mai sau sẽ bắt nguồn ra từ nhận thức đó. Và chắc chắn rồi đây, tâm huyết của các em cũng sẽ nảy sinh ra nhiều sáng kiến thích hợp, để tùy nghi bảo trợ nhu cầu thiết yếu vào cho tập thể về phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Thế hệ nào ra thế hệ ấy! Thế hệ mẹ cha của các em vừa đã trải qua một quá trình hội nhập gian nan, bất ngờ, vì không được chuẩn bị sẵn những gói hành trang để sớm thích nghi vào môi trường xã hội địa phương. Nhưng thế hệ của các em thì hoàn toàn trái lại. Các em may mắn thụ hưởng được một tuổi thơ có thể nói là đầy đủ, hạnh phúc. Và khi lớn lên thì nhập cuộc lê gót vào đời trong một hoàn cảnh tương đối dễ dàng, tránh được những bước đi sờ soạng, gập gềnh trên sỏi đá. Và nếu hôm qua, cha mẹ của các em có một quảng đời quá khứ đau buồn vì cơn ác mộng của chiến tranh, thì hôm nay, các em có được một cuộc sống yên ổn, thanh bình đầy tương lai khởi sắc. Đất nước Âu-Châu, mà nói riêng về nước Pháp nầy là của các em, khác với Việt-Nam là quê hương của cha mẹ. Biết đâu mai nầy trái tim thôi thúc của các em sẽ còn có nhiều dịp, để san sẻ tình yêu cho lẫn cả cục đất vô tình mà cao cả thiêng liêng?

Thật rất khó có những giấc mơ tốt số ở trên đời trở thành hiện thực! Nhưng quý lắm thay cho những tấm lòng xã hội, nhiệt huyết, tận tụy đào xoi tìm mạch nước chảy về nguồn. Đó là ý chí nung nấu của những thành viên cộng đồng đầu xanh tuổi trẻ, đã và đang muốn làm được một cái gì có tầm vóc và ý nghĩa hơn, là hướng về cho quê hương cội rễ của tổ tiên.

Danh họa nào cũng có tác phẩm dở, và giá trị nghệ thuật của một bức tranh hay, đôi khi, chính là do còn tùy vào những nét vẽ ráp nối chưa được hoàn thành. Và đó cũng là trường hợp hi hữu của một công trình nghệ thuật điêu khắc tuyệt kỹ, (pho tượng "Vénus de Milo" ởtrong Louvre) khi được tìm thấy thì đã không có một phần thân thể. Hay như những di tích bảo vật quý giá, trải qua nhiều thời đại không còn giữ được nguyên vẹn hình hài. Sự nghiệp tinh thần của cha mẹ để lại cho các em trên đất nước quê người hôm nay cũng vậy. Nếu nói là đầy đủ hay không hoàn toàn đáng giá, thì di sản đó, dù sao, dưới đôi mắt của thế hệ nhân chứng có giá trị lịch sử của các em, nó vẫn phải luôn luôn xứng đáng để được gọi là một công trình cố gắng dở dang, dành lại cho thế hệ các em kế thừa có bổn phận phải chu toàn.

Đã đến giờ điểm hẹn, các em cần thể hiện ra ngay bằng tấm lòng thành khẩn, để tận tình đóng góp vào tiềm lực của cộng đồng nầy sao cho có ý nghĩa trọn vẹn, thiết tha với tất cả tâm hồn rực nắng...

An-Tiêm Mai-Lý-Cang
(Paris)