Chim Việt Cành Nam          [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]
 
Vé số

Vũ Hùng

Mỗi lần xuống quận 13 hoặc tới khu Belleville, đi ngang một tiệm phở, hắn lại nghĩ đến con gái hắn những ngày còn ở quê nhà. Ngày xa xưa ấy, cô gái còn bé tí...

"Phở"  gắn bó với hắn cũng như với người Hànội. Nhưng mỗi thời "Phở" mang một ý nghĩa. Chẳng hiểu từ đâu, ngày nay nó mang một nghĩa khác hẳn ngày xưa. "Phở" bây giờ là "người tình".

"Cơm là vợ, phở là bồ!" Ở Hànội lúc này, rủ nhau đi ăn phở có nghĩa là trốn nhà để đi gặp người tình chốc lát. Ngày nay, có người Hànội nào không đi ăn "phở" ?

Thời hắn còn trẻ, ngày chiến tranh đang ác liệt, phở chỉ có nghĩa đơn thuần là bồi dưỡng. Nhàng nhàng thì bồi dưỡng một bát phở "không người lái" (không thịt). Chỉ khi nào túi có tiền, một hai ngày sau kì lương hoặc có tiền nhuận bút, hắn mới biết đến phở "có người lái".

Nếu vẫn sống ở Hànội, không biết hắn có còn thích "Phở" hay không, nhưng hồi chiến tranh ác liệt, khi "Phở" chỉ mới có một nghĩa duy nhất, thì hắn thích lắm. Hắn và các bạn văn của hắn vẫn kéo nhau đi ăn phở mỗi lần ai đó có tiền nhuận bút.

Một bữa, một bạn văn của hắn, nhân dịp ra đời cuốn "Gánh xiếc lớp tôi"*, một cuốn sách đã một thời được nhiều trẻ em yêu thích, mời hắn đi phở Mậu dịch phố Thuốc Bắc. Cửa hàng này đông nghịt, nổi tiếng khắp Hànội, không phải vì ngon, chỉ vì rẻ. Người ta bảo nhau: mậu dịch viên ở đây không ăn bớt của khách hàng, bát phở nơi này đầy đặn gấp rưỡi bát phở nơi khác. Tuy vẫn là Mậu dịch nhưng phục vụ lịch sự hơn: người bán hàng tươi cười, bát đũa không nhờn mỡ, khách không bị nghi ngờ là kẻ cắp nên thìa không bị đục lỗ và buộc dây vào bàn...

Bạn hắn, tiền đang rủng rỉnh, hỏi: Cậu mấy, để mình xếp hàng? Hắn thương cái túi tiền của bạn và ngập ngừng: Nếu cậu nhiều tiền thì... hai.

Bạn hắn đã mua cho hắn không phải chỉ hai mà tận... ba. Hắn vốn có một thân hình cao lớn, lực lưỡng cần nuôi dưỡng. Các bạn hắn vẫn gọi hắn là "người đói rách vĩ đại", nhân vật của một bộ phim nào đó đã từng chiếu ở Hànội nhiều lần, mà ngày nay hắn không còn nhớ tên.

Nhưng với hắn, phở không chỉ là những kỉ niệm vui vui như thế. Nhiều lần, phở gợi lại những kỉ niệm buồn.

Lần ấy, bốn bố con hắn về quê. Hắn đèo đứa con nhỏ trên chiếc ghế buộc đằng trước xe đạp, hai đứa lớn ngồi ôm sát lấy nhau trên "poóc baga" phía sau. Khi đi qua hàng phở, đứa con nhỏ của hắn thèm thuồng, kêu khe khẽ: mùi phở thơm quá!. Hắn nghe rõ vì hằn đang gò lưng đạp, đầu hắn cúi thấp, sát ngay đầu con hắn. Hắn kiểm ngay trong đầu số tiền mang theo. Hắn chỉ có đủ tiền cho ba bát. Hắn vẫn ngừng xe lại, đưa tiền cho con gái:

- Con cho các em vào ăn. Mỗi đứa một bát. Ăn phở có thịt nhé! Đừng "không người lái"!

- Bố không vào?

- Bố trông xe. Ăn nhanh rồi đi. Lỡ máy bay nó đến, chạy không kịp, chỗ này ít hầm.

Ăn xong, các con hắn đi ra. Đứa con gái đưa lại cho hắn mấy hào.

- Sao lại còn thừa thế này, con gái? Hắn hỏi.

- Con với em ăn chung một bát. Con không đói.

Đứa con trai lớn mách:

- Chị ấy nói dối đấy bố ạ. Chị ấy không ăn đâu.

Hẳn là con gái hắn đã biết vì sao hắn không vào cùng ăn với các con. Chắc chắn không phải chỉ vì hắn ở ngoài để trông xe. Hắn không mau nước mắt nhưng hình như lần ấy mắt hắn đã ướt, hắn nhìn cái gì cũng thấy lẫn lộn và nhạt nhoà.

*

Cuối năm ấy, hắn gặp may. Cuốn sách hắn nộp bản thảo từ đầu năm ngoái được xuất bản. Gần hai năm chờ đợi, hắn sốt ruột lắm.

Sáu tháng trước, khi có tin sách được duyệt, hắn đã xôn xang nghĩ đến ngày sách ra đời, được đến nhà xuất bản nhận những cuốn sách bản quyền thơm mùi giấy mực, buộc một chồng sau xe đạp để mang đi tặng bạn bè. Và hắn nghĩ đến nhuận bút, tuy hắn biết nhuận bút cũng sẽ chẳng là bao.
 

Sách của hắn chưa khi nào được xếp loại nhuận bút cao dành cho những cuốn phục vụ các vấn đề nóng bỏng của đường lối chính trị. Lãnh vực đó rất được khuyến khích. Nhưng hắn vốn không ham chính trị vì biết chỉ tình người và tình yêu mới tạo nên nghệ thuật. Hắn lại khiếp sợ những nền chính trị nghiệt ngã, hay thay đổi bộ mặt, "sớm nắng chiều mưa"!

Đi lính, ở rừng suốt thời trai trẻ, hắn trở về khi mái tóc đã bắt đầu nhuốm bạc. Hắn chỉ có khả năng và lòng thiết tha với thiên nhiên, với muông thú. Sách của hắn toàn viết về mây trời, sông núi, hươu nai, voi ngựa... Những cuốn sách như thế, có cũng được mà không thì cũng chẳng sao.

May cho hắn, lần này hắn được lĩnh nhuận bút vào những ngày giáp Tết. Hắn ghi ra giấy những món phải tiêu: chút quà biếu bố mẹ già, phần nào đưa cho vợ hắn để mua những gói hàng Tết phân phối, để sắm sửa quần áo cho lũ trẻ (vài năm mỗi đứa mới được một bộ đồ mới), để dành cho những lúc khó khăn (sang giêng, trời ẩm ướt, lũ trẻ rất hay đau ốm), phần nào giữ lại để đãi bạn bè: họp mặt có chút "vật chất" mỗi khi có cuốn sách mới để còn bàn luận chuyện văn chương.

Ngoài những khoản tiền thường lệ, lần này hắn nghĩ nhiều đến con gái hắn. Cô gái năm nay mười tám tuổi. Cô học ngoại ngữ ở một trường đại học.

Như các bạn ở lứa tuổi của cô, chiến tranh khiến cô chưa bao giờ biết đến mỹ phẩm, đến thời trang. Ngay cả đến phương tiện di chuyển của cô cũng không ra hồn: cô tới trường xa nhà trên mười cây số bằng chiếc xe đạp Trung Quốc đã cũ, hiệu Phượng Hoàng, nặng như cái cùm và suốt ngày tuột xích.

Cách đó mấy năm, nhân một chuyến vào Nam, hắn mua được cho cô một chiếc xe Cady cũ. Mấy ngày ở trong đó, hắn dùng thử, cái cái xe chạy thật ngon lành. Hắn vừa lòng và tự hào lắm. Nhưng ra đến Bắc, xe bỗng giở chứng. Cứ chạy vài cây số là nó đứng ì: khi thì tắc xăng, khi mất lửa, khi thì bẩn bugi. Nó tàng quá rồi. Trên quãng đường mười cây số đến trường, cô gái chỉ đi xe được dăm cây, dăm cây còn lại phải dắt bộ. Cô luôn luôn đến lớp muộn. Hắn đành bán xe và con gái hắn trở lại với chiếc Phượng Hoàng suốt ngày tuột xích.

*

Những ngày Hà nội bị B52 đánh phá, con gái hắn mới mười tuổi. Sau cô là một em trai bẩy tuổi và một em trai nữa mới chập chững biết đi.

Vòng vây như đang xiết lại, mục tiêu ngày một gần nhà: Khâm thiên chết cả ngàn người, rồi bệnh viện Bạch Mai, chỉ cách nhà vài trăm thước. Đêm khuya, khi thành phố báo động, mẹ gọi, cô vùng ngay dậy, lấy chiếc mũ rơm lúc nào cũng đặt sẵn bên chỗ ngủ. Chúng ném bom bi vào giữa những phố xá đông đúc để giết được nhiều người. Một quả bom lớn vỡ thành hàng trăm quả bom nhỏ, một quả bom nhỏ nổ ra hàng nghìn viên bi thép, phải có mũ rơm đội đầu cho em. Đầu là chỗ quan trọng nhất cần che chắn, các chỗ khác đành phó mặc may rủi.

Rồi mẹ dắt một em, cô dắt một em, gia đình chia thành hai nhóm ra trú ở những hầm xa nhau. Nhiều khi máy bay đến gấp, cô bế em chạy cho mau, vẹo lệch một bên sườn.

Mẹ bảo chẳng khi nào bom trúng cả hai hầm. Nếu mẹ và một em có chết, cô và một em vẫn sống sót, chờ ngày bố về. Không bao giờ mẹ để cô và các em cùng trú một hầm. Mẹ bảo làm thế là tuyệt vọng, không thương bố, lỡ có thế nào, khi bố về, gia đình chẳng còn ai. Giữ gìn để không chết bom cũng đã là làm xong nhiệm vụ.

Bảo vệ toàn vẹn một gia đình nheo nhếch trong cái thời kì tơi bời bom đạn ấy là một việc vượt khỏi sức người. Công lao của vợ và con gái hắn, hắn không bao giờ quên.

Nghĩ đến sự cố gắng và những thiệt thòi mà con gái phải chịu suốt thời thơ ấu, hắn quyết dịnh lần này dành cho cô một phần tiền nhuận bút.

Hắn nghĩ: làm thế nào để con gái hắn vui vẻ nhận món tiền hắn cho. Yêu thương bố mẹ và các em, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, thuận lợi, mọi vui buồn của gia đình, hắn chắc cô gái sẽ từ chối. Nếu có nhận thì cũng chỉ là để hắn vui lòng và khi vắng mặt hắn, cô sẽ lại đưa cho mẹ.

Cuối cùng hắn đã nghĩ ra: tạm lỗi hẹn với bạn bè, lui bữa chiêu đãi đến cuốn sách sau, dành cho cô một phần tư số tiền hắn lĩnh được. Và hắn mua thêm cho cô một vé số.

Ngày đầu năm, hắn đưa tấm vé cho con gái:

- Mừng tuổi con. Chúc con may mắn. Không hiểu sao bố cứ tin chắc chắn là thể nào con cũng trúng. Con cầm lấy may, qua ngày mùng hai đưa lại cho bố đi xem kết quả.

*

Chuyện vu vơ, ấy thế mà cũng đã làm hắn hồi hộp! Biết đâu trúng thật thì sao?

Ngày mùng ba, từ sớm, hắn đã ra sở Tài chính, chờ xem niêm yết kết quả sổ số đầu xuân.

Người tụ họp đông nghịt. Ngày thường, giống các mậu dịch viên và nhân viên gác cửa các cơ quan, chị thường trực khinh khỉnh, tự coi mình là đại diện cho Nhà nước, cho Quyền lực. Nhưng ngày đầu xuân, chị rất vui và cởi mở. Chị cười với đám đông:

- Đồng chí, đồng bào ơi! Đông quá là đông! Nhưng từng này người trúng thì Nhà nước chỉ có mà lỗ!

Nhưng trong mọi việc, Nhà nước có thua lỗ bao giờ! Người ta hăm hở, tìm kiếm, đối chiếu. Niềm hăm hở ban đầu nguội dần. Mãi mới thấy một tiếng đàn ông kêu lên:

- Ới giời ơi! Chỉ sai với số độc đắc một số! Suýt nữa thì tôi trúng to!

Mọi người cười ầm. Ai đó nói:

-Đánh bạc với Nhà nước thì chỉ có được hoặc thua, không có "suýt nữa" thì được, "bố nào" đấy ơi!

Rồi mọi người dần dần tản đi. Hắn cũng xé cái vé số cầm trong tay và ra về. Nhưng trong đầu, hắn đã có một ý định. Từ xa ngoài cửa hắn đã xăm xăm đi vào và mừng rỡ̀ gọi to:.

- Con gái của bố ơi! Con trúng rồi! Trúng rồi!

Cô gái chạy ra. Cô sốt ruột từ lúc hắn đi.

- Thật hả bố?

- Người ta trả toàn tiền mới, còn sột soạt, vừa rút ở Ngân hàng.

- Đâu? Con xem nào. Được bao nhiêu hả bố?

- Năm mươi đồng! Tuyệt vời: toàn tiền mới!

Cô gái hớn hở cầm món tiền. Mắt cô sáng bừng. Cô đếm đi đếm lại rồi quyết định:

- Con biếu bố mười đồng. Biếu mẹ mười đồng. Mừng tuổi mỗi em năm đồng.

Hắn vội gạt đi:

- Thế thì hết, còn gì cho con!

- Con vẫn còn hai mươi đồng cơ mà! Con có tiêu gì mấy đâu. Bố giữ để ăn phở dần. Thỉnh thoảng bố mời chú Viết Linh. Chú ấy vẫn hay mời bố.

Mọi người nói nói, cười cười. Chẳng mấy khi nhà hắn vui như thế.

 ***

*Gánh xiếc lớp tôi: Truyện thiếu nhi của Viết Linh
 


Trở Về   ]