him Việt Cành Nam       [ Trở Về   ]         [ Trang chủ  ]         [ Tác giả ]

MỪNG THỌ ĐỨC BÀ
Xuân Sương
Con người sống được trăm năm đã hiếm, đã làm lễ thượng thượng thọ tưng bừng, huống chi một Đức Bà lịch sử 850 năm thì phải biết là cần chuẩn bị lễ lộc thế nào cho xứng.

Khởi đầu là lo âm thanh để giọng Bà vẫn tao nhã ấm áp như chuông, nên phải cải thiện bộ phận phát âm đã có từ cuối thế kỷ 18 không còn tốt nữa. Vì vậy chương trình đã được thực hiện để tháng 3-2013 tiếng Bà lanh lảnh ngân vang với 8 cái chuông mới, vào một chiều thứ 7 trước ngày Lễ Cành, khởi đầu cho một loạt các sự kiện chúc mừng sinh nhật Đức Bà Paris tròn 850 tuổi. Tám chuông này (Jean-Marie, Maurice, Benoït-Joseph, Etienne, Marcel, Denis, Anne-Geneviève, Gabriel) đúc tại vùng bắc Pháp, cộng thêm một chuông lớn tiếng trầm Marie đúc tại Hà Lan. Chúng được chuông lớn tiếng trầm đàn anh Emmanuel sinh năm 1686 mở lời đón tiếp, dưới sự chủ trì trang trọng của Đức Tổng Giám mục Paris, với Bộ trưởng Văn hoá-Thông tin Pháp và Thị trưởng thành phố Paris tham dự. Những chuông cũ, dù khi viết Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, đại văn hào Victor Hugo đã thường gặp con trai của sếp lo việc đánh chuông để tìm hiểu ngọn ngành rồi đưa linh hồn sinh động vào các trang sách, ca tụng tiếng ngân nga của chúng trong nhiều dịp quan trọng hay tang ma cưới hỏi, rửa tội..., nhưng thực tế là các chuông và chuông lớn tiếng trầm đã không ăn khớp nhau từ nhiều thế kỷ rồi. Vì vậy mới phải thay, mặc dù riêng vụ này đã tốn cả 2 triệu euros. Các vị trách nhiệm tôn giáo cho rằng đây là dấu hiệu chứng tỏ Thánh đường sống động và có thể liên kết với các sự kiện thế giới, chúng sẽ chuyển tải thông điệp vượt khỏi chúng ta. Chả thế mà tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà có một vị trí đặc biệt trong lòng dân chúng Paris, người lớn tuổi nhớ lại nỗi hân hoan thời được giải phóng khỏi gông cùm Quốc xã, giới trẻ ôm mặt khi tiếng chuông báo tử Đức Giáo Hoàng Jean-Paul II qua đời, hay tụ tập trước sân trong buổi tối khóc Michael Jackson và nghe như chuông trầm Emmanuel cùng khóc với mình. Và ai đã từng xem phim thì khó quên được hình ảnh anh Gù Quasimodo dị dạng giải cứu cô gái trẻ hát dạo xinh đẹp Esmeralda trong thiên tình bi đát mà đại văn hào Victor Hugo dàn dựng.

Về âm thanh thì cũng cần coi lại chiếc đại phong cầm của Đức Bà, là một trong những đại phong cầm quan trọng nhất nước Pháp và nổi tiếng nhất thế giới, sinh từ 1401. Trong vòng gần 4 thế kỷ nó đã được tân trang thêm bớt nhiều lần với kỹ thuật mới hơn, để đến thế kỷ 18 thì mang tầm vóc hiện tại. Dù vậy các chuyên gia làm đàn vẫn quyến luyến giữ lại những mẫu tốt nhất, nên nó vẫn còn ôm ấp một ít ống từ thời Trung cổ. Để tu bổ sửa chữa nhân dịp năm nay, một chuyên gia rạp người giữa 7374 ống của bộ máy kềnh càng này để điều chỉnh nhiều bộ lưỡi gà khác nhau, một công việc không những cần tỉ mỉ chuyên môn mà còn phải có đôi tai tinh tế khác người, vì mỗi ống phát một tầng số khác. Nó được thay thế toàn bộ hệ thống truyền dẫn âm thanh, đã được số hoá từ 1992. Và nó vừa có thêm em, một đại phong cầm nhỏ hơn nhưng cũng quý báu không kém, được đặt vào dàn hợp xướng. Ngoài những dịp lễ đặc biệt cũng như các buổi trình diễn nhạc, nó luôn tháp tùng những buổi hoà âm nhạc thánh, là một phần sinh hoạt rộn ràng của Đức Bà. Ngày Đại phong cầm Thế giới nhằm vào 6-5-2013, đã có 850 buổi hoà nhạc khắp hành tinh, kéo dài 24 giờ. Các bản nhạc trong vốn tiết mục của Đức Bà Paris được các ban nhạc vinh danh, tại các thính phòng hay nơi thờ phượng.

Cũng vào dịp này, gần 50 tác giả đã động bút cho quyển "Đức Bà Paris, sự duyên dáng của một Thánh đường" (Notre Dame de Paris, la grâce d'une cathédrale), mời độc giả viếng từng tấc đất hay kho tàng của Đức Bà với minh hoạ phong phú dồi dào, được đặt dưới sự hướng dẫn của Tổng Giám mục Paris. Họ nhắc lại Đức Giáo hoàng Alexandre III đã chính thức đặt viên đá đầu tiên tháng 4 năm 1163 trong khi viếng Paris, để các xây dựng chính kết thúc khoảng 1220 và đến năm 1351 dựng lên khu vực dành riêng cho dàn hợp xướng. Rồi thế kỷ 19 được trùng tu và thêm vào nhiều chi tiết thời Trung cổ mà trước kia không có, nghe nói cũng hơi bị chỏi. Dù vậy, dù Đức Bà với hai kiểu gô-tích (của thứ kỷ 12, rồi 1230-1350) không phải to lớn nhất, đẹp nhất của Pháp, nhưng được biết đến nhiều nhất trong các thắng cảnh. Ngồi tàu thủy du ngoạn một giờ đồng hồ dọc sông Seine, nhìn lên, sẽ chiêm ngưỡng Đức Bà với nét duyên dáng khác.

Với 20 triệu du khách hằng năm mà 14 triệu viếng bên trong, chẳng ai được biết là bên trên họ khoảng 90 mét, một chóp tháp được xây dựng năm 1860 mà không phải ai cũng được phép đặt chân, nó cho một cái nhìn tuyệt vời toàn cảnh sông Seine lờ lượn dưới kia. Năm 2004, Đức Bà có thêm bí mật mới là một bộ phận đặt trên từng lửng tránh cái nhìn của công chúng, chỉ một người điều khiển cả chục máy camera cho kênh truyền hình Cơ Đốc giáo, ghi nhận và phát đi những sự kiện lớn trong đời Đức Bà.

Khoảng 50 người làm việc tại Thánh đường, nhưng chỉ một người ở lại, để mỗi sáng mỗi chiều mở đóng các cánh cửa to lớn chạm trổ tinh vi đón chào hoặc đưa tiễn khách. Đó là chưa kể cả trăm người làm không công, như một giáo sư sử về hưu chuyên lo việc phối hợp nghi thức các buổi lễ. Từ 35 năm nay ông đã tham gia vào cuộc sống của Đức Bà, đã biết từng ngõ ngách, nhưng sau tất cả thời gian, Đức Bà vẫn không ngừng làm ông ngạc nhiên với nhiều chi tiết. Và người ta tin rằng đó là sự thần diệu mà Đức Bà chứng tỏ. Đây cũng là nơi lý tưởng cho những ai muốn gây ấn tượng, như 9 phụ nữ của phong trào Femen, hồi tháng 2 đã bước qua ngưỡng nhà thờ trong vai du khách rồi phơi bày thân thể ra với các khẩu hiệu viết trên người đại khái chống Giáo hội, dưới cái nhìn bất mãn hoảng hốt của khách năm châu đến viếng 9 cái chuông mới đang được trưng bày. Hoặc một sử gia cực hữu, tác giả nhiều sách kiêm nhà xuất bản nhiều tạp chí, đã tự tử bắn vào mồm, phản đối luật cho phép đám cưới dân đồng tính (ban bố giữa tháng 5), mấy ngày trước cuộc biểu tình lớn chống luật này vào cuối tháng.

Tâm điểm sinh nhật 850 năm là cuộc Hành hương Đại xá, tưởng tượng từ câu nói của Thánh Augustin "Ta là Con Đường tìm kẻ du hành", dành cho mọi người, kể cả dân lương, bắt đầu từ 12-12-2012 đến 24-11-2013. Lộ trình hành hương "Con đường của 850 năm" khởi đi từ sân trước Thánh đường đã tân trang cho dịp này. Trước khi được khám phá vẻ rạng rỡ của Đức Bà xuyên qua đời sống tinh thần của chốn thiêng liêng Kitô giáo, khách bước qua tháp canh mới dựng - nơi có 3 bức tranh bằng kính của hoạ sĩ kính Jacques Le Chevalier (1896-1987) -, là tháp canh tổng quát toàn bộ các sinh hoạt bên ngoài, như các cuộc trình diễn, âm nhạc, và triển lãm...

Cũng trong năm nay, Thư viện Mazarine trưng bày sách viết tay thường có hình minh hoạ, và toàn bộ sách quý hiếm, nhân chứng cho mọi phương diện hoạt động của Đức Bà từ thời Trung cổ đến Cách mạng 1789. Đây là một kho tàng quý báu về văn học, nghệ thuật và tâm linh. Ngoài ra, nhiều phạm vi khác cũng hưởng ứng, như bưu điện phát hành 2 kiểu tem đặc biệt, hay Phục Sinh vừa rồi các chuyên gia chocolat đã làm hình quả chuông mới của Đức Bà, bằng 1/5 và có hình điêu khắc như trên chuông thật (do một nữ nghệ sĩ trường Mỹ thuật thực hiện) mà trước khi nhâm nhi món chocolat ngon lành từ chất nhựa hảo hạng của Vénézuéla, người ta đã có thể hân hoan chiêm ngưỡng. Và nếu "nhiều du khách quá" là lời than của một số người, thì đó là niềm hân hoan của ban tổ chức sinh nhật Đức Bà, và các sinh hoạt thương mại chung quanh cũng bội phần sinh khí.

Xuân Sương
Paris-NT, Déc. 2013