Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Thương nhớ
TÂY-NINH

"tỉnh lẻ biên thùy"

***

An-Tiêm Mai Lý Cang
(Paris)

 

LTG - Do nhờ yếu tố về địa lý mà vào những năm đầu sau thời kỳ 1975, thì lúc bấy giờ, Tây-Ninh được coi như là một trong ba của năm tỉnh thành thuộc vùng Đông-Nam Việt-Nam có mức sống khá cao, nếu tính trên mức tiêu thụ bình quân của đầu người. Trong lịch sử Nam tiến của người Việt, dấu ấn của miền sơn cước địa phương do thế hệ ông cha của chúng ta để lại, quả là một công trình khai phóng biên cương đầy mạo hiểm, nhọc nhằn. Chính vì biết bảo tồn di sản thiêng liêng của dân tộc mà hàng hàng, lớp lớp người VN đã bao năm qua từng đến đây lập nghiệp, đều lúc nào cũng gắng sức, chung lòng, để xây dựng nên hình ảnh của một quê hương thanh bình, hạnh phúc...

Núi Bà-Đen

Tìm nhau trên bước đường xa
Vui mừng gặp lại cùng là đồng hương
Bao năm đất khách tha phương
Biết ai tâm sự tình thương nhớ nhà?*

Tôi ra đời trên miền đất hoang vu có tình người đơn sơ, hiền lành, mộc mạc, xóm làng lưa thưa độ chừng có được năm bảy túp lều tranh. Ngày tháng lần trôi, ngọn núi Bà-Đen vẫn thường che khuất bóng mặt trời khi tang tảng sáng và cuộc sống cô thôn êm trôi như tờ lịch rớt hằng ngày.

Đây là những hình ảnh kỷ niệm về Tây-Ninh đối với tôi từ thuở thiếu thời. Nhưng nó đã chứa chan một sức sống trọn vẹn cho cục đất quê hương, mà người dân địa phương thường hãnh diện, ca tụng như là một vùng địa linh nhân kiệt đã hài hòa với khí thiêng sông núi, hun đúc nên biết bao nhiêu kẻ sĩ người hiền, để làm vui đời sáng đạo, góp phần vào công to nghiệp cả điểm tô đất nước.

Thường những người Việt-Nam chưa bao giờ có dịp đặt chân đến nơi nầy. Nhưng hễ mỗi khi nghe nói đến hai tiếng Tây-Ninh thì trong lòng không thể không rung động, để hình dung ra ngay hình ảnh ngọn núi Bà-Đen cao nhất tại miền Nam Việt-Nam. Và vùng thánh địa Cao-Đài, cùng với các địa danh như giáo đường Tha-La in hình trên dòng sông Vàm-Cỏ-Đông hiền dịu v.v. Rồi cùng nào là những khu vực của chứng tích lịch sử, từng được coi như là vùng oanh kích tự do trong thời buổi chiến tranh chạy dài từ rừng Bời-Lời, tới vùng đất Mỏ-Vẹt v.v. Nói thực tế hơn, Tây-Ninh là một tỉnh lẻ biên thùy nằm ở phía Đông miền Nam Việt-Nam. Một nơi có những danh lam thắng cảnh được nhắc nhở khá nhiều tương tợ như miền An-Giang, Châu-Đốc có đạo Hòa-Hảo, có dãy Thất-Sơn và miếu Bà Chúa-Xứ. Tuy nhiên, về phương diện đặc thù của địa lý, lịch sử thì tầm địa bàn chiến lược về quân sự ở Tây-Ninh có phần quan trọng hơn hẳn vùng bảy núi miền Tây. Và chính những sự kiện đó được chứng minh bằng những chiến công hiển hách, danh dự hàng đầu của các thế hệ trải qua từng thời kỳ cha ông mở rộng biên cương, chống giặc. Thậm chí cho tới ngày nay, thì cái tên của tỉnh Tây-Ninh cũng như trường hợp của những quê hương khác như cố đô Huế, thành phố Sài-gòn, đầm lầy Đồng-Tháp-Mười, xứ dừa Bến-Tre, đất mũi Cà-Mau v.v vẫn được cả đồng bào ở trong và ngoài nước luôn quen miệng nhắc nhở, kêu gọi bằng một cách trân quý, thân thương.

Ngược dòng thời gian từ thuở Vương-quốc Khờ-Me (Khmer) còn thái bình thịnh trị. Lãnh thổ của họ trải dài từ đền Angkor giáp tới vùng địa lý không gian sinh tồn của sắc dân Phù-Nam (Funan) có núi non nầy, cho đến tận biển Đông. Và mãi đến ngày nay, hiện vẫn còn để lại nhiều dấu tích cổ xưa trong những vùng hoang vắng. Chính về mặt địa lý, lịch sử đặc biệt đó, mà trước kia, đã phát sinh có những hoài bảo không chính đáng của nhóm thiểu số từ nước bạn láng diềng. Lúc nào họ cũng muốn như đơn phương khắc phục lại mảnh đất sinh tồn, nguyên nguồn gốc là của tổ tiên vương quốc dân tộc Phù-Nam đã dày công tạo dựng tự bao đời. Nơi mà có đất đai đặc biệt, chỉ phù hợp cho loại cây Thốt-Nốt được mọc lên trải dài qua tận vào trong xứ của nước Thái-Lan. Và nếu giờ đây, tại các tỉnh cũ miệt Trà-Vinh, Sóc-Trăng hãy còn rõ rệt những nét văn minh của người Khờ-Me ở tại các chùa chiền và Sóc (làng), thì vùng đất Tây-Ninh dấu ấn đó còn chăng, chỉ là những thành lũy, hào sâu đã lần lượt nghiêng ngả, xoáy mòn theo lớp bụi thời gian với lớp sóng phế hưng.

Châu thành Tây-Ninh cách thủ đô Hà-Nội 1809km theo quốc lộ 1. Cách cố đô Sài-Gòn độ non một trăm cây số ngàn theo quốc lộ 22A. Và cũng từ thành phố Hồ-Chí-Minh ngày nay, nếu muốn lên tận Tây-Ninh thì phải đi ngang qua khu công nghiệp hiện đại và vùng di tích địa đạo Củ-Chi, nơi được báo chí quốc tế nói đến rất nhiều trong thời kỳ xảy ra cuộc chiến tranh Mỹ-Việt. Hiện vị trí nầy đã trở thành một địa điểm du lịch, thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan. Nhưng trước khi đặt chân lên đến đất Củ-Chi, mà nếu cũng khởi hành từ miền Gia-Định thì bắt buộc du khách phải xuyên qua phần đất của Hóc-Môn, của Mười Tám Thôn Vườn Trầu, một chiến khu của du kích quân trong phong trào Nam-kỳ khởi nghĩa năm xưa. Và cũng nếu muốn gợi ra thêm một hình ảnh của kỷ niệm hãy còn in đậm trong tinh thần đoàn kết dân tộc, để chống đối giặc xâm lăng thì cần phải nói rõ thêm...Là trước khi vào địa phận Hóc-Môn thì người ta bắt buộc phải đi ngang qua vùng đất Bà-Quẹo**, là nơi đã từng diễn ra những cuộc họp liên kết đảng phái chính trị chống chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.

Bỏ lại địa đạo Củ-Chi, người hướng dẫn du lịch sẽ đưa bạn tiếp tục cuộc hành trình tiến về Tây-Ninh. Qua khỏi Suối-Cụt là tới Trảng-Bàng. Quận lỵ nầy là một vùng đất có lắm danh nhân văn võ trải qua nhiều thời đại, thuở nhỏ vốn xuất thân từ mái trường vỡ lòng Cao-Cẳng, trước khi ra thành đổ đạt, lập nghiệp thành danh. Tại đây, dân cư không giàu nhưng tình văn nghệ thì không thiếu. Và người ta có thể nói, ở địa phương nầy chính là đất dụng võ của các đoàn ca kịch cải lương từ thời của các ông bầu lớn như Năm Nghĩa, Bảy Cao v.v. Lúc bấy giờ là thời kỳ vàng son của các lớp thế hệ kép mùi, đào thương đang lên nổi danh như: Út Trà-Ôn, Năm Phỉ, Phùng-Há, cho tới về sau có kỳ nữ Kim-Cương, cải lương chi bảo Thanh-Nga v.v. Tất cả những đoàn hát lớn nhỏ nào cũng đều có dịp lưu diễn ở tại rạp hát Đồng-Phước, ở kế nhà Vuông gần chợ Trãng-Bàng. Hình ảnh chiếc xe thổ mộ treo bên hông hai tấm bảng vẽ tuồng hát với nhiều màu sắc lòe loẹt, rực rỡ. Một cậu bé ngồi phía sau đập trống "thùng-thùng" chạy vòng quanh mấy con đường rải giấy quảng cáo vào những buổi chiều về, quả là một kỷ niệm văn nghệ tình quê êm đềm, xa xưa đầy thú vị, mà ngày nay làm sao tìm lại được hình ảnh thân thương nầy nơi thôn Trảng!

Cái thành phố nhỏ xíu như vậy mà khi xưa có tới hai cái chợ. Chợ Gia-Lộc và chợ Gia-Huỳnh. Chợ Gia-Huỳnh còn được gọi là chợ hàng bông, vì số lượng lớn rau cải chở về Sài-Gòn hằng ngày. Còn chợ Gia-Lộc ngày xưa nằm tiếp giáp con kinh xuôi về An-Tịnh đưa tới Lộc-Giang, Tha-La hoặc Bàu-Trai, Tân-Mỹ. Dân cư ở vùng nầy có truyền thống quật khởi, đã từng tham gia vào Phong-Trào Thanh-Niên Tiền-Phong, tầm vông vạt nhọn, chống giặc giữ làng. Cho nên, đã được nhà chí sĩ Nguyễn-An-Ninh thường xuyên từ Hóc-Môn cỡi xe đạp lên bán dầu cù-là, để nhân cơ hội cổ võ, hô hào nhân dân đứng lên làm cách mạng, lật đổ chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Ngày nay, cảnh cũ đổi thay, chợ mới Trảng-Bàng đã được xây cất tại ngã ba Lộc-Du cũ, gần hai ngôi chùa cổ Phước-Lưu và Phước-Lâm. Bên cạnh, là ngõ đường đi vào giáo đường Tha-La; nơi nổi tiếng lưu truyền có những chàng trai anh tuấn năm xưa xếp việc bút nghiên, để xung phong hăng hái lên đường theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi.

Nhớ lại thời kỳ lúc bấy giờ, có một chiến sĩ hiên ngang từng tham gia phong trào Thanh-Niên Tiền-Phong vừa về tới chiến trường vùng đất Tha-La, thì bị giặc bắt đem về xử bắn tại sân banh Trảng-Bàng. Trước khi ngã gục trước họng súng của quân thù, thì người anh hùng oai dũng không khuất phục đó đã có mấy lần hô to lên mấy tiếng "Việt-Nam muôn năm".

Từ phố cũ Sài-Gòn đi Tây-Ninh. Đến đây, thì đã được phân nửa đoạn đường và còn khoảng hơn mười cây số ngàn nữa thì tới Gò-Dầu-Hạ. Gò-Dầu-Hạ nguyên là một quận biên thùy quan trọng về kinh tế của tỉnh Tây-Ninh có tầm sinh hoạt bán buôn, dạo nào, cũng giống như hình ảnh ở cửa Hữu-Nghị, Mông-Cáy miền Bắc ngày nay, và cũng giống như ở Hà-Tiên miền Tây ngày trước. Tại những nơi nầy tràn ngập hàng nhập lậu từ Trung-Quốc, Thái-Lan và Cam-Bốt. Nếu ở Hà-Tiên ngày trước, mỗi lần muốn đi đến địa điểm đổi trao hàng lậu phải đi ngang qua Thạch-động, thì hồi đó khách hàng mua bán ở quận lỵ nầy (Gò-Dầu-Hạ) muốn tới địa điểm để giao thương, thì phải băng qua cây cầu biên giới đưa đến phần đất phía bên kia của Gò-Dầu-Thượng để tải hàng hóa bất hợp pháp.

Lịch sử của chợ trời biên giới khi xưa nầy có lẽ đã xuất hiện đầu tiên cùng lúc với chợ trời nhập lậu Hà-Tiên, đều xảy ra dưới thời đất nước bị phân đôi và cũng vào lúc mà miền Nam Việt-Nam cùng Cam-Bốt cắt đứt mọi liên hệ ngoại giao với nhau. Ngày xưa, đoạn đường buôn lậu từ Gò-Dầu-Hạ về gần tới Lộc-Du thì thực là nguy hiểm, vì khi vừa ra khỏi Gia-Bình thì hai bên vệ đường đều có trúc tre rậm rạp mà bọn thảo khấu thường hay lợi dụng vào địa hình trắc trở để cướp giật, giết người cướp của gieo tai họa cho bao gia đình vô tội ngày nào. Ngày nay, cửa khẩu Mộc-Bài ở Gò-Dầu-Hạ là một nơi bán buôn sầm uất, xe cộ dập dìu nhờ nằm ở cạnh sát biên giới hai quốc gia Việt-Miên. Nơi đây lại còn có cả một sòng bạc bên kia cửa khẩu được tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế, cho nên đã thu hút được rất nhiều khách hàng ham thích sát phạt, mua vui thú đỏ đen...

Tuy nhiên, ai kia mỗi khi có dịp viếng thăm ngọn núi Bà-Đen và vùng thánh địa Cao-Đài thì nhớ đừng quên ghé lại quận lị Trảng-Bàng, vì đây là cái mốc dừng chân trên điểm hẹn. Trữ tình, ngào ngạt, êm đềm qua tiếng hát mộc mạc quê hương:

Quê tôi là đất ruộng đồng
Sớm chiều hai buổi nông dân cày bừa
Trồng khoai, trồng đậu, trồng dưa
Lúa cao, mía tốt nhờ mưa thuận mùa*

hay như có dịp để gợi lại những hình ảnh không gian đầy ấn tượng của buổi chia ly nước mắt

...Hồi còi giục giã xuống tàu
Tâm tình xin gởi trọn vào tình thương
Chiều tà vọng nhớ cố hương
Mái trường Cao-Cẳng, giáo đường Tha-La*

mà thời gian dù mờ nhạt phôi pha vẫn còn để lại dấu chân kỷ niệm của năm nào bên sông vắng. Nói một cách khác, Trảng-Bàng vốn là đất của giai nhân ra đời từ hết thế hệ nầy sang thế hệ khác. Và đã từng gây ra nhiều trận sóng tình biến thành thảm họa, khổ đau được đưa lên mặt báo chí bao lần. Nhưng nếu thời gian quá ngắn không đủ để cho khách nhàn du vào tận miền cây xanh trái ngọt Tha-La để thưởng thức hương vị đồng quê. Hay đến mả Trúc, giếng Mạch nhìn thấy núi Bà ở tận chân trời để quay phim, chụp hình kỷ niệm, hồi tưởng lại đường tiến quân của nhà Nguyễn chinh phạt lân bang, thì món kẹo hột điều, món muối tôm, bánh ú lá tre, đặc biệt là những lò bánh canh sẽ không thiếu những tô bánh canh giò heo, bánh tráng nướng phơi sương được biến chế độc đáo chỉ có thể tìm thấy nghệ thuật gia chánh ở nơi nầy. (Tưởng cần nói thêm rằng hàng bao thập niên dài về trước, vùng đất Nam-kỳ từ miệt lăng ông tiền quân Nguyễn-huỳnh-Đức ở Long-An đến lăng ông tả quân Lê-văn-Duyệt ở Gia-Định. Và nói riêng, từ Trảng-Bàng đến Kà-Tum (địa phận Tây-Ninh) người ta còn thấy có rất nhiều ngôi mộ hoang (xưa) được chôn cất chu đáo, xung quanh có đào hào, trồng tre trúc rậm rạp mà dân địa phương quen gọi là mả Trúc. Dưới thời vua Minh-Mạng, đất Trảng-Bàng từng là hậu cứ quân sự của vị tư lệnh chiến trường Việt-Miên Trương-Minh-Giảng. Và cũng bắt đầu từ thời kỳ nầy, mà về sau, đã có phát sinh ra một loại huyền thoại, hư cấu, truyền khẩu dân gian trong xã hội của người Khờ-Me nói về hình ảnh chụm đầu ba ông sãi)...

Cũng dưới thời Minh-Mạng, phủ Tây-Ninh được thành lập đầu tiên với hai quận là Tân-Ninh và Quang-Hóa. Còn thực tế ngày nay, thì tỉnh Tây-Ninh đã có một thị xã Tây-Ninh và được tổ chức lại chia ra làm thành tám huyện (quận) là: Châu-Thành, Hòa-Thành, Bến-Cầu, Tân-Biên, Tân-Châu, Dương-Minh-Châu, Gò-Dầu và Trảng-Bàng với tổng dân số tăng cao lên hơn một triệu đầu người gồm có 26 sắc tộc. Tây-Ninh bây giờ lại còn có cả thêm một hệ thống kênh đào dài 617 km chủ yếu dựa vào hai nguồn nước chính là sông Vàm-Cỏ- Đông và sông Sài-Gòn. Và hồ Dầu-Tiếng có châu vi dài khoảng chừng 1000km với dung tích ước lượng lên tới 1,45 tỷ m3, với sự kết hợp cùng với 1053 tuyến kênh đào.

Là vùng đất cao không có sông ngòi nhiều, ngoài hai con sông chính là sông Sài-Gòn và sông Vàm-Cỏ-Đông chảy ngang qua địa phận. Nhưng ngược lại, hệ thống đường sá cũng tạm đủ thỏa mãn điều kiện giao thông. Hãy nghe những câu nói như: Gò-Dầu đi sang Sà-Phu, Xvay-Riêng, Nam-Vang (Phnom-Penh), thì người ta hiểu rằng đây là tỉnh địa đầu, ăn thông đường sá sang quốc gia láng giềng Cam-Bốt. Nhưng với phương tiện giao thông ngày trước, lại khi nghe nói cách khác như: từ Tây-Ninh đi Lò-Gò, đi Tân-Phú, Khe-Dol, Kà-Tum v.v, thì phải hiểu rằng Tây-Ninh là chỗ ở cuối đường đi vào ngõ cụt giao thông rồi. Nhưng cũng chính từ ở những ngõ cụt giao thông hoang vắng ven ranh giới rải rác ở khắp đó đây từ Hà-Tiên, Châu-Đốc cho tới Tây-Ninh, mà trong quá khứ đã có từng nhiều thế hệ di dân Việt-Nam vượt biên nhập cư vào đất Cam-Bốt để làm ăn sinh sống. Và cũng chính vì vậy, mà trong cuộc đời của tác giả đã hai lần, cách nhau khoảng ba mươi năm, từng được biết đến những vụ thảm sát người Việt (Cáp Duồn) xảy ra trên xứ Chùa-Tháp. Phong trào nầy phát sinh ra là do lòng tự ái dân tộc, vì họ cho rằng trước đây đã có những vùng đất đai Khờ-Me nay đã lọt vào tay của Việt-Nam. (Sự thật của nguyên nhân sâu xa là do thực-dân Pháp áp đặt địa lý, cắt chia ranh giới ba nước Đông-Dương. Trường hợp lằn biên giới da beo của các xứ da đen ở Phi-Châu ngày nay cũng vậy, đều do người da trắng khi xưa ấn định và có khi họ còn làm luôn cả lịch sử. Tuy nhiên, hIện nay hầu hết các quốc gia ở lục địa nầy đều nhất trí tôn trọng các thỏa hiệp về biên giới từ trước, vì không thể có cách nào để làm đảo ngược lại lịch sử nhân loại ).

Dầu sao thì Tây-Ninh cũng thuộc về vùng đất cao ráo cho nên nhà cửa ở nông thôn sạch sẽ, dễ nhìn. Thử nếu đem so bì với một tỉnh nào đó ở miền Tây, thì quả thực Tây-Ninh có thiếu phần nào thủy sản cá tôm v.v nhưng bù lại, cải rau, hoa quả có thừa. Tóm lại, về mặt nhận xét chung thì người ta có thể nói Tây-Ninh vẫn còn là một vùng đất mới, là "Tân-Biên-Cương" hiểu theo ý nghĩa của một vùng địa lý hãy còn chờ đợi sức khai phá của con người. Đây không phải là một ẩn dụ mà là một sự chứng minh cụ thể của lịch sử dân tộc, đã từng lựa chọn nơi nầy để làm thí điểm dinh điền trong những kế hoạch khẩn hoang lập ấp.

Ngày xưa, mỗi lần khách hành hương từ phương xa khi tới Trảng-Bàng, tức là bàn đạp bước vào vùng đất của Tây-Ninh, thì người ta thường hay phân vân về việc lựa chọn lộ trình trên đường vào chiêm bái thắng cảnh núi Bà-Đen. Tại Trảng-Bàng đi đến quận châu thành Tây-Ninh có hai ngã đường, mà dân địa phương thường hay quen miệng gọi là đường đá xanh (đường nhựa) và đường đá đỏ. Đi theo đường đá xanh, tức là tiếp tục lên hướng Gò-Dầu-Hạ, rồi ngang qua Trà-Vỏ cho đến khi thấy lác đác những lò gạch ngói xuất hiện bên vệ đường, ven bờ Vàm-Cỏ tỏa làn khói đen quyện lên cao là đã vào cục đất Cẩm-Giang có bến đò xuôi ngược. Bỏ lại nơi đây không mấy chốc thì tới Mít Một rồi có hai ngã rẽ, hoặc quẹo mặt vào chợ Long-Hoa, hoặc đi thẳng để vào châu thành Tây-Ninh. Ngược lại, còn muốn đi theo con đường đá đỏ (nhưng ngày nay đã được tráng nhựa) thì từ chợ Gia-Huỳnh (Trảng-Bàng) thẳng tới ngã ba hai châu quẹo trái đi Suối Bà Tươi, Sông Đua, Động Lông-Công (Bàu-Đồn), Truông-Mít, Cầu-Khởi, Chà-Là và trước khi vào đến thành phố tỉnh lị thì phải ngang qua Tòa-Thánh Cao-Đài. Lộ trình con đường đá đỏ nầy thì ngắn hơn và phản ảnh được nhiều chân dung của bức họa đồng quê đầy ấn tượng hơn. Lý do là vì nó xuyên qua những nơi có vài chứng tích của lịch sử địa lý cận đại (nay gần như biến dạng) bắt đầu từ địa điểm Sông Đua, (nơi đây có bờ lũy chạy dài tới tận bìa rừng), cho đến đồn điền cao su Cầu-Khởi ăn thông qua Vên-Vên, Trung-Bình-Linh trông rất nên thơ vào những mùa Thu lá đổ.

Từ khi nước nhà chưa thực sự hoàn toàn ngưng tiếng súng, khách lạ nào đặt chân tới thành phố Tây-Ninh vào những buổi chiều tà, thì chắc chắn sẽ không bao giờ quên cái cảm giác đầu tiên là lắng tai nghe được những âm thanh rung chuyển thét gầm của súng đạn liên tục từ xa vọng về, như để thay cho những tiếng chuông chiều đưa tiễn hoàng hôn. Ngày nay hòa bình trở lại, buổi sáng ở Tây-Ninh có ngọn gió núi trong lành thổi qua chân trời man mác nhưng gây ấm được lòng của khách lãng du ngắm nhìn vườn bưởi ở vùng đất đỏ Thanh-Điền mà hương vị không thua miệt Đồng-Nai, Sông Bé. Nói cách khác, mặc dù không thể so sánh với những vùng có khả năng thổ sản đặc biệt dồi dào, sum sê cây trái, nhưng Tây-Ninh lại cũng có nhiều đặc điểm thuận lợi về yếu tố thiên nhiên của đất đai rất thích hợp với một số cây trồng như mía, đậu phộng, dưa hấu, nhản, hồ tiêu v.v.

Tòa-Thánh Cao-Đài

Tại miền Nam Việt-Nam ngoài hai tôn giáo lớn là Phật-Giáo và Thiên-Chúa-Giáo, thì còn có thêm hai đạo khác cũng có nhiều tín đồ là Hòa-Hảo ở An-Giang và Cao-Đài ở Tây-Ninh. Cần nói rõ thêm, nếu đạo Hòa-Hảo tôn sùng đức độ của Phật thầy Tây-An bao nhiêu, thì đạo Cao-Đài lại càng ngưỡng mộ vào vị danh sĩ tiên tri thời Lê mạt Nguyễn-Bỉnh-Khiêm với quyển "SấmTrạng-Trình" giống như trườnghợp đặc biệt của nhà thiên văn Nostradamus ở Pháp với tập "Centuries" đã được rất nhiều người phương Tây thời nay thán phục.

Đạo Cao-Đài do ông Ngô-văn-Chiêu (nguyên là Quận-Trưởng ở Phú-Quốc) sáng lập vào năm 1926 với chủ trương tinh thần sống chung hòa bình theo tôn chỉ hòa đồng tôn giáo và thờ cả Phật-Chúa-Lão-Khổng. Do vậy, mỗi khi nói đến Tây-Ninh thì có ngay nhiều người muốn nói về hình ảnh của Tòa-Thánh Cao-Đài ở tại Long-Hoa cách thành phố Tây-Ninh khoảng chừng mười phút xe lôi (non chừng 5km). Đây là một công trình kiến trúc thật mỹ miều, đặc biệt có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới với những đường nét cấu trúc Việt-Nam, công phu trên những hình rồng oai nghiêm, uốn khúc thắm tô màu sắc rực rỡ. Theo vị trí, Tòa-Thánh nầy nằm trong vùng thánh địa của tín hữu đạo Cao-Đài, là cái nôi xiển dương của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Lễ đặt viên gạch xây cất đầu tiên xảy ra từ tiền bán thế kỷ XX (năm 1936) cho đến mấy chục năm sau đồ án mới được gọi là hoàn thành. Song thực tế, cho đến bây giờ cũng vẫn hãy còn có một số dự án công trình phụ thuộc còn tiếp tục nghiên cứu mở mang.

Nhưng nói riêng về một phương diện nào đó, thì dù sao cũng không ai có thể phủ nhận về hình thức kiến trúc tuyệt mỹ vừa cổ kính, vừa hiện đại của Tòa-Thánh Cao-Đài đã thắm tô thêm vẽ thắng duyên cho quê hương sơn kỳ thủy tú sản sinh của khó, người hiền, đã thực sự có sức thu hút khách du lịch mười phương đến thăm viếng ngày một đông hơn. Và, hơn thế nữa, ngày trước tại đây ảnh hưởng của đạo Cao-Đài đã có cơ hội đi sâu hơn vào tận làng mạc dân gian, khắp nơi thôn vắng. Chỗ nào cũng có thánh thất, dù chỉ là những mái tranh vách đất nhưng tâm hồn người không thiếu lòng tôn kính Đức Chí-Tôn của các tín hữu hướng về nguồn "Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp". Ngoài ra, các tổ chức đoàn ngũ hóa phụng sự xã hội (phước-thiện) của hệ thống giáo hội Tòa-Thánh Tây-Ninh từ trước cũng đã tỏ ra rất là hữu hiệu, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu tinh thần của đa số dân cày siêng năng công việc đồng áng, lúc nào cũng thấm nhuần tư tưởng đại đạo tam kỳ phổ độ mà đề huề công đức Từ-Bi, Thánh-Thiện ở đời.

Nếu ở miệt An-Giang là miền đất dụng võ của đạo Hòa-Hảo, thì tầm ảnh hưởng của đạo Cao-Đài ở Tây-Ninh đã có hoàn cảnh thuận duyên hơn để hoằng dương đạo pháp ra đến tận miền Trung. Cho đến ngay cả cách không xa dưới chân cố đô Đồ-Bàn (đế đô "Fochê" của dân tộc Chiêm-Thành) cũng có sự hiện diện đơn sơ của một thánh thất tôn nghiêm của đạo Cao-Đài đã được xây cất từ mấy mươi năm về trước...Trở lại chợ Long-Hoa để nhìn thấy mái đỏ hình cong sừng sững vươn mình lên giữa không trung của Tòa-Thánh như muốn chế ngự thiên nhiên, thì người ta không thể nào không nghĩ tới công đức cao dày của hàng triệu tín hữu Cao-Đài đã đóng góp công của để hoàn thành một công trình nguy nga, hoành tráng thật là hi hữu, tuyệt tác, liên tục đắp xây trong vòng mấy chục năm trờì với tinh thần thiết tha, tự nguyện.

Ngày xưa, chợ Long-Hoa được xây cất lên sau chợ Tây-Ninh, tuy việc buôn bán rất là nhộn nhịp, sầm uất nhưng không có con đường giao thông thủy lộ giống như chợ Tây-Ninh được khách thương hồ lui tới dễ dàng. Hãy nghe nhìn tiếng trống và phèn la của các đoàn sơn đông mãi võ hết đám nầy đi, đám khác lại biểu diễn võ nghệ, bán thuốc cao đơn hoàn tán cạnh bờ sông kế chợ. Hãy trông những đoàn người Chàm từ Phan-Rang, Phan-Rí gánh bị nhiều thảo dược gia truyền, vô tư lự với cuộc đời rày đây mai đó cũng thay nhau thường xuyên đến chợ Tây-Ninh bán thuốc rễ cây làm kế mưu sinh. Gặp lúc không có người mua thuốc thì họ đề nghị đổi lấy khoai lang, khoai mì, cây trái v.v. Sự kiện đó đã nói lên tâm lý tình người ở Tây-Ninh bao giờ cũng thắm đượm tính chất thật thà, tình nghĩa đồng bào trăm con một mẹ.

Thậm chí ngay cả đối với lớp người Hoa cũng vậy. Ở đâu có khói là có sự hiện diện của họ nhẫn nại làm ăn sinh sống. Và thực tế, họ đều cũng được người dân bản địa Tây-Ninh đối xử bao dung tốt đẹp tự bao đời. Sở tại, họ chiếm lĩnh hàng đầu về mọi ngành nghề mua bán, lòn lách từ lọ ve chai, lông vịt, gói đậu phộng rang, cục xà phòng, bánh tiêu, giò chéo quảy v.v cho đến các xí nghiệp biến chế ngũ cốc. Và họ cũng đã có những vị trí xã hội công bằng trong nhiều tư thế khác nhau. Quả vậy, cách đây một thế hệ không xa nếu cộng đồng người Hoa ở Tây-Ninh đã có những hình ảnh của các chú "Cẩu" đằng đằng sát khí, oai vệ lên đồng trong các miễu Ngũ-Hành, những bà "Dành" chuyên đóng kịch thảm thê bằng nghề khóc mướn trong các đám ma chay v.v thì ngược lại, bên cạnh đó, họ cũng có được những tổ chức Bang-Hội đầy rẫy các thế lực ngầm sẵn sàng mua chuộc các viên quan làng xã. Chính vì thế mà biết bao nhiêu câu chuyện lý thú, ngoạn mục như "cái đòn gánh" mang theo trên lưng của chú ba Tàu di dân vào đất Tây-Ninh lập nghiệp quả là một loại vũ khí tinh thần, giúp họ xoay trở thành công trên con đường sự nghiệp ở nơi nầy.

Là dân bản địa, người Tây-Ninh biết rõ ràng về lịch sử, địa lý, nhân văn, tập quán xã hội ở địa phương của họ nhiều hơn ai hết. Tuy nhiên, cũng một phần vì không quen có đầu óc kinh doanh, và vì chỉ thích bám lấy nghề nghiệp nông tang, cuốc bẫm cày bừa trên cục đất của ông cha để lại với nhiều kỷ niệm gắn chặt thời thơ ấu mới ngày nào nghêu ngao ngồi vuốt đuôi trâu! Do vậy, cho nên người dân Tây-Ninh thường hay có những hành động dấn thân đóng góp làm đẹp xóm làng đáng quý hơn là bằng mọi giá quả cảm phải bảo vệ núi rừng.

Đất Tây-Ninh nổi tiếng không những là nơi đã từng sản xuất ra nhiều thế hệ trí thức, văn nhân, tướng tài oai danh một cõi biên thùy, mà lại còn có niềm tâm sự cao cả của một "Bà Tư bán hàng có bốn người con" trong mùa ly loạn xảy ra trên thực tế. Chính Bà Tư phi thường ấy chỉ có rơi những giọt nước mắt lần đầu tiên, khi được biết rằng mình vĩnh viễn sẽ không còn có thêm được đứa con nào nữa để tiếp tục hiến dâng, hi sinh cho tổ quốc đang lúc lâm nguy cần tay súng đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi xóm làng. Đây là một giai thoại ngoạn mục, vừa bi hùng đã xảy ra ở tại một địa bàn hẻo lánh quê nhà. Và hình ảnh của một bà già trầu, thời xuân sắc có người yêu lý tưởng là thanh niên tiền phong đã đền nợ nước. Dạo ấy, đã giống như bao nhiêu là hình ảnh khổ đau của các bà mẹ Việt-Nam gương mẫu, hận non sông, vì nợ nước thù nhà, mà đã có nhiều ý chí sắt đá, quyết nuôi con trở thành người chiến sĩ anh hùng.

Lần giở trang nhật ký quê nghèo có lắm vui buồn lẫn lộn xa xưa và nhớ từ chuyện con cọp về làng, con chim mèo về miễu báo hiệu điềm ứng chẳng lành cho thôn xóm đến những hình ảnh của những con voi, con khỉ thuần phục làm trò xiệc trước sự rèn tập của con người. Rồi hồi tưởng lại, có những hiện tượng manh nha về tệ đoan xã hội có tác động tâm lý đã từng xảy ra ở vùng chó ăn đá, gà ăn muối tại Tây-Ninh. Đó là trường hợp hi hữu của một ông thầy thuốc Nam. Dạo ấy khoảng năm 1956 ở Bến-Củi nay là quận Dương-Minh-Châu (gần nơi khai thác hầm đá ong, gần đồn điền cao su lớn nhất ở Việt-nam là Dầu-Tiếng) có một pháp sư thuốc Nam nhưng chẳng dùng bùa ngải tà ma nào để mê hoặc ai cả. Người ta gọi ông là ông thầy lá cây, vì ông chữa bệnh bằng lá cây phun nước lạnh nấu sôi lên cho chết hết vi trùng rồi mới dùng. Nếu nói theo tâm lý khoa học hơn là vì ông khéo léo, gián tiếp khuyên cho bệnh nhân nên dùng nước đun sôi để tránh những bệnh vặt hằng ngày. Người bình dân chất phác nghe tin ông, người có óc hiếu kỳ tới để rõ xem hư thực. Vậy mà mỗi ngày có cả hàng trăm người ngồi chật cả xe "lam", xe đò để từ các tỉnh lân cận và Sài-Gòn đến với ông trong vòng hơn cả năm trời.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Tây-Ninh ngày trước là nơi không thể không có những con người quê mùa nhẹ dạ, mê tín để cho các nghề pháp sư lợi dụng cắm dùi làm đất dụng võ, lường gạt bà con bằng những trò rước đèn múa bóng, ngồi cốt lên đồng, khiển đồng tìm vật, cúng tế quỷ thần dưới cây cao bóng mát!!! Còn nữa, thời đó cũng không thiếu chi nhóm bọn lục lâm thảo khấu vãng lai quấy nhiễu khách đi đường. Và đặc biệt là thời tiền chiến (1945), thì đã có sự hiện diện thường xuyên của những thành phần lãng tử phiêu lưu mạo hiểm, khét tiếng sống cuộc đời rày đây mai đó lợi dụng với tinh thần anh hùng Lương-Sơn-Bạc để tụ tập bầu bạn, say sưa chè chén suốt năm với giấc mộng ngang tàng quanh vùng sơn cước.

Đó là những mẫu chuyện khó tin nhưng có thật đã xảy ra ở nơi đèo heo hút gíó Tây-Ninh. Và hình ảnh thâm sơn cùng cốc ở Tây-Ninh hiện vẫn còn được nhắc nhở theo các lời truyền thuật của các vị bô lão bằng những địa danh xưa như Truông-Mít (nơi đất có quá nhiều cây mít), động Lông-Công (tức Bàu-Đồn, nơi đất có quá nhiều cọng lông-công dùng để làm chổi), Rỗng-Tượng (nơi khi xưa có nhiều voi thường xuyên kéo đến uống nước hằng ngày) v.v. Ngoài ra, vùng biên giới của sông Vàm-Cỏ-Đông ngã tiếp giáp dòng nước từ Cong-Pong-Cham Cam-Bốt chảy sang cũng là nơi khi xưa có cảnh trí thật là thơ mộng. Có khúc đi ngược lên nhìn thấy đất bồi, bờ cao phủ đầy hoa dại và những cây đại thụ tàn lá to lớn che mát cả ven sông, dưới có cá tôm, trên có vượn, khỉ, heo rừng, muôn loài chim chóc v.v.

Tuy nhiên, lịch sử cận đại của tỉnh lẻ biên thùy Tây-Ninh được nhắc đến hơn bao giờ hết, nhất là kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh khốc liệt sau hiệp định Genève 1954-1975. Vì lý do tình hình chính trị lúc đó, cho nên những người dân cư ngụ ở khác vùng rất ngại tiếp xúc cùng với đồng bào địa phương. Mặc dù bà con vùng sâu xa sở tại vốn rất là chơn chất, hiền hòa, có người dân cày cả đời ru rú ở nhà không bao giờ có dịp để nhìn thấy được hình dáng của bể khơi ra sao! Nhưng thời gian đã bỏ quên tất cả. Ngày nay, ngọn núi Bà-Đen 986m cách thành phố Tây-Ninh 12km ngày càng mọc cao hơn. Và được coi như là một di tích lịch sử thiên nhiên của nước nhà cần phải được bảo tồn, cũng như trường hợp của bảy hòn núi nhỏ ở miền Tây Nam phần. Hơn thế nữa, nếu đem so với các ngọn Thất-Sơn thì núi Bà-Đen gồm cả núi Heo, núi Phụng trông có vẻ đẹp hẳn hơn, nhờ hình thể trên chóp thường có mây giăng, tương tợ như ngọn Phú-Sĩ ở Nhật-Bản càng tăng vẻ đẹp khi càng có nhiều tuyết phủ.

...Nước non ngàn dặm quê hương Việt-Nam yêu dấu của chúng ta có muôn ngàn vẻ đẹp tùy theo hoàn cảnh địa lý, lịch sử của vùng miền. Từ miệt:

Đồng-Đăng có phố Kỳ-Lừa
Có nàng Tô-Thị, có chùa Tam-Thanh

rồi vào phố Huế nhìn sông Hương, núi Ngự, để nghe

Tiếng chuông Thiên-Mụ, canh gà Thọ-Xương

và cách xa vùng cửa bể Hội-An còn có cảnh trí núi Ngũ-Hành, cho đến tận đồng bằng châu thổ phương Nam có vựa lúa vàng đơm bông trên

Cánh đồng sông Cửu, cạnh dòng Đồng-Nai

Và thực tế đã nói lên về hình ảnh của gấm vóc san hà không sai điều đó. Nhưng đồng bằng miền Nam ngoài dãy Thất-Sơn huyền bí v.v, thì còn có ngọn núi Bà-Đen cao nhất làm cho cục đất quê hương có thêm phong cảnh hữu tình, thủy sơn hòa quyện. Đặc biệt, nếu những năm sau ngày nước nhà hoàn toàn ngưng tiếng súng. Người ta mới có dịp phát hiện ra được những chứng tích thời đại văn minh của con người khi khai quật từ dưới các ngôi mộ cổ vùng Tân-Uyên cạnh dòng Đồng-Nai, thì trong lúc còn chiến tranh cũng đã có nhiều ngôi mộ cổ huyền bí khác nằm cạnh chân núi Bà-Đen đã phải bị san bằng theo vết chân của bom đạn hằng ngày.

Đường hành hương lên viếng núi Bà-Đen thuở xa xưa từ bốn năm thế hệ là con đường xe bò, xe trâu ngoằn ngoèo, khúc khuỷu gập ghềnh trên đất đá, phải đi ngang qua nhiều Sóc (làng) nhỏ của người Cao-Miên và người Chăm sinh sống tự bao đời. Nhưng kể từ khi có sự hiện diện của người Kinh kéo đến lập nghiệp ở gần, thì họ tự ý di cư sang nơi khác vì có mặc cảm không muốn sống gần người Việt. Vào thời kỳ còn hoang vu, cây cối rậm rạp, núi Bà-Đen vốn là quê hương của chúa tể sơn lâm. Nơi đây cọp, beo rất nhiều và voi, hươu, nai, bò rừng, cheo, khỉ, thỏ, công, heo rừng v.v cũng không phải ít. Sáng nào người dân sơn cước cũng nghe được tiếng chim muông ca hót líu lo, hòa lẫn với tiếng cọp gầm vang dội núi rừng từ xa vọng lại.

Theo thời gian, nạn khai thác lâm sản không có kế hoạch, hay nói cho đúng hơn là trước sức tiến của con người đã vô tình làm mất đi bao nhiêu là gỗ quý như huỳnh đàn, gõ, bằng lăng v.v. Cũng như lần biến dần những cánh đồng dược thảo như hà thủ ô, bạc hà, chi tử v.v. Và cũng làm mất đi luôn cái cảm giác thú vị khi đi hành hương bằng xe trâu hay xe bò kéo ngang qua những lò gạch ngói (có phẩm chất cao nhờ đất tốt), những hầm than tỏa khói hiu hiu ở giữa rừng chồi, những cánh đồng tranh vàng nhạt lướt mình trên lau cỏ, rồi dừng chân lại để bẻ măng tre, hái nấm mèo, nấm rơm. Hoặc ngắm nhìn những vườn cây trái thiên nhiên bên vệ đường chen lẫn vào những cánh đồng sim tím, những buội hoa trinh nữ e ấp, mời mọc khoe mình và những cụm mai vàng lác đác ở khắp đó đây trên lộ trình đi đến chân núi Bà-Đen.

Ngày nay, huyền thoại hay thực thoại về giai thoại của vua Gia-Long trên con đường bôn ba đào tẩu (trốn nhà Tây-Sơn) được hiền thần báo mộng cứu nguy ẩn trốn vào Điện-Bà vẫn được còn truyền tụng cho đến bây giờ như là một câu chuyện cổ. Và bây giờ, nhờ vào hệ thống cáp treo, máng trượt rút ngắn thời gian giúp cho mọi người đều có thể leo núi một cách dễ dàng. Cho nên, Điện-Bà Linh-Sơn Thánh-Mẫu lúc nào cũng uy nghiêm không dứt khói hương tràn ngập của bá tánh thập phương đến chiêm bái trong những ngày trọng đại, dịp Tết Xuân về, lễ Phật suốt năm. Đặc điểm trên đảnh Điện-Bà là có hồ sen, có suối trong óng ánh cát vàng, nước chảy róc rách gọi là Suối Vàng, có nhiều hang sâu gió lộng gọi là Hang Gió, động Thiên-Thai, động Thanh-Long v.v và gót chân Phật trên thạch bàn gợi lại một điển tích ở sân Thiền. Ngoài ra, từ trên cao núi Bà nhìn xuống không gian rõ nét của đập Lòng-Hồ in tựa bể khơi, mênh mông nước biếc khiến khách hành hương không khỏi cảm thấy lòng mình sảng khoái lạ thường...Hồi tưởng lại ngược dòng thời gian, thì ở chung quanh dưới chân núi nầy ngày nào, thì có cả người Việt chánh tông, người Khờ-Me, người Chăm và người Hoa đã hòa đồng tập tục, thông cảm lẫn nhau sống đơn sơ trong hạnh phúc.

Trong ba mươi năm chiến tranh, có những thời kỳ mà người ta rất ngại đến đất Tây-Ninh, vì lý do tại đây có rất nhiều huyền thoại lẫn lộn với thực tế xã hội ở một nơi được gọi là đất rộng người thưa, địa hình hiểm trở với núi cao rừng rậm. Phải thực tế khách quan, để gợi lại hình ảnh của từng đoàn pháo đài B52 rải thảm bom làm trơ bật rễ của những cây đại thụ ở tận rừng sâu. Hay phun thuốc khai quang tàn phá môi sinh dạo nào, để cho đến ngày hôm nay còn có những khu vực mà các loài thực vật (loại rừng thứ sinh) hãy còn chưa đủ sức hoàn toàn để phục hồi sự sống như xưa, thì mới hiểu được rõ ràng Tây-Ninh là một tỉnh ở địa đầu giới tuyến đã hứng chịu nhiều hậu quả của chiến tranh. Còn nói thêm, như về trường hợp điển hình thảm họa, thương tâm của em bé tên là Phan-thị-Kim-Phúc trần truồng thoát chạy khi bị bom Napalm đốt cháy cả lưng tại Trảng-Bàng (Tây-Ninh) vào năm 1972. Tài liệu sống động nầy từ mấy chục năm qua đã được báo chí và đài truyền hình quốc tế phổ biến bao lần, gây nên nhiều phản ứng xúc động trong tâm hồn yêu chuộng hòa bình của con người trên thế giới. Do vậy, vì nhờ may mắn được đánh giá coi như là đứa con biểu tượng của Việt-Nam" còn sống sót sau thời kỳ chiến tranh Mỹ-Việt. Cho nên, về sau nạn nhân mới chính thức đã được "Tổ-Chức Văn-Hóa Khoa-Học Giáo-Dục LHQ"*** tại Paris trao cho danh dự là Sứ-giả Hòa-Bình, và bổ nhiệm làm Đại-sứ Thiện-Chí vào ngày 10-11-1997.

Bức ảnh "Napalm Girl" nổi tiếng nầy
đã đạt được giải thưởng quốc tế "Pulitzer".

Và mặc dù là một vùng đất bị ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh tàn phá khốc liệt trải qua mấy chục năm trời liên tiếp. Nhưng người dân Tây-Ninh vẫn hiên ngang, ngạo nghễ về lãnh vực nông tang, để vươn mình đứng dậy qua sức sống của đồng ruộng lúa chín vàng, cánh đồng bắp, mía ngút ngàn, đậu phộng to thơm và những lán dưa hấu đen mun ngọt ngào trên vùng đất mới. Thêm vào đó là rừng cao su Dầu-Tiếng xưa nay vẫn mênh mông bát ngát, và dòng nước êm đềm của đập Lòng-Hồ chảy đến đâu là mang đến cho người dân hiền những màu lục xanh tươi mát với niềm hi vọng được mùa. Điều nầy, chứng tỏ rằng cá tính của người dân Tây-Ninh quả thật không thể thiếu tinh thần quả cảm và ý chí kiên trì để tham gia kế hoạch dẫn thủy nhập điền, thay trời làm mưa. Để cố gắng xây dựng lại quê hương từ trong đổ nát, hoang tàn hay cật lực cố làm tăng thêm mọi sự thịnh vượng hầu nâng cao mức sống dân sinh.

...Bạn đã toại nguyện được trở về thăm làng cũ giữa khi mùa hoa phượng vĩ vẫn còn nở thắm tươi vào những tháng hè về. Nhìn người xưa và cảnh vật đổi thay mà ngỡ ngàng như giấc Nam-Kha trước hình ảnh của một cuộc đời hai ý nghĩa, rồi mai nầy bạn sẽ tiếp tục ra đi bỏ người ở lại với bao niềm lưu luyến, nhớ nhung. Buổi chia tay đường trường sông núi, cách xa nào mà không gieo đau khổ lòng người nhưng đành phải nghẹn ngào hẹn ngày tái ngộ!

Giữa bầu không khí ve sầu nơi chôn nhau cắt rún ấm tình cỏ rạ ở quê nghèo, nước mắt của ai sao cứ mãi tuông tràn nhìn theo đếm từng bước chân tạm biệt. Chân dung, màu sắc của không gian bây giờ chỉ còn như cô đọng lại ở tâm hồn trong giây phút để khắc ghi vào lòng một kỷ niệm mãi mãi khó quên.

Bóng người đi lẫn vào màn sương sáng
Ánh bình minh đánh thức buổi tiệc tàn
Chim hòa bình tung cánh bay về núi
Gió biên thùy man mác đón Xuân sang...*

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris)
* - Mai-An-Tiêm tuyển tập.

** - Nay là bến xe An-Sương.

*** - United Nations Educational Scientific and Cultural Organization.