Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Nhớ Cổ Mai Trang

Lê Hoài Nam

Thành phố Nam Định có một địa chỉ mà hầu như tất cả những ai có một chút hiểu biết về lịch sử và văn chương đều biết, đó là ngôi nhà số 7 (cũ), phố Bến Ngự, còn có tên là Cổ Mai Trang. Đây là ngôi nhà của gia tộc  cụ Tam nguyên Trần Bích San.

Phố Bến Ngự bây giờ vẫn còn đó, nhưng đi ngoài đường nhìn vào khó còn nhận diện ra nơi đây đã từng là một địa chỉ rất đáng chiêm ngưỡng. Muốn biết nó là gì thì phải đi vào một cái ngõ nhỏ, khoảng hai chục bước sẽ thấy một ngôi nhà cổ, khung bằng gỗ lim, mái lợp ngói đã xanh rêu, tường tróc vữa nham nhở. Nó được coi là một trong những ngôi nhà cổ nhất của thành phố Nam Định. Nó vừa giữ vai trò là ngôi từ đường của một chi tộc, vừa là nơi ở của gia đình ông Trần Mậu Bách, hậu duệ đời thứ tư của cụ Tam nguyên. Trong từ đường mọi thứ đều sơ sài, chỉ khi ta để mắt đến tấm biển với những dòng chữ gọn gàng, khiêm cung, mới biết ngôi nhà này còn có một vai thứ ba: Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Những dòng ghi trên tấm biển đó như sau:

"Ngôi nhà số 7 - Bến Ngự - thành phố Nam Định do cụ Trần Đình Lâm xây dựng năm Kỷ Dậu 1849, nơi đây đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng lâu dài của dân tộc.

Thế hệ thứ nhất: Con trai cả của cụ Trần Đình Lâm là cụ Trần Doãn Đạt, thi đỗ phó bảng, làm quan án sát xứ Tuyên Hóa.

Thế hệ thứ hai: Con trai cả của cụ Trần Doãn Đạt là cụ Trần Bích San, đỗ đầu liên tiếp các khoa thi Hương - thi Hội - thi Đình, được mệnh danh là Tam nguyên Vỵ Xuyên, một danh nhân văn hóa, một sĩ phu yêu nước của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX.

Con trai thứ của cụ Trần Doãn Đạt là cụ Trần Bạch Lân, làm tri phủ Nho Quan, tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp, bị chúng bắt đầy đi Côn Đảo và bị tịch thu tài sản.

Thế hệ thứ ba: Con trai của cụ Tam nguyên Trần Bích San là ông Trần Song Ứng cùng với vợ là bà Nguyễn Phượng Trìu đã đón ông Nguyễn Thượng Hiền và ông Tăng Bạt Hổ về ngôi nhà số 7 này để chuẩn bị cho phong trào Đông Du. Chẳng may ông Ứng lâm bệnh mất, bà Nguyễn Phượng Trìu đã tiếp nối ý chí của chồng bảo vệ, nuôi dưỡng các nhà hoạt động cách mạng. Năm 1910 và 1913, hai lần ông Lương Ngọc Quyến từ Trung Quốc về nước hoạt động đều ở nhà bà.
Từ năm 1923 trở đi, các chiến sĩ cách mạng nổi tiếng như Đinh Chương Dương, Lê Hồng Sơn, Lê Văn Điếm...và sau đó những thanh niên, học sinh Nam Định, Thái Bình, con em nội ngoại các gia đình văn thân yêu nước học tại trường Thành Chung - Nam Định như Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Năng, Đặng Châu Tuệ (Thái Bình), Đặng Xuân Khu (Cố chủ tịch Trường Chinh) thường hội tụ ở ngôi nhà này để nhận sách báo, trao đổi thời sự, đường lối cứu nước cứu dân, vận động tổ chức, hướng dẫn thanh niên yêu nước sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì.

Tại ngôi nhà số 7 - Bến Ngự này, tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên của tỉnh Nam Định được thành lập.

Sau đó trong suốt thời kỳ Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và hoạt động cách mạng từ năm 1930 - 1945, trải qua nhiều lần thực dân Pháp và tay sai điên cuồng khủng bố cách mạng, ngôi nhà số 7 - Bến Ngự và chủ nhân của nó, bà Nguyễn Phượng Trìu đã thể hiện rõ lòng chung thủy với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, tham gia ủng hộ, bảo vệ cán bộ cách mạng.

Năm 1967, bà Nguyễn Phượng Trìu được Chính phủ tặng "Bằng có công với nước" và "Kỷ niệm chương tổ quốc ghi công".

Ngày 25 tháng 5 năm 1991, Bộ Văn hóa nước cộng hòa XHCN Việt Nam ra quyết định xếp hạng ngôi nhà số 7 - Bến Ngự - Nam Định là di tích văn hóa cấp quốc gia".

Với phạm vi một tấm biển công nhận di tích, người ta chỉ có thể ghi được như thế, nhưng chúng ta cũng cần phải biết những điều không ghi, cho dù cũng đã có nhiều sách báo đề cập đến. Đó là tại ngôi nhà số 7 - Bến Ngự đã sinh ra và ban tặng cho văn chương Việt Nam những áng thơ văn bất tử. 

Khi "cậu ấm" Trần Bích San thi liên trúng Tam nguyên lúc mới 26 tuổi, trở về ngôi nhà số 7 này, người hàng phố đến chúc mừng rất đông. Nếu  như bao người cha khác, hẳn rằng cụ Trần Doãn Đạt sẽ tỏ ra mãn nguyện, thậm chí còn khoe thêm những điều hay ho về con trai. Nhưng đằng này thì ngược lại: người ta càng khen nhiều, chúc tụng lắm, cụ càng buồn. Khi khách khứa ra về hết, cụ ôm mặt khóc, rồi nói: "Tổ tiên tôi tu nhân tích đức có được là bao, thế mà bây giờ con tôi lạm hết, hỏi dòng dõi sẽ còn gì?". Nói xong, cụ rút bút viết bài thơ "Gửi con", trong đó có hai câu xuất thần:

Hữu thức phi nan, nan thức đáo
Vô danh bất hoạn, hoạn danh phù.
Xin dịch:
Để hiểu biết không khó, khó là phải biết đến nơi.
Không lo không có danh, chỉ lo danh hão.
Con đỗ Tam nguyên mà cha vẫn còn lo, phải "dạy" con một "bài" như thế, thì quả là một người cha vĩ đại!
Nói đến Trần Bích San, người ta không khó khăn lắm khi hình dung ra cụ là một một trung thần đích thực, nổi tiếng với đạo trung quân ái quốc, dưới thời vua Tự Đức. Cũng nhiều người khi nhắc đến cụ, thay vì bình luận, lại đọc cặp câu đối, do một độc giả khuyết danh viếng khi cụ từ trần, sau được khắc vào gỗ quý, hiện vẫn còn treo nơi từ đường số 7 - Bến Ngự :
Nhất cử thành danh, thiên hạ hữu
Tam nguyên liên trúng, quốc triều vô.
Xin dịch:
Vừa thi đã đỗ, thiên hạ thường thấy.
Chiếm liền Tam nguyên, triều ta chưa có ai.
 Trần Bích San không chỉ được nhân dân tin yêu, kính trọng mà nhà vua cũng rất trọng thị. Mặc dù đã hai lần Trần Bích San bị vua Tự Đức ra chiếu giáng chức, nhưng trong thẳm sâu tâm can ông vua hay chữ này vẫn giành cho Trần Bích San một tình cảm đặc biệt, như người bạn tri âm. Trần Bích San còn có tên hiệu là Mai Nham, tên tự Vọng Nghi, nhưng khi ông liên trúng Tam nguyên, vua Tự Đức đổi tên mới cho ông là Hy Tăng, với ngầm ý mong ông được như tể tướng Vương Tăng, đời Tống, bên Trung Quốc.

Khi Trần Bích San được bổ nhiệm Tuần phủ Hà Nội, ngày cụ rời kinh đô Huế, Tự Đức có thơ tiễn, như tiễn bạn. Khi Trần Bích San mất ( ở tuổi 37), Tự Đức viết bài dụ viếng, có đoạn:

"...Người xưa nói rằng:
Người mà sắc sảo quá đa .
Ắt là mệnh bạc, ắt là yểu vong.
Thực là không sai. Trẫm tuyển lựa kẻ sĩ không ít, nhưng như Hy Tăng không phụ khoa danh thì chẳng được mấy người. Ngờ đâu "tìm khó, mất dễ" khiến ta xiết nỗi xót thương!...".

Tuổi còn trẻ, nhưng Trần Bích San đã trải qua nhiều trọng trách như: Hành tẩu sổ Bí thư tòa nội các, Tri phủ Thăng Bình, Tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam), Án sát tỉnh Bình Định, Phó chủ khảo trường thi Hương - Thừa Thiên, Thắng biện lý sự vụ bộ Hộ, Quyền biện lý sự vụ bộ Lễ, Tham biện tòa nội các, Thị lang bộ Lại, được giao đi xứ Trung Quốc, Tuần phủ Quảng Bình - Quảng Trị, Tuần phủ Hà Nội, Tham tri bộ Lễ...Khi được giao chánh xứ chuẩn bị sang Pháp đàm phán công việc quốc gia thì Trần Bích San mất.

 Nghiệp làm quan của Trần Bích San "dày đặc" những chức với tước  như thế, nhưng cụ vẫn không buông ngòi bút sáng tác. Cụ để lại cho hậu thế một di sản văn chương, với 166 bài thơ chữ Hán, 22 bài văn xuôi. Trong văn xuôi, đáng chú ý nhất là bài "Văn sách thi Đình". Cái đoạn cụ luận về Giáo dục thì cho đến nay dường như chưa cũ: "Triều đình mở khoa thi kén người, cố nhiên đã có phép tắc sẵn, nhưng chỉ chuyên xét về mặt văn từ mà chưa để ý đến thực hành. Cho nên có kẻ sĩ bản thân đọc sách thánh hiền mà buông tuồng tửu sắc, trộm đạo, cờ bạc, thuốc phiện. Họ múa may bút mực chỉ để kiếm chút khoa danh, cầu một chức quan, để mà giở thói tham lam, bỉ ổi, không từ cái gì. Như thế thì hiền gì mà xứng, tài gì mà có thể chọn được...".

Thơ của Trần Bích San sau này in thành sách có tên "Mai Nham thi tập". Tuy không có nhiều bài hay, nhưng bài nào đã hay thì hay thật. Chẳng hạn trong bài "Tam quá Hải Vân" (Ba lần qua Hải Vân) có những câu không dễ mà quên:

Văn phi sơn thủy vô kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài
Xin dịch:
Văn chương không có núi sông thì không có khí lạ
Người chưa dãi dầu sương gió thì chưa thể già dặn.
Một điều nữa ở ngôi nhà số 7 - Bến Ngự mà không phải ai cũng biết: mặt tiền khu thổ rộng gần 20 mét, chiều sâu hơn 50 mét, trước đây trồng rất nhiều hoa. Người nào trong ngôi nhà này cũng yêu hoa. Thế hệ trước truyền sang thế hệ sau.  Mỗi thế hệ lại sưu tầm bổ sung thêm, để rồi đến những năm đầu thế kỷ XX, hầu như tất cả các loài hoa quý, hợp với thời tiết xứ Bắc, đều được góp mặt ở đây. Chẳng hạn như giống hoa Bạch đào, cả thành phố Nam Định chỉ số 7 - Bến Ngự mới có. Nhiều nhất vẫn là hoa mai. Tại đây có đủ 4 họ nhà mai: Hoàng mai (mai vàng), Bạch mai (mai trắng), Hồng mai (mai đỏ), Thanh mai (mai phơn phớt xanh). Lại có cả Song mai (hoa kết mỗi chùm hai bông), mai Tứ quý (nở bốn mùa). Rồi Nhị độ mai, Nhất chi mai, mai Chiếu thủy...có cả. Đặc biệt Cổ Mai Trang còn ươm được cả giống mai có hương thơm như Đàn hương mai...

Có điều, cho đến nay tôi vẫn không hiểu vì sao cụ Tam nguyên lại đặt tên khu thổ là Cổ Mai Trang? Có thể những giác quan đặc biệt mách bảo cho cụ biết thời hậu sinh giầu thì giầu thật, nhưng thói ô trọc sẽ lấn át chất lãng mạn, Cổ Mai Trang rồi sẽ tàn lụi, biến mất, cho nên cụ đặt tên như thế là cụ khiêm tốn tự giới hạn: đây chỉ là khu nhà Vườn Mai Xưa, vườn mai của thời chúng tôi chứ không phải thời hậu sinh các người! Phải chăng là thế?

Không phải ngẫu nhiên mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương có khá nhiều bài thơ viết về hoa mai. Vũ thi nhân là cháu ngoại của tiến sĩ Vũ Công Độ. Tiến sĩ Vũ Công Độ là bạn của gia đình Tam nguyên Trần Bích San. Tuổi thơ Vũ Hoàng Chương thường theo chân ông ngoại đến dạo chơi Cổ Mai Trang, vì thế chăng, mà những vần thơ như Mai tuyết là hai nàng bạc mệnh/ Lấy xuân làm mộ, nắng làm tang/ Nâng niu đưa tới nguồn say đắm/ chỉ một đêm đông gió phũ phàng... Vũ thi nhân lấy chất liệu, nguồn cảm xúc từ đây mà viết?

Bà Trần Thị Liên, hậu duệ đời thứ tư của cụ Trần Bích San, lấy chồng là ông Hoàng Trung Tích, trưởng ty Giáo dục Nam Định thời kỳ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Ông Tích cũng thuộc dòng khoa cử, văn chương. Anh ruột ông là nhà văn Nhượng Tống. Ngoài sáng tác thơ, tiểu thuyết, Nhượng Tống còn nổi tiếng với các bản dịch Trang Tử, Tây sương ký, Ly tao...Anh em con thúc bá với Nhượng Tống và Hoàng Trung Tích là nhà văn Chu Thiên, tác giả tiểu thuyết lịch sử "Bóng nước Hồ Gươm" mà công chúng thế kỷ hai mươi rất nhiều người đọc. Tất cả những nhân vật này đều từng có dịp hội tụ tại Cổ Mai Trang. Đấy là chưa kể ngược về quá khứ có những tên tuổi lớn của văn hiến nước nhà như Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (thầy dậy Trần Bích San), Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (bạn đồng khoa với Trần Bích San), Tiến sĩ Vũ Phạm Khải (bạn vong niên với Trần Bích San)...cũng không dưới một lần qua đây.

Mặc dù trải qua nhiều giông bão, binh lửa chiến tranh (kể cả có lúc thay thầy đổi chủ), Cổ Mai Trang vẫn tồn tại cho đến cuối thập kỷ bảy mươi thế kỷ trước. Những thành viên còn lại của gia tộc cũng như những người hàng phố nói rằng: tới tận năm 1979, Cổ Mai Trang vẫn còn rất nhiều hoa, trong đó có những cây mai đã thành cổ thụ. Nhưng rồi bước sang thời bình, đời sống khá dần lên, thì Cổ Mai Trang cũng tàn lụi dần, một nghịch lý như là chuyện khó tin, rồi đến nay hầu như nó đã sắp biến mất hẳn.

Giải thích về hiện tượng này thì có nhiều căn cớ, trong đó có một căn cớ khá tế nhị, song bây giờ đã đến lúc không thể không nói.

Như ở phần trên, tôi đã trình bày, vợ chồng ông bà Trần Song Ứng - Nguyễn Phượng Trìu là con trai và con dâu cụ Tam nguyên Trần Bích San đã có công duy trì truyền thống văn hóa và truyền thống cách mạng của gia đình, được nhà nước ghi công trạng. Nhưng đến đời con trai của ông bà là ông Trần Đình Sóc, người ta ít nhắc đến, là bởi ứng với cuộc đời ông, xã hội có những biến cố vô cùng phức tạp. Giặc Pháp tràn vào chiếm đóng Nam Định, chúng chiếm luôn ngôi nhà số 7 - Bến Ngự (tức Cổ Mai Trang), dùng làm tòa Công sứ Pháp. Ông Trần Đình Sóc bị đuổi ra khỏi cửa. Ông Sóc sang Thái Bình tham gia hoạt động kháng chiến. Đã có lần ông cùng tổ chức vượt sông Hồng trở về tham gia chiến đấu tại thành phố Nam Định, nhưng ông laị không muốn ai bắn vào Cổ Mai Trang, dù khi ấy nó đã thành nơi đồn trú của kẻ thù. Ông có lý của ông: Cổ Mai Trang, với hàng trăm năm tuổi đã hội tụ khí thiêng, kết bền long mạch văn vật của đất này. Hẳn vì cách hành xử như thế mà sau khi Nam Định được giải phóng (1954), có lời đồn đại rằng ông Sóc là "tay trong" của tòa Công sứ! Thế là Cổ Mai Trang mà ông yêu dấu nhất trần đời trở thành nơi ông hứng chịu nỗi oan khiên không dễ giải thích. Ông quyết định giao Cổ Mai Trang cho người con gái cả là Trần Thị Liên và người con trai út là Trần Mậu Bách, rồi ông lên Hà Nội sinh sống. Những ngày sắp giã biệt cõi đời (1979), ông viết di chúc dặn các con hãy bán Cổ Mai Trang lấy tiền mà chia nhau!

Sau khi ông Trần Đình Sóc mất, đã sẩy ra một cuộc tranh đấu âm thầm nhưng quyết liệt, kéo dài nhiều năm, giữa những người muốn lưu giữ và những người muốn bán Cổ Mai Trang. Kết cục là cuối năm 2005, người ta đã cắt già một nửa bán cho một thầy giáo, chủ lò luyện thi đại học - cao đẳng, làm chỗ coi xe đạp! Nửa non còn lại, gồm ngôi nhà của bà Trần Thị Liên và ngôi nhà của ông Trần Mậu Bách. Ngôi nhà của ông Trần Mậu Bách chính là ngôi nhà cổ làm từ đường đồng thời mang vác trọng trách Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, như tôi đã nói ở phần trên.

Bây giờ, cứ mỗi khi trở về thăm thành phố Nam Định, tôi lại ghé qua số 7 - Bến Ngự, nhìn cảnh chia cắt, hoang toàng, tôi tưởng tượng ra Cổ Mai Trang xưa, tự chiêm ngưỡng, rồi tự hỏi: địa chỉ này không biết bây giờ có còn tụ khí thiêng của văn hiến hay đã suy tàn?

Thời gian rồi sẽ trả lời tôi. 

Hà Nội, tháng 12 năm 2010.
Lê Hoài Nam