Dù ai đi ngược, về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3.
Khắp miền truyền mãi câu ca,
Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm.
Ca dao
Là người Việt Nam, ít nhất một lần trong đời nên ghé tỉnh trung du Phú Thọ, lên núi Nghĩa Lĩnh, thăm viếng đền Hùng. Xuất phát từ thủ đô Hà Nội, có thể đáp tàu lửa, hoặc phóng ô tô, hoặc cưỡi môtô. Chuyến hành hương diễn ra vào mùng 10 tháng 3, đúng kỳ giỗ Quốc Tổ, chắc chắn càng đông vui, càng đậm đà ý nghĩa.

Trẩy hội đền Hùng

Vượt sông Lô, qua khỏi trung tâm thành phố Việt Trì một quãng 10km, đã thấy núi Nghĩa Lĩnh - còn gọi núi Nghĩa Cương / núi Hy Cương / núi Cổ Tích / núi Cả / núi Hùng - hiện ra. Đó là ngọn núi cao 175m đột khởi giữa vùng gò đồi um tùm cây cối. Các nhà nghiên cứu thực vật đã thống kê được 636 loài cây thuộc 429 chi của 144 họ sinh trưởng ở đây. Cũng tại đây, liên tiếp mấy chục năm nay, các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện và khai quật hàng loạt di chỉ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt sớm. Những chiếc cuốc đá, lưỡi cày đồng, liềm hái đồng thau, rìu sắt, cùng đồ trang sức - như chuỗi hạt, khuyên tai, vòng tay, v.v. - đang được trưng bày trong Bảo tàng Hùng Vương dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Ấy là những di vật quý báu, góp phần minh chứng sự tồn tại của thời đại vua Hùng được xem cắm mốc khai sáng tiến trình lịch sử Việt Nam.
 
Phanxipăng trước cổng Cao sơn cảnh hành dịp giỗ Quốc Tổ. 
(Ảnh: Nguyễn Văn Lự )

Cổng chính dẫn lên đền Hùng được xây dựng năm Đinh Sửu 1817, niên hiệu Khải Định II, có hoành phi 髙山景行Cao sơn cảnh hành. 4 đại tự kia cô đúc đôi dòng Kinh Thi: Cao sơn ngưỡng chỉ; cảnh hành hành chỉ. Nghĩa: Núi cao, ta ngẩng trông; đường rộng, ta đi tới. Cổng chính còn câu đối:

拓始開基四顧山河歸本籍
登高望遠群峰羅列敘兒孫

Phiên âm:

Thác thuỷ khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch;
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn.

Chưa rõ ai dịch:

Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối;
Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con.

Lần đầu tôi viếng đền Hùng vào năm 1981, lúc còn học khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Lại Thị Bích Tuyết - cô bạn sinh viên cùng lớp độ ấy - là người quê đất Tổ đã tặng tôi cuốn Truyền thuyết Hùng Vương  do Nguyễn Khắc Xương chủ biên và Hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú xuất bản năm 1979, nhằm giúp tôi tìm hiểu thêm nội dung cặp câu đối vừa dẫn.

Theo truyền thuyết thì vua Hùng đi rất nhiều nơi để tìm đất đóng đô cho quốc gia Văn Lang, cuối cùng chọn miền Phong Châu và đặt cung nơi núi Nghĩa. Một trăm con voi từ khắp cả nước rủ nhau về chầu mừng, tất cả phủ phục quanh núi Nghĩa y như đàn con nằm quanh mẹ. Vua rất ưng ý. Chợt một con voi rời bầy, quay đuôi, ngoảnh đầu phương khác. Vua đùng đùng nổi giận, gọi con gái là công chúa Bầu, trao nàng kiếm báu rồi hạ lệnh xử trảm con voi bất nghĩa. Công chúa Bầu cất tiếng luận tội voi, đoạn vung kiếm bổ một nhát vỡ sọ voi. Từ bấy trở đi, con voi bất nghĩa vẫn đứng trơ chịu tội với dòng máu đỏ rỉ ra từ cổ và hộp sọ bị toác một góc. Đó chính là quả đồi thuộc địa phận xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh. Còn 99 con voi thuận nghĩa thuận tình là hệ thống các ngọn đồi to nhỏ nhấp nhô quanh đền Hùng.
 

Lăng Hùng Vương. 
(Ảnh: Thanh Dần)
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn. 
(Ảnh: Phanxipăng )

Di tích đền Hùng gồm 5 hạng mục chính: chùa Thiên Quang, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng.

Leo 225 bậc thềm vắt triền non, hai bên rợp bóng cổ thụ, khách đặt chân tới chùa Thiên Quan và đền Hạ. Tương truyền đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra cái bọc 100 trứng, nở thành 100 chàng trai và cô gái khổng lồ, thông minh, xinh đẹp. Ấy là tổ tiên của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Leo tiếp 168 bậc thềm nữa, khách đến đền Trung. Truyền thuyết kể rằng tại địa điểm này, xưa kia vua Hùng thường triệu tập các Lạc hầu và Lạc tướng họp bàn việc nước. Đây cũng là nơi Lang Liêu từng dâng bánh chưng, bánh dầy.

102 bậc thềm cuối cùng đưa khách lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thăm đền Thượng tức Kính Thiên Lĩnh Điện. Dân địa phương gọi đó là  " ngôi điện chính giữa chín tầng mây " và bảo rằng thuở trước là toà miếu do đích thân vua Hùng đời thứ VI lập để thờ ông Gióng / Dóng tức Phù Đổng Thiên Vương - vị anh hùng chiến thắng giặc Ân xâm lược. Miếu điện nọ bây giờ trở thành chốn thờ 18 vị vua Hùng, mặt tiền nổi bật bức hoành phi 南越肇祖 Nam Việt triệu tổ. Có một công trình nhỏ nằm chếch bên đền Thượng, mang tính tượng trưng song rất trang nghiêm: lăng Hùng Vương. Cạnh đây còn cột đá thề, tương truyền do Thục An Dương Vương dựng lên sau khi được vua Hùng đời thứ XVIII nhường ngôi, với lời thề: " Nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám xét soi, xin đời đời giữ gìn non sông bền vững và trông nom miếu vũ họ Hùng ". Cột đá ấy ghi dấu sự ra đời một Nhà nước mới, kế tục Nhà nước Văn Lang: Nhà nước Âu Lạc.

Từ đền Thượng, lần theo con đường uốn lượn quanh co xuống đền Giếng, khách có thể vừa chạm tay vừa ngắm nghía giếng Ngọc. Dân gian tin rằng xửa xưa, bên miệng giếng kia, hai nàng công chúa đảm đang và xinh đẹp nổi tiếng của vua Hùng là Mỵ nương Tiên Dung và Mỵ nương Ngọc Hoa ngày ngày vẫn đến soi bóng mà chải tóc.

Trên đỉnh núi Vặn, còn gọi Ốc sơn, cao 171m so với mặt biển, cách núi Nghĩa Lĩnh 1km, có đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Đền này được khởi dựng ngày 18-9-2001, khánh thành ngày 18-1-2005. Đó là công trình thiết kế của kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương (con trai của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính và cháu nội của "thủ lĩnh phong trào Hướng đạo Việt Nam" là Hoàng Đạo Thuý), đã nhận giải thưởng Kiến trúc Việt Nam năm 2004. Lễ giỗ Quốc Tổ vào năm 2008, tôi cùng Nguyễn Văn Lự - giáo viên Văn trường PTTH Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc - lên thăm đền này. Lự thở phì phò, vuốt mái tóc ướt đẫm mồ hôi:

- Nếu lắp cáp treo từ núi Nghĩa sang núi Vặn thì quá tốt, nhất là với quý cụ già và các sản phụ.

Tôi cười:

- Lắp cáp treo không chỉ từ núi Nghĩa sang núi Vặn, mà sang cả núi Sim, nơi có đền thờ Tổ Phụ Lạc Long Quân.

Đền thờ Tổ Phụ Lạc Long Quân được khởi dựng trên đỉnh núi Sim ngày 26-3-2007 và khánh thành ngày 29-3-2009.

Cần thêm rằng tại TP. Việt Trì - tỉnh lị Phú Thọ - còn có Bảo tàng Hùng Vương với tổng vốn đầu tư hơn 165 tỉ đồng, gồm 19 hạng mục được xây dựng trên diện tích 15.732m2, đã động thổ ngày 25-12-2007, vừa khánh thành sáng 14-4-2010.

Dăm chuyện gần xa

Về vấn đề niên đại thời Hùng Vương, nhiều nhà nghiên cứu trong lẫn ngoài nước từ lâu đã dày công khảo sát.

Giở lại thư tịch cổ, chúng ta biết rằng đến thời Trần, thế kỷ XIV, thì các mẩu chuyện về họ Hồng Bàng mới được Lý Tế Xuyên và Trần Thế Pháp lần đầu tiên ghi chép thành văn trong pho sách Việt điện u linh Lĩnh Nam chích quái. Sách ấy, qua thời Lê, thế kỷ XV, tiếp tục được Vũ Quỳnh và Kiều Phú san nhuận, bổ sung. Cũng thời Lê, quan Lễ bộ Tả thị lang Ngô Sĩ Liên mới chính thức đưa thời Hùng Vương vào bộ Đại Việt sử ký toàn thư . Một bộ sử biên niên của tác giả khuyết danh viết vào thời Trần, bộ Việt sử lược, từng đề cập tới thời Hùng Vương. Thư tịch này thực sự được chú ý rộng rãi từ năm 1960, sau khi NXB Văn Sử Địa ở Hà Nội ấn hành bản dịch của Trần Quốc Vượng. Sách có đoạn: "Đời Trang Vương nhà Chu (698 - 692 trước Công nguyên), ở bộ Gia Minh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương".

Nếu vậy, thế kỷ VII trước Công nguyên là niên đại khởi đầu thời các vua Hùng có logic nội tại khả dĩ chấp nhận: với độ dài khoảng 450 ~ 500 năm cho 18 đời vua Hùng, thì mỗi vị vua cai trị bình quân 25 năm. Khung thời gian này tương ứng niên đại văn hoá khảo cổ học Đông Sơn, giai đoạn mà công cụ bằng đồng hoàn toàn chiếm ưu thế về mặt số lượng lẫn chất lượng so với công cụ bằng đá. Theo tài liệu Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thuỷ đến 1858) do Viện Sử học biên soạn (NXB Giáo Dục, 2001; trang 10), ấy là " khoảng 2.700 năm trước ".

Như thế, chuỗi từ quá quen thuộc "4.000 năm văn hiến" cần phải hiệu chỉnh.

Cũng từ thập niên 1960, nhiều vấn đề về thời đại Hùng Vương đã được tập trung nghiên cứu, mà 4 tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước do NXB Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội ấn hành vào các năm 1970, 1972, 1973 và 1974 có thể xem là thu hoạch đáng phấn khởi. Mùa giỗ Quốc Tổ năm 1971, cuốn sách Thời đại Hùng Vương do tập thể tác giả Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng hợp soạn, được ấn loát, rồi được bổ sung nhằm tái bản vào năm 1976. Năm 1982, NXB Thanh Niên "trình làng" sách Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước của Lê Văn Hảo. Từ ấy đến nay, nhờ nghiên cứu tổng hợp, toàn diện, liên và xuyên ngành - thư tịch học, cổ sử học, khảo cổ học, folklore học, nhân chủng học, dân tộc học, ngôn ngữ học, v.v. - nên công cuộc "giải ảo hiện thực" về thời đại vua Hùng dần đạt lắm kết quả thuyết phục.

Gần đây, một số trí thức trẻ ngoại quốc như K. Taylor (Hoa Kỳ) và I. Sakurai (Nhật Bản) bảo vệ thành công luận án sử học với đề tài Việt Nam, đều khẳng định vua Hùng là tổ tiên bắt đầu dựng nước trước Công nguyên, và thế hệ các nhà quý tộc Lạc đã hình thành truyền thống tâm linh sâu xa cho cộng đồng dân Việt.

Kể từ năm Nhâm Ngọ 2002, Chính phủ Việt Nam đã quyết định chọn ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch làm quốc lễ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ là ông Trần Kim Thau cho biết:

- Công việc chuẩn bị cho ngày quốc lễ đầu tiên, 22-5-2002, được tiến hành rất khẩn trương. Nội thất các đền Thượng, Trung, Hạ, Giếng và chùa Thiên Quan được tu bổ đàng hoàng. Đồng thời, hoàn tất bãi đỗ xe đủ chỗ cho 500 ô tô.

Năm Đinh Hợi 2007, Chính phủ tiếp tục quyết định: cán bộ công nhân viên chức lẫn sinh viên và học sinh cả nước đều được nghỉ ngơi vào ngày giỗ Quốc Tổ, nên chuyến hành hương đền Hùng dịp mùng 10 tháng 3 thêm thuận lợi.

Năm Canh Dần 2010, tại Phú Thọ, lễ hội đền Hùng được tổ chức lớn nhất từ trước đến nay với quy mô cấp quốc gia, kéo dài 10 ngày. Khai mạc từ mùng 1 tháng 3 âm lịch nhằm thứ tư 14-4-2010, lễ hội năm nay gắn liền ngày hội văn hoá - thể thao - du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII, tôn vinh thời đại vua Hùng và hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hân hoan trẩy hội, chắc chắn ai nấy - nhất là con Lạc cháu Hồng - thảy đều phấn khởi, chẳng hạn lúc nghe trai thanh gái lịch cất giọng dân ca ngọt lịm:

Này anh, này em, cùng lên
Lên non Cổ Tích, viếng đền Hùng Vương.

Người Mường múa chàm đuống / 
đâm đuống (giã cối) tại lễ hội đền Hùng. 
(Ảnh: Phanxipăng)
Đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 881 (26-4-2010)