Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

CUỘC DÂN BIẾN Ở QUẢNG NAM NĂM MẬU THÂN (1908)
Trần Viết Ngạc
Chỉ bốn năm sau khi Duy Tân hội thành lập, ba năm sau bài thơ Chí thành thông thánh và bài phú Lương ngọc danh sơn mà nhiều người nhận định là tuyên ngôn của sĩ phu đầu thế kỷ XX và hai năm sau Đầu Pháp chính phủ thư (hay thư gửi Toàn quyền Beau) của Phan Hy Mã, một phong trào nông dân kháng thuế đã lần lượt nổ ra khắp 10 tỉnh Trung kỳ từ Thanh Hóa vào đến Phú Yên vào năm 1908 mà Quảng Nam vinh dự lãnh vai trò tiên khởi.

1) Tại sao Quảng Nam?

Tại sao phong trào chống thuế phát khởi đầu tiên ở Quảng Nam? câu hỏi này thật ra không khó trả lời.

Nhìn lại nửa sau thế kỷ XIX, Quảng Nam đã ngăn chận được bước tiến của thực dân Pháp khi chúng muốn đánh chiếm Đà Nẵng để làm đầu cầu uy hiếp kinh đô Huế trong chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh (1858 - 1859). Sau đó, trong phong trào Cần Vương phát triển khắp cả nước thì Nghĩa hội Quảng Nam tuy chỉ tồn tại trong 3 năm (1885 - 1887) nhưng đã có những thành tựu đáng kể. Đó là tỉnh duy nhất trong toàn quốc đã thiết lập được một chính quyền cấp tỉnh với tỉnh thành mới là Tân tỉnh Trung Lộc. Nghĩa hội có lúc đã làm chủ được toàn tỉnh, bao vây và cô lập La Qua, Đà Nẵng và các thị trấn, huyện lỵ, khiến cho ngụy quyền nhiều lần cấp báo về Huế cầu cứu (1886). Sự hy sinh sau đó của Phan Bá Phiến và Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu đã giúp cho Quảng Nam bảo toàn được một phần lớn nhân sự, dành sinh lực cho một cơ hội quật khởi về sau như Nguyễn Duy Hiệu mong mỏi.

Đầu thế kỷ XX, trong khi ở miền Bắc Hoàng Hoa Thám còn tiếp tục duy trì cuộc chiến đấu, một cuộc chiến đấu không còn có triển vọng phát triển; ở Thanh Nghệ Tĩnh, thời gian chỉ mới mấy năm sau cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng chưa đủ để lực lượng yêu nước có thể hồi phục… thì Nam Ngãi đã có gần mười lăm năm để hồi phục và tiềm dưỡng sinh lực. Hơn thế nữa, tinh thần thời Nghĩa hội trong tầng lớp nông dân mà một số vốn là nghĩa quân đã trở về cầm lấy cày cuốc sau khi Nguyễn Duy Hiệu hy sinh vẫn còn được nuôi dưỡng. Một số nhân vật quan trọng của Nghĩa hội vẫn còn đó. Tiểu La Nguyễn Thành đã từng được kẻ thù đánh giá là người biết dụng binh, âm thầm cày ruộng, giáu chí nhưng vẫn không ngừng chuẩn bị phương lược, tụ họp bí mật ở "sơn trang" Nam Thạnh lực lượng nhân sự cho một ngày quật khởi. Còn đó Đỗ Đăng Tuyển ở Ô Da, Đại Lộc, tán lương quân vụ Nghĩa hội, mới ngoài ba mươi mà đầu tóc bạc trắng, lại giả vờ lúy túy khiến cho kẻ thù gọi là "lão túy ông", nhưng vẫn âm thầm liên lạc với Tiểu La và những đồng chí cũ cùng với các cựu nghĩa binh dưới quyền trước đây. Còn đó Châu Thượng Văn ở Hội An, người đã từng hiến một phần lớn gia sản để giúp Nghĩa hội… và cũng sẵn sàng đóng góp phần còn lại cho đại cuộc khi cần.

Chính trong điều kiện nhân sự và tinh thần quần chúng như thế mà Quảng Nam nghiễm nhiên trở thành bản doanh của cả hai xu hướng cách mạng đầu thế kỷ và là nơi có đủ điều kiện nhất để phát động một phong trào phản kháng bất bạo động suốt 10 tỉnh Trung Kỳ.

2) Tại sao Đại Lộc?

Cho đến nay, chúng ta có nhiều nguồn tư liệu để tiếp cận phong trào chống thuế 1908 và tùy theo phương thức tiếp cận, nhiều nhận định rất khác nhau về phong trào quần chúng lớn nhất trong lịch sử cận đại nước ta.

Trước hết là những tác phẩm của những sĩ phu đã từng bị kết án vì phong trào đó như:

- Mậu Thân dân biến ký, Trung kỳ cự Sưu ký của Huỳnh Thúc Kháng

- Trung kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký của Phan Châu Trinh.

Thứ đến là tài liệu của triều đình Huế và của thực dân Pháp:

- Châu bản Triều Duy Tân về phong trào chống thuế

- Tài liệu lưu trữ của chính quyền Pháp về phong trào chống thuế (Trung tâm lưu trữ tài liệu hải ngoại ở Aix-en-Provence (AOM) của Pháp) Jean Ajalbert trong cuốn Những số phận ở Đông Dương (Les destinées de l'Indochine) đã cho rằng phong trào này là một cuộc diễn tập.
"Cuộc khởi loạn được tổ chức một cách thông thạo nhất - như là một sự thao diễn, một cuộc diễn tập, qua đó xứ Annam tổng ước các năng lực của nó, kiểm nghiệm các lực lượng phiến loạn của nó".

Một số tác giả khác thì cho rằng phong trào sôi nổi và rộng lớn này chỉ là một cuộc nổi dậy tự phát của nông dân.

Thực ra, nếu chúng ta theo dõi thật kỹ các bước phát triển của phong trào, so sánh các nguồn từ tư liệu và chịu khó phân tích những gì Huỳnh Thúc Kháng muốn thông tin cho chúng ta qua Trung kỳ cự sưu ký, chúng ta ít nhất cũng phải thừa nhận rằng đó là một phong trào mà những trình tự tiếp diễn đã được hoạch định trước một cách khôn khéo.

Việc chọn Đại Lộc làm nơi xuất phát là một ví dụ.

Đại Lộc là một huyện, ở tây bắc tỉnh Quảng Nam, không xa tỉnh thành La Qua và thành phố Đà Nẵng, nhưng lại nằm ngoài trục giao thông Nam-Bắc. Đại Lộc tiếp giáp với miền thượng du, cứ địa của đồng bào các dân tộc miền núi.

Vốn là một vùng quan trọng của Phong trào Cần Vương mà tiềm năng về nhân lực chưa bị tiêu diệt, được những người lãnh đạo có năng lực như Đỗ Đăng Tuyển gầy dựng và nuôi dưỡng lực lượng yêu nước nên Đại Lộc sớm trở thành một địa bàn cách mạng của tỉnh Quảng Nam, đầu thế kỷ XX.

Thực vậy, tầng lớp hào ly, vốn là chỗ dựa của guồng máy cai trị của thực dân và phong kiến, vậy mà ở Đại Lộc, họ trở thành đại diện cho nông dân ký vào các đơn chống thuế gửi lên huyện, tỉnh và công sứ! Nó chứng tỏ khí thế của phong trào quần chúng ở đây lên rất cao, trấn áp và lôi kéo tầng lớp hào lý đứng về phía nông dân.

Theo những gì Huỳnh Thúc Kháng mô tả và gián tiếp thông tin, chúng ta có thể vẽ lại kế hoạch phát triển của phong trào chống thuế từ khởi điểm Đại Lộc.

- Lý trưởng và "học trò", thành phần lãnh đạo trực tiếp đã họp ở nhà họ Trương, làng Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc nhân một bữa giỗ, làm đơn và bàn nhau lấy chữ ký của 108 lý trưởng của huyện Đại Lộc.

- Tập hợp dân kéo lên huyện để yêu cầu quan huyện cùng dân lên tỉnh thành - La Qua, Điện Bàn - và từ tỉnh Thành sẽ trực chỉ tòa sứ ở Hội An.

- Khi dân các huyện khác cùng đến vây tòa sứ ở Hội An lên đến cao điểm thì dân ở huyện, phủ nào sẽ vây huyện lỵ, phủ lỵ huyện ấy, lấy khẩu hiệu yêu cầu quan huyện, phủ cùng dân đi xin xâu.

- Phong trào sẽ từ Quảng Nam lan ra phía bắc và tỏa dần về phía nam. Phong trào ở mỗi tỉnh sẽ do nhân sự ở tỉnh ấy phụ trách

- Lãnh đạo của phong trào sẽ không công khai xuất hiện. Nếu cần chỉ có những người cầm đầu ở làng, tổng xuất hiện khi cần thiết mà thôi.

- Phải giữ phong trào trong vòng hợp pháp và bất bạo động để địch không có cớ đàn áp bằng súng đạn.

- Không gây phương hại đến tính mạng và tài sản các quan phủ, huyện, tỉnh. Mục đích của phong trào là làm tê liệt guồng máy Nam triều từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh.

3) Diễn tiến.

Vào một ngày đầu tháng hai Mậu Thân (1908), một số hào lý huyện Đại Lộc và tầng lớp trí thức nông thôn (Mính Viên gọi là học trò) đã họp nhau trong một bữa giỗ. Họ thảo đơn, dự định "lấy chữ ký các làng xã trong huyện, tới trình viên tri huyện chuyển đạt lên tỉnh cùng tòa sứ, xin giảm nhẹ sưu cùng các món thuế, chớ như hiện thời thì nặng quá dân không thể đóng nổi" (Trung Kỳ cự sưu ký). Rõ ràng công việc và các bước tiến hành theo trình tự từ xã đến huyện, tỉnh và cuối cùng là tòa sứ đã được vạch ra khá cụ thể.

Đơn đã thảo và viết xong. Đã lấy chữ ký một cách thật mau chóng - 35 lý trưởng các làng. Việc tên lý trưởng làng La Đái dao động, lén (1) đi báo huyện sẽ là một cái cớ để những người lãnh đạo thúc đẩy tiến trình nhanh hơn. Không đợi lấy đủ 108 chữ ký của các làng, ngày 11/3 năm 1908, hơn 400 dân Đại Lộc đã kéo nhau đến huyện lỵ với lá đơn xin giảm sưu thuế và với yêu cầu "Nhờ quan đến xin giúp" (2).

Quan đã bỏ chạy xuống tỉnh cấp báo (Tri huyện Phạm Văn Lãng). Vậy là dân ùn ùn kéo xuống tỉnh với khẩu hiệu xin sưu! Đến chợ Vĩnh Điện, đoàn biểu tình đã lên đến năm, sáu trăm người. Đến tỉnh cũng chỉ là một chặng dừng chân. Khi biết quan huyện đã đến tòa sứ, nhân dân Đại Lộc lại kéo nhau xuống tòa sứ Hội An, như đã dự kiến trong buổi họp! Trên đường từ Điện Bàn đến Hội An, nhân số đoàn biểu tình đã đông lên vì nhiều người đã gia nhập. Đến tòa sứ, đoàn biểu tình đã lên con số ngàn. Và ngay chiều hôm đó, những "học trò" đã từng tham gia buổi họp đầu tiên nay lại là đại diện của đoàn biểu tình là Lương Châu, Trương hoành, Hứa Tạo, Trương Tốn, Trương Côn, Trương Đính đã bị bắt. Đoàn biểu tình vây tòa sứ dù cho viên công sứ đã tiếp đại diện, nhận đơn và trả lời rất hợp lý là việc giảm sưu thuế phải do quyết định của Triều đình Huế và Toàn quyền Đông Dương. Phải vây tòa sứ vì đó là trung tâm cai trị cấp tỉnh của thực dân Pháp cho dù viên công sứ đe dọa và thực hiện lời đe dọa ngay chiều hôm đó là đày Lương Châu, Trương Hoành, Hứa Tạo đi Lao Bảo. Việc vây tòa sứ là "tiếng súng phát hiệu lệnh" cho dân các phủ huyện. Họ tiến thẳng về tòa sứ để tiếp ứng và khi số lượng đã quá đông trên một diện tích không đủ rộng là tòa công sứ ở Hội An, thì số dân còn lại ở các địa phương sẽ vây các phủ lỵ, huyện lỵ khắp toàn tỉnh.

Trình độ tổ chức và khả năng kiểm soát phong trào, duy trì phong trào trong đường lối bất bạo động và ôn hòa đã được thể hiện rất rõ trong quá trình diễn tiến.

Làm thế nào để duy trì cuộc biểu tình vây tòa sứ Hội An với một nhân số đông đảo có lúc lên đến một vạn người, trong thời gian hơn một tháng? (Giả định cuộc biểu tình là tự phát, ta sẽ thấy câu trả lời là bất cập).

Huỳnh Thúc Kháng viết:

"Nhân dân các phủ huyện trong tỉnh khoai mo, cơm gói, quần xách, áo mang kéo đi từng đoàn ra phố thay nhau kẻ ở người về, cơm tiền giúp nhau". Tự phát (!) mà hiệu quả đến như thế thì hơn hẳn có tổ chức nếu không nói là đã được tổ chức rất chặt chẽ!

Và đến khi ở tòa sứ nhân số đã quá đủ và quá đông thì Huỳnh Thúc Kháng ghi lại lời bàn tán (chứ không phải là thảo luận hay mệnh lệnh). "Ở phố, tòa đã đông lắm, nay ở phủ huyện nào vây quanh phủ huyện ấy không phải kéo ra phố nữa". Và thật là kỳ lạ, lời bàn tán vô danh đó đã có hiệu lực như một mệnh lệnh được chuyển đi rất nhanh chóng và dân các phủ Điện Bàn, Tam Kỳ, Thăng Bình, các huyện Hòa Vang…đã kéo đến vây các phủ, huyện với yêu cầu rất ôn hòa "xin quan phủ huyện  cùng dân đi xin xâu".

Trong quá trình "dân biến" ở Quảng Nam chỉ có hai tên bị thiệt mạng, đó là Đề đốc Trần Tuệ (có tư liệu ghi là Sự) ở Tam kỳ và tên Chánh Sáu làng Gia Cốc, mà chỉ riêng trường hợp thứ hai là do dân bạo động.

Trần Tuệ là đề đốc coi việc xây đắp đường sá "Thường đánh đập dân, nhất là ghét dân cúp tóc đã hành hạ dân, áp bức dân cho nên khi phong trào nổi lên, Đề Tuệ lén (chữ của Huỳnh Thúc Kháng) về ở trong phủ Tam Kỳ. Dân cả bảy tổng vây phủ "một hai xin viên phủ và ông Đề đem dân đi xin xâu". Đề Tuệ đã sợ quá mà chết. Khi viên đại lý Pháp ở Phủ Tam Kỳ đem Đề Tuệ ra khỏi phủ thì bị Trùm Thuyết (Trần Thuyết) kêu to "Dân ta xin quan đại lý giao ông Đề cho dân ăn gan". Toàn thể đám đông vây phủ đồng thanh lớn tiếng dạ vang lừng. Đề Tuệ ngồi trên xe, hộc máu, gục xuống, về đến tòa đại lý thì tắt thở.
Tên thứ hai là Chánh Sáu (hay Quát) bị dân oán vì dựng nhà giam để dọa bắt nhốt dân đi xin sưu. Ban đêm dân vây nhà, Sáu trốn ra ngoài bụi bờ, dân đốt đuốc đi tìm. Tìm thấy, dân dùng đuốc đốt râu tóc rồi dìm xuống sông. Điều đáng cho chúng ta lưu ý ở đây là Đề Tuệ và Chánh Sáu chỉ là những tên ác ôn không phải là hàng quan phủ, huyện hay tỉnh mà phong trào chỉ nhằm mục đích hạ uy thế, làm mất uy tín trước dân và trước thực dân Pháp, làm cho guồng máy cai trị trở nên vô hiệu.
Chúng ta có thể dẫn thêm nhiều ví dụ để minh chứng cho trình độ giác ngộ của dân chúng Quảng Nam lúc bấy giờ và cả khả năng tổ chức cũng như kiểm soát được phong trào.

Tiếng "Dạ" vang lừng của dân bảy tổng Tam Kỳ không chỉ làm cho Đề Tuệ sợ mà làm rúng động cả guồng máy thống trị, làm cho viên khâm sứ Trung Kỳ và cả viên toàn quyền Đông Dương cũng run sợ. Hào lý nay đứng về phía nhân dân, guồng máy cai trị cấp phủ, huyện bị vô hiệu hóa hoàn toàn…đang đe dọa guồng máy thống trị trung gian của chúng.

Và từ Quảng Nam, phong trào chống Huế đã nổ ra ở Thừa Thiên, Quảng Trị… cho đến Thanh Hóa ở phía Bắc và phát triển ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ở Nam. Đặc biệt ở Bình Định, phong trào đã diễn ra mạnh mẽ và làm chủ hoàn toàn ở các phủ huyện khiến các quan cai trị phải rút về ở tỉnh.

Quảng Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát khởi và làm gương cho phong trào ở các tỉnh như được khen ngợi trong một tờ truyền đơn chống  thuế ở Nghệ Tĩnh:

" Đáng yêu thay dân Quảng Nam!
Đáng kính thay dân Quảng Nam!
Đáng học thay dân Quảng Nam!
Lòng họ chuyên nhất như thế,
Chí họ kiên quyết nhẫn nại đến thế,
Hành động họ sáng tỏ là thế…"
Vụ chống thuế đã khiến bọn thực dân lo sợ và ra tay đàn áp, đày ải các sĩ phu yêu nước - dù chúng không có lấy một bằng cớ cụ thể rằng họ đứng sau cuộc biểu tình vĩ đại đó - đi Lao Bảo, Côn Lôn như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn… và chém giết thẳng tay các vị lãnh đạo trực tiếp phong trào như Trần Thuyết, ông Ích Đường…
Trần Viết Ngạc.
Chú thích :

(1) Bằng một chữ "lén" Huỳnh Thúc Kháng gián tiếp thông báo cho người đọc rằng địa bàn nông thôn Đại Lộc đã hoàn toàn thuộc về Phong trào Duy Tân.

(2) Những chữ trong ngoặc kép là nguyên văn của Huỳnh Thúc Kháng.


  Trở Về   ]