Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]


 
Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội

Kết Luận

GS Nguyễn Phú Phong

Trong công cuộc truyền bá Phúc Âm ở Viễn Đông vào thế kỷ 16-17, các linh mục đạo Ki Tô đã vấp phải một chướng ngại lớn, đó là rào cản ngôn ngữ. Chữ quốc ngữ được phát minh nhắm giải quyết phần nào bài tính ngôn ngữ ở Việt Nam. Mô hình này trước đó đã áp dụng ở Nhật Bản, tại đây các nhà Truyền giáo có soạn thảo vài cuốn từ vựng và văn phạm Nhật ngữ bằng tiếng Nhật ghi theo mẫu tự La Tinh*. Như vậy chữ quốc ngữ trước tiên là một công cụ dùng cho việc truyền bá đạo Ki Tô được đưa vào bối cảnh văn hoá trí thức của cộng đồng Công giáo.

Nhưng khác với Nhật Bản, chữ viết theo mẫu tự La Tinh ở Việt Nam, chữ quốc ngữ, sản phẩm của sứ mệnh truyền bá Phúc âm tới các nước vùng Thái Bình Dương, lại bắt rễ, trường tồn và loại hẳn chữ nôm đã có trước, để trở thành quốc tự của nước Việt.

Chữ quốc ngữ, sản phẩm của ngoại nhân đến từ phương Tây, rốt cuộc đã lẫn nhập tốt đẹp vào môi trường văn hoá phương Đông Việt Nam. Trước tiên chữ quốc ngữ là một tay phụ tá đắc lực trong guồng máy hành chánh của chính quyền quân sự Pháp ở Nam Kỳ nửa sau thế kỷ 19 trước sự chống đối của các nhà nho kháng ngoại xâm.

Mặt khác chữ quốc ngữ cũng được Nhà cầm quyền bảo hộ xem như một phương tiện hữu hiệu để đẩy lùi, loại bỏ ảnh hưởng của chữ Hán, bứng Việt Nam ra khỏi thế giới Trung Hoa, đưa Việt Nam vào quỹ đạo văn hoá Pháp. Rồi đến đầu thế kỷ 20, các sĩ phu nho học thức tỉnh trước chiến thắng của hải quân Nhật trước hạm đội Nga Hoàng ở Eo Đối Mã Thái Bình Dương, đã hô hào học chữ quốc ngữ, xem nó như phương tiện ưu hạng để chuyển tải các tư tưởng tiến bộ, các kiến thức mới, để phổ biến sách tân học. Đối lập Hán nôm/chữ quốc ngữ đồng nghĩa với đối lập ta/địch, đối kháng/cộng tác ở thế kỷ 19 bắt đầu mờ đi từ đầu thế kỷ 20, nhường chỗ cho đối lập cũ/mới, thủ cựu/hiện đại.

Chữ quốc ngữ là một chữ viết còn trẻ nhưng đã thu góp được một di sản văn hoá khá lớn. Báo chí, tiểu thuyết, là những thể loại văn học chỉ khởi đầu và phát triển với chữ quốc ngữ. Những công trình biên khảo về ngôn ngữ học như từ điển, thuật ngữ, khảo cứu ngữ pháp, cũng nằm trong lĩnh vực chữ quốc ngữ. Nói tóm lại những sáng tác thuộc về các môn học hiện đại đều viết bằng chữ quốc ngữ. Nói đến văn xuôi Việt Nam là nói đến văn (chữ) quốc ngữ.

Cuốn sách của chúng tôi, qua các chương mục triển khai, mong rằng đã soi sáng, đánh dấu những chặng đường đi của chữ quốc ngữ và theo nó là tiếng Việt, trải qua những cái ngập ngừng, những ý kiến tương phản của chính sách chữ viết ngôn ngữ dưới thời Pháp thuộc.

Sách này lẽ ra còn một phần nữa nhưng chưa thực hiện được. Phần III sẽ triển khai đề tài Chũ viết và ngôn ngữ trong nước Việt Nam độc lập qua các chương : (1) Cải cách chữ viết; (2) Thuật ngữ khoa học và kỹ thuật : mượn từ và sáng tạo từ; (3) Chánh sách ngôn ngữ.

[ Trang trước ] / [ Trang sau]


Trở Về   ]