Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

THỨC TỈNH TRƯỚC MỘT NỀN GIÁO DỤC
KHOA CỬ TỪ CHƯƠNG
Trần Viết Ngạc
Chỉ sau kỳ thi hội đầu tiên 1822, ba khoa thi hương dưới triều Gia Long (1807, 1813, 1819) và khoa thi hương đầu tiên dưới triều Minh Mạng (1821), vua Minh Mạng đã nhận ra nền giáo dục đương triều là một nền giáo dục từ chương khoa cử: học chỉ cốt thi cho đỗ và khẳng định nền giáo dục ấy không thể đào tạo nhân tài cho đất nước.
"Đạo trị nước thì trước hết phải gây lấy nhân tài ... mà nay sĩ phu trong nước chỉ học theo lối cử nghiệp nghĩa là cốt học lấy thi đổ, chứ không mấy người có thực học
...
Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm.

Trẫm nghĩ văn chương vốn không có qui củ nhất định, mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hủ sáo, khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó, khoa tràng lấy hay bỏ cũng do tự đó.

Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi, song tập tục đã quen rồi, khó đổi ngay được. Về sau nên dần dần đổi lại" . (1)

Tập tục đã quen rồi! Lối học cử nghiệp này đã có từ hàng trăm năm trước trong thời Lê Trịnh ở Đàng Ngoài

Tác giả Hoàng Việt văn tuyển, Hoàng Việt thi tuyển, Đình nguyên hoàng giáp khoa Kỷ Sửu (1769) đời Cảnh Hưng là Bùi Huy Bích là một trong những kẻ đã khai sinh lối học cử nghiệp ấy.

Bùi huy Bích (1744-1818)(2) người xã Định Cộng, huyện Thanh Trì (nay thuộc Tp.Hà Nội) được đánh giá là "nhà văn học, sử học có danh tiếng, để lại khá nhiều tác phẩm(3) đã soạn ra sách Tứ thư ngũ kinh tiết yếusử thiếu vi.

Công bằng mà nói trước đó Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1731-?) đã soạn Quốc sử toản yếu Tứ thư Ngũ kinh toản yếu gồm 15 quyển nhưng có lẻ không được phổ biến như các sách tiết yếu của Bùi Huy Bích.

Người đi học không cần phải để công phu tìm hiểu, nghiên cứu bộ Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn mà chỉ cần học loại sách tiết yếu, thiếu vi là đủ thi đậu!

Hãy nghe Nguyễn Thông (1827-1884) và Huỳnh Thúc Kháng phê phán.

Tháng 7, Tự Đức thứ 23 (1870), Nguyễn Thông được cử làm phó chủ khảo trường thi Hương Thừa Thiên. Ông ngạc nhiên khi biết thí sinh toàn học loại sách tiết yếu do Bùi Huy Bích biên soạn tức là loại sách thường được gọi là sách Hành Tham (4) và sử Thiếu Vi!

Ngày 26 tháng 11 năm Tự Đức 23 (1870) sau khi việc thi xong, ông dâng sớ xin định rõ học trò phải học Bắc sử theo bộ Lịch đại không giám tập lãm (tức là bộ đại toàn). Sớ ấy dâng lên, bộ Lễ tỏ lời bắt bẻ.

Ngày 4 tháng Giêng năm sau (1871) ông lại dâng sớ, cải lại luận điệu của bộ Lễ, xin triều đình ban cấp cho các trường đốc, trường giáo, trường huấn ở các tỉnh và phủ huyện những bộ Tứ thư, Ngũ Kinh đại toàn, Lịch đại thông giám tập lãm để sĩ tử có sách để học, trừ khử cái học khoa cử, biến việc học nghĩa lý thành cái học tầm chương trích cú.

"Theo lời tâu của Bộ Lễ thì Bùi Huy Bích đậu hoàng giáp đời Hậu Lê [1679]. Học vấn và tâm thuật của ông ra sao, tôi không biết rõ, nhưng xét về sách ông soạn ra thì đại để trích những câu sáo ngữ giúp cho việc thi cử để lừa dối kẻ hậu sinh!

Những người có tài trí thì bị chôn vùi trong nền học ủy mị méo mó ấy mà không tự biết! Vì thế tôi ví với dị đoan tà thuyết, lừa đời dối dân cũng không phải là quá đáng.

Bộ Lễ đã không chịu nêu rõ cái sai của loại sách ấy, lại có ý bào chữa cho thứ sách chép ngoài như thế, khiến học hiệu lấy đó mà giảng dạy, trường thi lấy đó mà chọn nhân tài, thì thật là câu chấp ý kiến riêng của mình(5).

Huỳnh thúc kháng (1876 - 1947) lên án còn mạnh mẽ hơn:
"Sách kinh truyện và sử tiết yếu của Bùi Huy Bích là thứ sách gì? Cắt đầu, hớt đuôi, bôi son, vẽ lọ, không thành tư cách một cuốn sách, mà đem ra cho công chúng học, phô lên rằng học Khổng Mạnh thánh hiền!

... Hán học ở nước ta, trên trăm năm lại đây không được như Tống Nho (cặn bã của Tống Nho) lại kém hơn lối học khoa cử của Triều Lê một bậc nữa (Triều Lê thi cử cần phải học nhiều sách, đời Nguyễn chỉ học bộ tiết yếu nói trên là đủ rồi) Cái học vì sách tiết yếu của Bùi Huy Bích không khác gì ngọn lửa nhà Tần thứ hai trong học giới nước ta về khoản cận đại vậy!

...

Than ôi!

Cái học Khổng Mạnh lại lai ra Tống Nho,

Tống Nho lại lai sang Khoa cử, đến Tống Nho và khoa cử nhập chung lại mà lai ra cái học tiết yếu của Bùi Huy Bích, thì trong học giới ấy còn bảo có nhân tài xuất hiện được sao?"(6)

Ngoài loại sách tiết yếu ấy, để phục vụ cho lối học cử nghiệp còn có sư thư  thiếp quát.

Sư thư là sách chép những đầu đề có thể ra thi từ Kinh sử. Rồi nhiều học giả từ sư thư soạn ra những bài tóm tắt, soạn thành phiếu gọi là thiếp quát. Cũng có những bài hoàn chỉnh. Học sinh mua về học thuộc lòng. Vào trường thi, trúng đề, cứ thế chép nguyên văn.

Tất nhiên là nhiều sĩ tử làm bài giống nhau chẳng phải vì chép của nhau (trùng kiến) mà vì giống bài mẫu!

Giám khảo không câu nệ! Cứ thấy văn hay là cho đỗ, trùng kiến cũng mặc.

Có trường hợp hơn 30 quyển bài làm giống nhau, một quyển chỉ viết nhầm chữ Quý trên chữ phú [thay vì viết phú quý], quan trường cho là có ý kiến mới lạ, được phê ưu! (7)
Lê Quý Đôn (1762-1784)(8) đã tổng kết:
"Thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi" nghĩa là sĩ tử chỉ cần học thuộc lòng 1.000 bài thơ, 100 bài phú, 50 bài văn sách là tạm đủ "vốn liếng tri thức" để đi thi, tranh tài với thiên hạ!
Ngô Thì Sĩ (1725-1780) trong tờ khải gửi lên chúa Trịnh Sâm, đã vạch ra các mối tệ của Khoa cử tầm chương trích cú, đã đề nghị nhà Chúa ra lệnh bỏ lối thiếp quát, cấm hỏi vụn vặt trong đề tài văn sách ... Ông có nhận xét: "Văn thể ngày càng thấp hèn, nhân tài ngày càng kém sút". (9)

Nhắc lại câu chuyện "Thám hoa là cái gì, có làm được chánh tổng không?" của vua Quang Trung khi ra Thăng Long, Huỳnh Thúc Kháng bình luận:

"Chuyện này là chuyện nhỏ song đủ chứng rằng nhà anh hùng kia trong não không dính chút gì cái học khoa cử, mà trong mắt coi phường hủ nho không ra gì.

May mà non sông chung đúc, linh khí chưa tiêu, ngoài đám học trò Tống nho và khoa cử ra còn có bực đại anh hùng hào kiệt như vua Quang Trung từ trong "thảo dã", đất bằng vụt dậy, đem cái tài ra đuổi quân Mãn Thanh mà kéo lại non sông này".

Cái lối học khoa cử Lê Trịnh qua đến triều Thiệu Trị, Tự Đức đã phát triển cực thịnh!
"Toàn cả sĩ phu đều xu vào cái khuôn sáo ấy. Trong đám học khoa cử, thỉnh thoảng một vài người thích thảng phi thường như Ông Nguyễn Hồng Phiên, Cao Bá Quát, Đầu xứ Thái vượt ra ngoài phạm vi Tống Nho thời không sao dung được với đời!

Lối học khoa cử đời Lê đã kém hèn là bao nhiêu lối học Triều Nguyễn lại kém hơn nữa.

...

Trừ một số rất ít ... tự tìm sách hay mà học, thời có khác người ít nhiều, còn phần đông là học trò Bùi Huy Bích cả!". (10)

Số rất ít ấy là Nguyên Siêu, hiệu Phương Đình, là Nguyễn Bá Nghi, là Nguyễn Thông!

- Nguyễn Siêu có viết Chư Kinh Khảo ước, Tứ thư trích giảng ... nhiều chỗ bác thuyết Tống Nho.

- Nguyễn Bá Nghi (1807 ...?), đỗ phó bảng năm 1832, chuyên học thực dụng, thường bác Tống Nho, có làm sách và xin sửa đổi giáo dục.

- Nguyễn Thông có làm sớ xin phân định sự học, ban cấp sách vở cho các trường, bỏ sách tiết yếu của Bùi Huy Bích. Ông cho sách Bùi Huy Bích là hoặc thế vu dân, phải trừ tuyệt để khỏi hại cho người đi học. (10)

Cái hại của lối học Khoa cử ấy càng bộc lộ rõ khi triều Nguyễn phải đối đầu với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp (1858-1885). Trong gần 3 thập kỷ, vua Tự Đức chỉ trông cậy vào một số trọng thần đếm trên đầu ngón tay.

* Về quân sự: Nguyễn Tri Phương đối đầu với quân Pháp ở Đà Nẵng (1858) Chí Hoà (1861) và rồi hy sinh lúc giữ thành Hà Nội (1873).

* Về ngoại giao: Phan Thanh Giản và Nguyễn Văn Tường. Cả ba đã chấm dứt sinh mệnh của mình cùng với Nam Kỳ, Hà Nội và kinh đô Huế!

Và thực dân Pháp đã quá ranh ma khi chủ tâm duy trì chế độ giáo dục Khoa cử ấy sau năm 1885. May thay , những nhà nho yêu nước tuy phải xuất thân từ nền giáo dục khoa cử tệ hại ấy, đã sớm nhận chân được giá trị của nền giáo dục và dã tâm của thực dân khi tiếp tục duy trì chế độ giáo dục và khoa cử ấy.

Trong số các sĩ phu hoạt động trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX thì Phan Bội Châu là người sớm nhận ra cái học khoa cử là vô ích, vô bổ cho công cuộc cứu nước.

Muốn có chút tiếng tăm với đời - dù là hư danh - Phan Bội Châu không có con đường nào khác là học để đi thi. Sáu lần đi thi Hương, Phan gọi là sáu lần tìm cách treo tên vào sổ con hát:

"Sáu lần thi Hương ở trong trường hát bội văn mới được một lần treo tên vào sổ con hát"(11)
Đậu Giải nguyên trường Nghệ An (1900), độc chiếm bảng vàng, Phan Bội Châu gọi là được một cái mặt nạ,
" Năm 34 tuổi, chính là năm Canh Tý (1900)... tôi đổ đầu thi Hương, đã được một cái mặt nạ, tiện mượn đó che lấp mắt đời "(12)
Phan bội châu đã sớm nhận thức:
"Vì lúc bấy giờ, lối học Khoa cử của nhà Thanh đang sôi nổi như gió cuốn mây bay, người nước mình bắt bóng theo chân, chỉ sợ không giống y người Tàu. Bà con ta muốn cỡi mây lướt gió, không thể nào không mượn con đường khoa cử, dầu ai có muốn chẳng theo thời đi nữa cũng không có con đường học nào khác hơn mà đi.

Than ôi! Chổi cùn trong nhà, tự mình xem là của quý, sự ưa thích lâu đời đã thành thói quen thành ra rốt cuộc tôi cũng bị thời trang trói buộc, đến nổi tiêu hao ngày tháng về nghiệp khoa cử gần hết nửa đời người. Đó là một vết nhơ rất lớn trong đời tôi vậy".

Sự thất bại của triều đình Tự Đức trong việc chống xâm lăng và sự thất bại tiếp theo của phong trào Cần Vương đã đưa phong trào giải phóng dân tộc đến chỗ bế tắc vào những năm cuối thế kỷ 19. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Đặng Nguyên Cẩn cũng không thoát ra được con đường khoa cử từ chương... Đó là những phó bảng, tiến sĩ cuối mùa: Phan Châu Trinh (1901) Huỳnh Thúc Kháng (1904) Trần Quý Cáp (1904) Đặng Nguyên Cẩn (1895) Ngô Đức Kế (1901)...

May thay ngọn gió Duy Tân đã khai thông cho phong trào giải phóng dân tộc và đã thức tỉnh những bậc đại khoa. Họ đã nhận ra nền giáo dục khoa cử từ chương chẳng những không đào tạo được nhân tài mà nay đang bị thực dân lợi dụng để đào tạo ra một lớp nô lệ ưu đẳng (chữ của Sào Nam), một hạng người nô lệ nhất trong hàng nô lệ (chữ của Nguyễn Sinh Huy).

Cho nên chính họ hô hào bãi bỏ khoa cử, chính họ lên án và "Bài xích cử nghiệp, đề xướng tân học".

Bài phú Danh sơn lương ngọc và bài thơ Chí thành thông thánh mà Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh phân công nhau làm tại trường khảo hạch Bình Định (1905) rồi ký bút danh chung là Đào Mộng Giác có thể xem là tuyên ngôn của sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX.

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ thi văn tuý mộng trung! (Chí thành thông thánh)
Hay Đau đớn nỗi nhà nho hư bại,
Tục di truyền cái hại khoa danh
Mấy vần thơ phú loanh quanh.
Suốt năm suốt tháng tranh giành từ chương
...
Dùi mài đèn tử công phu,
Học nhai bả dã, học mù quáng thêm! (Danh sơn lương ngọc)  
Chính Phan Châu Trinh từ bỏ chức thừa biện bộ Lễ, phủ định khoa danh phó bảng để mong làm một Mazzini của Việt Nam (Hy Mã). Chính Trần Quý Cáp muốn bán chức danh "tiến sĩ", ông nghè một xu cho ai muốn mua. Đồng thời phủ định khoa danh, họ cũng phủ định lý tưởng trung quân của Khổng Mạnh để lột xác trở thành những chiến sĩ dân quyền, mở ra một vận hội mới cho phong trào giải phóng dân tộc.
Hỡi người trí thức kia ơi!
Quăng mũ đi,
Vứt bút!
Đứng lên!
Đứng cam chịu tiếng ươn hèn,
Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù!

(Danh sơn lương ngọc)

Điều đáng nói là họ đã lợi dụng được công sức rèn giũa văn chương để sáng tác, không phải để thù tạc, để ngâm vịnh, mà cho một mục đích khai dân trí, chấn dân khi. Họ đã dùng ngòi bút làm vũ khí vừa chống phong kiến vừa chống thực dân và chưa bao giờ văn học yêu nước Việt Nam có một mùa bội thu như thế. Những nhà nho thức tỉnh vửa ghi tên vào lịch sử giải phóng dân tộc vừa tham dự vào văn đàn dân tộc.

Không biết, từ 100 năm trước, những Hy Mã, những Sào Nam, những Mính Viên, Dã Hàng có theo dõi chúng ta và kỳ vọng chúng ta sớm thoát ra khỏi nền giáo dục khoa cử từ chương và nạn khoa danh hôm nay?

Trần Viết Ngạc.
 
(1) - Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tập III, Bộ Giáo dục - Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1971 trang 195.

(2) - Theo Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và thới thiệu, nxb TP.HCM, 1993 thì Bùi Huy Bích mất năm 1802.

(3) - Cao Xuân Dục, sđd, trang 729.

(4) - Bùi Huy Bích trước có giữa chức Hành Tham Tụng thời chúa Trịnh Tông (1784)

(5)  - Ca văn Thỉnh - Bảo Định Giang, Nguyễn Thông, con người và tác phẩm, nxb Tp.Hồ Chí Minh, 1984, trang 306,07.

(6) - Lối học khoa cử và lối học của Tống Nho có phải là học đạo Khổng mạnh không? (đăng nhiều kỳ trên báo Tiếng Dân) in lại trong phụ lục của Nguyễn Quốc Thắng, Huỳnh Thúc Kháng, con người và thơ văn, Phủ QVKĐTVH xuất bản, Sài Gòn, 1972 trang 333 - 345

(7) - Vũ Phương Đề - Công dư tiệp ký, Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch, q.III, trang 84-86, dẫn theo Nnguyễn Thị Chân Quỳnh, Thi Hương, sđd, trang 276.

(8) - Lê Quý Đôn, đầu Bảng nhãn khoa 1752 đời Cảnh Hưng. Ông đậu đầu thi Hương, thi Hội và thi Đình (Tam Nguyên), nổi tiếng là nhà bách khoa.

(9) - dẫn theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh, sđd, trang 283.

(10) - Huỳnh Thúc Kháng, tlđd, trang 340

(10)  -

(11) - Phan Bội Châu, tự Phán, nxb Anh Minh, Huế, 1956, trang 24.

(12) - Phan Bội Châu, sđd, trang 30.



Trở Về  ]