Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]

Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội

Chương 3 - Tranh luận về việc áp dụng chữ quốc ngữ

GS Nguyễn Phú Phong

Sáng chế ra chữ viết để ghi lại một ngôn ngữ là một công việc thuộc lĩnh vực khoa học. Muốn thành công trong việc này, phải biết phân tích hệ thống ngữ âm, nhận diện những âm vị căn bản, lựa chọn những tín hiệu thích nghi và hiệu lợi, v.v. Bằng chứng là riêng chỉ để cải tiến chữ quốc ngữ là một thứ chữ viết đã hình thành và áp dụng từ lâu mà đã phải triệu tập hết hội nghị này đến hội nghị khác, lấy ý kiến các nhà văn, các nhà ngôn ngữ học ( xem Viện Văn Học, 1961 ), rốt cuộc lại kết qủa thật là mỏng manh, chữ quốc ngữ hiện nay vẫn giữ nguyên một số điểm không hợp lý.

Rõ ràng là sáng chế một thứ chữ viết đòi hỏi đến một tư duy khoa học. Nhưng khi đã có chữ viết rồi mà muốn đem ra áp dụng nó thì phải có một quyết định chính trị. Riêng trường hợp chữ quốc ngữ tuy được ra đời công khai từ giữa thế kỷ 17 - có thể lấy năm 1651 năm xuất bản cuốn Dictionarium annamiticum lusitanum, et latinum của A. de Rhodes làm khởi điểm dù rằng công cuộc sáng chế đã phải bắt đầu nhiều năm trước đó - nhưng phải chờ đến khi Pháp chiếm Sài Gòn - Lục Tỉnh thì mới có quyết định dùng chữ quốc ngữ một cách chính thức và rộng rãi.

Quyết định dùng chữ quốc ngữ để ghi viết tiếng Việt thay thế chữ nôm được thể hiện qua việc phát hành tờ Gia Định báo tháng 4, 1865, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt và cũng là đầu tiên dùng chữ viếát theo mẫu tự La-tinh. Và trớ trêu thay đây là tờ báo do chính quyền Pháp ở Nam Kỳ chủ trương, do một người Pháp tên là Ernest Potteaux làm chánh tổng tài ( chức vụ này tương đương với chức chủ nhiệm kiêm chủ bút ). Xin nhắc là vào năm 1865 Việt Nam đã mất ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường về tay người Pháp và đô đốc de la Grandière lúc bấy giờ là thống soái Nam Kỳ ( gouveneur de Cochinchine ).

Thời gian đầu, Gia Định báo phát hành mỗi tháng một số. Mục đích của tờ báo đã được ông G. Rose nêu rõ trong văn thư đề ngày 9.5.1865 gửi Bộ trưởng bộ Thuộc Địa Pháp ( xem Huỳnh Văn Tòng, 1973: 55 ): " Tờ báo này nhằm phổ biến trong giới dân bản xứ tất cả những tin tức đáng cho họ lưu ý và cho họ có một kiến thức về những vấn đề mới có liên quan đến văn hoá và những tiến bộ về ngành canh nông... "

Tờ Courrier de Saigon trong số 7, ngày 5.4.1865 có loan tin số ra mắt của Gia Định báo như sau : " Trong tháng này sẽ có số thứ nhất một tờ báo in bằng tiến An-nam thông thường. Dưới một hình thức thu hẹp ấn bản sẽ gồm các tin tức ở thuộc địa, giá cả nhiều loại hàng và một vài ý niệm hữu ích cho người bản xứ. Tờ báo sẽ ra hàng tháng và sẽ phát không trong các trường học để học sinh khá trong các làng mạc có thể đọc được ..." *

Nhưng trước khi Gia Định báo ra đời, trong chính sách khuyến khích và đẩy mạnh việc dùng chữ quốc ngữ, năm 1861, thống đốc Charner đã cho phát hành cuốn từ điển nhỏ francais-annamite et annamite-francais, 96+157 trang, do viên sĩ quan hải quân Gabriel Aubaret soạn. Đây là cuốn tự điển (hay đúng ra là một cuốn từ vựng) song ngữ hai chiều Pháp-Việt và Việt-Pháp đầu tiên. Như vậy, năm 1651 với cuốn từ điển tam ngữ Dictionarium của A. de Rhodes thì chữ quốc ngữ được hoàn chỉnh để dùng như một công cụ truyền đạo. Mục đích này tuy nhiên không thể làm giảm giá trị khoa học công trình của A. de Rhodes và những người đi trước ông. Còn cuốn từ điển của G. Aubaret đánh dấu thời kỳ bắt đầu dùng tiếng Việt do người Pháp chủ trương trong công việc hành chính ở vùng Pháp chiếm đóng.

Việc dạy tiếng Việt cho các viên chức hành chính Pháp ở Nam Kỳ song song với việc dạy tiếng Pháp cho các thông ngôn người Việt Nam được xúc tiến. Mà dạy tiếng Việt cho người Pháp nên thông qua thứ chữ viết nào, nếu không phải là chữ quốc ngữ là một thứ chữ viết rất gần chữ Pháp, do chính các người Âu Châu đặt ra, thêm nữa rất tiện lợi, dễ học, dễ nhớ hơn nhiều so với chữ nôm ? Việc đem chữ quốc ngữ sử dụng như chữ viết " chính thức " cho tiếng Việt không phải không gây ra một cuộc tranh luận giữa các giới thẩm quyền Pháp ở Nam Kỳ. Sau đây xin lược bày một số ý kiến và quan điểm tiêu biểu.

1. Quan điểm của Luro

Eliacin Luro là thanh tra bản xứ vụ ( inspecteur des affaires indigènes ) trong chính quyền Pháp mới đặt ở Nam Kỳ. Luro còn là tác giả một giáo trình về hành chính Việt Nam dùng cho Trường các viên chức tập sự Pháp ( Collège des stagiaires ). Giáo trình này gồm 45 bài, dày 562 trang, đề cập đến các vấn đề tổ chức chính quyền Việt Nam dưới nhà Nguyễn, vấn đề địa bộ, thuế má, giáo dục, v.v. ( Cours d'administration annamite, Saigon, 1905 ). Qua giáo trình này ta thấy Luro là người thông hiểu khá nhiều về Việt Nam. Bởi vậy ý kiến của Luro về chữ viết và ngôn ngữ ở Việt Nam đáng được lưu ý. Sau đây là những đoạn trích dịch từ bài 38 về giáo dục quốc dân ( instruction publique ) của Luro :

" Trước hết, bắt đầu ta phải gạt qua một bên những tư duy theo kiểu Âu Châu của chúng ta. Chúng ta phải hiểu ngay rằng chúng ta đứng trước một hệ thống chữ viết tượng hình ( hiéroglyphique ) chứ không phải ngữ âm. Trí nhớ cần thiết không còn là trí nhớ thuộc về âm tiếng, trí nhớ về từ, trí nhớ về ngôn ngữ. Chúng ta phải tạo ra một trí nhớ mới; một trí nhớ của đôi mắt, của người họa sĩ [ để học chữ nôm hay chữ Hán, NPP ]... Tất cả cái khó khăn trong việc học [ chữ tượng hình ] nằm trong trí nhớ của hình vẽ, của hình thể, phải vẽ, vẽ không ngừng trong những năm học đầu, đó là bí quyết.

Chúng ta [ chính quyền Pháp ] đã phá bỏ những cái ấy [ cách giáo dục truyền thống của Việt Nam với ông đốc học ở cấp tỉnh, giáo thụ cấp phủ, huấn đạo cấp huyện, với chữ Hán, với tứ thư, ngũ kinh,... NPP chú thích ]. Xuất phát từ cái ý thoạt nhìn có vẻ quyến rũ là không có gì giản đơn hơn việc thay thế hệ tín hiệu tượng hình bằng hệ tín hiệu ngữ âm, chúng ta đã truất bỏ [...] các trường tiểu học tự do kiểu cũ. Thay thế các vị giáo học của các trường theo kiểu truyền thống, chúng ta đưa vào các đứa trẻ được huấn luyện trong những năm đầu của cuộc chiếm đóng, chỉ mới biết đọc, biết viết tiếng thông thường ( langue vulgaire ), và biết bốn phép toán.

Rồi chúng ta bắt mỗi làng phải gửi một số qui định học sinh đến trường [...] Hậu quả là các làng mộ học sinh cho các trường quốc ngữ của chúng ta, kiểu như họ mộ lính, bằng cách trả tiền cho gia đình của học sinh, và công cuộc giáo dục bắt buộc của chúng ta tính như một thứ thuế đánh thêm vào dân.

Học đọc và viết theo ngữ âm là một trò chơi; khi người ta biết đọc biết viết, người ta không biết gì cả vì cũng thể như người ta ở trong tình trạng một con vẹt cầm bút.

Biết đọc biết viết chữ Hán có nghĩa là đã bỏ ra vài năm thời niên thiếu vào những cuốn sách luân lý, lịch sử, học chúng và hiểu chúng. Như vậy thật sự có thể nói rằng [ học chữ Hán là ] đã thu nhận được giáo dục bởi vì các thầy giáo không xao lãng mặt này.

Với hệ thống [ giáo dục ] của chúng ta [...] học sinh ra trường mà chẳng được dạy dỗ về luân lý, và không có một giáo dục nào cả.

Nếu kết quả các trường học của chúng ta thâu lượm được là con số không thì phải dẹp hết chăng ? Chắc chắn là không. Nhưng không nên tạo lập thêm. Phải nâng cao đào tạo giáo viên, bắt họ phải biết tiếng quan thoại như họ hiểu biết tiếng thông thường ( vulgaire ); bắt họ phải dạy hai thứ tiếng đó, hai tiếng này còn cần thiết trong nhiều năm nữa ...

Tôi không muốn sự dùng chữ tượng hình tiếp tục mãi. Nhưng tôi cho rằng muốn phá bỏ ( détruire ) chúng... thì phải hiểu biết chúng để vận động một cách cẩn thận. Tôi nhìn nhận rằng chúng không thể được thay thế hoàn toàn trước khi một ngôn ngữ bình dân hoàn hảo hơn được tạo ra, tôi biết rằng phương tiện duy nhất để chuyển từ tiếng Việt qua tiếng Pháp là việc sử dụng các con chữ la-tinh [...] Sau cùng tôi cho rằng sự thay thế một hệ chữ viết này bằng một hệ khác là không tùy thuộc vào một nghị định của chính phủ mà ý chí sẽ bị tan vỡ trước sức ỳ của dân chúng và trước sức mạnh của sự sử dụng trong thương mãi ...

Thưa các Ngài, nguồn gốc của những sai lầm đó là người ta cứ tưởng là người ta có thể dạy trong vài năm cho một dân tộc quên đi được ngôn ngữ và phong tục của mình ...

Bài này viết cuối năm 1873 và đánh dấu tình trạng giáo dục thời bấy giờ ".

2. Ý kiến của Etienne Aymonier

Aymonier từng làm công sứ Pháp tại Bình Thuận, giám đốc trường thuộc địa, thành viên của Hội đồng Quản trị Hội Pháp-văn Liên-hiệp ( Alliance Francaise), biết tiếng Việt, tiếng Chàm và tiến Khmer. Lập trường của Aymonier là lấy tiếng Pháp thay thế tiếng Hán trên toàn cõi Việt Nam. Dưới đây là những điểm quan trọng trong hai bài viết của Aymonier đã phát hành trong những năm 1886 và 1890.

Trong bài viết năm 1886, có những đoạn như sau :

" Cuộc thống trị của Pháp không thể nào thực hiện được nếu không có một hình thức biểu hiện tiếng An-nam bằng những con chữ Âu Tây... Đứng một bên cái công cụ cần yếu mà không hoàn toàn đó, có cách sử dụng đơn giản nhưng giới hạn đó ( tức là tiếng Việt, NPP ghi chú ), chúng ta cần phải gieo rắc vào người dân An Nam rằng cái nhu cầu hiểu biết một ngôn ngữ bác học, một ngôn ngữ cấp cao; việc không thể chối cãi được là sự học hỏi tiếng Pháp phải chính thức thay thế sự học hỏi tiếng Trung Quốc ."

Trong bài năm 1890, Aymonier đã phát biểu :

" Các nhà truyền giáo, những kẻ phát minh ra chữ quốc ngữ, đã sử dụng thứ chữ viết này để truyền đạo của mình. Chuyện này rất đúng nhưng phải nói thêm rằng công cụ này rất đơn giản, thật tiện lợi cho những ai chỉ nhắm vào một sự dạy dỗ có giới hạn những tư tưởng bình dân, luân lý, hay đạo giáo. Công cụ này không cho tiếp cận những chủ đề cao xa, văn chương hay khoa học.

Vào cái thế mà cuộc đọ sức đáng lẽ phải xảy ra giữa tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc, một bên là biểu hiện cho ảnh hưởng đạo đức trong quá khứ, bên kia đại diện cho sự thống trị ở tương lai; ở cái thế ấy người ta lại đi tìm một kẻ thứ ba, tiến An Nam, mà người ta đem sức ra phát hiện, làm cho thành tựu bằng nhiều hy sinh to lớn.

Có ai nêu ra chuyện phải truất bỏ tiếng An Nam một cách đột ngột hay là từ từ ? Mà việc này có ở trong tầm sức của chúng ta không ? [...] Thực ra, vấn đề được đặt ra là thay thế trong chương trình dạy chính thức, tiếng Trung Quốc, hiện nay được dạy đến tận các thôn quê, bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ của những kẻ đi chinh phục với hậu quả được lường trước là sự sử dụng ngôn ngữ này sẽ toả lan càng ngày càng lớn. Như thế tiếng An Nam sẽ tồn tại trong tình trạng hiện nay, tình trạng hiện có là do sự học hỏi và sử dụng tiếng Trung Quốc trong hàng thế kỷ, tình trạng của một thổ ngữ. Chúng ta hé thấy là tiếng An-Nam sẽ hao mòn nhanh. Các thanh điệu đã mất đi cái sắc sảo của chúng ở Nam Kỳ thuộc Pháp. Về lâu dài trong một tương lai xa, ngôn ngữ này chắc sẽ tắt đi và để lại một số chữ trong tiếng Pháp tương lai của xứ này [...]

... Tôi xin đưa ra lời nguyện ước sau đây :

1. Chương trình dạy chính thức ở Nam Kỳ thuộc Pháp sẽ được đặt cơ sở trong một chừng mực tối đa có thể được, trên sự học hỏi tiếng Pháp.

2. Trên toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp, chính quyền sẽ cho nghiên cứu các phương tiện để thúc đẩy tiếng Pháp (...)

Chớ nên dạy tiếng Pháp cho hàng thân hào, cho giới lãnh đạo, mà phải nhắm vào những đứa trẻ của dân thường, con gái lẫn con trai. Tốt hơn là nhắm vào từng nhóm làng xã, chỗ này chỗ kia, trước tiên là ở những vùng phụ cận những trung tâm Âu Tây, hay trong những làng thiên chúa giáo, ở tất cả những nơi mà thiện chí được bộc lộ Đó là cách mà tôi gọi là cắm ngôn ngữ vào đất bằng cách cho nó bắt rễ."

3.Suy nghĩ của E. Roucoules.

E. Roucoules từng là hiệu trưởng Trung học ( Collège ) Chasseloup-Laubat ở sài Gòn, phó chủ tịch của Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes Indo- Chinoises ) và của Ủy ban địa phương Hội Pháp-văn Liên-hiệp. Trong một bài viết năm 1890, tựa là Le Francais, le quốc-ngữ et l'enseignement public en Indo - Chine.Réponse à M. Aymonier ( Tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và giáo dục quần chúng ở Đông Dương. Trả lời ông Aymonier ), có những suy nghĩ và nhận xét như sau :

" Chữ viết này ( tức chữ quốc ngữ ) trên mọi mặt là tối ưu, và chúng ta sẽ sai lầm nếu không dùng đến nó.

Phải chăng là đã đạt đến một điểm lớn nếu có thể cho cả một dân tộc có khả năng trong vòng vài tuần lễ học viết được một ngôn ngữ nói thật thông thường... cũng như một ngôn ngữ hằng ngày, [... ]

Người An Nam viết và viết rất nhiều. Số lượng thư từ mà họ gởi cho nhau nhiều vô số và số tiền bưu điện thu vào gia tăng rất đều là một chứng cớ về cái nhu cầu trao đổi giữa họ với nhau.

[...] Ta không thể cho rằng tiếng An Nam thông tục có khả năng dùng vào các lập luận trừu tượng hay khoa học. Nhưng việc dạy ở cấp [ cao ] đó chỉ có thể dành cho những phần tử tinh hoa trong dân chúng, và thực hiện bằng tiếng Pháp, bằng tiếng Pháp đúng đắn và chân chính [ ... ]

Sự dùng chữ quốc ngữ như chúng tôi đề ra đem đến một cái lợi tức khắc là không làm gián đoạn với quá khứ và những thói quen.

Chúng tôi đã thu tóm vai trò chữ quốc ngữ đúng vào cái giá trị của nó, vai trò của một khí cụ tiện lợi và cần thiết. Và đó là vai trò duy nhất mà nó có thể cáng đáng được.

... Chúng ta đừng quên rằng vào năm 1874, đề đốc Dupré đã muốn thử truyền bá tiếng Pháp và làm tỏa rộng sự phổ biến chữ quốc ngữ, chữ viết này đã được chính các nhà truyền giáo tạo ra và bày dạy; nhưng lúc bấy giờ thì chính họ chống đối việc dạy này và gây ra nhiều xung đột và vì thế chính quyền cao cấp của Đề đốc - Toàn quyền phải can thiệp.

... Không thể trông cậy vào một sự giúp đỡ hữu hiệu từ những người [ ... ] mà tinh thần đoàn thể chống lại việc truyền bá thứ chữ viết mà chính họ tạo nên, khi họ nhận thấy rằng nếu vào tay kẻ khác, thứ chữ viết này có thể làm nảy sinh ra một sự cạnh tranh đối với ảnh hưởng của họ."

4. Nhận xét về ý kiến của các viên chức Pháp

Trước hết ta nhận thấy ngay rằng các viên chức Pháp thời ấy xem thường tiếng Việt, cho ngôn ngữ này là vulgaire( có thể tạm dịch là thông tục, tầm thường, NPP), không đủ sức để diễn tả những tư tưởng trừu tượng, ý hẳn là muốn so sánh với tiếng Hán và tiếng Pháp, là những ngôn ngữ lớn, đầy đủ. Cái nhìn này đúng là cái nhìn của những kẻ đi chinh phục, nhưng cũng có cơ sở vì cho tới thời điểm này dưới thời các triều đại vua chúa Việt Nam, tiếng Trung Quốc vẫn được xem trọng, được dùng trong công việc hành chính,sao viết sử sách, nói tóm lại như một ngôn ngữ chính thức, một ngôn ngữ ngoại giao, một ngôn ngữ của hạng trí thức học giả. Người ta vẫn cho chữ Hán là chữ ( của đạo ) nho, chữ của thánh hiền.

Mục đích chính trong chính sách ngôn ngữ của chính quyền Pháp khi mới chinh phục Nam Kỳ không phải là xúc tiến phát triển tiếng của người bản xứ, tức là tiếng Việt, mà là nhắm truyền bá giảng dạy tiếng Pháp cho người dân mới bị chinh phục với ý đồ là tiếng Pháp sẽ dần dần thay thế tiếng Hán trong lãnh vực văn thư hành chánh, ngoại giao, sử liệu, ở cấp trung đại học..., nghĩa là tiếng Pháp phải trở thành ngôn ngữ của giới hành chánh và trí thức Việt Nam. Để lấp bằng sự thiếu thốn về phương tiện ( cần ngân sách to lớn để tăng thêm số giáo viên Pháp ) E. Aymonier ( 1890 : 34 ) không ngần ngại đề nghị dạy một thứ tiếng Pháp giảm gọn, đơn giản hoá đến mức quái gở.

" Tôi [ Aymonier ] đề nghị tạm bỏ đi trong tiếng Pháp những điều không theo quy tắc chính tả, những khó khăn văn phạm, số lớn những từ đồng nghĩa và những từ trừu tượng, hầu hết các phép chia động từ ( ngoại trừ ở một số ngôi thứ ba số ít, và các động từ không ngôi ), như vậy sẽ còn lại một tiếng nói giảm gọn, " mọi (nègre)" chúng ta có thể hiểu thế, có dáng điệu nói của tỉnh lẻ, nhịp nhàng, nhưng cũng đủ để diễn tả những tư tưởng cụ thể. Ví dụ như từ amour sẽ loại bỏ đi vì có thể dùng aimer thay thế; parler dùng thay cho parole ."

Nhưng dù muốn dù không, chính quyền thuộc địa Pháp vẫn có nhu cầu cho các viên chức của mình học tiếng Việt để tiếp xúc với dân bản xứ, và thi hành công cuộc cai trị những lãnh thổ vừa mới chiếm. Đối với người Pháp, lẽ dĩ nhiên, việc học tiếng Việt sẽ dễ dàng qua chữ quốc ngữ hơn là chữ nôm. Xin nhắc là trong thời gian đầu chinh phục Việt Nam, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ đều nằm trong tay các đô đốc hải quân. Trong tình hình này, ta không lấy làm lạ là cuốn từ điển song ngữ Pháp - Việt đầu tiên được xuất bản là do một quân nhân, đại úy hải quân Gabriel Aubaret làm tác giả. Đó là cuốn Vocabulaire Francais - Annamite et Annamite - Francais, Bangkok, 1861, dày 157 trang.

5. Sự đề kháng của chữ nôm

Trước tình thế nhà cầm quyền Pháp tỏ vẻ ủng hộ chữ quốc ngữ, tức là chữ viết theo con chữ La Tinh của tiếng Việt, thì giới nhà nho, tức tầng lớp trí thức Việt Nam lúc bấy giờ nghĩ sao ? Tất nhiên là họ chống đối vì nhiều lẽ.

Thứ nhất vì chữ quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang và cũng là công cụ truyền đạo thiên chúa. Ví dụ như Nguyễn Đình Chiểu không chịu chấp nhận một thứ chữ viết được đồng hoá với những kẻ xâm lược.

Nét độc đáo của thời Nguyễn Đình chiểu là tuyệt đại đa số các tác giả yêu nước và chống Pháp đều sáng tác bằng chữ nôm (xem Nguyễn Đình Chiểu, 1973, tr.9) Chữ quốc ngữ còn có khi được gọi là " tây quốc ngữ tức là tiếng nói được viết ra bằng các con chữ Âu Châu " (P.G.V. ,1897, VI). Mà tên gọi này thì quá lộ liễu, nói lên rõ ràng nguồn gốc của thứ chữ viết này, khiến các nhà thức giả Việt Nam thời ấy khó có thể dùng nó để viết bài kêu gọi dân chúng chống ngoại xâm. Dùng chữ viết trở thành biểu tượng của một thái độ chính trị.

*

[ Trang trước ] / [ Trang sau]




Trở Về   ]