Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Những ông Tây "rau muống"

(Kỳ 1): Gà quay "Ông Tây "
___________

Thế Anh
Thứ Bảy, 06/10/2007 
Source : Tuổi Trẻ Online

Từ phương trời xa xôi, họ đến VN kiếm sống. Những ông Tây bươn chải mưu sinh với đủ nghề bình dân, nhiều người chỉ mong "kiếm được hai bữa cơm sống qua ngày". Họ nói tiếng Việt rành rẽ, thích ăn rau muống chấm mắm, la cà quán cà phê vỉa hè...

Họ là những người nhập cư đặc biệt, không khác gì người Việt, chỉ khác là không mang quốc tịch VN. Ở lâu rồi quen, và những ông Tây đã chọn VN làm quê hương.

TT -  Bắt đầu ngày mới bằng một ly cà phê đá đậm đặc bên vỉa hè và vài tờ báo tiếng Việt, trông Juan chẳng khác người Sài Gòn là bao. Juan nói tiếng Việt khá sõi, phóng xe máy giao hàng khắp mọi hẻm mà không bao giờ sợ bị lạc đường. Gần 15 năm mưu sinh ở VN, anh chàng người Pháp này nói đầy vẻ tự hào: "Tôi rành phố xá Sài Gòn không thua xe ôm".

Ông Tây "vô sản"

Trông Juan rất bình dân, bụi bặm đầy "chất Sài Gòn". Bản chất bình dân trong anh thể hiện cả trong cách chọn vợ: "Tôi không lấy mác người nước ngoài để dụ dỗ các cô gái xinh đẹp, giàu có. Vợ tôi là một người bình thường. Khi tôi ngỏ lời cầu hôn, cô ấy là nhân viên chạy bàn trong quán cà phê " - Juan nói.

Châm điếu thuốc Bastos, Juan nhớ lại ngày đầu về ra mắt gia đình người yêu: "Ngày đầu gặp bố mẹ cô ấy, tôi đã nói thật là tôi rất nghèo. Tôi không phải là một người nước ngoài giàu có. Tôi không có xe hơi, không nhà, không có điện thoại di động và không cả nghề nghiệp. Mọi người nói tôi là ông Tây "vô sản". Nhưng tôi yêu cô ấy và muốn đi đến hôn nhân". Trước những lời chân tình của Juan, gia đình người yêu đã rất cảm động và đồng ý.

Juan đến VN từ năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kỹ thuật Paris, Pháp. Với đồng vốn vào đời dành dụm chưa đến 10.000 USD, Juan lặn lội qua nhiều nước để tìm cơ hội làm ăn, nhưng cuối cùng anh nhận ra rằng số tiền ít ỏi đó chẳng thể làm gì được. "Nhưng ở VN lúc đó thì khác, với chừng đó vốn đã có thể mở một quán nhỏ. Tôi chọn VN vì cảm thấy ở đây dễ mưu sinh" - Juan kể. Sau nhiều ngày vác balô đi bụi để tìm hiểu cơ hội nhập cư, cuối cùng Juan chọn Nha Trang là nơi khởi đầu. Juan cùng một số bạn bè gom góp vốn kinh doanh dịch vụ môtô nước và quán bar. Kết quả của vụ thử sức đầu tiên đó là con số không.

Juan nhớ lại: "Những tháng đầu thì tạm ổn, nhưng về sau cạnh tranh càng gay gắt. Nhiều người đầu tư mà số lượng du khách lại chẳng tăng là bao. Chúng tôi chỉ đủ sức để cầm hơi, đóng thuế và sống tạm qua ngày. Sau năm năm vật lộn ở Nha Trang, cuối cùng công việc làm ăn của tôi cũng chẳng tiến triển gì. Tôi quyết định rút vốn, sau khi khấu trừ mọi thứ và tính cả trượt giá thì số tiền tôi nhận lại chẳng còn bao nhiêu, nếu không muốn nói là tay trắng".

Gói ghém gia tài chỉ là vài bộ áo quần, Juan xách balô vào Sài Gòn làm lại từ đầu. "Với vài đồng vốn ít ỏi còn lại, mà Sài Gòn thì đắt đỏ nên tôi chưa biết phải làm gì để tiếp tục cuộc sống" - Juan kể. Trong những ngày thất nghiệp, Juan thường la cà những quán cà phê bình dân ở Sài Gòn. Và tại đây, anh đã gặp được người bạn trăm năm của mình. Nhắc lại chuyện cưới vợ, Juan chỉ cười: "Hồi đó mình liều thật, với hai bàn tay trắng mà dám lập gia đình ở đất khách quê người".

"Gà quay kiểu tây: kính mời, kính mời!"

Bán được 30 con gà mỗi ngày,
Juan nói: "Cày mãi mà vẫn chưa khá nổi"
Ảnh: Như Hùng

Sau khi lập gia đình, nỗi lo toan cơm áo gạo tiền đè nặng hơn trên đôi vai Juan. Vào năm 2002, Sài Gòn rộ lên món gà nướng. "Nghề này không cần vốn liếng nhiều, chỉ cần chịu khó là có thể kiếm sống" - Juan nghĩ. Juan dồn hết vốn liếng còn lại gửi về Pháp mua ba cây nướng gà bằng điện.

Juan nhớ lại những ngày mới ra nghề: "Lúc đầu tôi làm cho người nhà, bạn bè ăn để nhờ họ góp ý. Cứ thử đi thử lại cả tháng trời, tốn kém không biết bao nhiêu là gà, đến khi mọi người nói ngon thì tôi mới dám đi thuê mặt bằng để mở quán. Nghĩ mãi tôi cũng không biết lấy tên quán là gì, cuối cùng tôi đặt đại là gà quay ""ng Tây", vậy mà cũng hay ra phết".

Quán Gà quay ""ng Tây" của Juan ở gần cầu Thanh Đa ra đời. Từ đó, hằng ngày ai đi qua đây đều thấy một ông Tây với quần soóc, áo phông, mặt mũi đầy mồ hôi bên lò quay nóng rực. Mỗi khi có khách ghé mua, Juan chào đón bằng tiếng Việt một cách ân cần: "Anh chị ăn có vừa miệng không?". Hay khi cần tiếp thị thì Juan cũng tỏ ra là một tay buôn bán rành rẽ: "Gà ta quay kiểu tây, ít mỡ lại hợp vệ sinh. Kính mời ..., kính mời ...!".

Nhờ vui vẻ và nhiệt tình nên quán của Juan ngày một đông khách. Anh khoe: "Mỗi ngày tôi cũng bán được cả trăm con, khách đến mua đông như đi khám ở bệnh viện. Ai mua từ năm con trở lên thì chỉ cần gọi điện là tôi đích thân phóng xe mang đến tận nơi. Nhờ vậy vợ chồng tôi cũng đủ tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống qua ngày".

Cứ thế, dù nắng hay mưa, dù sáng sớm hay đêm khuya, hễ có người gọi điện là Juan vội vàng trên chiếc xe cà tàng luồn lách khắp mọi con hẻm để giao gà cho khách. "Những ngày đầu do chưa quen đường nên tôi hay bị lạc lắm, nhưng bây giờ thì biết cả đường đi tắt để đỡ tốn tiền xăng. Lăn lộn mãi nên tôi rành tiếng Việt luôn" - Juan cười.

Đùng một cái dịch cúm gia cầm bắt đầu lan rộng làm Juan khốn đốn vào năm 2003. Juan thở dài: "Quán vắng khách hẳn. Cố xoay xở nhưng hằng tháng vẫn không đủ để đóng tiền thuế. Vào lúc cao trào của dịch cúm, tôi phải đóng cửa đến sáu tháng. Số tiền bấy lâu dành dụm được lại cạn dần". Ráng gượng dậy sau nạn dịch H5N1, Juan không mua gà ở chợ nữa mà đặt gà sạch từ công ty. Dù đã cố gắng bằng mọi cách nhưng số lượng gà bán ra hằng ngày của Juan cũng chỉ bằng một nửa trước đây. Juan kể: "Cứ mỗi sáng mở báo ra thấy tin dịch cúm là tôi lo lắm".

Nói về ước mơ của mình, Juan chân tình: "Tôi chỉ mong một ngày nào đó người nhập cư như tôi được mua nhà trả góp, chứ ở nhà thuê nay đây mai đó khổ quá. Mỗi tháng thu nhập từ quán gà quay này chỉ được khoảng 5 triệu đồng, mà nào là tiền thuê nhà, tiền thuế, tiền con ăn học thì làm sao mua nổi nhà để ở?". Rút ít tiền lẻ ra mua vài tờ vé số của đứa trẻ vừa vào mời, Juan cười: "Thỉnh thoảng tôi cũng trông chờ vào may rủi từ tờ vé số để mong mua được căn nhà cho vợ con ở. Phải tự tạo cho mình một niềm hi vọng để tiếp tục mưu sinh chứ. Sống ở VN quen rồi, thích lắm rồi" - Juan cười rồi rồ ga lẫn vào dòng xe để kịp giao gà cho khách...

THẾ ANH

 [ Trở Về  ]