Chim Việt Cành Nam            Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Cơn gió chạy vòng
Hoài Ziang Duy

Những ngày cuối năm chỉ còn nỗi nhớ. Không dám nghĩ năm tháng qua đi ta vẫn ngồi đây. Có bao điều đáng nhớ, để quên. Mấy mươi năm qua, hình ảnh chiếc quần đen nằm vắt ngang trên chiếc xe Honda ở bìa rừng An Lộc vẫn là nỗi ám ảnh. Một cặp tình nhân di tản, hay chỉ một người phụ nữ vượt thoát bị hãm hiếp? Trốn chạy? Hay cái gì ở đằng sau đó. Không thi thể bắt gặp. Nó nằm trơ vơ lạnh lùng. Một màu đen bi thảm. Bịt kín lấy đôi mắt. Bịt kín lịch sử. Bịt kín lấy tâm tình khi tôi muốn nghĩ về em. Em trần truồng bỏ thân ở lại? Hay chỉ một cái cớ thoát đi. Nhưng trên bản đồ tiến quân nầy, em vẫn có một tọa độ như ngươì lính khác. Sa Cam. Tôi đã gìn giữ biết bao năm. Không phải cho riêng em mà cho đồng đội, cho những người thân, hy vọng một ngày hòa bình. Nhưng rồi một lời buông súng. Tháng tư tan tành.

Giọt nước mắt đầu tiên tôi khóc. Khóc cho nỗi đau chưa thua nhưng phải nhận. Người ta bỏ chạy sau nầy như lần đó em bỏ chạy. Kể từ hôm đó. Bản đồ cất giữ được đốt bỏ. Những cái chết vô danh từ nay thật đúng nghĩa. Hào hùng cộng với oan khiên cuả những người nằm xuống. Những hy sinh, rốt lại, được gì cho đất nước nầy. Đôi khi bất chợt tôi vẫn nhớ về em. Con đường mòn. Hướng chạy, phải từ tòa hành chánh An Lộc. Em đã ra đi sao còn bỏ lại? Cho nên thật vô duyên khi tôi nói với nàng.

_ Em đừng mặc quần nữa.

Nàng tròn xoe đôi mắt. Bàn tay viết ngừng lại.

_ Anh nói cái gì vậy?

_ À không, xin lỗi. Em đừng mặc quần satin khi ra đường. Đã lâu không gặp, tôi cảm thấy lạ.

Nàng cười hồn nhiên tha thứ.

_ Cứ tưởng anh bảo em sexy khi đến đây chứ.

Tôi lặng người. YÙ tưởng vẩn vơ không kềm hãm được để nói một câu không lịch sự tí nào. Xin lỗi.

Nàng nín thinh. Cứ tưởng câu pha trò cho qua. Một lát, nàng ngẩng lên nói.

_ Anh coi. Em viết thế nầy được không?

_ Em rành tiếng Việt sao phải cần tôi giúp?

_ Không đâu. Em mới sang vài năm chữ nghĩa còn nhớ chứ. Em muốn anh giúp ý kiến. Em viết thật như vậy, có đau lòng lắm không?

Tôi muốn nói. Người đau nào phải là tôi. Mỗi ngày ở chỗ nhận chuyển tiền. Tôi đã đọc sơ qua biết bao nhiêu điều hỉ nộ ái ố, bi thảm, éo le. Nhiều cô gái lớn lên bỏ quên tiếng Việt nên viết những câu không xuôi dòng, ý tưởng ngô nghê. Đôi khi họ nhờ tôi viết giùm qua điện thoại. Đôi khi họ viết trực tiếp trước mặt tôi, những hàng chử sai ý, đứt đoạn. Nhưng lúc nào tình thương cũng dàn trải mêng mông. Còn có một tấm lòng. Còn có ngôn ngữ để gọi thưa ba má, nội ngoại.

Nàng đến đây nhiều lần. Trước lạ, sau quen. Quen ở tình thân. Quen ở tâm tình kể lể. Quen ở lịch sự mời chào. Tôi nói với nàng.

_ Cùng một địa chỉ lần trước phải không?

_ Dạ vậy. Lần nầy thì cuối năm, phải gởi nhiều hơn để ảnh còn lập thân cưới vợ.

_ Bộ giận hờn sao mà nghĩ vậy? Viết chi mà đau lòng. Anh trai à?

_ Chồng em đó. Anh không biết mặt đâu. Em gởi trả số vàng ngày trước ảnh đi cưới em. Một ít thôi, nhưng lúc đó so với ảnh thì nặng nề.

_ Em tính bước thêm một lần nữa? Đừng trách tôi tò mò nghe. Mọi việc phải từ từ, không khéo lại hỏng cả.

_ Nè anh coi kỹ đi. Nàng lập lại. Viết vậy có đau lòng lắm không? Có tàn nhẫn không? Nếu tâm trạng anh, anh thấy thế nào?

Dĩ nhiên tôi không thấy thế nào cả. Chỉ thấy tâm trạng ở nàng. Một người con gái đang ngồi đối diện. Còn tôi, mấy tháng nay không cầm bút. Một ngày làm hai job, cả ngày tất bật, đầu óc và thời gian không còn đủ tỉnh táo để dựng lên được câu chuyện nào. Tôi muốn viết những điều không viết được. Viết về nỗi trống không. Cái khoảng trống không ai nhìn thấy. Không có hồi đầu. Không có đoạn cuối. Những đoạn rời lở dở như một kiếp người.

_ Anh đọc sao mà thẩn thờ vậy?

Tôi mà thẩn thờ ư ? Nàng là nhân vật trong câu chuyện tôi đang viết. Không cần hư cấu, không cần những đêm nghĩ suy vụn vặt.

Nàng nói.

_ Em thích nói thẳng nói thật. Thà vậy anh à. Qua đây hoàn cảnh khác, ngoài dự liệu của mình. Em không muốn ảnh nuôi hy vọng, trong lúc hàng đêm em lại ngủ với một người đàn ông khác.

_ Em cần viết thêm không, tôi nối giấy cho Fax dài ra.

_ Đủ thôi. Dài ngắn cũng chỉ muốn ảnh quên em đi. Mọi việc khó mà hy vọng. Anh coi, trước đây một hai tháng em gởi cho ảnh đôi chút để tiêu xài. Nhưng kéo dài tình trạng thế nầy em thấy xấu hổ, khi biết mình lường gạt ảnh, và lường gạt chính mình. Ở đây, em không có người thân, không có chỗ nào bám víu ngoài anh ấy. Anh ấy là người em muốn nói anh chàng bên nầy, chứ không phải người cũ. Em không muốn phản bội. Cả hai đều tốt với em. Chỉ có em là không xứng đáng. Thà mọi việc cho xong, lòng em thấy yên ổn hơn. Em còn có tương lai trước mặt.

_ Lần đầu tôi mới thấy. Kể ra em là một cô gái can đảm.

_ Em nghĩ không phải đâu. Những người cùng hoàn cảnh như em có nhiều, nhưng họ ngại nói ra. Có thêm một người như anh biết, âu cũng là chứng nhân cho tấm lòng em. Ngày trước, khi qua đây em nghĩ sẽ bảo lãnh cho anh ấy qua. Nhưng qua rồi, phải tìm cách sống, huống chi giấy tờ bây giờ đã lộn xộn cả.

Khởi đầu, nếu không có những lời dài dòng như vậy, chắc tôi đã không chú ý đến nàng. Nhớ lần đầu tiên đọc tên cô gái họ Thạch. Nàng hỏi.

_ Anh đoán em là người gì.

Nàng trắng đẹp, son phấn khéo, trông như một cô gái lai. Tôi nói.

_ Người Tàu hả?

_ Không phải. Anh nói thêm một lần nữa coi.

_ Họ người Miên?

_ Đúng rồi. Nàng cười.

_ Người Miên sao trắng vậy?

Nàng lại cười. Hình như không muốn khai báo lý lịch, gia phả ở buổi đầu, coi như dừng lại ở đó. Lần nào tìm đến nàng cũng tìm cách làm thân. Nàng tên Thúy. Tên đẹp. Tôi nghĩ Thúy nào cũng lận đận tình duyên cả. Nàng nói.

_ Không hiểu sao em có dự cảm có mối liên hệ với anh.

_ Tôi thấy người nào tên Thúy cũng cao số.

_ Anh biết coi bói à? Anh coi em ngày mai thế nào?

Ngày mai ở Thúy hay ở tôi? Cuộc đời có bao điều đổi thay đâu ai ngờ được. Không ai nghĩ đến ngày buông súng tan hàng. Không ai nghĩ đến ngày lưu lạc ở xứ người. Những cánh thư tiếp nối quê nhà, vẫn là nỗi nhọc nhằn khổ sở. Đất nước bây giờ khá hơn, nhưng khá hơn cho riêng một thành phần. Còn người thân vẫn là nỗi thiếu thốn. Biết bao giờ mới dứt. Biết bao giờ mới hết căn bệnh chờ mong đồng tiền gởi về cứu trợ. Ở đây chốn nầy, đời sống đâu là cơn hưởng thụ. Quanh đi quẩn lại rồi hết một ngày qua đi. Không viết nổi một cánh thư, mặc cho nhiều lần trách móc. Không ai tin không có thì giờ cho tình thân.

Tin làm sao được, khi cầm bút lên là không biết viết gì. Cầm điện thoại lên cũng là câu khõe không. Không viết được bởi lòng không muốn kể lể. Tin làm sao được, khi không viết nổi cho gia đình, cho bạn hữu mà vẫn viết lách đều đều truyện đăng báo. Hư cấu từ những thực thể của đời sống, của kỷ niệm, của người chung quanh để hình thành. Tin hay không tin, oái oăm thay ở một cái nhìn. Phải chăng chúng ta đang chạy trốn những hệ lụy bản thân mình. Một đời riêng. Một cõi riêng. Cho ai? Tại sao phải viết? Ngôn ngữ còn. Chữ nghĩa còn. Tình thân ơi. Thôi chỉ có một tấm lòng. Có bao điều muốn nói. Có bao điều để khựng lại ở tương lai trước mặt. Không dưng có nỗi chia cắt từ hai bến bờ. Không dưng có nỗi quặn đau từ núm ruột.

Hôm qua con từ trường trở về. Ba ơi bạn con nó ngu dễ sợ. Tại sao trước một ngày lên máy bay về Việt Nam ăn Tết nó lại bỏ trốn. Mẹ nó phải hoãn chuyến bay để đi tìm .

Ba làm gì vậy? Ba đang viết nữa à? Lúc rảnh ba ngồi viết. Đêm ba cũng ngồi viết. Con thấy viết lách không có tiền, mà còn hao sức khõe ba nữa.

Biết vậy. Cười thôi. Tại ba thích. Biết nói sao hơn. Mười năm. Hai mươi năm sau, có gì buồn hơn khi con mình không đọc được những gì của mình, không thưởng thức nổi câu văn trong tác phẩm. Thêm một thế giới tách rời. Chỉ còn lời nói tâm tình khuyên nhủ. Đời sống gia đình chỉ ngần có ấy. Một ngày hay một đời chôn thân nơi xứ người. Ngày trở về yên phận có nghĩ tới, nhưng định phận còn xa vời. Đâu ai biết được ngày sau thế nào.

Câu chuyện về Thúy, nhân vật trong tác phẩm và nhân vật ở đời thường là một. Nàng nói

_ Hai năm nay anh ấy bị mất ngủ triền miên, nghỉ bệnh hoài hơn ba tháng nay, gần bị mất việc.

_ Em không đưa đi bác sĩ à?

_ Có chứ. Nhưng có tìm ra bệnh đâu. Cứ thử máu hoài, bây giờ không ngồi lên nổi nữa.

Thúy thở dài, giọng buồn. Em mang ơn anh ấy ở buổi đầu đến đây. Cái gì ảnh cũng giúp. Lúc đầu chĩ nghĩ chuyện tạm bợ. Nhưng anh biết, chung đụng mỗi ngày rồi cái gì đã xảy ra. Bây giờ ảnh đã vậy, em cũng không đành dứt áo ra đi.

Khi ở quê nhà, em là một đứa con lai. Giá trị con người em được phục hồi khi người ta bỏ tiền ra để mặc cả. Tự nhiên em có thêm gia đình gọi bằng ba me,ï anh chị. Phải tập nói dối, chính họ đã nuôi dưỡng em từ tấm bé. Chấp nhận vậy để có đồng tiền trang trải, được ra đi, được làm đẹp theo ý mình. Không phải em trả thù đời. Con gái mà. Em cũng cần có nhu cầu cho bản thân mình.

Năm xưa nơi quê nhà, thời tuổi nhỏ em bị ruồng bỏ, xã hội xóm giềng khinh khi. Ở đó em chỉ là một đứa con gái lạc loài. Nều không có chút nhan sắc, chắc gì em có một tấm chồng. Nhưng rồi đâu cũng vào đó. Khổ thôi. Gia đình em với anh ấy, một đứa con. Em không phải là người nô lệ bị săn lùng. Người ta tìm em, chìu chuộng vỗ về, hứa hẹn tương lai. Nghèo quá, gia đình tụi em chấp nhận thôi. Đó là thời kỳ em đổi lớp. Em đua đòi để được thỏa mãn. Có lẽ em ích kỷ hơn là hy sinh. Một đứa con lai tập tành học tiếng Mỹ, nói cả miệng, cả tay.

Ngày ra đi, em không được gặp chồng con. Anh ấy bị tách rời từ trước, kể cả con em nữa. Trước đó khi chia tay, anh ấy khóc. Cả mẹ con em cũng khóc. Trong đầu, em chỉ nghĩ giản dị một điều. Nhịn nhục cho qua đi rồi em sẽ trở về. Nhưng vai trò em đóng không trọn vẹn anh à. Đến trại chuyển tiếp, phỏng vấn gặn hỏi, đặt nghi vấn. Nhớ tới con, em khóc như chưa từng được khóc, bởi thời gian chờ đợi, hỏi tới hỏi lui hoài. Em thấy khổ sở quá. Tấm lòng người mẹ ở em như bị đánh thức. Cuối cùng em thú nhận sự thật. Anh biết không họ phẫn nộ xé bỏ hồ sơ gần mười người đi theo. Trong một phút lạc lòng, em đã hại họ. Cả gia đình nhìn em chết sững thù hận. Em bị tách rời ra, đưa đi trước. Số phận những người còn lại về sau em không dám tìm hiểu.

Ở quê nhà em mang mặc cảm với xã hội. Ở đây em cũng không thực là công dân Mỹ quốc. Các anh chạy trốn chế độ. Bản thân em chạy trốn tủi nhục, nghèo khó. Tưởng là vậy. Nhưng rồi ở đây em cũng lạc loài. Ở đâu cũng chỉ là con người. Có khác gì nhau. Người cha em không biết mặt cũng không bao giờ tìm em. Cái vòng lẩn quẩn phải chăng bởi cái nghiệp.

Nàng nhìn tôi. Khuôn mặt gái lai phương Tây, nhưng tấm lòng của người phương Đông còn đó. Xứ sở nầy biết bao chuyện để nói. Từ những thương tâm, cả đến lọc lừa để đến đây.

_ Anh có biết vì sao em nói có linh cảm gần giũi với anh?

_ Ai biết được.

_ Hỏi thăm ra mới biết, anh T anh chồng em, là người mà anh đã cứu trong trại đó.

_ Vậy sao. Nhiều người, nhiều lần quá, tôi không nhớ.

_ Anh ấy nói, chính anh cứu anh ấy trong đêm giao thừa mà.

Đêm ba mươi. Cửa phòng giam được mở khóa. Một mình tôi được gọi ra. Trời thanh thản. Lòng tôi thanh thản ở đêm giao mùa cuối năm. Những phút giây ngắn ngủi tự do trong khoảnh khắc nầy. Sắp qua một năm mới.

Cửa phòng giam khác mở ra. Tôi lọt vào trong. Cánh cửa ngoài khóa lại. Lời nhắn nhủ. Làm xong phận sự cấp cứu, anh gọi chúng tôi. Gả áo vàng cầm súng sau lưng nói.

Căn phòng tối om không có ánh đèn. Đây là phòng giam anh em có án, thành phần giáo phái từ Chí Hòa đưa lên hơn tuần, chưa cho ai tiếp xúc. Mọi người đang bu quanh nhốn nháo. Sao vậy? Có lẽ tự vận. Sao biết? Anh ấy trăn trối với người nằm kế bên, gởi gắm vợ con, muốn ra đi trong giờ phút thiêng liêng nầy. Sao tối quá thế nầy? Chúng tôi bị biệt giam, không mền, không dép, không đèn đuốc gì cả.

Trong bóng đêm không nhìn rỏ mặt nhau. Những bọc nylon gói quần áo được gom lại, đốt lên, nhựa nylon chảy ra dưới sàn xi măng. Ngồi gần bên, một anh đang cầu nguyện. Một anh giới thiệu. Anh ấy trước là linh mục ở ca đoàn Trùng Dương.

Đâu? Anh chàng nầy. Tôi leo lên giường ở tầng trên. Một người đàn ông đứng tuổi nằm thiêm thiếp.

Mười lăm phút. Hai chục phút trôi qua. Gần một trăm cái đầu nín lặng hồi họp. Tỉnh rồi. Tỉnh rồi. Tiếng reo mừng gào lên. Gần chục cánh tay ôm chầm lấy tôi, thân thể tôi như được tung lên. Những giọt nước mắt long lanh mừng rỡ. Còn tôi mồ hôi đang chảy ròng ròng. Cha tôi vừa mới mất, ca cấp cứu bị chối từ vì lý do lý lịch.

Tôi trở về phòng. Anh em đang chờ đón. Thức cho qua đêm giao thừa với lá cây rừng nướng thay trà. Hương vị mặn nồng của những người cùng chung số phận. Đêm giao thừa cuối trong đời, trước ngày trở về. Biết bao điều đổi thay. Sự ra đi có chọn lựa. Nhưng đời sống ở đây không có một chọn lựa nào khác, ngoài thích ứng với thực tế tuổi đời.

_ Hôm nay gặp anh, em nói nhiều.

_ Nói thật, đôi khi mình thấy dễ chịu hơn.

_ Em nghĩ vậy. Đời em cần bắt đầu làm lại. Em phải sống cho những gì em đã trả giá.

Giọng nàng cứng cỏi. Một cô gái đẹp, nhưng thật bản lãnh. Tôi nghĩ.

_ Chiều nay anh chuyển Fax nầy đi phải không ?

_ Tối bên đây là sáng bên ấy. Hỏi thật nghe, có gì cần thay đổi ở phút cuối không?

Nàng quả quyết.

_ Hồi trước anh cứu anh của anh ấy. Bây giờ cũng là anh, viết sao cho đủ câu giã từ. Phần em, em cần có tương lai cho mình.

_ Bên người chồng nầy? Tôi hỏi lại.

_ Chưa chắc.

Nàng đứng lên nói tiếng cám ơn rồi quay ra cửa. Tôi muốn gọi nàng một tiếng. Nhưng thôi. Vẫn là câu trong bài hát. Thúy đã đi rồi.

Viết cái gì? Không viết được cái gì? Thôi thì viết những điều không biết viết làm sao, những gì chưa thành hình rõ rệt. Nó là khoảng cách giữa nghĩ suy và hình tượng. Biết đâu người chồng cũ cũa Thúy vẫn sống với niềm tin chờ đợi. Biết đâu cô gái bỏ lại chiếc quần đen ở rừng Sa Cam năm xưa, bây giờ đang sống đâu đó trên đất nước nầy. Moiï việc rồi sẽ qua đi. Đã sang sông, nặng chi tiếng sóng ở trong lòng.

Hoài Ziang Duy


  Trở Về   ]