Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả
 
Tản mạn Tết
Cát Hoàng
Từ bao đời qua, theo cách tính Âm lịch của Việt Nam và Trung Quốc cùng một số nước vùng Đông Á, khi hiện tượng Sóc (không trăng - nouvelle lune) đầu tiên của năm rơi đúng vào ngày nào đó - dù hiện tượng có thể xảy ra vào sáng, chiều, tối, bất cứ lúc nào - thì cả ngày hôm đó được coi là ngày đầu năm - ngày Tết Nguyên đán.

Hà Nội và Bắc kinh thuộc hai múi giờ khác nhau. Hà Nội cách Bắc Kinh 01 giờ do đó Tết Việt Nam sau Tết Trung Quốc 01 giờ hoặc 01 ngày là bình thường (Như năm 2007 Tết Việt Nam vẫn trong ngày 17/2 còn 46 phút, khi Tết Trung Quốc sang ngày 18/2 đã 14 phút).

Mỗi Quốc gia hoặc vùng, miền ngày Tết đều mang đặc trưng riêng. Ở đây chỉ xin ghi lại đôi nét cảm nhận về phong tục Tết Việt Nam mang đặc thù ở miền Nam nói chung và của Bến Tre nói riêng.

Ngay từ tháng chạp bà con mình đã tất bật chuẩn bị đón Tết. Hộ buôn bán lo trữ bánh mứt, trà rượu, áo quần,... để phục vụ; hộ nông thôn lo thu hoạch mùa vụ lúa gạo, cây trái,... và mọi người cùng chuẩn bị đón Tết.

Tuỳ theo dự đoán và canh thời tiết, từ giữa tháng chạp mà mỗi nhà  lặt lá mai để cây mai trổ bông rộ vào ba ngày Tết (Lúc nầy bà con mình chưa đúc kết được kinh nghiệm như bây giờ, đã lặt lá mai và chăm bón phân trước vào khoảng giữa năm để cây mai cho nhiều nụ, nhiều bông to đẹp hơn).

Khoảng từ 20 đến 25 mọi người tập trung lo tảo mộ hiếu nghĩa với người đã mất. Quê tôi có lệ sáng ngày 25 nhà nhà họp về nhà thờ tổ (thờ những người có công đầu khai phá đất) để cúng viếng, sau đó vầy đoàn đi tảo mộ, xong quay lại nhà thờ chung vui tiệc cúng.

Thời gian nầy bọn trẻ được nghỉ học phụ lo việc nhà. Ấn tượng nhất là được tham gia quết bánh phồng - Đây còn là dịp phô trương sức vóc, đứa nào được chọn vào vai quết bánh là rất sướng (Mệt mà sướng. Bởi vì, quết không tới là nếp hoặc khoai mì không nhừ làm bánh sượng nướng không nở, không phồng. Bây giờ nhắc lại cắc cớ có người hổng tin có loại bánh nướng phồng đến độ găm mút kim vá áo).

Chiều 23 mọi nhà đều có lễ cúng đưa Ông Táo về trời. Ngày Ông Táo về trời được xem là ngày khởi đầu của Tết Nguyên đán. Sau khi tiển Ông Táo về trời, mọi người bắt đầu dọn dẹp, lau chùi, trang hoàng bàn thờ ông bà, treo tranh, câu đối,... và chưng hoa quả ở những nơi trang trọng để đón Tết.

Riêng tôi có một kỷ niệm buồn nhớ mãi. Đó là, vào năm tôi học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) gia đình tôi không làm lễ đưa Ông Táo và năm đó gia đình tôi cũng không đón Tết, vì năm đó cha tôi mất do tai nạn chiến tranh. Buổi chiều đưa Ông Táo là buổi kéo cửa mả cha tôi, về ngang chùa nghe vang vang tiếng chuông vọng lễ tiển đưa Ông Táo mà lòng tôi xốn xang hết biết. Tiếng chuông chùa buổi ấy sau nầy còn thỉnh thoảng chợt về trong giấc ngủ của tôi nhắc tôi nhớ sự nghiệt ngả muôn đời chiến cuộc.

Chiều ba mươi Tết (hoặc hăm chín vào năm tháng thiếu ngày) nhà nhà đều làm lễ cúng rước Ông Bà. Nhìn cổ lễ người ta có thể phổng đoán mức độ giàu có hoặc nghèo khó của mỗi gia đình. Song, có những món ăn phổ thông nhất thiết phải có như: Cơm trắng, thịt heo kho nước dừa, khổ qua hầm, dưa giá, bánh tét và rượu. Điều đáng nhớ là lúc ấy nhiều nhà dành khoảnh ruộng riêng để cấy lúa, nếp ngon để nấu cơm, làm bánh và nấu rượu cho thật ngon để tỏ bày lòng thành kính dâng Ông Bà.
Mùng ba Tết mọi nhà cúng tiển Ông Bà cùng nghi thức như lễ đón, nhưng đặc biệt có món thịt gà luộc (Cúng xong cắt riêng cặp cẳng gà đem treo chái hiên nhà để bói toán hay làm gì nữa mà thật tình đến giờ tôi chưa hiểu hết).

Đêm trừ tịch (còn gọi là lễ Giao thừa. Trừ tịch với ý nghĩa "khu trừ ma quỷ" đem bỏ hết những gì xấu xa của năm cũ và đón nhận mọi điều tốt đẹp từ năm mới) là giờ phút thiêng liêng nhất, mọi người trong gia đình quây quần cúng bái và đón lộc Tết. Con cháu mừng tuổi Ông, Bà, Cha, Mẹ và nhận lộc. Sau đó rũ nhau đi chùa xin lộc Phật.

Từ giờ phút giao thừa trở đi, mọi người kiêng cữ không được cãi cọ nghịch ngợm, quở mắng trách phạt nhau. Ai nấy đều tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành nhất. Sáng mùng một Tết lại chọn người có tên đẹp, tính tình hoà nhã để xông đất, xông nhà.

Mùng một Tết Cha mùng ba Tết Thầy. Thời thơ ấu tôi có một Ông Thầy đặc biệt (nghe kể lại là tôi có tật khóc đêm nhờ Thầy sên bùa cho đeo mà hết) mà hàng năm cha mẹ tôi đều sắm quà và hướng cách để tôi đi viếng Thầy (Quà thường là phong bánh in và hộp trà con chim én). Thời học Trung học bọn tôi hình thành Bút nhóm Hương Bình, ngày mùng ba Tết nào cũng đi viếng Thầy Cô (nhưng chỉ chúc không bái).

Độ con nít thích quần áo mới bao nhiêu thì thích tiền lì xì bấy nhiều. Tiền lì xì dùng để mua pháo đốt và chơi bầu cua cá cọp. Xóm tôi có một chị tên Bảy nổi danh là "con Bảy bầu cua" - Nó chỉ lớn hơn tôi vài tuổi mà khôn ác, con nít trong xóm có bao nhiêu tiền bị nó dụ chơi thua sạch. Tôi thua đến độ phải đạp xe hơn 10 cây số đường cực xấu xuống nhà cô tôi kiếm tiền lì xì về chơi tiếp để... thua tiếp.

Tết Kỷ Sửu 2009 dân số Bến Tre tăng gấp khoảng 7 lần so với 100 năm trước (Dân số tỉnh Bến Tre có 216.168 người vào năm Tân Sửu - 1901). Nghĩa là đã có biết bao lớp  người được sinh ra và đã mất đi. Song, phong tục, tập quán Tết ở đất Bến Tre không thay đổi mấy. Tin tưởng rằng truyền thống, bản sắc tốt đẹp đó mãi được duy trì, tôn vinh và phát huy. Ngược lại mấy chuyện không hay như đốt pháo, cờ bạc,... và gây chiến như kể trên vĩnh viễn chấm dứt./.



  Trở Về   ]