Chim Việt Cành Nam        Trở Về  ]           [ Trang chủ ]                 [ Tác giả
 
Ai Xuôi Về Tây Đô ?

Việt Hải  & Mindy Hà

Ngày còn nhỏ tôi được ghé xuống ở chơi tại Cần Thơ khi nghỉ hè, từ đó tôi có những tình cảm nồng nàn với tỉnh Cần Thơ. Cần Thơ có vô vàn điều để nói, để nhớ lắm, như người Cần Thơ, vườn trái cây, sông nước, ẩm thực, địa lý thuận lợi như trung tâm của những tuyến giao thông di chuyển khắp miền Tây, tôi nghe người ta còn gọi Cần Thơ là Tây Đô. Ngẫm nghĩ lại không sai đâu cho cái tên để gọi này. Trong bài này tôi mời chị Mindy Hà tiếp tay cho ý kiến về Tây Đô. Người khác tôi hỏi chuyện về Cần Thơ là người bác ruột của tôi. Vì đầu thập niên 60, ông nhiệm chức tại tỉnh Cần thơ. Sau đây, tôi xin được ghi nhận những điều về vùng đất Tây Đô hay Cần Thơ trong sự mến yêu của tôi.

Cần Thơ là một thành phố lớn, sầm uất, một cửa ngõ ngó ra cả vùng hạ lưu sông Cửu Long, và là trung tâm kinh tế, văn hóa, một khu vực đầu não mang tính quan trọng về hành chánh, quân sự, cũng như vị trí chiếnn lược, với những tuyến giao thông vận tải trong toàn vùng, mà còn liên lạc với quốc tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long và một vùng lãnh thổ xứng đáng đại diện cho miền Tây để tiếp xúc và giao thương đi những nơi khác.


Sinh hoạt trên sông nước Cần Thơ

Tôi thích ngân nga câu ca dao:

"Cần Thơ gạo trắng nước trong,
Ai đi tới đó lòng không muốn về"

Ý thơ gieo sự đồng thuận trong tôi vì một vùng đất thiên nhiên ưu đãi trù phú, dân cư đông đúc, mậu dịch sầm uất, và được gọi là vùng Tây Đô dưới thời Pháp thuộc vào thế kỷ thứ 19. Theo tài liệu từ Tự điển Bách khoa Wikippedia về Cần Thơ, nào, bây giờ chúng ta hãy xét qua những yếu tố về Cần Thơ như:

* Lịch Sử:

Từ cuối thế kỷ 18, Mạc Cửu vốn là người Trung Quốc không thần phục nhà Thanh, cùng tùy tùng và dân cư theo đường biển kéo vào miệt Hà Tiên khai khẩn, lập nghiệp dưới sự bảo hộ của chúa Nguyễn, được phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên, từ đó cư dân qui tụ ngày càng đông. Năm 1732, toàn bộ đất phương Nam được Chúa Nguyễn chia làm 3 Dinh và 1 Trấn gồm: Trấn Biên Dinh (vùng Biên Hòa ngày nay), Phiên Trấn Dinh (Gia Định), Long Hồ Dinh (Vĩnh Long) và Trấn Hà Tiên. Sau khi Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha, đẩy mạnh công cuộc khai khẩn ra vùng hữu ngạn sông Hậu, đến năm 1739 thì hoàn tất với 4 vùng đất mới: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu) được sáp nhập vào đất Hà Tiên. Đây là điểm mốc đánh dấu sự xuất hiện của Cần Thơ trên dư đồ Việt Nam.

1739: Tổng trấn Mạc Thiên Tứ mở thêm 4 vùng đất mới và cho nhập vào Hà Tiên gồm có: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bắc Bạc Liêu).

1740: (Năm Canh Thân), Tổng trấn Mạc Thiên Tứ dâng đất mới mở cho chúa Nguyễn.

- Chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp thu phần đất mới khai thác. Sau đó,ra sắc lệnh cải cách khoa cử tạo thêm điều kiện cho hoạt động văn hóa cho nhóm Chiêu Anh Các ở Hà Tiên và ở miệt Cần Thơ.

1753: Võ vương Nguyễn Phúc Khoát phái ký lục Bố chính dinh là Nguyễn Cư Trinh vào Nam để đôn đồn các cấp thừa hành ở miền Nam.

1757: Cần Thơ thuộc đạo Châu Đốc (sau này là An Giang),một trong ba đạo do Nguyễn Phút Khoát lập sau khi sát nhập đất Tầm Phong Long (Châu Đốc-Sa Đéc) do Mạc Tôn (được Mạc Thiên Tứ dưa về nước) hiến đất để tạ ơn.

1777: Quân Tây Sơn diệt các tướng của Chúa Nguyễn là Trần Chính Vương và Thái Thượng Vương.(Cũng vào năm này, Tham tướng Mạc Tử Sanh tử trận ngay bên một con rạch nay còn mang tên Tham Tướng thuộc phường Xuân Khánh-Cần Thơ). Năm 1995, thành phố Cần Thơ do mở rộng đường nên lấp cầu Tham Tướng lại mang một tên mơiù là "Xuân Khánh".

1781: Quân Xiêm chiếm Hà Tiên rồi kéo tới Trấn Giang nhưng bị đánh trả phải rút lui.

1787: Chúa Nguyễn khôi phục lại đất Hà Tiên.

1808: Nam Bộ chia thành 5 trấn (Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên). Trấn Giang (Cần Thơ) thuộc trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long và An Giang).

1814: Năm Gia Long thứ 12 lập thêm huyện Vĩnh Định (Cần Thơ) thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh.

1832: Tổ chức hành chính,cải tổ toàn diện thờI Minh Mạng (sau khi Lê Văn Duyệt chết). Đổi "trấn" thành "tỉnh" và hình thành "Nam kỳ lục tỉnh" với các tỉnh: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Các tỉnh này hợp thành cặp gồm có: Định Biên (Gia Định và Biên Hoà), Vĩnh Tường (Vĩnh Long và Định Tường) và An Hà (An Giang và Hà Tiên).

Cũng vào năm 1832 (năm Minh Mạng thứ 13) Việt Nam có tất cả 31 tỉnh. Mỗi tỉnh đặt dưới quyền Tổng Đốc hay Tuần phủ, có Bố chính sứ, Án sát sứ và lãnh binh phụ giúp. "Gia Định thành" trước đây nay được gọi mới gọi là Nam Kỳ (còn gọi là Nam kỳ lục tỉnh). Cần Thơ bấy giờ (huyện Vĩnh Định) tách ra khỏi Vĩnh Long, thuộc về tỉnh An Giang, phủ Tân Thành.

1839: Vua Minh Mạng đổi tên huyện Vĩnh Định thành huyện Phong Phú,thuộc phủ Tuy Biên (Châu Đốc,tỉnh An Giang).

1854: Một đội 50 người xin khẩn 2 khoảng đất tổng cộng 200 mẫu của làng Trường Thạnh (nay là Cái Răng,Cần Thơ); Đội trưởng Nguyễn Văn Tân đứng đơn,có thôn trưởng, hương thông ra dịch mục ký tên. Thôn trưởng làng giáp ranh (làng Như Lăng) ký vào để xác nhận ranh giới, viên cai tổng cũng ký vào. Đơn này được tổng đốc An Hà phê chuẩn. Đồn điền nói trên thu hút dân của làng Trường Thạn và cắt đất này ra đến 200 mẫu.

1862: Ngày 5-6 Triều đình nhà Nguyễn ký hoà ước nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp.

1864: (Tự Đức thứ 17) triều đình nhà Nguyễn mở kỳ thi Hương cuối cùng ở nam kỳ, đặt tại huyện Phong Phú (vì Pháp đã chiếm mất Gia Định).

1867: Ngày 20/22/24-6 ba tỉnh miền Tây (gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) bị Pháp chiếm đóng.

- Ngày 25-6-1867, De La Grandière bố cáo trọn xứ Nam kỳ thuộc Pháp.

1868: Ngày 1-1, theo Nghị định của Thống Đốc Nam kỳ Bonard, huyện Phong Phú (Cần Thơ), được sáp nhập với vùng Bãi Sào (Sóc Trăng) thành lập quận đặt với quyền cai trị của người Pháp, lập Tòa bố tại Sa Đéc (hạt Sa Đéc, phủ Tân Thành) gồm có 3 huyện (An Xuyên,Vĩnh An và Phong Phú).

- Định Sâm dấy binh khởi nghĩa ở Láng Hầm, Trà Niềng (nay thuộc huyện Châu Thành, Cần Thơ), giết tên cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh rồi rút về đầm lầy Ba Láng.

1870: Đỗ Thừa Luông khởi nghĩa kháng Pháp ở Cần Thơ bị thất bại, nổi dậy lần thứ hai ở Cái Tàu (Cà Mau) lấy U Minh làm căn cứ.

1872: Ngày 30-4, Thống đốc Nam kỳ ra Nghị định sáp nhập Phong Phú với vùng Bắc Tràng (trước đây là phủ Lạc Hoá, tỉnh Vĩnh Long) lập thành hạt Tòa bố đặt tạI Trà Ôn. Tòa bố hoạt động được 1 năm thì dời về Cái Răng (Cần Thơ).


Chợ Cần Thơ

Cần Thơ là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu Cửu Long giang, là trung tâm kinh tế, văn hóa, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải cho toàn khu vực và liên vận quốc tế của vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và của cả nước. Một vùng mệnh danh thiên nhiên ưu đãi bởi gạo trắng nước trong trong câu ca dao:

"Cần Thơ gạo trắng nước trong,
Ai đi tới đó lòng không muốn về"

YÙ thơ cho thấy phần nào nói về một vùng đất trù phú, sầm uất, được gọi là Tây Đô từ thời Pháp thuộc vào thế kỷ 19. Về phương diện địa lý của Cần Thơ thì diện tích là 2.965 km2. Thống kê về dân số năm 2004 cho biết Cần Thơ có 1.121.141 người, và Cần Thơ tiếp giáp với 6 tỉnh: phía bắc giáp An Giang, Đồng Tháp, phía nam giáp Sóc Trăng, Bạc Liêu, phía tây giáp Kiên Giang, phía đông giáp Vỉnh Long.

Thành phố Cần Thơ không có núi mà chỉ toàn đồng bằng và sông rạch. Sông Hậu Giang rất quan trọng về kinh tế, có bến bắc Cần Thơ gần tỉnh lỵ là nơi tiếp nhận các tàu biển lớn. Kinh rạch trong tỉnh rất nhiều và tiện cho việc giao thông.

Phía bắc có kinh Xà No, kinh Cầu Sắc, kinh Thốt Nốt, kinh Thị Đôi, kinh Ô Môi, sông Cần Thơ. Phía nam có kinh Cái Lớn, kinh Long Mỹ, kinh Phụng Hiệp... Quận Phụng Hiệp ở giữa bảy con kinh, từ đây dân chúng có thể đi Sóc Trăng, Rạch Giá, Cà Mau, hoặc ra hai sông Tiền Giang, Hậu Giang đi lên Sài Gòn.

Quốc lộ 4 và liên tỉnh lộ 27 là trục giao thông đường bộ quan trọng nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận. Hai phi trường đặt ở Bình Thủy và Trà Nóc thuộc quận Châu Thành. Các tuyến đường lớn chạy qua tỉnh là quốc lộ 1A, quốc lộ 80, quốc lộ 91. Cần Thơ là trung tâm giao thông thủy bộ của cả vùng Nam Bộ, nối liền với Campuchia. Cần Thơ có bến cảng khá lớn tiếp nhận tàu 5.000 tấn.

Nói về khí hậu thì nóng ẩm nhưng tương đối ôn hòa hơn tỉnh Tây Ninh có cái nắng gắt lắm, như khí hậu chung của miền Nam có hai mùa mưa và nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Cần Thơ cách Sài Gòn 169 km (hay 105 miles), từ xa xưa đã được coi là trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam phần, tôi được biết bây giờ Cần Thơ là một trong những tỉnh sản xuất và xuất cảng gạo chính cho sản lượng của cả nước.

Với đất đai Cần thơ vốn dĩ phì nhiêu, bên ngoài gạo ra, còn nổi tiến về cây ăn trái, như các loại cây trái vùng nhiệt đới: xoài, mận, nhản, măng cụt, vú sửa, mãng cầu, mít sầu riêng,... Cần Thơ còn có nguồn thủy sản khá dồi dào chính yếu là tôm, cá nước ngọt (hơn 5.000 mẫu ao đầm nuôi tôm, cá nước ngọt) và chăn nuôi: gà, vịt, và heo.


Chợ Nổi Trên Sông

Về các địa danh du lịch thì Cần Thơ có khá nhiều nơi để khách phương xa thăm viếng. Những công trình xây cất như đình, chùa hay phong canh cảnh thiên nhiên:

* Khu Du lịch Cồn: gồm Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cồn Tân Lộc nằm liền kề dọc theo sông Hậu, tuyến du lịch đường thủy quốc tế từ Campuchia ra biển Đông Trong tương lai sẽ là những khu du lịch sinh thái hấp dẫn mang những đặc trưng miệt vườn, sông nước mà các nơi khác không có được.

* Chợ nổi Phong Điền: thuộc xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Chợ thường nhóm họp vào khoảng 4-5 giờ sáng đến 7-8 giờ thì tan dần. Từ tờ mờ sáng, những người dân quê đã hối hả bơi chèo chở theo các loại sản phẩm từ vườn nhà ra chợ bán. Ngoài ra, còn có ghe của những thương nhân lái từ vùng trên đổ xuống, miệt dưới chạy ngược lên đưa hàng của phố thị và đặc sản của miền xa về nhóm họp làm cho chợ nổi trên sông càng thêm tấp nập

* Chợ nổi Cái Răng: nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5 km theo hướng quốc lộ về tỉnh Sóc Trăng. Từ tờ mờ sáng cho đến chiều tối, hàng trăm ghe xuồng ở các nơi khác về đây tập trung tấp nập buôn bán trên sông, thời gian họp chợ trên ghe xuồng đông nhất từ 6 giờ đến 8 giờ sáng. Chợ nổi Cái Răng có sức trao đổi thương mại phồn thịnh có thể trở thành chợ trung tâm mua bán lớn nhất trong càc loại chợ.

* Khu Du lịch Phù Sa: ở giữa lòng sông Hậu, cách trung tâm thành phố chưa đầy 1km theo đường chim bay là bãi bồi cồn Ấu, có diện tích khoảng 30 mẫu. Đây được xem là khu nơi du lịch khá sinh động lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

* Chợ hoa xuân bến Ninh Kiều: Chợ hoa bắt đầu từ giữa tháng chạp và kéo dài đến đêm giao thừa. Đây là chợ hoa truyền thống có từ hàng chục năm nay. Dịp này hàng trăm loại hoa đẹp được trồng từ miệt vườn, được các tay cho+i hoa sành điệu đem ra trưng bày, số lượng người trong và ngoài nước đến tham dự thưởng ngoạn rất đông.

* Vườn du lịch Thủy Tiên: Nằm trên Quốc lộ 91 đi hướng về An Giang, cách trung tâm Cần Thơ 15 cây số. Tại đây cây trái sum suê quanh năm, không khí trong lành khiến lòng du khách dễ cảm mến vị ngon ngọt của nhiều loại trái cây đồng bằng và các món ăn dân dã đồng quê miền Nam.

* Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa: thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy. Mộ xây bằng đá ong vào năm 1872. Toàn bộ khu vực mộ rộng 530 m2. Cách ngôi mộ chính về phía sau khoảng một thước là ngôi đền thờ cụ Bùi Hữu Nghĩa. Lễ giỗ của cụ tổ chức linh đình hàng năm vào ngày 21 tháng giêng. Khu bia mộ của nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa được xếp hạng Di tích văn hóa.

* Đình Bình Thủy: thuộc quận Bình Thủy, Đình ra đời cách đây trên 150 năm, Đình Bình Thủy là cách gọi của dân gian, còn có tên chính thống là "Long Tuyền cổ miếu" với khuôn viên khang trang rộng rãi. Đình Bình Thủy được xem là một di tích có lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

* Hội Linh Cổ Tự: Chùa còn có tên gọi khác là Hội Long Tự hay Chùa Xẻo Cạn, thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy. Hội Linh Cổ Tự được xây cất năm 1907, sau đó được trùng tu lại năm 1914. Chùa Hội Linh là một công trình kiến trúc mang nhiều giá trị nghệ thuật cổ kính.

* Chợ cổ Cần Thơ: Chợ còn gọi là chợ Hàng Dương hay "chợ lục tỉnh", nằm trên đường Hai Bà Trưng. Chợ nay đã hơn trăm tuổi. Chợ mang một nét rất cá biệt, rất độc đáo của đồng bằng châu thổ. Với nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, thành phố có thêm một địa điểm tập họp mua bán nhờ ngành du lịch, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước thăm viếng mua sắm khi đến thăm vùng đất Tây Đô.

* Chùa Ông: tọa lạc số 32 Đường Hai Bà Trưng, Phường Tân An, quận Ninh Kiều. Tên Hán tự là Quảng Triệu Hội Quán (theo càc đại tự được ghi ở tiền điện). Chùa thờ Quan Thánh Đế quân (tức Quan Công) ở chính điện nên người dân địa phương quen gọi là Chùa Ông. Ngôi chùa được xây dựng vào năm Quang Tự thứ 20 (1894) và tồn tại cho đến ngày nay với lối kiến trúc cổ xưa vẫn còn nguyên vẹn từ hình dáng bên ngoài đến nét trạm trổ công phu nội điện. Chùa Ông được xem là di tích văn hóa mang tính cách lịch sử, một điểm du lịch nổi bật của Cần Thơ.

* Bến Ninh Kiều: bến sông nhìn thẳng ra ngã ba sông Hậu, sông Cần Thơ mỗi buổi bình minh lên, mặt trời mọc trên dòng sông tuyệt đẹp. Bạn có bao giờ thức thức những bữa cơm chiều tại bến sông và để ngắm buổi chiều tà khi hoàng hôn buông xuống, từ bến Ninh Kiều cho không gian thơ mộng hay một buổi ăn trên thuyền rồng thả trôi lững lờ trên dòng Hậu Giang, tôi nghe thanh âm bài vọng cổ mà lòng bồi hồi:

"Người ta đã có đôi rồi
Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung,
Để mình vác cặp chiếu bông
Chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ"


Nét Đẹp Sông Nước Cần Thơ

Phải chăng bài vọng cổ hôm nào "Tình Ca Anh Bán Chiếu" của soạn giả Viễn Châu chạnh lòng lữ khách vì làn ngân du dương, mượt mà. Bến Ninh Kiều là nơi neo đậu, tàu thuyền mang khách đến và đi thật tấp nập, thật nhộn nhịp. Bến Ninh Kiều là nơi du lịch để khách phương xa đến thăm viếng với sự hiếu kỳ và rồi ra đi với kỷ niệm xao xuyến với thiên nhiên bến nước sông ngòi mênh mông trong mộng nhớ về vùng Tây Đô.

Nhạc sĩ Lâm Hoàng sáng tác nhạc phẩm "Ninh Kiều Em Gái Cần Thơ", âm điệu ca phát âm giọng miềnn Nam, bài ca khi người trai nhớ về người em gái Ninh Kiều cho anh xao xuyến nhớ về kỷ niệm:

"Ai về miệt dưới Hậu Giang
Cho tôi nhắn gửi đôi hàng ước mơ
Ninh Kiều em gái Cần Thơ
Bao năm anh vẫn thương chờ đợi mong
Anh giờ ngàn dặm xa xăm
Thương em gái nhỏ bên hàng dừa xanh
Ninh Kiều là của riêng anh
Nũng nịu mà duyên đáng bên bờ Tây Đô
Nhớ ngày xưa bắt bước lên đường
Tặng em bài hát đến trường
Kỷ niệm hai đứa bên nhau
Mơ ngày nói chuyện trầu cau
Đôi mình tình nặng trăm năm
Chung vui pháo đỏ rượu hồng ngày xanh
Ninh Kiều là của riêng anh
Nũng nịu càng duyên dáng, chân thành của anh"

Tôi tham khảo sách Cần Thơ Xưa của tác giả Huỳnh Minh, trang 206 đến 218, thì bến Ninh Kiều khi xưa có tên là bến Lê Lợi vì bến nằm dọc theo đường Lê Lợi, nó còn có tên khác là bến Hàng Dương, vì dưới thời Pháp thuộc, những hàng được trồng dọc theo vệ đường trông rất thẫm mỹ. Về nếp dân sinh thì bến Lê Lợi là nơi tập trung các ghe thương buôn, dần dà bến được chỉnh trang lại, những cây dương được đốn bỏ. Kế hoạch kiến thiết đô thị để đem nét mỹ quan, làm đẹp thành phố, đến ngày 4 tháng 8, năm 1958, bến Ninh Kiều được khánh thành rất khang trang với công viên ghế đá. Theo tôi được kể lại thì đây là sáng kiến được ông Trưởng ty Công chánh Trương Thành Kháng đề xướng. Khi phác họa ra dự án xây dựng bến Ninh Kiều thời Đốc phủ sứ Đỗ Văn Rước, dự án đem cho Cần Thơ có bến Ninh Kiều, mà thơ hhay nhạc đều ghi nhận nét đặc trưng của nó:

"Phong Dinh có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp có nhiều giai nhân
Cuộc đời luồng những phù vân
Trở về bến cũ cố nhân xa vời!"

Kể chuyện về nguồn gốc bên Ninh Kiều từ một bến ghe thương buôn tầm thường ở bờ sông Cần Thơ đến một bến Ninh Kiều tượng trưng cho một địa danh kiểu mẫu của quốc gia, hẳn rằng người dân Cần Thơ yêu quý nó lắm.

"Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Mỗi chiều thứ bảy ngưới nhiều như nêm
Đẹp xinh cảnh sắc về đêm
Nhìn sông thấy nước nhớ thêm tình người"

Với tôi, Việt Hải, năm 1959 khi bác tôi, thiếu tá Trần Cửu Thiên, về nhiệm chức tỉnh trưởng Cần Thơ, đã kể rằng những dự án công chánh do ông Trưởng ty Thành Kháng đóng góp như thiết lập lộ 19, lộ 20, lấp Rạch Sáu Thanh, xây cầu Rạch Ngỗng, xây Bến Xe Mới và lấp khu đầm lầy để xây dựng Quân Y Viện Cần Thơ. Nói như vậy để thấy rằng ông Trương Thành Kháng thực hiện nhiều điều công ích cho Cần Thơ, ngồi đây viết bài này tôi không biết ông bây giờ ở đâu. Những lời này như để cám ơn ông.

Bến Ninh Kiều

Như vậy thì tên bến Ninh Kiều phát xuất từ đâu ? Nguồn gốc là vì bến nằm dọc theo đường Lê Lợi, nên người ta đã đặt cho nó cái tên quá đẹp, là bến "Ninh Kiều" như để nhắc nhở một chiến tích oai hùng của Bắc Bình Vương Lê Lợi tại bến Ninh Kiều ở đất Bắc xa xưa.

"Tuy Động thây phơi đầy đất
Ninh Kiều máu chảy thành sông"

Trận ác chiến tại bến Ninh Kiều ghi dấu sự vẻ vang quân Việt chiến thắng quân Minh. Cũng theo dòng sử ký, tại sao chúng ta có tên Cần Thơ ? Ngày xưa chuyện kể tương truyền rằng khi vua Nguyễn Phúc Ánh bị quân đạo quân của vua Quang Trung đánh đuổi, ông chạy vào miền Nam ẩn náu ở Cần Thơ, nhận thấy con sông Cần Thơ quá mỹ miều ông bèn đặt tên cho nó là "Cẩm Thi Giang", mang ý nghĩa con sông của vẻ đẹp thi ca đàn hát. Rồi trong dân gian người ta nói trại đi chữ "Cẩm Thi" thành chữ "Cần Thơ".

Qua phần trình bày từ lịch sử, địa lý về Cần Thơ, hay một Tây Đô của vùng đồng bằng sông Hậu, đến những địa danh của Phong Dinh, mà trong đó có bến Ninh Kiều được ôn về kỷ niệm hình thành và phát triển, Chúng tôi muốn gởi bài viết này đến những người bạn thân hữu Cần Thơ, đặc biệt đến đặc san liên trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm 2009. Riêng tôi, Việt Hải, xin kính gởi đến bác ruột của tôi, chính là người cho tôi dịp gần gũi với Cần Thơ của thuở thiếu thời, để rồi trong trí nhớ đó của tôi, mãi yêu Cần Thơ như yêu người tình.

Việt Hải & Mindy Hà
Tham Khảo:

Tự điển Bách Khoa Wikippedia Online về Cần Thơ.
Sách Khảo Cứu Cần Thơ Xưa, tác giả Huỳnh Minh.