Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả
 
Hàu biển
Cát Hoàng
vùng biển ấm Việt Nam giàu về sản vật, với khoảng 11 nghìn loài sinh vật biển khác nhau. Gồm: 537 loài thực vật phù du, 662 loài rong biển, 94 loài thực vật ngập mặn, 997 loài thực vật cao cấp trên các đảo, 67 loài động vật phù du, 350 loài san hô, 2.523 loài thân mềm, 1.647 loài giáp sát, 743 loài giun tơ, 384 loài da gai, 2.038 loài cá, 200 loài chim biển, 70 loài động vật trên các đảo, 10 loài rắn biển, 5 loài rùa biển và 800 loài động vật quý hiếm các loại khác.
 
Hầu hết các loài động và thực vật biển ăn được đều có chất dinh dưỡng và sự "khoái khẩu" đặc thù. Ở phạm vi bài viết nầy tôi xin giới thiệu riêng về món ăn Hàu biển.

Nhân đọc báo Sài Gòn Giải phóng số chủ nhật vừa qua, có đề cập đến một nghề lạ ở Vũng Tàu, kể về một số người ở địa phương tìm bắt Hàu biển để bán cho du khách ăn chơi; hoặc thi thoảng nếu có dịp đến góc Đông Nam chợ Vũng Tàu để ăn món Hàu biển do Ông già Tiều chế biến đi chăng nữa, thì tôi cho rằng vẫn chưa bộc lộ được hết tính độc đáo của món ăn nầy, bởi lẽ chúng ta chỉ mới được ăn những con Hàu bé tí và chưa gắn với một hoài niệm nho nhỏ, khả dĩ có thể "sống để dạ, chết mang theo".

Để ví dụ nôm na một cách cho dễ hình tượng: Bạn ăn con tôm càng hoặc tôm thẻ biển, thì vị ngọt tựa như ăn đường thùng (đường thô); nhưng khi Bạn được ăn Hàu biển thì chất ngọt ấy lại là vị đường phèn (đường phổi Quảng Ngãi); đặc biệt là khi thân Hàu biển được gói cuốn bằng đọt non lá Bình Linh (một loại cây điền dã thường mọc trên các triền đất giồng cát vùng Bến Tre, Trà Vinh...) thì hậu vị ngon ngọt ấy kéo dài suốt buổi, tương tự như hậu vị của món trà (chè) Tàu, trà Bắc.

Tôi được thưởng thức món ăn Hàu biển từ thuở còn mài mòn đủng quần trên ghế nhà trường phổ thông trung học, thắm thoát cách nay gần 40 năm rồi mà vẫn còn luyến nhớ như in.

Nếu về một làng cá nào đó, Bạn cứ tưởng sẽ được tha hồ thưởng thức đặc sản biển thì có thể lầm. Vì đối với cái nghề "Hạ Bạc" - Những ngày biển động, không đi biển, thì đến với ngư dân chỉ có nước là ... húp nước mắm, hoạ hoằn lắm cũng chỉ được vài món khô cá là cùng (thường khi là phải mua lại ở các quán cốc, chứ mấy Ông chủ tàu đánh bắt hải sản cũng ít khi dành sẳn).

Vậy mà hồi ấy, thường là vào những lúc biển động, Thầy trò chúng tôi thích mò ra làng cá Bình Châu (nay là Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) để mong được... ăn Hàu biển. Số là, mấy khi Thầy giáo đến nhà, mà Bà con ngư dân mình để Thầy kham khổ khô muối cho đành. Âu thì, chủ nhà hối thúc mấy chàng Ngư lực phủ bơi xuồng ra mấy cọc đáy ở cửa sông tiếp giáp biển, mò bắt Hàu về làm thức nhắm.

Mò bắt được Hàu phải nói là gian khổ và cực kỳ khéo léo, nếu lỡ sơ sẩy tay chân một tí thì thương tích cùng mình, vì con Hàu ký sinh lưu niên trong lớp vôi đá sắc cạnh, phải dùng búa đập vỡ ra từng mảng mà lấy, trong khi người bắt phải thao tác bên dưới mặt nước.

Những con Hàu to bằng trôn chén trở lên đấy "ăn mới đã". Thân Hàu tươi chong và trắng phau được ăn bằng cách tái chanh hoặc nhúng vào nước dấm được pha chế sẵn trên bếp nóng; nước chấm thì thường có sẵn nước mắm cốt (nước mắm nhỉ - hầu như ngư gia nào cũng đều thủ sẳn để uống giữ ấm người khi cần lặn), chỉ cần gia vị thêm tỏi ớt và khi đó thì "lũ thứ ba" ăn theo là chúng tôi chỉ cần "thò" ra món Bình Linh lá non thì là đủ bộ. Í à ! còn quên món rượu đế thường các Ngư lão luôn sẵn mở cùng tấm tình ưu ái kẽ sĩ.

Nhắc lại chuyện cũ, càng cảm thấy bùi ngùi.
Thầy ơí!
Bạn ơi!
Ngư dân xưa ơí!
Ai còn? ai mất? sau những năm chiến tranh và hoà bình. Dòng chảy cuộc sống đã và đang cuốn hút chúng ta theo đà công nghiệp hoá, chỉ còn đây chút hoài niệm dần đi vào một thời vang bóng!

Một thời - Chúng tôi gắn bó với làng biển Bình Châu với tấm tình bình dị, yêu thương, đậm đà tình cảm và tôi đoan chắc rằng: Nếu Bạn về với làng biển bằng cả tấm lòng, Bạn sẽ được ăn Hàu biển ngon hơn cả chúng tôi ngày ấy./.

Cát Hoàng


  Trở Về   ]