Chim Việt Cành Namĩ           [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Về một Xứ Hoa Đào

Bài Đan Vy, ảnh Bạch Yến

Từ xưa, ngoài tên gọi Thành phố Ngàn thông, Ngàn hoa, Đà Lạt còn được gọi là Thành phố Mai anh đào hay Xứ hoa đào. Tuy nhiên cũng đã từ lâu Đà Lạt không còn xứng với tên gọi đó nữa.

Một thời gian dài, cây mai anh đào hầu như vắng bóng trên thành phố này. Chỉ còn sót lại một vài cội mai già đây đó còm cõi không đủ sức nở hoa. Thật buồn cho những người còn mơ mộng khi cất lên tiếng hát "Ai lên xứ hoa đào" quyến rũ một thời. Mấy gốc mai già bên đường nếu còn cố ra một vài cành để đơm nụ cũng bị người nào đó còn yêu hoa đào, chặt mang về nhà cho riêng mình. Không ai cần giữ gìn một vẻ đẹp tưởng đã sắp đi vào quên lãng.

Hình như từ năm 1993, lúc Đà Lạt tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày bác sĩ Yersin phát hiện ra Đà Lạt, bắt đầu đặt lại tên đường và dựng tượng Yersin, người ta mới nghĩ đến chuyện gầy dựng lại xứ hoa đào. Tuy nhiên công việc này không mấy kết quả. Hàng năm, người ta đều tổ chức trồng cây, trong đó có mai anh đào, nhưng nếu không "trồng cây nào chết cây ấy" thì cũng chỉ sót lại vài cây còi cọc. Mà mai anh đào không phải là giống khó trồng. Đặc biệt đất của Đà Lạt rất phù hợp với giống cây này. Cứ đi vào các thung lũng ngay trong thành phố, các nhà vườn, ta sẽ thấy lũ chim đã làm việc này dễ dàng như thế nào. Khi mai anh đào kết trái, những trái mọng chín nho nhỏ tím thẫm, lũ chim tha đi khắp nơi, hạt rơi đến đâu mọc đến đó. Ấy thế mà bao nhiêu công sức tiền bạc đổ ra, mai anh đào được trồng trong những lễ lạc rùm beng vẫn không sống nổi, kể cả những cây cổ thụ người ta mua ở các vườn bứng mang về.

Nhưng rồi tín hiệu vui đã đến. Mấy năm gần đây, có thể do một cơ chế làm ăn mới nào đó, mai anh đào được khôi phục, chăm bón, trồng mới trên một số con đường bắt đầu có kết quả và mọi người đã có thể từ từ thấy lại mầu hoa ngày cũ mỗi độ đông tàn.

Đến cuối đông đầu xuân năm nay, Kỷ Sửu 2009, nhất là từ một tuần sau Tết Nguyên đán cho đến Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), như một phép lạ, thành phố bỗng rực lên một mầu hồng như những ngọn lửa bập bùng êm dịu từ muôn vạn cánh hoa bé nhỏ. Hầu như ai cũng muốn reo lên "Mai anh đào nở hoa!". Và mặc nhiên Đà Lạt lấy lại được mỹ danh ngày nào.

Đầu tiên, ẩn dấu dưới tàng thông đầu dốc Đinh Tiên Hoàng (gần Nhà Máy Nước cũ, con đường vòng phía bắc đồi Cù), một cội mai già cành tỏa rộng nở suốt từ gốc đến ngọn.. Đây là một cây lão mai rất đẹp nhưng ít được chú ý viø khuất sau hàng thông và nép mình bên hồ nước, như một mỹ nhân phố núi một thời vang bóng lặng lẽ trở về chốn cũ.
 

Rồi dễ dàng nhận thấy khi các cây mai non từ từ mở những cánh hoa bé nhỏ e ấp dọc các đường 3 Tháng 4 (từ đèo Prenn dẫn vào thành phố), Yersin, Quang Trung... nhất là con đường vòng chung quanh hồ Xuân Hương, mỗi ngày mỗi thêm nồng nàn rực rỡ.

Nhìn qua những đám mây hồng dịu dàng này, thành phố bỗng dưng đổi khác. Khu Hòa Bình nhà bê tông san sát khô cứng chẳng khác gì mấy góc phố Sài Gòn sáng tươi lên cùng sắc hoa. Rặng thông và bãi cỏ đồi Cù im lắng trong vòng rào thẫm màu dưới trời chiều bớt vẻ âm u. Nhà hàng Thủy Tạ mảnh mai trắng thanh khiết bên hồ, và cả nhà hàng Thanh Thủy màu tím không mấy phù hợp với khung cảnh chung, cũng trở nên duyên dáng hơn. Tháp chuông xa xa in hình lên nền trời của trường Yersin cũ (nay là trường Cao Đẳng Sư Phạm), công trình xây dựng vốn nổi tiếng đẹp nhất Đông Nam Á càng thêm quyến rũ.. Phải chăng là do "mầu hoa đào như môi hồng người mình yêu" trong lời bài hát cũ?
 

Hoa mai anh đào không giống hoa đào Đà Lạt (còn gọi là đào lông, ra ít hoa và kết trái lớn), cũng không thẫm mầu nghiêng sang sắc đỏ như đào Nhật Tân - Hà Nội, cũng không giống anh đào Nhật Bản. Mai anh đào thân mảnh dẻ nhưng lâu năm có thể trở thành những cây cổ thụ cao lớn, tỏa tàn rộng, hoa nhỏ mầu hồng phớt tím, khi mới nở như những ngọn lửa nhỏ bập bùng, vài ngày sau đến độ mãn khai, toàn cây rực lên như một đám lửa hồng.

Từ dưới nhìn lên dốc Hòa Bình, bên phải là một hàng mai non dịu dàng đón khách, bên trái, trên sườn cỏ nghiêng, phía đầu dãy quán café phố núi, một cây mai không lớn nhưng đầy đặn, vững chải, đơn độc và như có chút kiêu kỳ, rạo rực liếc nhìn xuống nhân gian vội vã ngược xuôi trên đường.
 

Ba bốn cây mai còn thơ như mấy thiếu nữ nhí nhảnh đứng chụm vào nhau trò chuyện bên con đường dốc uốn lượn từ hồ lên nhà thờ Con Gà làm ai đi qua cũng ngoái nhìn lưu luyến.

Nhưng nơi hội tụ của những ngọn lửa hồng phớt tím làm cho người ta choáng váng chính là công viên Xuân Hương, trước khách sạn Palace, nhìn ra hồ. Công viên này mới được chỉnh trang vài năm nay, có cửa hàng của các hãng trà và mấy quán café giải khát bắt đầu đông khách. Sắc hoa mai anh đào làm sáng lên cánh rừng thông giữa phố, reo vui cùng tiếng nhạc vọng ra từ quán café, thắp hồng một cung đường, điểm sắc làm đẹp thêm mảnh trời xanh trên cao. Đặc biệt hai cây mai cổ thụ cuối công viên phía cầu Ông Đạo, cao ngất trời, đẹp ngất trời làm người yêu hoa sửng sốt. Trên quãng đường này, không ai đi qua không dừng lại hay ngước mắt chiêm ngưỡng, không du khách nào có máy ảnh chịu bỏ qua cảnh sắc tuyệt vời hiếm hoi mà chỉ một hai tuần sẽ tàn phai, không còn lưu vết.
 

Có một con đường mới được đặt tên là Mai anh đào nhưng chẳng thấy cây đào nào cả. Đó là con đường khá dài chạy vòng từ Thung lũng Tình Yêu về phía Viện Nghiên cứu hạt nhân. Hai bên đường này là khu vực trồng rau, hoa, lúc nào cũng bốc mùi phân bón, thuốc trừ sâu nồng nặc. Loại sáng kiến nào đây thật trái cựa? Sao không đặt tên cho con đường cửa ngõ vào thành phố, nơi hoa đào đã được trồng khá nhiều, cứ gì lại phải lấy tên một ngày tháng mà nhiều người chẳng biết đó là ngày gì.

Có một nơi trồng hoa đào tập trung rất đẹp nhưng người ta lại không làm. Đó là công viên ngay phía dưới cầu Ông Đạo, nơi mới giải tỏa một phần của ấp Ánh Sáng, xây dựng khá công phu, trồng đủ thứ loại cây, có cầu, có ghế đá nhưng không mấy người đến viø trũng thấp và lối vào không thuận lợi. Nếu tất cả công viên này được trồng mai anh đào, chắc chắn Đà Lạt sẽ có một thung lũng hoa đào như mơ hớp hồn người nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Dễ gì có thành phố nào được mang tên Xứ Hoa Đào. Chắc chắn đây sẽ là một thương hiệu du lịch, một tên gọi đầy quyến rũ đối với du khách bốn phương, nhất là đến mùa hoa rực rỡ như năm nay.

Mai anh đào. Chỉ một hai tuần thôi. Loài hoa nào mà chẳng chóng tàn nhưng vẻ đẹp của sắc hương trời đất vẫn còn đó, trong tâm tưởng, trong hoài niệm, trong sự thánh thiện của thiên nhiên và hồn người làm cho thế giới này bớt u ám và buồn đau.

Đà Lạt đầu xuân Kỷ Sửu 2009
Bài Đan Vy, ảnh Bạch Yến


 [  Trở Về  ]