Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]                [  Mục Lục  ]

Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm
*
3. Thời Lý (1009-1225) 
-
Hai thế kỷ hưng khởi đầu tiên của văn hóa Thăng Long

Lê Văn Hảo

"Trong thơ thiền thời Lý có cả một chủ nghĩa nhân văn Việt Nam mãnh liệt, điều thật bất ngờ mà rất đáng tự hào"
Sau 70 năm thời Ngô-Đinh-Tiền Lê đặt nền tảng trung hưng cho dân tộc, xóa đi cơn ác mộng ngàn năm Bắc thuộc, thời Lý là một bước mới rất quan trọng của tiến trình dựng nước và giữ nước, xứng đáng với mỹ từ "Việt Nam văn hiến ngàn năm", và chúng ta có đầy đủ chứng cớ để khẳng định :
Thời Lý, một thời kỳ vẻ vang của lịch sử dân tộc
Vương triều trải qua 8 đời vua này có công lớn khi lấy một quyết định chiến lược là dời đô từ Hoa Lư hẻo lánh hiểm trở ra Đại La, điểm trung tâm của đất nước, rồi mượn hình tượng rồng bay để đặt tên cho kinh đô mới Thăng Long, như muốn xác định một lần nữa người Việt là con Rồng cháu Tiên. Sau đó đổi tên nước Đại Cồ Việt thành quốc hiệu Đại Việt, trang trọng và kiêu hãnh, cũng là một cách tự khẳng định đất nước này ở phương Nam không có gì phải kiêng dè, e sợ những kẻ xấc xược hợm mình ở phương Bắc, từng tự xưng là Đại Tần, Đại Hán, Đại Đường, Đại Tống, cho nước mình là trung tâm thiên hạ, còn những dân, những nước láng giềng chung quanh là mọi rợ, man di.

Dưới vương triều Lý, nhiều cung điện, lầu gác đã được xây dựng trong hoàng thành và cấm thành Thăng Long. La Thành được đắp lại, đê Cơ Xá được củng cố và đắp cao, bảo vệ kinh đô trước đe dọa của lũ lụt sông Hồng. Sau nhiều thế kỷ của văn hóa Đông Sơn xán lạn, hơn 200 năm triều Lý đáng được xem là thời kỳ phục hưng dân tộc đầu tiên.
Nội thất Văn Miếu 
Năm 1042, Hình Thư, bộ luật thành văn đầu tiên của nhà nước quân chủ được ban hành. Năm 1070, Văn Miếu Thăng Long ra đời tôn vinh Nho giáo, nhưng Phật giáo của từ bi bác ái vẫn chiếm vị trí hàng đầu. Năm 1075, lần đầu tiên khoa cử được tổ chức để tuyển lựa quan lại. Năm 1076, bên cạnh Văn Miếu, Quốc Tử Giám trường đại học đầu tiên được khai giảng để đào tạo nhân tài. Năm 1086, lập Hàn Lâm Viện. Năm 1097, ban hành Hội Điển qui định các phép tắc chính trị.

Các vua và hoàng hậu nhà Lý cho xây dựng một số lớn chùa tháp, đền miếu khắp đất nước. Mỗi vua đều rất chú trọng nghề nông nên đã đích thân cày "tịch điền" (ruộng của vua) như một tập quán khuyến nông trang trọng trước sự chứng kiến của đông đảo dân cày. Để củng cố khối đoàn kết dân tộc và tạo quan hệ hòa hiếu giữa miền xuôi với mạn ngược, các vua không ngần ngại gả các công chúa cho những tù trưởng các sắc tộc thiểu số.

Nhà Lý đã xây dựng quân đội hùng mạnh và đã thành công đè bẹp sự đe dọa, uy hiếp của nhà Tống và Champa, giữ vững biên giới phía Bắc, mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam.

Khí phách Đại Việt qua ba áng thơ văn đầy khí vị anh hùng ca
Thế kỷ đầu tiên của thời Lý đã để lại trong di sản tinh thần của dân tộc ba áng thơ văn cô đúc mà gây được một ấn tượng phi thường : đó là tờ Chiếu dời đô (214 chữ), bài văn Lộ Bố (148 chữ) và bài thơ Nam Quốc Sơn Hà vỏn vẹn bốn câu, 28 chữ.

Chiếu dời đô (1010) nổi tiếng trong ngàn năm qua vì ý nghĩa và tác dụng lớn của nó. Tờ chiếu khẳng định việc dời đô là điều vô cùng nghiêm trọng vì gắn với yêu cầu xây dựng một địa điểm trung tâm, tiêu biểu cho sự phồn vinh lâu dài của đất nước, phù hợp với ý dân và mệnh trời. Nó chỉ ra được ưu thế địa lý của kinh đô mới, vừa là "nơi tụ hội của bốn phương đất nước" vừa là "nơi tượng trưng cho đế vương muôn đời". Lý Thái Tổ, vị vua vừa sáng suốt lại vừa khiêm tốn đã kết thúc Chiếu dời đô bằng một hình thức trưng cầu ý dân : "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào ?".

Sáu thập niên sau "Chiếu dời đô", bài văn bố cáo rõ việc xuất quân đánh Tống (1075) của Lý Thường Kiệt được lưu hành trước khi quân nhà Lý vượt biên giới tiến lên các châu Ung, Khâm, Liêm, nhằm đánh một đòn phủ đầu bất ngờ để giành thế chủ động, cốt làm nản lòng kẻ thù trong âm mưu xâm lược Đại Việt. Bài Văn Lộ Bố này nói lên khí thế của người có chính nghĩa, vừa khinh miệt "vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân (…) khiến trăm họ mệt nhọc lầm than", vừa đề cao lý tưởng lấy dân làm trọng và sử dụng một sách lược tâm lý chiến khéo léo để trấn an dân Tàu ở các địa phương mà quân Lý sẽ đánh tới : "Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân (…) cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm". Sau cuộc tập kích chớp nhoáng đó vào đất Tống, quân nhà Lý đã hoàn toàn thắng lợi trở về.

Hai năm sau (1077), khi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống bắt đầu, Lý thường Kiệt cho loan tin hai vị thần của Đại Việt là anh em Trương Hống, Trương Hát đã hiện ra trong mộng, trao cho ông bài thơ thần khẳng định sự tồn tại thiêng liêng của nước Nam và cảnh cáo những kẻ nào dám xúc phạm tới cái điều trời định ấy :

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

[Sông núi nước nam vua Nam ở
Sách trời kia đã định rành rành
Cớ sao giặc dám hoành hành
Tất nhiên bây sẽ tan tành, tả tơi]

Chắc chắn bài thơ đã góp phần lớn vào chiến thắng Như Nguyệt, đánh tan quân Tống, giữ vững độc lập dân tộc. Đây là một trong những bản tuyên ngôn hào hùng nhất, bên cạnh Hịch Tướng Sĩ, Đại Cáo Bình Ngô, Hịch Quang Trung…
Về Đình Bảng thăm quê hương vua Lý, dự lễ hội đền Đô

Lễ hội ở Đền Đô (Đình Bảng)

Đình Bảng, nôm na gọi là làng Báng, xưa nay là một làng rất trù phú của châu thổ sông Hồng. Trước đây làng này đã từng được cả vùng biết tiếng, vì mỗi năm cử hành tới 80 lễ hội lớn nhỏ, với tiệc tùng mâm cao cỗ đầy nhưng điều đáng nói nhất : Đình Bảng là quê hương nhà Lý.

Hiện nay, đây là một xã lớn thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, với 13 thôn và hai di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng là đình Đình Bảng, còn gọi là Đình Báng, ngôi đình lớn nhất và vào loại đẹp nhất đất nước và đền Đô, còn gọi là đền Lý Bát Đế, thờ 8 vua Lý.

Đền Đô được xây dựng từ thế kỷ 11, gồm hơn 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ, tất cả đều được xây dựng công phu, chạm khắc tinh xảo được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Nơi đây từ nhiều thế kỷ qua đã diễn ra Hội Đền Đô, một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất vinh danh triều Lý. Hội diễn ra từ 15 đến 18 tháng Ba âm lịch, với lễ tế hiến sinh (mổ cả thảy 12 con trâu mộng), rồi một đám rước khổng lồ dài khoảng 3 km. Sau khi 8 cỗ kiệu vua trang hoàng lộng lẫy được rước từ đền tới chùa, rồi về lại đền, nhiều trò chơi hấp dẫn là đấu vật, chọi gà, múa rồng, hát chèo, diễn tuồng, đánh cờ người… diễn ra trong suốt bốn ngày.

Kiến trúc và điêu khắc thời Lý, một nét son của nền mỹ thuật Việt Nam
Nói tới văn hóa nghệ thuật thời Lý trước hết phải nhắc tới bốn văn vật lớn vang bóng một thời, dưới tên gọi tứ đại khí, đó là tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên (dựng năm 1057) gồm 12 tầng, chuông Qui Điền (đúc năm 1101) và vạc Phổ Minh (được đúc vào thời Trần). Các văn vật ấy nay đều không còn.

Cùng với những cung điện của Đại Nội Thăng Long, Đại Việt thời ấy có hàng trăm ngôi chùa lớn, hàng trăm pho tượng đẹp mà ngày nay chỉ còn lại một số rất ít, nhưng cũng đủ để nói lên sức sáng tạo nghệ thuật rực rỡ của một thời văn hóa Phật giáo huy hoàng.

Vĩ đại nhất trong các chùa thời Lý là chùa Dạm, tức chùa Đại Lãm Thần Quang do nguyên phi Ỷ Lan cho xây dựng tại núi Dạm, ở Bắc Ninh, vào những năm 1086-1094. Bị phá hủy hoàn toàn năm 1947, qui mô đồ sộ của chùa còn thấy được ở bốn lớp nền dài tới 120 m, rộng 65 m, mỗi lớp chênh nhau từ 6 tới 8 m, với 25 bậc để lên xuống.
 
 
Tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích
Chùa Một Cột, tức chùa Diên Hựu, dựng vào năm 1049, là một quần thể kiến trúc to lớn gấp vài chục lần chùa Một Cột ngày nay. Văn bia chùa Đọi ở Hà Nam viết về chùa ấy như sau : "Đào hồ thơm Linh Chiểu, giữa hồ vọt lên một cột đá, đỉnh cột nở đóa sen ngàn cánh, trên đó dựng một tòa điện đỏ sẫm, trong điện đặt pho tượng Phật bằng vàng, quanh hồ có hành lang bao bọc, ngoài hành lang có ao Bích Trì, có cầu vồng bắc qua, phía sân trước cầu hai bên tả hữu có bảo tháp lưu ly".

Một trong những ngôi chùa đẹp nhất thời Lý là chùa Phật Tích, tức chùa Vạn Phúc, dựng năm 1057 trên núi Lạng Kha (Bắc Ninh), một quần thể kiến trúc trải dài trên ba lớp nền (60x40m), mỗi cấp chênh nhau khoảng 4-5 m, có bậc đá lên xuống. Bị phá hủy vào năm 1947, di tích còn lại là một số tác phẩm điêu khắc trên đá : tượng thú, tượng kim cương, tượng thần nửa người nửa chim, tảng đá kê chân cột… Đặc biệt chùa còn giữ được một kiệt tác bất hủ của nền mỹ thuật Việt Nam, đó là tượng A Di Đà, tạc bằng đá hoa cương xanh cao 1,87 m, tính cả bệ là 2,77 m : dáng Phật thanh tú, khoác áo cà sa, hai bàn tay để ngửa trong lòng, ngồi xếp bằng tham thiền nhập định ; tất cả tỏa ra một vẻ đẹp dịu dàng đầy nữ tính.

Âm nhạc, vũ đạo, sân khấu và lễ hội thời Lý
Cách nay bảy thập niên nhà khảo cổ học Louis Bezacier đã phát hiện những tảng đá vuông kê chân cột ở chùa Phật Tích, mỗi cạnh dài 0,72 m, chiều cao 0,21 m, trên đó có chạm khắc cả một dàn nhạc vui tươi và sống động, gồm mười nhân vật : tám nhạc công và hai vũ nữ, chia thành hai nhóm nghệ sĩ hát múa và đánh đàn từ hai bên, hướng vào một chiếc lá bồ đề lớn tượng trưng cho Phật giáo. Những tảng đá kê chân cột quí báu này cho ta biết là ở thời Lý đã có đại nhạc của cung đình và tiểu nhạc của quần chúng với những nhạc cụ như trống to, trống cơm, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn 7 dây, đàn tỳ bà, tiêu, sáo ngang và phách. Điều đó sẽ được xác nhận thêm trong một tác phẩm của thời Trần là An Nam chí lược.

Bên cạnh bệ chân cột chùa Phật Tích, thời Lý còn để lại cho chúng ta một văn vật quí báu khác là văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, được gọi nôm na là bia tháp chùa Đọi, do Nguyễn Công Bật viết năm 1121 để ca ngợi vua Lý Nhân Tông. Đây là một tấm bia có văn chương già dặn, giàu hình ảnh, bút pháp khoa trương, pha ít nhiều màu sắc huyền thoại.

Nhờ các tài liệu bi ký và tài liệu sử ký biên niên mà chúng ta biết ở thời Lý đã có nhiều lễ hội : hội cung đình, hội đền, hội chùa. Vào đời Lý Thái Tổ (trị vì 1009-1028), triều đình tổ chức lễ ăn mừng sinh nhật vua rất lớn : "Lấy tre kết làm núi Vạn Thọ Nam Sơn ở ngoài cửa Quang Phục, trên núi làm hình chim bay thú chạy với muôn vẻ kỳ lạ, lại sai người nhại tiếng chim muông làm vui" (Đại Việt sử ký toàn thư). Đó là một lễ hội cung đình có sử dụng trò múa rối cạn.
 
Hoa văn bệ đá ở chùa Phật Tích 

Vào mùa thu, các vua Lý thường tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở các cửa thành của kinh đô và các hội đua thuyền trên sông Hồng. Vua ngự ra điện Linh Quang xem đua thuyền, rồi thưởng lãm nghệ thuật múa rối. Văn bia tháp chùa Đọi cho biết trước mặt vua "ngàn thuyền như chớp giật giữa dòng, muôn trống như sấm vang dậy nước". Sau đua thuyền là biểu diễn múa rối.

Trong các tiết mục múa rối cạn, vua đặc biệt thưởng thức tiết mục Nhà Sư Thỉnh Chuông khá tinh xảo : "Có hai tòa lầu hoa treo chuông vàng, có tượng nhà sư mặc áo người làm ruộng, vặn máy kín thì giơ dùi đánh như thật, nghe tiếng vỗ gươm thì đứng nghiêm trang, trông thấy nhà vua thì khom mình cúi đầu, đều do mẹo mực làm cho sư cử động mềùm mại tự nhiên".

Đến tiết mục múa rối nước Rùa Vàng Phun Nước, tài năng các nghệ nhân rối lại càng cao siêu hơn : "Giữa làn sóng lung linh, rùa vàng lớn nổi lên đội ba ngọn núi trên mặt nước, lừ lừ lộ mai, giơ bốn chân, chuyển động con ngươi nhìn vào bờ, há miệng phun nước. Ngữa trông dải mũ nhà vua, cúi đầu dưới trời lồng lộng. Dàn nhạc tấu khúc Vân Thiều. Các cửa động trên ba ngọn núi cùng mở, các vị thần tiên lần lượt hiện ra, lộng lẫy như cầu vồng trên trời, khác với nét đẹp chốn trần gian, vẫy tay mềm hát bài Gió Về, nhíu mày xanh ca khúc Vận Tốt. Rồi chim quí dàn đội bay lượn nhịp nhàng, hươu lành họp bầy xênh xang nhảy nhót". Qua những mô tả trên đây, của văn bia chùa Đọi có thể nhận biết là múa rối đã phát triển cao từ thời Lý.

Bảy danh nhân thời Lý : bốn vua, một tướng, hai phụ nữ
Lý Thái Tổ (974-1028) có công lớn trong việc dời đô ra Thăng Long (1010), đích thân tổ chức xây dựng kinh thành, cung điện, lập phố xá, xuất vàng bạc của triều đình dựng nên nhiều chùa tháp, đền miếu, chăm lo phát triển văn hóa dân tộc, kiện toàn bộ máy nhà nước, đặt nền móng vững chãi cho một triều đại tồn tại vẻ vang trên 200 năm.

Lý Thái Tông (1000-1059) trị vì 26 năm, tinh thông Phật học, tăng cường tổ chức quân đội, quan tâm củng cố nhà nước pháp quyền nên đã ban bố Hình Thư, bộ luật thành văn đầu tiên của thời đại quân chủ.
 
 
Đền thờ Ỷ Lan 
Lý Thánh Tông (1023-1072) ở ngôi 18 năm, làm được nhiều việc ích nước lợi dân, lập Văn Miếu, xây tháp Báo Thiên, khuyến khích nông nghiệp, có lòng thương dân, có công mở rộng bờ cõi. Chính vị vua này đã đổi tên nước Đại Cồ Việt thành Đại Việt.

Lý Nhân Tông (1066-1128) trị vì suốt 52 năm, lập được nhiều công trạng, sống cần kiệm, ham chuộng văn hóa, tổ chức khoa cử, sáng lập trường đại học để tuyển mộ, đào tạo nhân tài. Là nhà thơ, ông đề cao cả Phật giáo lẫn Lão giáo ; là nhạc sĩ, ông tiếp thu tinh hoa âm nhạc Champa để làm phong phú thêm âm nhạc Việt.

Nhân vật nổi tiếng nhất thời Lý là Lý Thường Kiệt (1019-1105). Ham học và tinh thông võ nghệ, được Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông tin dùng. Từ 1069 đến 1076 ông đã đánh tan quân Champa và quân Tống, góp phần lớn vào sự nghiệp bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt. Hiện nay Lý Thường Kiệt có đền thờ ở Thanh Hóa và Hà Nam. Đặc biệt ở Hà Nam, vùng Thi Sơn, Kim Bảng, nhân dân còn lưu hành điệu hát dậm và múa dậm Quyển Sơn, là những điệu dân ca, dân vũ nổi tiếng được biểu diễn hàng năm tại hội đền Quyển Sơn để vinh danh ông.

Hai người phụ nữ làm rạng danh thời Lý là Ỷ Lan và Lý Ngọc Kiều.

Lý Ngọc Kiều (1041-1113), pháp hiệu Diệu Nhân, là cháu nội của Lý Thái Tông. Góa bụa vào tuổi 21, bà xuống tóc qui y, thọ giới thiền sư Chân Không. Nhờ tinh thông Phật học, bà trở thành vị nữ thiền sư nổi tiếng điều khiển ni viện Hương Hải. Sau đó, bà trở thành người đứng đầu thế hệ thứ 17 của dòng Thiền phương Nam.

Ỷ Lan (?-1117), quê ở hương Thổ Lỗi, lộ Bắc Giang. Từ một có gái hái dâu chăn tằm, nhờ thông minh, tài sắc, nết na, được Lý Thánh Tông đón về cung lập làm nguyên phi Ỷ lan, về sau sẽ làm mẹ của Lý Nhân Tông và được tôn là thái hậu Linh Nhân. Bà đã góp phần cai quản việc nước, thu phục nhân tâm, tạo điều kiện cho Lý Thánh Tông đánh thắng Champa năm 1069. Sau đó bà góp phần cùng Lý Thường Kiệt tổ chức đánh thắng giặc Tống xâm lược năm 1076. Cuối đời bà đi tu, làm việc thiện.

Thơ thiền thời Lý và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam
Hai thời Lý và Trần, thơ văn phát triển khá rầm rộ, có tới vài trăm tác giả, nhưng các cuộc chiến tranh do Trung Quốc và Champa gây ra đã tàn phá một phần lớn sách vở của ta.

Về thơ văn thời Lý, rất may là còn giữ được một số văn bia các chùa, và nhất là tập sách Thiền Uyển tập anh, ghi lại hành trạng của 68 vị thiền sư, cùng 77 bài thơ, bài kệ.

Qua thơ và kệ thời Lý, có thể thấy một hiện tượng văn hóa độc đáo : nhiều bài thơ rất ít khí vị tôn giáo, mà lại nồng nhiệt đề cao thiên nhiên và con người, lại có cả những bài coi thường Phật pháp nữa. Dưới ngòi bút của những vị thiền sư chính cống, thật khó tưởng tượng nổi.

Thiền sư Viên Chiếu (999-1091) xem việc đời và tuổi già không quan trọng bằng một cành mai nở. Kệ "Có bệnh bảo mọi người" (tạm dịch) :

Xuân đi trăm hoa tàn
Xuân tới trăm hoa nở
Việc đời ruổi qua trước mắt
Tuổi già hiện trên mái đầu
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở cành mai
Nữ thiền sư Lý Ngọc Kiều (1041-1113) coi thường Phật và thiền, và đề cao sự im lặng. Kệ "Sinh lão bệnh tử" (tạm dịch) :
Sinh lão bệnh tử là lẽ thường xưa nay
Muốn cầu siêu thoát càng bị trói buộc thêm
Vì mê muội mới cầu Phật, vì lầm lẫn mới cầu thiền !
Chớ nên cầu thiền cầu Phật làm chi
Mà nên mím miệng không nói là hơn
Thiền sư Không Lộ (?-1119) đề cao tình yêu thiên nhiên nơi thôn dã và sức mạnh con người trong vũ trụ. Kệ "Trả lời học trò" (tạm dịch):
Chọn được kiểu đất rồng rắn thật đắc ý
Tình quê vui suốt ngày không chán
Có khi lên thẳng đỉnh núi chơ vơ
Kêu to một tiếng lạnh cả bầu trời !
Thiền sư Bảo Giám (?-1173) đề cao ưu việt của trí tuệ và chỉ ra sự hạn chế của tu hành. Kệ "Cảm hoài" (tạm dịch)
 
Chùa Một Cột qua một tranh cổ 

 
Đạt được chính giác ít khi nhờ vào tu hành
Vì tu hành chỉ là giam cầm cái ưu việt của trí tuệ
Trí tuệ như trăng soi sáng giữa trời
Trí tuệ như cây cỏ sum suê trên ngọn núi phủ khói chiều
Thiền sư Quảng Nghiêm (1121-1190) có lẽ là nhà tu hành thấy rõ nhất khả năng vô hạn của con người vượt xa những ràng buộc của Phật pháp. Kệ "Đừng theo bước Như Lai" (tạm dịch) :
Thoát được tịch diệt rồi hãy bàn chuyện tịch diệt
Vào được cõi vô sinh hãy nói tới vô sinh
Làm trai tự mình có cái chí tung trời
Đừng đi theo bước đi của Như Lai
Chừng ấy tiếng nói thể hiện qua thơ và kệ thời Lý cho thấy tư duy thiền luận đã không ngăn cản các thiền sư ý thức được những điều họ cho là quan trọng nhất : tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống, niềm tin vào khả năng vô hạn của trí tuệ và ý chí, của sức mạnh tự thân con người trước những ràng buộc của siêu hình huyền hoặc nhân danh tôn giáo. Phải chăng họ đã trực cảm được chân lý này : con người mới là người chủ thực sự của vũ trụ ?

Trong thơ thiền thời Lý có cả một chủ nghĩa nhân văn Việt Nam mãnh liệt, điều thật bất ngờ mà rất đáng tự hào.

Lê Văn Hảo
(Paris)


 [  Trở Về  ]