Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả
 
Thăng Long  tứ trấn & tứ quán

Phanxipăng

Đề cập Hà Nội xưa, thiên hạ vẫn nhắc Thăng Long tứ trấnThăng Long tứ quán. Tuy nhiên, về hai danh mục di tích lịch sử - văn hoá đặc sắc này, hiện có rất nhiều người (kể cả dân thủ đô) hoặc thiếu am tường, hoặc thường... nhầm lẫn!
4 + 4 = 7

Một trong những lý do khiến đông người nhầm lẫn: hai danh mục mang tên gọi hao hao nhau. Lại thêm, tổng số di tích của hai bộ tứ không phải 8, mà là... 7!

Đơn giản vì đền Quan Thánh còn gọi quán Trấn Vũ đều thuộc cả hai danh mục.

Thăng Long tứ trấn gồm 4 ngôi đền thờ 4 vị thần trấn giữ 4 hướng của kinh thành xưa: đền Quan Thánh, đền Kim Liên, đền Bạch Mã và đền Voi Phục.

Thăng Long tứ quán gồm 4 toà điện thờ hệ thống thần linh thuộc đạo Lão: quán Trấn Vũ, quán Huyền Thiên, quán Đồng Thiên và quán Đế Thích.

7 nơi này đều đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
 
Thăng Long tứ trấn

Đền Quan Thánh hiện toạ lạc cuối phố Quan Thánh, tiếp giáp đường Thanh Niên, thuộc quận Ba Đình, cạnh hồ Trúc Bạch và hồ Tây. Lẽ ra phải được gọi Quán Thánh, vì đây là một "quán" (sẽ nói rõ sau) thờ thánh Trấn Vũ / Chân Vũ / Huyền Vũ.

Trên cổng đền có tạc 3 chữ Hán 真 武 觀 Chân Vũ quán. Sát nóc tiền đường, tấm hoành phi sơn son thếp vàng khắc 3 chữ Hán  鎮 武 觀 Trấn Vũ quán.

Thánh Trấn Vũ là Văn Xương Đế Quân, một hình tượng linh thiêng do sáp nhập hai nhân vật thần thoại - truyền thuyết Trung Hoa và Việt Nam. Với Trung Hoa, đó là vị thần "quy xà hợp thể" (kết hợp rùa với rắn) được Ngọc Hoàng giao nhiệm vụ trấn giữ phương Bắc; có khả năng trừng trị loài hồ tinh quấy nhiễu lương dân. Với Việt Nam, đó là vị thánh ở núi Sái, còn gọi núi Quy Mẹ, ở huyện Đông Anh, Hà Nội, từng giúp An Dương Vương trừ khử ma quái nhằm xây dựng thành Cổ Loa.

Pho tượng Trấn Vũ trong đền Quan Thánh được đúc bằng đồng, cao 3,96m, nặng cỡ 4 tấn. Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì đền lẫn tượng được tạo lập vào đời Lê Vĩnh Trị, tức giai đoạn 1676 - 1680. Tượng thể hiện một đạo sĩ nai nịt gọn gàng, ngồi xoã tóc, tay trái bắt quyết (an uỷ quyết), tay trái nắm thanh gươm có rắn quấn và tì lên lưng rùa. Tác phẩm rất tinh xảo, phản ánh trình độ nghệ thuật điêu khắc cũng như kỹ thuật đúc kim loại của nước ta từ 4 thế kỷ trước. Được đúc cùng thời gian với tượng là quả chuông đồng cao xấp xỉ 1,5m hiện treo trên gác tam quan nơi nghi môn. Quả chuông ấy đã vang vọng âm thanh vào bài thơ lục bát của Dương Khuê mà lâu nay vẫn được dân gian truyền tụng y hệt bài ca dao quen thuộc:
 

Phất phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mùng khói toả ngàn sương,
Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây hồ.


Tương truyền đền Quan Thánh có từ thế kỷ XI, ngay sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Song diện mạo hiện thấy cơ bản do lần đại trùng tu vào năm Quý Tị 1893, niên hiệu Thành Thái thứ V. Đền Quan Thánh được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá ngày 28-4-1962.

Đền Voi Phục cũng ở quận Ba Đình, trong địa bàn phường Ngọc Khánh, thuộc khu vực công viên Thủ Lệ. Tên khác của di tích này là đền Linh Lang, vì đây thờ Linh Lang Đại Vương trấn giữ phía tây kinh thành Thăng Long. Soạn sách Người và cảnh Hà Nội (NXB Hà Nội, 1982), Hoàng Đạo Thuý ghi: "Sự thật, Linh Lang là ông hoàng Bẩy đời Lý. Mẹ ông đi mò ốc ở hồ Tây, bị vua chấm. Đến lúc có mang lại bỏ. Bà về nuôi con khôn lớn, làm nhà cho con học ở Tào Sách, trên quán La, bờ hồ Tây. Khi giặc Tống đến, ông đi đánh, lập công to. Bấy giờ vua mới nhận và phong cho là Dâm Đàm Vương. Dâm Đàm là tên cũ của hồ Tây. Nhưng ông hoàng không thích giàu sang, vẫn cứ sống đời bình thường. Khi ông mất, nhà vua trao cho một trại giữ lệ cúng giỗ, vì thế trại lấy tên là Thủ Lệ. Nay khu đền thành công viên".

Linh Lang Đại Vương đời Lý tức ông hoàng Bẩy có họ tên Lý Hoằng Chân. Thân mẫu của hoàng tử là Cảo Nương.

Cổng đền có cặp voi đá tư thế quỳ, nên dân chúng quen gọi đây là đền Voi Phục. Ngay tại cổng đền Voi Phục, quân dân ta từng lập chiến công oanh liệt trong trận đấu chống thực dân Pháp ngày 21-12-1873: lấy đầu trung uý Adrien Paul Balny d'Avricourt, phó thuyền trưởng. Cũng thời điểm nọ, thiếu tá hải quân Francis Garnier bị tử thương nơi cầu Giấy, gần đền Voi Phục.

Được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá ngày 28-4-1962, đền Voi Phục vừa đề cập còn được gọi Voi Phục Thủ Lệ để phân biệt với đền Voi Phục ở Thuỵ Khuê tức Voi Phục Thuỵ Khuê.

Đền Voi Phục Thuỵ Khuê được dựng vào cuối thế kỷ XV, cuối triều Hồ, đầu triều Lê, thờ Linh Lang Đại Vương đời Trần, được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá ngày 21-1-1986.

Đền Bạch Mã toạ lạc trên phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Theo sách Hà Nội nghìn xưa của Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán (Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, 1975) thì "đó là đền thờ thần chính khí Long Đỗ, hay Tô Lịch giang thần, hay thành hoàng Hà Nội gốc".

Vì sao nơi thờ thần Long Đỗ lại được gọi đền Bạch Mã ?

Truyền thuyết kể rằng Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La, tức Hà Nội, vào năm Canh Tuất 1010, nhưng kế đó đắp thành Thăng Long mãi không được vì cứ đắp lại lở. Vua sai người tới đền cầu đảo, liền thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi đến đâu để dấu chân đến đấy, xong ngựa về lại đền rồi... biến mất. Vua theo dấu vó ngựa mà xây thành đắp luỹ thành công. Do đó, vua tôn thần Long Đỗ làm Quốc Đô Định Bang Thành Hoàng Đại Vương, và kính cẩn gọi đền bằng hiệu Bạch Mã. Nếu vậy, đền đã xuất hiện từ thế kỷ XI ư? Tương truyền đền Bạch Mã đã có từ thế kỷ IX, trong thời Bắc thuộc, bị Cao Biền dốc sức yểm không nổi nên phải phụng thờ. Thần Long Đỗ trấn giữ phía Đông thành Thăng Long.

Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng đền Bạch Mã vào danh mục di tích lịch sử - văn hoá ngày 12-12-1986.

Đền Kim Liên còn được gọi đền Cao Sơn, thờ Cao Sơn Đại Vương trấn giữ phía nam thành Thăng Long. Kim Liên là địa danh chỉ làng cổ, nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa. Tương truyền thần Cao Sơn từng giúp Sơn Tinh thắng Thuỷ Tinh.

Một số tài liệu cho rằng đền Kim Liên được khởi lập năm Canh Ngọ 1510, đời vua Lê Tương Dực. Năm 1946, toàn quốc kháng Pháp, đền Kim Liên bị cháy trụi.

Ngày 9-1-1990, Bộ Văn hoá Thông tin công nhận đền Kim Liên là di tích lịch sử - văn hoá. Năm 2000, đình Kim Liên được tôn tạo, phục chế.
 
Thăng Long tứ quán

Chùa là nơi thờ Phật và Bồ Tát, nơi tăng ni tu tập. Quán là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân và một số tiên thánh, nơi đạo sĩ hành trì Lão giáo.

Lão giáo - còn được gọi Đạo giáo - là tôn giáo được Trương Đạo Lăng khai sáng tại Trung Hoa vào đời Hán Thuận Đế (126 - 144). Du nhập vào Việt Nam, Đạo giáo có những yếu tố hoà quyện với tín ngưỡng thánh thần bản địa, mà quán Trấn Vũ tức đền Quan Thánh là ví dụ.

Trên tinh thần "tam giáo đồng nguyên" bao gồm Nho, Phật, Lão, Đạo giáo phát triển ở nước ta đến hết thời nhà Mạc. Sang thời Lê trung hưng, Đạo giáo dần suy thoái và hầu hết các quán đã Phật giáo hoá, trở nên chùa. Bốn đạo quán lớn ở Thăng Long cũng nằm trong xu thế nọ, chỉ trừ Trấn Vũ.

Quán Huyền Thiên được khởi tạo vào thời Lý, định hình kiến trúc như hiện nay vào thời Nguyễn, biến thành chùa Huyền Thiên nằm ở 54 phố Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm, đối diện chợ Đồng Xuân. Không chỉ thờ Phật và Bồ Tát, chùa còn có điện thờ Huyền Thiên Trấn Vũ.

Quán Đồng Thiên biến thành chùa Kim Cổ nằm ở số 73 phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm. Tương truyền tại khu vực di tích này từng được vua Lý Thánh Tông xây cung Ỷ Lan để giai nhân làng Sủi từ Bắc Ninh về ở. Ỷ Lan đã sinh con trai, sau trở thành vua Lý Nhân Tông. Cung Ỷ Lan đã trở nên đình Tạm Thương bên phải chùa. Nơi đây có một cặp câu đối đề cập Đồng Quán tức quán Đồng Thiên:
 

Kim Cổ danh lam sắc tướng huy hoàng thiên cổ tự;
Đồng Quán thắng tích từ bi phổ độ thập phương dân.
Nghĩa: Danh lam Kim Cổ cảnh sắc huy hoàng nơi chùa cổ;
Thắng tích Đồng Quán từ bi phổ độ khắp mười phương.


Quán Đế Thích biến thành chùa Hưng Khánh, còn gọi chùa Vua, nằm ở 17 phố Thịnh Yên, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Thực ra, chùa Vua là tên gọi chung cụm di tích hiện tại gồm chùa Hưng Khánh và điện Thiên Đế. Chính toà điện này là vết tích quán Đế Thích thuở xưa. Tương truyền thời Lê có ông hoàng nọ theo đạo Lão, lại là tay cực kỳ mê cờ tướng, rất hâm mộ "siêu cao thủ" Đế Thích, bèn tạo lập quán Đế Thích trên vùng đất trước đó từng dựng cung Thừa Lương.

Nguyên gốc, trong Ấn Độ giáo, Đế Thích là thần Indra - thần mưa, thần sấm sét, thần chủ các thần trên thế giới. Đế Thích đã được Phật hoá và Đạo hoá. Với Phật giáo, Đế Thích sai phái Cửu Long / 9 rồng xuống trần mừng đấng Thế tôn đản sinh. Đạo giáo thì chuyển hoá Đế Thích thành Ngọc Hoàng Thượng Đế. Trong tư duy dân gian phương Đông, trong đó có Việt Nam, Đế Thích lại là vua cờ tướng.

Điều thú vị là hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, chùa Vua tưng bừng mở hội thi đấu cờ tướng suốt 4 hôm ròng, từ mùng 6 đến mùng 9 tháng giêng âm lịch, để mừng ngày Đế Thích đản sinh. Cổ lệ quy định: kỳ thủ nào đoạt chức vô địch 3 năm liền thì được vinh hạnh khắc tên vào bia đá đặt sẵn ở bi đình. Hội cờ tướng chùa Vua thường thu hút đông đảo khách thập phương, không chỉ những kẻ mê tướng-sĩ-tượng-xe-phao-mã, mà còn hấp dẫn giai nhân tài tử ngoạn du dịp tân xuân.
 

Phanxipăng

Đã đăng Tài Hoa Trẻ 132 & 133 (11-2000)
Đăng lại trên Thế Giới Mới 768 (7-1-2008)
Truyền vào mạng Chim Việt Cành Nam 26-9-2010



Đền Quan Thánh tức quán Trấn Vũ.
Ảnh: Phanxipăng

Đền Voi Phục Thủ Lệ.
Ảnh: Phanxipăng

Phanxipăng viếng đền Voi Phục Thuỵ Khuê.
Ảnh: Quế Chi

Quán Đồng Thiên nay là chùa Kim Cổ.
Ảnh: Thiện Tâm

Quán Đế Thích còn gọi chùa Vua.
Ảnh: Phanxipăng