Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Những ông Tây "rau muống"

(Kỳ 2): Frank "hà tiện"
___________

Thế Anh

Source : Tuổi Trẻ Online

TT - Gặp khó khăn khi mưu sinh trên miền đất mới, đã từng "đứt bữa" giữa Sài Gòn, mua thiếu từng bao thuốc lá... Đó là câu chuyện của một người đàn ông từ nước Đức xa xôi đến VN để làm... người Việt!

"Chỉ mong ngày hai bữa cơm"

"Tên tôi là Nguyễn Hữu Phong", anh bắt đầu câu chuyện bằng chất giọng Hà Nội khá sõi. Với đôi dép lê, áo quần xộc xệch, trông anh chẳng có chút gì là ngoại quốc cả. Anh kể: "Quê tôi thuộc Đông Đức trước đây, từ hồi còn trẻ tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người Việt. Tôi xem họ như anh em, vì họ dạy bảo tôi từ những chuyện nhỏ nhặt đến kinh nghiệm sống ở đời. Tôi thường mời họ về nhà chơi, lâu ngày như anh em một nhà. Mẹ tôi cũng rất yêu mến họ”.

Tên Nguyễn Hữu Phong là do một người bạn Việt đặt cho anh, còn tên khai sinh của anh là Hammerschmidt Frank. Nhưng Frank rất thích tên Phong, vì "mình đã sống ở VN, như người Việt rồi thì cũng cần có tên Việt". Để được đến VN, Frank phải mất 13 năm chờ đợi: "Cuối thập kỷ 1970, khi nghe tin bạn tôi ở Hà Nội phải ra chiến trường thì lòng tôi như lửa đốt. Lúc đó tôi chỉ mong được qua VN để đi cùng những người bạn.

Nhưng khi cầm đơn xin qua VN thì bị từ chối. Không chỉ thế, những người đồng hương của tôi còn hỏi: Mày có bị điên không mà đòi đến VN?". Cho đến năm 1991, Frank mới tới VN để thăm lại những người anh em. Sau lần đó, mỗi năm anh đều đặn trở lại VN một lần. Frank kể: "Mỗi lần đến VN tôi thấy yêu mến vùng đất này hơn và cảm thấy thời gian một tháng ở VN dường như không đủ với tôi. Tôi tự hỏi tại sao phải làm 11 tháng ở Đức để rồi chỉ sống ở VN một tháng? Tại sao mình không sang sống hẳn ở đó?".

Đến năm 1994, Frank quyết định sang VN ở hẳn. "Lúc đó, vì muốn ở VN nên tôi liều chứ thật ra tôi cũng chưa biết tương lai sẽ đi về đâu. Do chưa hiểu nhiều về cuộc sống ở VN nên tôi cứ nghĩ với 2.500 mark Đức thì có thể yên tâm lập nghiệp. Nhưng khi qua ở hẳn mới biết chừng đó tiền chẳng thể làm gì được", anh tâm sự. Để có thể tiếp tục sống ở VN, Frank xin làm pha chế rượu ở một quán bar tại TP.HCM với mức lương 2 triệu đồng một tháng. Anh nói: "Với 2 triệu đồng, trừ đi tiền thuê nhà thì tôi chỉ đủ ăn uống tạm bợ qua ngày.

Thậm chí nhiều ngày trong túi chẳng có lấy một đồng, phải đứt bữa nhiều lần, như người cần cứu đói ấy". Cho đến bây giờ, Frank vẫn không thể nào quên được những ngày túng bấn giữa Sài Gòn: "Có lần trong túi tôi chỉ còn 2.000 đồng mà bụng thì đói vô cùng. Ghé qua hàng cháo mực vẫn thường ăn bên vỉa hè, cô chủ quán hỏi: "`Cháo mực, giò heo như mọi hôm nhé?". Tôi giả vờ ôm bụng nói: "Hôm nay đau bụng, ăn cháo không thôi". Hay những lúc không còn tiền để đổ xăng, đi đâu tôi cũng đi bộ, bạn bè hỏi thì nói đi bộ cho khỏe người. Còn chuyện mua nợ thuốc lá thì thường xuyên như cơm bữa".

Nhiều lần Frank đã nghĩ đến chuyện hồi hương. Nhưng nhiều đêm suy nghĩ, anh thấy mình đã quen với vùng đất này. Frank lại đi tìm việc làm, nhờ nói sõi tiếng Việt nên anh được nhận vào làm phiên dịch cho một công ty sản xuất xúc xích của Đức. Tại đây, sau khi người thợ làm xúc xích nghỉ việc, anh xin kiêm luôn việc thợ làm xúc xích.

Frank kể: "Vì sợ công ty đóng cửa thì thất nghiệp nên tôi mạnh dạn nhận luôn việc thợ chứ thật ra tôi cũng không rành lắm, vì chỉ học lỏm được từ anh thợ người Áo mà thôi". Để có thêm thu nhập, Frank xin ông chủ cho kiêm luôn cả việc đi bán hàng. Biết được ở Vũng Tàu có nhiều người Nga, anh phóng xe máy cà tàng chở cả tạ xúc xích về đó rao bán. Cứ thế, hết nghề này đến nghề khác, Frank cố tìm mọi cơ hội để được sống ở VN. Anh cười: "Với tôi, chỉ mong ngày có hai bữa cơm để được sống ở VN là vui lắm rồi!".

"Tôi là người nghèo"

Bạn bè Frank vẫn thường gọi đùa anh là Frank "hà tiện". Khi nhắc đến biệt danh này, Frank chỉ cười: "Phải hà tiện chứ, mình có giàu có gì đâu! Không hà tiện thì lấy gì mà sống!". Biết Frank sống hẳn ở VN nên bạn bè mỗi lần đi du lịch luôn mang theo món ăn từ Đức tặng anh. Những món quà đó anh chỉ dùng một cách tằn tiện, còn lại để làm chuyện khác. Anh kể: "Thỉnh thoảng tôi lại mở một tiệc nho nhỏ mời tất cả bạn bè cả Tây lẫn Việt đến dự.

Thức ăn là những thứ mà tôi dành dụm được từ những món quà. Những người đến dự tiệc được ăn mi...n phí, còn thức uống thì phải trả tiền.Trong bữa tiệc tôi đặt một con heo đất, mọi người tùy tâm mà bỏ vào đó ít nhiều.

Sau đó tôi cùng mọi người đập heo để lấy tiền mua quà tặng người nghèo quanh vùng. Tôi cũng là người nghèo nên rất hiểu và muốn chia sẻ sự thiếu thốn của những người kém may mắn quanh tôi". Chuyện bắt đầu từ năm 2004 và đến bây giờ Frank vẫn giữ thói quen "hà tiện" các món quà của mình để giúp đỡ người nghèo như thế.

Sau nhiều năm lăn lộn ở Sài Gòn, năm 1998 Frank "hà tiện" chuyển đến Nha Trang sinh sống vì theo anh nơi đây "d... thở" hơn. Với vài triệu đồng dành dụm được, cộng với vay mượn bạn bè, Frank sang lại một quán nhậu với giá 7 triệu đồng. Để tiết kiệm, anh chỉ thuê một vài người phục vụ, còn Frank kiêm luôn cả quản lý lẫn đầu bếp.

Từ đó, ở Nha Trang người ta lại thấy một ông Tây to cao ngày ngày ra chợ trả giá từng mớ rau miếng thịt, nói tiếng Việt, rành chợ Việt như lòng bàn tay. Frank kể: "Sáng tôi dậy thật sớm, đi chợ khệ nệ tha về một mớ rau dưa, thịt cá. Rồi tự lên thực đơn, tự chế biến. Những lúc khách đông tôi kiêm luôn cả việc bưng bê”. Quán do một ông Tây làm chủ, nấu ăn và đôi lúc làm bồi bàn, nhiều người Việt cảm thấy thích. Nhiều người thấy Frank bình dân nên làm bạn, và ông Tây Frank cũng chan hòa với mọi người như người Việt với nhau.

Sinh nhật mới đây của Frank không bánh kem, không hoa, chỉ một nồi lẩu đậm chất Việt, vài ba chai bia và những người bạn Việt mà anh gọi là "chiến hữu". Frank tâm sự: "Tuy vất vả nhưng tôi rất hạnh phúc được sống ở VN. Tôi đã dặn bạn bè khi tôi chết thì đem thiêu rồi rải một nửa tro lên núi, một nửa xuống biển. Thân xác tôi đã thuộc về nơi này, vì thế dù khổ cực mấy tôi cũng sống với đất này".

THẾ ANH
Frank tự lau dọn quán, chuẩn bị một ngày mưu sinh mới 
Ảnh: T.Anh
Frank đến thăm trẻ em nghèo tại chùa Phú Quang (Nha Trang)

Trở Về  ]