Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]             [ Trang chủ  ]
Tìm trong di sản văn hóa nghệ thuật, khoa học nhân văn của cha ông

Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ

Một công trình lịch sử - văn hóa đồ sộ giữa thế kỷ XIX

Lê Văn Hảo

Mới đây đã được giới thiệu một công trình địa lý học lịch sử đồ sộ của Quốc sử quán triều Nguyễn ra đời cuối tk XIX: Đồng Khánh Địa dư chí (1).

Nay cũng cần giới thiệu một công trình lịch sử - văn hóa vào loại đồ sộ nhất của triều Nguyễn xuất hiện giữa tk XIX : Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ.

Có thể xem đó là hai nét son rực rỡ của văn hóa và khoa học nhân văn thời đại quân chủ đã qua.

Chúng ta biết Minh Mạng một trong những vua có văn hóa (cultivé) của thời đại, trị vì từ 1820 đến 1840, đã thành lập hai cơ quan lớn: Quốc sử quánNội các.

*
Quốc sử quán đã để lại ngót một trăm công trình sử học, địa lý học, văn học, mỹ học ... như Đại Nam Nhất thống chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam Liệt truyện, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Minh Mạng chính yếu, Minh Mạng tấu nghị, Minh Mạng ngự chế văn, Tự Đức ngự chế thi, Ngự đề Danh thắng đồ hội thi tập, Ngự đề Thần kinh nhị thập đồ hội thi tập, Ngự đề Nhân vật đồ hội thi tập, Ngự đề Cổ tích đồ hội thi tập(2) ... v.v...

Bên cạnh Quốc sử quán, triều Nguyễn có một cơ quan lớn nửa chính trị, nửa văn hóa: Nội các. Nó vừa chuyên giữ công việc ấn chương, giấy tờ, sổ sách các cơ quan của triều đình, vừa có nhiệm vụ ghi chép lời nói việc làm của các vua, công tác của các bộ, viện, ty, phủ, các điển chế của triều đình đã đem thi hành. Với chức năng ấy, nó đã soạn thảo một khối lượng công văn khổng lồ được các vua xem xét ( " ngự lãm " ) và phê duyệt bằng mực son (" châu phê " hay " châu bút " ). Đó là bộ "Châu bản"  gồm 3200 tập về các triều vua từ Gia Long đến Bảo Đại, mỗi tập khoảng 600 trang giấy lệnh hội. Có thể xem đó là bộ Công báo ( Journal Officiel ) của triều Nguyễn ( 1802 - 1945 ) mà đến năm 1955, sau nhiều cơn binh lửa, chỉ còn sót lại 611 tập (3).

Trong số những bộ sách do Nội các soạn thảo và xuất bản, công trình có giá trị nhất là Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ ( từ nay gọi tắt là Hội điển ).

Trong lịch sử các chế độ quân chủ ở Đông Á (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên) mỗi triều đại đều tổ chức biên soạnhội điển (còn gọi là đại điển hay chính điển) của triều đại mình. Ở Trung quốc các triều Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều có hội điển, bộ sách ghi lại các công văn và các sự kiện lớn của triều đại. Gs. Trần Văn Khê khi tham khảo Đại Thanh Hội điển Sự lệ đã phát hiện những ghi chép chi tiết về 9 loại nhạc nước ngoài có mặt tại triều đình nhà Thanh cuối thế kỷ XVIII trong đó có dàn "An Nam quốc nhạc" do vua Quang Trung gởi sang cùng với sứ bộ Đại Việt (4).

*
Ở nước ta thời Nguyễn, thời Trần đã có Hoàng triều Đại điển, thời Lê trung hưng có Quốc triều Hội điển (còn gọi là Lê triều Hội điển), thời Lê mạt có Quốc triều Chính điển lục.

Hội điển triều Nguyễn đã vượt xa các hội điển, đại điển hay chính điển các triều đại trước. Nếu được dịch thuật (từ chữ Hán) và xuất bản đầy đủ đó sẽ là bộ sách dày hơn một vạn trang.

Hội điển ghi chép khá đầy đủ các công văn (chiếu chỉ, tấu sớ, phiến dụ) của triều đình về các việc đã đem ra thi hành thuộc tất cả

- các bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công)
- các phủ (Tôn nhân, Nội vụ)
- các viện (Cơ mật, Tập hiền, Hàn lâm, Thái y)
- các ty (hơn mười mấy ty)
- các tự (Đại lý, Thái thường, Quang Lộc)
- các giám (Khâm thiên, Quốc tử)
- các các (Nội các, Đông các ...)
Ghi chép lại các công văn và các sự kiện chính, các sinh hoạt lớn từ Gia Long năm thứ nhất (1802) đến Duy Tân năm thứ 8 (1914), Hội điển gồm có 3 phần:

- Phần thứ nhất có thể gọi là phần chính biên: Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, ghi chép từ 1802 đến 1851 (Tự Đức năm thứ 4), 1 quyển thủ + 262 quyển, mỗi quyển trên dưới 30 tờ in trên giấy lệnh hội 30 X 20, tổng cộng hơn 8000 tờ;

- Phần thứ hai là Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ Tục biên, ghi chép từ 1852 đến 1889 (Thành Thái năm thứ nhất), 61 quyển, khoảng 2000 tờ;

- Phần thứ ba là Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ Tục biên Hậu thứ, ghi chép từ 1890 đến 1914 (Duy Tân năm thứ 8), 28 quyển, khoảng 850 tờ (tất cả được viết bằng chữ Hán) (5).

Như vậy bộ sách này đếm được hơn một vạn tờ và được biên soạn công phu liên tục trong hơn 70 năm kể từ chỉ dụ đầu tiên của Thiệu Trị (1843) đến những trang bản thảo cuối cùng (1914). Hơn mười bản in và bản chép tay hay sao chụp hiện đang được tàng trữ tại Việt Nam, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
 

Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ 
(Phần chính biên)
tờ 1a của bộ sách
Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ 
Tục biên
EFEO, VIET/A HIST. 31 (1)
Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ 
Tục biên Hậu thứ
EFEO, VIET/A HIST. 32  (1)

Vì nguyên văn Hội điển là chữ Hán nên việc sử dụng, khai thác nó rất hạn chế. Những năm 1965-1968, Hội điển đã được trích dịch và xuất bản một phần nhỏ tại Sài Gòn (6).

Mãi đến năm 1993 bản dịch toàn bộ phần chính biên do các bậc túc nho và các chuyên gia Viện Sử học, Viện Hán Nôm Việt Nam thực hiện mới được nhà xuất bản Thuận hóa ở Huế công bố dưới nhan đề Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ (15 tập) (7);

Phần tục biên (61 quyển) một bản in, một bản chép tay (4700 tr.) đã được dịch và chưa xuất bản, hiện tàng trữ tại Viện Sử học, Viện Hán Nôm (Hà Nội) ;

Phần tục biên hậu thứ (28 quyển) 1 bản in (1917) hiện tàng trữ tại Thư viện Học viện Bác cổ Viễn đông Pháp (Paris) đang chờ được dịch và xuất bản.

Lần đầu tiên Hội điển được in và đến tay người đọc ở Quốc sử quán, ở Lục bộ và ở các tỉnh là vào năm 1868. Mười tám năm sau, phần chính biên này đã được in lại (1886). Lần cuối cùng Hội điển được in là vào những năm 1917, 1921.

*
Tại sao một bộ sách chữ Hán như Hội điển triều Nguyễn, được biên soạn trong hơn 70 năm, đã được in đi chép lại nhiều lần ? Tại sao Hội điển dù được dịch thuật và xuất bản muộn màng, rồi vẫn không được quảng bá rộng rãi trong giới Việt Nam học, Đông phương học ?

Dù đã được không ít nhà nghiên cứu, nhà bác học như Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Khê, Trần Nghĩa và Francois Gros, Philippe Langlet, các chuyên gia của Đông dương Văn khố (Nhật Bản), của Viện Sử học, Viện Hán-Nôm (Việt Nam) đề cao, hình như Hội điển vẫn chưa được đánh giá đúng mức là một công trình lịch sử-văn hóa có một không hai trong di sản tinh thần của cha ông ta.

Chúng ta có những bộ sách lớn từng được xem như những bách khoa thư về sử học, y dược học, văn hóa học ... như :

- Vân đài loại ngữ của Lê Quí Đôn (1726-1784)

- Y tông tâm lĩnh của Lê Hữu Trác (1720-1791)

- Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1782-1840)

thời cuối Lê đầu Nguyễn cuối tk XVIII - đầu tk. XIX . Đến giữa tk. XIX ta lại có Hội điển của triều Nguyễn cũng đáng được xem là một bộ bách khoa thư vô cùng hấp dẫn vì dung lượng phong phú độc đáo của nó qua hơn 8000 trang sách.

*
Tổng mục lục dày đến 57 trang của Hội điển (phần chính biên) đã được dịch và xuất bản năm 1993 (tập 1), ta cảm thấy choáng ngợp về số lượng hàng ngàn tài liệu mà những nhà khoa học nhân văn các chuyên ngành khác nhau có thể sử dụng để biên soạn các sách chuyên đề hay một cuốn sách lịch sử văn hóa văn minh Việt Nam.

Những nhà nghiên cứu lịch sử chính trị, pháp lý, kinh tế, quân sự ... cần đọc hàng trăm quyển mà Hội điển đã dành cho các điển chế và hoạt động của bộ Lại (quyển 7-35), bộ Hộ (quyển 36-68), bộ Binh (quyển 137-178), bộ Hình (quyển 179-204) từ đầu tk. XIX đến giữa tk XIX.

Những nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, tôn giáo ... cần tham khảo ngót 100 quyển mà Hội điển đã dành cho bộ Lễ và bộ Công (quyển 69-136; quyển 205-223). Hóa ra cái gọi là bộ Lễ thời quân chủ là một liên bộ rộng lớn bao gồm các ngành văn hóa, giáo dục, đào tạo, thông tin, tuyên truyền, nghi lễ, ngoại giao, tôn giáo tín ngưỡng. Còn bộ Công là một liên bộ Xây dựng, Thủy lợi, Trị thủy, Giao thông, Vận tải, Hàng hải .

Những nhà địa lý học, kinh tế học, xã hội học ... sẽ rất thích thú có được hình ảnh một nhân dân cần cù lao động sáng tạo ở một đất nước Đại Nam giàu có của thịnh thời triều Nguyễn qua danh mục hàng chục loại thuế đánh vào các hoạt động nông công thương lâm ngư nghiệp, qua danh mục hàng trăm sản vật mà bộ Hộ thu mua của nhân dân hay các địa phương phải dâng nạp cho vua: nào là gạo thơm, quả ngon ở Thừa Thiên, dừa và chanh ở Phú Yên, Long Tường, chanh và loòng boong ở Quảng Nam, dưa hấu, bột hoàng tinh, thịt cửu khổng, đậu tương, rượu dâu ở Quảng Bình, nào là cam đường ở Thanh Hóa, Hải Dương, rươi ở Ninh Bình, Nam Định, sa lê , tuyết lê ở Cao Bằng Tuyên Quang ... và nhiều thời trân khác nữa (quyển 64-67, quyển 100).

*
Qua Hội điển triều Nguyễn, các nhà dân tộc học, âm nhạc học, ẩm thực học, văn hóa học ... tha hồ nghiên cứu lễ hội cung đình, ca múa nhạc cung đình, ẩm thực cung đình ...

Cách nay nửa thế kỷ các học giả Đỗ Bằng Đoàn Đỗ Trọng Huề đã dựa vàoHội điển để viết Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, gs Trần Văn Khê đã khai thác các quyển 69-72, 86-89, 99 ... của Hội điển và đã viết nên những trang sinh động về ca múa nhạc triều Nguyễn, để rồi hôm nay UNESCO long trọng công nhận âm nhạc cung đình Huế là một di sản văn hóa phi vật thểtruyền khẩu của nhân loại(8) : tin vui này đã đến với chúng ta ngày 4.11.2003 vừa qua.

Những nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử có thể dựng lại cả một nền ẩm thực cung đình thời Nguyễn nhờ các tài liệu về yến lễ, tiệc tùng, cỗ bàn ... được ghi chép rất chi tiết (quyển 59, 97-98, 130, 135, 237-238) qua đó ta biết triều Nguyễn có một cơ quan chuyên trách ẩm thực cung đình. Đó là Quang lộc tự, và đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực cung đình là tiệc yến chiêu đãi các sứ đoàn . Tiệc tiếp sứ gồm 3 hạng cỗ :

- Cỗ hạng 1 là hai mâm 60 món
- Cỗ hạng 2 là bảy mâm 40 món
- Cỗ hạng 3 là ba mươi mâm 30 món
Thực đơn trong mâm cỗ hạng nhất gồm :
- thức ăn : 27 món
- bánh (mặn và ngọt) : 15 loại
- mứt : 12 loại
- trái cây : 3 loại
- xôi, chè : 3 loại . v.v ...
Các món ăn vừa dân gian (chọn lọc) vừa sơn hào hải vị (yến sào, gân hươu, bào ngư, vây cá ... ) được bày biện trong những chén kiểu, đĩa kiểu nhỏ xinh.

Với niềm hy vọng phần còn lại của Hội điển sẽ được dịch thuật và xuất bản trong nay mai, và toàn bộ Hội điển được các nhà văn hóa học thừa nhận đúng mức giá trị lớn của nó, cần lưu ý là tất cả những ai yêu mến tha thiết với văn hóa văn minh Việt Nam đều dễ dàng đọc bản dịch tiếng Việt bộ Hội điển triều Nguyễn (phần chính biên) này tại Thư viện Học Viện Bác cổ Viễn đông Pháp, số 22 đại lộ tổng thống Wilson, Paris 16, ký hiệu VIET.HIST. 791 (1-15).

Lê Văn Hảo
Tháng 1 / 2004
Chú Thích và ThamKhảo


(1) Lê Văn Hảo , Đồng Khánh Địa dư chí, công trình địa lý học lịch sử lớn cuối tk. XIX vừa mới ra mắt năm 2003, trên trang nhà Chim Việt Cành Nam (http://chimviet.free.fr số 14 / 8-11-2003 )

(2) Nguyễn Xuân Hoa, Di sản văn hóa cố đô Huế, trong Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam, công trình tập thể, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 395. Các tập Ngự đề ... ấy là những tập thơ của Minh Mạng, Thiệu Trị được minh họa bằng tranh vẽ theo công thức "nhất thi nhất họa" đã được Quốc sử quán in vào thời Thiệu Trị . Thư viện Học viện Bác cổ Viễn đông hiện đang tàng trữ bộ Ngự đề Danh thắng đồ hội thi tập của Minh Mạng dày 910 trang in 28 X 18 có đầy đủ hình vẽ đính kèm (ký hiệu MF/1/2/272).

(3) Châu bản triều Tự Đức 1848-1883, gs. Trần Nghĩa giới thiệu, trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nhà xb. Văn học , 2003,tr. 6-7

(4) Trần Văn Khê, La Musique Vietnamienne Traditionnelle, Presses Universitaires de France, Paris, 1962, tr. 36-37.

(5) Trần Văn Giáp, Tìm hiểu Kho sách Hán Nôm Việt Nam, tập I, nxb Văn hóa, H.N. 1984

Trần Nghĩa và Francois Gros (đồng chủ biên), Di sản Hán Nôm Việt Nam, Thư mục đề yếu, tập 1, 2, 3, nxb Khoa học Xã hội, HN 1993 (tiếng Việt và tiếng Pháp).

(6)Nhu viễn trong Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ (Quyển 132-136), Bộ QGGD, Tủ sách khảo cổ, tập I, II, Sài Gòn 1965-1966;

Bang giao trong KĐĐNHĐSL (Quyển 128-131), Phủ QVK Đặc trách Văn hóa, Tủ sách Khảo cổ 1 tập, Sài Gòn 1968.

(7) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, chủ tịch hội đồng xuất bản : Nguyễn Hồng Phong. Ban dịch thuật, Ban hiệu đính, Ban biên tập: nhiều người, Viện Sử học và Nhà xuất bản ThuậnHóa, Huế, 1993, 15 tập, khoảng 8500 tr. 14,5 X 20,5 .

(8) Trần Văn Khê, Nhã nhạc cung đình Huế, Di sản văn hóa của nhân loại , tập san Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, số ra ngày 21/11/2003, tr. 18-19, kèm 3 ảnh.

Trần Kiều Lại Thủy, Âm nhạc cung đình triều Nguyễn lời giới thiệu của gs. Trần Văn Khê, nhà xb. Thuận Hóa, Huế, 1997, 268 tr.



Trở Về  ]