Chim Việt Cành Nam       [ Trở Về   ]         [ Trang chủ  ]         

Tạp bút
Rưng rưng cảm xúc một thời học trò.

lêlành

Đầu đã bạc trắng, hắn vẫn lăng xăng như khi còn hai buổi chân sáo tới trường. Hẵn mừng cẫng, khi Trương Bảo Lan nhận ra là anh trai một  bạn gái học cùng lớp thân thiết. Hắn sà vào bàn ban tổ chức, lèo nhèo đòi thẻ và huy hiệu kỉ niệm hội trường, dù trên cổ, trên ngực áo đã tòng teng, móc cài đủ lệ bộ. Chủ tịch hội Alasiens & Alasiennes cựu học sinh nam nữ trường Lycée Albert Sarraut  Đỗ Hữu Điển biết cái tính đuểnh đoảng của hắn, đã nhận hộ, rồi nhắn tới nhà lấy mà chỉn chu cho buổi gặp mặt trang trọng 90 năm lịch sử trường mang tên người đảng viên xã hội cấp tiến Pháp Albert Sarraut, kỉ niệm 40 năm hợp tác hữu nghi Việt-Pháp. Nào ngờ, chị Nguyễn Thi Nguyệt không vừa, dằn mặt luôn  :  Nè, học trò lớp nhì moyen-un ra chỗ khác chơi nhá, để người lớn làm việc há !

Thế là hắn lọt vào khuôn hình ống kính đài truyền hình quốc gia. Phóng viên truyền hình Việt Nam Đỗ Phương Anh, tự du học ba năm cử nhân văn chương đại học Lyon,  nổ luôn một tràng tiếng Tây làu làu thách thức rằng, kênh VTV4 có bản tiếng Pháp, có giỏi  nói thẳng bằng tiếng Tây cho oách . Cuống quit , nhưng hắn lanh trí rằng người ta phải nói tiếng ta chứ. Thế là hắn nói tiếng ta văn vẻ chữ nghĩa, không dám bỗ bã một lời lẽ tếu táo nào. 
Bước vào sảnh uy nghi tòa nhà bề thế mặt tiền trường sở, hắn rưng rưng cảm xúc học trò bồi hồi nhập môn văn hóa Phàp, một  nền  văn hóa  có tiếng là duy lý đến cùng , nhưng lại giàu tính nhân văn hơn hẳn văn hóa Anh, Mỹ, lại có  những nét tương đồng văn hóa Việt, dễ giao thoa lắm . 

Đâu năm nay, nhà văn Nguyên Ngọc tự sự là ngày bé đọc mê say, nhập tâm những trang văn  trong Truyện kể từ cối xay gió -  Lettres de mon Moulin của  Alphonse Daudet , trong  Cuốn sách của bạn tôi - Le livre de mon ami  của Anatole France. Đến nay còn thuộc lòng từng đoạn dài. 

Không chỉ một con người đâu, cả một thế hệ may mắn chúng tôi. Ân huệ sâu xa thế hệ chúng tôi từng được hưởng từ những quyển sách nhỏ ấy, những trang văn ấy, nền văn học và văn hóa ấy. Cái đẹp, vâng, vậy đấy, cái đẹp, chứ không phải cái to tát. Cái đẹp giữ tâm thiện cho con người !

Hắn tự hào được đồng môn vong niên Vũ Bằng truyền nghề. Bí quyết duy nhất đơn giản là miệt mài trau dồi tiếng mẹ đẻ trong những giờ học tiếng Việt ít ỏi ở trường Tây này. Trực quan, Vũ Bằng đọc vanh vách, truyền cảm bài học  thuộc lòng tiểu học " Bà Trưng quê ở Châu Phong. Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên. Chị em nặng một lời nguyền. Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân. " Lần thì ngâm nga, bình giảng sang sảng  : " Trải vách quế gió vàng hiu hắt. Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng  " mở đầu tuyệt tác Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều trong chương trình giảng văn bâc trung học. Từ  học vấn căn cơ ấy, Vũ Bằng  làm văn xuất sắc, được trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. . Rồi bằng cái vỏ bọc viết văn làm báo ấy, ông hoạt động đơn tuyến giữa Saigon hai mươi năm , được thưởng huân chương kháng chiến hạng nhất.

Hắn vẫn  còn ấm ức là không lo cho đồng môn đàn anh bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm anh hùng lao động một lần được gặp, chuyện trò với nhà văn-nhà báo Vũ Bằng một mực ngưỡng mộ từ xưa. Nam Cao từng bốc thơm Vũ Bằng trong truyện ngắn Con mắt là bình Tam quốc sắc sảo, cao siêu bằng  mấy Thánh Thán Mao Tôn Cương ấy chứ : Tiên sư anh Tào Tháo ! 

Trường Sarraut  tọa lạc  ngay trước mặt tiền dinh toàn quyền Đông Dương, nay là phủ chủ tịch nước. Cùng với trường Bưởi bảo hộ kề đó, bên mạn hồ Tây, là minh chứng giáo dục hồi xưa được coi trọng cực kì, học trò được ưu ái hết mức, xứng với đức hiếu học, tính siêng năng  học trò Việt Nam sáng dạ, ham hiểu biết. 

Hằng ngày hắn đáp xe điện leng keng đỗ bến đền Quan Thánh. Bước bộ một đoạn đại lộ đẹp nhất thành phố, xưa mang tên Carnot, nay là đường Phan Đình Phùng. Vào trường, qua cổng bên hông, trên đường Destenay, phố Nguyễn Cảnh Chân bây giờ. Hẵn vẫn thuộc một  bài khóa texte trong sách giáo khoa từ vựng Vocabulaire tiểu học kể về Carnot. Carnot chỉnh tề quân phục, oai nghiêm những mề đay sáng láng trên ngực, chân dận ủng da cồm cộp bước về làng, ghé ngay trường cũ, dõng dạc giơ tay chào,: Thưa thày, trò Carnot ngày xưa đây ạ !. 

Bỗng một liên tưởng nhoáng trong hắn. Hai ông bà người Pháp cao tuổi, phúc hậu, cất công từ Paris sang, nhân dịp này,  nhờ hắn  ghi hình đủ kiểu đứng, ngồi  tới lui trong phòng ốc ngày trước là lớp học để tưởng niệm người cha thân yêu  từng mài đũng quần nơi đây nên người ! Không chừng người Pháp hồi bé  học hành ở ta cũng nhiễm đức tính hiếu hạnh gia đình người Việt mà dạy bảo con cái thành người tử tế, hiếu thảo cũng nên,

Đang dẫn diệu theo hành lang trước, sau từ lớp này sang phòng bên, chợt động đến kí ức, Trần Hiệp Hải nhắc tới một bạn cùng học thân thiết Phan Lạc Nhuận hiền lành,  học giỏi nhất ,nhì lớp.  Thực thà lí lịch học trường Tây từ lớp đồng ấu, Phan Lạc Nhuận  bị địa phương xét nét, phải lên nông trường Tây Bắc dạy văn hóa, không được học đại học như hắn, chứ đừng nói sang Ba Lan làm luận án tiến sĩ như Trần Hiệp Hải. Hắn mủi lòng,  giá Phan Lạc Nhuận  phúc phận  sống đến hôm nay để thấy thái lai một thời học trò trường Sarraut chăm ngoan , để mừng biết mấy cùng bạn bè là dẫu gian khó vô chừng, vẫn nhân lên  được cái vốn học vấn bản ban đầu  dưới mái  trường này thành người tri thức, đạo đức,  góp phận cho đời.

Hôm nay, trụ sở Ban đối ngoại trung ương Đảng rộng cửa cờ hoa đón ngót hai trăm cựu học sinh trường Sarraut về cất tiếng hát nằm  lòng học trò ngày xưa "…Say ngắm từng gian lớp xinh, lòng xao xuyến tình xưa. Bao tình thơ ngây…" Với hắn, bài diễn từ chúc mừng nồng thắm của ông phó Ban đối ngoại Trưng ương  Đảng Trần Đắc Lợi là sự thừa nhận công khai trường Sarraut là một cơ sở giáo dục đào tạo lớp lớp người trưởng thành giỏi giang,  phụng sự đất nước bằng cả tấm lòng , bằng hết  trí tuệ, là sự xác nhận chính thức đại tướng Võ Nguyên Giáp là đồng môn trường Sarraut với học giả Hoàng Xuân Hãn, nhà khoa học Đặng Phúc Thông, triết gia Trần Đức Thảo, nhà thơ Phạm Huy Thông… 

Hắn ao ước giá trường Sarraut  cũng có được một phòng truyền thống, không để làm cảnh  mà thành một động lực  nhắn nhủ đã là học trò thì phải học chăm, học giỏi để làm người tốt, người hay.

Sân trường Trần Phú nhân dịp này trồng hai cây phượng vĩ gắn bó thân thiết với tuổi học trò xưa. Là cựu học sinh cao niên nhất, ông Jacques Raux,  sinh năm 1922, được vinh dự phát biểu : Tôi mong mỏi cây phượng này ăn sâu  rễ xuống lòng đất , cành lá vươn lên sum suê trong không gian nơi đây là biểu tượng tiếp nối lớp lớp học trò trường Lycée nhỏ, trường Lycée lớn học hành tấn tới, thành  người thành đạt. 

Trường Lycée nhỏ trên đường Hai Bà Trưng, nay là trường Trần Phú,  có trước, ngay thập kỉ đâu thế kỉ 20. Năm 1923 trường Lycée lớn cất xong, mang tên Albert Sarraut. Nhưng đúng kiểu ttiếng Việt, chỉ ngắn gọn " trường  Saraut, dân Sarraut " thôi. Truyền thống văn hóa là thế.

lêlành