Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Những ông Tây "rau muống"

Kỳ 4 : Khi Tây làm bồi
___________

Kim Em

Source : Tuổi Trẻ Online


TT - Từ lâu, người dân ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã quen thuộc với hình ảnh những du khách từ nhiều châu lục trên thế giới đến đây làm việc. Nhiều người trong số họ đã chọn Hội An làm quê hương của mình. Họ xin được làm thuê cho những ông chủ người Việt để mưu sinh, và điều quan trọng nhất với họ là được sống ở Hội An.

Hằng ngày Damien chạy quanh khu phố cổ, đến từng khách sạn, nhà hàng ở Hội An để phát tờ rơi tiếp thị cho du khách

Rành Hội An như lòng bàn tay

Cứ vào 9 giờ sáng, Damien cưỡi chiếc xe máy màu đỏ với xấp tờ rơi trên tay chạy long nhong khắp phố cổ. Chỗ nào có khách sạn mới mở, có du khách là Damien lò dò tìm đến. Chỉ mới nhận việc chưa được bao lâu tại hai quán bar King Kong và Sleepy Gecko (ở Cẩm Nam), nhưng cuốn sổ tay của Damien đã chi chít những số điện thoại, địa chỉ của hàng trăm khách sạn, nhà hàng ở Hội An - những nơi hằng ngày Damien thường lui tới để tiếp thị cho quán bar Sleepy Gecko của một ông Tây lấy vợ Việt mới mở bên bờ sông Hoài lộng gió.

Một ngày làm việc của Damien bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc lúc 11giờ đêm. Từ 9g-17g, Damien làm tiếp thị cho quán Sleepy Gecko. Còn từ 19g-23g, anh lo âm thanh, ánh sáng kiêm cả chạy bàn, thu tiền tại quán bar King Kong của một ông chủ người Hội An.

Chàng trai 26 tuổi sinh ra và lớn lên ở bang Queensland (Úc) này vốn là một kỹ sư chuyên ngành sửa chữa máy móc, ôtô. Damien kể: "Hơn bốn năm làm nghề, ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối tôi chỉ biết hết chiếc máy này hư lại đến chiếc xe khác hỏng. Nhiều lúc tôi nghĩ không lẽ mình cứ cặm cụi suốt đời quanh mấy chiếc máy hỏng này sao". Nghĩ vậy, Damien xin nghỉ việc và quảy balô lên đường sang VN du lịch.

"Tôi định đi thăm VN khoảng một tháng rồi về lại quê nhà. Vậy mà đến Hội An chỉ mới mấy ngày, tôi đã muốn ở lại luôn. Ở đây tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn". Công việc tuy thu nhập không cao, chỉ đủ tiền thuê một căn nhà nhỏ ở ngoại ô và ăn uống, nhưng Damien rất thích.

Hội An hút hồn Damien vì thức ăn ở đây rất ngon mà lại rẻ, không khí trong lành, người dân thân thiện. Lúc rảnh Damien nhảy lên xe máy, vẻ ngoài bụi bặm, ra các quán lá bên sông Hoài ăn hến xào, bánh tráng đập dập chấm mắm nêm, chè bắp... Ăn món nào cũng khen ngon. Ở Hội An một thời gian, Damien rành Hội An như lòng bàn tay, biết cả từng ngõ hẻm mà thậm chí nhiều người Hội An chưa biết. Những ngày đầu khi đi ăn uống hay mua hàng Damien còn bị hớ, nhưng nay đã biết trả giá bằng tiếng Việt.

Damien kể: "Lúc tôi mới đến Hội An, ghé một quán cơm bình dân gần chợ Hội An, bà bán hàng bán cho tôi đĩa cơm với giá gấp đôi những người khác cùng ăn. Tôi im lặng trả tiền rồi đi về. Hôm sau, tôi cũng ghé lại hàng cơm đó, bà bán hàng chỉ lấy giá bằng nửa. Tôi ngạc nhiên. Bà nhìn tôi cười thân thiện và nhờ đứa cháu dịch cho tôi nghe: người quen mà. Vậy đó, ở Hội An chỉ gặp một lần là trở thành người quen thôi. Chính vì vậy mà tôi chọn Hội An để làm việc và sống".

Những "ông ta"

Với vợ chồng người Hà Lan là Marc (36 tuổi) và Fem (27 tuổi), Hội An là nơi khởi đầu cho cuộc sống gia đình của họ. Cả hai chỉ mới quen biết nhau khi cùng đi du lịch VN cuối năm 2003, và cuộc sống êm đềm ở phố cổ Hội An đã kéo cả hai lại gần nhau.

Marc xin vào làm hướng dẫn viên du lịch cho Công ty TNHH Sơn Mỹ Sơn chuyên tổ chức các tour đưa khách đi thăm khu di tích Mỹ Sơn. Yêu cuộc sống hiền hòa ở phố cổ, Fem không về Hà Lan mà chọn Hội An để cùng Marc tạo dựng cuộc sống mới. Đám cưới của Marc và Fem chỉ là một bữa cơm rau trong căn nhà nhỏ trên đường Nhị Trưng.

Căn nhà nhỏ mà hai vợ chồng Marc thuê để ở được Marc trang trí như một trung tâm điều hành du lịch. Ở đó có cả bản đồ nội thị Hội An với đầy đủ hệ thống nhà hàng, khách sạn và shop mua bán hàng lưu niệm có ghi rõ từng mặt hàng mà Marc và vợ mất gần ba tháng trời để thu thập và cày cục vẽ nên bằng bút màu. Mức lương của vợ chồng Marc đủ để trang trải tiền thuê nhà và chi tiêu hằng ngày.

"Hội An dễ sống, người dân dễ mến, chúng tôi luôn cảm thấy thoải mái khi đi trên phố, la cà ở các quán và phê với các bạn trẻ địa phương" - Marc nói. Con trai đầu lòng của Marc có tên Việt là Sơn, "chúng tôi đặt tên Sơn vì muốn con trai tôi nhớ về Mỹ Sơn". Gia đình nhỏ ấy sắp sửa đón thêm một thành viên nữa ra đời, "nếu là con gái, chúng tôi sẽ đặt tên là Hội An, có thể là một cái tên rất Việt: "Nguyễn Thị Hội An".

Với Scott McMillan (30 tuổi, đến từ Anh), Hội An là môi trường khá thuận lợi để anh làm việc. Vốn là bác sĩ thú y, nhưng khi qua VN du lịch, đến ở Hội An một tuần, Scott thích quá nên tìm cách ở lại với phố cổ. Tìm một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô phố cổ để thuê, Scott đi gõ cửa các nhà hàng, khách sạn để tìm việc và nhận dạy thêm tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ ở Đà Nẵng. Ban ngày đi thử việc ở khách sạn tại Hội An, ban đêm Scott chạy xe máy hơn 30km để ra Đà Nẵng dạy kèm.

Gần bốn tháng làm việc như con thoi giữa Hội An và Đà Nẵng, như Scott nói bằng tiếng Việt là "cày bừa", Scott được nhận vào làm quản lý cho khách sạn - nhà hàng Phố Hội 2. "Hằng ngày tôi tiếp khách, hướng dẫn họ những nơi cần đến, kiểm tra các bàn tiệc, nơi ăn chốn ở của khách. Ban đêm tôi dạy tiếng Anh cho nhân viên của nhà hàng, còn họ thì dạy tôi tiếng Việt" - Scott kể với vẻ thích thú hiện rõ trên nét mặt.

Scott đang ấp ủ nhiều dự định: "Tôi chưa thể nói rõ kế hoạch của tôi cho các bạn biết, nhưng trong một tương lai rất gần tôi sẽ làm một cái gì đó cho tôi ở Hội An, dĩ nhiên là làm du lịch. Ba mẹ tôi ở Anh cũng rất ủng hộ".

Qua câu chuyện của mình, Scott tiết lộ anh đang yêu một cô gái Hội An: "Chúng tôi sẽ làm đám cưới tại Hội An và sống với nhau ở đây. Tôi chọn Hội An làm quê hương và có thể con cái tôi cũng sẽ lập nghiệp tại đây". Còn một điều Scott đang phấn đấu: "Phải nói tiếng Việt giỏi và sống hòa đồng hơn để mọi người không gọi tôi là ông Tây nữa. Tôi ghét bị gọi là ông Tây lắm, sao không gọi tôi là "ông ta?".

KIM EM
Đất lành

Hội An đang là vùng đất lành của rất nhiều người nước ngoài đến sinh sống, làm việc như người Việt. Hiện có gần 200 người nước ngoài đang làm việc và sống tại thị xã nhỏ bé này. Họ làm đủ thứ việc, trong đó có rất nhiều ông Tây làm nhân viên dọn phòng, phụ bếp, chạy bàn...

Với người Hội An, chuyện Tây đi làm thuê cho ta không còn là chuyện lạ. Đi ngang bất kỳ nhà hàng, khách sạn, quán bar ở Hội An đều bắt gặp những thông báo tuyển người bằng tiếng Anh. Người dân Hội An cư xử bình đẳng và hòa đồng với những người xa xứ đến đây sống bình dị, dẫu khác màu da, chưa quen tiếng nói.
 


 [  Trở Về  ]