Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Những ông Tây "rau muống"

Kỳ 8 : Andreu "hàng thanh lý"
___________

Quốc Việt

Source : Tuổi Trẻ Online
13/10/2007


Andreu (bìa trái) bán hàng thanh lý:
"Hàng ở VN chất lượng hơn nhiều"
- Ảnh: Q.Việt

TT - Tuổi thơ Andreu lang bạt khắp Nigeria. Rồi phiêu dạt qua Mỹ, lăn lóc tìm được việc làm ở một ngân hàng nhỏ.

10 năm cật lực dành dụm, Andreu trở lại quê hương rồi tiếp tục lang bạt qua thêm 10 nước nữa trước khi đến VN. Lần đầu tiên đến VN, Andreu đã mê ngay sự êm ả thanh bình, nhưng chỉ loay hoay ở được một tháng thì sạch túi.

Lần thứ hai, anh quay lại VN với kế hoạch lập nghiệp lâu dài. Tuy nhiên, Andreu bầm dập, thậm chí nhiều ngày phải đói khát vì không thể xin được việc làm. Nhiều lúc Andreu đang lang thang trên đường phố thì bị mấy bà mẹ chỉ vào để hù dọa con: "Ăn đi con, không ăn mẹ cho ông kẹ đen thui này bắt bây giờ".

"Tôi không là ông kẹ”

Gõ cửa, chầu chực nhiều ngày ở một văn phòng môi giới việc làm cho người nước ngoài, Andreu mới kiếm được một chân dạy ngoại ngữ.

Công việc cũng không dễ dàng vì Andreu chỉ là một "ông thầy da đen người châu Phi nói tiếng Anh" dù thật sự là anh rất giỏi ngôn ngữ này. Anh lăn lóc qua nhiều trung tâm ngoại ngữ, và chẳng thể biết lúc nào mình sẽ bị nghỉ. Nhiều ngày không có giờ dạy, anh lang thang ngoài đường trau dồi thêm tiếng Việt, rồi muốn khóc khi nghe người ta đem mình ra hù dọa cho con nít ăn cơm.

Dạy tiếng Anh trung tâm phập phù quá, Andreu quyết định phải làm một cái gì đó để người ta không coi mình là "ông kẹ” và để sống lâu dài ở đất nước này. Đây cũng là thời gian Andreu chớm nở tình yêu với Kim Hằng, một cô giáo người Việt cùng dạy tiếng Anh. Những lần đi chơi với bạn trai da đen, Kim Hằng cũng bị người ta nhìn chằm chằm nên cô rất hiểu tâm sự của Andreu. Cô cùng bắt tay với anh xây dựng kế hoạch mới. Tính tới tính lui, cuối cùng Andreu cũng lóe lên được một ý tưởng kinh doanh. Anh thấy quần áo ở VN rẻ và đẹp, trong khi người dân nghèo nước anh rất có nhu cầu mặt hàng này, thậm chí hàng thanh lý ở VN cũng là quá đẹp đối với họ.

Ban đầu, Andreu và Kim Hằng chỉ có vốn 30 triệu đồng. Trừ các chi phí thuê mặt bằng này nọ, họ chỉ còn đúng 10 triệu đồng. Họ chưa thể tính đến chuyện đem quần áo VN đến đất nước châu Phi xa xôi. Thế là Andreu mò mẫm đi gõ cửa các công ty, cơ sở sản xuất quần áo ở TP.HCM. Andreu ăn mặc loàng xoàng, gặp bảo vệ cứ nói bập bẹ tiếng Việt xin gặp giám đốc để mua quần áo dạt, quần áo thanh lý rẻ tiền, một số bảo vệ thấy anh da đen ăn nói lơ mơ, khó hiểu, liền quát lại: "Xin việc hay xin ăn? Nói mẹ nó ra đi. Ở đây không có đâu". Andreu nghẹn giọng, thất thểu ra về.

Những lần sau Andreu láu cá hơn. Anh ăn mặc nghiêm chỉnh, giới thiệu mình là doanh nhân, cần gặp sếp công ty để đặt hợp đồng. Chỉ đến khi trao đổi trực tiếp với giám đốc, Andreu mới nói thẳng là cần mua quần áo thanh lý, quần áo may lỗi bị dạt giá rẻ. Họ bất ngờ trước đề nghị lạ lẫm của anh chàng da đen. Anh cặn kẽ trả giá từng món đồ, rồi thuê chiếc ba gác chở về cho đỡ tốn kém. Dọc đường đi, có người tưởng anh bán đồ dạo, hỏi mua. Anh dừng xe lại ngay.

Tương lai ở VN

Không có tiền thuê mặt bằng ở chợ hay phố chuyên doanh quần áo, Andreu và Kim Hằng phải thuê một mặt bằng nhỏ ở đường Bàu Cát 1, quận Tân Bình. Khách hàng của anh là những người Việt muốn mua quần áo giá rẻ hoặc người da đen nghèo khó qua VN tìm cơ hội. Hàng của anh chủ yếu giá 10.000-30.000 đồng/cái, "cao cấp" nhất cũng chỉ 60.000 đồng.

Tuy nhiên, thời gian đầu nhiều ngày hàng ế ẩm, Andreu ngồi lì một chỗ như chảy cả người ra. Anh "xin chào, xin mời" đến đau cả lưỡi mà vẫn không ai mua. Anh sống chắt bóp, tiết kiệm đến mức không dám uống cả ly nước mía 2.000 đồng bên vỉa hè để dành tiền mua cơm. Nhiều đêm, anh bị ác mộng cả với số tiền thuê mặt bằng 3.000.000 đồng không biết lấy đâu ra để trả.

Việc kinh doanh của Andreu dần dần "dễ thở" hơn khi những người bạn da đen nghèo khó ở VN lần lượt tìm đến với anh. Họ không có tiền mua hàng, mà tình nguyện làm người tiếp thị giá rẻ cho anh. Họ mang hàng của Andreu đi tiếp thị tận tay những người da đen mới sang, rồi chào mời cả những người Việt tình cờ gặp trên đường phố.

Bán được một món hàng 10.000-30.000 đồng, Andreu trả công 1.000-3.000 đồng là họ cũng mừng rồi. Gần đây, bạn bè của anh mách nước nhiều người châu Phi hay sang Quảng Đông mua hàng sỉ giá rẻ để về bán ở quê nhà. Andreu hăm hở liên lạc ngay với các thương gia bình dân này. Anh mạnh dạn tuyên bố với họ: "Hàng ở VN chất lượng hơn nhiều".

Khi Kim Hằng thu xếp thời gian dạy học để cùng tham gia buôn bán thì mọi chuyện cũng sáng sủa hơn. Khách hàng Việt thấy cô chủ gần gũi với mình. Còn các công ty bán đồ thanh lý cho Andreu cũng không còn gặp khó khăn khi giao tiếp với anh chàng da đen nói tiếng Việt. Những mối cũ đã trở nên thân tình. Khi gõ cửa các công ty mới, họ đặt thẳng vấn đề thanh lý hàng dạt. Việc buôn bán thuận lợi, Andreu bắt đầu nghĩ đến chuyện tương lai ổn định ở VN.

Tình yêu muộn của Andreu và Kim Hằng rồi cũng đến ngày cưới. Hôn lễ đơn sơ, đàng trai chỉ có một người duy nhất là chú rể da đen mặc áo dài khăn đóng, cúi lưng lạy bàn thờ nhà vợ. Hàng xóm người chúc mừng, người gièm pha, nhưng nụ hôn thề ước trăm năm của đôi trai gái khác màu da vẫn tràn ngập tình yêu hạnh phúc. Andreu tâm sự rằng anh phải cảm ơn người vợ Việt đã giúp anh thêm điều kiện và lòng quyết tâm bám trụ ở đất nước này.

Kim Hằng cũng rất quí trọng việc chồng nhiệt tình giúp đỡ những người bạn da đen khó khăn. Nhiều hôm, chính tay cô nấu cơm cho họ ăn, rồi đưa tiền đi xe buýt cho họ về nhà trọ khi việc chào hàng ế ẩm. Vài lần, cô cũng trở thành người mang thông điệp tình yêu đến cho những cô gái Việt và chàng trai da đen chưa hiểu ngôn ngữ nhau.

QUỐC VIỆT
 Andreu luôn khát khao con đường làm giàu bằng kinh doanh lương thiện để lo cho những đứa con tương lai của mình tại VN.

Họ cũng mong muốn có thêm điều kiện để giúp đỡ những bạn da đen đang gặp nhiều khó khăn ở VN. Andreu còn một ước mơ cháy bỏng nữa là ngày nào đó khi dành dụm đủ tiền, anh sẽ dẫn Kim Hằng về thăm quê hương mình.


Trở Về  ]