Năm 2010, với chủ đề "Truyền thống - Bản sắc - Phát triển", Festival gốm sứ Việt Nam
lần đầu tiên được tổ chức tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh lỵ Bình Dương, từ thứ năm 2-9 đến thứ tư 8-9.
Nhiều sự kiện liên quan Festival này thu hút sự chú ý của công chúng,
trong đó có hội chợ Gốm sứ - thế giới sắc màu, trưng bày Tinh hoa gốm Việt
3 chương trình quy mô diễn ra ban đêm: lễ khai mạc thứ bảy 4-9,
ca nhạc thời trang Vũ điệu gốm sứ chủ nhật 5-9, lễ bế mạc thứ tư 8-9.
Kể ra, ghi ngày thứ tư 1-9-2010 mở màn Festival gốm sứ lần đầu tiên ắt hợp lý hơn. Đó là thời điểm khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật Gốm sứ và cuộc sống tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Bình Dương. Cuộc thi ảnh Gốm sứ và cuộc sống do Ban tổ chức Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức trong vòng 2 tháng, thu hút 969 ảnh màu và đen trắng của 128 tác giả từ 21 tỉnh thành trong cả nước, với kết quả: Nét Việt của Trương Kim Bằng (TP.HCM) giải nhất ảnh bộ gồm 12 bức, Gốm - sản phẩm Minh Long của Dương Hoàng Hạnh (Long An) giải nhất ảnh đơn.

Sáng thứ năm 2-9-2010, cuộc đua thuyền trên sông Sài Gòn - đoạn ven đường Bạch Đằng của thị xã Thủ Dầu Một - diễn ra khá hào hứng, gồm 8 đơn vị đua thuyền truyền thống và 5 đơn vị đua thuyền rồng bằng composite, lại còn biểu diễn ca nô mô hình lướt sóng. 20 giờ tối đó, tại sân vận động Gò Đậu, hội chợ Gốm sứ - thế giới sắc màu khai mạc.
 
Gốm sứ - thế giới sắc màu

Hội chợ Gốm sứ - thế giới sắc màu gồm 600 gian hàng gốm sứ trong lẫn ngoài nước. Cùng với nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh gốm sứ ở Bình Dương, còn có xí nghiệp gốm Chu Đậu (Hải Dương), công ty cổ phần Gốm Việt (TP.HCM), các làng nghề gốm truyền thống Đông Triều (Quảng Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh), Bát Tràng (Hà Nội), Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), Điện Bàn và Thanh Hà (Quảng Nam), Tây Sơn (Bình Định), Hoà Vinh (Phú Yên), Vạn Bình (Khánh Hoà), Bàu Trúc (Ninh Thuận), Bình Đức (Bình Thuận), Biên Hoà (Đồng Nai), Long Hồ (Vĩnh Long). Nước ngoài có gốm sứ Cảnh Đức Trấn (Trung Hoa) và nồi đất Tuc Bê Ghi (Hàn Quốc). 20 gian Gốm và danh tửu giới thiệu rượu Làng Vân ( Bắc Giang), rượu Hồng Đào (Quảng Nam), rượu Bàu Đá (Bình Định), rượu Vang (Đà Lạt), rượu Nho (Ninh Thuận), rượu Bình Tây (TP. HCM), rượu Gò Đen (Long An), rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh), rượu Phú Lễ (Bến Tre) trong hũ, vò, ché, chum, bình, thẩu, chén, chung bằng gốm đã hấp dẫn lực lượng "ẩm giả lưu kỳ danh".

Không chỉ gian hàng, hội chợ còn dành khu vực để trưng bày các sản phẩm gốm tham gia cuộc thi xác lập kỷ lục Việt Nam với tiêu chí to lớn nhất mà liền khối, tạo hình khó nhất, tốt nhất, đẹp nhất, sang trọng nhất: chén ngọc Văn Lang, cúp Hồn Việt, cúp Sen Vàng (của công ty Minh Long I), quốc bình Thăng Long (của công ty Cường Phát), Thăng Long hoài cổ (của công ty Minh Cường), cặp đèn mỹ thuật mỗi chiếc cao 3,9m (của công ty Thượng Nguyên), lu Thiên Địa (của công ty Trung Thành), lu Đại Cầu (của nghệ nhân Ngô Văn Minh).

Ngoài ra, tại hội chợ còn diễn ra các hoạt động khác như biểu diễn một số công đoạn chế tác gốm sứ tại chỗ, hội thi tài hoa gốm Việt Hồn đất với các kỹ năng làm gốm thủ công, v.v.

Khách thập phương, trong đó có không ít người ngoại quốc, tha hồ ngắm nhìn và chọn mua bao nhiêu mặt hàng thuộc nhiều chủng loại, từ gốm đất nung, gốm sành nâu, gốm sành xốp, gốm sành trắng, đến sứ cao cấp. Gốm gia dụng với chén bát, muỗng thìa, ly tách, bình lọ, đĩa, ấm, ca, chum, vò, ché, thố, nồi, trả, bếp lò, chậu hoa, bát điếu thuốc lào, ống nhổ, chân đèn, chao đèn, lư hương, v.v. Gốm mỹ thuật mỹ nghệ với tiểu cảnh hồ nước, trống, mặt nạ, phù điêu, tượng tròn, tranh, v.v. Nhóm tượng Phụ nữ Bắc Trung Nam, Phụ nữ Chăm - Thái - Eâđê, Ngũ tấu, Tam tấu, Phúc Lộc Thọ, Trẻ em vui chơi, các pho tượng Phật, Bồ tát, Đạt Ma, Tháp Chàm,Tình mẫu tử, Thiếu nữ và sen, Hát quan họ, Cô gái Chăm, Chí Phèo với Thị Nở, Chân dung thi sĩ Bùi Giáng, Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các phù điêu Đền Hùng ở Phú Thọ, cầu Trường Tiền ở Huế, Chùa Cầu ở Hội An, các bức tranh Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Tĩnh vật cuốn hút lắm tao nhân mặc khách chú mục. Riêng ấm chén trà / chè cùng loạt bình lọ nhiều kiểu dáng, nhiều sắc màu, khiến đông đảo nam thanh nữ tú say mê.

Hội chợ bán vé 10.000 đồng mỗi lượt vào cổng. Theo Ban tổ chức thì hội chợ Gốm sứ - thế giới sắc màu đón khoảng 400.000 khách tham quan, các gian hàng đã tiêu thụ hơn 90% số lượng sản phẩm.
 
Một số hoạt động

Sáng thứ sáu 3-9-2010, Ban tổ chức Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 khai mạc cuộc trưng bày Tinh hoa gốm Việt tại Bảo tàng tỉnh. 720 hiện vật gốm cổ do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và bảo tàng các tỉnh thành Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long tham gia. Hệ thống gốm sứ Champa và Óc Eo, Trung Hoa và Thái Lan, cùng gốm Việt trải qua các thời kỳ Đông Sơn, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn tụ hội. Đặc biệt, mấy tủ chưng đồ sứ men lam Huế và đồ ký kiểu từ thế kỷ XVIII - XIX làm lắm nhà sưu khảo ngắm nhìn không chán. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố rằng Tinh hoa gốm Việt là đợt trưng bày bộ sưu tập gốm cổ Việt Nam lớn nhất.

Sáng thứ hai 6-9-2010, tại trụ sở UBND tỉnh Bình Dương, hội thảo chuyên đề Gốm sứ Việt Nam trong tiến trình hội nhập tạo điều kiện thuận tiện để 12 tham luận được trình bày. Rất thú vị khi tỉnh Bình Dương đề xuất xây dựng Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam là nơi sưu tầm, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của các dòng gốm sứ của các địa phương trong cả nước qua các thời đại, nhất là giới thiệu những nét độc đáo của từng dòng gốm sứ của từng vùng miền thể hiện rõ tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Trong thời gian Festival gốm sứ diễn ra, nhiều du khách hào hứng theo tour Niềm vui làng nghề thăm những nơi làm gốm truyền thống của tỉnh Bình Dương: ở thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Tân Uyên, Thuận An. Đồng thời, tàu thuỷ còn chở khách ngược xuôi sông Sài Gòn, ghé vài khu du lịch sinh thái.

Hưởng ứng Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010, Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương mở loạt gian hàng bày bán sản phẩm trong sân vận động Gò Đậu.
 
Khai mạc, Vũ điệu gốm sứ và Bế mạc

Chương trình khai mạc Thăng Long - gốm Việt đêm thứ bảy 4-9-2010 do Lê Quý Dương đạo diễn, Anh Quân và Diễm My làm MC. Đa số khán thính giả bộc lộ niềm hưng phấn lúc thưởng thức những tiết mục ngợi ca nghề gốm, sản phẩm gốm, thợ và nghệ nhân gốm. Đó là các bài hát Trở lại làng gốm do Trần Minh sáng tác, nhóm Mặt Trời Mới biểu diễn; Nhịp gốm do Vĩnh Phúc phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai, Quỳnh Lan biểu diễn; Làng gốm quê tôi do Amư Nhân sáng tác, Minh Thuận, Kỳ Phương, Tiến Đạt, Thiên Vương biểu diễn; hoạt cảnh Làng gốm và múa Gốm Việt vươn xa do Đức Minh và Mai Trung biên đạo, vũ đoàn Thời Gian cùng 180 học sinh trường THPT Hùng Vương ở Thủ Dầu Một biểu diễn.

Chương trình ca múa nhạc thời trang Vũ điệu gốm sứ đêm chủ nhật 5-9-2010 do Phạm Kim Dung đạo diễn, Việt Hà và Bình Minh làm MC. Cũng như đêm khai mạc, những tiết mục liên quan gốm luôn nhận được tràng pháo tay dòn dã. Đó là các bài hát Tình làng gốm do Trần Thiện Thanh sáng tác, Thanh Thuý trình bày; Tuyệt vời gốm sứ Bình DươngTrao duyên gốm sứ Việt Nam do Trần Huân sáng tác, đoàn ca múa nhạc Bình Dương trình bày.

Chương trình bế mạc Bình Dương rực rỡ sắc màu đêm thứ tư 8-9-2010 do công ty Ngôi Sao Mới dàn dựng, Phương Thảo làm MC. Đáng tiếc thay, đêm giã bạn lại chẳng vang ngân tiết mục văn nghệ nào quảng dương nghề gốm. Festival gốm sứ những lần sau, theo tôi, nên phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về gốm sứ quê hương.

Cả 3 chương trình quy mô, với tinh thần "chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh, lại diễn ra cùng một địa điểm là sân vận động Gò Đậu. Ấy là điều cần tránh. Cũng nên tính toán kỹ và bố trí khéo để các tiết mục nối tiếp liền mạch trên sân khấu, chớ tồn tại những động thái mất thời gian.
 
Chút so sánh

Tại thị xã Thủ Dầu Một, lúc chương trình bế mạc vừa khép, một thành viên trong Ban tổ chức là ông Lê Hữu Phước - phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch tỉnh Bình Dương - trao đổi với tôi:

- Anh Phanxipăng là người theo dõi nhiều Festival được tổ chức lâu nay ở nhiều nơi. Vậy anh nhận xét gì về Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010?

Tôi cười:

- Muốn đối chiếu với các Festival được xem "hoành tráng" đã diễn ra trong nước như 300 năm Sài Gòn - TP.HCM, 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Festival Huế để rút ưu khuyết điểm của Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 à?

Ông Phước ồ lên:

- Những Festival tổng hợp văn hoá mang tính quốc gia và tầm quốc tế cỡ đó, thú thiệt, Festival gốm sứ không sánh nổi đâu. Xin anh chỉ so với các Festival nghề nghiệp thôi hà.

Festival nghề nghiệp ở Việt Nam có nhiều dạng vẻ và quá trình hình thành khác nhau. Ít tuổi đời là Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội dừa Bến Tre, Lễ hội quả điều vàng Bình Phước, Festival trái cây Tiền Giang, Festival lúa gạo Hậu Giang, Festival cà phê Đăk Lăk, Festival thuỷ sản Cần Thơ, Festival trà Thái Nguyên, Festival ẩm thực Vũng Tàu, Festival du lịch Hạ Long, Liên hoan võ cổ truyền Bình Định. Dày dặn hơn có Festival hoa và cây cảnh tại nhiều tỉnh thành mà nổi bật là Hội hoa xuân TP. HCM bày soạn trong công viên Tao Đàn lần thứ nhất dịp Tết Tân Dậu 1981, Liên hoan Phim Việt Nam mở đầu năm 1973 tại Hà Nội và lần thứ 16 tại TP.HCM vào năm ngoái 2009, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 17 ngày 3 đến ngày 8-1-2010 tại Hà Nội. So sánh Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 với những Festival kia quả hơi bất tiện.

Kỳ thực, Festival Huế được tổ chức vào các năm chẵn, còn các năm lẻ thì Huế chơi Festival làng nghề. Festival làng nghề Huế lần thứ ba diễn tiến trong mấy ngày 12, 13, 14-6-2009 với 3 nghề pháp lam, sơn mài, gốm sứ là một liên hoan nghề nghiệp mà Festival gốm sứ Việt Nam có thể rút tỉa nhiều điều bổ ích. Với gốm sứ, được sự tham gia của 8 làng nghề thuộc các tỉnh thành Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Festival làng nghề Huế 2009 không chỉ dựng các gian hàng và chỗ thao tác nghiệp vụ trên đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu ven dòng Hương, giữa cầu Trường Tiền và cầu Mới, mà còn trưng bày cổ vật gốm cung đình tại Tả Vu trong Đại Nội, trưng bày Dặm dài đất nước qua các cổ vật gồm 500 đồ gốm xưa quý hiếm của 30 nhà sưu tập thuộc nhiều địa phương tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế, trưng bày đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn và mỹ nghệ pháp lam thời Nguyễn của nhà sưu tập và nghiên cứu Trần Đình Sơn tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán, trưng bày Chuyện kể từ lòng sông tại Trung tâm Festival Huế, triển lãm gốm của hoạ sư Lê Bá Đảng và gốm của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, triển lãm gốm của nghệ sĩ Gilles Fromonteil (đến từ vùng Poitou-Chanrentes, Pháp) tại 4 Hoàng Hoa Thám, toạ đàm Nghề và làng nghề thủ công truyền thống - tiềm năng và định hướng phát triển. Festival làng nghề Huế 2009 khai mạc trên sông Hương, ở sân khấu Đập Đá, rồi bế mạc giữa đường phố. Ngay trước khai mạc và sau bế mạc, Festival làng nghề Huế đều nhanh chóng họp báo giới thiệu và tổng kết khá chu đáo.

Cùng với Festival làng nghề Huế, Lễ hội làng nghề và phố nghề Thăng Long - Hà Nội diễn ra ngày 16 đến ngày 21-9-2010 tại công viên Bách Thảo ở thủ đô cũng giúp Festival gốm sứ Việt Nam những kinh nghiệm quý báu. Một trong những điều cần thiết mà Ban tổ chức nên tiến hành mạnh mẽ rộng khắp là tích cực quảng bá Festival bằng tất cả phương tiện truyền thông đại chúng.

Festival gốm sứ nói riêng, Festival nghề nghiệp nói chung, tất nhiên là dịp quá thuận lợi để tôn vinh ngành nghề. Đó còn là cơ hội vàng nhằm tiếp thị địa phương.

NSND Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch - cho biết rằng Bình Dương được ưu tiên đăng ký tổ chức Festival gốm sứ Việt Nam lần kế tiếp, các tỉnh thành khác có thế mạnh về sản xuất gốm sứ đủ khả năng rồi cũng sẽ thi triển Festival gốm sứ Việt Nam những lần sau.
 

Đã đăng Thế Giới Mới 902 (20-9-2010)
Đêm khai mạc 4-9-2010 Thăng Long - gốm Việt.
Ảnh: Phanxipăng
Cổng vào hội chợ Gốm sứ - thế giới sắc màu.
Ảnh: Phanxipăng
Loạt tượng gốm Ngũ tấu, Phụ nữ Chăm - Thái - Êđê, Phụ nữ Bắc Trung Nam.
Ảnh: Phanxipăng
Tượng Cô gái Chăm.
Ảnh: Phanxipăng
Gốm Lái Thiêu, Bình Dương.
Ảnh: Suy Min
Gốm Phù Lãng, Bắc Ninh.
Ảnh: Phanxipăng
Đồ gia dụng bằng sứ 
của công ty Minh Long I. 
Ảnh: Suy Min
Trưng bày cổ vật Tinh hoa gốm Việt
Ảnh: Phanxipăng